Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

06/10/2015

nguời Nhật thứ 23 nhận Nobel : Gs Omura, và liên quan đến cây thanh thảo

Về cây thanh thảo (cũng gọi là cây thanh hao, hay thanh hao hoa vàng), lần truớc đã nói về việc trồng nó của bà con tỉnh Vĩnh Phúc mà bị dính quả đắng với thương lái Trung Quốc (xem lại ở đâyở đây).

Bây giờ là về Nobel 2015 liên quan đến cây thanh thảo này.

Đầu tiên là một video trực tuyến để thấy được dung nhan của Giáo sư Omura (một trong ba người được nhận Nobel y học - sinh lí học 2015). Ông đang ở tuổi 80, và hiện là Giáo sư Danh dự Đặc biệt của đại học.



"
特別栄誉教授 大村 智 博士がノーベル賞 医学・生理学賞を受賞しました。
Satoshi Ômura, Distinguished Emeritus Professor of Kitasato University, has won the Nobel Prize in Physiology or Medicine 2015.

"

Đại học của ông là một trường vốn hoàn toàn không có danh tiếng. Bản thân tôi cũng không hề biết. Dù đó là trường đã có lịch sử hơn một thế kỉ.

Nhờ có Omura và giải Nobel 2015 này, từ hôm nay, toàn nước Nhật cũng như thế giới sẽ biết đến tên trường: Đại học Kitasato. Đọc âm Hán Việt là Bắc Lí đại học, mà nghĩa trực dịch là "Đại học làng Bắc".

Ngày hôm nay, trang web của Đại học Kitasato đang bị sập, bởi lượng truy cập quá tải !


Dưới là một ít tư liệu.

---

1. Trang chủ của Đại học Kitasato đang bị nghẽn, Hiệu trưởng cáo lỗi vì lí do kĩ thuật đó và viết thư chúc mừng Gs Omura:

"

北里大学

Kitasato University



ただいま大変混雑しています。

現在アクセスが集中しているため、
北里大学のトップページは、閲覧制限をさせて頂いております。
大変ご迷惑をおかけいたしますが、何卒ご理解くださいますようお願いいたします。


What's New

2015.10.05
特別栄誉教授 大村 智 博士がノーベル賞 医学・生理学賞を受賞しました。
Satoshi Ômura, Distinguished Emeritus Professor of Kitasato University, has won the Nobel Prize in Physiology or Medicine 2015.

理事長・学長お祝いの言葉

  学校法人北里研究所の顧問で北里大学特別栄誉教授の大村智博士に2015年ノーベル生理・医学賞の受賞が決まりました。大村教授に、心よりお慶びを申し上げます。
  翻って思い起こせば、北里研究所創設者の北里柴三郎博士が、1880年代のドイツ留学中に破傷風菌の純粋培養に成功し、さらにその血清療法を確立したことで、第1回のノーベル賞候補になっていたと聞き及んでいます。その時は、残念ながら受賞を逃しましたが、1世紀を超えて、大村教授がその栄誉あるノーベル賞を受賞されることは、北里柴三郎先生の学統を受け継ぐ者として、感慨深いものがあります。
  昨年11月に北里研究所は創立100周年を迎え、今年は新たな50年、100年の第一歩の年となりますが、その記念すべき年にこのような慶事に巡り会えた事も、偶然だけでは言い表せないものと考えております。
  ノーベル財団から受賞が伝えられた10月5日の記者会見で、大村先生は、「常に人のためになる研究を目指していた」と語られ、また、「人の真似をすると人を超えられない」とも話されていました。そして若い世代の成長を楽しみにされていました。
  大村教授におかれましては、これからも、後進の育成と世界の保健衛生向上にますますご尽力されることを祈念申し上げます。

学校法人 北里研究所 理事長
藤井 清孝

北里大学 学長
小林 弘祐

"

2. Việc đầu tiên là thắp hương lên bàn thờ tổ tiên và cản ơn vợ (đã quá cố):


3. Một nhà khoa học bản lĩnh










大村智さん、どんな人? 定時制高校の教師から微生物研究に【ノーベル医学生理学賞】

投稿日: 更新: 
OMURA SATOSHI








2015年度のノーベル医学生理学賞を受賞した北里大特別栄誉教授の大村智さん(80)は、熱帯で寄生虫が引き起こす「河川盲目症」や「リンパ管フィラリア症」の特効薬となる抗生物質「エバーメクチン」の開発が評価された。定時制高校の教師から研究者に転身した、異色の経歴の持ち主でもある。
大村さんは山梨県出身。山梨大学を卒業し、東京都立墨田工業高校定時制の教師として5年間勤めた。
(山梨)県内の教師募集がなく、3カ所受けた中で一番難しい東京だけ受かった。今思うと暗記ではなく考えさせる問題だったおかげ。1年目はほわんと過ごした。貧しい中、生徒が一生懸命勉強しているのをみて、俺もやらねばと思った。

教師としての力不足が自分で分かり、当時の東京教育大の聴講生になり、東京理科大の大学院に進み、研究者の道を歩んだ。教師と研究の両立のため、効率的に仕事することが身についた。(朝日新聞2014年4月9日付朝刊・山梨版より)
29歳で北里研究所に入り、36歳でアメリカに留学したが、帰国前に「戻っても研究費はない」と言われたため、アメリカで製薬会社を回って共同研究を打診した。帰国前、アメリカの製薬会社メルクから、1年で2500万円の破格の研究費提供を受け、動物薬の研究に打ち込んだ。
北里研究所に復帰後は、研究員とポリ袋やスプーンを持ち歩いて、各地の土を集め、培養して有望な菌を探し出す、地道な作業を続けた。1974年、静岡県伊東市の川奈ゴルフ場の近くの土から採取したカビに似た放線菌が、試験管の中でこれまでにない色や性質を示していた。
米国留学から戻り、米製薬大手メルクと3年契約で共同研究を始めて1年が過ぎたが、まだ成果は出ていなかった。有望な菌の一つとして、メルクに送った。

しばらくして返事が来た。忘れもしない。「菌がつくる物質は寄生虫を退治する効果が高い」。マウスに飲ませると、感染していた寄生虫が激減したというのだ。

当時、家畜の薬は人の薬を転用することが多く、効果はあまり期待できなかった。家畜の栄養を奪う寄生虫を退治できれば、食肉や羊毛の増産につながる。

化学物質の分子構造を決定し、「エバーメクチン」と名付けた。とくに牛や馬、羊などの腸管に寄生する線虫類に効いた。線虫の神経に働き、まひを起こして死滅させることがわかった。(朝日新聞2013年6月24日付朝刊より)
より効果を高めた「イベルメクチン」は1981年にメルクから発売された。もともとは家畜用の抗寄生虫薬として売り出されたが、アフリカや中南米でブヨに嚙まれて失明する「河川盲目症」にも効果があるとわかった。メルクは人間用の「メクチザン」として1987年に無償提供を始め、1995年には世界保健機関(WHO)の制圧プログラムが始まった。年間4万人を失明から救っているという。
その後、北里研究所長を経て、北里大特別栄誉教授。文化功労者(2012年)に選ばれたほか、医学の世界的な功労者に贈られるガードナー賞(2014年)、朝日賞(2014年度)など数々の賞を受賞している。
2012年にノーベル医学生理学賞を受賞した京都大学 iPS細胞研究所の山中伸弥教授は、NHKニュースのインタビューで、大村さんの研究が世界に与えたインパクト、意義について、以下のように述べた。
「人類の歴史、医学の中で感染症との戦いはものすごく大切なものです。今年もエボラ出血熱などの感染症の流行がありましたが、その中で大村先生は、一つの病気ではなくて、いろんな感染症、寄生虫に対する薬を何十と次々に作られました。本当に凄いお仕事だなあ、と思いました。
私たちがやっているような、細胞のわからないことをこれから明らかにして治療法をつくろうという研究とは全然レベルが違いまして、いろんな感染症で苦しんでおられる方の命を億単位で救われたものすごい業績ですので、私たちも大村先生を見習って、これから、同じように何億人とはなかなかいかないでしょうが、それでもたくさんの方のお役に立ちたいと、そういう思いを改めて強くしました」
http://www.huffingtonpost.jp/2015/10/05/who-is-omura-satoshi_n_8243590.html



4. Một ít bằng tiếng Việt.

a. Đàm Thanh Sơn

Artemisinin và cây Thanh hao hoa vàng


Giải Nobel y học năm 2015 được trao cho 3 người: William C. Campbell, Satoshi Ōmura,và Youyou Tu. Bà Youyou Tu là người Trung Quốc, được giải vì chiết xuất thành công chất artemisinin chống sốt rét từ cây Thanh hao hoa vàng. cứu sống được nhiều người trên thế giới trong đó có Việt Nam. Trong số những bài về artemisinin và những người đã đóng góp vào việc tìm ra và ứng dụng nó có loạt bài báo đã đăng 3 năm trước trên báo Sài Gòn tiếp thị rất đáng đọc:http://y7177.com/chuyennganhy/sotret/ungviennobel2012.htm
https://damtson.wordpress.com/2015/10/06/artemisinin-va-cay-thanh-hao-hoa-vang/


b. Báo chí Việt từ trước:



Câu chuyện khoa học: Khám phá thuốc chữa sốt rét artemisinin: ứng viên nobel y học 2012

LTS: Thông thường phải đến tháng 10 các giải Nobel mới được công bố. Tuy nhiên, từ cuối năm qua đã có không ít đồn đoán rằng giải Nobel Y học năm nay sẽ trao cho người có công tìm ra artemisinin, loại thuốc chữa sốt rét đã cứu hàng triệu người khắp thế giới. Sự ra đời của loại thuốc này từ ngày đầu tiên cho đến khi được thế giới công nhận là một câu chuyện ly kỳ, vì bắt nguồn từ cuộc chiến chống Mỹ của Việt Nam và có sự đóng góp của giới khoa học nước ta. Nhân ngày Sốt rét thế giới (25.4), xin điểm lại sự kiện y khoa này bằng loạt bài sau.

BÀI 1: Dự án tuyệt mật 523
SGTT.VN - Trong thế kỷ 21, sốt rét dường như bị che khuất bởi những dịch bệnh thời thượng như AIDS, SARS, cúm A/H5N1, cúm A/H1N1, nhưng nếu biết rằng cho đến nay mỗi năm có khoảng 250 triệu người khắp thế giới mắc bệnh và hơn 1 triệu người chết vì sốt rét, thì bất kỳ ai cũng phải giật mình.


Thanh hao hoa vàng, còn được gọi là thanh cao hoa vàng, thanh hao, thanh cao, thảo cao, ngải si, ngải hôi, ngải đắng... Ảnh: TL

Theo nhiều tài liệu, trong cuộc chiến chống Mỹ những năm 60 thế kỷ 20, bộ đội Việt Nam bị sốt rét tấn công rất dữ dội. GS Zhou Yiqing, nhà khoa học Trung Quốc từng sang Việt Nam thời đó để nghiên cứu về sốt rét, hồi tưởng: “Dọc đường mòn Hồ Chí Minh là những trận mưa bom dữ dội của lực lượng Hoa Kỳ đổ xuống và tôi đã chứng kiến sốt rét làm tiêu hao một nửa sức mạnh chiến đấu của bộ đội Việt Nam, thậm chí giảm đến 90% sức mạnh một khi binh lính bị lên cơn sốt rét. Khi đó, ngoài chiến trường bộ đội thường nói: “Chúng tôi không sợ đế quốc Mỹ mà chỉ sợ bệnh sốt rét”, cho dù sự thật là căn bệnh này gây thiệt hại cho cả hai bên”. Sốt rét khủng khiếp như thế vì theo giới y học, ký sinh trùng sốt rét đã kháng với chloroquine, loại thuốc chữa sốt rét phổ biến thời đó.
Trước tình hình này, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã nhờ Trung Quốc nghiên cứu tìm ra một loại thuốc chữa sốt rét hữu hiệu. Trong một bài viết đăng trên tạp chí Cell năm qua, hai tác giả Louis H. Miller và Xinzhuan Su của viện Dị ứng và bệnh nhiễm trùng quốc gia Hoa Kỳ, viết: “Chính phủ Trung Quốc đã họp tại Bắc Kinh ngày 23.5.1967 để tìm kiếm một loại thuốc chữa sốt rét hữu hiệu. Kết quả là một chương trình nghiên cứu sốt rét tuyệt mật cấp quốc gia ra đời, gọi là Dự án 523, quy tụ hơn 500 nhà khoa học thuộc 60 phòng thí nghiệm khác nhau”.
Là một thành viên trong nhóm nghiên cứu, GS Zhou Yiqing nói: “Chúng tôi được chia thành hai nhóm, một nhóm theo đuổi chế tạo thuốc từ các chất hoá học, một nhóm đi vào hướng y học cổ truyền. Trong nhóm sau, các chuyên gia xem xét một loạt những cây cỏ được lưu truyền trong dân gian hoặc ghi chép trong y văn cổ có tác dụng chữa sốt rét. Chúng tôi chia nhau đến tận các làng bản xa xôi để hỏi người dân về những bài thuốc bí mật chữa sốt bằng thảo dược. Cuối cùng cây thanh hao hoa vàng (tên Latinh là Artemisia annua) được “chọn mặt gửi vàng” để tập trung nghiên cứu sâu hơn”.
Ra đời trong vất vả và tranh cãi
Tác dụng cắt sốt của thanh hao hoa vàng được ghi nhận trong những cổ mộ thời Hán và được dân gian nước này công nhận qua nhiều thế kỷ. Năm 340, lần đầu tiên cây thuốc này được Cát Hồng, một danh y thời Đông Tấn, mô tả có tác dụng chữa sốt rét.
Giải “Nobel Hoa Kỳ” cho GS Tu Youyou


Tháng 9.2011, GS Tu Youyou (ảnh) đã được quỹ Lasker của Mỹ trao tặng giải Nghiên cứu y học lâm sàng Lasker DeBakey. Đây là một phần thưởng danh giá được mệnh danh giải “Nobel Hoa Kỳ”, vì từ ngày thành lập vào năm 1945 đến nay, 81 người đoạt giải này đã giành giải Nobel sau đó, trong đó có 29 người trong hai thập kỷ qua. Trong lời mở đầu bài diễn văn chúc mừng GS Tu, lúc này đã 81 tuổi, ban tổ chức nói: “Trong lịch sử y học lâm sàng, chúng ta không thường xuyên có được một khám phá đã làm dịu nỗi đau và tai hoạ cho hàng trăm triệu người cũng như cứu sống vô số người, đặc biệt là trẻ em, ở hơn 100 quốc gia”.
Trong các phòng thí nghiệm của Dự án 523, chiết xuất của thanh hao hoa vàng tiêu diệt được ký sinh trùng sốt rét trên chuột, nhưng các nhà nghiên cứu muốn biết nhiều hơn: hoạt chất nào đã làm điều này? Trong tự nhiên, cây trồng nào có nhiều hoạt chất đó nhất? Liệu hoạt chất đó có băng qua hàng rào máu – não để chữa trị được bệnh sốt rét thể não? Hoạt chất có tác dụng dưới dạng toạ dược, thuốc uống và thuốc tiêm tĩnh mạch hay không?
Hàng loạt câu hỏi được đặt ra, và cũng như nhiều phát minh khác, phải sau 190 lần thất bại, cuối cùng nhóm của GS Tu Youyou mới biết rằng nhiệt độ cao đã phá huỷ các thành phần trong thanh hao hoa vàng, vì thế cần chiết xuất với nhiệt độ thấp. Cần nói thêm, GS Tu Youyou là người được chỉ định đứng đầu Dự án 523 vào đầu năm 1969.
Ngày 4.10.1971, Tu và cộng sự đã chiết xuất được một thành phần trị sốt rét có hiệu quả 100% trên khỉ và chuột. Ngay lập tức, các nhà khoa học đi đến những vùng có dịch sốt rét hoành hành ở Nam Trung Quốc để thử nghiệm trên người. Kết quả cho thấy chất này tốt hơn chloroquine rất nhiều. Năm 1972, Tu báo cáo kết quả thử nghiệm trong một hội nghị quốc gia về Dự án 523 và được đánh giá là đi đúng hướng. Cũng trong năm này, nhóm của GS Tu nhận diện được một loại tinh thể không màu được xem là hoạt chất chính. Họ gọi nó là Qinghaosu, nghĩa là “thành phần cơ bản của Qinghao (thanh hao hoa vàng)” mà ngày nay thế giới gọi là artemisinin.
Nhưng dù GS Tu thành công, mọi chuyện cũng đi vào quên lãng vì Dự án 523 là bí mật quốc gia. Artemisinin tinh chế được chuyển đến chiến trường Việt Nam để hỗ trợ bộ đội Việt Nam chống sốt rét. Mặt khác, lúc đó tại Trung Quốc vẫn còn là thời kỳ Cách mạng văn hoá (1966 – 1976), với hàng triệu trí thức bị xử tội và không có một kênh chính thống nào để công bố nghiên cứu.
Nhưng cho đến nay, người góp phần lớn nhất cho việc tìm ra artemisinin vẫn là một chủ đề tranh cãi. Theo Zhiguo Xu và Hepeng Jia, sau khi nguồn tin GS Tu Youyou chiết xuất thành công hoạt chất trị sốt rét từ thanh hao hoa vàng lan đi, nhiều nhóm nghiên cứu độc lập khác thuộc Dự án 523 cho biết họ cũng thành công trong chiết xuất hoạt chất theo những cách khác nhau, thậm chí một số hoạt chất còn có độ tinh luyện cao hơn và hiệu quả điều trị tốt hơn Qinghaosu. Mặt khác, viện Y học cổ truyền Trung Quốc (nay là viện Hàn lâm khoa học y học Trung Quốc), nơi GS Tu làm việc, đã không thể chiết xuất đại trà artemisinin. Thế nhưng theo nhà thần kinh học Rao Yi, khoa trưởng trường Khoa học đời sống thuộc đại học Bắc Kinh và nghiên cứu lịch sử artemisinin trong nhiều năm, mặc dù nhiều nhà khoa học cũng góp phần nhất định trong khám phá, thế nhưng cách thức chiết xuất hoạt chất mà GS Tu đề xuất được xem là bước ngoặt quan trọng trong việc tìm ra artemisinin.


BÀI 2: Một nhà khoa học Anh kiên cường
SGTT.VN - GS Tu Youyou có công chiết xuất thành công hoạt chất trị sốt rét từ thanh hao hoa vàng. Tuy nhiên, nếu không có sự đóng góp của cộng đồng khoa học thế giới, nổi bật là GS Nick White, có lẽ vũ khí lợi hại để ngăn chặn thảm hoạ sốt rét này phải mất một thời gian lâu hơn mới được sử dụng chính thức.
Sinh ra để nghiên cứu sốt rét

Học sinh châu Phi trong ngày Chống sốt rét của châu lục này. Ảnh: TL

Bức xúc vì sự thờ ơ với những bằng chứng rõ ràng về tác dụng điều trị sốt rét của artemisinin, GS Nick White – người gắn bó gần cả đời với bệnh sốt rét – có lần tự hỏi: “Nhiều nhà khoa học đã dùng chính cơ thể mình để thực nghiệm, tại sao tôi không làm được?” Nick White muốn mắc bệnh sốt rét rồi dùng artemisinin tự chữa cho mình!
Chào đời ở Anh, sau khi tốt nghiệp đại học London ngành dược vào năm 1971, Nick White tiếp tục nghiên cứu trong các lĩnh vực bệnh học, dược ứng dụng và điều trị. Năm 1979, cơ duyên đưa ông đến Thái Lan làm việc cho chương trình nghiên cứu Y học nhiệt đới của đại học Oxford. Lúc này, ông và đồng nghiệp tình cờ đọc được một nghiên cứu khoa học của Trung Quốc về thanh hao hoa vàng trị sốt rét. Tò mò với loại thảo dược phương Đông, ông tìm hiểu rồi sau đó tiến hành nhiều nghiên cứu diện rộng và chi tiết trên bệnh nhân. Càng nghiên cứu, Nick White và đồng nghiệp càng thừa nhận rằng artemisinin hiệu quả hơn ký ninh trong điều trị sốt rét.
Tuy nhiên, artemisinin không phải không có nhược điểm. Người ta thấy rằng nếu chỉ sử dụng artemisinin dưới bảy ngày, nguy cơ tái phát sốt rét rất cao (50%) và lâu dài có thể dẫn đến lờn thuốc. Giải pháp đặt ra là phải kết hợp artemisinin với một loại thuốc khác. Nick White và đồng nghiệp đã thành công khi phối hợp artemisinin với mefloquine, trong khi thuốc đầu tác dụng nhanh và đào thải nhanh khỏi cơ thể thì thuốc sau tác dụng chậm, giúp quét hết ký sinh trùng sốt rét còn lại trong máu.
Là giáo sư y học nhiệt đới của đại học Mahidol (Thái Lan) và đại học Oxford (Anh), Nick White quan tâm đến các bệnh nhiệt đới nặng như thương hàn, sốt xuất huyết, bạch hầu, viêm màng não, nhưng quan tâm đặc biệt nhất của ông vẫn là sốt rét. Ông nghiên cứu nhiều về dược lâm sàng các thuốc chống sốt rét, sinh lý bệnh và điều trị sốt rét thể nặng, sốt rét ở thai phụ. Từ năm 1986 – 2001, ông trở thành giám đốc chương trình nghiên cứu Y học nhiệt đới Oxford, ngành Y học nhiệt đới, đại học Mahidol – Thái Lan. Năm 1991, ông là một trong những người thành lập đơn vị nghiên cứu lâm sàng đại học Oxford và Wellcome Trust, nằm trong bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM. Hiện tại ông đứng đầu chương trình nghiên cứu Đông Nam Á của Wellcome Trust, gồm bộ ba quốc gia Thái Lan, Việt Nam, Lào, đóng góp rất nhiều trong nghiên cứu điều trị và phòng chống sốt rét.

Chiến đấu vì người nghèo
Nick White luôn dành một vị trí quan trọng cho đối tượng người nghèo và trẻ em. Trong một công trình nghiên cứu có tính bước ngoặt vào năm 2005, ông và cộng sự chứng minh artesunate – một dẫn xuất của artemisinin – có thể làm giảm tỷ lệ tử vong của sốt rét thể nặng đến hơn 1/3. Kết quả ngoạn mục này dẫn đến sự thay đổi trong phác đồ điều trị cho người lớn, nhưng lại không được ứng dụng cho trẻ em, đối tượng chiếm 1/5 số ca tử vong hàng năm vì sốt rét. Ông lại tiếp tục làm việc. Tháng 11.2010, công trình nghiên cứu của ông đăng trên Lancet cho thấy artemisinin cũng hiệu quả trong việc giảm tử vong ở trẻ em. Trong 5.000 trẻ em châu Phi bị sốt rét, một nửa dùng artesunate và một nửa dùng ký ninh, kết quả trong nhóm đầu có 230 trẻ tử vong, còn nhóm sau là 297 trẻ. Sự khác nhau ở đây là 22%, không ngoạn mục như ở người lớn (khác biệt 35%), nhưng điều đáng nói là trẻ không bị hôn mê nặng, co giật hay hạ đường huyết đe doạ cuộc sống. Nhờ bằng chứng này mà WHO đề nghị sử dụng artesunate truyền tĩnh mạch như loại thuốc hàng đầu trong điều trị sốt rét nặng của trẻ em.


Vinh quang và cống hiến
GS Nick White đã công bố trên 800 bài báo khoa học, chủ yếu về sốt rét. Ông nằm trong ban cố vấn quốc tế và ban biên tập của nhiều tạp chí khoa học nổi tiếng như Lancet, PLoS Medicine. Kể từ năm 2004, ông là đồng chủ tịch của uỷ ban chịu trách nhiệm phát triển hướng dẫn điều trị sốt rét của WHO. Năm 2001, ông được bầu là thành viên viện Hàn lâm khoa học y học và năm 2006 được bầu là thành viên hiệp hội Hoàng gia Anh. Năm 2010, sau khi nhận giải thưởng Gairdner vì sức khoẻ toàn cầu kèm 100.000 đôla Canada, ông đã tặng toàn bộ số tiền cho một phòng nghiên cứu lao ở biên giới Thái Lan – Myanmar.
Trước đó, năm 2006, WHO cũng thông qua hướng dẫn lâm sàng điều trị sốt rét bằng artemisinin dạng kết hợp. Đó là một chiến thắng trong cuộc chiến với sốt rét, nhưng theo Nick White lẽ ra nó phải được thông qua sớm hơn nữa. Tại sao có sự chậm trễ này? Theo ông vì sốt rét là căn bệnh của người nghèo nên không ai vận động hành lang chính sách cho họ; mặt khác vì artemesinin xuất phát ban đầu từ Trung Quốc chứ không phải từ những tập đoàn dược phẩm phương Tây, nên nhiều người nghi ngại nó.
Điều này cho thấy cuộc đời của các nhà nghiên cứu như Nick White thường phải đối mặt với một trong những thách thức: làm sao cho sự phát triển của khoa học nhận được sự quan tâm của các nhà hoạch định chính sách hay chính trị gia để tạo ra một sự thay đổi thực sự trong cuộc sống. Ông nói: “Tôi đánh giá mình chỉ là một chính trị gia hạng xoàng. Điều tốt nhất mà tôi có thể làm là cung cấp bằng chứng – nói về nó và công bố nó để cho những chính trị gia giỏi có thể làm những điều đúng đắn”.
Mặc dù artemisinin đã thuyết phục được mọi người về hiệu quả trị sốt rét, cứu sống vô số người trong những năm qua, nhưng Nick White không cho đây là một “đột phá”. Ông nói với báo giới: “Đột phá có hay chăng chỉ là sự công nhận của những tổ chức thế giới về những loại thuốc chống sốt rét hiệu quả mà chúng ta có trong tay”.
Sự cẩn thận cũng có cơ sở vì ông lo ngại thuốc sẽ dùng bừa bãi, không đúng phác đồ và liều lượng có thể dẫn đến lờn thuốc. Một khía cạnh khác: ông muốn mọi người tập trung vào những biện pháp đang có trong tầm tay, thay vì bỏ quên chúng. Ông nói: “Để tạo ra một tác động mạnh mẽ trên sốt rét, chúng ta cần 1 tỉ đôla Mỹ mỗi năm. Một nửa số này dùng để kiểm soát – dùng mùng tẩm thuốc và phun thuốc diệt muỗi. Một nửa kia dùng để nghiên cứu thuốc”.

Bài cuối: “Ông sốt rét”
SGTT.VN - Trong lĩnh vực bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam, tên tuổi GS.TS Trần Tịnh Hiền gắn liền với những dịch bệnh quan trọng như SARS, cúm A/H5N1, cúm A/H1N1. Tuy nhiên, không nhiều người biết rằng sốt rét mới là mối quan tâm lớn nhất đời ông. Có thể xem ông là nhà nghiên cứu hàng đầu về sốt rét ở nước ta, với xấp xỉ 100 công trình nghiên cứu – là tác giả đầu tiên hoặc đồng tác giả – công bố trên các tạp chí thế giới.


Một chuyến thực địa nghiên cứu sốt rét của GS Hiền (giữa) tại Di Linh – Lâm Đồng. Ảnh: CTV

Từ những cái chết đau lòng
Tôi hỏi GS.TS Trần Tịnh Hiền vì sao ông lại gắn cuộc đời với lĩnh vực bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là bệnh sốt rét, ông trả lời: “Chỉ cần học sốt rét là học hết y khoa từ giải phẫu bệnh, sinh lý học, miễn dịch học, di truyền… cho đến điều trị và dự phòng. Trong y học chỉ có cứu người, chứ đâu có bệnh sang hay hèn, chuyên khoa tiếng tăm hay tầm thường”.
Tuy thế, mọi chuyện dường như bắt đầu từ chữ “duyên”. Tháng 4.1975, ông đang là bác sĩ nội trú tại bệnh viện Chợ Quán (tên cũ của bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM). Những năm tháng đó nước ta đối mặt với dịch sốt rét nặng nề. Từ 1987 – 1990, mỗi năm cả nước có 900.000 – 1.200.000 ca sốt rét và 2.000 – 3.500 ca tử vong vì bệnh này. Nguyên nhân là tình trạng di dân mạnh mẽ của người dân vào những vùng có sốt rét lưu hành, mạng lưới y tế suy yếu và các thuốc sốt rét thông thường không còn hiệu quả. Làm việc tại khoa cấp cứu bệnh viện Chợ Quán, thầy thuốc trẻ Trần Tịnh Hiền thường xuyên bị ám ảnh vì những ca sốt rét ác tính tử vong, có ngày đến 6 – 7 ca. Bệnh sốt rét, một bài học đơn sơ trong giảng đường y khoa đã trở thành một thách thức quá to lớn.
Tuy nhiên, con đường đến với nghiên cứu sốt rét của GS Hiền chỉ thật sự khởi đầu vào năm 1987, khi BS Keith Arnold từ tổ chức Nghiên cứu Á châu của Roche (Roche Asian Research Foundation) ở Hong Kong đến thăm bệnh viện. Hai người không xa lạ với nhau vì BS Arnold là thầy dạy đại học Y khoa Sài Gòn trước năm 1975.
Keith Arnold là chuyên gia dược động học. Năm 1980, ông tìm đến Trung Quốc gặp GS Lý Quốc Kiều (Li Guo Quao), một thành viên của Dự án 523, để hợp tác nghiên cứu sốt rét. Mỗi người có trong tay một vũ khí điều trị lợi hại: GS Kiều có artemisinin, BS Arnold có mefloquine. Hai năm sau, họ đứng tên chung trong một công trình công bố trên tạp chí The Lancet. “Vì sao BS Arnold muốn nghiên cứu artemisinin tại Việt Nam?”, tôi hỏi GS Hiền. Ông trả lời: “Arnold muốn làm những nghiên cứu đối chứng ngẫu nhiên để đánh giá tác dụng của artemisinin trên bệnh nhân, nhưng các bác sĩ Trung Quốc lúc bấy giờ chỉ thích điều trị vài chục bệnh nhân rồi báo cáo nên ông đã trở lại Việt Nam”.
Một đam mê không tuổi

Vai trò người trong cuộc
Theo GS.TS Trần Tịnh Hiền, để thuốc sốt rét artemisinin có được một vị trí xứng đáng như ngày nay, bốn nhân vật đóng góp nhiều nhất cần phải được nêu tên: GS Tu Youyou – người chiết xuất thành công hoạt chất artemisinin, GS Lý Quốc Kiều – người đã chứng minh tác dụng artemisinin trên con người, BS Keith Arnold – người đưa artemisinin ra khỏi Trung Quốc để nghiên cứu một cách bài bản, và GS Nick White – người hoàn thiện lý thuyết ACT cũng như thuyết phục WHO sử dụng rộng rãi phối hợp có artemisinin.
Một ngày giữa tháng tư này, như thường lệ, “ông sốt rét” lại rời khỏi nhà lúc tinh mơ, lên đường đi đến các điểm nghiên cứu sốt rét. Ở tuổi 62, ông vẫn khoẻ mạnh, nhanh nhẹn để theo đuổi “tình yêu” với sốt rét. Những chuyến đi như thế có thể đi về trong ngày, nhưng đôi khi kéo dài vài ngày, di chuyển toàn bằng ôtô, đến một thôn, xã nào đó của các tỉnh Bình Phước, Gia Lai, Lâm Đồng hoặc Khánh Hoà. Ông nói: “So với thời trước, nghiên cứu bây giờ khoẻ lắm rồi, tài liệu trên mạng quá nhiều, tìm thông tin gì cũng có. Tuy nhiên, người nghiên cứu cũng phải ra ngoài đi thực địa rất xa, vì sốt rét bây giờ hầu như chỉ có ở những vùng xa xôi”. Không thể đếm xuể bao nhiêu chuyến nghiên cứu thực địa về sốt rét mà GS Hiền đã thực hiện từ ngày đầu cho đến nay, dễ cả trăm chuyến. Ông tâm sự: “Làm gì cũng phải có đam mê, nếu không có đam mê, gặp khó khăn là bỏ cuộc ngay”.

GS Hiền đã đúng khi đầu tư mấy thập kỷ để nghiên cứu lâm sàng artemisinin. Thuốc kỳ diệu thật. Làm việc vào những năm đó, TS Nguyễn Hoan Phú, phó khoa nhiễm Việt – Anh bệnh viện Bệnh nhiệt đới, kể: “So với các thuốc thông dụng, artemisinin mang lại kết quả bước đầu rất tốt. Nhờ nó mà nhiều bệnh nhân được cứu sống”. Diễn viên kiêm M.C Quyền Linh là một trường hợp. Một ngày nọ, bệnh sốt rét tái phát, anh vào bệnh viện Bệnh nhiệt đới cấp cứu trong tình trạng sốt cao, mê sảng. Anh nói: “Tôi nằm viện cả tháng trời. Bác sĩ cho biết tôi bị sốt rét ác tính. Nếu không có nỗ lực của y bác sĩ, không biết chuyện gì đã xảy ra cho tôi”. Sự tận tuỵ cứu người của nhân viên y tế là một lẽ, nhưng mãi đến bây giờ anh mới biết mình được cứu nhờ chương trình hợp tác nghiên cứu về artemisinin.
Đóng góp cho đất nước
Những nghiên cứu ban đầu về tác dụng của artemisinin ở Việt Nam trong khoảng 1990 – 2000 là nền móng cho các nghiên cứu sau này. Liên tiếp những bài báo trên tạp chí Y học hoàng gia Anh hay The Lancet đã chứng minh thuốc điều trị tốt sốt rét cơn hay sốt rét ác tính, trên người lớn và ở trẻ em. Một thành công khác là các nhà nghiên cứu đã chứng minh artemisinin toạ dược có thể cứu sống bệnh nhân hôn mê do sốt rét falciparum. Dựa trên những bằng chứng này, hơn mười năm sau tổ chức Y tế thế giới (WHO) thực hiện thành công một nghiên cứu tương tự ở châu Phi, cứu sống hàng ngàn trẻ em bị sốt rét.
Từ ý tưởng phối hợp điều trị của BS Keith Arnold, GS Hiền đã thực hiện những nghiên cứu chứng minh hiệu quả dài ngày của phối hợp artemisinin + mefloquine. Đây là nền tảng cho lý thuyết về ACT (Artemisinin combination therapy), phối hợp artemisinin với các loại thuốc có thời gian tác dụng kéo dài để chống kháng thuốc, mà GS Nick White phát triển và được WHO chấp nhận.
Ngoài hợp tác với BS Arnold, GS Hiền và nhóm nghiên cứu ở Việt Nam hợp tác với GS Lý Quốc Kiều “tinh luyện” thuốc CV8, từ phối hợp bốn chất thành phối hợp hai chất đơn giản mà hiệu quả là dyhydroartemisinin-piperaquine (Arterakin) thay cho phối hợp dùng mefloquine phải nhập khẩu và mắc tiền. Arterakin hiện nay là chủ lực của chương trình phòng chống sốt rét Việt Nam, hoàn toàn sản xuất trong nước. Với những đóng góp của GS Hiền và cộng sự, số tử vong vì sốt rét nặng ở Việt Nam giảm thật ngoạn mục: từ 4.646 ca (năm 1991) chỉ còn 25 ca (năm 2011)!
Phan Sơn





Ghi nhận của cộng đồng quốc tế

GS.TS Trần Tịnh Hiền được cộng đồng khoa học thế giới đánh giá là một trong những chuyên gia hàng đầu về bệnh sốt rét. Từ năm 2000, ông là thành viên của nhóm nghiên cứu artemisinin hay phát triển thuốc sốt rét mới (MMV) của WHO, và nhiều lần được mời đi tập huấn sốt rét cho các quốc gia Tây Thái Bình Dương. Nhờ những đóng góp trong lĩnh vực nghiên cứu bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là sốt rét, năm 2010 ông được hiệp hội Y học nhiệt đới và vệ sinh của hoàng gia Anh trao tặng huân chương danh giá Mackay. Năm qua, ông được bầu làm thành viên danh dự của hiệp hội Y học nhiệt đới Hoa Kỳ. Cùng năm đó, uỷ ban Y học châu Âu đã cho phép sử dụng thuốc chữa sốt rét Eurartesim® (dihydroartemisinin – piperaquine) với những bằng chứng thuyết phục về hiệu quả ở Việt Nam do GS Hiền cung cấp.

http://y7177.com/chuyennganhy/sotret/ungviennobel2012.htm



C. BBC Việt ngữ lên tin rất chậm (16:13 giờ HN, ngày 6/10/2015)

Bà Đồ U U và 'thuốc chữa bộ đội VN'

  • 40 phút trước



Image copyrightAFP

Một chương trình bí mật do Mao Trạch Đông cho lập ra để tìm thuốc chống sốt rét cho quân đội Bắc Việt Nam thời chiến tranh giúp bà Đồ U U được giải Nobel Y học 2015, theo báo Anh.
Là giáo sư Học viện Y học Cổ truyền Trung Quốc, bà Đồ U U, 84 tuổi, là người thứ ba nhận giải Nobel Y học năm nay, cùng nhà khoa học William Campbell, người Cộng hòa Ireland và giáo sư Satoshi Omura từ Nhật Bản.
Hai ông Campell và Omura cùng chia giải thưởng cho khám phá về liệu pháp mới chống lại chứng nhiễm trùng gây ra bởi loài ký sinh trùng giun tròn.
Còn bà Đồ U U tìm ra một loại thuốc giúp làm giảm đáng kể tỷ lệ tử vong nơi các bệnh nhân sốt rét.
Trên thực tế, bà không phát minh ra thuốc mà 'tìm ra vị thuốc có 1600 năm tuổi' ở Trung Quốc sau khi tham khảo hàng nghìn tài liệu y học dân gian và cổ truyền.
Tên tuổi của bà được giữ bí mật tại Trung Quốc vì hồi năm 1969, bà Đồ U U tham gia Dự án 523 do chính quyền Mao Trạch Đông lập ra.



Image copyrightAP
Image captionTại Trung Quốc bà Đồ U U không được nhiều người biết đến

Mục tiêu của dự án này là giúp tìm ra thuốc chống sốt rét giết chết hàng nghìn bộ đội "đồng minh Bắc Việt" trong thời chiến tranh, theo báo Anh, tờ Telegraph.
Vào thập niên 1960, ký sinh trùng sốt rét bắt đầu chống lại được các loại thuốc như chloroquine.
Còn theo bài trên báo The Guardian, dự án của ông Mao được lập ra ngày 23/05/1967 để giúp bộ đội Bắc Việt nhưng hai năm sau bà Đồ mới tham gia.
Bà đến đảo Hải Nam để tìm thuốc mới chống sốt rét.
Nhưng cuối cùng vị thuốc bà tìm ra lại trong một cuốn sách nghề y của Cát Hồng (283–343) thời nhà Tấn ở Trung Quốc.
The Guardian cũng viết cho đến thời điểm đó "binh lính Bắc Việt, đồng minh cộng sản của Trung Quốc, chết vì sốt rét nhiều hơn vì bom đạn Mỹ".
Tại Trung Quốc bà Đồ U U không được nhiều người biết đến cho đến khi tin về giải Nobel được loan ra.


d. BS Hồ Hải


NOBEL Y HỌC 2015: DƯỢC HỌC LÂM SÀNG

Bài đọc liên quan:

Khác với các giải Nobel gần đây ngành phân tử sinh học giật hết giả. Chiều hôm qua, 05/10/2015, Nobel Y học năm 2015 lại dành riêng cho những khám phá liên quan đến y học lâm sàng cho phương pháp trị liệu mới đối với lĩnh vực ký sinh trùng. 

Giải được chia đôi cho 3 nhà khoa học: GS Đồ U U Trung Hoa. GS William C. Campell người Mỹ có gốc sinh ra từ Ái Nhĩ Lan - Cộng Hòa Ireland; Và GS Satoshi Omura Nhật Bản. 

Trong đó, một nửa giải dành cho 2 nhà khoa học Ái Nhĩ Lan và Nhật Bản nghiên cứu về một giải pháp điều trị mới cho những bệnh do dòng ký sinh trùng giun sán - roundworm parasites. Một nửa còn lại của giải Nobel y học năm nay dành cho nhà khoa học Trung Hoa nghiên cứu về phương pháp trị liệu mới về bệnh sốt rét.

GS ĐỒ U U

Hình 1: GS Đồ U U - Tu YouYou được một nửa giải Nobel Y học 2015 do nghiên cứu về bệnh sốt rét.

Youyou Tu sinh ngày 30 tháng 12 năm 1930 ở Tỉnh Triết Giang, Trung Quốc và hiện là là một công dân Trung Quốc. Bà tốt nghiệp khoa Dược tại Đại học Y khoa Bắc Kinh năm 1955. Từ 1965-1978, Bà là trợ lý giáo sư tại Học viện Y học cổ truyền Trung Quốc, 1979-1984 là Phó giáo sư và từ năm 1985 là giáo sư tại Viện này. Từ năm 2000, Bà là Giáo sư trưởng tại Trung Quốc Học viện Y học cổ truyền Trung Quốc.

Theo Tây y chính thống từ trước đến nay việc điều trị sốt rét được sử dụng chloroquine hoặc quinine. Vào cuối thập niên 1960, việc điều trị sốt rét hầu như thất bại vì kháng thuốc và tỷ lệ bệnh này gia tăng rõ rệt. Vào giữ thập niên 1960s, bà Đồ U U đã tìm đọc lại sách y khoa Đông y Trung Hoa cổ điển từ trước Tây Lịch hơn 200 năm, người Trung Hoa đã dùng thảo dược điều trị các bệnh gây ra sốt, để tìm một phương thức mới về điều trị bệnh này.

Hình 2: Cây Thanh hao hoa vàng, sách y học cổ truyền Trung Hoa và công thức cấu tạo của chất Artemisinin điều trị sốt rét mà bà Đồ U U đã thành công trong nghiên cứu của mình. Hình của Nobel Prize

Là một nhà sinh hóa học - Biochemistry - chuyên nghiên cứu về thảo dược theo kinh điển Trung Hoa, bà đã chiết suất từ cây Thanh hao hoa vàng (Artemisia annua L. Arteraceae) ra một hoạt chất mà bà đặt tên là Artemisinin, nó có hiệu quả cao chống lại ký sinh trùng sốt rét, cả ở động vật và người bị nhiễm bệnh (Hình 2). Artemisinin đại diện cho một thế hệ mới về thuốc chống sốt rét. Nó nhanh chóng tiêu diệt ký sinh trùng sốt rét ở các giai đoạn phát triển ban đầu của con ký sinh trùng này, nó hiệu lực chưa từng có trong điều trị sốt rét nặng. 

Hình 3: Cây Thanh hao hoa vàng. Nó có tên khoa học là Artemisia annua L. Arteraceae

Năm 1972, GS Đồ U U tìm ra Artemisinin, mãi đến 1979, là năm Artemisini được đăng trên tạp chí y học Trung Hoa về hiệu quả điều trị lâm sàng bệnh sốt rét như là một thuốc. Đến cuối thập niên 1990 thì hãng Novaris và WHO mới công nhận và dùng nó để điều trị cho các bệnh nhân sốt rét ở quốc gia nghèo.

Những ngày đầu nghiên cứu, bà Đồ U U đã sử dụng phương pháp cổ truyền dân tộc là sắt thuốc cho động vật uống, nhưng phương pháp này không hiệu quả. Bà bắt đầu đi vào một nghiên cứu có tính học thuật Tây phương là tìm chất có khả năng tiêu diệt con ký sinh trùng sốt rét. Và Artemisinin ra đời. Đây là một minh chứng rất thuyết phục của Đông Tây y kết hợp trong thời đại y học hiện nay.

Tìm ra Artemisinin và hiệu quả của nó trong sốt rét đã giúp hàng triệu người bệnh này ở các quốc gia nghèo châu Á, châu Phi sống sót trong 3 thập kỷ qua là một đóng góp rất to lớn. Cho nên, trước khi nhận giải Nobel y học 2015, năm 2011, GS Đồ U U đã được nhận Lasker-DeBakey Clinical Medical Research Award là một trong bốn giải thưởng hàng năm được trao bởi Lasker Foundation. Bốn giải thưởng Lasker-DeBakey trao để tôn vinh công lao xuất sắc cho sự khám phá, chẩn đoán, phòng ngừa, và điều trị trong y học.

Ngay trước thềm nhận giải Nobel y học 2015, GS Đồ U U đã được nhận thêm một giải Warren Alpert Foundation Prize do Trường Y Harvard ở Boston, Massachusetts và Warren Alpert Foundation trao giá trị 250 ngàn đô la Mỹ. Đây là một giải lớn, mặc dù mới chỉ thành lập từ 1987, nhưng đã có 7 người nhận giải Warren Alpert Foundation Prize sau đó nhận Nobel Y học, trong đó có GS Đồ U U.

GS SATOSHI OMURA VÀ GS WILLIAM C. CAMPELL

Cũng như bà Đỗ U U Trung Hoa. Hai nhà khoa học Mỹ gốc Ái Nhĩ Lan - William C. Campbell - và Nhật Bản - Satoshi Omura - cùng có công lao tìm ra chất Avermectin, sau đó là thuốc Ivermectin điều trị những ký sinh trùng lây lan qua đường tiêu hóa. Một loạt các con giun sán gây bệnh cho cả động vật và con người như:

Ascariasis: Giun đũa
Hookworm Disease: bệnh giun móc
Pinworm Infection: Nhiễm giun kim.
Strongyloidiasis: Giun lươn
Trichinosis: Sán dải heo
Whipworm hay Trichuris trichiura: sán dải chó.

GS SATOSHI OMURA

Hình 4: GS Satoshi Omura, người tìm ra dòng vi trùng Streptomyces avermitilis sản sinh ra thuốc Avermectin điều trị những dòng sán lải gây bệnh cho động vật và người.

Ông Satoshi Omura sinh năm 1935 tại các tỉnh Yamanashi, Nhật Bản và là một công dân Nhật Bản. Ông nhận bằng tiến sĩ về Khoa học dược phẩm năm 1968 tại Đại học Tokyo, Nhật Bản và một tiến sĩ Hóa học năm 1970 từ Đại học Khoa học Tokyo. Ông là một nhà nghiên cứu tại Kitasato Institute, Nhật Bản từ 1965-1971 và giáo sư tại Kitasato University, Nhật Bản từ 1975-2007. Từ năm 2007, Satoshi Omura đã được Giáo sư danh dự tại Kitasato University.

Hình 5: GS Satoshi Omura tìm kiếm cho các chủng mới của vi khuẩn Streptomyces sinh ra các hợp chất hoạt tính sinh học mới. Ông phân lập vi khuẩn từ các mẫu đất ở Nhật Bản, rồi nuôi cấy chúng trong phòng thí nghiệm, và với nhiều ngàn dòng Streptomyces đặc trưng, ông đã chọn khoảng 50 dòng hứa hẹn nhất, và cuối cùng dòng Streptomyces avermitilis đã giúp GS William Campell, chúng đã cho ra chất Avermectin.

Đóng góp lớn nhất của Ông Satoshi Omura là đã làm hàng trăm ngàn thí nghiệm để tìm ra hàng ngàn dòng vi trùng họ Streptomyces trong đất. Từ đó, ông phân lập ra 50 dòng có khả năng sản sinh ra các loại thuốc. Nhưng chỉ có một dòng Streptomyces avermitilis sản sinh ra chất Avermectin (Hình 5).

GS WILLIAM C. CAMPELL

Hình 6: Giáo sư William C. Campell nghe điện thoại thông báo được nhận 1/4 giải Nobel y học 2015.

Ông William C. Campbell được sinh ngày 28 tháng 6 năm 1930 tại Ramelton, County Donegal, Ireland. Ông là một nhà Ký sinh trùng học, Sinh học và Sinh hóa học. Sau khi nhận được bằng cử nhân của Trinity College, Đại học Dublin, Ireland vào năm 1952, ông nhận bằng tiến sĩ từ University of Wisconsin, Madison, WI, USA vào năm 1957. Từ 1957-1990 ông làm việc tại Merck Institute for Therapeutic Research, từ 1984- 1990 là Trưởng khoa học gia và Giám đốc Assay Research and Development. Ông William C. Campbell hiện đang là Giáo sư danh dự tại Drew University, Madison, New Jersey, Mỹ.

Hình 7: Nuôi cấy, trích chiết và sau đó chế tạo Avermectin thành Ivermectin có hiệu quả hơn trong điều trị ký sinh trùng đường ruột từ dòng vi trùng Streptomyces avermitilis của GS Satoshi Omura là công lao của GS William C. Campell.

William C. Campbell, một chuyên gia về ký sinh trùng sinh học làm việc tại Hoa Kỳ. Ông có một sự liên kết làm việc với GS Satoshi Omura ở Nhật Bản một cách kỳ lạ, là đã mua dòng dòng vi trùng Streptomices của GS Satoshi Omura để nghiên cứu và khám phá hiệu quả của chúng. GS Campbell tìm thấy một thành phần chiết suất ra từ một trong những dòng vi trùng đó là Streptomyces avermitilis sinh ra một loại hóa chất và đặt tên là Avermectincó tác dụng trên ký sinh trùng. Sau đó ông đã sửa đổi công thức hóa học của Avermectin thành một hợp chất hiệu quả hơn gọi là Ivermectin. Ivermectin sau đó đã được thử nghiệm trên người bị nhiễm ký sinh và tiêu diệt một cách hiệu quả ấu trùng ký sinh trùng(Hình 7). 

Năm 1981 Ivermectin đã được công nhận và sử dụng rộng rãi. Theo WHO, mỗi năm có khoảng 100 triệu người bị bệnh những con giun sán đã được điều trị khỏi ở các quốc gia kém phát triển bằng Ivermectin.

34 năm sau khi được sử dụng, Hội đồng Nobel y học đã trao 1/2 giải còn lại cho 2 GS Omura và Campbell về sự đóng góp trong việc phát hiện thuốc mới có hiệu quả đặc hiệu đối với các bệnh ký sinh trùng đường tiêu hóa gây bệnh ở cả động vật và người rất khó chữa trước đó.

Để nhận giải Nobel y học thì một khám phá luôn được làm trong vài chục năm. Sau đó, khám phá ấy được kiểm chứng trên lý thuyết và thực tế ít nhất 30 năm. Khi nhận giải, hầu hết những Khôi nguyên Nobel y học ngày nay đã đến tuổi xưa nay hiếm, hoặc vừa mới từ trần như GS Ralph M. Steinman đoạt giải năm 2011, đã qua đời trước khi công bố giải 3 ngày!

Asia Clinic, 14h30' ngày thứ Ba, 06/10/2015

http://bshohai.blogspot.com/2015/10/nobel-y-hoc-2015-duoc-hoc-lam-sang.html



e. Nguyễn Văn Tuấn

Giải Nobel y sinh học 2015: Ý nghĩa về bệnh nhiễm và y học cổ truyền

NGÀY 6 THÁNG 10, 2015 | 09:02

SKĐS - Giải Nobel y sinh học năm nay là một minh chứng và ghi nhận sự hữu ích của y học cổ truyền, và một lời nhắc nhở về mối đe doạ của bệnh do kí sinh trùng gây ra.

Trong một thời gian dài, những người trong Hội đồng giải Nobel ở Karolinska đã đi ra ngoài tôn chỉ của ông Nobel qua việc trao giải thưởng này cho nhiều công trình chẳng đem lại lợi ích gì cho bệnh nhân và cộng đồng. Nhưng năm nay thì khác, họ trao giải cho 2 công trình liên quan đến bệnh do kí sinh trùng gây ra: bệnh giun chỉ và sốt rét (1). Tôi gọi đây là bước đầu trong hành trình về lại với lí tưởng của giải Nobel y sinh học.
Lí tưởng của giải Nobel y sinh học, theo di chúc của ông Alfred Nobel, là trao giải thưởng cho những ai đem lại lợi ích lớn nhất cho nhân loại. Nhìn qua các công trình khoa học được trao giải này cũng có thể cho ra một một khái niệm về quá trình tiến bộ của y học theo khuynh hướng mà tôi vừa nêu trên. Từ những nghiên cứu có tính lâm sàng tương đối “sơ sài” (so với trình độ kĩ thuật ngày nay), nghiên cứu y khoa đã tiến sâu vào lĩnh vực cơ bản nhất của con người như di truyền phân tử học và sinh học phân tử. Năm 1901, ông Emil Adolf von Behring (người Đức) đoạt giải này vì đã các công trình nghiên cứu và chữa trị bệnh bạch hầu. Năm 1902, giải thưởng được trao cho một nhà khoa học người Anh, ông Ronald Ross vì công trình nghiên cứu liên quan tới bệnh sốt rét. Những năm sau đó, các khoa học được tặng giải thưởng nhờ vào nghiên cứu liên quan tới bệnh lao (1905; Robert Koch, người Đức), sốt ban (typhus) (1928; Charles Nicolle, người Pháp); phân loại máu (1930; Karl Landsteiner, người Mĩ), bệnh truyền nhiễm (1945; Alexender Fleming, Mĩ; Ernst Boris Chain, Anh; Howard Walter Florey, Úc), sốt vàng (1951; Max Theiler, người Mĩ), chữa trị bệnh lao bằng thuốc streptomycin (1952; Salman Abraham Waksman, Mĩ).
Bắt đầu từ năm 1958, nghiên cứu về di truyền học đã được sự chú ý của Hàn lâm viện Thụy Điển qua việc trao giải thưởng cho ba nhà khoa học người Mĩ, George Wells Beadle, Edward Lawrie Tatum, và Joshua Lederberg, vì đã có công khám phá ra một qui luật quan trọng trong di truyền học vi khuẩn (genetic recombinant). Năm 1961, ba nhà khoa học Francis Harry Compton Crick (Anh), James Dewey Watson (Mĩ) và Maurice Hugh Frederick Wilkins (Anh) chiếm giải Nobel do khám phá nổi tiếng về cấu trúc DNA, làm tiền đề cho hàng triệu nghiên cứu và tiến bộ về sinh học y khoa sau này.
Kể từ đó, giải thưởng nghiên về các công trình mang bản chất sinh học phân tử và di truyền. Năm 1978, Hàn lâm viện Thụy Điển trao giải thưởng cho ba nhà khoa học Werner Arber (Thụy sĩ), Daniel Nathans (Mĩ) và Hamilton O. Smith (Mĩ) do đã có công khám phá ra các enzymes và những ứng dụng vào nghiên cứu di truyền học. Sự tiến bộ trong sinh học phân tử và di truyền học những năm gần đây phần lớn nhờ vào các kĩ thuật PCR (polymerase chain reaction) do hai nhà khoa học Mĩ (Kary Mullis) và Canada (Michael Smith) khám phá, và đã được trao giải thưởng Nobel về hóa học vào năm 1993. Kể từ năm 1999 cho đến nay thì giải này vẫn được trao tặng cho một công trình mang nặng tính chất sinh học phân tử, nhất là các công trình liên quan đến tế bào học. Nói tóm lại tính từ 1950s đến nay, giải Nobel y sinh học chỉ trao cho các công trình nghiên cứu cơ bản, chứ chưa có công trình nghiên cứu lâm sàng nào.
hân dung ba nhà khoa học giành giải Nobel Y học 2015. Ảnh: Jonathan Nackstrand/AFP.
Chân dung ba nhà khoa học giành giải Nobel Y học 2015. Ảnh: Jonathan Nackstrand/AFP.
Mãi đến năm 2005, Hàn lâm viện Thụy Điển làm cho giới khoa học ngạc nhiên bằng cách trao giải thưởng cao quí này cho một công trình nghiên cứu liên quan đến bệnh viêm, một công trình mang tính nghiên cứu lâm sàng. Đây quả là một thể hiện “về nguồn”, về nguồn bệnh viêm. Đến năm nay (2015), họ quyết định trao giải cho hai công trình nghiên cứu liên quan đến hai bệnh do kí sinh trùng gây ra: đó là bện giun chỉ và sốt rét. Hai bệnh này hiện đang hoành hành hàng trăm triệu người trên thế giới, đặc biệt là các nước Phi châu, Nam Mĩ, và Đông Nam Á. Có lẽ qua giải thưởng này, Hàn lâm viện Thuỵ Điển muốn nhắc nhở chúng ta rằng thế giới vẫn còn đang phải đối phó với những bệnh truyền nhiễm, bệnh do kí sinh trùng gây ra.
Tôi thấy một điều hay của giải thưởng năm nay là cả 3 người được trao giải đều khá là khiêm tốn. Họ xuất thân từ những đại học không có tên tuổi như Đại học Drew (Gs William Campbell) hay Đại học Kitasato (Gs Satoshi Omura), hay từ một viện y học cổ truyền (bà Youyou Tu). Họ không phải là những tên tuổi sáng chói trên trường khoa học quốc tế, dù cả ba đều trên 80 tuổi. Họ không có những công trình trên những tập san “xa xỉ” như Nature, Cell, hay Science. Ngược lại, những công trình của họ xuất hiện trên những tập san khiêm tốn, thậm chí có người chẳng có bao nhiêu bài báo khoa học như bà Youyou Tu (Đồ U U) vì bà làm việc trong bí mật. Cũng cần nói thêm là bà Đồ U U chẳng được Nhà nước Trung Quốc trao tặng bất cứ giải thưởng nào. Tất cả 3 nhà khoa học đều làm việc trong thầm lặng, nhưng đem lại lợi ích cho hàng trăm triệu người trên hành tinh này. Họ quả thật là những anh hùng thầm lặng.
Tôi nghĩ giải thưởng năm nay còn là một vinh danh cho y học cổ truyền. Công trình chiết xuất Artemisinin từ cây ngải của bà Đồ U U chính là y học cổ truyền. Bà dựa vào y văn cổ của Trung Quốc để tìm dược thảo chữa trị bệnh sốt rét. Phát minh và bào chế Ivermectin (của hai giáo sư Omura và Campbel) cũng có thể xem là một phần của y học cổ truyền và một phần của khoa học hiện đại. Gs Omura phát hiện chất avermectincó khả năng diệt giun chỉ và sán từ một vi sinh vật sống trong đất ở một vùng biển thuộc thị trấn Kawana.
Tôi chợt nghĩ nếu chúng ta tìm lại y văn cổ Việt Nam, chúng ta có thể khám phá ra nhiều điều hay và có ích. Với công nghệ sinh học ngày nay, đây là điều có thể -- hoàn toàn có thể.
Có một điều nhiều người không nhận ra (hay không muốn nhận ra) là trên thế giới có đến 70-80% dân số dùng y học cổ truyền để điều trị bệnh. Một nền y học cổ truyền tồn tại qua hàng ngàn năm như thế ắt phải có nhiều điều hay để chúng ta, những nhà khoa học hiện đại, tìm hiểu và khám phá. Giải thưởng Nobel y sinh học năm nay là một minh chứng và ghi nhận sự hữu ích của y học cổ truyền, và một lời nhắc nhở về mối đe doạ của bệnh do kí sinh trùng gây ra.
GS. Nguyễn Văn Tuấn

(từ Australia)

http://suckhoedoisong.vn/ban-can-biet-ve-y-hoc/giai-nobel-y-sinh-hoc-2015-y-nghia-ve-benh-nhiem-va-y-hoc-co-truyen-20151006090254743.htm

1 nhận xét:

  1. Hey, there is a broken link in this article, under the anchor text - 受賞した

    Here is the correct, working link so you can replace it - https://selectra.co.uk/sites/selectra.co.uk/files/pdf/press.pdf

    Trả lờiXóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.