Lấy mốc 2010, là bởi đó là năm mà bà Suu Kyi được trả tự do. Chuyện trước năm 2010, bằng trải nghiệm cá nhân của mình, tôi sẽ viết dần dần sau.
Sau năm 2010, Phạm Thị Hoài đã tới Miến Điện để mục kích sở thị về một nhà nước mới.
Về lại Đức, bà có đưa một bản ghi chép.
Nhưng bản ghi chép ấy chỉ đến giữa chừng thì đứt đoạn.
Tạm thời lấy đoạn đứt ấy về đưa làm tư liệu ở đây.
Từ đây trở xuống là của Phạm Thị Hoài.
---
http://www.procontra.asia/?p=1357
Yangon, tay lái ngược (1)
Tháng 1 6, 2013
Phạm Thị Hoài
Những ông tướng ngực gắn mề-đay vàng chóe, trị nước theo chiêm bao và đi xem bói trước khi ra quân lệnh; những xác chết mặc cà sa năm năm trước; những người Rohingya chạy nạn; những số liệu tồi tệ về mọi phương diện; và nổi lên trên tất cả là Daw Aung San Suu Kyi như điểm sáng duy nhất trong một xứ sở u ám: đó là những gì tôi biết về Miến Điện, trước khi đặt chân đến Yangon. Ba tháng trước, một đồng nghiệp Miến của tôi tị nạn nhiều năm ở Na Uy và mới trở về nước gửi thư nhắn:Đến đi. Lạ lắm. Nhìn quyển hộ chiếu của tôi, một người đàn ông châu Á dáng dấp doanh nhân cùng xếp hàng làm thủ tục nhập cảnh ở sân bay hỏi: First time in Yangon? Tôi gật. Anh ta nháy mắt, nói gọn lỏn: Very strange, enjoy.
Quả nhiên có nhiều cái lạ. Không phải vì sân bay quốc tế Yangon chỉ có một đường băng và lượt khách mỗi năm vỏn vẹn 2,5 triệu. Nó cũ kĩ, nhưng khi trời mưa không bị dột như sân bay Nội Bài. Nhà ga đón khách quốc tế vừa được nâng cấp khi Mùa Xuân Miến Điện từ trên tỏa xuống, trông sáng sủa chào mừng, không có vẻ gì là cảnh giác với các thế lực thù địch ngoại quốc. Thủ tục nhập cảnh diễn ra không một chút phiền phức. So với những bộ mặt gắn chì ở các cửa khẩu Bắc Kinh và Quảng Châu và sự hách dịch ngớ ngẩn ở Siem Reap – thành phố chỉ sống nhờ du khách Angkor – mà tôi trải qua trong đợt đi này thì nhân viên hải quan ở Yangon có thể gọi là dễ chịu, tuy còn cách sự chuyên nghiệp nhẹ nhõm của Hồng Kông và Singapore nhiều thập kỉ. Không hề thấy bóng dáng nhà binh. Sau những hình ảnh tôi còn nhớ trong bộ phim của Luc Besson, đó là bất ngờ đầu tiên. Cho đến khi rời Yangon, tôi tìm mỏi mắt không thấy quân đội hiện diện. Họ trốn sạch rồi, anh bạn đồng nghiệp Miến của tôi đứng giữa một trong rất nhiều khu quân sự rộng lớn bỏ hoang, giang tay bình luận. Năm 2005, chính quyền quân sự của tướng Than Shwe nghe theo các nhà chiêm tinh, đột ngột dựng nên một kinh đô mới và cấp tốc rút quân về đó. Thành phố nhân tạo Naypyidaw rộng gấp 70 lần Paris, 8 lần Berlin, 10 lần Singapore và 12 lần cố đô Yangon. Tất cả các chính thể độc tài đều vĩ cuồng và phần lớn đều mê tín. Dây thép gai, lỗ châu mai, chòi canh và đồn gác ở cố đô này bây giờ phó mặc cho cỏ dại, phân, rác, chó và trẻ con. Một số hộ dân đã bắt đầu tiếp quản cái di sản chỏng chơ ấy. Những đồ đạc đơn sơ của họ lọt thỏm trên cái nền trống chỉ còn trơ lại bộ khung xiêu vẹo, bức tranh lịch sử bị bóc đi qua đêm không một lời giải thích. Yangon có phần giống chiếc áo nhà binh đã mặc suốt một nửa thế kỉ mà các ông tướng vừa cởi ra, vứt sang một bên để khoác vào bộ cánh dân sự cho một cuộc cải cách chính trị khiến thế giới sửng sốt.
Những vòng dây thép gai cũng còn bao quanh ngôi nhà của bà Aung San Suu Kyi, nơi bà bị quản thúc mười mấy năm trời, một dinh thự rộng nằm ở một khu phố khá giả với nhiều biệt thự từng sang trọng ở thời thuộc địa và đang chờ một nước sơn mới. Nhưng cổng không lính gác. Chỉ có cờ, biển của Liên minh Quốc gia Vì Dân chủ (NLD) và hình tướng Aung San. Trong vòng mười phút tôi đứng trước cánh cổng khép kín và hình dung cảnh cả ngàn nhà sư từng đứng ở đây chờ Daw Suu xuất hiện, một chiếc xe buýt chạy tới đổ ra mấy chục khách Nhật Bản. Họ xuống, chụp hình, lên xe, rồi một chiếc taxi lại chạy tới đổ ra mấy người châu Âu. Cũng xuống, giơ máy ảnh, lên xe. Lúc tìm đường đến đây, ở đoạn University Avenue dưới ngã tư cắt đường Kabaaye Pagoda, cách địa chỉ nổi tiếng này không đến 500 mét, chúng tôi chìa ảnh Aung San Suu Kyi cho hai thiếu nữ dáng vẻ sinh viên để hỏi. Một cô hoàn toàn không nói tiếng Anh. Cô kia ngơ ngác: Bà ấy là ai? Nhà chính trị à? Xin lỗi, tôi không biết. Cuối tháng 12 năm 2009, khi Lưu Hiểu Ba vừa bị kết án 11 năm tù, tôi cũng chìa hình ông trên trang Spiegel Online ra hỏi. Không ai trong quán Starbucks ở Thượng Hải hôm đó biết ông là ai.
Daw Suu không tràn ngập Yangon như người đọc tạp chí Spiegel tưởng tượng, trong khi cha bà thì xuất hiện thường xuyên, bằng tượng hay bằng chân dung, bức chân dung gần như duy nhất, một chàng trai trẻ măng với gương mặt bụ bẫm, giống một tân binh vừa khoác áo lính hơn một vị tướng và anh hùng dân tộc đã đem lại nền độc lập cho Miến Điện. Cả trên trang nhất nhật báo và bìa tạp chí ở các sạp lẫn trên truyền hình suốt những ngày tôi ở Yangon, Daw Suu đều vắng bóng. Hãng truyền thông nhà nước MRTV phát đúng giờ cao điểm buổi tối một chương trình thi nấu ăn dài ba tiếng, với hai đội chia thành áo xanh và áo đỏ, một cặp MC – chàng trai tóc vuốt keo và cô gái tóc nhuộm vàng – và gần chục vị giám khảo. Thí sinh trình diễn từ những thao tác nhặt rau, đánh vẩy cá cho đến công đoạn cuối cùng là bưng đồ ăn vừa nấu đến bàn cử tọa, trong khi các vị giám khảo đi vòng quanh, gí mũi, sờ tay và ban phát lời khuyên. Những thành tựu ẩm thực này trông không khác lắm mấy tai họa mà chúng tôi trải qua trong các quán ăn ở Yangon, từ bình dân đến đắt tiền. Song kết cục cả hai đội đều được trao bằng khen, túi quà, huy chương như nhau, chỉ khác mầu sắc, bên xanh, bên đỏ, sau khi từng vị trong ban giám khảo diễn thuyết như giảng bài, cặp MC nhún nhảy cười khúc khích và cử tọa ngoan ngoãn vỗ tay. Tất cả giống một lớp thủ công trong nhà trẻ. Ở các kênh MRTV khác, hoặc là phim lãng mạn, hoặc là chương trình nhạc nhẹ, ca khúc trái tim, hoặc là diễn văn quan chức: quan chức khai mạc thể thao, quan chức bế mạc hội chợ, quan chức thăm trường học, quan chức về nông thôn, không khác truyền hình Việt Nam như tôi biết. Cũng những clip rẻ tiền quảng cáo bột giặt, gia vị, mì tôm. Chỉ không thấy nhóm Punk “Yangon Calling” và bi kịch tị nạn của những người Hồi giáo Rohingya trong chính những ngày này. Và không thấy Daw Suu.
Anh bạn đồng nghiệp Miến của tôi bảo, bây giờ tìm bà phải vào khu nhà quốc hội mới xây ở kinh đô Naypyidaw, một quần thể mênh mông màu phấn, lớn hơn cả Cung điện Buckingham và Lâu đài Versailles cộng lại, nóc chi chít tháp to tháp nhỏ, số lượng dường như ứng với 664 ghế nghị viên. Trong số đó, Đảng NLD của bà Aung San Suu Kyi chiếm 43, tức chưa đầy 6,5 %. Đảng Liên minh Hữu nghị và Phát triển (USDP) do giới quân sự khuynh loát chiếm 80 % số ghế.
(Còn tiếp)
© 2013 pro&contra
______________
Ảnh 1: Phòng chờ tại sân bay quốc tế Yangon
Ảnh 2: Dinh thự của bà Aung San Suu Kyi tại Yangon
Ảnh 3: Một khu quân sự bỏ hoang
Ảnh 4: Một trụ sở của Đảng NLD tại Yangon
Ảnh trong bài là của tác giả.
Yangon, tay lái ngược (2)
Tháng 1 10, 2013
Phạm Thị Hoài
Chuyện giao thông ở Miến Điện nghe như giai thoại, nhưng cũng như chuyện những tờ bạc kì lạ của nó, đó không phải là hư cấu mà là hiện thực. Một hiện thực bốc đồng.
Tướng Ne Win, lãnh tụ của chủ nghĩa xã hội đậm đà bản sắc Miến Điện – một hỗn hợp của chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa Marx và Phật giáo – cầm quyền suốt một phần tư thế kỉ, đột ngột cho phát hành năm 1987 những tờ bạc mệnh giá 45 và 90 chạt (kyat), cả hai đều chia hết cho 9, con số may mắn của ông ta. Ngày hôm sau số giấy bạc đang lưu hành với những mệnh giá cũng không thể gọi là bình thường – 25, 35 và 75 chạt, hẳn là di sản của một ông tướng khác mê số 5 – trở thành giấy lộn. Thì đã sao? Ráng chịu thôi. Cậu bé chừng 12 tuổi bán bộ sưu tập những chứng chỉ điên rồ này với giá 5 Dollar trên vỉa hè trước chợ Bogyoke Aung San hóm hỉnh chào hàng bằng tấm biển đề:Mua nhanh, cơ hội cuối cùng! Từ ngày mai Burma chuyển sang giấy bạc 21, 49 và 63 chạt. Cậu ta mặc một chiếc áo phông in số 7 và dùngBurma thay vì Myanmar. Cũng sống chết mặc bay như thế, một giấc chiêm bao hôm trước khiến nhà độc tài quân phiệt này hôm sau chuyển phắt nền giao thông bên trái của Miến Điện, thừa hưởng của thời thuộc Anh, sang bên phải. Song tay lái trong xe thì không thể nhổ lên mà cắm sang phía khác. Hệ thống đường sắt lại càng không thể đảo ngược qua đêm. Thì ráng chịu.
Yangon không loạn niên đại như các đô thị Trung Quốc. Yangon loạn tay lái. Liêu điêu giữa trái và phải, tả và hữu. Chúng tôi thót tim mỗi lần người lái taxi vượt hay rẽ trái. Nhưng anh cho biết, tai nạn giao thông ở đây không nhiều. Người ta tự động thận trọng hơn khi tay lái nghịch. Ngoài ra anh đã buộc mấy dải băng mầu bay phấp phới ở tất cả những chỗ có thể buộc phía thành xe bên trái để làm hiệu, giúp anh căn đường và giúp xe khác nhận ra chướng ngại từ một khoảng cách còn tương đối an toàn. Mặt đường Yangon vương lả tả những dải băng như thế. Xe mới, thuận tay lái, không vào được Miến Điện do cấm vận của phương Tây. Xe nhập lậu chủ yếu từ Thái Lan tất nhiên cũng lại có tay lái cho giao thông bên trái.
Người Đức gặp hoàn cảnh ấy thà đi bộ. Người Việt sẽ bất chấp luật, thuận tay nào đi tay ấy, nếu cần thì giúi tiền hay choảng nhau với công an. Còn người Miến chịu đựng những giấc chiêm bao và những con số vận hên của các ông tướng của họ. Không bấm còi, không chen lấn, họ hiền lành ngồi sau những tay lái nghịch, trật tự dừng trước đèn đỏ, trật tự nhích lên từng chút trong cảnh tắc đường thường xuyên ở thành phố dường như có quá nhiều xe hơi này, dù giá một lít xăng 95 ở Yangon là 1080 chạt, khoảng 1,30 Dollar Mỹ, và bán phân phối mỗi ngày tối đa 9 lít, trong khi Miến Điện là nước khai thác dầu mỏ và khí đốt. Người Miến thu nhập bình quân trên dưới 1000 Dollar một năm, gần thấp nhất thế giới. Để dễ hình dung, hoàn cảnh Miến Điện sẽ xảy ra nếu giá một lít xăng ở Đức thay vì 2,0 Dollar như hiện tại bỗng lên 50 Dollar, hay xăng ở Việt Nam thay vì 24.000 đồng như hiện tại bỗng lên tới 90.000 đồng. Nhưng xe máy bị cấm, không có tàu điện ngầm, với 4 triệu dân Yangon ô tô là phương tiện giao thông chính. Rất nhiều vật thể bốn bánh kì lạ với sức chứa phi thường lăn trên đường. Trái với lo ngại của chúng tôi, không sinh vật nào, cả người và động vật, đu đeo trên những chuyến xe mạo hiểm ấy bị rơi xuống giữa đường.
Nếu không thì đi tàu chợ. Yangon Circular Railway là hệ thống tàu công cộng bao quanh nội thành, với một tuyến đường duy nhất. Giá vé dành cho người ngoại quốc là 1 Dollar cả chặng, chỉ thu bằng ngoại tệ.
Phòng tiếp khách của nhà ga, nơi chúng tôi bắt đầu chuyến xê dịch 3 tiếng đồng hồ để vượt qua 46 km ấy, là một buồng nhỏ không đến 10 mét vuông lợp tôn, trong đó tất cả đều xộc xệch và ngẫu hứng, chỉ trừ quy trình thủ tục. Chúng tôi phải xuất trình hộ chiếu. Trưởng ga phải chép tên tuổi, ngày sinh, số hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp vào một quyển sổ cũ nát, rồi từ đó lại sang một quyển sổ còn cũ nát hơn, để tiếp theo điền tất cả vào một tấm vé, xé biên lai, giữ cuống, ký, đóng dấu, và chuyển qua một nhân viên khác, hẳn là thủ quỹ, để thu tiền. Tất cả cho 1 Dollar và một vòng tàu chợ. Đó là lời chào của hệ thống quan liêu từ thời thuộc địa Anh? Là di sản còn nguyên niêm phong của những thập kỉ tự cô lập và bị cô lập của chính quyền quân phiệt? Hay là cả hai. Mười năm trời dưới thời Ne Win, người ngoại quốc chỉ được lưu trú tại Miến Điện 24 tiếng đồng hồ, ba ngày là đặc cách lâu nhất. Các nhà độc tài ở đâu cũng ham kiểm soát. Càng cô lập càng ham.
Người trưởng ga có lẽ cũng trộm thở phào sau khi trao cho chúng tôi tấm vé to như một tờ giấy khen. Anh cất thái độ công chức mẫn cán ra sau tấm ri-đô bằng vải ni-lông hoa chắc chắn đã qua mấy đời trưởng ga tiền nhiệm, rồi trở ra với một cơi trầu, vật bất li thân của đàn ông Miến: một chiếc hộp nhựa hai ngăn dường như chưa bao giờ được lau chùi, đựng lá trầu và những phụ tùng trông không lấy gì làm ngon lành hay đẹp mắt. Cho tới lúc tàu đến, anh nhổ ba lượt nước trầu, hai lần vào một cái ống nhựa trong phòng tiếp khách và một lần nhổ thẳng vào đường ray. Anh đích thân dẫn chúng tôi tới toa cuối, tận tay bàn giao hai vị khách ngoại quốc cho trưởng toa, để người này hộ tống chúng tôi tới khu ghế hạng nhất. Đó cũng là những chiếc ghế nhựa tái sinh màu xanh lơ như tất cả các ghế khác, nhưng một chiếc dây thừng căng ở tầm ngang hông ngăn chúng với ghế hạng khác. Chuyến tầu trở về Hà Nội đầu những năm 80 của tôi bắt đầu: Những toa tầu xác xơ, đã tróc và long tất cả những gì có thể long và tróc; những đường ray gập ghềnh sẵn sàng bỏ cuộc, theo những thanh tà-vẹt đã rời hàng ngũ từ lâu; những sân ga ngập rác, đuổi khách ra ngồi xổm trên đường ray nghỉ tạm; những cột đèn vô dụng từ bao giờ không ai biết; những dãy nhà ọp ẹp nương vào nhau hai bên đường…
Chỉ khác là tầu Yangon bò bên trái. Bò ra từ quá khứ Miến Điện, cũng một thứ không thể nhổ phắt từ chỗ này cắm sang chỗ kia. Nhìn ông trưởng toa bỏm bẻm nhai trầu, răng đã bền mầu huyết dụ, cứ dăm bảy phút lại với tay chỉnh ống đèn nê-ông duy nhất còn sống sót trong toa và tất cả hành khách, ghế hạng nhất, hạng nhì và hạng ba, đều nín thở xem nguồn sáng ấy còn đủ sức chập chờn đến bao giờ, tôi chỉ có một niềm an ủi là mọi tương lai dù còn vô định của đất nước này đều tốt hơn hiện tại.
(Còn tiếp)
Chú thích ảnh:
Ảnh 1: Xe đò ở Yangon
Ảnh 2: Những chiếc xe hơi với tay lái nghịch
Ảnh 3: Tầu công cộng
Ảnh 4: Phòng bán vé ở một nhà ga
Ảnh 5: Một sân ga
Ảnh 6: Một chiếc dây thừng ngăn khu ghế hạng nhất trên tầu
Ảnh 7: Những đường ray gập ghềnh
Bài liên quan: Yangon, tay lái ngược (1)
© 2013 pro&contra
http://www.procontra.asia/?p=1392
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.