Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

04/05/2015

Kĩ nghệ làm đồ giả cổ

Một tiết lộ của trùm đồ cổ.


---


“Ông trùm đồ cổ” lộ chiêu biến đồ 100 ngày thành... ngàn năm tuổi

(ĐSPL) - “Ông trùm” đồ cổ không ngại ngần khi nói tới những trò “ảo thuật” biến những đồ mới giá trị thấp thành những đồ cổ tiền tỉ. Không ít người vì niềm say mê đồ cổ nhưng chưa có kinh nghiệm nên đã dễ dàng “sập bẫy”, bỏ ra một đống tiền để rồi “đắng lòng” khi chỉ mang về những thứ đồ “giả cổ”.
“Nợ đời” với đồ cổ
Đam mê đồ cổ, khát khao sở hữu một món đồ cổ chỉ dành cho những người thuộc dòng “đại gia” mạnh tay chi tiền. Có “đại gia” ở Ninh Bình đã bỏ cả triệu USD để sở hữu cho mình bộ trống đồng cổ. Bộ sưu tập của ông đã đến độ “khủng” nhưng tay chơi đã “già nghề” như ông mỗi khi mua đồ có cả một tá các chuyên gia tháp tùng, khảo cứu đôi khi vẫn sập bẫy “bợm già”. Nhiều năm sưu tầm đồ cổ, ông nhận ra rằng đam mê, tiền nhiều cũng chưa đủ mà muốn sở hữu một món đồ cổ quý còn phải có duyên. Còn những “tay chơi” nửa mùa cậy tiền chỉ để cho thiên hạ lừa phỉnh và trả giá đắt cho đam mê nửa vời bỏ tiền tỉ ra mua những thứ đồ… vô giá trị.
“Ông trùm đồ cổ” lộ chiêu biến đồ 100 ngày thành... ngàn năm tuổi - Ảnh 1

Ông T. chia sẻ về công nghệ làm đồ cổ giả.

Ông T. - một “trùm” đồ cổ có tiếng tại Hải Phòng nói: “Tôi đến với cổ vật như một cái nợ đời. Ban đầu, vì quá yêu thích môn lịch sử nên tôi luôn tìm tòi, nghiên cứu các tài liệu lịch sử rồi vô tình thấy những món đồ có tuổi đời hàng nghìn năm không hiểu sao lại có sức hấp dẫn lạ thường”. Kể từ đó, đồ cổ giống như một phần cuộc sống của “ông trùm” này. Những năm đầu khi mới tiếp xúc với đồ cổ, để sở hữu chiếc bình gốm trăm năm tuổi ở Lào Cai ông T. đã quyết định chi hết tiền tiết kiệm nhiều năm.
Những tưởng sở hữu được món đồ có giá, ai ngờ đấy chính là bài học đắt giá của kẻ chập chững vào nghề. Ông T. nhớ lại: “Lên tới Lào Cai thấy chiếc bình gốm quá đẹp, các họa tiết, hoa văn đến chất gốm đều thuộc loại cực hiếm, bằng những kinh nghiệm ít ỏi tích lũy được, tôi nghĩ nó là đồ thật nên tôi mua với giá 20.000 USD, khấp khởi mang đồ về. Ai ngờ, chiếc bình gốm mà tôi dùng cả tài sản để mua về chỉ là thứ đồ giả cổ bị tráng lại nước men sau đó dùng công nghệ tinh vi “phù phép” biến chiếc bình trở nên nhuốm màu thời gian giống như bình cổ thật mà không phải ai cũng có khả năng nhận ra”.
Trong giới chơi đồ cổ đã không ít người bị “sập bẫy” một cách cay đắng coi như chi phí tìm hiểu về thú chơi đồ cổ như  ông T. “Đồ cổ mang lại một lợi nhuận khổng lồ nên không ít kẻ trục lợi đã tìm mọi cách chế tạo ra thứ đồ giả cổ để lừa gạt những người có niềm đam mê đồ cổ mới bước vào nghề. Thậm chí những tay chơi đồ cổ “cứng” cũng dễ bị lừa bởi công nghệ làm đồ cổ tới mức quá tinh xảo”, ông nói.
Tuyệt kỹ làm giả đồ cổ
Nhà “đại gia” phải có đồ cổ đã thành mốt trong giới nhà giàu. Thời gian gần đây nhu cầu tìm kiếm đồ cổ về trưng bày cho “sang” khiến giới đồ cổ trở nên “nóng” hơn bao giờ hết. Thế nên trên thị trường đồ cổ “ngầm” có những món đồ được quảng cáo là trăm năm tuổi, ngàn năm tuổi nhưng thực chất nó lại chưa đầy trăm ngày tuổi. Tất cả được những tay “bợm già” sử dụng công nghệ, kỹ xảo hiện đại biến đồ mới thành đổ cổ. Công nghệ này tinh vi đến mức có thể qua mặt những chuyên gia khảo cứu.
“Ông trùm đồ cổ” lộ chiêu biến đồ 100 ngày thành... ngàn năm tuổi - Ảnh 2

Một sản phẩm đồng giả tinh vi vừa được “ra lò”.

Ông T. đã tiết lộ những tuyệt chiêu làm đồ “giả cổ” đồng mà một số phép thử khoa học cũng không thể phát hiện được. Với quá trình tiếp xúc và nghiên cứu đồ cổ đồng người làm giả sẽ chế tạo ra một đồ vật với chất liệu là vỏ lon coca-cola đúng với kích thước, khuôn mẫu thậm chí là hoa văn của đồ thật. Sau đó, các tay chuyên làm đồ giả thường sưu tập rất nhiều đồng xu đào trong các khu mộ cổ của các triều đại trước, nếu muốn làm một cái chĩnh giả đồng cổ ông chỉ cần thao tác nghiền nát những đồng xu cổ ấy ra sau đó dùng hệ thống bắn những hạt bụi của đồng xu cổ lên chĩnh đồng. Thế nhưng để làm thành công một món đồ giả cổ đòi hỏi sự tỉ mỉ và hết sức công phu.
Trong quá trình bắn hạt bụi đồng lên không được bắn quá đều. Đầu tiên là bắn bụi đồng lên thân sau đó là đáy và bên trong của đồ vật. Thêm nữa nguyên tắc của đồ cổ là bị mòn theo dòng chảy của thời gian nhưng sự bào mòn ấy lại không đồng đều trên các bộ phận của đồ. Vì lẽ ấy những người làm đồ cổ giả cao tay trong quá trình bắn bụi đồng lên thân đồ cũng không được quá đều tay. Thông thường thân hay cổ của đồ vật thường dễ bị bào mòn nhanh nhất nên những bộ phận ấy cần bắn bụi đồng khéo để khi quan sát bằng mắt có thể thấy đồ giả cổ này bị “nuốt đồng” giống hệt đồ thật.
Để tăng thêm giá trị giới buôn bán cũng phủ lên món đồ này những giai thoại đầy huyền bí, những câu chuyện nhuốm màu lịch sử đầy ly kỳ, hấp dẫn khiến cho những người truy lùng cổ vật nếu không “cứng” dễ dàng sập bẫy. Thậm chí, có những tay “bợm già” sẵn sàng chi tiền mời những chuyên gia khảo cổ, những vị có uy tín đến đánh giá, chiêm ngưỡng, trao đổi ý kiến. Như thế, giới con buôn đã làm ra một quy trình khép kín, giăng thiên la địa võng để săn… “cá lớn”.
Bằng thao tác này, những tay chuyên làm đồ cổ giả đồng có thể “qua mắt” được cả những người đã sành chơi đồ cổ. Thông thường, để xác định vật có cổ hay không người ta thường dùng mắt quan sát, cứ bị “nuốt đồng” có màu thời gian thì đó là đồ cổ. Với những người chủ quan, tự tin vào mắt quan sát rất dễ thành phiến diện và mắc bẫy “bợm già”.
Với cách làm đồ giả đồng như vậy còn có thể “đánh lừa” được cả những phép thử khoa học. Thông thường thử đồ cổ bằng đồng, phép thử khoa học là dùng cac-bon để đánh giá tuổi đời của đồ nhưng với phương pháp làm đồ giả cổ tinh vi như trên thì phép thử cac-bon cũng không tìm được sự thật.
Tất cả những đặc tính của đồ cổ luôn được “bợm già” nghiên cứu kỹ để đồ giả thật lẫn lộn khó phân biệt. Ông T. sau những lần mất tiền oan, bỏ thời gian tìm tòi đã được các “tiền bối” hướng dẫn cho cách phân biệt đồ đồng giả cổ. “Thả món đồ xuống nước sau đó quan sát hướng đi của bọt khí. Với phương pháp sản xuất thủ công nung đất xa xưa, cổ vật thường xuất hiện những bọt khí có kích thước không đều nhau (quan sát bằng kính hiển vi khoa học), còn nếu xuất hiện lớp bọt khí đều nhau thì đó là đồ cổ giả sản xuất theo phương pháp hiện đại nung bằng gas hoặc lò điện”, ông T. nói.
Với kinh nghiệm 30 năm chuyên tìm tòi, nghiên cứu về đồ cổ ông T. có thể phân biệt được đồ cổ thật và đồ cổ giả. Đối với những đồ cổ là gốm, sứ chỉ cần quan sát kỹ nước men tại thân và đáy của món đồ, còn đối với đồ đồng chỉ cần làm vài phép thử thì có thể biết nó là thật hay giả.
Ông Bùi Xuân Hải (Hải đồ cổ), một tay chơi đồ cổ khét tiếng đất Cảng cũng chia sẻ thêm:  “Vì đồ cổ mang lại siêu lợi nhuận, mỗi phi vụ thành công giới buôn đồ cổ lãi cả chục tỉ đồng nên hiện nay có rất nhiều thủ thuật tinh vi trong công nghệ làm đồ giả cổ. Vì thế, những ai trót đam mê đồ cổ khi muốn mua một món đồ cần tiến hành những phép thử khoa học và phải thật sáng suốt để không biến mình thành nạn nhân của thú chơi này”.
NGUYỄN THANH


http://www.doisongphapluat.com/tin-tuc/tin-trong-nuoc/ong-trum-do-co-lo-chieu-bien-do-100-ngay-thanh-ngan-nam-a90595.html

2 nhận xét:

  1. lâu lắm mới gặp được bài theo tinh thần của báo ANTG cuối tuần, hehe
    kiểu đọc xong có thể quăng luôn tờ báo đi được...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đồng chí Louis lạc mất đi đâu, lâu quá mới lại thấy !

      Xóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.