Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

04/09/2015

Chỉ tại Bộ Giáo dục (bài Phạm Thị Hoài)


Lấy nguyên về baotre.

---


Phạm Thị Hoài


SEPTEMBER 02, 2015 11:09 CT
Giáo dục Việt Nam thối nát, điều đó tôi đã biết từ kiếp trước. Cá nhân tôi, có cha mẹ đều là giáo viên - đã nghỉ hưu, một chị ruột - còn đang đứng lớp, và khá nhiều người trong họ hàng tham gia vào hệ thống đó, thấy nó cùng lắm chỉ thối ngang với tất cả các ngành khác chứ không thể đòi xếp đầu bảng. Song OK, tôi đồng ý là nó thối và gửi một nụ hôn cho cái mũi khắt khe của mình. Đồng ý là Bộ trưởng Bộ Giáo dục phải từ chức và Facebook có thể tiến cử ngay lập tức ba mươi triệu nhà chiến lược giáo dục xứng đáng ngồi ở vị trí ấy hơn. Nói chung nhiệm vụ chính của tất cả các bộ trưởng ở Việt Nam là từ chức, trừ Bộ trưởng Bộ Chính trị. Đồng ý là ngành giáo dục Việt Nam phải chịu tránh nhiệm về tai nạn giao thông và sự băng hoại đạo đức, về suy thoái kinh tế và nguy cơ mất chủ quyền lãnh thổ, về nạn ăn cắp, hôi biachửi bậychặt chémnhậu nhẹt, phong bì chạy chọt, về các nữ ca sĩ hở hang, các nhà sư hổ mang và các ông quan đánh bạc, về mại dâm và hút xách, về những vụ cướp, hiếp và giết người hàng loạt ở Nghệ AnBình PhướcYên Bái mới toanh... Nghĩ kỹ thì Bộ Giáo dục cũng không vô can khi nông dân khóc trên đống dưa ế và cổ động viên khóc vì đội tuyển Việt Nam lại thua đau. Vùng phủ sóng kinh hãi của Bộ Giáo dục là vô tận, tôi biết thế, song thực tình tôi may mắn đứng ngoài, cho đến tuần vừa rồi.
Tuần vừa rồi, một người bạn của tôi ở Việt Nam lỡ một cái hẹn. Không cháy nhà chết người, nhưng đơn giản đã hẹn thì phải giữ, nên tôi điện về hỏi. Bạn bảo, xin lỗi, bận đi canh điểm cho con. Nó còn nhảy lung tung lắm.
Thằng bé nhà mình nhảy đi đâu? Tôi hỏi.
Giời ạ, điểm nó nhảy. Chới với luôn. Không canh ngày canh đêm thì chết.
Sau một hồi ngôn ngữ bất đồng, cuối cùng tôi cũng hiểu ra rằng đoàn tầu giáo dục năm nay sắp rời ga; toa hạng nhất đang chen nhau bẹp ruột. Vé bán như chơi chứng khoán, phải cập nhật từng phút. Ai cũng muốn mua cổ phiếu khủng giá hời. Ai cũng sợ mua oan cổ phiếu bèo giá đắt. Ai cũng đòi nhà ga cấp cho mình điều kiện tốt nhất. Ai cũng phàn nàn. Trong trận đánh lớn do Bộ Giáo dục tổng chỉ huy này, các thí sinh đang thí sinh mạng và ngã như ngả rạ. Con số tổn thất thực ra phải nhân lên nhiều lần, vì mỗi học trò gục xuống đều nướng theo các bậc phụ huynh. Đọc Lều chõng của Ngô Tất Tố, tôi không thấy học trò nào phải đem theo cha mẹ. Họ đều tự tìm hiểu trường quy, tự vác tráp, dựng lều, kê chõng trên những cánh đồng trống hoác, tự lo việc ăn uống, nộp quyển, rồi tự về nhà trọ ăn dầm ở dề chờ ngày xem bảng. Thời tôi đi thi đã có bố đèo xe đạp đến trường và mẹ giúi cho nắm mì luộc, song chỉ đến cổng trường là hết, ai lo việc người nấy. Sĩ tử nước Việt dường như mỗi thế hệ một trẻ mỏ hơn.
Tôi hỏi, thế thằng bé không tự canh điểm được à.
Việc hệ trọng của cả đời thế này, mình phải có trách nhiệm chứ, nó lo thế nào được, bạn bảo.
Tôi cũng có một đứa con. Thực ra tôi không định có. Lấy chồng là giao hẹn luôn, không con cái gì đâu, em không có thời gian. Đó là lý do tuyệt đối để từ chối toàn diện, rất nhiều người không có cả thời gian để tồn tại, còn tôi cho rằng mình thậm chí không có chút thời gian nào để không có thời gian. Tương đối hơn, tôi vừa sợ cảnh những đứa trẻ hạ cố ăn thêm một thìa cho bà mẹ cầm bát chạy theo van lơn khắp xóm, vừa sợ cảnh những đứa trẻ ruồi bu không buồn đuổi trong sự vô tình của các đấng sinh thành. Tôi sợ mình là một người mẹ tồi. Một chỗ dựa quá yếu ớt. Hay một cái bóng quá sấn sổ đổ vào đời con. Trong nhật ký năm 1910, Franz Kafka ngẫm ra rằng mình đã bị bức hại bởi công cuộc giáo dục do một loạt người tham gia, cụ thể là cha mẹ, một số người trong họ hàng, vài ba vị khách của gia đình, nhiều nhà văn, một bà nấu bếp, một đống giáo viên, một thanh tra giáo dục. Đứng đầu danh sách ấy là cha mẹ, đứng cuối mới đến giáo viên và nhà trường. Tôi có rất nhiều lý do để cảnh giác với bậc phụ huynh nơi mình. Giấc mơ cha đè nát cuộc đời con, chúng ta quẳng tất cả những gì cặn lại từ đống hoài bão dang dở của mình vào tâm hồn con cái, đề bạt mình lên giám đốc quản trị chốn ấy và biến nó thành cái thùng rác lúc nào không hay.
leotuong cheat
Vì tương lai con em: Cha mẹ trèo tường tuồn bài giải cho con trong một kỳ thi tốt nghiệp THPT tại bang Bihar, Ấn Độ (ẢNH: AP)
Tôi bảo, ờ ờ trách nhiệm, nhưng đừng thở hết không khí của bọn trẻ nhé, và lập tức lĩnh hội một bài giảng sùi bọt mép cho những kẻ không biết gì về thực tế Việt Nam. Nó nhiêu khê rắc rối. Nó tù mù. Nó thối nát. Nó tâm thần hạng nặng. Chứ văn minh lành mạnh như bên ấy thì nói làm gì.
Ờ ờ Đức văn minh, tôi bảo, nhưng muốn vào đúng ngành đúng trường mong ước thì cũng không dễ, ngay cả với học trò giỏi. Tốt nghiệp 1.1 là xuất sắc nhưng ngành y trường lớn lấy điểm tuyệt đối 1.0. Hoặc xếp hàng ba năm may ra đến lượt, có khi ba năm sau vào phút cuối trường cho bịt mắt bốc thăm. Hoặc đi tìm trường khác. Học trò nào cũng gửi hồ sơ đi trung bình 5-6 chỗ, cẩn thận hơn thì 10-15. Bị từ chối không phải là cái gì khác thường, trượt hết cũng có. Ngay bây giờ toàn nước Đức đã thiếu hàng trăm ngàn chỗ trong 425 trường đại học và cao đẳng so với nhu cầu, năm 2020 con số ấy có thể lên tới một triệu. Sinh viên Đức ngoài ra phải cạnh tranh với sinh viên quốc tế, ít nhất 10% sinh viên đang theo học tại đây là người nước ngoài. Hệ thống xét tuyển đúng là không thối nát, không tâm thần hạng nặng, không tù mù, nhưng rối mù thì vẫn. Trừ y và dược được "tập trung chỉ đạo" cho toàn liên bang, 16.000 ngành, chuyên ngành và khóa học còn lại do các trường tự chủ xét tuyển. Chỉ đọc hết tên, phân biệt ngành nào với ngành nào, đã mất đứt mấy năm trong một đời người, chưa nói đến giấy tờ, thủ tục, thời hạn, chi phí và sự chồng chéo nơi này thừa, nơi kia thiếu. Một hệ thống điều phối bằng công nghệ thông tin cho đến naykhông thực sự được khởi động, vì phần lớn các trường còn chần chừ chưa muốn tham gia. Giáo dục và đào tạo là việc của các tiểu bang, chính quyền liên bang không có thẩm quyền can thiệp. Đó mới là rừng rậm nhiệt đới bạn ạ, phải tự mình lặn lội hết, không túm áo ông bộ trưởng nào đòi chỉ đường được đâu. Tự do, tự chủ, tự lập, tự quyết định rất vất vả và gánh nặng của lựa chọn cũng oằn vai lắm.
Tôi tưởng cái ờ ờ bây giờ sẽ đổi phía. Nhưng bạn quát, dân trí bên ấy khác! Bên này mọi rợ, chúng nó lại mang con bỏ chợ. Chúng nó hành. Chúng nó coi con người như chuột thí nghiệm.
Tôi e hèm, ừa, nhưng trong đợt thí nghiệm này chúng nó có vẻ công nhiều hơn tội. Tội nặng nhất của chúng nó là không tính đến sở thích của dân mình. Dân mình ưa chen lấn giẫm đạp. Dân mình ưa cuống quýt rút ra rút vào trong ba ngày hơn bỏ ra ba tháng bình tĩnh cân nhắc. Dân mình ưa không tin ai hết, không tin nhau, không tin chính quyền, không tin chính mình. Dân mình ưa vai nạn nhân.
Phía bên kia im lặng đột ngột. Kéo dài. Rồi mát mẻ lạnh nhạt. Vâng, thì đã bảo chúng tôi bên này mọi rợ. Nhưng ai làm cho dân mình thành như thế? Bà đứng về phía ai? Tưởng Phạm Thị Hoài thế nào. Té ra là. Thôi, hiểu rồi.
Đến hôm nay tôi vẫn không biết con trai người bạn ấy đã lên toa nào trong đoàn tàu chạy vào tương lai Việt Nam ấy. Như báo chí cho biết, toa hạng nhất dành cho công an nhân dân: 93.000 trong số trên nửa triệu thí sinh, tức cứ sáu người Việt sắp bước vào đời thì một muốn thành công an, trong khi tổng chỉ tiêu là 6.450, tức 1 chọi gần 15, khiến điểm chuẩn các trường này cao nhất trong hệ thống đại học của cả nước. Mấy lần tôi định điện về hỏi, nhưng cuối cùng đều bỏ. Một quan hệ hình như đã tan vỡ. Tôi đã trải qua nhiều tình bạn gãy đổ, song chưa lần nào như lần này, chỉ tại Bộ Giáo dục.
Phạm Thị Hoài
27/8/2015
http://baotreonline.com/Chuyen-muc-tre/Le-Cheo/chi-tai-bo-giao-duc.html#.Ved3KRwrtlw.facebook

3 nhận xét:

  1. Bà Hoài hình như cũng không hiểu lắm về chuyện tuyển sinh đại học vừa rồi ở VN thì phải.

    Trả lờiXóa
  2. Ôii giờ ạ cái bà Hoài này , bà tưởng mình là ai chứ sao lại lớn tiếng chửi tùm lum như dzậy . Chưa là gì cả , mới viết được mấy cuốn chuyện Thiên Sứ , Mê lộ , Man nương , Maria sến ... đọc ra cái gì đâu mà đã lên mặt dạy đời như vậy . Hỏi Bà nền giáo dục nào đã dạy cho Bà nên người như hôm nay ?
    Nói như vậy thì hoàn toàn không hiểu gì về nền giáo dục hiện nay . Đành rằng giáo dục hiện thời còn nhiều bất cập cần phải cải thiện , nhưng cũng cần có lộ trình . Kỳ thi 2 trong 1 vừa rồi là đúng chỉ còn bất cập ở việc đăng ký trường mà thôi . Bộ dục cũng có lỗi , một phần cũng do phụ huynh học sinh nữa , nửa năm học 12 là phải biết năng lực mình tới đâu mà chọn trường , nghành nghề phù hợp chứ không phải đến phút cuối cuống cuồng nộp vào rút ra như vậy ,
    Ở đâu thì không biết chứ nơi mình ở các trường vẫn tổ chức thi thử ĐH cho học sinh , dù thi trong trường nhưng cũng rất nghiêm ngặt , từ đó mới biết năng lực của từng học sinh mà bồi dưỡng thêm hay tư vấn chọn trường . Salam để ý rồi 3 cô con gái điểm thi thử và thi thật chỉ chênh nhau 0,5 điểm chỉ mỗi Cun con vừa rồi chênh 1 điểm thôi . Cứ căn cứ điểm năm cũ của trường mà mình muốn vào cộng thêm 3 điểm là chắc ăn
    Chọn trường cũng vậy , không cần chọn trường tốp đầu mà làm gì , chọn trường vừa phải thôi . Có nhiều trường cập nhật được những tài liệu mới từ các nước , họ cũng mở lớp dạy thêm cho sinh viên ngoài , vì thế có thể đăng ký học thêm . Bọn nhỏ chỗ Salam ở chúng toàn học theo cách đó nên chúng rats tự tin khi ra trường không sợ bị thất nghiệp
    Thời gian sinh viên cũng vậy , nên kiếm việc làm thêm vì như thế sẽ va chạm nhiều xã hội , tạo các mối quan hệ sau này , tích luỹ được nhiều kinh nghiệm sống , có như vậy thì sau khi ra trường không bị bỡ ngỡ .... không ai cứu mình bằng mình tự cứu mình cả . Bản thân mỗi người chúng ta phải chịu trách nhiệm về tương lai và lựa chọn cửa mình , không nên đổ thừa cho ai cả

    Trả lờiXóa
  3. Theo em thì các bác chưa đọc kỹ rồi. Lần này thì bác Hoài bênh Bộ GD đấy chứ ạ. Người chửi nền GD VN là người bạn của bác ấy cơ ạ

    Trả lờiXóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.