Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

16/07/2016

Bắc Kạn, một tỉnh mới có từ Pháp thuộc : Lịch sử khái quát


Lấy nguyên về từ công thông tin của tỉnh.


---


Bắc Kạn: Lịch sử hình thành và phát triển (Cập nhật lúc: 20/04/2016 08:30:56 )
Lịch sử hình thành và phát triển tỉnh Bắc Kạn là chặng đường đầy gian khổ, hy sinh nhưng cũng là chặng đường vẻ vang, rất đỗi tự hào của vùng đất, con người nơi đây.
Lịch sử hình thành
Vào thời đại các vua Hùng dựng nước, Bắc Kạn thuộc bộ Vũ Định (một trong 15 bộ của Văn Lang). Dưới thời thuộc Đường nơi đây là đất châu Võ Nga. Từ thời Lý, khi ông cha ta bắt đầu đầu xây dựng và phát triển nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền, Bắc Kạn thuộc châu Thái Nguyên đời Trần. Trong buổi đầu thời Lê, đây là vùng đất thuộc Bắc đạo. Năm Quang Thuận thứ 7 (1466) đất Bắc Kạn thuộc Thái Nguyên Thừa tuyên, rồi Ninh Sóc Thừa tuyên năm Quang Thuận thứ 10 (1469). Năm Hồng Đức thứ 21 (1490) phủ Thông Hóa (gồm huyện Cảm Hóa và châu Bạch Thông) thuộc xứ Thái Nguyên đất Bắc Kạn.
Dưới thời Nguyễn, năm Minh Mệnh thứ 12 (1831), trấn Thái Nguyên đổi thành tỉnh, Bắc Kạn cơ bản vẫn là đất phủ Thông Hóa, tỉnh Thái Nguyên.
Sau khi đánh chiếm và áp đặt bộ máy cai trị trên địa phận Thái Nguyên, thực dân Pháp đã nhiều lần thay đổi đơn vị hành chính. Theo Nghị định ngày 20/8/1891 và Nghị định ngày 9/9/1891 của Toàn quyền Đông Dương, địa bàn Bắc Kạn thuộc hai đạo quan binh: Phần phía Đông và Nam thuộc Tiểu quân khu Thái Nguyên, Đạo quan binh 1 và phần phía Bắc thuộc Tiểu quân khu Lạng Sơn, Đạo quan binh 2.
Ngày 11/4/1900, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định lấy phần đất thuộc phủ Thông Hóa thành lập tỉnh Bắc Kạn gồm các châu Bạch Thông, Chợ Rã, Thông Hóa (sau đổi thành Na Rỳ), Cảm Hóa (sau đổi thành Ngân Sơn). Tiếp theo đó, ngày 25/6/1901, Toàn quyền Đông Dương lại ra Nghị định tách tổng Yên Đĩnh thuộc huyện Phú Lương (Thái Nguyên) nhập vào châu Bạch Thông (Bắc Kạn). Năm 1961, theo Nghị định của Thống sứ Bắc Kỳ, một tổng của châu Bạch Thông, Chợ Rã và tổng An Biện Thượng thuộc Định Hóa (Thái Nguyên) tách ra lập thành châu Chợ Đồn. Thời gian đó, Bắc Kạn có 5 châu (Bạch Thông, Na Rỳ, Ngân Sơn, Chợ Rã và Chợ Đồn) với 20 tổng và 103 xã.
Ngày 21/4/1965, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) ra Quyết định số 103-NQ-TVQH thành lập tỉnh Bắc Thái trên cơ sở hợp nhất 2 tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn. Ngày 14/4/1967, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 50-CP đặt thị xã Bắc Kạn thành thị trấn Bắc Kạn trực thuộc huyện Bạch Thông. Tiếp theo đó, 29/12/1978, kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa VI nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã quyết nghị phân định địa giới giữa Bắc Thái và Cao Bằng, tách 2 huyện Ngân Sơn và Chợ Rã thuộc tỉnh Bắc Thái nhập vào tỉnh Cao Bằng.
Để đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của nhân dân các dân tộc và yêu cầu sự nghiệp cách mạng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ngày 6/11/1996, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa IX, kỳ họp thứ 10 đã phê chuẩn việc chia tỉnh Bắc Thái thành 2 tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn. Tỉnh Bắc Kạn được tái lập. Các huyện Ngân Sơn, Ba Bể (Chợ Rã) được tái nhập lại tỉnh Bắc Kạn. Tháng 8/1998, thành lập thêm huyện Chợ Mới.
Mặc dù có không ít những thay đổi về dư hành chính nhưng Bắc Kạn vẫ là một địa bàn được gắn kết bởi quá trình lịch sử văn hóa trên nền tảng cảnh quan địa lý với các sắc thái độc đáo và đa dạng.
Mảnh đất giàu truyền thống yêu nước
Bắc Kạn là một trong những địa bàn được coi là “miền quan yếu” ở phía Bắc, có vị trí rất quan trọng về chính trị - quân sự. Chính vì vậy, trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, nhân dân Bắc Kạn luôn sát cánh cùng nhân dân cả nước đánh bại nhiều đạo quân xâm lược hung hãn. Trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược phương Bắc từ Tần, Hán, đến Tống, Nguyên, Minh, Thanh… các thế hệ đồng bào các dân tộc tỉnh Bắc Kạn luôn có mặt trong những đội quân chống xâm lược.
Năm 1858, thực dân Pháp xâm lược nước ta. Sau khi chúng hoàn tất việc chiếm đóng và đặt ách cai trị lên phạm vi cả nước, ngày 19/3/1884, thực dân Pháp đánh chiếm thành Thái Nguyên. Từ đó chúng đánh tỏa ra các châu huyện trong tỉnh. Trước sự kháng cự mạnh mẽ của nhân dân ta, mấy năm sau chúng mới đặt chân được lên vùng đất Bắc Kạn.
Trong những năm đầu thế kỷ XX, để đẩy mạnh cuộc khai thác thuộc địa một cách có hệ thống trên quy mô lớn, thực dân Pháp đã tăng cường bộ máy thống trị. Cùng với nhân dân cả nước, nhân dân các dân tộc Bắc Kạn đã dấy lên phong trào kháng Pháp mạnh mẽ. Mặc dù các cuộc đấu tranh trong những thập kỷ đầu của thế kỷ XX không giành được thắng lợi, nhưng tinh thần đấu tranh kiên cường bất khuất của nhân dân Bắc Kạn vẫn tiếp tục được hun đúc, nuôi dưỡng...
Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo nhân dân Việt Nam đấu tranh giành độc lập. Trong quá trình vận động cách mạng, Bắc Kạn đã vinh dự là một trong những tỉnh nằm trong khu giải phóng Việt Bắc. Khi Cách mạng Tháng Tám nổ ra, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, nhân dân các dân tộc Bắc Kạn được giác ngộ đã sớm giành được chính quyền.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tỉnh Bắc Kạn được Trung ương Đảng chọn xây dựng thành khu an toàn (ATK). Với vai trò là căn cứ địa cách mạng, Bắc Kạn hết lòng cưu mang, đùm bọc, giúp đỡ bộ đội, cơ quan, xí nghiệp, kho tàng của Trung ương sơ tán; bảo vệ lãnh tụ, bảo vệ các cơ quan lãnh đạo Đảng, Nhà nước… Trong chiến dịch Việt Bắc (Thu - Đông năm 1947), nhiều gương chiến đấu, hy sinh oanh liệt được cả nước biết đến, nhiều tên núi, tên sông đã trở thành địa danh lịch sử, gắn với những chiến công hiển hách như Phủ Thông, Đèo Giàng…
Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, ngày 2/10/2000, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho nhân dân và lực lượng vũ trang tỉnh Bắc Kạn.
Hiện nay, Bắc Kạn có 11 di tích lịch sử cách mạng và kháng chiến được Nhà nước công nhận. Đó là Nà Tu, nơi Tổng đội Thanh niên xung phong đóng quân. Chợ Đồn là nơi có nhiều di tích lịch sử như: Bản Ca, xã Bình Trung là nơi Bác Hồ đã từng ở và làm việc cuối năm 1947; Khuổi Linh xã Lương Bằng là nơi cơ quan Trung ương Đảng đứng chân cuối năm 1949 đầu năm 1951 và Tổng Bí thư Trường Chinh đã sống, làm việc. Đồi Nà Pậu có lán làm việc của Bác Hồ cuối năm 1950 đầu năm 1951; Bản Bằng xã Nghĩa Tá trước năm 1945 đại tướng Võ Nguyên Giáp từng sống và làm việc…
Trải qua nhiều biến động, đổi thay cùng với sự chia tách, sáp nhập về địa giới hành chính, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn luôn phát huy truyền thống quê hương cách mạng, lao động cần cù, sáng tạo, đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Thu Cúc (Biên soạn theo cuốn Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn, tập I - Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia năm 2000)

CỔNG 

THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BẮC KẠN

Giấy phép số 88/GP-TTĐT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 27/04/2010

Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Bắc Kạn

Trưởng Ban Biên tập: Ông Phạm Duy Hưng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh

Cơ quan Thường trực: Trung tâm CNTT&TT tỉnh Bắc Kạn

Địa chỉ: Tổ 1A, phường Phùng Chí Kiên, thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn

Điện thoại: 0281.3871.180 - Fax: 0281.3871.180 - Email: banbientap@backan.gov.vn


Ghi rõ nguồn Cổng Thông tin điện tử Bắc Kạn hoặc backan.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ Website này

http://backan.gov.vn/Pages/tim-hieu-bac-kan-129/lich-su-hinh-thanh-138/LiCCA3ch20sC6B0CC8-2e2f7726c8762e66.aspx

1 nhận xét:

  1. Thật đáng tiếc , bài viết công phu như thế nầy mà không có một chút bản đồ !

    Trả lờiXóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.