Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

11/06/2015

Văn nghệ thời đầu Đổi Mới, với nhật kí nguội post mạng của Vương Trí Nhàn

Nhật kí của bác Vương được đưa lên chính trên blog của bác. Mình gọi là nhật kí nguội và được post lên mạng, viết tắt thành "nhật kí nguội post mạng". Có thể sẽ có một dòng nhật kí như vậy được hình thành.

Mình sưu tầm dần dần, cập nhật theo bên bác.

Đầu tiên là năm 1989. Xếp ngược thứ tự.

Từ đây trở xuống là của bác Vương.

---

3.

23-06-2015

 25/9
Lê Minh Khuê kể: Ngọc Tú bảo là Như Trang đang đứng ra lập ban liên lạc các nhà văn nữ, nhưng Khuê đã trả lời:
- Em không tham gia đâu, chị không biết chị Trang là dân thương nghiệp à.
Cách đây ít lâu Như Trang đã có một bài điểm qua lực lượng sáng tác nữ, trong đó tự khen mình không tiếc lời.
Có vẻ như trong xã hội bây giờ, ai thích trình bày ra ban bệ nọ kia, ấy là người có thể dùng cái tổ chức ấy làm một việc gì đấy.

 Bà Bảo ở văn phòng Hội bảo sao vợ chồng ông Hữu Mai thì được cả hai, cái gì cũng giỏi, ông Hữu Mai quen từ người thợ chữa ống nước, người bán bia ở ngoài cổng Hội.
Còn vợ chồng ông Nguyên Ngọc thì chả biết gì cả, chồng đi đâu đó, mang về được sau trăm ngàn, vợ ra chợ bị móc túi mất ba trăm.
Tôi chợt nghĩ loại như Hữu Mai có cái chất của cường hào, các ông chủ thực sự ở nông thôn. Lý trưởng chánh tổng trương tuần gì cũng nằm trong tay các ông ấy cả.
Ân kể ông Vũ Tú Nam có bài trên tạp chí Cộng Sản rất xấu, cho là văn nghệ bây giờ chửi công nông là không được.

Hồi  tháng trước Vũ Tú Nam có bài chê Phạm Thị Hoài là không biết tiếng Việt, đáng nhẽ hậu thế, thì lại viết hậu bối, Phạm Thị Hoài cứ thắc mắc mãi, không hiểu sao chú Nam lạ thế.

Một bữa, chính Dương Tường đưa tôi xem bài viết của Phạm Thị Hoài, nhắc lại ý ông Nguyễn Đình Thi nói ở báo Nhân Dân- bây giờ anh em trẻ buồn cười lắm, toàn nói Kant thành Níetzsche. Hoài cãi lại :
1. Nếu chúng tôi dốt, đó là lỗi tại các anh
2. Vả chăng chắc đâu chúng tôi đã dốt. Nhỡ các anh chỉ chép sách của Tây ra thì sao. Những cuốn mà người ta gọi là sách triết học của anh viết trước 1945 là thuộc loại nào?
Các anh bảo chúng tôi không phân biệt Kant với Níetzsche. Nhưng tôi chỉ sợ các anh không phân biệt nổi Mác với Lênin.
Bài đã gửi đến báo Văn nghệ. Dĩ nhiên là không đăng. Nhưng xem ra cũng có cái vui.

Báo Nhân Dân liên tiếp đăng nhiều bài truy lùng đổi mới.
- Bài Hoàng Nhân (số ra 23/9) chửi Sông Hương là tại sao kỷ  niệm sinh nhật Hồ Chủ tịch mà lại đăng Nguyễn Huy Thiệp viết về Nguyễn Thái Học.
- Bài Trần Thanh Đạm (số 30/9) chê Nguyên Ngọc là viết không ai hiểu gì cả và cho rằng Nguyên Ngọc không làm lý luận được.
Cái lối chĩa mãi vào Nguyên Ngọc như vậy hình như đã quá lộ liễu, nhưng đấy là sự quyết liệt của Nguyễn Đình Thi.

Đọc những tài liệu liên quan đến tạp chí Novyi mir của A.Tvardovski. Tình cảnh y như bên mình. Ông này cũng bị một lũ quan chức đồng nghiệp – các Ủy viên Ban chấp hành và Tổng biên tập mấy tờ tạp chí khác, cùng ký vào đơn gửi lên trên đòi cách chức Novyi mir mà A.T. đang phụ trách.  Mất tự do đến mức trắng trợn.  Dốt nát. Cuộc sống đảo lộn hết cả.
Bao giờ các bên  đấu đá cũng nhân danh cách mạng.
Đất Quảng số 5-6/1990 có bài của Lữ Phương nói rất hay về cái chủ nghĩa xã hội tưởng tượng của chúng ta.

30/9
Báo Văn nghệ đăng bài Phương Lựu, chưa chi đã lấy Trung quốc để doạ Việt Nam, đe nẹt Việt Nam (trong khi đó, những đổi mới của Trung quốc sau 1976 thì hồi đó ta không hề giới thiệu và bây giờ, Trần Đình Sử giới thiệu thì Phương Lựu bảo là cũ rồi).
Nhớ Sử có lần nói về Phương Lựu như sau: Phương Lựu đọc ông A, bảo ông A được cái này hỏng cái này. Rồi đọc ông B, bảo ông B được cái kia và hỏng cái kia. Kết hợp cả hai cái được của A và B lại, thì  thành ra Phương Lựu.

4/10
 Nghe nói tờ Tác phẩm mới của Hội mỗi tháng lỗ khoảng một triệu. Vậy mà người ta vẫn cứ nhơn nhơn ra cả một  lượt, từ Vũ Tú Nam tới Ngọc Tú.
Vấn đề ở đây là gì? Là có một sự cách biệt giữa cái mà nhà nước đưa ra, và cái yêu cầu của dân bây giờ.
Một lý do báo ế. Đội ngũ làm báo -- nhất là của miền Bắc-- quá bệt, không có nghề, thấy dân Sài Gòn nó nhoai ra cũng muốn nhoai, nhưng không biết làm sao được.
Nhớ nhận xét của anh dân du lịch nước ngoài đến Hà Nội: Những người phục vụ khách sạn ở đây đã thay đổi, họ muốn làm vui lòng khách lắm, nhưng lại không biết cách.
Cả cái nước  này hôm nay không biết cách sống, cách làm việc.
Giữa trình độ sống thấp và định hướng sai, có một mối tương quan. Phương Tây trình độ nó đã khá, mà định hướng sai còn chết. Huống chi là ở đây trình độ sống thấp, rất thấp nữa. Cả hai phối hợp sẽ kéo người ta lại. Có lẽ chỉ ở văn học VN mới có tình trạng chưa kịp đổi mới thì đã chửi bới đổi mới và nói rằng hôm qua mới thế đủ rồi. Và không phải riêng một bộ phận nào mới quay lại cái cũ mà toàn xã hội, từ trên xuống dưới, từ kẻ có quyền lợi, đến người dân thường, họ quen bị lừa dối, và cũng quen lười biếng.

19/10
A.Môravia chết,  một tờ báo nào đó viết ông rất giỏi trong việc diễn tả sự suy sụp tinh thần của con người trong thiên kỉ này.
Câu nói hay quá. Giá được nói leo, tôi sẽ bảo mình muốn viết về cái hoang tàn của đời sống tinh thần con người hiện nay.
Trước cách mạng dân trí cũng nghèo hèn, cái “chất” chính của xứ này là một cái gì yếu đuối lả lượt kiểu đàn bà.
Rồi cách mạng không ngờ thắng lợi, cách mạng như một sự dậy non. Cách mạng mang lại cho sự tàn ác sự phá phách một ý nghĩa. Cách mạng kích thích sự thù oán. Cách mạng vỗ về nâng đỡ cái tầm thường kém cỏi. Và bây giờ cách mạng hứa hẹn một lối sống trưởng giả được tô vẽ, được hợp thức hóa.

Nghe nói Nguyễn Thụy Kha có một bài viết khá hay về Nguyễn Khải, ai  đó bảo đọc thấy Nguyễn Khải lon ton trong mắt tác giả. Tôi tự nhiên nao lòng, tự nhủ sẽ viết về một Nguyễn Khải của mình, qua Nguyễn Khải thấy chân dung tinh thần của con người hiện nay.

Anh Ngọc nhà thơ khái quát: Hậu Thủy hử có cái hay là nói rằng bọn làm loạn thật ra thằng nào cũng  chỉ thèm được quy hàng.
Đấy chính là tình trạng của đám đổi mới bất đắc dĩ, đổi mới theo đuôi ở mình bây giờ.

        12/10
        Gặp Nguyễn Đăng Mạnh.
-- Anh có đọc cái gì mới?
-- Không đọc mấy. Trừ Cỏ lau là tập truyện mới thoát ra thành tiếng nói nghệ thuật, còn nói chung những cái khác vẫn là kêu gào, kể cả Đám cưới không có giấy giá thú cũng kêu gào.
- Bọn Thỉnh chắc phải van vỉ nhờ lắm thì anh mới viết cho bài Nguyễn Tuân.
- Thì vào tận đây đề nghị. Ngay bây giờ, mụ Thiếu Mai vẫn nhắn ra gặp mụ luôn.
- Nhưng nó lại cho anh một vố khi đăng bài  về chương trình cải cách giáo dục.
- Đúng, cái này thì rất mất dạy. Lâu nay, mình cứ tưởng là khu vực giáo dục yên. Thế mà chúng nó vẫn chọc vào. Chúng nó còn viết thư lên cấp trên nữa. Bọn mình phải họp để đối phó. Được cái ông Hoàng Tuệ cũng vững. Sau khi bài đăng ra, Nguyễn Khắc Phi đã có bài trả lời rất hay, nhưng Hữu Thỉnh nhất định không đăng.

Nhân có vợ ông Mạnh vào, kể chuyện là dạo này ở trường dạy, chị cũng không chơi với vợ Duật nữa, và nhiều giáo viên cũng ghét Duật.
Nhàn: Kỳ này tôi mất bạn nhiều lắm.
Mạnh: Đúng thế, bây giờ thật ngại phải bắt tay những người mà xưa kia mình kính trọng và giá kể được họ tặng sách thì thú vị lắm. Như Huy Cận chẳng hạn. Hay như Bùi Hiển.
Có lần Nguyễn Đăng Mạnh dự đoán nếu Nguyễn Tuân còn sống, chắc sẽ ủng hộ cái mới; còn nếu Xuân Diệu sống ông lại ngồi mà bám lấy chút uy danh cũ.
Nhân đó Mạnh khái quát:
- Văn nghệ sĩ là cái anh nhạy cảm nhất, tinh vi nhất nhưng khi giở mặt cũng là cái anh đểu giả, mất dạy, bảo thủ nhất.
--Anh sẽ viết lại lịch sử văn học 30-45?
- Viết chứ. Sẽ nêu bật ý nghĩ của mình trong quá trình hiện đại hoá văn học, và sự hình thành một lớp trí thức theo kiểu phương Tây.
- Trước cách mạng, người ta có trọng văn nghệ sĩ  lắm không?
- Thời ấy ai có bằng cấp là được trọng. Văn nghệ sĩ như Tự lực văn đoàn được trọng. Nguyễn Tuân cũng được trọng, vì ông có học thực sự, biết sự thực. Còn cánh Tân Dân không ai coi ra gì. Nên họ mới tức. Đám ma Vũ Trọng Phụng phải làm to thế cốt cũng để cho đỡ tức. Hay như đám Tô Hoài, Nam Cao, sở dĩ họ rất khoái cách mạng, vì cách mạng mang lại cho họ cái địa vị mà họ chưa có.
 Nguyễn Đăng Mạnh nói về tình hình văn học bây giờ.
- Dạo này các ông ấy cố tìm cách hạ bệ một vài người uy thế văn học, uy thế khoa học như hồi đấu tranh Nhân văn Giai phẩm, nhắc đi nhắc lại một vài lỗi nhỏ về tiếng Pháp của Trương Tửu để bảo rằng Trương Tửu dốt.
- Các ông ấy đang khép lại.
- Chẳng những khép lại, mà còn muốn chặt chẽ hơn hôm qua. Bố bây giờ cố ý quát to hơn, nghiêm hơn. Nhưng con cái nó đâu có nghe.
Trần Đình Sử nhận xét, bọn Văn nghệ bây giờ dưới sự lãnh đạo của Hữu Thỉnh còn kém cỏi và vô trách nhiệm hơn báo Văn nghệ hồi Đào Vũ nữa. Nhưng bọn nó không biết sợ. Nhìn sang thấy Nhân Dân chủ nhật còn đi xa hơn nó nhiều.
Tôi thì tôi nghĩ:
- Qua đợt đổi mới này, lại thấy thực tế là không thể đổi mới được và  sẽ không có đổi mới  gì cả. Bóng tối còn đầy, người của hôm qua còn đầy, tự bọn họ làm nên đời sống văn học, bọn họ tự bít đường thay đổi, chứ chưa nói đến cấp trên vàNomenklaktura – bọn thư lại mới.
Chợt nhớ cái bài của tôi in trên Văn Nghệ  hai năm trước  Bước đi không thể đảo ngược. Hồi ấy tôi còn ngây thơ quá và đến nay vẫn ngây thơ tiếp.

Một bài có tính tổng hợp cao trên Nhân Dân ngày 10/10:
- Có những kẻ hồi trước theo cách mạng, nay xu thời cãi lại.
- Những thày dùi về kinh tế đã bớt đi, nay toàn thày dùi về văn hoá nhằm kích động mọi người và mua chút uy tín còm.
- Trí thức ta, nhờ cách mạng mà mở mày mở mặt ra được, nay lại giở giọng.
- Kẻ sĩ không có lối kêu khổ. Mà phải gắn với nhân dân, vì một tương lai xa.
- Không được đổ lỗi cho cách mạng, không được trút tất cả những nóng lạnh trong thói đời lên đầu chính quyền.
- Không học lại tư sản.

Tôi có thể cãi lại từng điểm.
- Cách mạng ngày hôm nay đâu có phải là cách mạng hôm qua. Thành ra trách người không bằng trách mình. Đúng là hôm qua người ta đã tự nguyện, nhưng trong đời sống phải cho người ta cái quyền nghĩ lại cả. Nhớ có lần chính Nguyễn Tuân cũng đã nói với tôi rằng ngay từ đầu mà cách mạng đã thế này thì làm gì có ai theo. Thành ra với việc anh cố gò người ta vào cái cũ hóa ra một sự áp đặt, một sự lừa dối.
 Về lớp trí thức cũ. Hỏng đi nhiều lắm. Rất nhiều tính cách cao quý cũ nay hèn hạ đi, trở thành ăn bám. Tên tuổi rạng rỡ hơn, nhưng thực chất là  hèn hạ đi. Mà càng tầm thường càng được các ông ấy đưa lên. Vì người có lỗi rất sợ không được dùng nữa. Bây giờ bảo nói gì họ cũng nói mà.
Với những người thuộc thế hệ bọn tôi. Tôi không tin rằng chúng tôi chỉ có thế này. Trong một nền giáo dục khác, hẳn chúng tôi nên người hơn nhiều.
Còn họ kể công là bao nhiêu con em dân ăn mày dân móc cống thành trí thức ư? Liệu có thể nói đám mới được đào tạo đó là trí thức thực sự?
Lại như việc họ dạy chúng tôi là phải tử vì đạo. Nhưng họ có đứng đắn đâu. Họ đầu têu việc phá rào làm bậy. Họ tha hồ đục khoét. Và cái dốt lên ngôi,  cái dốt chi phối xã hội.
Thời nào thói đời cũng đen bạc. Nhưng chỉ thời này, mới đen bạc  trắng trợn như vậy. Con người mất hết chỗ để hy vọng. Con người không còn tin tưởng gì ở nhân quần và chính mình. Tất cả nhắm mắt nói theo yêu cầu, nói một đằng làm một nẻo.
Đến bây giờ nước mình vẫn theo chủ nghĩa biệt lập, vẫn muốn tách mình ra khỏi thế giới chung, những kẻ chưa bao giờ đọc Níetzsche và Camus một dòng vẫn to mồm chửi các triết gia ấy là thế nọ thế kia.
Đấy là tình cảnh  của đời sống tinh thần của nước tôi lúc này.
Có ảo tưởng lắm, thì mới hy vọng sẽ có thay đổi .
Điều làm tôi chạnh lòng là thật ra, những ý nghĩ mà bài báo trên nói, cũng đã được một người mà trước đây tôi rất kính trọng như Nguyễn Khải  tin tưởng và tự hào là đã nói ra, chẳng qua Nguyễn Khải nói ra một cách khéo léo khôn ngoan hơn nên lọt tai mọi người thôi.
 Về căn bản Nguyễn Khải không nghĩ khác họ.
Nguyễn Khải thường tâm sự rằng đã rất khôn ngoan, khi không cho in các bài viết phê bình của mình thành một tập riêng.
Tôi không tin một nhà văn có quyền viết phê bình một cách vô trách nhiệm, viết phê bình chỉ để che giấu ý nghĩ thực của mình.
Chính trong sáng tác của Nguyễn Khải, những tư tưởng xấu xa (hãnh tiến xu thời tự coi mình là tất cả v.v.) cũng nhuấn thấm vào từng câu từng chữ.

Có mấy tin buồn.
Tờ Cửa biển của Hải Phòng bị cảnh cáo và doạ dẫm vì cho in những bài viết không đúng với chức năng đã đăng ký.
Tờ Đất Quảng bị Tỉnh uỷ làm phiền đủ thứ. Có một số báo, ngoài bìa vẽ hình con trâu đi, cạnh đó là một em bé đang thổi sáo. Thế là tỉnh uỷ đập bàn.  Các anh thâm lắm. Các anh bảo đảng là con trâu già, còn văn nghệ các anh như thằng bé thổi sáo, đàn gẩy tai trâu, phí cả công.
Thanh Quế và Thái Bá Lợi phải bảo nhau. Thế thì báo chỉ nên in ảnh các vị trong tỉnh uỷ và… tiểu thuyết Lê Khâm, thơ Triều Dương, lý luận Hồ Hoàng Thanh v.v..
Cuối năm ngoái, cuốn Miền hoang tưởng của Xuân Khánh được in ra, với một bút danh khác.
Nghe nói, báo Công an Quảng Nam Đà Nẵng có bài chửi bới quyển sách rất dữ; biên tập viên bị khai trừ khỏi đảng, giám đốc xuất bản bị mất chức.
Lại Nguyên Ân có một bài viết mang tên Phê bình độc thoại và những nạn nhân của nó.  Không biết đọc ở đâu hay chỉ nghe hóng mà Bùi Việt Sĩ  lại  bảo những bài kiểu này chỉ có thể gửi sang Paris in ở báo của Việt kiều.
Nghe Hách nói, đài Tiếng nói Hoa Kỳ  bắt đầu có mục văn nghệ chống đối ở Hà Nội. Một tay tiến sĩ nào đó  đi Nam Tư về, nói rằng ở bên này, họ hỏi thăm nhiều về Dương Thu Hương. Các anh phải ủng hộ lãnh tụ tinh thần của các anh chứ, họ nói vậy.

25/10
Nghe  Ý Nhi kể, Trà ra cuốn Lý luận và văn học, bán khá chạy. Trong không khí lộn xộn của ngày hôm nay, Trà trở thành tượng trưng của một sự phải chăng mà người ta chấp nhận được. Trà có cái vị trí riêng của mình. Ân không hiểu điều đó, nên nghe nói là sách của Trà ra, bán được, liền doạ "để mình in của mình xem ra sao". Tôi thì tôi nghĩ rằng vai của Trà khác, vai của tôi khác.

Đỗ Chu đi Đông Âu về (đi thăm con). Nghe nói Chu có viết một báo cáo lên cấp trên, nói rằng không nên đi vào con đường như Đông Âu, nếu vạn nhất xảy ra cái đó, thì dân thương sẽ treo cổ những người cộng sản hết thôi.
Báo cáo dày 200 trang và được gửi lên Ban Bí thư.
Hách bình luận: Chu lại muốn làm chính trị đây mà.
Ngô Thảo đã cãi nhau với Đỗ Chu hôm đám ma ông Bùi Huy Phồn

8/11
 Một người như ông Hữu Mai, hẹn tôi đúng 8h30, không tới, lúc gần 9 giờ mới tới, lại ráo hoảnh:
- Không, mình đúng giờ lắm, hẹn Nhàn đúng 9 giờ mà!
Lại nhớ câu chuyện của Phạm Thị Hoài. Hoài nói với nhiều người, và viết cả trên báo rằng ở Hữu Mai hứa danh dự là bận sau sẽ đưa Hoài vào danh sách kết nạp Hội.
Bây giờ ông Hữu Mai đi đâu cũng cãi lại:
- Làm gì có chuyện hứa danh dự ấy.
Ông Mai tự nhận ông viết như người vẽ tranh có mẫu và truyện ông không lẫn với người khác. Tôi đã nói câu đó vào phỏng vấn, sau ông ta lại xoá đi. Lúc nào ông cũng nói nhân hậu, và khoe rằng nhìn ra được cái nhân hậu ở người khác. Một cây bút tiêu biểu cho kiểu nhà văn chiến sĩ: công thức, nhạt nhẽo mà lại quan trọng hoá, tự đặt mình vào vĩnh viễn, tự cho mình là hơn đời. Sản phẩm của chất tuyên huấn, chất dạy đời,  tin rằng mình đáng làm mẫu cho người khác.
Nhưng ông Vũ Tú Nam thì có khác gì mấy?
Nghe nói Ma Văn Kháng được mời đi Pháp vì bên ấy nó dịchMưa mùa hạ của ông (?). Cũng không biết đâu mà kiểm tra loại tin này bây giờ.
Phạm Thị Hoài đã chạy được đi Pháp. Từ lâu tôi đã dự đoán Hoài nhập cuộc một cách đầy ý thức.

Tên một cuốn sách mới in ở Madrit:
Sự đầu hàng cái chết của người trí thức: trường hợp Iu. Olesa
Ôlesa là một nhà văn có tài, sau đầu hàng. Nhưng ông chỉ viết những bài tự phê phán, chứ không viết nữa. Cuối đời ông quay ra chuyển thể  Dostoievski cho các nhà hát, sống trong trầm lặng, niềm vui hàng ngày là ngồi ghi lại những chiêm nghiệm về nghề văn qua cuốn Không ngày nào không viết mấy dòng.
Đối với tôi, điều thú vị và sẽ là món nợ phải trả, là viết về mối quan hệ đó - quan hệ với cách mạng - của hàng loạt nhà văn Việt Nam.
Nguyễn Tuân hay là cuộc đi tìm chỗ đứng. Tô Hoài hay là sự lươn khươn lúc đi với văn học nói mình là cách mạng, lúc đi với cách mạng nói mình là nhà văn. Xuân Diệu - người vợ lẽ chịu nép một bề, cốt để tồn tại. Nguyễn Đình Thi - hay là chuyện quan trường văn nghệ; ông quan giết chết dần người nghệ sĩ trong cái xác người sinh viên muốn lập thân. Tế Hanh - một thứ dây leo, Nguyễn Xuân Sanh ăn bám. Bùi Hiển – tiến trình đi ngược chiều lịch sử, sự trở lại của cái địa phương ngớ ngẩn. Hữu Mai, Hồ Phương - những cán bộ tuyên huấn tưởng có thể đẻ ra một thứ văn chương mới.
Riêng trường hợp Nguyễn Khải cách tồn tại của Nguyễn Khải: bắt đầu bằng sự căm giận cá nhân; luôn luôn sắc sảo, chạm vào khuôn khổ mà không bao giờ mắc nạn vì không bao giờ ra ngoài khuôn khổ; viết cho mọi người chứ không phải cho chính mình; rất phù hợp với cách mạng trong cái vẻ ngoài thích tìm tòi thích đặt vấn đề. Công thức tóm tắt là một ngòi bút phức tạp trong cái giới hạn của sự đơn giản.

9/11
Chu thấy tôi ở Hội Nhà văn liền gọi vào đây mày, nhưng tôi cười rồi lảng.
Bằng Việt ngơ ngác. Dạo này ông có đi đâu không hay vẫn ở đấy? Nghe như Bằng Việt hỏi về chỗ ở, và lúc về, tôi mới nhớ ra là Bằng Việt hỏi về cơ quan.
Không muốn sang chơi với Phương Lựu nữa, nhất là sau những bài  ông ấy phát biểu ở báo Nhân Dân, nói rằng nay có một bộ phận đáng gọi là văn nghệ lật đổ. Nói về nhau như thế thì còn sống với nhau thế nào được nữa.
Nghĩ đi nghĩ lại, vẫn chỉ thấy có một con đường đi để tồn tại: sự đơn độc. Đơn độc để có thể nghĩ về mọi việc theo kiểu của mình.
Đơn độc nghĩa là chịu ngồi đọc, đọc lại sách cổ đọc lại những cuốn sách khó gậm. Đơn độc để thêm cho cuộc sống một ít trí tuệ, vốn là cái hôm qua tôi đã cố, nhưng bao nhiêu cũng là không đủ. Càng trí tuệ sẽ càng dễ sống hơn, tôi tin thế.
Đơn độc nghĩa là dám yêu cầu cao với mình, cố viết ra những điều mình cảm thấy vừa lòng, chứ không phải chạy theo những thứ danh lợi mà chính mình xa lạ.

6/12
 Về sự gian dối của con người, Nguyên Ngọc kể:
- Lúc say thì lão Kim Lân, lão ấy mới nói thật. Lão ấy bảo tất cả cái hỏng của nền văn nghệ này là do Trường Chinh cả.  Kim Lân  biết Trường Chinh từ hồi văn hóa cứu quốc mà.
- Còn thằng Chu, ở ngoài nó nói với mình  chủ nghĩa xã hội hỏng hết rồi. Lúc họp thì nó lại tố Nguyên Ngọc thế nọ thế kia.

Nhàn: Hữu Mai, Huy Phương không đáng nói, chính trường hợp Nguyễn Khải mới đáng để suy nghĩ.
Nguyên Ngọc:  Khải nó biết hết, nhưng nó không vượt được. Nó chỉ quen làm việc với chính quyền mà không biết được nhân dân.
 Nhưng trường hợp mà tôi lạ nhất trong chấp hành Hội nhà văn khoá này là  Vũ Tú Nam. Mình tưởng ông Nam khá hơn kia đấy.

20/12
Một dấu hiệu của thời nay là các tổ chức nước ngoài  trực tiếp đưa ra lờì  mới với  các nhà văn mà họ cho là đáng chú ý.
Nhưng họ cũng không thể lờ ngay giới quan chức đi được. Suốt thời chiến tranh giới quan chức tranh chấp nhau nhiều khi cũng chỉ vì những quyền lợi từ nước ngoài mang lại. Nay miếng bánh đã to hơn, họ quyết không để lọt vào tay những kẻ dưới quyền họ.

Bên Pháp họ mời một danh sách 8 người lãnh đạo của Hội Nhà văn và 4 người họ gọi đích danh: Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Dương Thu Hương, Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Phía lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam định hoãn, chỉ xin đi 6 ngươì (Vũ Tú Nam, Hữu Mai, Ngọc Tú gì đấy) và cho hai người ngoài  quan chức là  Hoàng Phủ Ngọc Tường, Phạm Thị Hoài.
Nhưng cấp trên (Ban bí thư) không chịu. Đâu cuối cùng chỉ còn có   Vũ Tú Nam.
Nhìn vào nhân vật tạm thời là số một của Hội hôm nay, thấy văn học đã thay đổi bản chất từ 45. Trước đây, và xưa nay, văn học là bùng nổ, là khao khát, là đi ngược lại quyền lực, đi ngược đám đông để tìm một cõi đơn độc, mà hóa ra lại là nơi gặp gỡ của lòng người. Bây giờ văn học là che giấu, xoa dịu; là một đám ồn ào, kém cỏi, nói leo, và cứ nhơn nhơn  tự đắc.

       Ân kể với tôi  rằng ông Hạnh rất kêu một bài của Ngô Thảo trên tạp chí Tư tưởng và văn hoá và bảo đó là một sự đầu hàng. Tôi tìm đọc và cũng thấy thế. Mà đó lại là một con người luôn luôn chê chúng tôi là hèn!
Có một cách nói, người ở phía bên này hay nói. Nói rằng là cần miêu tả sự thật nhưng sự thật nào kia. Theo họ có sự thật riêng của các giai cấp, cũng như có đạo đức riêng, đạo đức XHCN, nó khác đạo đức tư bản. Cách đặt vấn đề như thế là nguồn gốc của mọi tùy tiện…
Trong bài viết của mình Ngô Thảo cũng lại nói tới cái sự thật nào kia kỳ cục đó!

25/12
Một số nhận xét của Nguyễn Quân về văn nghệ hiện thời:
- Báo chí đang ở thời kỳ sau văn hóa thể thao, thời kỳ văn hóa cắt dán cứ bê nguyên của nước ngoài vào nước mình là thành.
- Sự chú ý của người ta tới các tổ chức văn nghệ nhà nước ngày càng ít đi.

 Tôi muốn bổ sung một khía cạnh khác. Bây giờ chẳng ai bàn tán về Ban văn hóa văn nghệ của ông Trần Trọng Tân như trước đây, người ta đã bàn về Ban thời ông Xuân Trường nữa. Bây giờ khác. Các ông to khi cần cho người của mình xộc thẳng xuống Hội. Mà ý đồ của trên thì đã được chính các tổ chức của nhà văn là Hội  “quán triệt sâu sắc” lắm rồi. Cấp trung gian không quan trọng như hôm qua nữa. 

http://vuongtrinhan.blogspot.jp/2015/06/nhat-ky-van-nghe-1990-phan-cuoi.html


2.
http://vuongtrinhan.blogspot.jp/2015/06/nhat-ky-van-nghe-1990-phan-ii.html


Nhật ký văn nghệ 1990 (phần II)

Lời dẫn

 Tình hình Hội nhà văn  1976 - 1990 gắn liền với các hoạt động khôn ngoan đi kèm với sự hiểu biết xác đáng về thực trạng xã hội VN hậu chiến của người Tổng thư ký Hội từ 1958 – Nguyễn Đình Thi:

-- 1976, theo chỉ thị của trên, Nguyễn Đình Thi phải bàn giao vai trò số một ở Hội cho Nguyên Ngọc lúc này được cử làm Bí thư Đảng Đoàn kiêm Phó Tổng thư ký thường trực.

-- Từ Hội nghị Đảng viên 1979, được sự bảo trợ của Tố Hữu, tác giả Vỡ bờ từng bước tiến hành dành lại quyền lực. Đây là cả một một “trận đánh lớn” mà Nguyễn Đình Thi đóng vai một người chỉ huy nhẫn nhục và đầy mưu mẹo. Sự tinh thông của ông về nghệ thuật chính trị trong hoàn cảnh xã hội VN hiện đại khiến tất cả những người chung quanh ngả mũ kính phục.

---  Tại Đại hội nhà văn lần thứ ba 1983, Nguyễn Đình Thi tiếp tục được bầu làm  tổng thư ký. Nguyên Ngọc không còn nhận nhiệm vụ gì.

---  Dấu hiệu rõ rệt của cuộc đổi mới khởi đi từ 1986 là việc Nguyên Ngọc được cử làm Tổng biên tập báo Văn nghệ,mà dấu hiệu của việc quay ngoắt trở lại là việc Nguyên Ngọc bị buộc phải từ chức “để phụ trách công tác khác” – chỉ là một thành viên trong ban chuẩn bị Đại hội lần thứ tư, phụ trách về cơm áo gạo tiền, chứ không được tham gia vào các vấn đề nội dung. Tất cả đều trong sự tính toán sắp đặt của người chủ cũ của Hội.

  ---  Đại hội nhà văn VN cuối 1989 đánh dấu một bước ngoặt trong đời hoạt động của Nguyễn Đình Thi. Dù rất muốn, ông không thể cố đấm ăn xôi tại chức mãi  mà  buộc phải chính thức chuyển giao vai trò lãnh đạo Hội cho một nhóm trẻ hơn thuộc thế hệ kế cận. Nhưng, đó không phải là thất bại. Sau Đại hội, với kinh nghiệm của một nhà chính trị chuyên nghiệp, rất dân tộc mà cũng rất hiện đại, ông vẫn tiếp tục thao túng ban lãnh đạo Hội, tận diệt những ảnh hưởng có thể có của Nguyên Ngọc, vì biết rằng nếu tinh thần Nguyên Ngọc thắng nghĩa là quá khứ của mình sẽ bị mang ra xét đoán lại. Qua hàng chục năm chuẩn bị, cuối cùng, tương tự như Eltsin tìm được Putin, ông chủ cũ của Hội  tìm được người thế tử nối ngôi tin cậy, trung thành với ông, nghĩa là duy trì đường lối chỉ đạo của ông, gìn giữ và phát huy ảnh hưởng to lớn của ông trong các Đại Hội năm, sáu, bảy tiếp theo.  Chiến công chói sáng này khiến cho từ sau 1990, tuy tuổi xấp xỉ 70 mà còn phải bước vào cuộc chinh phục mới (tới 1995, vào vai Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam), Nguyễn Đình Thi vẫn vĩnh viễn là người lãnh tụ tinh thần của Hội nhà văn VN, trong lịch sử Hội ông có một vai trò "sáng nghiệp sử" mà không ai có thể so sánh.


 31/7
Báo Văn nghệ số cuối tháng 7 có bài Duật nhận định tình hình, lại chửi bới ra rả (tháng 6, Duật đã có bài ở mụcVăn nghệ và bạn đọc với ý tương tự).
Nguyễn Văn Lưu có bài chửi những người ăn vạ  -- ý Lưu nói ở đây, là Dương Thu Hương.
Trước đó, Lưu đã có bài công kích Đỗ Đức Hiểu và Dương Thu Hương trên Nhân Dân chủ nhật, ký Chu Giang .
Ở Huế, báo Thừa Thiên Huế cho mọi người “thảo  luận” về Sông Hương. Nghe nói lôi cả chị em ở chợ Đông Ba vào cuộc. Chị em cũng theo sự đạo diễn của tuyên huấn, chửi bới rất ác.
Mình nghĩ đến tiến sĩ thời nay còn ăn cắp tranh và nói xưng xưng về chuyện nhân nghĩa, thì chị em tiểu thương vào cuộc, cũng là lẽ bình thường.

Báo chí nhìn đâu cũng thấy bài phê phán. Tôi ghi lại lộn xộn và chưa kiểm tra lại.
Tháng 4-5 gì đó, có bài Trần Hữu Tòng.
Bài Mai Ngữ trên Nhân Dân thứ bảy (khoảng  16/6) châm ngòi cho hội thảo Hãy gọi sự thật bằng cái tên của nó.
Bài Lê Ngọc Vân về tình hình chung trên Nhân Dân thứ bảy (sau Mai Ngữ một tuần 23/6)
Bài Nguyễn Văn Lưu trên Nhân dân chủ nhật
Bài Bùi Công Hùng trên Nhân dân chủ nhật
Truyện ngắn Mai Ngữ số 26
Bài Bùi Công Hùng trên Hà Nội mới chủ nhật đánh chung
Bài Bùi Công Hùng đọc một số  tiểu thuyết gần đây
Bài Bùi Công Hùng về thơ.

6/7
Nghe kể về họp cộng tác viên phần phê bình  báo Nhân Dân
Danh sách
Nguyễn Đình Thi, Bùi Hiển, Tô Hoài, Phương Lựu, Bùi Công Hùng, Thành Duy, Mai Ngữ, Đào Vũ, Phạm Tiến Duật, Hà Minh Đức, Đỗ Văn Khang, Lữ Huy Nguyên, Đinh Xuân Dũng, Ngô Vĩnh Bình, Hồng Diệu, Tạ Ngọc Liễn, Nguyễn Văn Lưu, Lê Thành Nghị, Trần Bảo Hưng, Nguyên An, Trần Hữu Tòng.

Nhân Dân chủ nhật 29/7 có bài Mai Quốc Liên về Nguyễn Duy
số 32 bài Đỗ Văn Khang  về Hoàng Ngọc Hiến và cái ý bước qua lời nguyền
Cũng Nhân Dân chủ nhật số 32 bài Trần Thanh Đạm phê Nguyên Ngọc nhân bài của Nguyên Ngọc “lời từ giã cuối cùng”
 Tạp chí Cộng Sản số 8 bài Nguyễn Văn Lưu, bài Vũ Tú Nam.
Quân đội nhân dân 16/8 thảo luận về Những mảnh đời đen trắng

 Tôi chợt nhận ra một cái khác của đợt đấu tranh này so với hồi chiến tranh. Mọi năm,  chỉ đánh  trong mùa hè. Đến 2/9 là mọi chuyện vui vẻ.
Bùi Việt Sĩ  bảo không năm nay còn đánh tiếp, bởi lẽ, phải thống nhất tư tưởng. Sẽ đánh cho đến đại hội Đảng.

Phương Lựu kể: Tôi sẽ nói nhà văn tự kể trong Ly thân là hạng ruồi, với 2 đặc điểm:
- suốt đời chỉ là gia vị
- suốt đời lừa (lừa em ruồi là đỗ đen)

Nhưng một chút tỉnh ngộ của nhân vật đó, đấy mới là cái quan trọng nhất, thì ông Phương Lựu lại không thấy.

2/8
Nghe  nói là có cuộc trao đổi về Ly thân bên báo Văn nghệ.
Tôi không đi vì nghĩ ở đây, không thể có bàn cãi được. Họp chỉ để  thực hiện ý cấp trên là đánh cuốn sách đó. Vậy có mặt làm gì?
Liệu một người như tôi có khả năng đứng ngoài quan sát?

Phương Quỳnh cũng nói rất hay nhưng là một khía cạnh khác:
- Bọn Nguyễn Văn Lưu, Bùi Công Hùng, tởm thật.
Nhưng thử nghĩ xem, phía bên này ra sao, những ông như ông Hoàng Minh Chính rất cổ lỗ, ông Nguyễn Kiên Giang không hề biết mình là loại người gì.
Ông Dương Tường, ông Trần Dần bây giờ còn được vinh thăng trong thơ phú nhảm nhí thì ai mà chịu được.
Cả cái Hương nữa.
Tôi đã bảo với nó rằng bị đánh là lợi cho mày đấy. Chứ viết, mày hết cái viết rồi, mà diễn thuyết nữa, thì mày diễn thuyết cái gì.
PQuỳnh nói thêm.  Tôi nói với tư cách một đứa chịu trận với nó một đứa đã đi suốt với nó một chặng đường dài. Từ lúc ở Sài Gòn ra, nó có bị an ninh  làm phiền đâu, chứ tôi bị bao lần rồi?

Những hiện tượng của ngày hôm nay, trên đại thể là xuất phát giống nhau và từ một căn bản văn hoá như nhau (cả ông Nguyên Ngọc cũng vậy thôi), cho nên xu hướng có khác nhau, mà chắc là chẳng mang lại được điều gì mới. 
Trong nhận định của Ban chấp hành Hội Nhà văn (Ân đoán là do Nguyên Ngọc viết) có lời kêu gọi: Nhà văn phải là người trong cuộc.
Riêng một điều đó thôi, theo tôi là không đủ, nếu nghĩ kỹ còn là sai tận gốc. Thế trong cuộc phải phối hợp với thế ngoài cuộc thì mới giải quyết được điều người ta muốn làm là nhận thức đời sống. Cứ đóng cửa lại mà nghĩ bằng tiêu chuẩn của nước mình thì không bao giờ ra khỏi cơn khủng hoảng này cả. Bakhtin cần phải có mặt.

Ông  Chương Thâu kể:
-- Vũ Khiêu toàn nhận định nhăng nhít. Phan Huy Lê ba mươi năm nay không viết gì (đúng là con nhà Phan Huy Ích, cơ hội qua ngày). Hà Văn Tấn như con mọt sách, cũng không được việc gì hết.
Ôi, cái giới trí thức nước mình, hình như không sao khá lên được!

Bùi Việt Sĩ kể: ngày 23 /7 Nxb Thanh Niên họp nhau để khen nhau. Mỗi báo cáo 30 ngàn, ăn trưa 10 ngàn (loại như báo cáo của Hồng Diệu, tức Song Nga - khenVòng tròn bội bạc, hoặc Đoàn Hương khen Trần Thị Trường).
Duật cũng lên phát biểu. Và phát biểu rất lạ.
Duật bảo thơ in NXB Thanh Niên hỏng rồi, thơ bây giờ chẳng ra sao.
Nhưng, vẫn theo Duật, Nxb Thanh Niên còn được. Chứ cứ như báo Tiền Phong, đăng bài đòi đối trọng với bài về đa nguyên thì không được.

Hà Quang Dự bí thư Trung ương Đoàn có mặt ở buổi họp phải đứng lên nói.
--  Sau bài anh Hoàng Phủ Ngọc Tường, đã có bài anh Nguyễn Văn Lưu bác lại.
Anh Lưu cũng ngồi đây, tôi xin cám ơn, và như vậy là xong.
Còn bài đa nguyên, lúc đó đồng chí Trần Xuân Bách là Bộ Chính trị, là Ban Bí thư. Đồng chí gửi bài nào, báo ấy chỉ là nạn nhân.
Vậy thì không thể nói Tiền Phong vậy được. Tôi là người chịu trách nhiệm về Tiền Phong, tôi không đồng tình với nhà thơ vừa phát biểu (nhà thơ thôi, Dự nói vậy, chứ không nói là Phạm Tiến Duật.)

 Ông Nguyễn Đình Thi có bài thơ trên Văn nghệ số 31, cho rằng có  bọn ném đá dấu tay. Nên hiểu việc đó như thế nào?

Duật bị người ta chửi là điếm là gắp lửa bỏ tay người. Đầu cơ chính trị thượng hạng. Duật cãi lại: chính nhận xét của Ban chấp hành là hữu khuynh. Duật không đồng ý.

Ông Nguyễn Dăng Mạnh bắt đầu phản ứng bằng cách không dự cuộc họp hội đồng phê bình – một cuộc họp mở rộng.
Theo lời Thiếu Mai kể, Nguyễn Văn Hạnh nói rõ là Nguyễn Đăng Mạnh bất bình vì vấn đề kết nạp hội viên. Ông cho rằng một  Đinh Xuân Dũng như thế mà được kết nạp thì còn ra cái lý gì nữa. Thế thì Ban chấp hành đừng đặt vấn đề  hội đồng giới thiệu nữa có hơn không.
Rồi cái thông báo láo lếu của Ban chấp hành, trong đó nói  Hội đồng phê bình không ra gì, và đe nẹt là sẽ bổ sung nữa.

Nghĩ thật khốn nạn cái lối khinh bỉ phê bình của giới nhà văn ở nước mình. Nguyễn Đăng Mạnh có lần nói với bọn tôi, giá kể bảo nhau mà ra khỏi hội là tốt nhất.
Bởi vậy, Nguyễn Văn Hạnh nói, cũng có chỗ đáng thông cảm cho Nguyễn Đăng Mạnh. Chứ bận gì mà không đi họp được một buổi.

Người đắc ý nhât trong buổi họp phê bình ấy, tất nhiên là Phương Lựu.
 Phương Lựu tỏ ra có vẻ tâm đắc với Hội, hiểu Hội, như là người của Hội từ lâu lắm. Về xem lại tư liệu, tôi thấy đến Đại hội nhà văn 1983, Phương Lựu vẫn chưa phải hội viên. Người này mới lập thân từ bàn tay của Nguyễn Đình Thi, Hữu Thỉnh.

Nhưng ông Mạnh cũng đã thoả hiệp với báo Văn nghệ.
Số báo Văn nghệ ra 11/8 có bài Nguyễn Đăng Mạnh viết về Nguyễn Tuân. Lại có cả thư chúc mừng nhân dịp Nguyễn Tuân 80 tuổi của Hội nhà văn Liên Xô. Tôi đoán, nhờ có cái thư ấy, mà bọn Văn nghệ mới nhớ ra là có chuyện ông Tuân 80, mới chạy đi đặt bài.
Phen này ông Mạnh chắc phải được trả trên 100 ngàn.
  Văn nghệ vẫn có biệt nhãn với Ng Đ Mạnh. Tạp chíTác phẩm mới có lần định mời ông Mạnh ra làm Phó tổng biên tập.

Có một vấn đề đặt ra: thấy bọn đang thắng ra trò vậy, phải cãi làm sao.
Với cái bi quan cố hữu của mình, tôi định không tham gia gì cả. Tranh luận nghĩa là chưa biết chân lý thuộc về ai. Còn khi đã có chân lý rồi (chân lý được nói trong cái nghị quyết) thì việc gì phải cãi nhau nữa. Mọi cuộc đối thoại bây giờ là một thứ đối thoại giả tạo.

Nhưng có nhiều người  không nghĩ thế. Loại như  Phong Lê vẫn muốn tử vì đạo, muốn cãi lại. 
Phong Lê đã viết xong một bài giáng trả lại Đỗ Văn Khang, sau khi Đỗ Văn Khang lôi câu của Phong Lê "tất cả đã tốt rồi, thì việc gì phải đổi mới" để đả.
Đỗ Văn Khang trong dịp này, chỉ đánh hôi cho Bùi Công Hùng. Hùng cần phải bảo vệ chức vụ Phó Tổng biên tập ở Viện.
Những người như Phong Lê - tôi nghĩ - bây giờ mới hiểu rõ là trên đời này bao nhiêu điều oan uổng khốn nạn, chứ không phải như họ xưa nay vốn quan niệm.
Những gì mà Phong Lê cãi lại, chỉ tuyệt vọng thôi, chả ai theo đâu. Dẫu sao, cứ cho lão cãi đi, điều đó chỉ có lợi cho tình hình chung.

13/8.
Sử kể một đoạn đối thoại với Hữu Thọ, phó tổng biên tập báo Nhân Dân
- Sao các anh đánh dữ thế, tôi nghe nói bọn chúng nó (Phong Lê) đang chuẩn bị cãi lại.
- Bọn này mong bên kia cãi lại để còn có cớ mà đánh tiếp tục.
- Làm gì mà tàn bạo thế?
- Lê nin nói rằng làm cách mạng cứ có 51% ủng hộ là ổn rồi. Đằng này chúng tớ được ủng hộ hơn thế nhiều. Hàng ngày, báo Nhân Dân nhận được hàng chồng thư ủng hộ của các cụ về hưu, các cán bộ tuyên huấn và nói chung là cán bộ chính trị ở các cơ sở. - thứ ủng hộ chiến dịch phê phán hiện nay. Còn thư phản đối rất ít. Làm báo mà được sự ủng hộ như thế, thì không có gì phải phân vân cả.

14/8
 Nguyễn Quang Lập vừa ở Quảng Trị ra.
Cửa Việt vẫn có giấy phép ra tiếp. Số 3 chỉ phải cắt bớt bài Dương Thu Hương mấy câu ở một truyện dịch.
Sông Hương thì gay go hơn. Đài truyền hình phát băng hình ghi lại mấy cuộc hội thảo của các cụ về hưu cụ nào cũng quyết tâm không thể để thế được. Không thể để thế được.

Ngoài Hà Nội có mấy chỉ thị:
a. bắt Sông Hương số 4 cắt mấy câu trong bài Phong Lê(Đảng và trí thức) và bài Phạm Thị Hoài (câu chuyện Hoài không vào Hội)
b. Phải thay tổng biên tập. Tổng biên tập cũ Tô Nhuận Vỹ đã làm kiểm điểm. Nghe đồn là là Vĩ sám hối ghê lắm. Nhưng vẫn không thể không bị đánh đổ, vì phen này cứ ai dính dáng đến Việt kiều là bị trị. Mà Sông Hươngdính với Việt kiều đã quá rõ. Hình như người ta còn xác định có những việc Sông Hương làm theo yêu cầu của Việt kiều nữa.
Cái này thì từ lâu đã có tin đồn, đến mức Tô Nhuận Vỹ phải thanh minh để ý xem, ai chiều chuộng Việt kiều, bám Việt kiều nhất, Sông Hương hay những người chửi Sông Hương.

Nhưng bây giờ thử tính ai sẽ thay Tô Nhuận Vỹ. Người ta nêu tên 4 người: Nguyễn Khoa Điềm, Hồng Nhu, Nguyễn Khắc Phê, Nguyễn Đắc Xuân. Nhưng cả bốn đều từ chối.
- Điềm nói là Điềm không thể vừa đá bóng, vừa thổi còi
- Phê nói là già rồi, muốn sáng tác, không nhận làm gì
- Hồng Nhu nói là làm bên Hội (Phó Tổng thư ký) đủ rồi
- Nguyễn Đắc Xuân nói là đã thắp hương, thề không dính tới Sông Hương.
Hiện nay, Sông Hương "nằm viện" không  ra tiếp. Chờ đến đại hội văn học nghệ thuật tỉnh sẽ hay.

Ngoài Hà Nội, có thêm một số tin mới:
- Sau bài bảo Dương Thu Hương nằm vạ, Nguyễn Văn Lưu bị chửi rất ghê, có người kéo đến nhà chửi, có người đến báo chửi (thậm chí Thỉnh phải nhận là bài đó có thái độ không đúng và có tin Thỉnh sẽ đăng bài phê phán).
Nhưng Vũ Quần Phương kể là ở cơ quan NXB Văn học,  Nguyễn Văn Lưu chìa ra một lá thư, trong đó Bộ Nội vụ khen Lưu đã tích cực đóng góp vào cuộc đấu tranh tư tưởng trong văn học. Lưu đã tìm ra vai của mình.

- Bằng Việt vừa triệu tập một cuộc trao đổi ở báo Người Hà Nội, trong đó thành phần tham dự gồm có Vũ Quần Phương, Ma Văn Kháng (Kháng không dự), Văn Tâm, Nguyễn Văn Hạnh, Phương Lựu.
Xu hướng chung của "hội thảo" là uốn nắn lại đợt súng phê phán vừa rồi (nếu mình nghe không nhầm thì là như vậy).
Người Hà Nội dự định sẽ đăng tải các bài phát biểu đó dần dần trên mặt báo.

- Giải thưởng của Hội Nhà văn (phần văn xuôi), nghe đồn là Cỏ lau, Ông cố vấn và truyện Khôi Vũ.
Còn thơ là Văn Cao và Xuân Quỳnh.
Chủ tịch hội đồng giải thưởng là Vũ Tú Nam, phó (kiêm thường trực) là Xuân Thiều. Nguyễn Văn Hạnh, trong buổi họp phê bình vừa rồi, cũng kêu chuyện này.

 Hữu Mai khá đắc ý. Trong Đảng bộ, ông được bầu là bí thư.
Còn về sự tín nhiệm của cấp trên. Nghe nói nếu có Đảng đoàn thì Anh Đức làm bí thư, còn cũng Hữu Mai làm phó.
 Vậy là tác giả Ông cố vấn thành công cả trong chuyên môn lẫn trong chính trị . Ngọc Trai bảo ông ta có hy vọng kỳ tới làm Tổng thư ký, nên đang lấy lòng mọi người và làm việc quyết liệt lắm.

Một việc khác, cũng do Ngọc Trai kể.
Số là Hội nhà văn vừa làm tổng kết 6 tháng đầu năm, Xuân Thiều đọc bản tổng kết nêu rõ: tình hình mất đoàn kết hiện nay là do quan điểm một phần, nhưng phần khác là những mưu đồ công danh, khiến cho người nọ người kia kèn cựa nhau, bô báo về nhau.
Ngọc Trai bảo nghe đúng quá chứ còn gì. Thế mà bọn Đào Vũ cũng phản đối.

24/8
 Vẫn Ngọc Trai kể:
Bên chi bộ Hội nhà văn, họp kiểm tra Đảng. Riêng phần Nguyên Ngọc làm hai ngày.
Những người nói nhiều nhất là Kim Lân, Đào Vũ, Thợ Rèn, và Bùi Hiển (Nguyễn Đình Thi và Đỗ Chu đi vắng).
Họ bêu Nguyên Ngọc đủ điều, trong đó có cả cái điều tệ hại nhất mà chính trị cấm tiệt. Đó là bè phái về tổ chức,  định đưa Trần Độ lên làm Tổng Bí thư, lúc đó Nguyên Ngọc sẽ làm Trưởng ban văn hoá, sẽ là uỷ viên Trung ương v.v…

Nghe nói Kim Lân đòi phải có kỷ luật với Nguyên Ngọc. Nhưng làm gì có bằng cớ để có một kỷ luật như vậy.
Đâu chỉ có Nguyễn Văn Bổng còn dám bênh Nguyên Ngọc ít chút.
Vũ Tú Nam cũng bị phê bình là nhu nhược, để Nguyên Ngọc khuynh loát tất cả.
Theo Ngọc Trai dự đoán, phen này Nguyên Ngọc sẽ chán nản bỏ đi sáng tác, không làm trưởng ban của Hội nữa, và Xuân Thiều sẽ nắm.
Hình như việc này có sự chỉ đạo của trên Ban tư tưởng văn hoá.

Cả Ngô Văn Phú, và  Bùi Hoà cùng kể, chính tôi – VTN -, cũng bị họ lưu ý chi bộ là xem xem có vấn đề gì không, đặc biệt qua hai việc 1/ cho rằng  Nguyễn Huy Thiệp đáng tặng ngòi bút vàng và  2/ theo đuôi các việc do Nguyên Ngọc khởi xướng.
Hoà và Phú than thở hộ tôi: họ nhìn vấn đề bằng con mắt hành chính, họ không hiểu.

Nghe nói Trung ương họp, có bao vấn đề kinh tế, xã hội bê bối đang đặt ra. Đại hội Đảng tháng 7-1990 coi như đã phá huỷ xong vô hiệu hoá xong ĐCS Liên Xô. Ông Linh có vẻ nghiêng về Trung quốc, và muốn đi với Trung quốc càng nhanh càng tốt. Có phương án sẽ đưa Hoàng Văn Hoan về, nhận cho làm một chức vụ gì đó của nhà nước.
… Nghĩ ra mà sợ cho nước mình, xoay như chong chóng không ra cái lý cố gì cả.

 13/8
 Thư viện Quân đội có hội thảo về cuốn Những mảnh đời đen trắng của Nguyễn Quang Lập.
Ngày 16/8, báo Quân đội nhân dân đăng văn bản cuộc thảo luận, do Đỗ Trung Lai chấp bút, trong đó, hết sức trân trọng các ý kiến  của nhà phê bình văn học Nguyễn Văn Lưu, và nhà văn lão thành Trần Cư – cả hai đều phê phán NMĐĐT.
 Tới chủ nhật 26/8 thì trên TV mới bày ra cảnh họ hội thảo với nhau.
  Một Thu Hương nữa, hình như là của Văn công Phòng không không quân,  thét lên, cho….là … là… những tác giả phản động đó phải đáng treo cổ.
Thành luỹ của bọn bảo thủ ở nước nào cũng giống nhau.

 27/8
  Gặp Nguyễn Văn Bổng. Ông lắc đầu kể rằng cuộc kiểm điểm ở  chi bộ Hội nhà văn là kinh khủng. 
  Mới đầu Vũ Tú Nam, rồi Chính Hữu, Hữu Mai, Ngọc Tú… chỉ có khen.
   Đến Nguyên Ngọc thì tất cả xô vào đánh. Kim Lân đòi kỷ luật Nguyên Ngọc, nhắc đi nhắc lại rằng cần kết luận chính thức. 
Đào Vũ cũng mấy lần nêu ra câu hỏi. Tại sao anh lại có tên trong danh sách "Anh hùng Việt tộc" (Trước đó Nguyên Ngọc đã nói ở đâu đó: Người nào nêu ra câu hỏi loại đó, tức một là ngu ngốc, không biết gì, hai là đầy ác ý)

  Nguyễn Văn Bổng kể là Bổng phải đứng ra bảo đảm là Ngọc không phải là người của địch, không có vấn đề tổ chức ở đây.
 Nhưng mà lại làm sao với họ được, Bổng nói thêm.

 Tôi hỏi ông Bổng:
-- Anh thấy có nên tham gia vào một cuộc cãi lại mọi chuyện đang ầm ĩ này không. Nếu Tạp chí Văn họcmời anh, anh có tham gia không?
-- (tỏ ý ngần ngừ) Bây giờ làm sao mà cãi lại được.
-- Thế anh thấy có ai đáng làm việc này? Thường khi có vấn đề gì của Hội, anh nói với ai?
 -- Không nói với ai cả. Bây giờ không có ai để nói.

Sau khi gặp Bổng, về thư viện, tôi nói với cô Hà:
- Như ông Bổng còn khá.
Hà:
- Có khá khối! Cũng ghê lắm.
Trước đó, khi bàn về chương trình TV phê phán Những mảnh đời đen trắng, Hà đã nhận xét rất hay:
- Chỉ thiếu có anh Phú. Trong những cuộc như thế này anh Phú cũng là một mũi sắc bén.

Tối thứ bảy 25/8, gặp Phong Lê.
Phong Lê kể cho biết đúng Sông Hương số 4 bị cấm vì trong đó có bài Đảng và trí thức. Nhưng bài đó chính là bài đọc trước ông Linh ở một cuộc hội nghị bên UB khoa học xã hội và đã đăng ở Văn nghệ.
 Trên Sông Hương, bài này chỉ thêm một vài đoạn trích dẫn mà ở bản báo cáo Văn nghệ đã bị lược bỏ.

Phong Lê còn nhớ rất rõ hôm ấy ông Linh phản ứng nhanh nhạy lắm. Thấy Phạm Đức Dương Viện trưởng Viện Đông Nam Á nói rằng chúng ta xây dựng CNXH trong một hoàn cảnh không bình thường, thế là ông nổi cáu, nói không bình thường tức nói xây dựng CNXH không thể thành công à (khốn khổ cho Ph Đức Dương cũng loại chúa nịnh, nhưng lần này nịnh không phải lối nên đến nỗi thế).

Còn bản tham luận của Phong Lê nói rằng chúng ta không làm công tác vận động trí thức gì cả, thì được hoan nghênh lắm.
 Vậy mà bây giờ lại bị các ông ở Ban Tư tưởng văn hoá bắt tội, thật không ra sao cả.

Tôi muốn nhìn lại mọi phía cái con người đang nói chuyện với tôi.
- PhLê có tên trong cái danh sách Anh hùng Việt tộc khỉ gió nào đó.
- Vậy thì cần đánh là đánh loại "bị nước ngoài lôi kéo" đó, chứ có căn cứ phải trái gì đâu.
Càng nghĩ càng thấy đáng lẽ vào những lúc  bị đòn này, một người loại cốt cán như Phong Lê mới hiểu cái điều hắn đã tin xưa nay là xằng xịt đến mức nào.

Bùi Việt Sĩ kể rằng báo Nhân Dân hơi phiền lòng, vì tờQuân đội nhân dân anh em lại đăng bài của Ngô Thảo phản bác lại mình. Nhưng trong tâm lý, báo Nhân Dânhẳn cũng sung sướng, như vậy cũng có cớ để bọn họ tiếp tục lên tiếng trước các vấn đề của giới văn nghệ hiện nay. 
Không có họ thì hỏng hết còn gì!

Trúc Thông kể là Mai Thúc Long phó tổng biên tập Đài TNVN  trực tiếp chỉ đạo cho bọn Trần Nhật Lam ở Ban Văn Nghệ là phải đọc những bài “đánh đấm” trên báo Nhân Dân (mục phát thanh giành cho Việt kiều ở nước ngoài . Còn nhớ đọc cả loại bài như Nằm vạ của Nguyễn Văn Lưu nữa, cán bộ nhiều người thích lắm).
Mai Thúc Long giảng giải:
- Báo Nhân Dân đã mất bao nhiêu công đi đặt bài, đặt loại I không được, đặt loại II, không được, cuối cùng phải có những cộng tác viên (hay bài) loại III như vậy, tại sao lại không ủng hộ mà đọc lên để khuếch trương ảnh hưởng.

Từ 6-1979, từ Hội nghị Đảng viên trở về, bất chợt Ng Khải nói với tôi một câu an ủi:
-- Chán thì có chán thật, nhưng mấy ngày tới còn được ở nhà. Thằng Ngọc mà thắng là thả nào nó cũng lùa anh em đi thực tế một chuyến bây giờ.
 Sau Đại hội ba 1983, tức là sáu bảy năm trước, có một cuộc họp Ban chấp hành khóa ba ở Đà Nẵng. Hồi ấy, chuyện vào các tỉnh miền trung mà đi máy bay còn là chuyện xa xỉ. Vậy mà các thành viên Ban chấp hành ở Hà Nội được Tổng thư ký Nguyễn Đình Thi giải quyết cho đi máy bay hết.  Xuân Quỳnh họp về đến cơ quan kể với tôi một chuyện tạt ngang:
-- Lúc tán phét, lão Nguyễn Khải bảo là nếu thời Nguyên Ngọc thì đừng có hòng. Lão sẽ cho đi tầu hỏa hết. Mà chính Nguyên Ngọc cũng ngồi tầu hỏa để làm gương không biết chừng.

Từ những chuyện tương tự, tôi muốn đọc ra một ý tưởng liên tục của Nguyễn Khải trong gần hai chục năm qua:
– Chính ra Nguyên Ngọc lại là người chăm chú thực hiện đường lối văn nghệ vốn có sau khi tân trang chút ít. Cái mới của ông là ở sự kiên cường nghiêm túc của người ở chiến trường về, sự nghiêm túc này ở Hội nhà văn VN của Thi đã mất hẳn sau những năm chiến tranh mệt mỏi.
Chẳng qua cánh cũ bị mất quyền lợi nên phen này họ phản ứng dữ dội với Ngọc. Mà cái việc họ đánh vào nhân cách Ngọc thì quá bỉ ổi nên ta lại càng dễ cảm tình với  Ngọc. Chứ trong tư tưởng con người đã vào chiến trường cả chục năm đâu đã vượt lên khỏi tình trạng tư tưởng lúc này của xã hội? Chiến tranh đâu có phải là môi trường chuẩn bị cho cái mới?

Rồi tôi lại nghĩ, Nguyễn Khải nói thế, chắc để bao che cho thói cơ hội và sự trở mặt trắng trợn của mình?
Nhưng gạt đi câu chuyện nhân cách Khải, bản thân cái điều ông nói ra tại sao cứ bám vào đầu tôi. Tôi chỉ biết phân vân và nghe ngóng.  Tôi không thể tìm ra lý do để nhập cuộc.


29/8
 Đọc Nỗi buồn chiến tranh và lại cảm thấy nôn nao cả người. Cái chất hình tượng trang viết nắm bắt cuộc đời, cái đó nó chỉ thấy ở Nguyên Hồng ở Nguyễn Minh Châu, nay lại hiện ra đàng hoàng sang trọng hơn. Lối chẻ chữ ra ngâm nga như của Nguyễn Tuân cũng không đáng sợ bằng.
... Khi viết những dòng này về chiến tranh, Bảo Ninh như muốn tự chứng tỏ rằng trên đời  này, chỉ có mình là lính. Xúc cảm kiểu lính, ăn kiểu lính nghĩ kiểu lính. Và đặc biệt hai cái phần mà lâu nay văn học mình vẫn lẩn tránh:
- giết người kiểu lính
- làm tình kiểu lính.
Trong cách hiểu thông thường, cuộc sống lính tráng chỉ được tả đơn giản, dễ hiểu, có thể hình dung ra được. Với Bảo Ninh, cuộc sống hiện ra cứ như một cái gì ma quái người ta không nắm nổi không chộp bắt nổi, nó cứ chập chờn trước mắt người ta mà chịu.
Bắt chước cái giọng của Nguyễn Minh Châu, tôi muốn kêu to lên lúc này: Những kiểu phân tích rành rọt của Nguyễn Khải, những kiểu bông phèng của Hồ Phương, mức độ của Xuân Thiều, công chức của Hữu Mai, các anh cứ gọi là vứt đi hết - chả có gì là văn học hết. Bảo Ninh này nó mới là văn học thật sự. Mỗi thứ văn học rõ rệt, nó đều hàm chút trong nó một sự phủ nhận những phong cách khác trước nó.

Bức tranh văn học thời này đại khái là:
1. Khu vực tiểu thuyết, gần như hoàn toàn là thương mại. Sự tìm tòi may lắm chỉ ở truyện ngắn. Lý do thật đơn giản. Người ta thường phải viết ngắn hơn, không đủ sức tìm tòi cái gì thật chắc chắn.
2. Các nhà văn chuyên nghiệp còn lúng túng. Chỉ có các cây bút trẻ là còn sự trong sáng trong tìm tòi, cái trong sáng đồng nghĩa với liều lĩnh.
3. Có sự so le quá đáng giữa như cầu kiếm sống và như cầu làm văn học thực sự. Lý do: xã hội không đánh giá nổi những tìm tòi văn học, không đủ sức bao dung đủ sức bảo trợ sự tìm tòi ấy. Người nào chưa lo kiếm sống hôm nay thì mai sẽ phải lo.
Nhưng việc đó lại không được nói ra. Trên báo chí, tất cả lại phải tự tin xông lên, lại phải nói rằng những tìm tòi được đánh giá đúng.
Rút lại nhìn từ xa, thấy bao trùm trong văn học làbóng tối. Trong bóng tối đó bao nhiêu bất công. Trong bóng tối đó, cái xấu tha hồ lộng hành.
4. Khi bóng tối đã bao trùm cũng lúc quá trình mòn rỉ, mốc meo, thoái hóa xảy ra rất nhanh.
Con người - ở đây là người viết văn - cảm thấy cô đơn. Và những kẻ xấu trở nên hung hãn.

1/9
 Báo Người Hà Nội số 2/9 đăng bài của Bằng Việt. BV đối lập văn nghệ sĩ ta và họ (mấy người có thể bị bắt), xem họ chỉ là lạc điệu; những ai coi những con chiên ghẻ  đó  biểu hiện một xu thế  xã hội chỉ là dựng chuyện.
 BV cũng không hề nói gì tới không khí căng thẳng nặng nề bao trùm trong giới. Người viết tỏ ý như ta rất vững vàng và xem chuyện rối rít tít mù chung quanh chả là chuyện gì cả.
Cảm thấy BV hiểu mình hoàn toàn đứng cao hơn thiên hạ một cái đầu và tỏ ý thương hại những ai không biết nghĩ như mình.
 Lối nói bề trên mang lại cho hình ảnh tác giả hiện lên sau bài viết một vẻ sang trọng giả tạo.

Có điều vui là trong lúc đó tất cả đều đồn là Bằng Việt mất đất ở Hà Nội sắp phải chuyển về Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật. 
Người Hà Nội số này đăng hồi ký Huy Cận, thơ Xuân Thiêm. Sẵn sàng làm tất cả những gì dơ bẩn nhất đó là bản chất con người được tiếng sạch sẽ này.

Ân kể về mối quan hệ giữa nhà xuất bản chúng tôi và Hội.
Bùi Văn Hoà thay mặt chi uỷ Nhà xuất bản lên trình bày với Đảng uỷ về kết quả đợt học tập chính trị vừa qua. Trong cuộc họp đó, Đảng ủy viên Ngọc Tú hỏi:
- Nghe nói là anh Kiên có cùng với anh Ngọc, đi vào tổ chức để bè cánh trước Đại hội.
Hoà phải nói ngay:
- Ai nói điều đó? Đâu là bằng chứng?
Tú phải lảng ngay.
- Đấy là có tin đồn như vậy, đề nghị kiểm tra.
Hoà sở dĩ có thể kêu to tiếng không như thế, là do ông Kiên đã dặn cu cậu từ trước. Kiên cũng hiểu rằng mình bị mắc kê, nên lẩn  giỏi.

Trong các buổi họp của Hội nhà văn, thấy có tin đồn dai dẳng nói là ông Vũ Tú Nam, tổng thư ký, đang xin từ chức.
Tin đồn chắc hẳn là có ác ý, là muốn đánh vào  ông Nam. Nghe nói lời đồn lan rộng đến mức trong một buổi họp người ta phải nêu ra và bảo nhau rằng đừng co góp phần lan truyền tin đồn đó nữa.
Phản ứng của Vũ Tú Nam về chuyện này? Chắc chắn là ông rất buồn. Một người lõi đời về tổ chức như ông Nam hiểu rằng như thế là người ta không ủng hộ ông nữa. Thế nhưng ai mà thương ông được. Một sự bảo thủ dịu dàng - trong những ngày qua, trước đại hội, ông ta có một lập trường như vậy. Trong sự thản nhiên của ông, có một chút gì như là cơ hội nữa: cho mọi người dánh nhau, ta ở giữa có lợi.
Và ông có lợi được đôn lên Tổng thư ký. Một người như Nguyễn Sinh nói với tôi: tình hình bình thường thì làm sao mặt ông Nam trở thành Tổng thư ký được.
Chắc ông chưa từng nghĩ rằng thứ "trung dung" ấy, có lúc sẽ phản ông. Sau đại hội, ông tiếp tục "trung dung". Ai làm gì cứ làm, miễn không thiệt đến ông là được. Ngày trước Nhị Ca đã gọi ông là ông phán cách mạng. Ngờ đâu, sau khi thịt Nguyên Ngọc rồi bọn nó thịt đến ông.Đấy là nguyên tắc.
Trong chính trị, không có chỗ cho kẻ trung dung.
Nhưng sách lược mà ông Nam áp dụng hồi ông ở nhà xuất bản bây giờ không đứng được nữa.

 Ân nhận xét ông Nam từ Tác phẩm mới mà lên nhưng có bao giờ ông ủng hộ nơi công tác cũ cái gì đâu. Người ông cũng không dùng, hồi ấy, bọn tôi đã tính kế cho ông, là nếu khôn, ông nên kéo Ngô Văn Phú lên làm chánh văn phòng cho mình vì Phú là người của ông. 
Và đáng lẽ ông phải có ý kiến của mình trong nhân sự ởVăn nghệ, ở Tác phẩm mới.
 Đằng này ông mặc kệ, ông chia khoảnh ra cho người khác ai làm gì ai cứ  việc làm.
Ân kể lại một chuyện mà chính tôi đã quên: sau khi bầu xong Ban chấp hành, tôi+ Xuân Sách+ Anh Ngọc đứng với nhau. Và bọn tôi đều nhất trí: nhân vật thao túng BCH thời gian tới sẽ là Hữu Mai. Bây giờ  thấy đoán như thế là đúng.

 5/9
 Chi ủy viên Hoà trình bày rõ hơn về việc họp ở trên Đảng uỷ Hội nhà văn mà trên kia Ân đã kể.
Các ông ấy kêu lên là nhiều chi bộ đấu tranh gì mà ở đâu vẫn ở đó, sao mà nhẹ nhàng thế, trong khi đáng ra đợt sinh hoạt này là hết sức quyết liệt, có nơi 25% đảng viên bị đưa ra khỏi Đảng cơ mà.
Hoà phải nói ngay: Có lẽ các đồng chí định ám chỉ chi bộ tôi, nhưng sự thực là chúng tôi đã làm rất tốt.
Khi nói về ông Kiên, câu hỏi ông Mai gợi ý là người ta nói ông Nguyên Ngọc, ông Kiên và bà Lê Minh đã liên kết với nhau để làm những việc mà họ gọi là mưu mô.
Mà việc  này anh Nguyên Ngọc không cải chính, ông Mai cuời nhấn mạnh thêm.
Ông Mai cắt nghĩa:
- Cần phải bảo vệ anh Kiên, nhỡ ra anh Kiên có điều gì đó thì Đảng uỷ cũng rất phải suy nghĩ.
Câu hỏi của Ngọc Tú về ông Kiên là:
- Tại sao nguời ta vẫn nói anh Kiên là cái bóng của anh Ngọc?
Sau Hoà hỏi lại ở đâu ra, thì Tú mới lảng.

Về Vương Trí Nhàn, bà Tú cũng thắc mắc về chuyện ông Châu, anh Nhàn nói đám ma anh Châu là đám ma kẻ khó, vậy phủ nhận hết công lao của chúng tôi à?

 Rõ ràng, trong các đảng uỷ này, chứa đựng một lòng căm giận. Họ ra cái điều là họ đã làm cho Hội bao nhiêu như thế mà Hội đâu có biết ơn họ. Thực chất là họ quật lại những lao đao cay đắng mà họ phải gánh chịu khi đại hội nhà văn đang tiến hành và tình hình một vài tháng sau đại hội, mà họ phải nín lặng.
Nhìn chung, trong phạm vi cả xã hội, quyền lực lên ngôi độc tôn, không chịu sự kiểm soát của bất cứ cái gì. Mà đó là cái chính quyền của những kẻ ở bên lề, không có nghề ngỗng, như Phạm Mạnh Hùng đã nói.
Còn trong văn học, có cảm giác rằng một cũng đang có một hệ thống quyền lực kiểu ấy tồn tại, nó ngày càng mạnh, văn học đang giống với đời sống.

Báo Nhân Dân, số 9/9, đăng bài Mai Quốc Liên tranh cãi với báo Đại đoàn kết của Việt kiều ở Pháp chung quanh tin về đại hội lần thứ 4 của Hội Nhà văn Việt Nam. Bài trên báo Việt kiều có những đoạn nói về Mai Ngữ, rất cụ thể. Người ta bảo Mai Ngữ là mật thám Pháp và Mai Quốc Liên cãi rằng Mai Ngữ là đại tá, đã đi kháng chiến và bây giờ không thể hỏng được.

Lê Minh Khuê kể rằng Thanh Nhàn bảo Bằng Việt:
 -- Ông viết thì dân văn nghệ nó càng ghét ông.
BV trả đũa ngay:
- Cho nó ghét một thể.

 Ông Chương Thâu kể năm nay kỷ niệm 50 ngày mất của Phan Bội Châu nhưng người ta cố tình quên, người ta không muốn làm to - ở Nghệ An, người ta chỉ giao cho huyện Nam Đàn làm.
Người ta chỉ sợ làm loãng cái không khí 100 năm sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.


11/9
 Ngô Thảo nói rằng Thu Bồn, Ngô Thảo, Ngô Thế Oanh sẽ gửi thư đến báo Nhân Dân, cãi lại những thông tin của Mai Quốc Liên về đại hội nhà văn. Nếu báo Nhân Dân không đăng, thì sẽ đến tất cả các báo trong cả nước để thông báo cho họ biết.
Báo Nhân Dân chủ nhật số 15/9 có bài của Phan Cự Đệ chửi bới Trần Độ về định hướng rộng, chửi luôn cả Nguyễn Duy, Nguyễn Huy Thiệp và cả Phong Lê - Phong Lê đã đăng bài của một nhà học giả Úc về tình hình hiện thời.

19/9
 Đọc lại Thi pháp thơ Tố Hữu của Trần Đình Sử.
Sử không đặt con người trong thơ Tố Hữu trước lịch sử đời sống trưởng thành Việt Nam, không thấy rằng trước đó, đã có những con người hiện đại như trong thơ Xuân Diệu, tùy bút Nguyễn Tuân, truyện ngắn Nam Cao, và như vậy, con người trong Tố Hữu là một bước lùi.
Không thấy rằng so với thế giới, chúng ta rất lạc hậu. 
Con người thế giới hiện nay là con người dằng xé, bị đánh phá, con người không tính cách  ( tên một tác phẩm của R . Musil), con người cảm thấy không xa nổi cộng đồng, tuy không làm sao hoà nổi vào cộng đồng v.v…
Tố Hữu ca ngợi một con người ngược lại, mông muội, cổ lỗ chân thành, nhưng giọng điệu càng ngày càng gượng gạo.

Về thời gian  Tố Hữu cũng chỉ đưa ra một ý niệm về thời gian lịch sử, một thời gian đều đều kèm theo một ảo tưởng rằng thời gian ủng hộ chúng ta.
Không có khả năng hiểu về thời gian hiện đại. Không có cảm tưởng chính xác về nó không diễn tả đúng về nó.

Tất cả những cái này, là có ở Tố Hữu, nhưng Trần Đình Sử không có ý thức rằng Tố Hữu lạc hậu. Nhà phê bình chỉ dừng lại ở Tố Hữu,  nhìn Tố Hữu bằng chính  con mắt Tố Hữu, không đối chiếu Tố Hữu với cái hiện đại. Trần Đình Sử do đó, không thể đối thoại Tố Hữu, mà chỉ là người diễn giảng Tố Hữu, truyền đạo cho Tố Hữu.

18/9
 Có tin ông VNG Giáp sang Bắc Kinh dự Á vận hội. Đỗ Trung Lai ở báo Quân đội nhân dân thì thào: Trước đó ông Linh cũng đã sang Thành  Đô gặp Giang Trạch Dân. Mọi chuyện xong xuôi rồi, nay mai cha con tha hồ mà sang Bắc Kinh triều cống.
 Tôi ghi lại điều đó ở đây vì chắc chắn công tác tư tưởng trong xã hội lại sắp được lên dây cót, sẽ xảy ra cái hiện tượng đang ở Đông Nam Á: nghiêm khắc chặt chẽ giáo điều trong đầu óc, rộng rãi trong làm kinh tế.

 19/9
Đọc Bến không chồng
1. Nông thôn lạc hậu, mà ra khỏi chiến tranh 46-54, chưa có gì mới, thì lại lao vào chiến tranh sau đó.
Mặc bao đổi thay nông thôn ấy không có gì xao động lên, không có gì gọi là yếu tố mới. Nông thôn ấy giãy dụa vì những thành kiến cũ và nền văn hóa cũ.
Ở nông thôn ấylại như có gì thoái hóa. Rút lại là chuyện của những con sống con mái, mà người ta cũng làm tất cả trong đau đớn, dày vò, tự xấu hổ và không dám nhìn thẳng vào mặt mình.
Dương Thu Hương còn có chút gì tươi sáng (chứ đùng nói bọn Đỗ Chu) Dương Thu Hương còn gán cho các nhân vật  của mình cái ý nghĩa nào đó ( loại nhân vật có tâm có chí).
Với Dương Hướng, nông thôn là xã hội của súc vật, con người sống theo kiểu bày đàn, cái gọi là văn hóa thực chất chỉ là một ít thành kiến cổ lỗ về dòng họ và một ít mơ mộng hão huyền theo kiểu huyền thoại (lập nghiệp, thành danh, làm vẻ vang gia đình làng xóm...).
 Bên cạnh cái nông thôn ấy, có thấy thấp thoáng một ít bóng dáng thành thị, nhưng cũng là thành thị quê mùa, kiểu phố huyện. Có thấy cả bóng dáng của đất nước, đất nước ấy còn chinh chiến nữa, nhưng cuộc chiến tranh chỉ là cái vực thẳm lôi người ta xuống, và đất nước chả mang lại cho người ta cái gì, hoặc có cái gì đó, thì lại chìm mãi vào chốn xa xăm (cái gọi là tư bản) chẳng có gì liên quan đến làng quê cả.

Nói chung, hiện đang có hai thứ văn học:
 1/ một thứ văn học thương mại, chủ yếu diễn tả cuộc sống thành thị, ở đó con người kiếm tiền, hành lạc, làm đủ điều bậy bạ.
Thứ này viết để bán cho thị dân trong đó chủ yếu là thị dân mới, các cán bộ
2/ một thứ văn học nông thôn, viết một cách tự phát, viết không phải cho thị dân và chắc cũng chả phải viết cho nông thôn, chẳng qua không thể không viết thì phải viết. Loại văn học này, có vẻ là một loại văn học thứ thiệt, song thô sơ, còm cõi,  không bao giờ trở thành hàng hóa , mà cũng không bao giờ đủ sức vượt lên để thành một thứ văn học thượng đẳng. Nhìn vào nó cũng thấy đủ thứ tật bệnh cũng học đòi cũng không thuần nhất, không hoàn chỉnh... Trong sự quê mùa của  nó, nó không ăn nhập gì với thế giới này, nó không thành trào lưu, trường phải. Nó ghẻ lở, mốc thếch.

Trong Dương Hướng có những trang vớ vẩn về mối tình của Thủy- Nghĩa, nhưng lại có cái bi tráng của cuộc làm tình giữa Hạnh và chú Vạn, rồi sau đó, là việc Nghĩa bỏ Thủy về quê …thực tế là một sự đầu hàng, một sự trở về với cát bụi.
Cuối truyện Hạnh mang đứa con trở về. Sự sinh đẻ và cái chết đi liền nhau. Có một ngày mai đang tới (đứa trẻ). Ngày mai ấy là vớ vẩn là kết quả của tật bệnh. Nhưng vẫn là một ngay mai thật sự. Bao nhiêu nát tan ( Hiệp, anh của Hạnh và bố Hạnh chết), bao nhiêu vớ vẩn, để sinh ra một đứa con không có gì là bình thường.

Lại sắp tới kỷ niệm một năm ngày Đại hội nhà văn Việt Nam lần thứ tư. Giá ở nước ngoài, người ta dễ có một bài viết kiểu như Văn học Việt Nam một năm sau đại hội.
Giải thưởng văn học trước dự định vào trước 2/9, nay đã muộn quá, phải làm vào 29/9. Chậm chỉ có một tháng, gần một tháng.
Bùi Việt Sĩ bảo: Hay nhất là hai người được nêu lên đầu tiên trong giải thơ và giải văn là Xuân Quỳnh và Nguyễn Minh Châu đều đã chết.

Dạo này trên báo chí, người ta hay nói tới Bước qua lời nguyền của Tạ Duy Anh (từ đó, là ý kiến của Hoàng Ngọc Hiến về sự phá bỏ thành kiến)

Thật ít có truyện ngắn có khả năng tạo ra được một dư luận rộng đến vậy.

(Còn tiếp phần cuối )
http://vuongtrinhan.blogspot.jp/2015/06/nhat-ky-van-nghe-1990-phan-ii.html



1


11-06-2015

Nhật ký văn nghệ 1990


7/1
Tình hình Hội nhà văn sau đại hội ? Một thể bùng nhùng. Con người thường mong thay đổi. Nhưng có thay đổi được không nếu cái hôm qua đã là bản chất của họ!
Nhìn vào trường hợp ông Vũ Tú Nam. Ông vào văn học từ những ngày kháng chiến hỗn mang. Bây giờ đã là một giá trị chưa ? Bảo là đã cũng đúng, bảo là chưa cũng đúng. Có lúc hình như ông muốn đổi mới (thời ông Ngọc), lúc ông ta không muốn đổi mới (thời ông Thi). Và chính cái thế phất phơ ấy làm cho ông có thế mạnh. Vào Ban chấp hành, rồi lại trở thành Tổng Thư ký không ai ngờ.
Hàng ngày ông Tổng thư ký phát biểu trước vua quan trong nước và khách nước ngoài, như một đại diện của nền văn học. Báo Văn Nghệ  đã nịnh Vũ Tú Nam ra mặt. Mục sổ tay người yêu thơ mang bài Cơ nhỡ ra bình. Nhất là tuần nào cũng yêu cầu Vũ Tú Nam viết bài thời sự. Còn gì nhạt hơn !

 Nguyên Ngọc bảo Ân:
- Vừa rồi, ông Nam trả lời các báo có nhiều điểm phải nói lại. Đấu tranh với nhau không phải dễ.
 Ngọc kể về cuộc họp Ban chấp hành. Chính  Nguyễn Quang Sáng cho là báo Văn nghệ đang chống lại Đại hội.
Ban chấp hành phê bình báo Văn nghệ vì sự xuống cấp của nó, và tự phê bình về việc chỉ đạo tờ báo. Chỉ thị là sắp tới báo sẽ họp anh em viết văn, và ban chấp hành sẽ dự.
 Ngọc cũng nói là thể nào cũng phải lấy lại tờ Tác phẩm Văn học của ông Thi.
 Ngọc có vẻ náo nức lắm, náo nức với sinh hoạt của Ban sáng tác mà ông là trưởng ban, Nguyễn Khải và Xuân Thiều làm phó ban. Náo nức với tờ tạp chí mà người ta định giao cho ông. Sẽ làm những số chuyên đề. Những số bàn sâu về lý luận…
...Nhưng sau khi nghe kỹ về tình hình thì thấy cũng chẳng có gì đáng phấn khởi.
Muốn hay không muốn thì bây giờ Ng Ngọc đã thành người một bộ máy  chứ không phải một mình một cõi như bên báo.

Có cái lạ, lúc này Nguyên Ngọc và Nguyễn Khải vẫn làm việc được với nhau. Nguyên Ngọc giải thích căn bản là Nguyễn Khải quá nhạy với các tai vạ.
Nguyên Ngọc bảo với tôi, tại sao trước khi họp Đại hội Nguyễn Khải lại viết cái bài chửi ông Độ và cánh đổi mới nhảm nhí vậy ? Vì ở Sài Gòn, lúc ấy người ta lo lắm. Người ta nghĩ rằng phen này đại hội hỏng hết rồi.
Ý Nguyên Ngọc muốn nói nếu có một người vững vàng bên cạnh thì Nguyễn Khải vẫn là người có thể dùng được.

23/1
 Nguyên Ngọc bảo tôi, báo Văn nghệ coi như là bỏ. Thỉnh  nó yếu quá, chả vực lên nổi đâu.

Tạp chí Tác phẩm mới (do Tác phẩm văn học chuyển thành) thì sẽ gồm có Vũ Tú Nam làm Tổng biên tập, Nguyên Ngọc và Nguyễn Khải làm phó tổng biên tập.

Chuyện các hội đồng – cụ thể hội đồng lý luận phê bình.
Ban chấp hành mới đã chỉ định các thành viên Hội  đồng phê bình gồm  Nguyễn Văn Hạnh, Nguyễn Đăng Mạnh, Hà Minh Đức, Phan Hồng Giang, và Nguyễn Khải.

     Nguyên tắc cấu tạo là tạo ra đối trọng. Dĩ nhiên trước tiên phải có Hà Minh Đức là loại “chung chung gian gian”. Rồi lấy Ng Đăng mạnh để cân đối với Hà Mình Đức. Rồi để thêm bảo thủ, phải có Phan Hồng Giang (có vẻ biết điều hơn, và chắc chắn là khôn ngoan hơn, so với loại cấp tiến như Lại Nguyên Ân). Phải cân nhắc nhiều, là Nguyễn Văn Hạnh. Có đáng ngại không? Đáng ngại đấy! Thế là Nguyễn Khải xung phong vào, để tôi vào, tôi đối trọng với ông Hạnh, ông Nguyễn Khải nói.
    Nghe tin có Nguyễn Khải trong Hội đồng phê bình, Ngô Thảo chửi um cả lên. Việc gì lão cũng dây phần thế này, không để chỗ cho ai cả.
     Còn tôi, tôi thấy việc đưa PHG  vào là vô lý, vì mươi năm nay, PHG không viết phê bình gì hết. Vì mải đi dịch cũng có, mà vì khiếp nhược cũng có, ấy là không kể thực chất PHG luôn luôn chạy theo quan chức.
    Ai đó kể với tôi  rằng lúc họp Ban chấp hành Hữu Thỉnh đề nghị Phương Lựu nhưng bị bác đi. Thảo nào mà kỳ này, Ph Lựu cũng chửi Hội đông phê bình rất ác.

      29/1
Báo Tiền Phong có bài Trần Xuân Bách nói có vẻ rất rộng rãi mới mẻ.
Đài đọc, TV đọc. Tôi bảo sao báo Văn nghệ  không đăng đi? Đăng lên trang nhất cơ, rồi tổ chức thảo luận xem?
 Không.
Tôi nghĩ đến một tâm lý văn nghệ, nó đã thành căn bệnh của một thời.
Khi nào trên chửi mắng, đánh đập, là ngay lập tức, tát nhau, đánh vào mặt nhau.
Ngược lại, khi trên mở rộng cửa, thì tất cả đều ngập ngừng. Cũng muốn ra, nhưng lại sợ những kẻ khác ra trước mình, nên chành choẹ nhau ngăn cản nhau hơn là lo nhảy ra bàn việc.
Sáng tai họ, điếc tai cày, tâm lý ấy thành bệnh rồi, trong cái bọn gọi là trí thức văn nghệ.


9/4
Hôm nọ, liếc mắt nhìn lên Tác phẩm văn học thấy chỉ có ông Thi ngồi một mình. Trong cơn thất thế cụ đã chạy đôn chạy đáo, mà vẫn chẳng thấy chỗ nào gọi đi làm việc. Đâu xin cả làm đại sứ ở Pháp, nhưng không được.
Mẹo của Thi xưa nay, vẫn là khi thất thế, thì về cố thủ một tờ báo, từ đó mà dấy nghiệp. Nhưng lần này thì nghe chừng ngón võ đó không ăn nữa rồi. Thi xin làm thêm mấy số Tác phẩm văn học - bây giờ gọi là Tác phẩm mới, nhưng chả thấy tờ báo nổi lên được . Ông Nguyễn Vĩnh ở tổ dịch báo văn nghệ bảo: đấy là kiểu làm báo của TLVĐ, cổ rồi.

Không biết phen này Nguyên Ngọc có nắm được Tác phẩm Văn học hay không đây.
Ngọc Trai cho biết bọn Hữu Mai đang tung tin khắp nơi là Ngọc sẽ không phải phó mà là phó chính - của Tác phẩm Văn học đâu.
 Ân cũng bảo bọn Xuân Thiều, Ngọc Tú muốn báo về tay họ.
Ý của Ngọc Trai là muốn bảo tôi nên nói điều này với ông Ngọc.
Tôi nghĩ chả dại  dây vào làm gì!
Ngọc Trai kể:
a/ Cánh bên kia cho Triều Dương tiếp tục đánh Ngọc vu cho Ngọc là hối lộ lão Khải từ Sài Gòn ra họp, lấy tiền Văn Nghệ mua vé cho Khải (sự thực là Ngọc làm theo chỉ thị của Hội. Lại vu cho Ngọc lấy tiền Văn nghệ chữa nhà.)
b/ Hữu Mai phá hội nghị phê bình của Hội. Chính ban thư ký ký điện buộc hoãn.
Đúng là không chơi với cánh quan chức được. Quan chức số một như ông Nam cuối cùng cũng chả được việc gì, nhìn người chả ai ra ai cả.


Để có một ý niệm chung về Hội nhà văn hãy xem việc sau đây.
 Trước khi có Nghị quyết 8, các nơi phải góp ý kiến với Đảng. Ý kiến khá sắc sảo. Nhiều người bảo rằng phải viết lại đề cương đi, ai lại viết thế, cổ lỗ như hồi kháng chiến.
Nhưng ông Bùi Hiển thì trên báo Văn nghệ  trong một số tháng 3/89 phát biểu rằng bản đề cương này hay lắm rồi, có giá trị lắm rồi, như cương lĩnh vậy.

 Vũ Tú Nam và Nguyên Ngọc vào công tác ở Sài Gòn.  Ý Nhi  kể ông Nam chả dám đi đâu, chỉ ru rú ở trụ sở TPM. Đi đâu cùng Ngọc, được hoan nghênh, Vũ Tú Nam hiểu ngay là người ta hoan hộ Ngọc chư không phải hoan hô mình.
Ở Hậu Giang, sau khi tiếp Vũ Tú Nam một tỉnh uỷ viên bảo với Dạ Ngân: Bọn tao cho mày tiền đi Đại hội  nhà văn để bầu ra một lão như thế à. Thật phí cả tiền.
Có tin ở Sài Gòn, Nguyễn Mạnh Tuấn xin ra hội, Vũ Hạnh xin ra hội, và ở ngoài này, V Đ Liên cũng xin ra hội.
Đúng là phải thế thôi, người ta biết hy vọng gì ở các cái hội như thế này!
Đâu cả Mai Ngữ cũng xin ra Hội nữa. Sau khi chửi Nguyễn Huy Thiệp thế, mà người ta vẫn cho Nguyễn Huy Thiệp vào hội, nên M N cảm thấy bị xúc phạm và đã xin ra hội. Nếu thế thì lại là tốt.

5/5
Từ tháng 2, Hội đồng phê bình báo là sẽ có hội nghị phê bình vào cuối tháng 4 và làm ở cả miền Nam nữa. Ở Đà Lạt.
Rồi thay Đà Lạt bằng Sài Gòn. Đầu tháng 3, bọn tôi còn nhận được 30 ngàn, do ở trong Sài Gòn gửi ra, để gửi bài vào.
 Rồi cả Thành phố Hồ Chí Minh và hội nghị ngoài này cũng hoãn nốt. Ông Trần Trọng Tân điện xuống, bảo rằng để anh em học Nghị quyết 8 đã, rồi hãy họp.

Trên xiết lại nhiều việc.
 Trong khi trên thế giới, người ta ra lệnh cấm nhân viên phát thanh truyền hình, nói chung là các phương tiện thông tin đại chúng, không được ở trong bất cứ một tổ chức nào, thì ở Việt Nam, người ta quyết định lập lại Đảng đoàn Hội nhà văn, cùng lúc với việc lập lại hệ thống chính uỷ trong quân đội, và khôi phục phòng chính trị ở các trường Đại học.
Một thứ chủ nghĩa Lôi Phong mà không có Lôi Phong ở đây.
Nghe nói Đảng đoàn mới được dự kiến sẽ có Anh Đức, Bằng Việt. Họ còn to hơn các uỷ viên ban chấp hành, dù họ không được bầu vào ban chấp hành.
Có tin trên (?) đã dự kiến một danh sách các cuốn sách cần phải đánh trong đó đứng hành đầu phải là Ly thân của Trần Mạnh Hảo có thế là cả Những mảnh đời đen trắng của Nguyễn Quang Lập, cả Đám cưới không có giấy giá thú của Ma Văn Kháng.
Đánh đấm thời nay không thể hiệu quả như cũ.

Một ngày thứ 7 trong tháng 4 báo Nhân Dân đăng một bài của Trần Hữu Tòng đại ý “đổi mới không phải là  để chửi những người đương thời.”
Báo Công an nhân dân có bài của  Đỗ Văn Khang, nhằm tố cáo những Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương, Nguyễn Duy, Trần Mạnh Hảo là lợi dụng dân chủ.
Nhân ngày 30/4, nghe có tin Việt kiều ở Mỹ biểu tình trước sứ quán Việt Nam, chửi bới các ông già ù lì, cố đấm ăn xôi.
Mỹ muốn viện trợ, nhưng là viện trợ cho nhân dân Việt Nam, chứ không phải cho chính phủ Việt Nam.
Đài Hoa Kỳ, đài BBC nhắc tới Ly thân của Trần Mạnh Hảo, bênh vực việc nói về cái xấu trong xã hội. Tôi cho là chất lượng văn học của Ly thân không tốt lắm, nhưng thôi, cũng được.
Cuộc đấu tranh sẽ quyết liệt đến cùng. Trên phải ra tay thôi. Còn như bên này, thì cũng không thể quay lại nữa rồi.

Tạp chí Khoa học và đời sống số 3 có bài của Quang Đạm, chửi Thép Mới, bốc thơm Lê Duẩn (trong hồi ký cuộc đời) tấn công cả Lê Đức Thọ  (thực chất là quảng cáo rùm beng cho nhau), nhắc lại rằng trong lịch sử Đảng, còn nhiều điểm bất minh, như cách viết về vụ chỉnh Đảng trong cuốn lịch sử 50 năm hoạt động của Đảng.
Ở Hội Nhà văn, mọi chuyện cứ lảng lặng chả hiểu ra sao cả. Ông Nam trông thấy tôi lờ lờ không nói gì. Tôi cũng không nói gì.
Trước đây, ông Ngọc nói là sẽ về tờ Tạp chí Tác phẩm mới. Ngọc còn kể sáng thứ hai 23/4,  Vũ Tú Nam đã gọi Bùi Bình Thi đến, tuyên bố là từ nay, Ngọc nắm.  
Nay mới biết  trong khi Ngọc đi Sài Gòn, thì ở ngoài này, bọn nó đảo chính.
Nguyễn Đình Thi bàn giao cho Ngọc Tú chứ không phải cho Ngọc.  

Có tin là hội đã có trụ sở mới ở 9 Nguyễn Bỉnh Khiêm
Hôm nay 5/5, Ân có nói hai câu hóm hỉnh.
 Một là nhân chuyện Nguyễn Đình Thi được dựng lại vở Con nai đen, Ân buột miệng Con nai bây giờ mới thật đen.
Hai là nghe Ân kể Hội nhà văn có một trụ sở mới ở 9 Nguyễn Bỉnh Khiêm, cơ quan chưa dọn về, người còn vắng.
 Một lần Ân đi qua, thấy có ai viết phấn ở cổng bán xi măng. Về bảo với bà Phương ở văn phòng, bà Phương giậm chân:
--Thôi chết, hôm qua đã xoá đi rồi cơ mà. Hôm nay thằng nào nó lại viết lên đấy.
Mình thầm nghĩ, biết đâu người viết chả dùng mẫy chứ đó để ngầm nói rằng Hội nhà văn là một thứ thành luỹ của bảo thủ.

17/5
Cuộc học tập Nghị quyết 8 (ra khoảng tháng 4/90) đâu đã bắt đầu từ cuối tháng 4. Ở Hội nhà văn, có 2 người đi họp là Vũ Tú Nam và Hữu Thỉnh. Nghe nói có hai Nghị quyết. Một 8a về tình hình quốc tế, có cả việc phê phán Liên Xô và Trung Quốc. Một 8b, sự liên hệ với quần chúng.
Có tin là các tổng biên tập báo được một mật lệnh. Sẽ không đăng các bài viết của Dương Thu Hương và về Dương Thu Hương.
Ở Cửa Việt số 2 ông Trần Độ có bài kiên trì trình bày quan niệm của mình về định hướng rộng. Lúc này ông vẫn bảo vệ ý kiến ấy. Ông cho rằng việc đọc lá thư của ông ở Đại hội nhà văn lần thứ tư chả có gì là sai cả.

Nhưng, có tin đồn, rồi có chuyện xảy ra thật. Ông Nguyễn Văn Hạnh mất chức phó ban văn hoá, trở về làm chuyên viên nghiên cứu ở Viện Văn học, kiểu như Đỗ Đức Dục trước đây 30 năm.
Còn nhớ hồi ở Liên Xô, cậu Ph. đã nói bây giờ bọn nó hay dựa vào cái tâm như nước kia dựa vào lập trường tư tưởng vậy.
Ở Sài Gòn, in ra nhiều sách cũ trước 1975 và cũng đã có trường hợp bị coi là đi quá đà, ví dụ in Khung rêu của Thuỵ Vũ.

Nhà xuất bản Hội nhà văn định in lại Túy Hồng (cuốn Bướm khuya) nhưng hỏi CA,  họ bảo bà này đang ở Mỹ, chửi mình lắm đấy, thông tin vậy đấy, các anh có in thì in. Thế là thôi.
Vào lúc này đây, các Nhà xuất bản đang giành nhau xin in lại Quỳnh Dao. Nhưng chưa Nhà Xuất bản nào được giấy phép. Có lẽ bọn Bộ Thông tin còn chờ tính xem con mồi nào mập nhất chăng ?
Ân đã nói trong một buổi họp LLPB:
-- Sách thương mại chính là đồng minh của sự trì trệ chính trị.
Nhưng mấy thằng bảo thủ thì lại bảo ngược lại. Không, nó là kết quả của đổi mới đấy, cụ thể là đổi mới sai, đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng thì sẽ không có chỗ cho loại đó.

Hôm nay, 11/6 báo Hà Nội mới có bài chửi bới văn nghệ sĩ là đòi đa nguyên, đòi đánh giá lại quá  khứ.
Báo Nhân Dân chủ nhật ra 10/6 đã có bài Bùi Công Hùng, tấn công vào Trần Độ, vào cái mà họ gọi là văn chương mạt sát, văn học phá bĩnh.
Lời lẽ trong đó toàn là có tính chất dí điện. Đục ngầu những mưu đồ, những ám chỉ. Chẳng qua đều là trò…chỉ điểm.


16/6
 Ngày hôm nay, thứ bảy, báo Nhân Dân có bài của Mai Ngữ trong đó  có cái ý nói rằng  phê bình văn học ở ta thật nhảm nhí. Hôm qua chỉ một chiều, hôm nay lại một chiều ngược lại.
 MNgữ nói tiếp phê bình hôm nay không lừa được ai nữa, cả bạn đọc lẫn các nhà văn, và hôm nay họ đã trưởng thành. Trong sáng tác, có 2 loại, sáng tác ngược hôm qua và  sáng tác lâm ly rẻ tiền. Ban chấp hành Hội Nhà văn có bao nhiêu việc phải làm, tại sao lúc nào cũng đi tổ chức hội thảo.

Tôi không dễ dàng dứt khỏi ý nghĩ về con người Mai Ngữ.
Có phải là khi trong thiên nhiên mãi mãi tồn tại con gián, con chuột, thì trong loài người – và cả trong mỗi chúng ta nữa -- cũng có tình trạng như thế. Không hy vọng gì có thể làm sạch thế giới này hết.

Báo Nhân Dân 16/6 còn đăng bài phê phán Những mảnh đời đen trắng của Nguyễn Quang Lập. Nhân Dân chủ nhật ngày 17/6 có truyện ngắn Sơn Ca của Mai Ngữ chửi Dương Thu Hương. Lại có bài Phạm Tường Hạnh tranh cãi với một bài của Thanh Thảo trên Tuổi trẻ chủ nhật. Những nhận xét về thời sự văn học của Mai Quốc Liên thì được đăng trên Văn nghệ.
Nghĩ lại cũng thấy cám cảnh: loanh quanh mấy bộ mặt đó. Phạm Tường Hạnh, Mai Quốc Liên, Mai Ngữ, Đỗ Văn Khang... Chỉ còn Phương Lựu là chưa xuất hiện.
 Bởi vậy, cấp trên có vẻ vẫn chưa bằng lòng với tình hình phê phán hiện nay. Còn đang muốn tuyển thêm lính.
         Một người như Trần Bảo Hưng kể:
         -- Một tờ báo lớn đặt tôi đả Đám cưới không có giấy giá thú.  Nhưng tôi vừa viết bài khen. Vậy thì tôi không thể chê nó ngay được. Hãy chờ xem đã.
21/6
Theo Bùi Việt Sĩ kể, Nghiêm Thanh ở báo Nhân Dân nói rằng đi đặt người viết về Ly thân của Trần Mạnh Hảo mà mười ngày nay, chưa đặt nổi. Trên Bộ biên tập doạ: nếu không lấy người khác về làm biên tập vậy. Thế là phải cố đi đặt nữa.
Vẫn theo Nghiêm Thanh, phải trị bằng được cái tam giác quỷ Đám cưới không có giấy giá thú - Những thiên đường mù - Ly thân.

Chi bộ Hội Điện ảnh chưa họp để kiểm điểm Dương Thu Hương được. Hương chần chừ, mà những người kiểm điểm cũng không muốn.
 Ở Sài Gòn, chi bộ của ông Nguyễn Quang Sáng cũng có lệnh phải kiểm điểm Trần Mạnh Hảo, rồi tìm cách khai trừ Hảo ra. Ông Sáng trả lời công an là chi bộ toàn những bà đánh máy, nấu cơm, vậy thì khai trừ nhà văn sao được. Theo tôi, các ông cứ lấy gái mà bẫy nó. Thằng Hảo này cũng hám gái lắm, rồi ra khai trừ nó được ngay.
Lại có tin có một cuộc họp ở Hội nhà văn thành phố (hoặc phân hội Hội nhà văn thành phố Hồ Chí Minh) thảo luận chuyện của Hảo. Nguyễn Quang Sáng chủ trì. Mời cả Anh Đức, Nguyễn Khải, và nhiều người khác. Nhưng Hảo khôn lắm, nó lên nó chửi phủ đầu tuốt (kể cả chửi Anh Đức, nói rằng trong Hòn đất có chi tiết này chi tiết kia không chịu được). Thế là trong buổi họp Anh Đức im. Chỉ có Khải lên nói. Khải bảo sách đọc không được, tôi đọc 70 trang phải bỏ (trước đó, hồi đại hội nhà văn, Khải bảo quyển này chống cộng bằng mấy Dương Thu Hương và Nguyễn Huy Thiệp).  Hảo phản công luôn: Anh không đọc thì anh không có quyền phê phán. Thế là Khải im. Nguyễn Lộc, Lê Đình Kỵ, theo Mai Liên kể -- lại khen Ly thân
Sau việc này Khải có vẻ buồn.

3/7
 Đại hội Đảng bộ Hội Nhà văn.
Trương Vĩnh Tuấn: anh Nguyên Ngọc, tại sao lại được như thế? Đảng uỷ phải điều tra.
Nguyễn Đình Thi: Trước đại hội nhà văn,  và phải kể là từ 1987 Ban văn hoá văn nghệ nêu định hướng rộng là chỉ đạo sai. Ban can thiệp quá sâu vào Hội. Sử dụng báo, sử dụng cốt cán, sử dụng quần chúng như hồng vệ binh. Từ lúc ấy, đã lấy Đông Âu làm mẫu.
Sau đại hội:
a/ lập đủ thứ hội đồng. Hội đồng lập ra theo định hướng cũ của Ban văn hoá văn nghệ mà không lấy nhiều hướng. Nhất là không kiên quyết đưa hội đồng vào định hướng mới.
b/ báo Văn nghệ đăng những tin có tư tưởng như anh em văn nghệ  phải đùm bọc lẫn nhau.( Chỗ này ý ông Thi muốn nói tới vụ mấy anh em  chúng tôi định làm một Ban bảo trợ di sản văn học của Nguyễn Minh Châu – chú thích 11-6-2015).
c/  cũng Văn nghệ  có những bài có tranh luận không hay, không cần.
Anh em không tín nhiệm tờ báo của Hội nữa(dẫn ý anh Mạc Phi).
Ban chấp hành có vẻ đoàn kết một chiều.  Có những người họp ở chỗ này không nói, nhưng lại đi làm những việc khác. Bây giờ có hiện tượng không nói gì hết, nhưng lại cứ đi hoạt động ngược lại.
Cuộc hội thảo ở thành phố Hồ Chí Minh không làm là đúng. Cái đáng ngại là người ta lợi dụng.
Một số ý kiến khác.
Xuân Thiều cho là Nguyên Ngọc gần với anh em. 
Đào Vũ:
-- Nói hội thảo nói Nguyên Ngọc; nói rao giảng nói Nguyên Ngọc.
-- Cử Nguyên Ngọc phụ trách Ban sáng tác - cơ quan đầu não là không nên . Vì Nguyên Ngọc xa  quan niệm của Đảng.
Không tán thành việc Ban kiểm tra của Hội kết luận về Bùi Minh Quốc (có công trong kháng chiến, có công trong đổi mới, hoạt động của Bùi Minh Quốc là đúng xứng đáng đi họp đại hội) để chọi lại tỉnh uỷ Lâm Đồng sau đó, chọi lại Đảng.
Tại sao BCH lại thông qua việc đó (báo cáo của Xuân Cang).

Đào Vũ nhấn mạnh không được  đơn giản việc Nguyên Ngọc.Ngoài ra còn tố thêm.
--Việc Bùi Minh Quốc không công nhận BCH hội nhà văn và đề nghị các hội địa phương lập ban trù bị.
Bùi Minh Quốc đấu tranh cho dân chủ ngoài tổ chức của Đảng, lấy đủ các loại ý kiến, rồi dùng làm áp lực.
Tổ chức phải có Đảng lãnh đạo. Đảng lãnh đạo thì dân chủ.
-- Ngoài đại hội có vận động sinh viên, kéo sinh viên đến đại hội.
Việt kiều hỏi Văn nghệ sĩ có sẵn sàng trở thành lực lượng chống bảo thủ? có dùng phương thức đấu tranh chính trị tạo ra một số thế lực chống đối?
Đào Vũ  cũng phê phán tình trạng họp hành hồi trước. Đảng uỷ tổ chức họp cho anh em nói, rồi mặc kệ Ban thư ký. Như thế là dân chủ không có lãnh đạo.

Kim Lân:
1. Trong chi bộ trong đảng bộ, anh Ngọc không nghiêm túc. Đến họp chỉ  nghe qua quýt rồi bỏ đi làm việc. Đại hội hôm nay không đến.
Đây không phải nói về nhà văn mà đây nói những gì ngoài nhà văn.
Thí dụ việc chuyển thư của Pháp cho anh Thiệp. Nay mai kiểm điểm sao?
2. Nhiều  ý của Ng Ngọc chống lại đường lối của Đảng đánh vào tổ chức liên tục. Không được keo này bày keo khác. Đứng trước anh em ngồi yên, anh em quay đi lại tiếp tục.
Trong khi đó, BCH lo đoàn kết, lo cứng rắn, lo làm thế mất dân chủ... không dám đấu Ngọc.
Đáng lẽ phải dứt khoát.
Cái đa nguyên đa Đảng hiện nay đánh vào Đảng mạnh nhất.
Trong Đảng này nay không có kỷ luật. Liên tục có những chuyện chống Đảng. Những anh đã đa nguyên đa đảng thì phải xét lại tư cách Đảng viên.
Những người ở chỗ nào cũng chửi tại sao ta không làm nghiêm?

Đào Vũ nói thêm về tổ chức. Có phải Đảng đoàn là hầu hết lấy từ Ban Chấp hành (cả 9 người), vậy 6 đồng chí BCH quan niệm sao về Đảng đoàn.
Các đảng viên trong BCH đã vững vàng cả chăng?
Vương Linh: Tôi không thể chịu được việc Nguyên Ngọc ôm hôn Nguyễn Đình Thi.
12 tên chống BCH lúc ấy có bàn tay Nguyên Ngọc.
Trong các buổi họp ử chi bộ hội, anh em rất kêu Nguyên Ngọc.
Hồi chống Mỹ Nguyên Ngọc đã vừa ôm hôn vừa đâm dao găm vào ta.

10/7
Có thêm những tin tức sau:
* VNQĐ họp cộng tác viên. Ông Thi thoạt đầu lên dạy dỗ là phải tin vào mình, phải lấy tình cảm, con tim của mình làm thước đo chính… Đừng có tin vào ông ốp ép nào cả.
Nghe nói, Trần đình Sử lên bác lại, Sử bảo thời này không thể nói như vậy được.
Thế là ông Thi lại đứng lên bào chữa, lại xoay ra chửi Ban văn hoá văn nghệ cũ.
Lúc bấy giờ, ông không có vai nhà văn hoá nữa, mà lại tỏ ra là một cán bộ cách mạng từng trải, có kinh nghiệm.

* Lại có một cuộc họp nữa, cuộc họp ở báo Nhân Dân, để báo động về tình hình hiện nay và động viên mọi người lên tiếng đấu tranh.
Cái giống nhau của những  hội nghị này là có chung một số cốt cán: Bùi Công Hùng, Nguyễn Văn Lưu, Mai Ngữ v.v..
Chẳng thấy có thêm ai gia nhập vào đám ấy nữa.
Nhưng như thế, cánh cốt cán ấy tha hồ viết.
Ví như Bùi Công Hùng, Hùng viết ở Hà Nội mới (chửi cả Đào Duy Anh, Cao Xuân Huy), cả Lao động, cả Nhân Dân chủ nhật.
Ví như Nguyễn Văn Lưu. Lưu có bài chửi âm tính dương tính ở Văn nghệ phụ san, có bài khen Nam Hà và nhân đó, chửi Nguyễn Huy Thiệp. Nghe nói Lưu còn có bài bác lại Đỗ Đức Hiểu.

Có tin Sông Huơng, Cửa Việt bị phê phán dữ, các nơi đó (Tỉnh uỷ Thừa Thiên,  tỉnh ủy Quảng Trị họp vài ngày liền về các tạp chí đó).
Sử đưa tin là Cửa Việt số 3 đã in xong. Nhưng do cánh Hoàng Phủ Ngọc Tường làm kiểm điểm chưa tốt, nên chưa được phát hành. Phải kiểm điểm nữa.
- Ma Văn Kháng kể với Nguyễn Phan Hách. Có tin đồn là quyển Đám cưới không có giấy giá thú của ông ta bị trên truy lắm. Nhưng toàn nhắn nhe, còn chưa ai chính thức nói với Kháng điều gì cả.
Cái chết của bọn nhà xút bản  của Kháng là lúc này họ vừa in cuốn Ác mộng của Ngô Ngọc Bội. Cuốn sách viết về cải cách ruộng đất, viết "phi nhân" rõ ràng. Để nguyên cho sách nó ra không sao. Ông Bội lại mang nó, đi in trên Văn nghệ, trên Đất Quảng, để thiên hạ đồn ầm cả lên rằng sách lôi thôi về chính trị đấy.
Thành thử NXB của Kháng ở vào thế tiến thoái lưỡng nan: bây giờ mà phát hành ra thì sợ mà không phát hành thì tiếc. Nhờ trên ban Văn hoá tư tưởng đọc hộ họ đâu có đọc, họ bảo không biết, thế mới ngán.
- Dạo này báo chí (cả Nhân Dân, cả Quân đội nhân dân) đều có bài chửi Hà Sĩ Phu với bài  Dắt tay nhau đi dưới tấm biển chỉ đường của trí tuệ (hình như đăng ở Sông Hương số 1, bộ mới).
 Trong các bài phê, người ta không dám đề rõ bài Hà Sĩ Phu đăng ở đâu nữa, vì nói ra lại sợ dân đổ xô đi đọc, còn đánh thì vẫn cứ đánh. Mỗi bài đánh là một bài đọc thuộc lòng, nhắc lại kiến thức mà người ta đã dạy nhau ở truờng tuyên huấn.
Lâu này, cứ tưởng những đợt đánh phá này chỉ là do bọn thư ký các ông to gây ra.
Nay không phải như vậy. Chính các ông to nói rõ tên từng nhà văn ra một, yêu cầu đánh.
22/7
 Sau cuộc Hội thảo về phê bình ở Hà Nội, báo Văn nghệ số 29, đăng thông báo của Ban chấp hành Hội nhà văn điểm tình hình trong đó nhận định rằng: Hội thảo LLPB có vấn đề.
Hội thảo bộc lộ hai khuynh hướng ngược nhau
- đổi mới trên cơ sở nền văn học cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng
- đổi mới trên cơ sở đòi dân chủ hoá tuyệt đối văn học
mà không thấy chỉ đạo để phê phán cái sai vốn đã kéo dài lâu nay

Báo Nhân Dân cũng có bài của Lê Xuân Vũ công kích một số luận điểm của cuộc hội thảo về LLPB (Văn nghệ sau cách mạng chỉ là nối tiếp dòng văn học cách mạng trước 45, là văn học minh hoạ…)

Ân kể rằng ông Nguyễn Kiên nói với Ân.
- Bây giờ ông Mai nắm tất cả. Với mấy đồng bạc ở Ban công tác hội viên ông mang chia tiền cho mấy ông già, thế là tha hồ được các ông già khen.
Với trẻ thì ông ta cho họ vào Hội, thế là đủ để định nghĩa ông ta tức là Hội rồi. 
Bà Ngọc Trai còn bảo bây giờ, Hữu Mai đang lấy lòng mọi người để lúc nào đó, trở thành Tổng thư ký.

- Việc tặng giải thưởng. Như ở Hội đồng văn xuôi chẳng hạn, thì Hội đồng đã thử phác ra một danh sách. Nhưng vừa phác ra với nhau thì đã có người phản đối. Sao lại không có Ông cố vấn, sao không có Xuân Thiều, không có Khuất Quang Thuỵ. Rút lại, toàn thấy kiểu ý kiến giống nhau của một phe nhóm.
Thế là danh sách đáng tặng bây giờ lên tới hàng chục.
Ông Kiên bảo: Nếu loạn quá, cuối cùng tôi sẽ thôi, không ủng hộ cái gì nữa,  ngoài cuốn Cỏ lau.

Theo cách nói của  Bùi Việt Sĩ báo Lao Động thì cấp trên cảm thấy có một tam giác quỷ, mỗi cái thâm độc một đường, phải đánh bằng được.
Ly thân đánh ta về tư tưởng
Những thiên đường mù đánh ta về lý tưởng
- Đám cưới không có giấy giá thú đánh ta về tổ chức
Bùi Việt Sĩ nói có một bài báo rất dài từ trên gửi xuống chửi Đám cưới không có giấy giá thú thậm tệ, và báo Nhân Dân nhất định sẽ đăng. Sở dĩ người ta căm ghét Ma Văn Kháng vậy, vì Ma Văn Kháng chửi cán bộ ta là toàn loại mõ, loại ăn mày cả.

Tôi nói với Ân:
Nếu ông Vũ Tú Nam có lương tri, tự trọng thì không bao giờ thông qua cái bài viết của Hội ở báo Văn nghệ vừa rồi, hoặc sau khi thấy báo đăng ra, phải cải chính.
- Còn nếu ông ấy cũng  nhận thức như thế, hoặc thấy người ta viết thế cũng phải, thì việc quái gì chúng mình phải đi báo động thêm cho mệt.
Ân: việc này chỉ gây thêm hận thù, chia rẽ
Trần Bảo Hưng kể: Các ông không được nghe ông Thi nói ở Văn nghệ quân đội. Nghĩa là ông ấy ỏn thót: chúng ta kêu gọi những anh em có sai lầm quay trở về với đường lối của Đảng, chúng ta hoan nghênh sự nhận thức lại vậy.
Cứ y như lời lẽ của một gã kêu gọi chiêu hồi vậy (xúi bỏ người ta từ bỏ chính mình để trở về với những nguỵ tín)

Cũng qua cách cắt nghĩa của Nguyễn Đình Thi, thì dường như đang có một nhóm chống Đảng, nhóm đó do Trần Độ cầm đầu.




( còn tiếp)


http://vuongtrinhan.blogspot.jp/2015/06/nhat-ky-van-nghe-1990.html






0. Bắt đầu

10-06-2015
Nhật ký văn nghệ 1989





Trong hai năm qua, tôi đã trình ra với bạn đọc những trang ghi chép về đời sống văn nghệ 1987 - 1989. các bạn có thể tìm lạitrên blog này 
    http://vuongtrinhan.blogspot.com/2013/08/chuyen-van-nghe-ha-noi-nghe-o-moskva.html
   http://vuongtrinhan.blogspot.com/2014/09/buoc-re-ngoat-cua-oi-moi-van-nghe-hai_22.html

         Dưới đây tôi chỉ mạn phép giới thiệu lại những trang ghi chép 1989, có liên quan đến Đại hội nhà văn VN lần thứ tư. 
         Đời sống văn nghệ thì phức tạp bản thân tôi chỉ nghe được một ít chuyện, từ nghe đến ghi còn nhiều rơi vãi. 
        Mặc dù vậy, tôi cứ trình ra ở đây với hy vọng là thúc đẩy một tinh thần hồi cố thật tỉ mỉ thật rộng rãi. Xét ở góc độ lịch sử, những người cầm bút thế hệ tôi trở về trước còn nợ các bạn trẻ hôm nay rất nhiều, chúng ta cần phải trở đi trở lại với quá khứ thì mới giúp nhau có được cái nhìn sáng rõ về các sự kiện trước mắt.
  
 Moskva đầu 1989
   
20/1
Ph, một nghiên cứu sinh ở “Đôm 5” bảo báo Văn nghệ sở dĩ bây giờ vẫn còn đọc được, đó là do sự mở ra của Nguyên Ngọc. Nên việc cách chức ông ta vẫn đánh mạnh vào xu thế dân chủ.
Ph. vẫn không thích những người hăng hái hôm qua, bây giờ lập tức cộng tác với báo Văn nghệ .
Ví dụ ngay lúc này Nguyễn Đăng Mạnh đã cho in ngay bài về Xuân Diệu là không nên.
Cố nhiên, vẫn Ph. nói, báo Văn nghệ cũng còn đọc được. Có ông Duật làm báo, thì nó mềm mại hơn ông Phạm Đình Ân hồi trước. Nhưng đúng là phần phê bình đang trở lại tình hình vớ vẩn, cũ kỹ, bài ông Trần Bạch Đằng, ông Mai Liên chẳng hạn.

 Báo Văn nghệ chán đi nhiều. Nhất là phần phê bình. Nhưng bài báo  của Lê Đình Kỵ Trần Thanh Đạm không ra sao. Phạm Tiến Duật khống chế hậu trường.
 Vậy mà Ban phụ trách mới vẫn có bài tự khen, tuyên bố báo vẫn chiếm được cảm tình của đông đảo bạn đọc.

Nghe nói một tờ báo Sài Gòn điểm lại tình hình năm vừa qua, kể rằng  đây là năm một số người sống, một số người chết; và có một người dở sống dở chết, đó là Nguyên Ngọc.
Nguyễn Khải, hai năm qua (từ Cái thời lãng mạn), không viết được gì. Lại chưa bao giờ bị chửi bới như lúc này.


 Cuộc sống ở trong dạng cũ. Người nọ trị người kia. Cánh bảo thủ thắng cánh muốn thay đổi.
Nhiều người ra sức bảo vệ ngày hôm qua, vì cho rằng văn học là chuyện riêng của họ, không ai được ngó tới.
Nguyễn Duy kêu lên: ối nước Nga ơi!
Nhân đây nghĩ về đổi mới ở Việt Nam và ở Liên xô. Bên kia còn có những trí thức nổi lên, và người ta nghĩ đến các tầng lớp trí thức như một chỗ dựa chắc chắn. Còn ở Việt Nam, chưa có báo chí, và cũng chưa có trí thức.

22/2
 Có những nỗi buồn cao đẹp, và những niềm vui đê tiện -- Ph. nhắc lại một câu của Nguyễn Đình Thi. Những người như Nguyễn Đình Thi và Chế Lan Viên, Anh Đức và Đào Vũ, Phan Cự Đệ và Hà Xuân Trường, Bằng Việt và Trần Ninh Hồ, Phạm Tiến Duật và Đỗ Chu… đang có những niềm vui của họ.  Loại niềm vui nào? Biết trông đợi vào cái gì bây giờ? Trông đợi có thể hóa giải ở họ chăng, không được.

11/3
  Ông Linh răn đe báo chí, nói là đang có việc lợi dụng báo chí để chống lại chủ nghĩa xã hội.

3/4
Bằng Việt ném ra một câu khinh bạc, ỡm ờ “Bây giờ chỉ ông Ngọc muốn đại hội thôi chứ chả ai thiết cả”.
        Nguyễn Đình Thi khinh người lắm, mới lấy Bùi Bình Thi làm thư ký toà soạn cho tờ Tác phẩm văn học.

15/4
Đọc một bài của Bùi Hiển thấy  ông già lẩm cẩm quá. Ngay đến bài của Đỗ Văn Khang cũng khen. Trong bài, nhiều câu sai ngữ pháp, nhiều chữ vốn là dành riêng cho chính trị, và khi cần định nghĩa về nghịch lý, thì định nghĩa cũng sai. Khi người ta phải viết những điều người ta không tin thì sinh ra thế chăng.

1/5
 Trong Giấc mộng đêm xuân của Mai Ngữ một khao khát chân thành như khao khát đổi mới bị mang ra xỉ vả, bôi nhọ. Tôi nghĩ đến tâm lý của Mai Ngữ.  Có lẽ là vì lão tiếc đời. Đời lão cũng khôn ngoan thế, mà vẫn chẳng nên cơm nên cháo gì, vẫn bị xã hội này cầm tù và làm hỏng, cho nên bây giờ lão tiếc, lão cay cú, lão muốn cho thối mãi đi, thối nữa đi, không ai ngóc đầu lên được.
Có thể có một lý do nữa là sau mấy chục năm đi với cách mạng, ở Mai Ngữ cũng lây lan cái cách nhìn của cách mạng hiện nay, vẫn có một chút tuyên huấn trong người cho nên, khi thấy cái đó là có lợi cho mình, thì con người cán bộ ấy lại xuất hiện.
      Sau hết, chắc chắn, ở Mai Ngữ, con người cơ hội vẫn còn, nên được dịp xổ ra. Đây đúng là một dịp tái sinh, một dịp cựa quậy cuối cùng, và sự thật là con người ta bản chất như thế nào thì cái lần cháy lên cuối cùng này hiện ra thành người như vậy.
Trong một bài chân dung văn học đăng ở VNQĐ, tôi đã từng nói tới khuôn mặt không hề thay đổi của Mai Ngữ.  Thời gian không làm cho khuôn mặt ấy già đi nhưng quả thật, nó đã già đã hỏng từ đầu, không thể hỏng hơn.

18/5
 Định xin phép sứ quán về Hà Nội dự Đại Hội nhà văn, rồi lại không xin nữa. Lúc đau quá, tôi nghĩ cái Hội nhà văn ấy, bây giờ gợi ra hình ảnh một đống đổ nát, ở đó, có những thứ người ta đáng còn dùng được mà đã vứt đi, và toàn bộ thì không ra hình thù gì nữa.
Đọc thư Nguyễn Khải gửi Ban chấp hành Hội nhà văn càng thấy như vậy. Khải nhìn mọi vấn đề chung từ góc độ quyền lợi riêng. Cái chất quan chức nó thấm vào tận xương tủy. Nũng nịu, điệu bộ đòi người khác phải đặc cách kính trọng mình, khỏi để mình bị tai vạ.
Khải không phải người sáng suốt, đến nay nhận định của Khải về Nhân văn Giai phẩm vẫn là hàm hồ. Và nhiều sự kiện lịch sử từ trước tới nay vẫn được Khải nhìn nhận dưới con mắt giai cấp. Có lẽ không bao giờ Nguyễn Khải trở nên một nhà văn có con mắt nhân bản chăng?
... Hình như xã hội đã làm hỏng các nhà văn, không chừa ai cả, và không một nhà văn nào hiểu cái cơ chế này đã nhào nặn họ như thế nào.

Có một số cây bút mới được kết nạp vào Hội. Người được kết nạp cố nhiên là ủng hộ, cái sự ngăn chặn đổi mới mà họ vu cho là đổ máu rồi. Khái niệm nhà văn trở nên rẻ rúng. Không bao giờ  lại hình dung những người như mấy ông như X. Y .Z. cũng là nhà văn.

Dương Thu Hương đưa ra một nhận định khái quát (trong một lá thư gửi một cậu Đặng Việt Bảo nào đó):
 - Đa số anh em ở nhà đều hoang mang
- Mong rằng thế hệ sau sẽ khá hơn thế hệ này.
Nghe tin Đại hội mỹ thuật mất một ngày bầu chủ tịch đoàn. Chỉ bầu được có 4  ủy viên chấp hành. Quân mất chức đâu chỉ vì cái câu chó cứ sủa đoàn người cứ tiến (ý muốn nói giữ nguyên cách điều khiển Hội như cũ ). Sau khi họp xong, Quân đi viện.

1/7
 Thanh Quế kể (Trần Đình Nam thuật lại):
-- Ở Hà Nội bây giờ đến Hội Nhà văn, thằng nào cũng sẵn sàng mời mình chén trà, chén cà phê, để nói xấu những thằng khác.
-- Làm báo như Hoàng Minh Châu thực khổ. Cái gì thằng Thỉnh nó cũng có ý kiến. Nó là Phái viên của Ban chấp hành cơ mà. Ông Thi đã khéo chọn được người của mình. Ấy, nó chỉ đạo mọi thứ thế, nhưng ký thì Hoàng Minh Châu phải ký, tức phải chịu trách nhiệm.
 Cả ông Thi, ông Chính Hữu phải lo làm báo. Chỉ có tờ báo là chỗ tranh luận.  Duật, Hồ đang là 2 con ngựa khỏe. Đâu NgĐThi định đưa Duật lên làm Phó tổng biên tập, nhưng Hồ phản đối. BênTác phẩm văn học, Bùi Bình Thi cũng có thể lên phó tổng biên tập nữa.

Cảm tưởng của tôi về xã hội, về văn học: một cái gì  yếu ớt, nhạt nhẽo, mà bên ngoài dơ dáy, nhếch nhác.
Người nói lên tiếng nói cộng đồng trong lúc này là ai? Là Nguyễn Huy Thiệp, một thứ con hoang, dị dạng. Nhưng còn là chính lão Đỗ Văn Khang, bạ cái gì cũng dở giọng bàn góp lý sự cùn, nói lấy được. Văn học là ông Khải muốn thay đổi mà lại muốn giữ nguyên các giá trị như ngày hôm qua. Là ông Lê Lựu viết những quyển sách rất hay, bằng thứ văn rất dở, như cho người ta ăn thứ cơm tám thơm đầy sạn, mà bát đũa thì nhơ nhớp.

12/8
Tôi đọc một vài bài tiểu luận về tình hình văn học gần đây, và thử hình dung ra khuôn mặt một số người.
-  Vũ Tú Nam, một thứ chủ nghĩa bảo thủ dịu dàng, chừng mực, nhưng bảo thủ tận trong xương tủy. Ta đã XHCN sẵn rồi, chỉ cần thêm XHCN  chút nữa mà thôi. Ta kết hợp cả hôm qua và hôm nay. Ta có nhân dân, có đất nước. Làm như ông, chỉ đẻ ra một nền văn chương nhạt nhẽo.
- Ngô Văn Phú với bài Sự nghiệp văn chương trên báo Nhân Dân rõ ra vẻ một ông nông dân, luôn luôn tự hào, ta chẳng đổi thay gì, xưa nay, ta vẫn là ta, chớ có suy nghĩ gì, làm là được. Chúng tôi là những người lao động, tôi nắm chân lý. Một thứ hãnh tiến của một đầu óc cấp huyện!
-  Nguyễn Kiên, có vẻ nhìn xa hơn một chút và hiểu rằng , có những cái mới, nhưng cũng không đủ sức thay đổi.
- Ma Văn Kháng, trải đời rồi, hết hy vọng rồi, chỉ còn tin vào chính mình. Và một câu thầm reo trong lòng rồi hoàn cảnh nào, ta cũng sống được.

Hà Nội cuối 1989

16/10
 Chuẩn bị đại hội. Còn có việc gì quan trọng hơn thế nữa , lúc này?
LN Ân không biết lấy ở đâu ra một danh sách.
Những người không nên đưa vào ban thư ký (Nguyễn Khải, Nguyên Ngọc, Nguyễn Khoa Điềm);
         những người không nên đưa vào ban chấp hành mới(Nguyễn Kiên, Giang Nam....);
        những người nên đưa vào, họ lại đều là Ban chấp hành cũ ( PCĐệ, Xuân Trường.,..)

Trần Đăng Khoa, từ lúc ở Moskva, đã kể với tôi về 3 loại người không được đưa vào Ban chấp hành: loại phủ nhận, loại công nhận có 2 thứ bá quyền, loại gây mất đoàn kết.
 Ai đã đưa ra những tin đồn này? Có khi là cấp trên không biết chừng.

17/10
Thay đổi lớn nhất ở Hà Nội mà ở Moskva tôi không biết —  đã có một Nghị quyết mới về Văn nghệ lật ngược tình thế. Gọi là Nghị quyết 7.

Chiến tuyến  tập trung cả  ở báo Văn Nghệ.
Báo đăng bài tường thuật cuộc họp mặt ở Sài Gòn trước đây ít ngày, nhằm tuyên truyền cho Đại Hội theo hướng BCH hiện nay. Bàì viết đơn giản hơn nhiều so với thực tế. Nghe nói Triều Dương được giao sứ mệnh vào tổ chức.
Nguyễn Duy là chi nhánh trưởng của báo ở Sài Gòn, nhưng không được biết gì cả. Bọn Nguyễn Quang Sáng, Lý Văn Sâm, Vũ Hạnh, Sơn Nam không dự (được giới thiệu là bận công tác không đến được).
         Nghe Trần Hữu Tá viết thư ra cho Ng Đ Mạnh nói rằng người ta, -- những người đứng đắn ở trong đó, dân Sài Gòn cũ, - cũng thấy kinh hãi về các trí thức xã hội chủ nghĩa, M Liên, Tr Th Đạm v.v..
       Lê Trí Viễn gọi đó là văn chương chỉ điểm. “ Đội hành quyết” thì  gồm có Anh Đức, Phạm Tường Hạnh v.v..
Lúc đó Nguyễn Khải đang ở Sài Gòn. Trong buổi họp đó, Khải dự nửa chừng rồi bỏ về.
Nhưng báo Văn nghệ số 40, đăng một bài phát biểu của Nguyễn Khải, có mấy ý quan trọng:
--mọi tội là của lãnh đạo (Nh: ý nói ông Trần Độ).
--Văn học không thể làm mất lòng tin của con người. Đổi mới phải từ từ.
-- Nhà văn không ai bị thiệt trong đổi mới, nên có ai bảo thủ đâu... Không nên chê các bậc đàn anh. Các anh ấy đã rất vất vả trong việc xây dựng Hội. Có ai được hưởng quyền lợi gì lắm. Cho nên đừng có tấn công họ.
Ai có thể tưởng tượng đến lúc này, Nguyễn Khải còn nói như vậy.

Hôm nay thấy Nguyễn Khải đang đi xe đạp trên đường Lý Nam Đế, dáng béo phị, khệnh khạng, tôi cúi mặt không dám chào ông nữa. Có cảm tưởng là mất thật rồi, cái con người mà mình xưa nay kính trọng, yêu mến, đôi khi thần tượng hóa nữa. Nay thì tình yêu đó đã hết, tôi chẳng còn gì để nói với Nguyễn Khải nữa, ngoài sự chán ngán mà tôi phải giấu kín không thể hiện.

 Võ Văn Trực sang nhà tôi chơi, kể chuyện. Chán báo Văn Nghệ lắm. Bọn Duật thao túng tờ báo, số nào Duật cũng có bài. Vì Duật lại phụ trách phần lý luận và thời sự, tức là điểm mũi nhọn của báo (ở Moskva, Nguyễn Kiên kể rằng bây giờ, bị người ta ghét nhất, có lẽ là Phạm Tiến Duật).
Một lần Duật làm một trò rất nhọ. Họp công tác viên, để “quán triệt Nghị quyết 7”. Mời đâu 30, mà chỉ có 13 người đi; toà soạn phải huy động ngồi vào đấy cho đủ chỗ. Lần sau, mời 20, đi có 4, rồi xuống nhà thấy có 2 người nữa là 6.
Chả mấy ai nói chuyện gì tử tế cả.
Nhưng cũng có người như Phong Lê, rất căng. Các anh đừng có áp đặt chúng tôi về người nọ người kia...
 Nguyễn Đăng Mạnh bảo vào tai tôi, Phong Lê còn đang múa máy đấy thôi. Nhưng trên cho người của nó đến, nó bảo mấy câu là lại co vòi ngay.
 Có một bài viết giọng chỉ đạo ký Tr P Lộc .Tôi hỏi Võ Văn Trực,  Tr PLộc là ai ? Trực bảo không biết. Cả báo Văn nghệ chỉ có ba người biết là Hữu Thỉnh, Hoàng Minh Châu và Duật. Và 3 người đó giữ được bí mật.

Trực kêu không hiểu sao ông Thi ông ấy lại đi dùng những Duật, Bùi Bình Thi.

Ân nói về bài Khải (Văn nghệ số 41), không hiểu sao, Khải bây giờ còn cần gì nữa, mà vẫn muốn lấy lòng bọn Nguyễn Đình Thi. Tôi nghĩ Khải là vậy, phù thịnh, ai lên thì theo. Vì biết rằng phe của Thi sẽ toàn thắng, nên chịu thua ngay từ bây giờ là xong.
Nguyễn Đăng Mạnh nhận xét về Thi.
-- Về học vấn, kiến thức, có thể chê điều nọ điều kia. Chứ về ứng xử trong chính trị thì tuyệt. Với văn nghệ, đó là một đao phủ thủ có bàn tay nhung.

Đại hội nhà báo, bầu ra một ban thư ký mới, trong đó có Kim Hạnh. Cô Hà thư viện bảo, Hội nhà văn nghe tin này chẳng thú vị gì. Đến cả ông Phạm Hổ cũng khó chịu.

22/10
 Hình như thực chất của Đại hội là cấp trên thì muốn xiết văn nghệ lại và ở dưới thì  bên cạnh một bọn hoan hô việc riết lại đó để kiếm chác, một bọn muốn tiếp tục giẫy ra như năm ngoái năm kia.
Nhưng cấp trên là ai ?
Nghe dân Văn nghệ quân đội  kể, trong cuộc họp về Nghị quyết 7, ông Nguyễn Nam Khánh chửi bới Nguyễn Khắc Viện ghê gớm. Đó là con một viên thượng thư từng đàn áp Xô viết Nghệ Tĩnh đã sang học bên Pháp, nay lại trở về, dạy không chúng ta về Xã hội chủ nghĩa.
(Nói chung, các nhà lãnh đạo cỡ này, giọng lưỡi có khác nhau mấy tý).

Nhưng ông Nam Khánh chẳng qua nói lại lời ông Linh.
Lại nhớ cái lần ông Khải bảo chúng ta có một ông Tổng bí thư tuyệt với, một Tổng bí thư không nói chuyện cao siêu mà toàn bàn chuyện cụ thể.
Lại nhớ cái lần Ân viết ngay trong thư riêng (tức là những ý nghĩ tự nguyện của Ân) Văn nghệ đang đi ngược lại tinh thần Nghị quyết Đại hội VI...
Chúng ta chưa hiểu cấp trên, cái đó một phần. Nhưng đáng sợ là cấp trên hay thay đổi.
Nguyễn Đăng Mạnh diễn tả khá hay về chuyện này:
- Lúc đầu mình tưởng bản chất của chủ nghĩa xã hội là dân chủ, và làm như vừa rồi là sai, nên mới đề nghị thay đổi. Còn nay, thì đã hiểu. Bản chất của chủ nghĩa xã hội là mất dân chủ rồi, còn gì phải nói nữa.

Nhưng bên chính trị cũng có những chuyện phức tạp của nó. Có một nhân vật mới nổi là Trần Xuân Bách. Trước kia chửi NVL (Đổi mới là gì, là NVL cộng với mười nhà báo), nay lại cười giễu việc Việt Nam lo lắng về Ba Lan. Và cho rằng chủ nghĩa xã hội chỉ có 2 khả năng, một là mở rộng dân chủ như Đông Âu, hai là đàn áp như Trung Quốc. Nghe nói bên trên có một cánh muốn đi với Mỹ, một cánh muốn kiên trì kiểu cũ, hai bên xung đột với nhau.
Thế thì còn biết đằng mù nào mà lần!
Trở lại chuyện Đại hội. Phe Nguyễn Đình Thi làm việc ráo riết. Mai Liên ở Sài Gòn ra bảo đã chuẩn bị rồi, loại như Ngô Thảo mà lên diễn đàn, thì sẽ có ai đáp lại.
Ân đưa tin là không biết chừng, Xuân Trường lại muốn làm Tổng thư ký hội, và trên lại sẵn sàng giới thiệu (cũng như Hồng Chương cuối đời về làm báo. H X Trường đã 66 rồi, còn việc gì sang trọng hơn về nắm Hội nữa).
Rồi Ân kể rằng nghe tin này, Ma Văn Kháng bảo không thể thế được, phải xáp vô.

 28/10
Chuẩn bị Đại hội Nhà văn, ngày 23 và 24 học Nghị quyết.
Ngày 25 và nửa ngày 26 nghe ông Hai Tân nói chuyện. Thấy mừng vì Trưởng ban mới không ra mặt áp đặt lắm. Ông kể là ta không muốn mà phải rút quân Campuchia. Vậy Đảng ta sẽ chấp nhận mọi diễn biến thực tế.
Bắt đầu có những ý kiến đề xuất việc này việc nọ. Cao Tiến Lê đề nghị Ban chấp hành có kiểm điểm. Trần Mạnh Hảo than thở, thân phận văn nghệ bị nghi ngờ quá. Thùy Mai đọc thư đề nghị xét lại trường hợp Bùi Minh Quốc.

Ngày 26, thảo luận quy chế đại hội, bầu chủ tịch đoàn. Tô Hoài lai rai, đòi ở chủ tịch đoàn bị Phan Hồng Giang tố cáo là sắp đi Le Caire, đừng có đòi chủ tịch  đoàn nữa.
 Gạt được Tô Hoài, Phan Tứ đưa được Lê Minh, Ý Nhi, Cao Tiến Lê vào (một chỗ của Lê Giang).
Bắt đầu những chất vấn ở đại hội. Phạm Tường Hạnh chất vấn Sông Hương, Tô Nhuận Vỹ trả lời v.v..
Thái Bá Lợi chất vấn báo Văn Nghệ Trần Phú Lộc là ai, là Trần Trọng Tân hay sao v.v..
Ngày 27, bắt đầu đề cử người vào chấp hành. Sau đó cãi nhau tiếp. Nhiều người bênh Bùi Minh Quốc.
Sự kiện quan trọng buổi chiều 27: đọc thư của Trần Độ, đánh giá công tác của ban Văn hoá văn nghệ tham gia vừa qua.
 Đại ý sau Đại hội 6, tôi (Trần Độ ) đã mang suy nghĩ nhiều về Văn hoá, thấy văn hoá là quan trọng đã suy nghĩ về trí thức, chắc rõ ta có trí thức tốt, phải giúp họ phát huy sức mạnh giúp Đảng đưa xã hội tiến lên.Thấy rõ ngoài phần chung của Đảng, của nhà nước, có phần riêng của mỗi người. Lãnh đạo chỉ nên định hướng rộng, và để nhân dân tự do chọn món ăn.
Trần Độ tự nhận mình là nông dân là tiểu trí thức nông thôn, phải học hỏi thêm. Trong thái độ với trí thức, mình có lúc có thô bạo, nhưng tấm lòng thì vẫn là kính trọng.
... Lá thư 21 trang của Trần Độ được Nguyễn Văn Hạnh đọc rất đĩnh đạc. Nhiều đoạn vỗ tay. Và sau cùng, vỗ tay kéo dài. Tôi nói với Nguyễn Đăng Mạnh, ông Độ có tư tưởng độc lập, tuy vẫn là người cộng sản chân thành.
(Trần Độ có nói “những ý tưởng của tôi còn đang là thiểu số nhưng ta sẽ chiến thắng”).
Mạnh bảo ông Độ chịu đọc lắm nên đáng trọng lắm.
Sau khi đọc lá thư, Nguyễn Văn Hạnh bốc lên, nói rằng mình chia sẻ với mọi tư tưởng của Trần Độ. Rằng những ý tưởng của Trần Độ cần được suy nghĩ. Nguyễn Văn  Hạnh tỏ ý tin tưởng ở đổi mới, ở đại hội nhà văn lần này. Ông còn nói qua mấy ngày chuẩn bị đại hội, thấy rất đáng mừng. Đây là sự thức tỉnh của lương tri dân tộc.

Gặp nhau sáng 26, 27,  nhiều người đã rất mừng, rõ ràng đại hội kỳ này dân chủ phe cấp tiến thăng phe bảo thủ.Thanh Thảo bảo quân ta đã đến Phan Rang rồi. Phải cẩn thận, nhưng nghe đâu, phe địch đã được lệnh tuỳ nghi di tản.
Tối 26, có buổi nói chuyện về Nguyễn Huy Thiệp ở Thư viện Hà Nội. Phe cấp tiến nhiều nhà văn tới dự. Ý Nhi loan báo đại hội rất đáng mừng, rằng chúng tôi sẽ tính lại chuyện anh Nguyên Ngọc, chuyện Bùi Minh Quốc v.v..
...Nhưng đến sáng 28/10, đúng ngày Đại Hội khai mạc thì tình hình lại ra chiều ngược lại.
 Đầu tiên là nghe nói đêm hôm trước có buổi hợp Ban bí thư với các đảng viên trong chủ tịch đoàn + các đảng viên trong Ban chấp hành khoá cũ.
Đến trưa thì nghe Hữu Thỉnh nói là sẽ có Hội nghị Đảng viên vào ngày
29/10.

[4/11]
Thì ra tình hình thế này:
Từ mấy hôm trước, bọn Duật, Đỗ Chu, Đào Vũ... đã lên trên kêu là Đại hội hỏng rồi.
Ban bí thư gặp Ban chấp hành và Chủ tịch Đoàn (chỉ ai là Đảng viên), ở đó mẹ Tú và mẹ Thường kêu la đủ chuyện.
Thậm chí ông Tân (đúng không?) phê phán Nguyễn Khoa Điềm. Tại sao ở Hội nghị Ban chấp hành đã đồng ý theo thể thứcĐại hội bầu ban chấp hành, rồi chấp hành bầu Tổng thư ký, đến Đại hội này lại theo ý kiến anh em, bầu Tổng thư ký trực tiếp.
Nguyễn Văn Bổng, Nguyên Ngọc phải bênh, không, ra hội nghị thấy anh em nói có lý, nên mới làm như vậy.
 Nhưng điều quan trọng nhất, là lá thư ông Độ đã truyền bá một quan niệm khác quan niệm của Nghị quyết 7, cho nên các ông rất không bằng lòng.
Trong số những người đến dự khai mạc, có ông Sáu Thọ. Nghe nói ông quát hỏi Nguyễn Văn Hạnh.
 “Tại sao anh đọc thư Trần Độ”
 “ Có nhiều người đề nghị......”
“Tại sao lại bầu Tổng thư ký trực tiếp”
 “ Anh nên tin ở anh em”.
Hội nghị đảng viên sáng 29/10 là để đối phó lại với lá thư ông Trần Độ là chính. Ông ĐDTùng phân tích là lá thư đó đã hình thành ra sao, ông Độ chỗ nào được, chỗ nào chưa được v.v..
Giá kể hồi trước, có cáo già Tố Hữu thì tình hình đã quay ngoắt lại ngay. Nhưng nay là các ông chính trị chay, nên họ cũng e dè hơn. Họ chỉ sợ giới  nhà văn nghe ông Độ hơn nghe các đại diện chính thức của Đảng.
Trên nói ra miệng là không áp đặt gì. Những người thuộc giới văn nghệ phát biểu cũng không muốn trên áp đặt.
Huy Phương nói rằng mất đoàn kết là ở Ban chấp hành cũ. Là do bộ máy lãnh đạo cũ tha hoá, trở thành trung gian không đáng tin cậy.
 Phong Lê – người xưa nay vốn rất cứng  -- lại lên tiếng tố cáo bài viết của Anh Đức trên báo Nhân Dân và một số bài của những người khác, trên báo Văn Nghệ, là có ác ý, báo động giả.
        Nông Quốc Chấn thì cho là...không bình thường và hình như Đại hội được tiến hành để tấn công Ban Chấp hành cũ.
 Nguyễn Đình Thi muốn đẩy quả bóng lên trên, xin Ban Bí thư có gợi ý. Ông bảo nói như anh Hạnh là không được, phải nói toàn diện, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã thức tỉnh.
Ông Bổng xin lên phát biểu cuối cùng. Ông bảo Đảng có thể yên tâm vì đây là anh em chiến đấu về cả. Đảng hay nói anh em là tốt, nhưng đừng bao giờ để anh em lại hiểu rằng nói vậy thôi, còn bên trong, Đảng vẫn nghĩ khác.
Không, anh em tốt thật, nếu anh em có chút băn khoăn về Chủ nghĩa xã hội băn khoăn về Đảng, thì đấy cũng là chuyện bình thường.
Hình như các đồng chí quá lo về chuyện bầu Tổng thư ký. Nhưng Tổng thư ký bầu ra có sai nữa, thì còn có chi bộ Hội nhà văn, còn có Đảng bộ, còn có khối Tư Tưởng Văn hóa, còn có Thành uỷ, còn có Ban chấp hành TW… Có gì mà các đồng chí phải ngại.
Ông Bổng nói rất hay và anh em hoan nghênh.

Sau đó, Đại hội lại diễn ra bình thường.
Kể từ ngày trù bị, cho tới ngày Đại hội, có thể chia làm 2 phái. Phái diều hâu, mà hàng đầu là Anh Đức, Phạm Tường Hạnh, MQLiên, và số đông anh em VNQĐ, được Nguyễn Đình Thi ủng hộ. Lập luận của họ là vừa rồi ta đã sai, đã làm bậy nhiều. Phải trở về với Nghị quyết 7 ngay lập tức. “Đấy là cái đang cần cho chúng ta”.
Phạm Tường Hạnh chửi Trần Độ, tố cáo Sông Hương (bảo làSông Hương không có bài về Sinh nhật HCT, về Chế Lan Viên...)
Một chi tiết bất ngờ. Người ta nói rằng nhờ có Phạm Tường Hạnh khiêu khích thế mà bức thư ông Độ mới được công bố.

Mai Ngữ hiện ra thật kinh khủng. Ông ta vào chuyện: Người ta nói tới chuyện vụ án. Tôi biết có những vụ án kinh khủng hơn.
 Năm 76, Hội đang hoạt động bình thường tự nhiên lập ra Đảng Đoàn, với ông bí thư hách dịch chỉ thích đi nước ngoài. Từ đó, Tổng thư ký cũ chỉ còn là cái bóng thui thủi...
Rồi đến vụ báo Văn Nghệ, vẫn con ngựa ấy với người đánh xe ấy. (Trần Độ và Nguyên Ngọc).
Rồi những ngày vừa rồi. Ban Văn hóa văn nghệ tập hợp tuy - ô của mình, đi gặp đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh. Ban văn hoá văn nghệ  đưa ra Ban trù bị, định vô hiệu hoá Ban chấp hành cũ.
Nhưng tất cả lại đầy tội lỗi, lại tan nát.
Nghe anh em nói, lúc Mai Ngữ đọc, đã có nhiều tiếng ở dưới hội trường vọng lên: Đồ chỉ điểm...Đồ chống Đảng. Đọc xong ông ta đờ đẫn đứng bên cạnh mi - crô, không biết đi về đâu. Nghe tiếng hét của mọi người, mặt mũi ông ta xám ngoét đi. Ai đó nói rằng bấy giờ ông ta giống như một tên chiêu hồi, sau khi khai báo xong, tự nhiên sinh ra sợ hãi thất thần.

Nguyễn Văn Bổng bình luận: Ai nói những điều xấu xa thì tự người đó xấu thôi.
Sự phản công lại của phái nghịch cũng không lấy gì làm đẹp lắm. Thu Bồn, Nguyễn Duy nói dông dài không vào vấn đề. Dương Thu Hương quá cảm động (hay bản chất Hương là vậy), nên nói không hay. Và chẳng những vậy, vấn đề Hương bàn cũng quá rộng không thích hợp với không khí đang giằng co nhau.
Có nhiều sự ngẫu nhiên. Hoàng Quốc Hải nói gãy gọn về một số yêu cầu pháp luật. Mã A Lềnh đề nghị biểu quyết về quyết nghị của Ban chấp hành cũ.
Có lúc tôi nghĩ thật tự hào về anh em mình.
Nhưng đấy là những khi nghe phát biểu.
Đến lúc đi vào công tác tổ chức thì các lực lượng cấp tiến rời rã thất bại.
Nghị quyết cũ về Báo Văn nghệ không bị bác, người ta đã mệt không ai muốn tranh cãi nữa.
 Bầu cử.
Ngay từ đầu, Hữu Thỉnh đã trúng số phiếu cao (dù rất nhiều ý kiến phê phán báo Văn nghệ và Thỉnh ngậm miệng ăn tiền, nhất định không thò ra nhận lỗi).
 Ông Chính Hữu bảo rút không rút.
Nhất là Nguyễn Khải lì lợm, đợi đến vòng 2 cũng đợi, không chịu rút. Ai đó bảo mồm Nguyễn Khải bây giờ như đít vịt ấy mà...
Sở dĩ vậy, vì Nguyễn Khải mấy lần nói với chung quanh là nhất định phen này lão sẽ rút.
Cuộc đời có gì phiền muộn hơn mình nghĩ. Cuộc đời có gì thật vớ vẩn. Mà cũng đúng thôi! Lúc đổi mới là như vậy.
Rút cục, ai muốn cái gì được cái ấy.
Phe cũ được quyền lực.  
 Phe mới được nói.
Sau đại hội, nhiều người vẫn có thể ngẩng mặt lên mà chửi bọn cơ hội, thế là được lắm rồi. Họ đâu biết rằng ngày mai sẽ khác.

11/11
Đến cơ quan, nghe được một vài mẩu chuyện người ta nói chung quanh Đại Hội mà mình không biết.
 Vũ Bảo nhớ lại Đại hội 1983 thật là mất dân chủ. Chúng tôi muốn họp đại hội toàn thể. Anh Hoàng Tùng mắng chúng tôi nhà văn không thể nói ngược. Tôi đáp lại không, chúng tôi nói xuôi, viết xuôi. Chúng tôi không phải là người ca Liên Xô rồi chửi Liên Xô, ca Trung Quốc rồi lại chửi Trung Quốc...May mà Đại hội này đã khác.

Cuộc đổi mới, bắt đầu từ lúc bầu Chủ tịch Đoàn. Cao Tiến Lê bảo nếu có thời gian có thể viết được quyển sách 200 trang về Chủ tịch Đoàn. Mụ Lê Minh và mụ Ý Nhi cái gì cũng có ý kiến, cái gì không thích thì bỏ ra, nghe được thằng nào xui mấy câu, lại vào lại đòi. Lê Minh dám gọi mấy ông Trung Ương là thằng, còn sợ ai nữa.
Ý Nhi kể, lúc bàn để thông qua Nghị quyết về việc mỗi ứng viên ban chấp hành chỉ được 2 khoá, Nguyễn Đình Thi bảo:
-- Nhỡ có những nhà văn làm vinh dự  cho uy tín dân tộc
Ý Nhi :
-- Không, hãy ra cái đã. Bây giờ chưa có nhà văn loại đó đâu, mà chỉ có những nhà văn làm ô nhục cho uy tín dân tộc thôi.
Ông Thi im.
Lại như khi bàn về bản tuyên bố cuối cùng của Đại hội, trong đó có việc đánh giá Bản báo cáo của Ban chấp hành. Lê Minh nói rằng bản báo cáo là không chính xác, và Ý Nhi bảo là không trung thực. Nguyễn Đình Thi đỏ mặt lên vì làm vậy là xúc phạm đến ông ta, xúc phạm tài năng của một người có tiếng là viết báo cáo giỏi từ xưa tới nay.

Ông Trần Bạch Đằng có lần ra mặt đàn anh. Anh Thi phải bình tĩnh mới được. Anh có thể ra ngoài 5 phút để nghĩ. Mỗi người trong chủ tịch đoàn có thể đề nghị một phương án của mình nên có một tuyên bố như thế nào.
 Rõ ra Trần Bạch Đằng tỏ ý xoa đầu Nguyễn Đình Thi.
Đỗ Chu đi khắp nơi xin phiếu. Anh cho em một phiếu. Này, nhớ thêm cho thằng này một phiếu nhé. Chu lại còn đi viết hộ các cụ và cứ thế, để lại tên mình, tất nhiên.
Đỗ Chu lúc nào cũng tất bật xông ra với mọi người, muốn hô hoán một điều gì đó với mọi người.
Năm ngoái, Chu từ Bắc Ninh ra ở ngay trong cơ quan Văn nghệ quân đội, đi tham gia vào vụ đánh dẹp Nguyên Ngọc, nói Nguyên Ngọc không ra gì.
Năm nay, sau khi Đại hội bầu ra Ban chấp hành mới, cùng với việc Triều Dương đến chúc mừng Nguyên Ngọc, lại thấy Đỗ Chu mời Nguyên Ngọc uống bia.

Nghe người ta kể trước lúc ra họp, Anh Đức đã chuẩn bị làm Tổng thư ký. Đã có diễn văn nhậm chức. Trong khi  Trần Mạnh Hảo chuẩn bị quần áo để đi tù (vì quyển Ly thân), thì Anh Đức chuẩn bị quần áo để nhậm chức Tổng thư ký và sẽ ở lại Hà Nội sắp xếp công việc.
Trước khi ra Bắc họp Anh Đức mở tiệc khao quân ở nhà mình. Trên máy bay, Anh Đức còn hỏi Nguyễn Khải:
-- Ông thấy tôi nên chọn ai làm phó, Vũ Tú Nam hay Bằng Việt?
Xuân Tùng cung cấp một chi tiết: Trong thời gian họp, Anh Đức viết cho Ngọc Tú (trong Ban Tổ chức Đại hội) mảnh giấy, chị sắp xếp cho tôi, anh Bảo Định Giang, anh Phạm Tường Hạnh, Mai  Liên chúng tôi phải ngồi cạnh nhau để tiện sắp xếp công việc.
Rồi Anh Đức thực hiện đúng như vậy. Cánh Anh Đức luôn tách ra, ngay khi cả vào nhà ăn. Nhưng anh em họ cũng cho đám thầy trò này những vố khá đau. Có trưa, thấy mâm Anh Đức còn thiếu người,  anh em họ vẫn lảng, họ không đến gần. Nhà ăn khá đông, vậy mà thày trò cứ ngồi trơ ra đấy, chờ người cho đủ mâm. Mấy bữa sau, một người trong bọn phải báo cháo.





Ai đó kể, Anh Đức với mấy người cùng đám lên gặp ông Linh. Ông Linh (hay bọn giúp việc) không cho gặp. Anh Đức cằn nhằn rằng ở Sài Gòn tôi muốn gặp ai, muốn lúc nào cũng được.
Lại lên gặp ông Phạm Văn Đồng. Nhưng đang đi bộ trong trong vườn, thấy bọn Anh Đức từ xa, ông Đồng đã xua,ý bảo về mà giải quyết việc với nhau.
Có bao giờ những điều trong hậu trường này được viết ra?
Dạo này anh em hay kể về nhật ký Nguyễn Huy Tưởng. Ở một Đại hội nào đó, ông Tưởng đã ghi “Cụ Hồ đến, Công an nhan nhản” “ Cụ Hồ lại đọc một bài thơ nhạt thếch! “
Trong Đại hội lần này, anh em kể dưới gầm bàn chủ tịch đoàn có đặt máy thu. Phòng họp chủ tịch đoàn cũng có máy thu, Chủ tịch Đoàn nói gì thu vào đấy hết.
Vậy mà có nhiều chuyện rất liều. Cao Tiến Lê kể Ý Nhi  dám cãi nhau tay đôi với Lê Đức Thọ. Ông kia bảo ”Tại sao lại bầu Tổng Thư ký. Như thế là không được ?“.”Nhưng anh em thấy được bác ạ!” Ông Thọ chịu.
Ngô Thế Oanh kể, văn phòng ông Thọ gửi thư đến, bảo Đại hội nên mời Lê Đức Thọ nói chuyện. Chủ tịch đoàn có bàn chuyện này. Nguyễn Đình Thi không có mặt hay sao đó. Và Trần Bạch Đằng gợi ý trả lời:
1/ Có nói thì cũng không làm đảo lộn chương trình nghị sự, vì chương trình đã bố trí chặt.
2/ Chỉ nói trong 10 phút.
Ông Đằng cay vì chuyện chính trị nên chơi ngang vậy (với Nguyễn Đình Thì, Trần Bạch Đằng căm từ hồi lâu, năm 1974 Nguyễn Đình Thì vào R, Trần Bạch Đằng không tiếp mà đẩy đi mặt trận ngay).
          Sau việc này, không thấy văn phòng Lê Đức Thọ nói gì nữa.

2/12
 Đại hội nhà văn qua đi. Được cái gì ? Hình như không được cái gì. Tôi thấy hụt hẫng.
Tại sao những Hữu Thỉnh Ngọc Tú Hữu Mai lại được bầu vào Ban Chấp hành. Tại vì họ đã được ông Thi chọn. Nghĩa là được bộ máy chọn. Bộ máy ấy đã làm việc để nâng cao uy tín của chính những người đứng máy. Chỉ có tiêu chuẩn cánh vế chính trị chứ không có tiêu chuẩn chuyên môn chất lượng sáng tác.
Một lý do sâu sắc nữa - ấy là sự ngớ ngẩn của đám đông - cái đám đông mà tôi đã miêu tả - họ chẳng khác những con cừu.
Những điều này có liên quan đến sự định hướng hoạt động của tôi thời gian tới.
Nói chung, cách đi ẩn giữa đời vẫn là sự lựa chọn tốt nhất.
Dương Thu Hương lên tiếng bảo những Trần Đại Nghĩa, Kim Ngọc từng kêu gọi Đảng phải biết ơn nhân dân chứ không phải chỉ có nhân dân biết ơn đảng. Đọc vào tôi đã thầm nghĩ, thật  ngây thơ quá, nói những sự đơn giản ấy làm gì. Nhưng cùng lúc tôi lại nghĩ, dẫu sao Dương Thu Hương cũng tốt hơn mình, dũng cảm hơn mình, không có những run rẩy sợ hãi, khi nói về chuyện đó. Lúc nghe cũng vừa sướng vừa sợ. Tôi ấy!
Lại như khi thấy bọn Lý luận phê bình bây giờ tranh luận. Trần Hữu Tá lấy nghị quyết 5 ra chống lại Nghị quyết trung ương 7, Phạm Tường Hạnh lấy cớ nghị quyết 7 ra sau để cãi lại v.v.
Tôi muốn nói một câu đơn giản trước tiên không được chơi trò này nữa.

21/12
 Trên Bản tin tham khảo có một bài phân tích Các hội chứng của Chủ nghĩa xã hội hành chính ở Đức:
- Tập trung quyền lực trong một nhà độc tài kiêu ngạo. Điều khiển kinh tế thông qua một trung tâm chỉ huy thiếu hiểu biết.
- Quy chế hoá và tập trung hoá quan liêu nền văn hoá. Khoa học và giáo dục đều đã xua đuổi nhiều bộ óc có tính chất phê phán ra khỏi đất nước.
- Áp chế chính trị với công dân, buộc tội người khác chính kiến.
Biến cảnh quan thông tin đại chúng thành một sa mạc thông tin ảm đạm, thành một hệ thống đưa tin cung đình ghê sợ.


- Gạt bỏ cơ sở Đảng ra khỏi mọi quá trình bàn bạc...

http://vuongtrinhan.blogspot.jp/2015/06/nhat-ky-van-nghe-1989.html

2 nhận xét:

  1. 2.
    http://vuongtrinhan.blogspot.jp/2015/06/nhat-ky-van-nghe-1990-phan-ii.html

    Nhật ký văn nghệ 1990 (phần II)
    Lời dẫn

    Tình hình Hội nhà văn 1976 - 1990 gắn liền với các hoạt động khôn ngoan đi kèm với sự hiểu biết xác đáng về thực trạng xã hội VN hậu chiến của người Tổng thư ký Hội từ 1958 – Nguyễn Đình Thi:

    -- 1976, theo chỉ thị của trên, Nguyễn Đình Thi phải bàn giao vai trò số một ở Hội cho Nguyên Ngọc lúc này được cử làm Bí thư Đảng Đoàn kiêm Phó Tổng thư ký thường trực.

    -- Từ Hội nghị Đảng viên 1979, được sự bảo trợ của Tố Hữu, tác giả Vỡ bờ từng bước tiến hành dành lại quyền lực. Đây là cả một một “trận đánh lớn” mà Nguyễn Đình Thi đóng vai một người chỉ huy nhẫn nhục và đầy mưu mẹo. Sự tinh thông của ông về nghệ thuật chính trị trong hoàn cảnh xã hội VN hiện đại khiến tất cả những người chung quanh ngả mũ kính phục.

    --- Tại Đại hội nhà văn lần thứ ba 1983, Nguyễn Đình Thi tiếp tục được bầu làm tổng thư ký. Nguyên Ngọc không còn nhận nhiệm vụ gì.

    --- Dấu hiệu rõ rệt của cuộc đổi mới khởi đi từ 1986 là việc Nguyên Ngọc được cử làm Tổng biên tập báo Văn nghệ,mà dấu hiệu của việc quay ngoắt trở lại là việc Nguyên Ngọc bị buộc phải từ chức “để phụ trách công tác khác” – chỉ là một thành viên trong ban chuẩn bị Đại hội lần thứ tư, phụ trách về cơm áo gạo tiền, chứ không được tham gia vào các vấn đề nội dung. Tất cả đều trong sự tính toán sắp đặt của người chủ cũ của Hội.

    --- Đại hội nhà văn VN cuối 1989 đánh dấu một bước ngoặt trong đời hoạt động của Nguyễn Đình Thi. Dù rất muốn, ông không thể cố đấm ăn xôi tại chức mãi mà buộc phải chính thức chuyển giao vai trò lãnh đạo Hội cho một nhóm trẻ hơn thuộc thế hệ kế cận. Nhưng, đó không phải là thất bại. Sau Đại hội, với kinh nghiệm của một nhà chính trị chuyên nghiệp, rất dân tộc mà cũng rất hiện đại, ông vẫn tiếp tục thao túng ban lãnh đạo Hội, tận diệt những ảnh hưởng có thể có của Nguyên Ngọc, vì biết rằng nếu tinh thần Nguyên Ngọc thắng nghĩa là quá khứ của mình sẽ bị mang ra xét đoán lại. Qua hàng chục năm chuẩn bị, cuối cùng, tương tự như Eltsin tìm được Putin, ông chủ cũ của Hội tìm được người thế tử nối ngôi tin cậy, trung thành với ông, nghĩa là duy trì đường lối chỉ đạo của ông, gìn giữ và phát huy ảnh hưởng to lớn của ông trong các Đại Hội năm, sáu, bảy tiếp theo. Chiến công chói sáng này khiến cho từ sau 1990, tuy tuổi xấp xỉ 70 mà còn phải bước vào cuộc chinh phục mới (tới 1995, vào vai Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam), Nguyễn Đình Thi vẫn vĩnh viễn là người lãnh tụ tinh thần của Hội nhà văn VN, trong lịch sử Hội ông có một vai trò "sáng nghiệp sử" mà không ai có thể so sánh.

    Trả lờiXóa
  2. 3.
    23-06-2015

    Nhật ký văn nghệ 1990 (phần cuối)
    25/9
    Lê Minh Khuê kể: Ngọc Tú bảo là Như Trang đang đứng ra lập ban liên lạc các nhà văn nữ, nhưng Khuê đã trả lời:
    - Em không tham gia đâu, chị không biết chị Trang là dân thương nghiệp à.
    Cách đây ít lâu Như Trang đã có một bài điểm qua lực lượng sáng tác nữ, trong đó tự khen mình không tiếc lời.
    Có vẻ như trong xã hội bây giờ, ai thích trình bày ra ban bệ nọ kia, ấy là người có thể dùng cái tổ chức ấy làm một việc gì đấy.

    Trả lờiXóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.