Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

14/11/2015

Để anh đi trảy nước non Cao Bình

Đọc là Cao Bình, mà cũng đọc là Cao Bằng. Một chữ Hán có hai cách đọc âm.

Tư liệu của từ điển bách khoa toàn thư mở. Đây là bản lưu của ngày 14/11/2015.


---

Chủ nhật 19/02/2012 16:00
        Vấn đề nguồn gốc Thục Phán - An Dương Vương và nước Âu Lạc là một trong những nội dung cốt lõi trong lịch sử Việt Nam. Vì vậy đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước từ rất lâu.
      
    Thành Bản Phủ ở xóm Hồng Quang, xã Hưng Đạo (Thị Xã).

              Trong quá trình nghiên cứu, các nhà học giả đều ghi nhận: Nước Âu Lạc kế tiếp nước Văn Lang và An Dương Vương kế ngôi Vua Hùng là sự kiện, nhân vật lịch sử có thật. Song về nguồn gốc Thục Phán - An Dương Vương còn có ý kiến khác nhau. Những tài liệu cổ ở Trung Quốc như Giao Châu Ngoại vực ký, Quảng Châu kýđều ghi An Dương Vương là “Thục Vương Tử” (con vua Thục). Sách Hậu Hán thư chép về quận Giao Chỉ cũng chú thích: ‘‘Đấy là nước cũ của An Dương Vương...”, một số sách cổ khác ở Trung Quốc cũng ghi rằng An Dương Vương là con vua Thục, nhưng không cho biết xuất xứ cụ thể của vua Thục và vua Thục là ai.
            Một số sử sách cổ của Việt Nam như Việt sử lược (thế kỷ XIV) cũng nói:          ‘‘Cuối đời Chu, Hùng Vương bị con vua Thục là Phán đánh đuổi mà lên thay. Phán đắp thành Việt Thường (Cổ Loa- Đông Anh- Hà Nội) xưng hiệu là An Dương Vương, không thông hiếu với nhà Chu”. Đến thế kỷ XV, khi biên soạn Đại Việt sử ký toàn thư - Ngô Sĩ Liên dựa vào Lĩnh Nam chích quái chép về An Dương Vương rõ hơn và gọi là “Kỷ nhà Thục”, ông viết rằng: “An Dương Vương họ Thục, tên huý là Phán, người Ba Thục, ở ngôi 50 năm, đóng đô ở Phong Khê (nay là Cổ Loa). Giáp Thìn, năm thứ nhất (257-TCN). Vua đã kiêm tính nước Văn Lang đổi quốc hiệu làm Âu Lạc”.  
            Nhà sử học Ngô Thì Sĩ - cuối thế kỷ XVIII, khi chép về An Dương Vương cũng nhắc lại như Đại việt sử ký toàn thư, nhưng đã bác bỏ giả thuyết An Dương Vương “họ Thục”. Ông khẳng định: “An Dương Vương huý Phán, người Ba Thục. Không đúng”.
            Đến thời vua Tự Đức ( 1848 - 1883), bộ thông sử Khâm định Việt sử thông giám cương mục, lại nêu nghi vấn: “Nước Thục từ năm thứ 5 đời Thận Tĩnh Vương nhà Chu (316 năm TCN), đã bị nhà Tần diệt rồi, làm gì còn vua nữa? Huống chi từ Thục đến Văn Lang, còn có đất Kiển Vi, đất Cùng, đất Tác và đất Nhiễm Mang (những đất này xưa kia là đất mọi rợ ở về phía Tây và Nam, nay thuộc Vân Nam cách hàng hai ba ngàn dặm, có lẽ nào Thục vượt qua được các nước ấy mà sang đánh lấy nước Văn Lang”. Trong Việt sử lược, Trần Trọng Kim cùng khẳng định: “Nhà Thục chép trong sử nước ta không phải là nhà Thục bên Tàu (nghĩa là Ba Thục Tứ Xuyên)”. Ngô Tất Tố cũng khẳng định là: “Nước Nam không có ông An Dương Vương nhà Thục”. Các sử gia từ thời phong kiến Việt Nam đã nghi ngờ cả thời gian và không gian; qua đó có thể thấy rõ: nước Thục đã bị diệt từ năm 316 TCN. Vua Thục cuối cùng là Khai Minh đã bị giết ở Vũ Dương và Thái tử con vua Thục cũng đã chết ở Bạch Lộc Sơn. Vì vậy không thể có “con vua thục” vượt hàng ngàn dặm núi rừng, qua lãnh thổ của nhiều nước để tiến đánh và chiếm nước Văn Lang năm 257 TCN được. sự khác biệt dẫn đến mâu thuẫn đó càng làm rõ thêm những căn cứ đáng nghi ngờ, cho nên có thể phủ định giả thuyết nguồn gốc Ba Thục của Thục Phán - An Dương Vương.
            Việc nghiên cứu về Thục Phán - An Dương Vương, càng ngày càng được nhiều người quan tâm. Cho nên đã thu được một số kết quả mới, phát hiện thêm về tư liệu từ đó một số giả thuyết mới được đặt ra.    
            Đó là năm 1963, các nhà nghiên cứu dân tộc học phát hiện truyền thuyết “Cẩu chủa cheng vùa” (Chín chúa tranh Vua) là câu truyện cổ rất phổ biến trong đồng bào Tày vùng Cao Bằng. Truyền thuyết cho biết: Cuối thời Hùng Vương ở phía Nam Trung Quốc có một nước là Nam Cương, gồm miền Tây tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) và cả vùng Cao Bằng ngày nay. Nước Nam Cương gồm 10 xứ mường, mường trung tâm vua ở, nơi vua đóng đô gọi là Kinh đô Nam Bình - nay  là Cao Bình thuộc xã Hưng Đạo, thị xã Cao Bằng; còn chín mường xung quanh do chín chúa cai quản.Theo truyền thuyết thì Thục Chế làm vua nước Nam Cương 60 năm, khi Thục Chế mất, con là Thục Phán còn ít tuổi nhưng được thay thế vua cha làm vua. Cả chín chúa mường đều đem quân về bao vây kinh thành đòi nhường lại ngôi vua. Thục Phán tuy còn nhỏ tuổi nhưng tỏ ra là người thông minh tài cán. Phán thách 9 chúa cùng nhau đấu võ, ai thắng sẽ được nhường ngôi vua, kết quả bất phân thắng bại, nên không ai được nhường ngôi vua. Thục Phán lại bày ra cuộc đua tài; ai giỏi nghề gì làm nghề đó, hẹn 3 ngày 3 đêm thì kết thúc, ai hoàn thành đúng hạn sẽ được làm vua. Mỗi chúa một việc thách nhau: Đi lấy trống đồng, dùng cung bắn trụi hết lá đa, làm một nghìn bài thơ, nhổ mạ bãi Phiêng Pha đem về cấy ở cánh đồng Tổng Chúp, đóng thuyền rồng, đẽo đá làm guốc, nung vôi và làm gạch để xây thành, lấy lưỡi cày mài thành trăm chiếc kim. Thục Phán một mặt ký giao kèo để các chúa thi đấu, mặt khác lại chọn chín cung nữ đủ tài sắc, văn võ kiêm toàn, lẻn đi theo các chúa, dùng mỹ nhân kế để làm thất bại cuộc đua tài của họ. Kết quả là các chúa thi nhau mất rất nhiều công sức mà không chúa nào thắng cuộc. Thục Phán vẫn giữ ngôi vua. Các chúa đều quy phục.

            
            Nước Nam Cương trở nên cường thịnh. Lúc đó nước láng giềng Văn Lang của vua Hùng suy yếu, lại đang đứng trước hoạ xâm lăng của nhà Tần, Vua Hùng  giao quyền chỉ huy kháng chiến chống Tần cho Thục Phán. Sau khi kháng chiến thắng lợi, Thục Phán  được vua Hùng nhường ngôi và Thục Phán đã sáp nhập hai vùng lãnh thổ thành lập nước Âu Lạc, hiệu là An Dương Vương, đóng đô ở Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội). Hiện nay ở đền Hùng còn có di tích ghi lại sự kiện này, đó là “hòn đá thề” ghi dấu tích về Thục Phán sau khi được vua Hùng truyền ngôi đã thề: ‘‘Noi gương các vua Hùng quyết giữ vững cơ đồ Hùng - Thục”.
            Truyền thuyết “Chín chúa tranh vua” còn được minh chứng bằng các di vật và các điạ danh cụ thể tại Cao Bằng, nó gắn liền với những câu chuyện thi tài của các chúa như Tổng Lằn (trống lăn) ở xã Thịnh Vượng; Phiêng Pha ở xã Mai Long, huyện Nguyên Bình; Khau Lừa ở xã Bế Triều, huyện Hoà An; cây đa cổ thụ ở Cao Bình; đôi guốc đá khổng lồ cũng ở gần Cao Bình, xã Hưng Đạo, thị xã Cao Bằng; các địa danh làm thơ, mài kim, đun gạch, xây thành đều tập trung ở Cao Bằng. Giả thuyết về nguồn gốc Thục Phán là người Cao Bằng còn được phản ánh trong các thần tích, ngọc phả, trong các nghi thức thờ cúng.
           Từ truyền thuyết trên, nhiều nhà nghiên cứu đã tập trung về Cao Bằng tìm quê hương Thục Phán và tin rằng Thục Phán là thủ lĩnh của một liên minh bộ lạc người Tây Âu ở phía Bắc nước Văn Lang, đó là nước “Nam Cương, gồm 10 xứ mường (9 mường của chín chúa và một mường trung tâm của Thục Phán), tức 10 bộ lạc hợp thành, với địa bàn cư trú gồm vùng nam Quảng Tây (Trung Quốc), Cao Bằng và có thể rộng hơn, cả vùng núi rừng, phía Bắc Bộ, mà trung tâm là Cao Bằng”. Giáo sư Đào Duy Anh đã nói: “Sự phát hiện truyền thuyết của người Tày trên kia đã khiến chúng tôi thay đổi nhiều ý kiến tranh cãi ức thuyết về sự thành lập nước Âu Lạc mà chúng tôi đã trình bày trong sách lịch sử cổ đại Việt Nam... Chúng ta có thể nói một cách đại khái rằng miền nam sông Tả Giang và lưu vực sông Hữu Giang cùng với thượng lưu các sông Lô, sông Gâm, sông Cầu là địa bàn sinh tụ của những bộ lạc Tây Âu hợp thành bộ lạc liên hiệp Nam Cương mà Thục Phán là tù trưởng tối cao”. Trong bài Bàn về nước Âu Lạc và An Dương Vương, tác giả Nguyễn Duy Hinh cho rằng Thục Phán là người đứng đầu một nhóm Lạc Việt, Tây Âu là một nước của người Việt , do đó “xung đột Hùng - Thục thực chất là cuộc đấu tranh nội bộ Âu Lạc”. Đến nay nhiều thần tích và truyền thuyết về Hùng Vương và An Dương Vương đều coi Thục Phán thuộc dòng dõi, tông phái hoặc là “cháu ngoại” của vua Hùng.  
            Qua những thư tịch và tư liệu, truyền thuyết trên, có thể khẳng định: Thục Phán là người Tày cổ, là thủ lĩnh liên minh Bộ lạc Tây Âu mà trung tâm là Cao Bằng. Điều đó còn được minh chứng là: Đến nay những tập tục, truyền thuyết dân gian tại Cổ Loa và vùng xung quanh cũng phù hợp với cách lý giải về nguồn gốc Thục Phán - An Dương Vương là người Tày cổ giống như truyền thuyết “Chín chúa tranh vua” và “Trong tâm thức dân gian vùng Cổ Loa luôn ghi nhớ nguồn gốc “người thượng du, một tù trưởng miền núi” của Thục Phán. Thậm chí còn nói rõ quê gốc của Thục Phán - An Dương Vương là Cao Bằng”. 
            Như vậy không chỉ nhân dân Cao Bằng và các nhà khoa học khẳng định mà cả một phần nhân dân ở phía bắc Bắc Bộ, từ xa xưa đã coi Thục Phán - An Dương Vương có quê gốc ở Cao Bằng.
            Kinh đô xưa của nước Nam Cương vẫn còn đấu tích khá rõ nét. Đó là kinh đô Nam Bình gồm có hai vòng thành (xem sơ đồ), vòng ngoài có chu vi khoảng 5 km, gồm cả một vùng gò đồi thấp, quanh chân đồi được bạt dựng đứng như một bức tường thành, thuân lợi cho xây dựng phòng tuyến bảo vệ. Bờ thành  phía tây chạy song song với sông Bằng đến đầu làng Bó Mạ, nối bờ thành Đông Nam chạy qua trước mặt Bản Phủ theo chân đồi ra gặp quốc lộ 4, phía Đông Bắc chạy theo chân đồi phía ngoài quốc lộ 4, lên đến đầu gò là phía Tây Bắc tiếp tục chạy theo chân đồi, ra đến bờ sông gặp bờ thành phía tây tạo thành một vòng thành khép kín.
           Vòng trong có thể gọi là Hoàng cung là nơi Vua ở, nằm trên một khu đất bằng phẳng đó là Thành Bản Phủ. Thành có chiều dài khoảng 110 m, chiều rộng gần 100 m. Phía trước thành là hồ sen (trước đây rộng 7 ha) và cánh đồng Cao Bình, tiếp là cánh đồng Tổng chúp, trước đó gọi là cánh đồng Tổng Quảng nghĩa lá cánh đồng rộng, sau cuộc đua tài của chúa Tiến Đạt chưa cấy hết (còn bằng cái nón) nên gọi là Tổng Chúp. Ngay chân thành là giếng ngọc - thường gọi là Bó Phủ, nước trong vắt quanh năm. Gần Bản Phủ là cây đa cổ thụ, tương truyền là chúa Kim Đán dùng cung tên bắn gần trụi hết lá. Ra khỏi vòng thành ngoài, ở gần Đầu Gò còn có một đôi guốc đá khổng lồ chưa kịp đục lỗ xỏ quai, đó là kết quả đua tài của chúa Văn Thắng; tiếp tục đi theo quốc lộ khoảng 1 km, ở bên phải có một quả đồi gọi là Khau Lừa (đồi thuyền), theo truyền thuyết đó là con thuyền của Ngọc Tặng chưa kịp lật; đối diện với Khau Lừa bên kia sông Bằng là thành Nà Lữ còn thiếu một cửa do cuộc đua tài của Thành Giáng bị bỏ dở... Còn các chúa làm thơ, mài kim đều phải bỏ cuộc vì khi gần đến thắng lợi thì nghe tiếng trống của Quang Thạc vang lên; các chúa tưởng Quang Thạc đã giành chiến thắng. Nhưng cả Quang Thạc cũng bị trúng mỹ nhân kế của Thục Phán, nên để trống lăn xuống vực mà kêu ầm lên vang vọng cả núi rừng, nơi trống lăn gọi là Tổng Lằn.
           Như vậy là từ thành Bản Phủ, Thục Phán đã tổ chức nhiều cuộc thi và giành thắng lợi trước các chúa. Nay các địa danh, các câu chuyện gắn liền với cuộc thi vẫn còn in sâu đậm trong ký ức nhân dân, và trong tâm thức nhân dân vẫn còn nhiều tập tục- có thể gọi là một loại hình văn hoá tộc người lưu lại, liên quan đến Thục Phán - An Dương Vương và thành Cổ Loa. Đó là các biểu tượng rùa vàng, gà trắng, trong đó gà trắng phá hoại việc xây thành Cổ Loa, rùa vàng giúp xây thành. Rùa vàng, gà trắng có thể gọi là những linh vật có ý nghĩa biểu tượng trong dân tộc Tày. Nhân dân coi rùa vàng là thần giúp sức, phù trợ nhân dân, con rùa được quý trọng, tôn thờ. Con gà thì lại khác, biểu tượng gà là ‘‘vật ký thác linh hồn”, hiện nay đồng bào vẫn coi “Ma gà” (phi cáy) là hiện tượng đáng sợ, khi bị “ ma gà” nhập. Đồng bào coi gà trắng là ‘‘Cáy khoăn” tức gà gọi hồn, vì vậy đồng bào thường kiêng nuôi gà trắng, kiêng thịt gà trắng trong những dịp lễ vui mừng... Từ những quan niệm đó đến những phong tục, tập quán của người Tày về rùa vàng và gà trắng, có thể thấy rõ “Sự tương đồng với những chi tiết trong truyền thuyết An Dương Vương xây thành Cổ Loa, những nét tương đồng ấy phải chăng có cội nguồn từ nguồn gốc Tày cổ của Thục Phán - An Dương Vương. Vì nhà vua là Tày cổ nên những quan niệm, phong tục cổ của người Tày đã được đưa đến vùng đất Cổ Loa”. Rồi tên gọi Tây Âu trước đó là tên gọi bộ lạc Tày cổ, có thể do Tày Hâu - Cần Hâu hoặc Tày Hây - Cần Hây biến âm mà thành.
            Không chỉ như vậy mà những năm 1960 của thế kỷ trước, ở Cao Bằng còn lưu truyền “Slửa nộc sloa” tức áo lông chim trĩ và “Slửa nộc cốt” tức áo lông chim bìm bịp và một loại sang hơn là “Slửa cáy nhùng” là áo lông gà công. Đó là những chiếc áo gần với chiếc “áo lông ngỗng” của Mỵ Châu - con gái của An Dương Vương. Ngay cả Mỵ Châu cũng chính là biến âm của tiếng Tày từ “Mẻ chủa” hay ‘‘Mẻ Chẩu” mà thành. Địa danh Cổ Loa cũng đã được các nhà ngôn ngữ - dân tộc học lịch sử phân tích nguồn gốc biến âm từ Kẻ Lũ; những địa danh có tên Kẻ ở Cao Bằng không thiếu, gần Thành Bản Phủ bên kia sông Bằng có Kẻ Giẳng, Kế Nông... Rồi Cả Lọ, Co Lỳ tương ứng với Cà Lồ, Cổ Loa... rất nhiều địa danh xung quanh thành Cổ Loa và Bản Phủ có sợi dây liên hệ, đó là những chứng tích cho  thấy rõ sự liên quan giữa hai kinh đô Nam Bình và kinh đô Cổ Loa của Thục Phán - An Dương Vương. 
            Như vậy, đó là quá trình phát triển hợp lý, liên tục, có tính kế thừa. Điều đó góp phần làm sáng tỏ và khẳng định giả thuyết: Thục Phán có nguồn gốc ở Cao Bằng đã tham gia vào việc thành lập nước Âu Lạc, đóng góp vào quá trình dựng nước và giữ nước trong giai đoạn đầu tiên của lịch sử nước ta.
            Nước Âu Lạc ra đời là một bước phát triển mới trong tiến trình lịch sử Việt Nam.
    Đinh Ngọc Viện

    http://www.baocaobang.vn/Non-nuoc-Cao-Bang/Thanh-Ban-Phu-thanh-Co-Loa-va-Thuc-Phan-An-Duong-Vuong/6254.bcb



    Thành Bản Phủ (Cao Bằng)


    Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

    Vị trí thành Bản Phủ trên bản đồ
    Thành Bản Phủ nằm trên một vùng rộng lớn bao quanh là sông nước và đồng ruộng thuộc xã Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng.
    Theo truyền thuyết và sử sách, đây không phải thành quân sự, mà là nơi thiết triều của Vương phủ thời Thục Chế-Thục Phán và thời Mạc.[1] Tuy nhiên, cho đến nay chưa từng tìm được những hiện vật thời Thục Chế. Qua nghiên cứu và xác định niên đại những di vật nằm trong địa tầng, phần lớn các hiện vật thu được cho thấy thành này được xây dựng từ thời  – Mạc.

    Truyền thuyết nước Nam Cương[sửa | sửa mã nguồn]

    Năm 1963, một tư liệu mới về Thục Phán được công bố. Đó là truyền thuyết "Cẩu chủa cheng vùa" (chín chúa tranh vua) của người Tày ở Cao Bằng.[2]
    Vùng đất Cao Bình xưa (nay thuộc địa phận tỉnh Cao Bằng) nằm dọc theo hai bên bờ của sông Bằng Giang, nơi trung tâm của bồn địa Hoà An. Theo truyền thuyết, đây vốn là kinh đô của nước Nam Cương thời Thục Phán, khi ấy gọi là Nam Bình.[3] Đó là nơi Thục Chế (cha đẻ của Thục Phán) đã từng sinh sống, đắp đất xây thành luỹ để phòng thủ, bảo vệ dân làng trước giặc ngoại xâm. Thành Bản Phủ làm vương phủ, xây dựng vào năm 214 TCN.[3]
    Theo truyền thuyết được ông Nguyễn Đức Hạnh tại Cao Bằng kể lại nguyên văn:
    Theo ông Đinh Ngọc Viện trong Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần 3, ngày 4-7 tháng 12 năm 2008:

    Thời Mạc (giai đoạn 1594-1677)[sửa | sửa mã nguồn]

    Nước Nam Cương và nhà Mạc giai đoạn 1594-1677 đều đặt vương phủ ở thành Bản Phủ.[6] Dấu tích nhà Mạc đè lên dấu tích thời Nam Cương, nên dấu tích thời Nam Cương chưa tìm thấy gì. Bảo tàng tỉnh Cao Bằng từng tiến hành khảo sát trong thành Bản Phủ, đào sâu 2m rộng 2m dài 6m đã tìm thấy những mảnh gốm thời Mạc. Hiện nay những địa danh còn tồi tại trên 400 năm ở phía Đông Bản Phủ có giếng Bó Phủ có nước chảy quanh năm ra đầm sen (nay đầm sen đã thu hẹp lại), có cánh đồng Tổng Chúp, phía Tây có cung Hoàng Phi, Ly Cung nhà Mạc ở gò Đống Lân, trường quốc học ở Bản Thảnh, chuông chùa Đà Quận đúc thời Mạc, Thiên thanh nơi chiêm tinh, đài giao cúng tế trời, đào viên (vườn hoa), vườn Thượng uyển, hồ cỏ ngựa (nuôi ngựa), miếu thờ Hoàng hậu Mạc Kinh Vũ ở cuối chợ Cao Bình, miếu thờ công chúa Hoa Dung công chúa thứ ba của vua Mạc ở Cầu Khanh, thành nhà Mạc, đền vua Lê ở Nà Lữ. Mới phát hiện có tướng chỉ huy quân cấm vệ ở Bản Phủ tên là Nguyễn Đức Minh được vua Mạc ấn phong Điện Tiên chỉ huy xứ, chỉ huy quân cấm vệ bảo vệ vương triều và kinh thành. Và một cụ được phong là Phụ quốc công thượng tướng quân, cụ giỏi về bắn cung và luyện ngựa được ấn phong Thần vũ vệ tả trung úy Thân vũ hầu là Kim pha (Nà Cạn, Mục Mã, thành phố Cao Bằng). Hai tướng này đều quê ở xã Phước Mỹ, An Sơn, phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây (nghiên cứu theo gia phả họ Nguyễn).[3]

    Cấu trúc[sửa | sửa mã nguồn]

    Thành được xây theo hình chữ nhật dài 110m, rộng 75m, có hai cửa Đông và Tây, thành đắp bằng đất, tường trình, xung quanh có luỹ tre và hào bao bọc,[7] vừa có giá trị phòng thủ quân sự, vừa có tác dụng ngăn lũ sông Bằng Giang, bảo vệ cho khu vực Bản Phủ.[8]
    Về mặt tư duy logic, nếu như thành Cổ Loa ngày xưa xây theo chân đồi, chỗ cong thì xây cong, thẳng thì xây thẳng, nếu thành Bản Phủ có từ thời An Dương Vương thì không thể có hình vuông. Thành ngày xưa được xây để ngăn quân thù, ngày xưa xây quanh theo quả đồi, sau hình học ra đời thì người ta mới xây theo hình vuông.[9] Theo PGS TS Trình Năng Chung thì:

    Di vật khảo cổ[sửa | sửa mã nguồn]

    Thời tiền sử[sửa | sửa mã nguồn]

    Trong đợt khảo cổ để tìm dấu tích của thời đại kim khí Thục Phán đã từng xây thành, lập chốt ở Cao Bằng, đoàn khảo cổ đã tiến hành khảo sát bãi đá sỏi lộ thiên tại làng Bó Mạ, xã Hưng Đạo.[10]
    Họ phát hiện, ở khu vực bến sông ăn ngầm sâu vào trong bờ có công cụ bằng đá thô sơ, chứng tỏ người thời tiền sử đã từng sinh sống ở đây. Đó là những công cụ bằng đá mà người nguyên thuỷ ghè một đầu để làm chỗ cầm (rìu đá) để chặt cây hay giết thú. Con người đã sớm sinh sống ở khu vực này mà nơi cư trú chính là những gò đất cao dọc theo bờ sông Bằng Giang.[10]
    Tuy nhiên, những hiện vật để minh chứng cho vùng đất cổ mà người cha của Thục Phán đã chọn để xây thành thì nay vẫn là điều vô cùng bí ẩn.[11]

    Thời Lê-Mạc[sửa | sửa mã nguồn]

    Qua khai quật khảo cổ và một số phát hiện của địa phương trong quá trình xây dựng và sản xuất đã thu được một số hiện vật có giá trị về mặt lịch sử như: đồ đá, đồ đồng, gốm. Đặc biệt, mới đây nhất, trong quá trình dùng máy xúc đất, người dân đã phát hiện một thanh đao cổ dài hơn 1m nhưng chưa rõ có từ thời nào. Sau đó, một đoàn khai quật đã lên Cao Bằng để nghiên cứu. Ngay khi mới chỉ đào một hố nhỏ sâu vài mét ở tường thành, đoàn đã phát hiện hiện vật nằm dày đặc, chủ yếu là các loại vật liệu xây dựng và các vật dụng cổ, bao gồm đồ đá, đồ sành, gốm và sứ. Ngoài ra cũng tìm được một số mẩu kim lại bằng sắt và đồng đã gỉ. Sự khác nhau giữa các di vật trong các tầng lớp hầu như không có, gần như là có sự tương đồng, điều đó nói lên thành này được đắp trong cùng một thời gian. Qua nghiên cứu và xác định niên đại những di vật nằm trong địa tầng, phần lớn các hiện vật thu được cho thấy thành này được xây dựng từ thời Lê – Mạc.[12]

    Xem thêm[sửa | sửa mã nguồn]

    Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

    1. ^ “Thành Bản Phủ ở Cao Bình”. Ngày 27 tháng 2 năm 2012. Thành Bản Phủ ở Cao Bình thuộc xã Hưng Đạo, huyện Hoà An (nay thuộc thị xã Cao Bằng) là di tích lịch sử của hai thời kỳ, mỗi thời kỳ cách nhau gần hai ngàn năm. Thời kỳ thứ nhất là vua Thục Chế (cha của vua Thục Phán) lấy Cao Bình làm kinh đô nước Nam Cương gọi là Nam Bình. Thành Bản Phủ làm vương phủ, xây dựng vào năm 214 trước công nguyên. Thời kỳ thứ 2 là nhà Mạc thất thế ở Thăng Long chạy lên Cao Bằng (1594 - 1677) cũng chọn Bản Phủ đóng làm vương phủ, nơi thiết triều của ba đời vua Mạc là Mạc Kính Cung, Mạc Kính Khoan và Mạc Kính Vũ trải dài 83 năm.
    2. ^ “Cao Bằng và bí ẩn nơi thành cổ Bản Phủ”. Ngày 17 tháng 12 năm 2012. Ông Nguyễn Đức Hạnh - người thường xuyên cùng các cụ cao niên trong xã tổ chức các đợt khảo cổ tại địa phương kể lại cho chúng tôi nghe về vùng đất lịch sử này. Ông bảo, năm 1963, một tư liệu mới về An Dương Vương Thục Phán được công bố, đó là truyền thuyết "Cẩu chủa cheng vùa" (tức 9 chúa tranh vua) của đồng bào Tày ở Cao Bằng.
    3. a ă â “Thành Bản Phủ ở Cao Bình”. Trang tin Ban quản lý di tích Khu tưởng niệm các Vua Nhà Mạc. Ngày 27 tháng 2 năm 2012.
    4. ^ “Cao Bằng và bí ẩn nơi thành cổ Bản Phủ”. Vietnamnet (Theo Dân Việt). Ngày 17 tháng 12 năm 2013. Truy cập ngày 30 tháng 8 năm 2014.
    5. ^ Đinh Ngọc Viện (ngày 14 tháng 7 năm 2013). “Qua thành bản phủ trở lại vấn đề Thục Phán - An Dương Vương trong lịch sử Việt Nam". Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần 3, ngày 4-7 tháng 12 năm 2008. Truy cập ngày 30 tháng 8 năm 2014.
    6. ^ Thành Bản Phủ không phải thành quân sự, mà là nơi thiết triều của Vương phủ, còn thành quân sự ở Nà Lữ - Hoàng Tung - Hòa An ngày nay.
    7. ^ “Thành Bản Phủ ở Cao Bình”. Ngày 27 tháng 2 năm 2012. Thành được xây theo hình chữ nhật dài 110 mét, rộng 75 mét, có hai cửa Đông và Tây, thành đắp bằng đất, tường trình, xung quanh có luỹ tre và hào bao bọc.
    8. ^ “Bí ẩn thành cổ Bản Phủ: Giải mã từ lòng đất”. Ngày 18 tháng 12 năm 2012. Tại Bản Phủ, ngay cạnh chợ Cao Bình, hố khai quật được xẻ ngang di tích của tường thành cũ, có lũy tre dày đặc và phía bên ngoài là hào sâu bao bọc. Đây là bức thành được đắp bằng đất, vừa có giá trị phòng thủ quân sự, vừa có tác dụng ngăn lũ sông Bằng Giang, bảo vệ cho khu vực Bản Phủ.
    9. ^ “Bí ẩn thành cổ Bản Phủ: Giải mã từ lòng đất”. Ngày 18 tháng 12 năm 2012. Về mặt tư duy logic, nếu như thành Cổ Loa ngày xưa xây theo chân đồi, chỗ cong thì xây cong, thẳng thì xây thẳng, nếu thành Bản Phủ có từ thời An Dương Vương thì không thể có hình vuông được. "Thành ngày xưa được xây để ngăn quân thù, ngày xưa xây quanh theo quả đồi, sau hình học ra đời thì người ta mới xây theo hình vuông" – PGS Chung chia sẻ.
    10. a ă â “Bí ẩn thành Bản Phủ ở Cao Bằng”. Công an Nhân dân. Ngày 20 tháng 12 năm 2011. Truy cập ngày 30 tháng 8 năm 2014PGS TS Trình Năng Chung cũng khẳng định rằng: "Thế mạnh của dân khảo cổ học là khai quật, di tích, di vật. Đó là sử liệu, bằng vật chứng cụ thể dưới lòng đất, muốn chứng minh thành Bản Phủ là của An Dương Vương Thục Phán thì phải khai quật như khai quật thành Cổ Loa ở Đông Anh vậy. nhưng làm như thế rất tốn kém về thời gian, vật lực và nhân lực." Lỗi chú thích: Thẻ <ref> không hợp lệ: tên “cand” được định rõ nhiều lần, mỗi lần có nội dung khác
    11. ^ “Đã tìm ra dấu tích khu thành cổ thời An Dương Vương?”. Ngày 30 tháng 10 năm 2012. Truy cập ngày 30 tháng 8 năm 2014.
    12. ^ “Bí ẩn thành cổ Bản Phủ: Giải mã từ lòng đất”. Ngày 18 tháng 12 năm 2012. Truy cập ngày 30 tháng 8 năm 2014.

    Cao Bình (kinh đô)

    Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
    Cao Bình hay Nam Bình là kinh đô của nhiều vương quốc cổ từ nước Nam Cương trong truyền thuyết đến nước Trường Sinh thế kỷ 11 và triều đại nhà Mạc giai đoạn 1594-1677, nay thuộc địa phận tỉnh Cao Bằng.[1][2]

    Truyền thuyết nước Nam Cương[sửa | sửa mã nguồn]

    Năm 1963, một tư liệu mới về Thục Phán được công bố. Đó là truyền thuyết "Cẩu chủa cheng vùa" (chín chúa tranh vua) của người Tày ở Cao Bằng.[3]
    Vùng đất Cao Bình xưa (nay thuộc địa phận tỉnh Cao Bằng) nằm dọc theo hai bên bờ của sông Bằng Giang, nơi trung tâm của bồn địa Hoà An. Theo truyền thuyết, đây vốn là kinh đô của nước Nam Cương thời Thục Phán, khi ấy gọi là Nam Bình.[4] Đó là nơi Thục Chế (cha đẻ của Thục Phán) đã từng sinh sống, đắp đất xây thành luỹ để phòng thủ, bảo vệ dân làng trước giặc ngoại xâm. Thành Bản Phủ làm vương phủ, xây dựng vào năm 214 TCN.[4]
    Nam Cương gồm 10 xứ mường (9 mường và 1 mường trung tâm). Vào giai đoạn trước Công nguyên, Thục Chế xưng là An Trị Vương, đóng đô ở Nam Bình, làm vua được 60 năm thì mất ở tuổi 95. Lúc này người con là Thục Phán mới tròn 10 tuổi. Cháu Thục Chế là Thục Mô giúp Thục Phán nhiếp chính. Thục Phán còn trẻ, Thục Mô lộng quyền. 9 chúa mường không phục kéo quân về bắt Thục Phán chia nhỏ đất ra cho các chúa cai quản và đòi nhường ngôi "vua". Thục Phán tuy ít tuổi, nhưng rất thông minh, đã bày ra những cuộc đua sức, đua tài và giao hẹn ai thắng cuộc sẽ được nhường ngôi.
    Thục Phán dùng mưu kế làm cho các chúa mất nhiều công sức, mà không ai thắng cuộc, như tổ chức các cuộc thi bắn cung trúng lá đa khi lá rụng, dùng một cái lưỡi cày để làm ra 1.000 chiếc kim... Thục Phán còn dùng cả "mỹ nhân kế", cho 10 thiếu nữ xinh đẹp đi theo các người thi... Đến giờ Hợi nhưng tất cả các chúa vẫn chưa ai làm xong. Cuối cùng, các chúa không ai thắng được đã phải quy phục Thục Phán. Sau đó, nước Nam Cương trở nên cường thịnh.

    Nước Trường Sinh[sửa | sửa mã nguồn]

    Thế kỷ 11, Nùng Tồn Phúc nổi dậy chiếm Cao Bình và Nà Lữ làm kinh đô nước Trường Sinh vào năm 1039, vua Lý Thái Tông lên bắt được Nùng Tồn Phúc xử tội.[5] Năm 1041, Nùng Trí Cao con Nùng Tồn Phúc lại nổi lên làm vua đặt tên nước là Đại Lịch. Vua Lý thương tình cha bị diệt, đã dụ được Trí Cao về Thăng Long ăn học và lấy vợ làTrần Thị Cầm con vị tướng họ Trần đã lên Cao Bình thuyết phục Trí Cao không theo nhà Tống. Việc này đã thắt chặt mối quan hệ giữa vùng biên cương với kinh thànhThăng Long. Tháng 9 năm 1043, vua Lý cử Ngụy Trưng lên Quảng Nguyên ban cho Trí Cao đô ấn, phong hàm Thái Bảo.

    Thời Lê-Mạc phân tranh[sửa | sửa mã nguồn]

    Năm 1593, con trai Mạc Mậu Hợp là Mạc Kính Cung thất thế ở Thăng Long chạy lên Cao Bình, xây thành đắp luỹ chống nhà Lê - Trịnh nhằm đặt đế nghiệp lâu dài vững chắc, khi thời cơ đến sẽ lấy lại Thăng Long, thu phục cả nước như thuở mới sáng lập nhà Mạc.[6]
    Ba đời vua Mạc ở Cao Bình (1594 - 1677), chọn nơi thiết triều ở thành Bản Phủ - Cao Bình, nhân dân hầu hết thuận phục nhà Mạc. Cung điện vua Mạc ở trong thành Nà Lữgọi là thành Lua hiện vẫn còn dấu tích chân móng tường thành, còn bát hương ghi Đại Mạc hoàng đế. Nhà Mạc đã kết nối bang giao hữu hảo với nhà Thanh, mở rộng thông thương, dân hai bên biên giới đi lại mua bán thuận tiện ở các chợ thành Cao Bình và các chợ biên giới.
    Trải qua 85 liên tục nhà Mạc ở Cao Bình đã tạo dựng được một trật tự xã hội, một nhà nước có kỷ cương, mở mang dân trí, đối nội, đối ngoại kịp thời có cách ứng xử cương nhu tùy lúc, đủ sức chống cự với các cuộc chinh phạt liên miên của nhà Lê - Trịnh. Có thể nói, so với các thời trước đó, vương triều Mạc ở Cao Bằng là thời hưng thịnh nhất.

    Cấu trúc kinh thành[sửa | sửa mã nguồn]

    Hiện nay dấu tích kinh thành vẫn còn khá rõ nét, kinh đô Cao Bình gồm hai vòng thành. Vòng ngoài có chu vi khoảng 5 km bao gồm cả một khu đồi thấp, phía Tây chạy song song với bờ sông Bằng Giang khoảng trên 1 km. Đến đầu làng Bó Mạ là bờ thành phía Đông Nam chạy qua trước mặt Bản Phủ hiện nay cũng hơn 1 km. Đến ngã ba đường rẽ lên Đức Chính lại chạy theo quốc lộ 4 cũng hơn 1 km. Xung quanh chân đồi được bạt dựng đứng như một bức tường thành tự nhiên, nên thuận lợi cho việc xây dựng phòng tuyến bảo vệ. Còn Vương phủ nơi vua ở nằm tại một khu đất bằng phẳng đó là thành Bản Phủ ngày nay.[7]

    Thành Bản Phủ nằm trong kinh đô Cao Bình[sửa | sửa mã nguồn]


    Vị trí thành Bản Phủ tại kinh đô Cao Bình trên bản đồ
    Thành Bản Phủ nằm trên một vùng rộng lớn bao quanh là sông nước và đồng ruộng thuộc xã Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng. Theo truyền thuyết và sử sách, đây không phải thành quân sự, mà là nơi thiết triều của Vương phủ.[8]
    Thành Bản Phủ đến nay vẫn còn dấu tích khá rõ nét, được xây dựng ở một vị trí rất đẹp và quay mặt sang hướng Đông Nam. Thành xây theo hình chữ nhật dài 110m, rộng 75m, có hai cửa Đông và Tây, thành đắp bằng đất, tường trình, xung quanh có luỹ tre và hào bao bọc,[9] vừa có giá trị phòng thủ quân sự, vừa có tác dụng ngăn lũ sông Bằng Giang, bảo vệ cho khu vực Bản Phủ.[10]

    Xem thêm[sửa | sửa mã nguồn]

    Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

    1. ^ “Cao Bình - Cố đô Thục Phán An Dương Vương”Cao Bình (Nam Bình) xưa đã từng là cố đô của vị vua đầu tiên của Việt Nam. Đó là Thục Phán - An Dương Vương, vua nước âu Lạc.
    2. ^ “Cao Bình - Nà Lữ đất cố đô qua các triều đại”. Ngày 9 tháng 7 năm 2012.
    3. ^ “Cao Bằng và bí ẩn nơi thành cổ Bản Phủ”. Ngày 17 tháng 12 năm 2012. Ông Nguyễn Đức Hạnh - người thường xuyên cùng các cụ cao niên trong xã tổ chức các đợt khảo cổ tại địa phương kể lại cho chúng tôi nghe về vùng đất lịch sử này. Ông bảo, năm 1963, một tư liệu mới về An Dương Vương Thục Phán được công bố, đó là truyền thuyết "Cẩu chủa cheng vùa" (tức 9 chúa tranh vua) của đồng bào Tày ở Cao Bằng.
    4. a ă “Thành Bản Phủ ở Cao Bình”. Trang tin Ban quản lý di tích Khu tưởng niệm các Vua Nhà Mạc. Ngày 27 tháng 2 năm 2012.
    5. ^ “Cao Bình - Nà Lữ đất cố đô qua các triều đại”. Ngày 9 tháng 7 năm 2012. Thế kỷ thứ XI, Nùng Tồn Phúc nổi dậy chiếm Cao Bình - Nà Lữ làm kinh đô nước Trường Sinh vào năm Kỷ Mão (1039), vua Lý Thái Tông lên bắt được Nùng Tồn Phúc xử tội.
    6. ^ “Cao Bình - Nà Lữ đất cố đô qua các triều đại”. Ngày 9 tháng 7 năm 2012. Thời Lê - Mạc phân tranh, năm Quý Tỵ (1593) con trai Mạc Mậu Hợp là Mạc Kính Cung thất thế ở Thăng Long chạy lên Cao Bình, xây thành đắp lũy chống nhà Lê - Trịnh nhằm đặt đế nghiệp lâu dài vững chắc, khi thời cơ đến sẽ lấy lại Thăng Long, thu phục cả nước như thuở mới sáng lập Mạc triều. Ba đời vua Mạc ở Cao Bình (1594 - 1677), chọn nơi thiết triều ở thành Bản Phủ - Cao Bình, nhân dân hầu hết thuận phục nhà Mạc. Cung điện vua Mạc ở trong thành Nà Lữ gọi là thành Lua hiện vẫn còn dấu tích chân móng tường thành, còn bát hương ghi Đại Mạc hoàng đế. Nhà Mạc đã kết nối bang giao hữu hảo với nhà Thanh, mở rộng thông thương, dân hai bên biên giới đi lại mua bán thuận tiện ở các chợ thành Cao Bình và các chợ biên giới. Trải qua 85 liên tục nhà Mạc ở Cao Bình đã tạo dựng được một trật tự xã hội, một nhà nước có kỷ cương, mở mang dân trí, đối nội, đối ngoại kịp thời có cách ứng xử cương nhu tùy lúc, đủ sức chống cự với các cuộc chinh phạt liên miên của nhà Lê - Trịnh. Có thể nói, so với các thời trước đó, vương triều Mạc ở Cao Bằng là thời hưng thịnh nhất.
    7. ^ “Qua thành bản phủ trở lại vấn đề Thục Phán - An Dương Vương trong lịch sử Việt Nam”. Ngày 14 tháng 7 năm 2013. Hiện nay kinh đô xưa của nước Nam Cương vẫn còn dấu tích khá rõ nét, kinh đô Nam Bình lúc đó gồm hai vòng thành (Xem sơ đồ) vòng ngoài có chu vi khoảng 5km bao gồm cả một khu đồi thấp, phía Tây chạy song song với bờ Sông Bằng khoảng trên 1km. Đến đầu làng Bó Mạ là bờ thành phía Đông Nam chạy qua trước mặt Bản phủ hiện nay cũng hơn 1km. Đến ngã ba đường rẽ lên Đức Chính lại chạy theo quốc lộ 4 cũng hơn 1km. Xung quanh chân đồi được bạt dựng đứng như một bức tường thành tự nhiên, nên thuận lợi cho việc xây dựng phòng tuyến bảo vệ. Còn Hoàng cung nơi vua ở nằm ở một khu đất bằng phẳng đó là thành Bản Phủ ngày nay.
    8. ^ “Thành Bản Phủ ở Cao Bình”. Ngày 27 tháng 2 năm 2012. Thành Bản Phủ ở Cao Bình thuộc xã Hưng Đạo, huyện Hoà An (nay thuộc thị xã Cao Bằng) là di tích lịch sử của hai thời kỳ, mỗi thời kỳ cách nhau gần hai ngàn năm. Thời kỳ thứ nhất là vua Thục Chế (cha của vua Thục Phán) lấy Cao Bình làm kinh đô nước Nam Cương gọi là Nam Bình. Thành Bản Phủ làm vương phủ, xây dựng vào năm 214 trước công nguyên. Thời kỳ thứ 2 là nhà Mạc thất thế ở Thăng Long chạy lên Cao Bằng (1594 - 1677) cũng chọn Bản Phủ đóng làm vương phủ, nơi thiết triều của ba đời vua Mạc là Mạc Kính Cung, Mạc Kính Khoan và Mạc Kính Vũ trải dài 83 năm.
    9. ^ “Thành Bản Phủ ở Cao Bình”. Ngày 27 tháng 2 năm 2012. Thành được xây theo hình chữ nhật dài 110 mét, rộng 75 mét, có hai cửa Đông và Tây, thành đắp bằng đất, tường trình, xung quanh có luỹ tre và hào bao bọc.
    10. ^ “Bí ẩn thành cổ Bản Phủ: Giải mã từ lòng đất”. Ngày 18 tháng 12 năm 2012. Tại Bản Phủ, ngay cạnh chợ Cao Bình, hố khai quật được xẻ ngang di tích của tường thành cũ, có lũy tre dày đặc và phía bên ngoài là hào sâu bao bọc. Đây là bức thành được đắp bằng đất, vừa có giá trị phòng thủ quân sự, vừa có tác dụng ngăn lũ sông Bằng Giang, bảo vệ cho khu vực Bản Phủ.

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét

    Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

    LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

    Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.