"Hồng - Tuấn" hay "Tuấn - Hồng" là sử dụng lại cách viết từ năm 1995 của nhà văn Phạm Thị Minh Thư (ở đây).
Theo chị Thư thì (nguyên văn): "Hồng cũng kém tuổi Tuấn hai mươi mốt tuổi chẵn, và trước anh cô chưa từng… lấy chồng".
Hồng vừa viết về Tuấn trên blog.
Trích một đoạn:
"
Non nửa ngày vật vã trên xe vì điện thoại hết pin. Tới khách sạn còn giành nhau ổ cắm chán chê mới vào mạng. Có lẽ thị Beo là người biết tin Nhật Tuấn mất cuối cùng, trong số những người cần biết.
Sinh thời, Nhật Tuấn là người lạc quan và cực kì ghét những lời sến sẩm. Nhật Tuấn và Beo xưng hô nhau Cậu- Tớ. Gây lộn thì Ông- Tôi. Mấy năm sống chung, hợp khẩu nên cũng hiếm khi to tiếng với nhau.
76 năm có mặt trên cõi đời, Cậu đã góp phần cùng thị Beo tạo ra hai sinh vật đẹp đẽ, ngoan ngoãn và thành đạt. Để lại một cuốn sách mà sau đây, không một cuốn văn sử nào được phép quên.
Không phải ai cũng làm được những điều to tát thế, Nhật Tuấn ạ.
R.I.P Cậu.
Cứ thô ráp và hoang dại như vẫn, nơi cõi ấy nha!
"Toàn văn lấy về từ blog Beo.
---
Thứ Năm, ngày 08 tháng 10 năm 2015
NHẬT TUẤN
@
Nhật Tuấn sinh năm 1939, tuổi Kỉ Mão.
Nếu dừng lại ở thị Beo, thì Nhật Tuấn có 5 đời vợ. 3 có hôn thú 2 không, xen kẽ nhau. Cơ số này sau ngày cưới rất lâu, thị Beo cũng mới biết do chị ruột Nhật Tuấn kể cho nghe.
Thị Beo có mối quan hệ rất tốt với các vợ và cả với kha khá bồ bịch của Nhật Tuấn. Thậm chí 4 người trong số họ còn đánh bạn với Thị Beo tới tận giờ luôn.
Nhật Tuấn chưa bao giờ học về cầu đường như một vài báo trước đây viết. Hết lớp 10 một thời gian dài sau, ông đi làm công nhân, ngày ấy gọi là phụ động, cho một nhóm khảo sát thiết kế đường lên mạn Tây và Đông Bắc. 6 năm lăn lộn ở đây đã được tưởng thưởng một cách xứng đáng cho số phận một nhà văn sau này, tác phẩm Đi về nơi hoang dã .
Sau đó ông về làm tại bộ Giao thông, trải qua nhiều công việc như giữ thư viện, nhân viên trực tổng đài điện thoại. Cái tổng đài ngày xưa to bằng nửa căn nhà với rất nhiều ổ-phích, nhân viên phải rút ra cắm vào liên tục ấy là nền để hư cấu nên truyện ngắn Con chim biết chọn hạt. Đây cũng là thời gian Nhật Tuấn viết những truyện ngắn hay nhất của mình Trang 17, Con tàu trắng đi trong khói nắng,…
Thấy ông có năng khiếu văn chương, cơ quan cho đi học tại chức khoa Ngữ văn, Đại học tổng hợp. Tốt nghiệp, ông được nhà văn Hoàng Lại Giang giúp chuyển về NXB Văn học. Hoàng lại Giang còn là người ơn rất nhiều việc lớn sau này của Nhật Tuấn.
@
Nhật Tuấn có thói quen viết gần xong mới đặt tựa sách. Đặt tựa trước, ông sẽ khởi động chương đầu cực kì khó khăn. Đi về nơi hoang dã là trường hợp gần như xuất thần đặc biệt.
Người có công đặt tựa và gợi ý Nhật Tuấn viết cuốn này là nhà văn đã quá cố Lê Quốc Minh, trong một bữa nhậu có sự tham gia của nhà văn đã quá cố Trần Hoài Dương, nhà thơ Trần Mạnh Hảo, vợ chồng nhà thơ Hoàng Hưng. Trong lúc bàn chuyện thế sự và ôn cố tri tân chuyện Tây Bắc, trong ngôi nhà vườn rất đẹp ở Gò Vấp, Lê Quốc Minh đã bật ra cái tựa trên.
Ngay hôm sau, Nhật Tuấn bắt tay vào viết và viết rất nhanh.
Trong thời gian chung sống, tất cả sách của Nhật Tuấn do thị Beo biên tập, sửa bon morat. Thêm bớt cắt gọt gì hầu như ông không quan tâm sau khi đã đặt dấu chấm hết, mà cứ thế đưa thẳng sang nhà xuất bản. Thường thì sửa rất nhiều. Ví như Lửa lạnh, sửa bê bết đến mức Nhật Tuấn càu nhàu, Cậu làm như đồng tác giả.
Riêng Đi về nơi hoang dã, không sửa gì kể cả thì là mà và. Tất cả các chi tiết trong sách, buồn đốt rừng ngắm chơi, ông cán bộ ăn vụng bánh, móc thịt chôn đã mấy ngày lên ăn… đều có thật, không có bất cứ tình tiết hư cấu nào.
Tiểu thuyết viết theo kết cấu cổ điển. Câu chuyện bóc dần những bản năng âm u, sư tha hóa của con người trên hành trình, càng đi càng dấn sâu vào nơi vô định hoang dã. Vế sau của lời nhận xét này chính là “độ lớn”, là tầng ngữ nghĩa thứ hai của tác phẩm. Đi về nơi hoang dã là gạch nối- kết thúc “trường phái” sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa được tụng ca trước đó, đồng thời nó là cuốn thành công nhất trong nhóm những tác phẩm được mệnh danh văn học phản kháng (Ly thân, Thiên đường mù…), tồn tại gần chục năm sau thì tự hết.
@
Đi về nơi hoang dã chưa bao giờ bị cấm đoán. Lần xuất bản đầu in 10 ngàn cuốn, một con số thông dụng cho hầu hết các tác giả có tiếng thời điểm ấy. (Những tác giả bán chạy nhất như Nguyễn Mạnh Tuấn thường phát hành 30 đến 50 ngàn bản cho lần in đầu).
Việc nó không được bàn luận nhiều trên báo chí, lỗi tại…nhà báo. Riêng báo nhà thị Beo, dứt khoát không có chuyện được nhắc đến hay nhờ ai nhắc đến bất cứ cuốn nào, ko riêng Đi về nơi hoang dã. Chồng hát vợ khen hay là thiếu tự trọng. Giờ nghĩ lại, thấy quan niệm kẻ sĩ Bắc Hà này quê mùa cũ kĩ và phi thị trường.
@
Non nửa ngày vật vã trên xe vì điện thoại hết pin. Tới khách sạn còn giành nhau ổ cắm chán chê mới vào mạng. Có lẽ thị Beo là người biết tin Nhật Tuấn mất cuối cùng, trong số những người cần biết.
Sinh thời, Nhật Tuấn là người lạc quan và cực kì ghét những lời sến sẩm. Nhật Tuấn và Beo xưng hô nhau Cậu- Tớ. Gây lộn thì Ông- Tôi. Mấy năm sống chung, hợp khẩu nên cũng hiếm khi to tiếng với nhau.
76 năm có mặt trên cõi đời, Cậu đã góp phần cùng thị Beo tạo ra hai sinh vật đẹp đẽ, ngoan ngoãn và thành đạt. Để lại một cuốn sách mà sau đây, không một cuốn văn sử nào được phép quên.
Không phải ai cũng làm được những điều to tát thế, Nhật Tuấn ạ.
R.I.P Cậu.
Cứ thô ráp và hoang dại như vẫn, nơi cõi ấy nha!
http://beoth.blogspot.com/2015/10/nhat-tuan.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.