Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

08/11/2015

Giải mã "chiêu" dùng cổ ngữ của ông Tập khi phát biểu ở Việt Nam


Tin của Soha.

--


Giải mã "chiêu" dùng cổ ngữ của ông Tập khi phát biểu ở Việt Nam

Hải Võ | 
Giải mã "chiêu" dùng cổ ngữ của ông Tập khi phát biểu ở Việt Nam
Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đặt vòng hoa và viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 6/11. Ảnh: Xinhua

Bài phát biểu của ông Tập Cận Bình trước Quốc hội Việt Nam ngày 6/11 nhận được nhiều sự chú ý khi nhà lãnh đạo Trung Quốc tạo điểm nhấn bằng nhiều thành ngữ, ngạn ngữ và thơ cổ.



"Huynh đệ đồng tâm, kỳ lợi đoạn kim"
Câu nói này vẫn đường được người dân Trung Quốc hiện đại sử dụng hàng ngày, như một cách nhấn mạnh tình nghĩa anh em, kêu gọi đồng tâm hiệp lực, giống với câu thành ngữ Việt Nam "một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao".
Câu nói được "biến thể" từ một câu trong "Chu Dịch" thời Tiên Tần: "Nhị nhân đồng tâm, kỳ lợi đoạn kim; đồng tâm chi ngôn, kỳ xú như lan".
Ý nghĩa nguyên thủy từ thời xưa là hai người đồng lòng thì sức mạnh sẽ giống như lưỡi dao sắc bén cắt đứt được kim loại; nếu hai người hòa hợp về chí hướng, đồng tâm đồng đức thì sẽ tỏa hương như hoa lan.
Trên thực tế, câu nói trên còn trở thành một "công cụ" ngoại giao mà nhà lãnh đạo Trung Quốc sử dụng trong khá nhiều trường hợp khi muốn nêu cao mối quan hệ hợp tác, gần gũi với các nước láng giềng và khu vực.
Ngày 25/2/2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hội kiến Chủ tịch danh dự Quốc dân đảng Liên Chiến đã đem câu "huynh đệ đồng tâm, kỳ lợi đoạn kim" để mô tả "cộng đồng vận mệnh" của Trung Quốc đại lục và Đài Loan.
Sau đó 5 tháng, ngày 20/7/2013, trong điện mừng ông Mã Anh Cửu tái đắc cử chức Chủ tịch Quốc dân đảng, ông Tập nhắc lại câu này và nhấn mạnh "giấc mơ Trung Quốc cùng tiền đồ của Đài Loan có tương quan mật thiết".
Đây cũng trở thành câu nói "phải có" trong các cuộc trao đổi của Chủ tịch Trung Quốc với các lãnh đạo, quan chức phía Đài Loan và được xem là "khái niệm của Tập Cận Bình về quan hệ 2 bờ eo biển Đài Loan".
Ngày 13/9/2014, ông Tập Cận Bình cùng Tổng thống Tajikistan Emomali Rahmon tham dự lễ khởi công đường ống dẫn khí qua khu vực Trung Á.
Tại đây, ông tuyên bố: "Huynh đệ đồng tâm, kỳ lợi đoạn kim; chỉ cần chúng ta đồng tâm hiệp lực thì không có khó khăn nào không giải quyết được".
"Ngàn vàng chỉ để mua láng giềng"
Câu nói này được ông Tập nhấn mạnh trong bài phát biểu trước Quốc hội Việt Nam, xuất phát từ câu ngạn ngữ "thiên kim mãi lân" (ngàn vàng mua láng giềng) của người Trung Quốc, tương tự với câu nói "bán anh em xa, mua láng giềng gần" của người Việt Nam.
Tuy nhiên, ý nghĩa nguyên thủy của câu ngạn ngữ này là lời khuyên dành cho con người, nhấn mạnh nên biết "chọn bạn mà chơi", "gần mực thì đen, gần đèn thì sáng". Cụ thể hơn là khuyên người ta có ý thức tự cường và biết giao kết với những người có chí tiến thủ.
Thời Nam Bắc Triều ở Trung Quốc, có một người tên Lữ Tăng Trân, nhiều đời sinh sống ở khu vực Quảng Lăng. Lữ là người chính trực, có mưu trí và đảm lược, được mọi người trọng vọng.
Có một người cố ý tìm đến mua căn nhà ở sát vách Lữ Tăng Trân. Mọi người hỏi ông ta: "Ông mua nhà hết bao nhiêu tiền."
Người này đáp lại: "1.100 lượng. 100 lượng tôi mua nhà, còn 1.000 lượng kia là để mua láng giềng".
Hôm 4/7/2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có bài phát biểu quan trọng tiêu đề "Cùng xây dựng tương lai hợp tác Trung-Hàn đưa châu Á chấn hưng thịnh vương" tại Đại học Seoul, Hàn Quốc.
Trong bài diễn thuyết, ông Tập chỉ ra: "Trăm lượng mua nhà, ngàn lượng mua láng giềng. Láng giềng tốt ngàn vàng cũng không đánh đổi."

Ông Tập Cận Bình phát biểu trước Quốc hội Việt Nam. Ảnh: Xinhua
Ông Tập Cận Bình phát biểu trước Quốc hội Việt Nam. Ảnh: Xinhua
"Thân mong thân hơn, láng giềng mong gần gũi hơn"
Đây cũng là một câu nói thường sử dụng của người dân Trung Quốc và đã được ông Tập Cận Bình khái quát lên thành quan điểm về quan hệ trong khu vực.
Ngày 7/4/2013, ông Tập có bài diễn văn tại lễ khai mạc Diễn đàn Bác Ngao châu Á, trong đó nêu ra:"Người thân mong thân hơn, láng giềng mong gần gũi hơn.
Trung Quốc sẽ kiên trì thiện chí, hợp tác với láng giềng, củng cố tình hữu nghị láng giềng, đi sâu vào hợp tác, nỗ lực để sự phát triển của Trung Quốc đem lại lợi ích cho các nước xung quanh."
Trước thềm chuyến thăm Tajikistan của mình vào tháng 9/2014, ông Tập Cận Bình cũng gửi đến truyền thông nước này văn kiện có ký tên.
Trong văn kiện này, ông Tập chỉ ra: "Người thân mong thân hơn, láng giềng mong gần gũi hơn. Trung Quốc xem Tajikistan là đối tác hợp tác quan trọng để mở cửa về phía Tây."
Nói về vấn đề an ninh châu Á hồi tháng 5/2014 tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 4 về tín nhiệm và hợp tác chung châu Á tổ chức ở Thượng Hải, Chủ tịch Trung Quốc nhắc lại những gì ông từng nói ở Diễn đàn Bác Ngao 2 năm trước đó như một lời cam kết về chính sách ngoại giao khu vực.
Xét một cách tổng thể, cả 3 câu nói mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng sử dụng ở những bối cảnh khác nhau kể từ năm 2013, sau khi ông trở thành lãnh đạo cao nhất, đều được ông Tập đưa vào bài phát biểu trước Quốc hội Việt Nam.
Động thái này được cho là một sự tổng kết và thông báo tới Việt Nam cũng như các quốc gia trong khu vực về sách lược và tôn chỉ ngoại giao đối với láng giềng của Trung Quốc, trong đó sự lặp lại của các điểm nhấn nhằm chứng minh tính nhất quán, không thay đổi của Bắc Kinh.
Một điểm nhấn độc đáo hơn mà Chủ tịch Trung Quốc chưa thể hiện trong các bài diễn văn hay phát biểu ngoại giao nhiều năm qua, đó là việc ông dẫn câu thơ của nhà thơ thời Đường Vương Bột trong bài diễn thuyết tại Việt Nam.
Ông Tập "mào đầu" và dẫn dắt bằng câu thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Núi cao lên đến tận cùng, Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non".
Tiếp đó, ông đưa vào hai câu thơ của Vương Bột: "Đăng Thái sơn nhi quán chúng nhạc, tắc cương loan chi bản mạt khả tri dã" (Đứng trên Thái Sơn mà nhìn các ngọn núi khác sẽ thấy vì sao Thái Sơn là đứng đầu).
Cây bút bình luận nổi tiếng của Tân Hoa Xã Quốc Bình phân tích, ông Tập Cận Bình dẫn câu thơ nổi tiếng thời Đường không ngoài mục đích nhấn mạnh quan hệ Việt-Trung "đang đứng ở một khởi điểm lịch sử mới" và kêu gọi song phương "cùng nhìn về đại cục lâu dài".
Theo Quốc Bình, tuyên bố trên tại Việt Nam không chỉ góp phần thúc đẩy quan hệ Việt-Trung phát triển ổn định, mạnh mẽ trong gia đoạn tới, mà còn có sức lan tỏa tới các quốc gia láng giềng khác trong khu vực, phát huy vai trò hỗ trợ xây dựng "vận mệnh cộng đồng" như Trung Quốc thường kêu gọi.
theo Trí Thức Trẻ

http://soha.vn/quoc-te/giai-ma-chieu-dung-co-ngu-cua-ong-tap-khi-phat-bieu-o-viet-nam-20151107060415475.htm












http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2015/11/151107_xi_jinping_vn_speech_complete


Toàn văn bài của Tập Cận Bình ở Quốc hội VN

  • 5 giờ trước

Image copyrightAP
Trong chuyến thăm Việt Nam từ 5 đến 6/11, Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có bài phát biểu tại Quốc hội Việt Nam.
Năm 2005, khi thăm Việt Nam, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào cũng từng phát biểu tại Quốc hội, ở địa điểm Hội trường Ba Đình cũ.

Xin giới thiệu với quý vị toàn văn bài phát biểu của ông Tập Cận Bình:

Thưa ngài chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng
Các vị đại biểu, các đồng chí và các bạn!
Xin chào tất cả mọi người! Tôi rất vui mừng khi có cơ hội tới thăm Quốc hội Việt Nam, gặp gỡ với các đồng chí, các vị đại biểu. Quốc hội Việt Nam là cơ quan nhà nước cao nhất đại diện cho quyền lợi của mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam. Tôi cảm thấy rất vinh hạnh khi đứng trên diễn đàn này.
Đầu tiên, tôi đại diện cho Đảng Cộng sản Trung Quốc, chính phủ Trung Quốc, nhân dân Trung Quốc, hơn nữa dùng danh nghĩa cá nhân tôi dùng những lời chúc tốt đẹp nhất tới Đảng Cộng sản Việt Nam, chính phủ Việt Nam, nhân dân Việt Nam anh em! Dùng sự kính trọng lớn nhất bày tỏ sự biết ơn đối với những người bạn đã có cống hiến quan trọng trong nỗ lực giữ gìn tình hữu nghị Trung Quốc Việt Nam trong thời gian từ trước đến nay.
70 năm trước, chính tại quảng trường Ba Đình ngoài kia, chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố với thế giới, chính thức thành lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Việc này lập dấu mốc cho quá trình phấn đấu gian khổ qua hơn nửa thế kỷ, do chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, Đảng cộng sản Việt Nam với truyền thống cách mạng tốt đẹp đã dẫn dắt nhân dân Việt Nam, đã thực hiện thành công mục tiêu vĩ đại giành độc lập, giải phóng dân tộc. Năm nay, nhân dân Việt Nam chào đón những sự kiện quan trọng như kỉ niệm 70 năm thành lập nước, 40 năm ngày giải phóng miền Nam, 125 năm ngày sinh chủ tịch Hồ Chí Minh... Trung Quốc Việt Nam tình thân một nhà, nhân dân Trung Quốc cùng chung vui, hạnh phúc với nhân dân Việt Nam.
Từ thời Cận đại tới nay, hai nước chúng ta đều trải qua quá trình gian khổ đi từ thời kỳ bị bất kỳ kẻ nào áp bức bóc lột đi tới độc lập dân tộc, từ thời kỳ bế quan tỏa quốc tới cải cách mở cửa, từ nghèo đói lạc hậu đi tới phồn vinh phát triển. Từ những năm 80 của thế kỷ trước trở đi, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam vững tin vào chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa, tích cực tìm cho mình con đường phát triển thích hợp với tình hình Việt Nam, tìm tới con đường cách mạng mới thuộc về nhân dân Việt Nam, giành được những thành tựu làm cho người khác phải thừa nhận trên công cuộc phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cũng như đưa Việt Nam hội nhập với thế giới, diện mạo quốc gia cũng như đời sống người dân có sự thay đổi sâu sắc.
Ngày nay, Việt Nam đang có những bước tiến vững chắc trên con đường thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa hiện đại hóa quốc gia. Chúng tôi cảm thấy vui mừng trước những thành tựu mà các đồng chí Việt Nam đã đạt được trên con đường cách mạng Xã hội chủ nghĩa mới. Tôi tin rằng, dưới sự lãnh đạo kiên cường của Đảng cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam nhất định giành được những thắng lợi không ngừng trong công cuộc cách mạng đổi mới vĩ đại. Chúng tôi nguyện ý sẽ cùng giữ gìn truyền thống cùng nhau học tập, tinh thần trao đổi kinh nghiệm, cùng dắt tay nhau nhằm phấn đấu xây dựng, phát triển sự nghiệp Chủ nghĩa xã hội, vì cuộc sống bình an hạnh phúc cho nhân dân hai nước.
Thưa các đồng chí, các bạn!
Giống như nhân dân Việt Nam một mực theo đuổi giấc mơ dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, thực hiện mục tiêu đất nước giàu mạnh, chấn hưng dân tộc, nhân dân hạnh phúc là giấc mơ trăm năm của dân tộc Trung Hoa. Giấc mơ của nhân dân hai nước có chung nhịp đập, cùng thể hiện nguyện vọng giống nhau hướng về hòa bình, hạnh phúc và tốt đẹp.
Dân tộc Trung Hoa từ trước đến nay đều yêu hòa bình, cái gen “ hòa” của dân tộc từ trước tới nay đều không thay đổi, “ hòa” trong văn hóa được bảo lưu trường tồn, mãi mãi. Từ hơn 2400 năm trước, cổ nhân Trung Quốc đã nêu ra đường lối “ Lễ chi dụng, hòa vi quý”( sử dụng lễ nghĩa thì lấy hài hòa, hòa thuận là qúy trọng làm đầu). Nguyện vọng hòa bình được mọc rễ từ trong con tìm của mọi người Trung Quốc, hòa nhập vào trong dòng máu của dân tộc Trung Hoa. Thời cận đại Trung Quốc đã gặp phải ngọn lửa chiến tranh và bất ổn trong hơn một thế kỉ, nhân dân Trung Quốc đã phải chịu những khổ nạn đau đớn. Nhân dân Trung Quốc yêu hòa bình cuồng nhiệt cũng như biết quý trọng cục diện hòa bình mà phải đánh đổi gian khổ mới có được. Sự phát triển của Trung Quốc không thể rời xa được môi trường hòa bình, ổn định của tình hình quốc tế và các quốc gia xung quanh, sự lớn mạnh của Trung Quốc sẽ trở thành lực lượng giữ gìn hòa bình và ổn định trên toàn thế giới.
Đối với tình hình trước mắt, Đảng Cộng sản Trung Quốc đang giương cao ngọn cờ Xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung Quốc vĩ đại, đoàn kết dẫn dắt mọi lực lượng của Trung Quốc, xây dựng xã hội khá giả toàn diện, tiến hành cải cách sâu rộng, xây dựng quốc gia pháp trị toàn diện mọi mặt, thi hành nghiêm khắc chiến lược phát triển của Đảng, nỗ lực phấn đấu hoàn thành thực hiện mục tiêu xã hội khá giả toàn diện vào thời điểm chào mừng 100 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Trung Quốc, đồng thời thực hiện mục tiêu to lớn đưa Trung Quốc trở thành quốc gia Xã hội chủ nghĩa hiện đại hóa, giàu mạnh, hài hòa vào thời điểm kỉ niệm 100 năm thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa.
Image copyrightAP
Chúng tôi vừa tổ chức Hội nghị Toàn thể lần thứ ba Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18, đưa ra những đường nét cho công cuộc phát triển kinh tế xã hội Trung Quốc trong 5 năm tới, xác định đồng thời quán triệt tốt những tư tưởng phát triển then chốt như đổi mới, phối hợp, phát triển xanh, mở cửa, cùng chia sẻ. Đưa ra một loạt những chính sách, biện pháp quan trọng nhằm thúc đẩy kinh tế xã hội, tổ chức và huy động mọi nguồn lực của mọi dân tộc, các tầng lớp nhân dân khắp Trung Quốc nhằm đưa mọi mặt của kinh tế, xã hội Trung Quốc phát triển lên một tầm cao mới, đưa cuộc sống của nhân dân Trung Quốc ngày càng tốt hơn, đóng góp ngày càng nhiều, càng quan trọng hơn trong sự nghiệp phát triển con người và hòa bình của nhân loại.
Thưa các đồng chí, các bạn!
Trung Quốc Việt Nam hai nước sơn thủy tương liên, nhân dân hai nước có lịch sử giao lưu trao đổi lẫn nhau từ lâu. Trong quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, giải phóng đất nước, chúng ta đã kề vai chiến đấu, hỗ trợ lẫn nhau, xây dựng nên tình đoàn kết hữu nghị lâu bền. Trong công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội giàu mạnh mang màu sắc riêng của mỗi quốc gia, chúng ta học tập lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau vun trồng những kết quả phong phú, tốt đẹp. Quan hệ Việt Trung đã vượt lên trên hàm ý những mối quan hệ song phương thông thường, có ý nghĩa chiến lược hết sức quan trọng.
Trung Quốc Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao được hơn 65 năm. Tháng 4 năm nay, trong thời gian Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có chuyến thăm Trung Quốc, tôi và ngài tổng bí thư đã tổng kết quá khứ, nhìn về tương lai. Chúng tôi đã đạt được nhận thức chung, mối quan hệ gắn bó Trung Việt đã được chủ tịch Mao Trạch Đông, thủ tướng Chu Ân Lai cùng với chủ tịch Hồ Chí Minh thế hệ lão thành tiền bối hai bên xây dựng nên, là tài sản quý báu của hai đảng, nhân dân hai nước, cần được quan tâm chăm sóc, bồi dưỡng. “ Tín giả, giao hữu chi bản” ( lòng tin là cái căn bản để xây dựng tình bạn). Trung Việt hai quốc gia có rất nhiều lợi ích chung, hợp tác hữu hảo trước sau chiếm đa số. Hai bên cần phải lấy quan hệ hữu hảo Trung Quốc Việt Nam cũng như đại cục phát triển hai nước làm trọng, giữ vững phương châm tôn trọng lẫn nhau, hữu hảo đàm phán, thu hẹp bất đồng, phát huy điểm chung, xử lí tốt mọi tranh chấp. Sự hợp tác đôi bên cùng có lợi đem đến những lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, đồng thời giúp ích cho hòa bình ổn định và phồn vinh của khu vực, do đó cần được tăng cường về mọi mặt. Những kinh nghiệm và bài học quý giá này là nền tảng cơ bản trong phát triển quan hệ Trung Quốc Việt Nam, đồng thời cũng là điểm xuất phát và là điểm tựa trong công tác xử lí những bất đồng còn tồn tại giữa hai bên.
Huynh đệ đồng lòng, có thể chặt đứt được kim loại. Tình hình an ninh khu vực và quốc tế có nhiều biến đổi đa đoan, hai đảng hai quốc gia cùng đối mặt với nhiều thách thức hoặc vấn đề mới giống nhau. Chúng ta không chỉ là bạn bè tốt láng giềng tốt sơn thủy nối liền, mà quan trọng hơn là có lợi ích gắn chặt cùng nhau, là một khối chung có cùng chung sinh mạng, chung mục tiêu. Chúng ta càng cần giúp đỡ, chiếu cố lẫn nhau, cùng cầm tay nhau đi về phía trước hơn bao giờ hết. Trung Quốc hết sức coi trọng phát triển mối quan hệ song phương với Việt Nam, với phương châm toàn diện hợp tác, nguyện cùng đi chung con đường với phía Việt Nam, cùng nhau giữ gìn hòa bình ổn định lâu dài, hướng tới tương lai, trên tinh thần láng giềng tốt, đồng chí tốt, bạn bè tốt, đối tác tốt, phát triển toàn diện mối quan hệ chiến lược lâu dài Trung Quốc Việt Nam bền vững, ổn định, đưa tới càng nhiều hạnh phúc cho nhân dân hai nước.
Thứ nhất, Trung Quốc Việt Nam cần là đồng chí tốt có thể tin tưởng, giúp đỡ lẫn nhau. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “ Trung Quốc Việt Nam hữu nghị tình thầm, đồng chí cộng anh em”. Chế độ chính trị của hai nước tương đồng, lí tưởng và niềm tin giống nhau, có chung lợi ích chiến lược. Trung Quốc Việt Nam kiên trì với sự lãnh đạo của Đảng cộng sản, kiên trì đi theo con đường Chủ nghĩa xã hội, kiên trì sự nghiệp cách mạng mới, kiên trì công cuộc cải cách mở cửa, là sự lựa chọn của lịch sử, cũng là sự lựa chọn của nhân dân hai quốc gia. Trên con đường đã bước đi này, chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn. Đi theo con đường này về phía trước, chúng ta nhất định sẽ đạt được những thành quả huy hoàng, những tương lai phát triển rực rỡ hơn.
Thực tiễn đã nói cho chúng ta, phương hướng quyết định con đường đi về phía trước, đường đi quyết định vận mệnh. Trên vấn đề quan trọng kiên trì đi trên con đường mà nhân dân hai nước chúng ta đã lựa chọn. hai đảng, nhân dân hai nước chúng ta cần phải có lòng tin kiên định, hỗ trợ lẫn nhau, cùng dắt tay nhau đi về phía trước, kiên quyết không được để bất kì kẻ nào phá vỡ bước đi của chúng ta, kiên quyết không được để bất kì thế lực nào dao động, thay đổi bức tường bảo vệ chế độ của chúng ta.
Phía Trung Quốc hết sức ủng hộ con đường cách mạng mới của Việt Nam, chân thành mong muốn các đồng chí Việt Nam đạt được những thành tựu to lớn trong công cuộc kiến thiết xây dựng Chủ nghĩa xã hội, thành tâm nhìn thấy sự phát triển ngày càng tốt, càng nhanh chóng của Việt Nam. Chúng tôi nguyện ý cùng các đồng chí Việt Nam xây dựng niềm tin lẫn nhau, cùng giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau tích cực cống hiến vì sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội, sự nghiệp phát triển của nhân loại. Phía Trung Quốc muốn cùng chia sẻ cho Việt Nam những kinh nghiệm, kiến thức phong phú, toàn diện từ lí thuyết đến thực tiễn đối với công cuộc xây dựng đất nước, xây dựng Xã hội chủ nghĩa.
Thứ hai, Trung Quốc Việt Nam cần phải trở thành những đối tác tốt trong mối quan hệ hợp tác cùng có lợi. Nhìn lại thế giới ngày nay, tình hình quốc tế đang không ngừng có những thay đổi sâu sắc, các hệ thống quốc tế, trật tự thế giới đang phát triển theo hướng công bằng và hợp lí hơn. Đồng thời thế giới cũng không hề hòa bình, có sự hỗn loạn ở quy mô cục bộ, chủ nghĩa khủng bố như âm hồn bất tán, kinh tế thế giới thiếu động lực để phát triển, sự đan xen giữa những mối thách thức truyền thống và phi truyền thống. Duy trì hòa bình, ổn định thế giới, thúc đẩy phát triển là nhiệm vụ lâu dài. Chúng ta cần phải nắm vững xu thế quốc tế, bắt kịp trào lưu của thời đại, cùng nhau xây dựng một môi trường quốc tế, trật tự thế giới có lợi cho hòa bình, ổn định ở khu vực Châu Á cũng như trên toàn thế giới. Trung Quốc ủng hộ Việt Nam phát huy hơn nữa vai trò và tác dụng của mình trên vũ đài khu vực cũng như thế giới, nguyện ý tăng cường hơn nữa hợp tác với Việt Nam ở những diễn đàn, cơ cấu hợp tác quốc tế và khu vực, duy trì lợi ích chung giữa hai quốc gia, thúc đẩy sự phát triển trong khu vực.
Nền kinh tế của hai nước Trung Quốc Việt Nam có sự liên hệ với nhau rất rộng, sự phụ thuộc tương hỗ lẫn nhau cũng lớn, qua đó gắn kết về lợi ích kinh tế cũng ngày càng chặt chẽ. Toàn cầu hóa, khu vực hóa về kinh tế mang lại cơ hội và thách thức tương đồng cho cả hai nước. Phía Trung Quốc đánh giá rất cao sự kết nối, phát triển chiến lược giữa hai quốc gia, đồng ý tăng cường hợp tác đầu tư phát triển xây dựng cơ sở hạ tầng, cung ứng năng lượng trong phạm vi bộ khung “ một con đường, một vành đai”, “ hai hành lang, một vùng kinh tế” nhằm tạo động lực thúc đẩy mới cho quá trình hợp tác đối tác quan hệ toàn diện Trung Quốc Việt Nam phát triển lên một tầm cao mới.
Thứ ba, Trung Quốc Việt Nam cần trở thành láng giềng tốt, quan hệ hữu hảo thân tình. Cổ nhân có câu “ ngàn vàng chỉ để mua tình láng giềng”. Giống như trong bài hát “ Việt Nam - Trung Quốc”, nhân dân Trung Việt hai nước “ uống chung một dòng nước, sớm nhìn đi, tối nhìn lại”. Nhân dân hai nước Trung Quốc Việt Nam từ lâu đã là láng giềng, từ xưa tới nay đã có quan hệ qua lại mật thiết, gần đây còn có giao tình cùng chống giặc ngoại xâm, ngày nay có cùng chung sự nghiệp chấn hưng phồn vinh. Tình hữu nghị giữa nhân dân hai quốc gia đã được khảo nghiệm qua lịch sử lâu dài cùng sự đổi thay của thời gian, là động lực vô tận cũng như là nền tảng quan trọng trong phát triển mối quan hệ song phương giữa hai bên. Hai bên cần phải lấy mốc 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao làm cợ hội, thắt chặt hơn phương hướng trong quan hệ giữa hai quốc gia, đảm bảo tình hữu nghị Trung Quốc Việt Nam đời đời lưu truyền.
Người Trung Quốc thường nói, người thân càng giúp nhau càng thêm thân, láng giềng càng quan tâm càng tốt. Giữa láng giềng với nhau cũng khó tránh khỏi va chạm, nhưng hai bên cần phải xuất phát từ đại cục quan hệ song phương, thông qua đàm phán hòa bình, giải quyết ổn thỏa tranh chấp, xử lí bất đồng, tránh việc quan hệ song phương giữa hai nước đi lệch khỏi quỹ đạo. Cổ nhân vốn có câu “ Người có viễn kiến thì mới có thể thu hoạch thêm càng nhiều lợi ích”. Tôi tin rằng, hai nước Trung Quốc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của hai đảng, hai chính phủ thì nhân dân hai nước hoàn toàn có năng lực, có trí tuệ loại bỏ mọi quấy nhiễu, cùng nhau viết nên những áng văn mới trong quan hệ láng giềng hữu hảo Trung Quốc Việt Nam. Thứ tư, Trung Quốc Việt Nam cần làm bạn bè tốt, thường xuyên thăm viếng lẫn nhau. Bà con càng đi lại càng gần, bạn bè càng đi lại càng thân. Tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước là nguồn suối động lực cho quan hệ hai bên. Vào năm ngoái, Trung Quốc Việt Nam có hơn 3 triệu lượt người thăm viếng, qua lại lẫn nhau, có hơn 14000 du học sinh Việt Nam đang học tập tại Trung Quốc, đồng thời cũng có từ 3000-4000 du học sinh Trung Quốc sinh hoạt, học tập tại Việt Nam. Những con số này làm chúng ta thật sự vui mừng.
Hôm qua, trong lúc hội đàm với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, hai bên đã thống nhất gia tăng thêm một bước về hoạt động trao đổi nhân viên hai phía, tăng cường các hoạt động hợp tác giao lưu văn hóa, giáo dục duc lịch...xây dựng tốt các diễn đàn cho nhân dân Trung Quốc Việt Nam, hội giao lưu hữu nghị thanh niên Trung Việt, tăng cường các hoạt động giao lưu tìm hiểu hai phía, tăng cường bầu không khí phong phú, tạo cơ hội cho các hoạt động dân gian. Trung Quốc hoan nghênh chào đón ngày càng nhiều du học sinh Việt Nam tới Trung Quốc học tập, du lịch, làm ăn, hy vọng người dân hai nước tăng cường các hoạt động qua lại lẫn nhau, tăng cường hiểu biết, tìm hiểu, vun đắp tình hữu nghị giữa hai bên.
Thưa các đồng chí, các bạn!
Từ năm 1942 đến năm 1943, trong thời gian chủ tịch Hồ Chí Minh hoạt động cách mạng đã viết câu thơ “Trùng san đăng đáo cao phong hậu, Vạn lý dư đồ cố miện gian, nhà thơ đời Đường là Vương Bột cũng viết “ Đăng Thái Sơn nhi lãn quần sơn, tắc cương loan chi bản mạt khả tri dã”. Quan hệ Việt Trung đã đứng trên điểm cao lịch sử mới. Chúng ta lên đỉnh núi cao, nhìn tầm mắt ra xa, cùng nhau bắt tay nỗ lực, phấn đấu mở ra một kỷ nguyên mới trong quan hệ toàn diện Trung Quốc Việt Nam, nhằm duy trì lâu dài hòa bình ổn định, tạo dựng một Châu Á và thế giới thịnh vượng, phồn vinh, góp phần tạo nên một thế giới rộng lớn hơn!
Xin cám ơn mọi người!



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.