Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

29/08/2016

Di tích lịch sử đặc biệt cấp quốc gia ở Hải Phòng kêu cứu

Đã đăng tin cấp cứu di tích ở Hải Phòng trong một entry trước, tại đây.

Các báo tiếp tục đăng bài về cùng chủ đề.

---


Thứ Bảy, 27/08/2016 08:26


Nhà máy ximăng xóa sổ di tích: Dừng trước khi quá muộn!

(Diễn đàn trí thức) - PGS.TS Bùi Văn Liêm khẳng định, giá trị lịch sử -văn hóa quý báu của di tích Thành Dền–Đấu Đong cần phải được bảo vệ, bảo tồn, tôn tạo và phát huy.


Giá trị lịch sử - văn hóa quý báu

Liên quan đến việc UBND TP Hải Phòng ra văn bản đồng ý về chủ trương cho phép Công ty Cổ phần xi măng Tân Phú Xuân (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng)  điều chỉnh công suất nhà máy lên 1,4 triệu tấn/năm, trao đổi với Đất Việt, PGS.TS. Bùi Văn Liêm, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam cho rằng, cần phải xem xét, đình chỉ ngay quyết định trên.

Nha may ximang xoa so di tich: Dung truoc khi qua muon!
PGS.TS. Bùi Văn Liêm, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam trao đổi với Đất Việt. Ảnh: Nguyễn Hoàn
Theo PGS.TS Liêm, kết luận của chủ trì Hội thảo khoa học “Đánh giá giá trị di sản văn hóa Thành Dền - Đấu Đong tại xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng” cụm di tích thôn Thiểm Khê, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên từ buổi đầu dựng nước đã là một trong những trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, quân sự và thương mại lớn ở vùng Đông Bắc Việt Nam, vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa quan trọng của thành phố Hải Phòng, truyền thống đó được kéo dài và tỏa rạng đến tận hôm nay.

“Những phát hiện khảo cổ học đã minh chứng Liên Khê là vùng đất ghi đậm dấu ấn văn hóa lịch sử trải qua nhiều thời đại.

Năm 1977, tại hang núi Trọi, đội 16 cũ đã phát hiện mộ quan tài là chậu đồng bên trong chôn theo trống minh khí, rìu xòe cân và dao đồng, niên đại văn hóa Đông Sơn.

Vào năm 2009, Bảo tàng Hải Phòng khai quật chữa cháy ngôi mộ cổ tại khu vực chân núi Thành Dền, thôn Thiểm Khê.

Đến năm 2001, trong thời gian khai quật khu mộ Điệu Tú, chúng tôi đã tiếp xúc với bộ sưu tập đồng, gốm, được chôn trong mộ quan tài là chậu đồng đã mủn nát, do công nhân phát hiện khi khai thác đá tại núi Thành Dền, thôn Thiểm Khê. Sưu tập bao gồm 2 rìu đồng xòe cân, 1 giáo đồng và 1 chậu đồng”, PGS.TS Liêm dẫn chứng.

Đặc biệt, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam còn nhấn mạnh đến đợt khảo sát được thực hiện vào tháng 8/2015 do bảo tàng Hải Phòng thực hiện đã phát hiện những tư liệu mới rất khả quan.

“Tư liệu do Bảo tàng Hải Phòng thực hiện, tháng 8/2015 đã tiến hành điều tra khảo sát khảo cổ học phạm vi xã Liên Khê, trong đó tập trung vào điều tra các khu vực núi, đồi thuộc thôn Thiểm khê và các di tích trên địa bàn thuộc xã. Đợt điều tra đã kiểm tra, xác minh lại toàn bộ tư liệu trước đây, phát hiện những tư liệu mới rất khả quan. Chúng tôi đặc biệt chú ý đến khết quả điều tra tại khu vực núi Thành Dền và khu vực Đấu Đong, sông Giá”, PGS.TS Liêm nói.

Dừng ngay khai thác trái phép, bảo vệ khu di tích

Là người trong đoàn khảo sát các di tích văn hóa lịch sử tại xã Liên Khê và được tiếp xúc, lắng nghe nguyện vọng của người dân địa phương, PGS.TS Liêm khẳng định, giá trị lịch sử - văn hóa quý báu Thành Dền - Đấu Đong đang đứng trước nguy cơ bị xóa bỏ. Vì vậy việc cần làm ngay lúc này là phải phải dừng ngay khai thác khoáng sản tại đây và lên các phương án bảo vệ, bảo tồn, tôn tạo, nghiên cứu và phát huy.

Theo PGS.TS Liêm, chuyến khảo sát tháng 7/2015 và tháng 8/2015 do bảo tàng Hải Phòng, Viện Khảo cổ học thực hiện tại hiện trường di tích Liên Khê đã gióng tiếng chuông cảnh báo về sự xâm hại di tích.

Nha may ximang xoa so di tich: Dung truoc khi qua muon!
Cảnh quan, môi trường di tích ở Thiểm khê, Liên Khê bị tàn phá do khai thác khoáng sản. Ảnh: Bùi Văn Liêm

“Việc khai thác khoáng sản sôi động, tấp nập, bừa bãi đã nhanh chóng làm biến dạng môi trường cảnh quan, địa hình, địa mạo, ảnh hưởng rất lớn tới sản xuất và đời sống nhân dân địa phương. Đặc biệt làm biến dạng, xóa sổ nhiều di tích, địa danh, di vật khảo cổ học, lịch sử vô cùng quý giá mà các thế hệ Tiền nhân để lại, gây bức xúc lớn trong nhân dân và công luận.

Với tư cách là cơ quan nghiên cứu khoa học, chúng tôi kiến nghị các cấp có thẩm quyền ở Thành Phố Hải Phòng, huyện Thủy Nguyên cần có những biện pháp hữu hiệu trong/trước hết bảo vệ di tích. Việc dừng cấp phép khai thác khoáng sản trong phạm vi di tích là cấp bách và cần thiết”, PGS.TS Liêm lo lắng.

Trước sự tàn phá và xuống cấp của các di tích, PGS.TS Liêm cho rằng, sở VHTTDL Hải Phòng cần tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn ở Trung ương xây dựng quy hoạch, bảo vệ, bảo tồn tổng thể các giá trị di sản văn hóa tại xã Liên Khê, trong đó trước mắt là thôn Thiểm Khê. Điểm nhấn là quy hoạch bảo tồn các dãy núi Cổ Ngựa, Hang Lợp, Cống Đá, Bảy Tằm, núi Thành Dền, núi đá Bụt Mọc. Từ những nghiên cứu thực tiễn đó để đề xuất các cấp có thẩm quyền Thành phố các biện pháp bảo vệ, bảo tồn, tôn tạo, nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa Thiểm Khê, Liên Khê.

http://baodatviet.vn/dien-dan-tri-thuc/nha-may-ximang-xoa-so-di-tich-dung-lai-khi-qua-muon-3317313/







Thứ Năm, 18/08/2016 13:52

Nhà máy ximăng xóa sổ di sản: Kiên quyết phản đối

(Diễn đàn trí thức) - TS Đoàn Trường Sơn không đồng ý việc mở rộng công suất nhà máy xi măng Tân Phú Xuân vì lo ngại có thể phá hủy các di tích lịch sử.

Lo ngại phá hủy di tích lịch sử địa phương

Liên quan đến việc UBND TP Hải Phòng ra văn bản đồng ý về chủ trương cho phép Công ty Cổ phần xi măng Tân Phú Xuân (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng)  điều chỉnh công suất nhà máy lên 1,4 triệu tấn/năm và triển khai thực hiện Dự án trong giai đoạn 2015 – 2018, trao đổi với Đất Việt, TS Đoàn Trường Sơn, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Hải Phòng khẳng định đã có những kiến nghị gửi các cấp bày tỏ quan điểm của hội.

Theo TS Đoàn Trường Sơn, khu vực sản xuất của nhà máy xi măng Tân Phú Xuân (xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên) nằm liền kề với nhiều di tích lịch sử văn hóa của địa phương như: Thành Dền – Đấu Đong của nhà Mạc, một số di tích khảo cổ, tìm thấy một số hiện vật của thời cổ xưa, thời Đông Sơn.

Nha may ximang xoa so di san: Kien quyet phan doi
TS Đoàn Trường Sơn cho biết không đồng ý việc mở rộng công suất nhà máy xi măng Tân Phú Xuân vì lo ngại có thể phá hủy các di tích lịch sử. Ảnh: Báo đầu tư

“Hội sử học cũng có vài lần ký văn bản cùng với Liên hiệp hội Hải Phòng để kiến nghị về những lo ngại mở rộng quy mô nhà máy xi măng Tân Phú Xuân. Chúng tôi cũng  tổ chức một cuộc hội thảo với sự tham gia của các nhà khoa học, khảo cổ, lịch sử. Kết luận được đưa ra là yêu cầu dừng khai thác, mở rộng nhà máy xi măng đồng thời phải bảo tồn các nơi đã phát hiện ra di sản. Nếu tiếp tục khai thác thì các di tích lịch sử sẽ bị phá hủy và không thể bảo tồn được nữa”, TS Sơn nhấn mạnh.

Với những lo ngại trên, TS Sơn cho biết cá nhân ông và Hội Khoa học Lịch sử Hải Phòng đã có những quan điểm rõ ràng về việc này.

“Quan điểm của tôi là không cho nhà máy xi măng tăng công suất lên tới 1,4 triệu tấn/năm nữa và những khu vực nào theo các nhà khảo cổ, nhà sử học đánh giá là di tích cần bảo vệ thì không cho đụng vào. Những chỗ nào không dính đến thì có thể cho phép khai thác”, TS Sơn nói.

Bên cạnh đó, một vấn đề mà Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Hải Phòng đề cập đến là những khó khăn trong việc bảo tồn các di tích văn hóa tại địa bàn xã Liên Khê. 

“Nói thật là chính quyền đã cấp phép cho họ hoạt động mấy chục năm rồi, giờ muốn đình chỉ hoạt động cũng rất khó. Chỉ có cách phối kết hợp làm sao hài hòa giữa sản xuất và bảo tồn các di sản văn hóa lịch sử.

Thứ hai là trên địa bàn có di tích lịch sử văn hóa Thành Dền – Đấu Đong và một số di tích khảo cổ nhưng có 1 cái dở là những cái này chưa sếp hạng. Tất cả chỉ là dấu hiệu sử sách, sử xưa người ta viết lại như thế. Do chưa khoanh vùng xếp hạng nên rất khó”, TS Sơn đánh giá.

Nhiều người dân địa phương kêu than

Từng là người xuống trực tiếp các di tích văn hóa lịch sử tại xã Liên Khê và gặp gỡ người dân, TS Sơn khẳng định, nhiều hộ gia đình đã lên tiếng phản đối việc xây dựng và mở rộng nhà máy xi măng Tân Phú Xuân.

“Dân địa phương tại đó cũng bị phân hóa. Một số người bị ảnh hưởng trực tiếp đời sống, sinh hoạt thì kêu than. Một nhóm lại có quyền lợi, được lao động, được làm ở đó.

Kỳ họp trước  HĐND thành phố Hải Phòng đã đồng ý và quyết định cho nhà máy xi măng khai thác với công suất cao hơn. Cái đó bị người dân kêu than và phản đối”, ông Sơn nhấn mạnh.

Trước những kiến nghị, văn bản phản đối của Liên hiệp hội Hải Phòng gửi các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, thành phố về dự án nhà máy xi măng Tân Phú Xuân, TS Sơn khẳng định việc này là cần thiết.

“Kiến nghị của Liên hiệp hội Hải Phòng cũng chính đáng để bảo vệ di tích lịch sử văn hóa tại địa phương. Trước đây, Hội sử học Hải Phòng cũng có ký cùng với họ nhiều văn bản gửi các cấp. Nhưng hiện nay chúng tôi đã có quan điểm rõ ràng về việc này rồi nên không tham gia cùng Liên hiệp hội Hải Phòng nữa”, TS Sơn khẳng định.

Hoàng Hải 
http://baodatviet.vn/dien-dan-tri-thuc/nha-may-ximang-xoa-so-di-san-kien-quyet-phan-doi-3316577/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.