Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

11/08/2015

Xu hướng "li ti hóa" của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay

Năm trước, 2014, bà Phạm Chi Lan đã nói: "Lo Việt Nam sẽ chỉ còn các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ".

Năm nay, vừa rồi, ông Trần Đình Thiên có nói (dẫn qua lời bà Phạm Chi Lan): "DN Việt Nam hiện nay có xu hướng… li ti hóa, tức là nhỏ đi so với trước".

Vẫn là một ý. Nhưng lần này thì diễn giải thêm cho câu nói lần trước.


Toàn văn như ở dưới. Mình chưa từng đọc những bài viết dạng học thuật của bà Phạm Chi Lan, mới chỉ toàn thấy trên báo chí. Cu Nỡm mà biết thì báo giúp nhé.


---


10/08/15 07:05

“Việt Nam là mô hình kỳ lạ nhất thế giới: Nước… không chịu phát triển!”


Đó là lời “nói đùa” mà rất đau của các chuyên gia Ngân hàng Thế giới được chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan thuật lại với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong cả nước về Đà Nẵng dự hội nghị.
Không cạnh tranh được trong ASEAN thì nói gì đến cạnh tranh với Mỹ, EU
Tiếp tục bài nói chuyện “Cơ hội và thách thức với doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa trong hội nhập quốc tế” tại hội nghị kết nối các DN nhỏ và vừa toàn quốc do Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam tổ chức chiều 8/8 ở Đà Nẵng (Infonet đã đưa tin), chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan nêu rõ, nhìn vào các FTA mà Việt Nam đã ký kết cho thấy tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của nước ta với các đối tác chiếm tỉ lệ rất lớn và sắp tới sẽ tiếp tục tăng trưởng hơn nữa.
Hàng trăm doanh nghiệp nhỏ và vừa trong cả nước tham dự hội nghị kết nối do Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tổ chức tại Đà Nẵng ngày 8/8 (Ảnh: HC)
Tuy nhiên, nếu nhìn vào bước đường hội nhập thì có thể thấy điều rất đáng lo là năng lực cạnh tranh của Việt Nam cho đến nay vẫn còn thua xa các nước ASEAN 6. Đã 20 năm tham gia ASEAN nhưng Việt Nam vẫn còn nằm trong nhóm 4 nước lạc hậu hơn của ASEAN (gồm Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar).
“Do vậy, năm 2014, Thủ tướng đã đưa ra những cố gắng để cải thiện môi trường kinh doanh một cách cơ bản cho DN, và sau đó quyết định lấy năm 2015 là “Năm Doanh nghiệp”. Trên tinh thần đó, nhiều nơi cũng quyết định lấy năm nay là năm của DN. Quốc hội, Ban Kinh tế TƯ cũng coi năm nay là năm tập trung để cải thiện cho DN. Cải thiện môi trường kinh doanh chính là để nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam!” – Bà Phạm Chi Lan nói.
Theo bà, Thủ tướng quyết định lấy chuẩn của các nước ASEAN làm chuẩn cho năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Năm 2014, Thủ tướng chủ trương Việt Nam phải cải thiện các chỉ số của Ngân hàng Thế giới về môi trường kinh doanh sao cho ngang bằng với ASEAN 6. Năm nay thì Thủ tướng đưa ra tiêu chuẩn ở mức cao hơn là đến năm 2015, Việt Nam phải cạnh tranh được với ASEAN 4 (4 nước tiên tiến nhất trong ASEAN).
“Tham gia hội nhập với rất nhiều nước lớn nhưng ASEAN phải là nơi đầu tiên mà Việt Nam có thể cạnh tranh được. Không cạnh tranh được trong ASEAN thì phải nói thẳng là với các đối tác lớn hơn như Hoa Kỳ, EU có khả năng cạnh tranh cao hơn rất nhiều thì Việt Nam sẽ vô cùng khó khăn!” – Chuyên gia Phạm Chi Lan nhấn mạnh.
Để có 1 đồng lợi nhuận phải mất… 1,02 đồng “bôi trơn”!
Bà Phạm Chi Lan còn nêu rõ, không chỉ xếp hạng về môi trường kinh doanh mà xếp hạng về thể chế của Việt Nam hiện nay cũng khá thấp. Đặc biệt, trong xếp hạng về thể chế thì Việt Nam xếp ở mức rất kém trong các chỉ số về chi phí ngoài pháp luật, chi phí “bôi trơn” so với nhiều nước khác.
“Một điều tra cho thấy, ở Việt Nam, trung bình cứ 1 đồng lợi nhuận thì DN phải mất 1,02 đồng cho “bôi trơn”. Có nghĩa, nếu tham nhũng ở nước ta giảm đi 50% thì đã làm tăng được 50% lợi nhuận của DN rồi. Đây là một trong những điều giải thích tại sao DN Việt Nam cứ nhỏ mãi. TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam từng nhận xét DN Việt Nam hiện nay có xu hướng… li ti hóa, tức là nhỏ đi so với trước!” – chuyên gia Phạm Chi Lan cho hay.
Dẫn số liệu điều tra của Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam cho thấy, so với 10 năm trước đây thì quy mô của DN Việt Nam hiện chỉ còn bằng một nửa, chuyên gia Phạm Chi Lan bức xúc đặt câu hỏi. “Đáng lẽ sau 10 năm, quy mô của DN Việt Nam phải lớn lên chứ tại sao lại nhỏ đi?”. 
Rồi bà trả lời: “Một trong những nguyên nhân chính là tham nhũng đã lấy mất lớn hơn so với lợi nhuận của DN. Bị lấy mất lợi nhuận rồi thì DN còn gì để tái đầu tư, để mở rộng được? Và DN sẽ co lại vì họ làm được 1 nhưng có những ông khác không làm gì cả mà tước đoạt của họ hơn 1 thì tội gì họ làm nữa”.
Chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan phát biểu tại hội nghị (Ảnh: HC)
Theo chuyên gia Phạm Chi Lan, trong các nước tham gia TPP thì Việt Nam xếp ở hàng thấp nhất về trình độ công nghệ dù đây là yếu tố mà ai cũng biết là vô cùng quan trọng đối với năng lực cạnh tranh. Đây là vấn đề thuộc về tầm quốc gia và phải được Nhà nước ưu tiên quan tâm chứ không hoàn toàn thuộc trách nhiệm của DN.
“Hệ thống chính sách của chúng ta nói rất nhiều, rất hay về đổi mới công nghệ nhưng trên thực tế, rất nhiều DN cho biết họ không thể tiếp cận được với những chính sách khuyến khích của Nhà nước. Chỉ ai tự có năng lực thì mới tự đổi mới công nghệ được thôi chứ còn họ “quên” đi tất cả những cái của Nhà nước, bởi vì chi phí để nhận được ưu đãi có khi lại còn lớn hơn cả mức được ưu đãi. Đó là điều rất đau gây cản trở cho sự phát triển công nghệ của chúng ta!” – chuyên gia Phạm Chi Lan bức xúc nói.
Mô hình kỳ lạ nhất thế giới: Nước... không chịu phát triển?!
Bà Phạm Chi Lan nêu rõ, Nhà nước phải cố gắng rất nhiều để đàm phán và ký kết các FTA, trong đó phải có những nhượng bộ để các đối tác mở cửa thị trường cho mình. Nhưng trên thực tế, đến thời điểm này tận dụng được tốt nhất FTA đã ký chỉ là với Hàn Quốc. Theo đó, hơn 73% chứng nhận xuất khẩu sang Hàn Quốc là được hưởng ưu đãi. Nhưng đi sâu vào 73% này thì lại thấy đa phần DN được hưởng ưu đãi lại là DN Hàn Quốc chứ không phải Việt Nam.
“Điều đó cho thấy DN Việt Nam chưa tận dụng được những ưu thế từ FTA. Chúng tôi đang đề xuất Bộ Công thương xem lại chính cách thức của Bộ trong việc cung cấp các ưu đãi hoặc phổ biến như thế nào mà để DN Việt Nam tiếp cận được ưu đãi thấp như thế? Nếu DN không biết hoặc quá khó để tiếp cận được thì là thành phí hoài công sức của các vị ấy đi đàm phán. Đây cũng là sự lãng phí rất lớn!” – Bà Phạm Chi Lan nói.
Theo chuyên gia này, khó khăn đối với DN Việt Nam gần như là chuyện muôn thuở. 5 – 7 năm nay, Diễn đàn Kinh tế thế giới tiến hành điều tra thì đều cho ra sơ đồ tương tự nhau về khó khăn của DN Việt Nam chứ không thay đổi bao nhiêu. Bà nói thẳng là cảm thấy rất đau khi các chuyên gia Diễn đàn Kinh tế thế giới hỏi: Tại sao Việt Nam kỳ lạ thế, những điều này nói hoài mà không sửa được, không thay đổi được?
“Một số chuyên gia WB còn nói đùa Việt Nam có lẽ là mô hình kỳ lạ nhất thế giới. Trên thế giới chia ra gồm nước phát triển, nước đang phát triển, nước chậm phát triển nhưng Việt Nam có lẽ là mô hình đặc biệt nhất. Đó là nước… không chịu phát triển! Đầu tư nhiều đến thế, ODA nhiều đến thế (20 năm qua lượng ODA đổ vào Việt Nam lên tới gần 90 tỉ USD) nhưng đến bây giờ vẫn không phát triển được thì chỉ có thể là… không chịu phát triển!” – chuyên gia Phạm Chi Lan nói một cách khá chua chát.
Theo bà, khi tham gia các FTA thì không phải chỉ cạnh tranh ở tầm DN mà cạnh tranh ở tầm nhà nước cũng vô cùng quan trọng. Nhà nước Việt Nam cũng phải cạnh tranh với Nhà nước của các nước khác về thể chế, môi trường kinh doanh, năng lực điều hành nền kinh tế vĩ mô… Mặc dù khi tham gia các FTA thế hệ mới, đặc biệt là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đòi hỏi cao hơn, khắc nghiệt hơn nhưng chính điều này sẽ giúp Việt Nam nâng tầm mình lên.
“Nói thật, chơi mà cứ cạnh tranh loanh quanh trong cái ao của ASEAN thì không đủ. Chúng ta phải cố gắng để vươn ra biển lớn, chấp nhận sóng gió lớn hơn thì mới có thể vượt lên được. Trong điều kiện môi trường kinh doanh của chúng ta chưa thuận lợi, khi có các hiệp định mới này, chắc chắn Nhà nước sẽ phải thay đổi nhiều về hệ thống luật pháp, chính sách trong nước cho phù hợp với các cam kết. Và từ đó đổi mới kinh tế sang hệ thống kinh tế thị trường đầy đủ sẽ giúp cho môi trường kinh doanh tại Việt Nam tốt hơn, bình đẳng hơn!” – Chuyên gia Phạm Chi Lan nhấn mạnh.
HẢI CHÂU
http://infonet.vn/viet-nam-la-mo-hinh-ky-la-nhat-the-gioi-nuoc-khong-chiu-phat-trien-post171047.info






09/08/15 06:10

“Người láng giềng phương Bắc luôn nói vậy mà không phải vậy!”


Nói chuyện với các DN nhỏ và vừa cả nước tụ hội về Đà Nẵng chiều 8/8, chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan nêu rõ: “Người láng giềng khổng lồ ở phương Bắc đang là tâm điểm của trò chơi quyền lực!"
20 năm trước khó mà hình dung nổi…
Chiều 8/8 tại Đà Nẵng, hàng trăm doanh nghiệp nhỏ và vừa trong cả nước đã tham dự hội nghị kết nối doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp toàn quốc với chủ đề “Kết nối – Hợp tác – Phát triển” do Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tổ chức. 
Tại đây, chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan đã có bài nói chuyện về “Cơ hội và thách thức với doanh nghiệp nhỏ và vừa trong hội nhập quốc tế” gây ấn tượng mạnh cho các đại biểu.
Hội nghị kết nối doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp toàn quốc do Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tổ chức tại Đà Nẵng chiều 8/8 (Ảnh: HC)
Theo chuyên gia Phạm Chi Lan, năm 2015 vô cùng đặc biệt đối với Việt Nam. Ngoài việc kỷ niệm năm chẵn của nhiều sự kiện lớn của đất nước còn là kỷ niệm 20 năm Việt Nam thiết lập quan hệ với rất nhiều đối tác lớn trên thế giới như Mỹ, EU, ASEAN… Và đây cũng là năm đánh dấu cột mốc mới sự phát triển quan hệ của Việt Nam với các đối tác này.
Theo đó, Việt Nam vừa hoàn tất nội dung FTA với EU và dự kiến ký kết trong vài tháng nữa. Như vậy, Việt Nam sẽ thành đối tác thư 2 trong cộng đồng kinh tế ASEAN có FTA với EU. Trước Việt Nam thì EU chỉ mới có FTA với Singapore. EU cũng muốn đàm phán FTA với Thái Lan, Malaysia và với chung cả ASEAN nhưng không làm nổi. Việt Nam trở thành đối tác tiên phong có thể hoàn tất FTA sớm hơn với EU và EU rất kỳ vọng từ FTA với Việt Nam thì sẽ làm tiếp được với các nước khác.
“Vòng đàm phán TPP ở Hawaii vừa rồi không thành công như mong muốn nhưng cũng đã hoàn tất khoảng 98%. 2% còn lại tuy không đơn giản nhưng tôi tin các nước sẽ cố gắng để hoàn tất trong thời gian không xa nữa. Vì đã mất công quá nhiều để đàm phán, vì tầm quan trọng quá lớn của Hiệp định này đối với cả khu vực Thái Bình Dương cũng như đối với các nước liên quan, và vì cả tương lai rộng lớn mở ra cho mỗi thành viên tham gia nên các nước sẽ không bỏ cuộc, sẽ không vì cái 2% đó mà làm mất công sức đã bỏ ra để đạt 98% kia!” – Bà Phạm Chi Lan nói.
Bà cũng cho biết Việt Nam đang tham gia vòng đàm phán quan trọng khác là RCEP (FTA của ASEAN và 6 nước đối tác). Sau khi RCEP hình thành cùng với TPP thì chắc chắn đàm phán cho FTA của khu vực APEC cũng sẽ được thúc đẩy. Chắc chắn Hội nghị thượng đỉnh APEC 2017 tại Đà Nẵng sẽ bàn rất nhiều tới tương lai của Hiệp định FTA khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Điểm qua thêm các Hiệp định FTA mà Việt Nam đã ký kết và đang đàm phán với một số đối tác khác, bà Phạm Chi Lan đúc kết là Việt Nam sẽ có quan hệ FTA với 57 quốc gia. Một nước Việt Nam quy mô nền kinh tế còn tương đối nhỏ trong khu vực cũng như trên toàn cầu lại có quan hệ FTA với 57 nước khác nhau, trong đó có cả các cường quốc kinh tế lớn nhất trên thế giới, thì thực sự là một điều kỳ diệu mà không phải nước đang phát triển nào cũng có được.
“Từ 1975 đến 1995 là 20 năm rất nhọc nhằn để chúng ta phục hồi và phát triển quan hệ với các đối tác tôi vừa kể trên. Nhưng sau 20 năm hình thành được mối quan hệ với họ thì có thể nói chúng ta đã đi được một bước khá dài mà chắc chắn 20 năm trước đây khó hình dung nổi là mối quan hệ này lại bước vào giai đoạn mới quan trọng đến như vậy!” – Bà Phạm Chi Lan nói.
Cảnh báo đáng lưu ý nhất với Việt Nam là “người láng giềng” khổng lồ phương Bắc
Bà Phạm Chi Lan cho hay, nhiều nước đang phát triển khác, kể cả một số thành viên ASEAN phải hơi một chút tị nạnh khi Việt Nam có thể thuyết phục được các nước kia chấp nhận chơi với mình. Mặc dù Việt Nam có trình độ phát triển thấp hơn các nước đó rất đáng kể nhưng họ tin và chấp nhận Việt Nam tham gia cùng với họ. Việt Nam cũng rất giỏi trong việc biến các đối thủ, thậm chí là kẻ thù của mình trước đây giờ trở thành đối tác, thậm chí là đối tác tin cậy, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện. Đây là điều rất kỳ diệu cần được Việt Nam biến thành hiện thực trong phát triển đất nước!
Chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan: "Cảnh báo đáng lưu ý nhất với Việt Nam là “người láng giềng” khổng lồ ở phương Bắc đang là “tâm điểm” của trò chơi quyền lựcị" (Ảnh: HC)
Đáng chú ý, theo bà Phạm Chi Lan thì Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế… đều dự báo kinh tế toàn cầu còn tiếp tục khó khăn. Hiện dự báo về tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2015 do các tổ chức quan trọng này đưa ra đều thấp hơn, kém lạc quan hơn so với đầu năm. Thế nhưng, chính trong thời điểm kinh tế thế giới còn khó khăn này, Việt Nam dường như vẫn đang vượt lên được và mức độ tăng trưởng vẫn còn hơn so với kỳ vọng từ đầu năm. Đây là một trong những nước hiếm hoi mà kỳ vọng lúc này về mức tăng trưởng năm 2015 lại cao hơn so với đầu năm.
Tuy nhiên bà Phạm Chi Lan cũng lưu ý, trong nghiên cứu về Việt Nam đến năm 2035 đang được tiến hành cùng với Ngân hàng Thế giới, đã chỉ ra những điều đáng quan tâm với Việt Nam trong bối cảnh hội nhập như nêu trên. Trước hết, đó là môi trường chung của toàn cầu hiện nay, cả về kinh tế và chính trị, đều phức tạp và còn nhiều khó khăn, biến động.
“Trong đó, cảnh báo đáng lưu ý nhất với Việt Nam là “người láng giềng” khổng lồ ở phương Bắc đang là “tâm điểm” của trò chơi quyền lực. Có rất nhiều cách thức, thái độ của ông láng giềng này không thể ai hiểu được và không ai phán đoán được. Ổng nói vậy mà luôn luôn là không phải vậy. Ổng nói bây giờ ổng ngưng hoạt động xây dựng các đảo nhân tạo trên Biển Đông nhưng không ai biết được thực tế ổng sẽ làm gì!” – bà Phạm Chi Lan nói.
Điều lưu ý thứ hai là tác động lẫn nhau rất nhanh chóng và rất khó tiên liệu giữa các nhân tố quan trọng cho phát triển như công nghệ, tài nguyên, khí hậu, tài chính, thị trường… Đó là các nhân tố liên quan đến phát triển kinh tế của mỗi nước cũng như kinh tế toàn cầu và đều có các mối quan hệ rất nhằng nhịt với nhau, tác động lẫn nhau rất nhiều nhưng rất khó tiên liệu là nó tác động đến nhau như thế nào.
3 nhân tố quyết định thành công trong môi trường toàn cầu hiện nay
“Có nhiều tiềm năng đi lên nhưng rủi ro cũng còn rất nhiều. Trong điều kiện đó thì điều gì quyết định cho sự thành công không chỉ của Việt Nam mà của tất cả các quốc gia?” – Chuyên gia Phạm Chi Lan đặt câu hỏi và nêu ra 3 nhân tố quyết định thành công trong điều kiện biến đổi rất nhiều của môi trường toàn cầu khó khăn hiện nay.
Quan trọng nhất, theo bà, là khả năng ứng phó. Đây là điều gần như tuyệt đối khi người ta nói đến mọi thứ phát triển hoặc hợp tác. Các quốc gia phải có khả năng xác định được, chống đỡ được với những cú sốc xảy ra và làm sao phục hồi được nhanh chóng sau cú sốc. Nước nào giỏi, doanh nghiệp nào giỏi thì còn có thể biến cú sốc đó vốn dĩ mang ảnh hưởng tiêu cực nhiều hơn thành cơ hội cho mình!.
Nhân tố thứ hai là phải dựa trên sự đa dạng hóa. Đây là điều tuyệt đối cần thiết. Nếu cứ loay hoay bám giữ những cái đã có lâu nay thì không thể thành công. Đa dạng hóa, đối với các quốc gia, là tạo động lực mới cho phát triển kinh tế. Như Việt Nam lâu nay dựa vào tài nguyên, lao động giá rẻ thì nay phải tạo động lực mới từ sự năng động của doanh nghiệp, phát triển các loại hình doanh nghiệp khác nhau, từ công nghệ, năng suất cao hơn... Tương tự là phải tìm các nguồn lực khác nhau cho tăng trưởng, mở rộng các mối quan hệ. Cần đa dạng hóa quan hệ với các nước và đối với mỗi mối quan hệ phải cố gắng khai thác được những mặt tích cực, hạn chế những mặt tiêu cực.
Thứ ba là sự linh hoạt và khả năng thích ứng của nền kinh tế cũng như của các doanh nghiệp ở các quốc gia, Đó là năng lực thay đổi về tính thích ứng từ dưới trở lên. Điều này đòi hỏi mỗi quốc gia đều phải có các doanh nghiệp nhỏ và vừa rất năng động, có khả năng thích ứng đối với những cái mới, những sự thay đổi. Đồng thời với đó là sự hỗ trợ từ trên xuống. Ở chiều này đòi hỏi từng nhà nước phải biết chăm lo mạng lưới an sinh xã hội để đảm bảo độ ổn định của đất nước thì mới phát triển được.
HẢI CHÂU
http://infonet.vn/nguoi-lang-gieng-phuong-bac-luon-noi-vay-ma-khong-phai-vay-post171004.info



---

Những entry liên quan đã đi trên blog này:





Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 10  (tổng quát về Đại hội VI)
Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 9 (chương về Đổi Mới trong sách của Huy Đức)
Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 8 (năm 1987, 1 USD bằng bao nhiêu VND ?)

Một bài viết của cụ Vũ Khiêu chào mừng đồng chí Gooc-ba-chốp (1986)

Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 7 (một cuốn sách xuất bản năm 1984 mang tên Lê Duẩn)
Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 6 (nhớ lại của Trần Độ nguyên Trưởng Ban VHVN)
Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 5  (hình ảnh Nguyễn Hữu Đang ở Nghĩa Đô năm 2004) 
- Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 4 (về đại phát kiến của Việt Nam "làm chủ tập thể", Nguyễn Ngọc Lanh) 


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.