Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

25/08/2016

Làng Thanh Chiêm (Quảng Nam) với chữ quốc ngữ

Lần trước là về khu vực Bình Định (xem lại ở đây).

Lần này là về Thanh Chiêm.

Vị trí quan trọng của Đắc Lộ càng được chứng tỏ.

Tin từ các nơi.


---





Thứ Tư, 24/08/2016 22:06


(Thethaovanhoa.vn) - Câu hỏi ai là người đầu tiên đặt nền móng cho chữ Quốc ngữ và công cuộc đi tìm “cái nôi” sinh ra chữ Quốc ngữ trải qua hàng chục năm nghiên cứu, đến nay vẫn chưa có một lời giải.


Một cuộc hội thảo nữa tiếp tục được tổ chức vào ngày 24/8 tại TP Hội An (Quảng Nam) với chủ đề “Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ” nhằm đi đến một thống nhất khoa học.

Giáo sĩ Francisco De Pina hay Alexandre de Rhodes?
Cùng với hai hội thảo “Dinh trấn Thanh Chiêm” tổ chức vào năm 2002 và “Ngày hội Dinh trấn Thanh Chiêm” vào năm 2007, Hội thảo “Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc Ngữ” một lần nữa đã khẳng định giáo sĩ Francisco De Pina (1585-1625) chính là người đầu tiên đặt nền móng cho chữ Quốc ngữ chứ không phải giáo sĩ Alexandre de Rhodes (1593-1660) như từ trước đến nay mọi người vẫn đang lầm tưởng.
Nhà Sử học Dương Trung Quốc cho rằng, một thời gian rất dài chúng ta đã nhắc đến Alexandre des Rhodes và đúng là ông có một vai trò hết sức quan trọng cho chữ Quốc ngữ, quan trọng nhất là những di khảo mà ông để lại đến ngày hôm nay là cuốn từ điển Việt – Bồ - La và cuốnPhép Giảng Tám Ngày (xuất bản 1651). Và trong điều kiện tư liệu lúc đó cho thấy ông Alexandre de Rhodes đúng là người có đóng góp rất lớn.

Nhà Sử học Dương Trung Quốc cho rằng chính giáo sĩ Francisco De Pina là người đặt nền móng cho chữ Quốc ngữ. Ảnh: Hoàng Yến
“Tuy nhiên, sau này khi chúng ta có điều kiện nghiên cứu nhiều hơn, kể cả bạn bè quốc tế có điều kiện để tiếp cận đến những nguồn tư liệu rất khó tiếp cận như là thư khố của giáo hoàng, thư khố ở Bồ Đào Nha… thì họ mới thấy được ông Pina là một người không những đi trước mà bản thân ông là thầy, để lại rất nhiều những dấu ấn và bằng chứng lịch sử cho thấy ông là người đến sớm nhất và giỏi tiếng Việt nhất ở thời điểm đấy. Chúng ta tôn vinh theo một cách công bằng nhưng không vì thế mà hạ thấp người này, tôn vinh người kia mà chỉ là làm cho sự thật sáng rõ hơn, sự tôn vinh chính xác hơn” – Nhà Sử học Dương Trung Quốc khẳng định.
Đồng quan điểm trên, Nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng cho rằng, Pina đã học tiếng Việt và trở thành giáo sĩ đầu tiên giảng đạo cho tín đồ bản địa mà không cần phiên dịch. Giáo sĩ cũng đã dạy tiếng Việt cho một số giáo sĩ khác trong đó có Alexandre de Rhodes (người Pháp), Antonio de Fonte (Bồ Đào Nha) hay Girolarmo Majorica (Ý),… mới được cử đến Thanh Chiêm vào cuối năm 1624. Cũng tại Thanh Chiêm, Pina đã biên soạn tài liệu về Phương pháp Latinh hóa tiếng Việt và cuốn Ngữ pháp tiếng Việt, lập trường đào tạo phiên dịch tiếng Bồ Đào Nha chủ yếu phục vụ hoạt động truyền giáo.

Đình làng Thanh Chiêm hiện nay. Ảnh: Hoàng Yến
Trong lời nói đầu của cuốn từ điển Việt – Bồ - La, Alexandre de Rhodes viết có đoạn, “Ngoài ra, tôi còn lợi dụng công việc của các giáo sĩ khác cũng thuộc dòng Tên, nhất là Gaspar do Amaral và António Barbosa. Cả hai ông này đều làm mỗi ông một cuốn từ vựng, ông Gaspar do Amaral làm cuốn Việt – Bồ, ông António Barbosa làm cuốn Bồ - Việt, nhưng tiếc rằng cả hai ông đều mất sớm. Tôi lợi dụng công việc của hai ông viết ra cuốn từ vựng mới, có chứa thêm tiếng Latinh”.
“Tôi đã từng học với Francisco De Pina, một người Bồ Đào Nha thuộc dòng Tên hèn mọn của chúng tôi. Ông là người rất giỏi tiếng bản xứ và là người đầu tiên dám tự giảng bằng tiếng bản xứ” – de Rhodes thừa nhận.
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đi đến kết luận rằng chính Francisco De Pina là người đã đặt nền móng đầu tiên cho việc khai sinh chữ Quốc ngữ, Alexandre de Rhodes là người có công trong việc biên tập, chỉnh lý, tu sửa một thứ chữ đang thời kỳ phôi thai. Có thể de Rhodes không giỏi chữ Quốc ngữ như các linh mục Pina, Amaral hay Barbosa, nhưng ông may mắn hơn các giáo sĩ khác là sách của ông đã được xuất bản và tồn tại cho đến ngày hôm nay. Do đó, có thể ông không giữ địa vị công đầu nhưng công lao đó cũng đáng được tôn vinh.
Đề xuất công nhận Thanh Chiêm là di tích cấp quốc gia
Trong số 69 tham luận (song ngữ Anh – Việt) gửi đến hội thảo, có 30 tham luận bàn về chủ đề “Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ”. Trong đó có 22 tham luận xác quyết Thanh Chiêm là nơi khai sinh ra chữ Quốc Ngữ, 4 tham luận ghi nhận “Thanh Chiêm là một trong những cái nôi đầu tiên quan trọng nhất sáng tạo ra chữ Quốc Ngữ” và 1 tham luận cho rằng nơi khai sinh ra chữ Quốc ngữ không phải là Thanh Chiêm mà là Cần Húc (Quảng Nam) vì đó mới là nơi đặt dinh trấn Quảng Nam và “Chúng ta chưa tìm ra được một tài liệu nào nói rõ Thanh Chiêm là nơi đặt lỵ sở dinh Quảng Nam, hay là nơi ra đời chữ Quốc Ngữ” – tham luận của ông Ngô Văn Minh khẳng định điều này.

Hàng trăm đại biểu gửi tham luận và cùng phân tích về mối liên hệ giữa Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ.  Ảnh: Hoàng Yến
Ông Ngô Văn Minh cho rằng, trong bức thư tay được giáo sĩ Pina viết năm 1623 gửi cha bề trên có đoạn: “Về vấn đề ngôn ngữ thì luôn luôn ở Kẻ Chàm chính là nơi tốt nhất”. Còn giáo sĩ Cristoforo Borri trong cuốn tường trình về xứ Đàng Trong cũng chỉ viết: “Xứ Đàng Trong chia thành năm tỉnh. Tỉnh thứ nhất là nơi chúa ở ngay sát xứ Đàng Ngoài gọi là Thuận Hóa. Tỉnh thứ 2 là Cacciam, nơi hoàng tử làm trấn thủ. Tỉnh thứ ba là Quamguia. Tỉnh thứ 4 là Quingnim, người Bồ đặt tên là Pulucambis và tỉnh thứ năm là Reran”, chứ không hề có một chữ Thanh Chiêm nào nên không thể nói Thanh Chiêm là nơi ra đời dinh trấn đầu tiên của Quảng Nam dưới thời chúa Nguyễn.
Theo ông Minh, muốn tìm nơi ra đời của chữ Quốc ngữ, phải tìm nơi đặt lỵ sở dinh Quảng Nam thời các chúa Nguyễn. Trong khi đó, những tài liệu chính sử và những địa danh, dấu tích còn sót lại ở Duy Xuyên cho thấy lỵ sở ban đầu của dinh Quảng Nam ở thời chúa Nguyễn được đặt tại phần đất huyện Duy Xuyên (cụ thể là các thôn Tiệm Rượu, Mỹ Hạt thuộc xã Mỹ Xuyên, nay thuộc thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên, Quảng Nam).
Theo TS Trần Đức Anh Sơn, nhiều học giả cho rằng quá trình ra đời của chữ Quốc ngữ là lâu dài và là cả một chuỗi không chỉ giới hạn trong phạm vi Thanh Chiêm mà có vai trò của Nước Mặn, Duy Xuyên, đó là quá trình có sự tham gia của nhiều người. Tuy nhiên, Thanh Chiêm là nơi mà vị có công đầu tiên là Francisco De Pina đã lựa chọn tới đây và từ đây ông bắt đầu xây dựng bảng ký tự Latinh để phiên âm tiếng Việt phục vụ cho việc truyền giáo của ông, từ đó đây là nơi đầu tiên ra đời chữ Quốc ngữ.
Theo ông Sơn, giáo sĩ Francisco De Pina qua lại thường xuyên giữa Thanh Chiêm và Nước Mặn nhưng ông đã chọn chỗ này để làm nơi phát âm ra ký tự Quốc Ngữ.

Nhà thờ Thiên chúa giáo Anrê Phú Yên, thôn Thanh Chiêm 2, xã Điện Phương, Thị xã Điện Bàn, Quảng Nam - Nơi linh mục Francisco de Pina đặt nền tảng đầu tiên cho chữ Quốc ngữ. Ảnh: Hoàng Yến
Trong lá thư gửi Cha bề trên ở Macao về lý do chuyển từ Hội An về dinh trấn Thanh Chiêm năm 1619, Pina nói rằng, ông muốn học một ngôn ngữ thuần khiết và tránh những ảnh hưởng xấu đến quá trình học tiếng Việt có thể nảy sinh tại Hội An vì nơi này đã có hiện tượng lai tạp ngôn ngữ, bởi Phố Khách là nơi giao thoa của các nền văn hóa Việt, Trung, Nhật, Bồ,… hơn nữa, tại Hội An người ta chỉ quan tâm đến việc buôn bán nên ông quyết định đến chuyển dinh trấn Thanh Chiêm để học tiếng Việt và phiên âm tiếng Latinh.
Dù đa số các đại biểu tham dự Hội thảo đã đi đến kết luận rằng Thanh Chiêm chính là nơi đầu tiên ra đời chữ Quốc ngữ nhưng Ban tổ chức vẫn chưa đi đến một kết luận cuối cùng.
Ông Lê Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết, chính quyền địa phương hi vọng ngoài việc làm sáng tỏ người đặt nền móng cho chữ Quốc ngữ, tìm ra “cái nôi” của chữ Quốc ngữ, Hội thảo sẽ là cơ sở để tỉnh lập hồ sơ khoa học đề nghị Bộ VH,TT&DL công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia.
“Năm 2008, dinh trấn Thanh Chiêm được UBND tỉnh xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai công tác phục dựng, bảo tồn di tích nhằm tôn vinh, phát huy giá trị lịch sử-văn hóa của di tích và chữ Quốc ngữ. Mục đích để làm sao Dinh trấn nổi tiếng một thời được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia để công tác bảo tồn được tốt hơn”, ông Lê Văn Thanh bày tỏ.

Vào đầu thế kỷ XVII, một Giáo đoàn Ki – tô gồm hơn 20 giáo sĩ dòng Tên, là các linh mục và thầy giảng người Bồ Đào Nha, Ý, Pháp được phái đến xứ Đàng Trong thay vì Nhật Bản với mục đích truyền đạo Công giáo.
Năm 1615, các giáo sĩ tiên phong trong giáo đoàn đã đến Đà Nẵng để tìm cách thiết lập cơ sở truyền đạo. Cho đến năm 1623, hai trụ sở truyền đạo chính được mở tại Hội An (Quảng Nam) và Nước Mặn (Quy Nhơn), hai năm sau (1625) thì lập trụ sở truyền đạo thứ 3 tại dinh trấn Thanh Chiêm.
Ban đầu, sứ mệnh gieo đức tin Thiên Chúa diễn ra một cách khó khăn do cách biệt ngôn ngữ, các giáo sĩ không thể hiểu được dân địa phương đây nói gì vì ngôn ngữ ở đây là một thứ “tiếng như âm nhạc, nghe như chim hót”.
Các giáo sĩ đã sử dụng những mấu ký tự Latinh để ký âm tiếng Việt nhằm phục vụ cho việc học tập ngôn ngữ bản dịa và quan trọng hơn là có thể trực tiếp giảng đạo mà không phiên dịch. Không ngờ rằng với mục đích truyền đạo, các giáo sĩ đã để lại một kho tàng lớn cho dân tộc Việt Nam là chữ Quốc ngữ.
Hoàng Yến
http://thethaovanhoa.vn/van-hoa-giai-tri/alexandre-de-rhodes-khong-phai-cha-de-chu-quoc-ngu-n20160824203748242.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.