Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

10/08/2016

Nhà văn kêu cứu : Di tích nhà Mạc ở Thành Dền (Thủy Nguyên, Hải Phòng) đang bị tàn phá


Bài của nhà văn Lưu Văn Khuê (Hải Phòng) và vừa xuất hiện trên trang Mạc tộc.



---




Di tích nhà Mạc ở Thủy Nguyên kêu cứu !

Lưu Văn Khuê, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hải Phòng

Nhà Mạc có hai thời kỳ: Ở Thăng Long - 65 năm (1527 - 1592) và Cao Bằng - 91 năm (1592 - 1683), tổng cộng 156 năm. Riêng những năm ở Thăng Long thời gian tồn tại đã hơn các triều đại Ngô (939 - 965), Đinh (968 - 980), Tiền Lê (980 - 1009), Hồ (1400 - 1407), Tây Sơn (1778 - 1802). Vậy mà cả một thời gian dài triều Mạc bị coi là "nhuận triều" bởi các sử gia nhà Lê trung hưng và nhà Nguyễn. Nhưng lòng dân thì khác, bao dung và công bằng hơn các nhà viết sử nên bất chấp sử sách thiên vị, trong tâm thức dân gian, dấu ấn nhà Mạc vẫn đậm nét. Bằng chứng là rất nhiều công trình của nhà Mạc được nhân dân gọi bằng tên của đích danh triều đại này: Hải Phòng, Lạng Sơn, Tuyên Quang có Thành Nhà Mạc; Quảng Ninh thì những ba thành, ở Hoành Bồ, Cẩm Phả và bờ sông Chanh. Quảng Ninh còn có đầm Nhà Mạc, cách Đình Vũ bởi sông Bạch Đằng. Hải Phòng có Đường Nhà Mạc (nay là phố Trực Cát, phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân); Sông Nhà Mạc (sông đào) ở núi Voi; có đường Thiên Lôi (tướng Mạc là Phạm Tử Nghi mỗi lần tập võ ở đấy sấm sét lại nổi lên, nên con đường được dân chúng gọi vậy). Chỉ riêng Thủy Nguyên cũng đã rất nhiều: Thành Nhà Mạc, Đường Nhà Mạc, Đê Nhà Mạc, Rừng Nhà Mạc, Mả Ba Vua nhà Mạc... Thử hỏi có triều đại nào các di tích lại được gọi như vậy và được nhân dân trân trọng gìn giữ hàng bao đời nay như thế ? - Vậy mà các di tích ấy ở Thủy Nguyên lại đang khẩn thiết kêu cứu bởi nguy cơ không còn dấu vết, do việc khai thác đất, đá. Chuyện không mới nhưng không phải quá xưa, vì chỉ xảy ra hơn chục năm nay và mức độ ngày càng thậm tệ. Giới khoa học xã hội và nhân văn ở Hải Phòng hiện đang rất bức xúc với việc này. Tôi là tác giả tiểu thuyết lịch sử Mạc Đăng Dung nên đặc biệt quan tâm đến chuyện nhà Mạc, do đó cũng không thể kìm lòng.   

Phải thấy tầm giá trị lịch sử của các di tích nhà Mạc ở Thủy Nguyên, thì mới thấy việc gìn giữ là quan trọng thế nào. Đó là một trong những gì còn lại của Vương triều Mạc, mà đằng sau là cả một lịch sử bi hùng và Hải Phòng chính là cái nôi của bản hùng ca bi tráng ấy. Nhà Mạc có bao nhiêu đời vua, giới nghiên cứu còn chưa thật sự thống nhất. Đa số nói 5: Mạc Đăng Dung, Mạc Đăng Doanh, Mạc Phúc Hải, Mạc Phúc Nguyên, Mạc Mậu Hợp. Một số nói 6 vì Mạc Mậu Hợp bại trận trước khi chạy trốn đã trao ngôi cho con là Mạc Toàn, nhưng chưa được bao ngày cả hai cha con đều bị nhà Lê - Trịnh bắt. Báo cáo của Hội đồng Mạc tộc Hải Phòng tại Đại hội Mạc tộc thành phố lần thứ nhất (11/2/2012) lại tính là 10, ngoài các vị kể trên còn có những vị mà hầu hết ở Cao Bằng: Mạc Kính Chỉ, Mạc Kính Cung, Mạc Kính Khoan, Mạc Kính Vũ. Trong Nhà Mạc và họ Mạc ý chí và mục tiêu chiến lược (NXB Dân trí, 2011) Giáo sư Tiến sĩ khoa học Phan Đăng Nhật, Chủ tịch Hội đồng Mạc tộc Việt Nam còn tính thêm nữa, tổng cộng là 12.  

Vua Thái tông Mạc Đăng Doanh có bảy con trai, Mạc Phúc Hải là con trưởng, sau này lên ngôi. Ninh vương Mạc Phúc Tư là thứ hai, Khiêm vương Mạc Kính Điển thứ ba, Ứng vương Mạc Đôn Nhượng thứ bảy, đều là những rường cột của nhà Mạc. Để chống lại nhà Mạc, tập đoàn Lê - Trịnh đã cầu cứu nhà Minh, kích động họ gây chiến với nhà Mạc. Giáo sư Phan Đăng Nhật nghiên cứu thấy nhà Lê - Trịnh sang Bắc quốc cả thảy 6 lần vào các năm 1529, 1533, 1537 (năm này riết róng tới 3 lần); vua Minh thì 11 lần bàn việc đánh nhà Mạc nhưng quần thần do dự bởi chính nhà Minh đang bị nhà Mãn Thanh uy hiếp ở phương Bắc. Sách Minh thực lục của Trung Quốc có ghi điều này. Tuy nhiên quân Minh vẫn áp sát biên giới đe dọa, hạch sách nhà Mạc, gay gắt nhất là năm 1540 khiến Mạc Đăng Dung đành một mình chịu khổ nhục để đất nước và muôn dân tránh họa xâm lăng, đấy là điều cần trân trọng ở ông, nên có người nói đó là "sự hèn nhát vĩ đại". Ngoài mặt nhẫn nhịn, trong lòng cứng cỏi, Mạc Đăng Dung vẫn điều quân lên mạn Bắc để sẵn sàng nghênh chiến, chính điều này mới làm nhà Minh nhụt chí. Mạc Phúc Tư thì được giao cai quản vùng ven biển Đông Bắc, đề phòng giặc  theo lối sông Bạch Đằng. Ông lập hệ thống phòng thủ dọc hai bờ sông, ở bờ Nam có Thành Dền, Đấu Đong, Đượng Voi và đại bản doanh ở núi Phượng Hoàng (nay thuộc xã Minh Đức); một số công trình dân sinh như đê điều, đường sá cũng ra đời, được nhân dân cảm mến.  

Thành Dền ở Thủy Nguyên còn có tên thành Thạch Bích, cũng thường được gọi là Thành Nhà Mạc, chu vi phỏng đoán khoảng 4000m, nay trải qua sự phong hóa khắc nghiệt của thời gian và sự tàn phá của con người, di tích hiện chỉ còn ít nhiều ở thôn Quỳ Khê (nơi ngã ba sông Đá Bạc và sông Giá), thuộc xã Liên Khê. Phía Tây Nam thành là Đấu Đong. Gần đấy là Đượng Voi. Đấu Đong là gọi tắt, gọi đầy đủ là "đấu đong quân", một khoảng đất đã được giới hạn phạm vi dùng để điểm binh và luyện quân. Đấu Đong ở Liên Khê là gò đất hình bán nguyệt, diện tích phỏng đoán khoảng 7000 m2. Núi Voi bên An Lão có thung lũng gọi là Đấu Đong Quân và cũng của nhà Mạc. Đấu Đong và Đượng Voi cũng không còn nguyên vẹn như trước.

Nhà Lê trung hưng. Sau khi cha con Mạc Mậu Hợp, Mạc Toàn bị bắt, con trưởng của Khiêm vương Mạc Kính Điển là Mạc Kính Chỉ tiếp tục sự nghiệp nhà Mạc nhưng chẳng bao lâu cũng bị bắt ở Hoành Bồ cùng hơn 60 thân vương; tất cả đều bị hành quyết ở Thảo Tân, nay là Bến Thảo, Chí Linh, Hải Dương. Sự trả thù tưởng sẽ làm tàn dư nhà Mạc khiếp sợ hóa ra lại khiến họ tử thủ đến gần 100 năm bởi hiểu rằng đầu hàng cũng khó thoát khỏi cái chết. Quân Lê - Trịnh đánh tới vùng Đông Bắc, quân Mạc những ai quyết không đầu hàng, trốn vào hang núi đều bị lửa hun chết. Mạc Phúc Tư và hai thân vương thoát khỏi cuộc truy đuổi ở Hoành Bồ, rút về Thành Dền và tiếp tục bị truy sát. Lúc này ông đã 69 tuổi, lại bị trọng thương, đau buồn trước cơ đồ nhà Mạc không còn hy vọng cứu vãn, đã cùng hai thân vương ra cánh đồng ven sông tự sát, đó là ngày 22/2 Quý Tị (1593). Dân trong vùng an táng các ông, gọi phần mộ là Mả Ba Vua, lập miếu thờ và lưu truyền câu "Cửa nghè đồng dưới Mả ba vua Mạc".

Lê Quý Đôn trong  Đại Việt thông sử có chép về cái chết của một số vua và thân vương nhà Mạc, riêng với Mạc Đăng Dung, Mạc Mậu Hợp, Mạc Toàn còn viết cả sự trừng trị và truy phạt của nhà Lê. Các quan văn võ bàn đem Mạc Mậu Hợp "xử theo luật lăng trì (tùng xẻo) để làm gương; lại đem thủ cấp tế cáo nhà tôn miếu, để rửa nhục của tiên vương và bớt giận của thần nhân. Quan tiết chế không nỡ gia cực hình, bèn đem ra treo sống Mậu Hợp ba ngày, rồi chém đầu tại bãi cát Bồ Đề, đem thủ cấp hiến hoàng đế ở thành tại Vạn Lại xứ Thanh Hoa, đóng đinh vào hai con mắt, rồi bêu đầu ngoài chợ". Mạc Toàn thì "thế cô, ngầm trốn, cũng bị quan quân bắt được, đem chém đầu tại bến Thảo Tân".  Mạc Đăng Dung sau khi mất, được triều Mạc đặt tên thụy và miếu hiệu rồi "Tháng10 ngày Canh thân, an táng tại Long Sơn, mộ hiệu là An Lăng... Sau Bình An vương (Trịnh Tùng) giúp Thế tông Nghị hoàng đế (Lê Duy Đàm) khôi phục kinh sư, giết hết bọn ngụy đảng; đem quân phá hết cung điện ở Cổ Trai; hủy bia đá ở mộ; chặt hết cây trồng trong lăng. Đó là tỏ sự truy phạt vậy".  

Với sự trả thù khốc liệt như vậy, thì Mả Ba Vua dĩ nhiên không thể yên, nhưng  Lê - Trịnh biết đến thì đã muộn, ngôi mộ đã biến mất ! Biến đi đâu ? - Con cháu đã đưa hài cốt các ông về táng ở Đống Án, trang Hùng Khê, nay là thôn Câu Tử Nội, xã Hợp Thành, Thủy Nguyên; đồng thời đặt tên thụy Mạc Phúc Tư là Mạc Phúc Triệu để giấu tung tích. Như vậy "Ba Vua" là do dân chúng gọi, vì thực chất chỉ là ba thân vương. Các tài liệu cũng chỉ nhắc đến Mạc Phúc Tư, hai thân vương nữa không rõ danh tính.

Trong khi con cháu nhà Mạc phải thay tên đổi họ và lẩn tránh khắp nơi, thì ở Câu Tử Nội, những người họ Mạc vẫn giữ nguyên họ và được nhà Lê - Trịnh để yên. Nguyên là, những năm ở trang Hùng Khê, Mạc Phúc Tư lấy bà Đoàn Thị Từ Linh, sinh được ba con trai là Mạc Thuần Trực, Mạc Đạo Trai, Mạc Tảo An. Năm 1573 Đạo Trai theo chú là Khiêm vương Mạc Kính Điển vào Thanh Hoa đánh nhà Lê, không may bị bắt. Thấy ông tướng mạo oai phong, tài kiêm văn võ bèn nảy âm mưu "dùng người họ Mạc đánh họ Mạc", nên dụ hàng và gả con gái là Quận chúa Trịnh Thị Nhân. Mạc Đạo Trai vẫn ngầm tính chuyện trở lại với nhà Mạc, nhưng rồi thấy cơ đồ nhà Mạc không thể cứu vãn ông đã tự sát để bảo toàn danh tiết.

Mạc Phúc Tư tuẫn tiết, nhưng con trưởng là Mạc Thuần Trực vẫn cùng tôn thất là Mạc Huệ Khánh cố thủ Thành Dền đến 5 tháng, sau phải rút chạy, dọc đường Thuần Trực tử trận, Huệ Khánh thoát về Giáp Sơn, đổi họ tên, lập nên làng Mai Sơn, nay là Trại Sơn, An Sơn, Thủy Nguyên.

Quận chúa Trịnh Thị Nhân ở vậy và không có con trai, nên xin Mạc Hữu Đạo là con Mạc Thuần Trực làm con và đưa về kinh sư dạy dỗ. Lớn lên Hữu Đạo dần dần được ban tới tước Thương Xá hầu, nhưng treo ấn từ quan, đưa mẹ về quê ông cha là Hùng Khê. Họ Mạc ở đấy vì thế không phải đổi họ và phát triển đến ngày nay.

Đặc biệt, ở Thiểm Khê có ngôi mộ ngờ là mộ Mạc Đăng Dung, do việc khai thác đá đã làm phát lộ. Chuyện xảy ra vào năm 2006 khi một công ty phía Bắc núi Phượng Hoàng đã làm bật một ngôi mộ cổ có kích thước lớn, dân ở đây nói là mộ vua Mạc Đăng Dung, nên công ty nọ đã chuyển tới an táng ở phía Nam núi cách nơi cũ chừng 500m.  

Nơi chôn cất vua chúa ngày trước ở Trung Quốc, Việt Nam, Mông Cổ, Triều Tiên, Nhật Bản thường được giữ bí mật, cùng với mộ thật còn có nhiều mộ giả  đề phòng thế lực đối địch đào lên! Nhà Mạc thừa hiểu điều đó bởi Mạc Đăng Dung lật đổ nhà Lê, nhưng ông và các đời vua sau không diệt được tận gốc nên nhà Lê vẫn tồn tại ở Thanh Hoa ([1]và cuộc chiến mỗi lúc một bất lợi cho nhà Mạc. Do vậy nơi an táng Mặc Đăng Dung chắc chắn phải bí mật tuyệt đối. "Long Sơn", nơi an táng Mạc Đăng Dung Đại Việt thông sử nói đến liệu có phải là núi Phượng Hoàng? Có thể lắm, vì khi chuyển mộ mọi người thấy "trong quan ngoài quách" và rất lớn (dài 4m, rộng 1,9m, cao 1,6m) mà chỉ mộ vua chúa mới thế, lại được táng sâu vào lòng núi đến 9m, bí mật tới mức chỉ do khai thác đá vô tình làm phát lộ mới biết. Nếu đúng như vậy, thì ai đó "có công" trong việc phát hiện ra ngôi mộ thì "công" may mắn lắm cũng chỉ đủ bù cho "tội", bởi nếu đúng đó là mộ Mạc Đăng Dung, thì hãy để Hoàng đế yên nghỉ nơi ngài muốn. Nhưng đành vậy vì sự đã rồi. Có điều, nơi yên nghỉ mới của nhà vua cũng chẳng được yên bởi mìn nổ, đá rơi và những đoàn ô tô trọng tải lớn nối nhau hết ngày này sang ngày khác, làm cả một vùng rung chuyển và nồng nặc khói bụi.  

Ngày 30/5/2013 ông Lê Xuân Lựa ở Chi hội Lịch sử Thủy Nguyên viết trên facebook:"Thành Dền đang bị khai thác đất đá làm vật liệu xây dựng, nguy cơ di tích mất trong vài năm nữa". Phải chăng vì vậy, tháng 8/2015 các nhà khảo cổ vội tiến hành khai quật vùng Thành Dền mong cứu vớt những gì còn lại, ngày 3/10/2015 một hội thảo được tổ chức, các di chỉ tìm thấy được công bố vàmactocvietnam.vn của Ban liên lạc họ Mạc đã đưa nội dung chi tiết lên mạng. Tiếng kêu cứu rền rĩ bao nhiêu năm đã thấu tới trời xanh, nhưng sự việc chẳng những không hề dừng lại mà còn "rúng động" hơn nên Báo Hải Phòng điện tửngày 12/3/2016 lại phải đem tới bạn đọc thông tin không mới nhưng nóng hổi: Thành Dền tiếp tục bị tàn phá!...    

Nhà Mạc không còn, con cháu Mạc Đăng Dung bị truy lùng đến mức phải thay tên đổi họ, các sinh linh hàng trăm năm phiêu bạt, mỗi số phận chứa một phần lịch sử dù rất riêng, rất nhỏ, nhưng không một ai cam chịu ngậm ngùi. Và  chuyện "vấn tổ tầm tông" của con cháu nhà Mạc từng diễn ra bao chuyện li kỳ và cảm động. Việc thay đổi không tùy tiện mà ngầm quy ước một số nguyên tắc để sau này con cháu nhận ra nhau. Một trong những quy ước đó là "khử túc bất khử thủ" (bỏ chân không bỏ đầu), do chữ Mạc (ở Hán tự) có "thảo đầu", nên con cháu phải đổi ra họ nào mà chữ bên dưới bất kỳ nhưng bên trên có "thảo đầu", đó là các họ Hoàng, Phạm, Cát, Thái, Lê...; cụ thể hơn thì lấy thêm chữ "Đăng" làm tên lót thành Hoàng Đăng, Phạm Đăng, Lê Đăng...; hoặc chỉ cần có chữ "Đăng"; hoặc nữa, đổi ra họ mẹ (các hoàng hậu, phi tần, hoàng tức - con dâu vua): Bùi Đăng, Hoàng Cao... Tuy nhiên cũng có những chi họ không theo các quy ước trên nên mãi mới biết mình là gốc Mạc, trong đó không hiếm trường hợp được biết là do vô tình. Có người dòng máu Mạc tộc mạnh đến mức gần như dành cả cuộc đời đi các nơi, kể cả sang Trung Quốc, chỉ để chắp nối họ tộc.

Tương truyền Trạng Trình có câu sấm hết sức bí ẩn trải hàng trăm năm chẳng ai hiểu nghĩa: "Tứ bách niên tiền chung phục thủy/ Thập tam thế hậu dị nhi đồng"(Bốn trăm năm trước, cuối cùng lại như ban đầu/ Mười ba thế hệ sau, khác nhau sẽ hợp làm một). Mãi đến năm 1992 mới vỡ nhẽ, thì ra Nguyễn Bỉnh Khiêm tiên tri rằng 400 năm sau con cháu nhà Mạc sẽ lại đoàn tụ. Tính ra từ năm 1592 lúc nhà Mạc bị đánh bại và mất kinh thành, tôn thất tan tác, đến năm 1992 thì đúng là 400 năm, nhiều sự kiện diễn ra giúp con cháu nhà Mạc các nơi nhận ra mình cùng nguồn gốc, từ đó liên hệ với nhau. Và hai năm sau, vào trung tuần tháng 8/1994 con cháu nhà Mạc khắp nơi trên toàn quốc đã náo nức tìm về Kiến Thụy, Hải Phòng dự hội thảo khoa học về Vương triều Mạc.

Nhờ Trạng Trình chỉ cho đất Cao Bằng, nên con cháu nhà Mạc bảo tồn được đến ngày nay, mang ơn ông họ thường viếng thăm đền thờ Trình Quốc công ở Vĩnh Bảo. Có năm ngày giỗ Trạng cả một vùng như nhuộm màu áo chàm, đó là con cháu nhà Mạc, giờ đã thành người thiểu số với các họ Mạc, Mai, Vương, Bế, Hoàng Đăng. Năm 2010 Khu tưởng niệm nhà Mạc được khánh thành ở Kiến Thụy, từ đó dường như ngày nào con cháu nhà Mạc các nơi cũng tới bái viếng, đông nhất là ngày giỗ Mạc Thái Tổ (22/8 âm lịch).

Sở dĩ họ Mạc ở Cao Bằng được giữ nguyên danh tính, bởi trải qua gần 100 năm, con cháu nhà Mạc thấy không thể làm gì khác được nên quy phục, nhà Lê - Trịnh thì cũng đã quá mỏi mệt nên chấp nhận, có câu ca phản ánh nỗi khổ của dân chúng nhà Lê Trung hưng những năm binh lửa ấy: "Cái cò lặn lội bờ sông/ Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non/ Nàng về nuôi cái cùng con/ Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng". 
     
Đến tháng 6/2000 đã thống kê được 368 chi họ Mạc và gốc Mạc ở 25 tỉnh, thành phố rải suốt Bắc Trung Nam, trong đó có những tên tuổi như: Tổng đốc Hà Nội Hoàng Diệu, các liệt sĩ Phạm Hồng Thái, Lê Hồng Sơn, Phan Đăng Lưu; các giáo sư Hoàng Tụy, Hoàng Phê, Vũ Đình Cự, nhạc sĩ Hồng Đăng, các nhà văn Hoàng Trần Cương, Bùi Bình Thi... - đó là nói có sách mách có chứng, còn nghe nói thì nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, đương kim ủy viên Bộ chính trị Trung ương Đảng Đinh Thế Huynh cũng người gốc Mạc. Hải Phòng có các chi họ Mạc, Hoa (tức Khoa), Phạm, Hoàng, Đào, Lê, Cù, Phạm, Vũ, Dương, Đỗ Đăng (Giới khoa học kỹ thuật và văn học nghệ thuật Hải Phòng hiện được biết có Tiến sĩ Hoàng Văn Kể, nhà văn Nguyễn Tùng Linh, kiến trúc sư Khoa Năng Du).

Cái nhìn đổi mới giúp chúng ta đánh giá công bằng với Vương triều Mạc, một trong sự khẳng định là nhiều đường phố đã mang tên Mạc Đăng Dung (hoặc mang tên  Mạc Thái tổ) và Mạc Đăng Doanh (Mạc Thái tông) ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí  Minh, ở Quảng Yên, thành phố Hạ Long - Quảng Ninh, Bỉm Sơn - Thanh Hóa, Pleiku - Gia Lai, Krongbuk - Đak Lak. Hải Phòng sớm đi đầu trong việc này với đường Mạc Đăng Doanh, Mạc Quyết (em Mạc Đăng Dung), Nguyễn Như Quế (tướng thời Mạc, quê ở Kiến Thụy), phố Phạm Gia Mô, phố Vũ Hộ, phố Mạc Phúc Tư và đường Vũ Thị Ngọc Toàn. Sớm hơn cả phải kể đến phố Phạm Tử Nghi, quận Lê Chân; có điều, đến nay Mạc Đăng Dung vẫn chưa được đặt cho đường phố nào ở Hải Phòng - sự thận trọng quá mức cần thiết hay niềm trân trọng ấp ủ cốt dành cho một đại lộ sau này?      

Nhưng, dù có ghi công và tưởng nhớ đến mấy cũng đừng quên những việc làm thiết thực, trong đó có việc bảo vệ các di tích lịch sử và trước mắt xin hãy đừng hủy hoại tiếp nữa những dấu tích nhà Mạc ở Thủy Nguyên.  
Đăng tải: BBT Mactoc.com - HSH


([1]) Đến đời Nguyễn Minh Mạng mới đổi thành Thanh Hóa để tránh tên Tá Thiên Nhân hoàng hậu Hồ Thị Hoa mất sớm. Đồng thời đổi tên chợ Đông Hoa thành Đông Ba, bắt phải gọi hoa là huê.



1. Khu vực Thành nhà Mạc xưa




2. Khu vực Thành nhà Mạc đang bị tàn phá 




http://mactoc.com/newsdetail/3608/di-tich-nha-mac-o-thuy-nguyen-keu-cuu.aspx

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.