Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

19/03/2015

Không nói nhiều : mỗi cây là một mạng người đó, các ông các bà ạ

Chuyện cây báo ứng có thể thấy ở tất cả các nền văn hóa, từ đông sang tây. Làm rầm rầm, rầm rầm, như đang thấy, thì việc báo ứng là nhãn tiền.

Thay vì bảng câu hỏi (như của bác Châu), hay thư ngỏ (như của bác Tuấn), cũng như bao nhiêu lời than tiếng đề nghị của muôn vạn người, tôi thấy cần nhắc đến đến chuyện cây báo ứng.

Mạng cây cũng như là mạng người. Gần 7.000 cây, là như gần 7.000 mạng người đó. 



Dưới là lưu một ít bài và tin.

Tháng 3 năm 2015,
Giao Blog

---

1.
19/03/2015 03:00 GMT+7

Hà Nội đã chặt hạ xong cây trên một số đường

 - Các tuyến phố Lê Duẩn, Quang Trung, Ngô Thì Nhậm… là những tuyến phố nằm trong danh mục có cây phải chặt hạ, cắt bỏ do không đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng và không đúng chủng loại. Theo khảo sát của VietNamNet, việc chặt hạ đã hoàn tất.

Tỉ lệ cây xanh trong đô thị còn thấp, có chỗ không có hoặc chưa đạt mật độ 50 cây/1km. Thế nhưng, Sở Xây dựng vẫn kiến nghị TP chặt hạ, thay thế 6.700 cây.
cây xanh, Hà Nội, công cộng, Sở Xây dựng...
Cây muồng trên đường Lê Duẩn đang được chặt hạ vào sáng 18/3.
Trong những ngày giữa tháng 3, các đơn vị được giao nhiệm vụ chặt tỉa, đốn hạ cây xanh không đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn… theo khảo sát, đánh giá của Sở Xây dựng Hà Nội đã tiến hành phần việc của mình.
Những cây bị chặt chặt hạ, gồm có cây muồng, xà cừ, dâu da, phượng, chẹo, bông gòn, si… lên đến con số 451 cây, thuộc 12 tuyến phố của 04 quận nội thành.
cây xanh, Hà Nội, công cộng, Sở Xây dựng...
cây xanh, Hà Nội, công cộng, Sở Xây dựng...
Nhiều tuyến phố nằm trong danh sách có cây bị chặt hạ, lực lượng làm nhiệm vụ đã "khai tử" xong những cây... thiếu may mắn.
Số cây trồng mới thay thế gồm các loại cây chẹo, bằng lăng, long não, giáng hương, sấu, lát hoa, vàng anh…
Các đơn vị thực hiện bao gồm 08 đơn vị xã hội hóa: Cty TNHH MTV Vườn thú Hà Nội; Công viên Thống Nhất; Cơ điện công trình; Đầu tư và Phát triển nông nghiệp; Dịch vụ Nhà ở và khu đô thị; Cty Cổ phần Môi trường cây xanh đô thị VPT; Cty CP Bình Minh Thăng Long; Cty CP cây cảnh Nam Điền.
cây xanh, Hà Nội, công cộng, Sở Xây dựng...
cây xanh, Hà Nội, công cộng, Sở Xây dựng...
cây xanh, Hà Nội, công cộng, Sở Xây dựng...
12 tuyến phố trực thuộc 4 quận nội thành có 451 cây xanh bị chặt hạ, và sẽ trồng mới thay thế 519 cây mới.
Theo khảo sát của PV VietNamNet ngày 18/3, trên một số tuyến đường như Lê Duẩn, Quang Trung, Ngô Thì Nhậm…, những cây nằm trong danh sách đã bị chặt hạ.
Phần lớn thân, cành của những cây bị chặt bỏ đã được chuyển đi nơi khác. Hiện trường còn lại là phần gốc chưa được bứng hết, hoặc đã được lấp đất tạm bợ, có khoanh đánh dấu.
cây xanh, Hà Nội, công cộng, Sở Xây dựng...
cây xanh, Hà Nội, công cộng, Sở Xây dựng...
Cây muỗng ở đầu phố Lê Duẩn (sát với Công viên Thống Nhất) bị chặt hạ khiến nhiều người đi đường tò mò.
cây xanh, Hà Nội, công cộng, Sở Xây dựng...
cây xanh, Hà Nội, công cộng, Sở Xây dựng...
Hàng sao đen cổ thụ được trồng từ thời Pháp thuộc trên phố Lò Đúc.
Tuyến phố Lò Đúc hiện tại chưa có dấu hiệu của việc đốn hạ những cây nằm trong danh mục chặt hạ. Con phố này nổi tiếng với hàng cây sao đen lên đến hàng trăm cây, được đánh số, có đường kính một người ôm, cao vài chục mét và thẳng tắp.
Với các tiêu chí cây cong, vênh, bị sâu, nghiêng hay do… không đúng chủng loại thì sẽ bị chặt hạ, nhiều người dân thắc mắc về việc, nhiều cây khỏe mạnh, gốc vững, không hề có biểu hiện sâu bệnh nhưng vẫn có tên trong danh sách. Cây trồng thay thế có nhiều cây vẫn cùng chủng loại, giống loài của cây bị chặt bỏ.
Cùng với việc phân công nhiệm vụ thi hành cho các đơn vị tham gia, Sở Xây dựng Hà Nội cũng chỉ đạo Ban Duy tu tôn tạo (trực thuộc Sở Xây dựng) có trách nhiệm giám sát, phối hợp với các đơn vị tham gia đề án cải tạo cây xanh trên địa bàn Thủ đô.
Kiên Trung
http://vietnamnet.vn/vn/xa-hoi/226298/ha-noi-da-chat-ha-xong-cay-tren-mot-so-duong.html





19/03/2015 16:56 GMT+7

Chủ tịch HN: Không có chuyện “kiếm chác” từ việc chặt 6.700 cây

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết, đã thay thế khoảng 500 cây ở 9 tuyến phố. Phần lớn số cây này bị sâu mọt, già cỗi, cong nghiêng, không đúng chủng loại... Cây mới do doanh nghiệp đóng góp chứ không có “lợi ích cá nhân” trong việc này.
Không có lợi ích cá nhân!
Ngày 19/3, tại buổi họp tập thể UBND TP Hà Nội, Chủ tịch thành phố Nguyễn Thế Thảo dành phần lớn thời gian nói về đề xuất của Sở Xây dựng cho thay thế 6.700 cây, thời gian thực hiện từ năm 2015-2017, dự tính kinh phí xấp xỉ 60 tỷ đồng.
chặt cây, chiến dịch, truyền thông, xà cừ, cây xanh, 6.700 cây
Hà Nội đã thay thế được 500 cây trên 9 tuyến phố
Lý giải trước tập thể UBND TP Hà Nội về đề xuất thay thế 6.700 cây, ông Lê Văn Dục - Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội - cho biết, đây là số cây sâu mục, già cỗi, cong nghiêng ảnh hưởng tới giao thông. Trong số đó cũng có nhiều cây không thuộc chủng loại cây xanh đô thị được các Tổ chuyên gia gồm có Ban Dự án duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật của Công ty Công viên cây xanh, của UBND các quận khảo sát và báo cáo.
Theo ông Dục, số cây trên sẽ từng bước được thay thế bằng những cây phù hợp với quy hoạch đô thị, môi trường sinh thái. Kinh phí để thực hiện thay thế số cây trên được áp dụng theo hình thức xã hội hóa. Do thành phố không bố trí ngân sách nên quá trình thay thế các cây không đảm bảo sẽ phụ thuộc vào các đơn vị xã hội.
Ông Dục cho biết, hiện nay đơn vị chức năng đã thay thế được khoảng 500 cây ở 9 tuyến phố. Trong số các cây được thay thế có nhiều cây to, lượng gỗ sẽ được Công ty Công viên cây xanh thu hồi sau đó tổ chức bán đấu giá thu vào ngân sách. “Các đơn vị tham gia xã hội hóa sẽ đóng góp cây xanh, như vậy thì làm gì có lợi ích cá nhân trong việc này”, ông Lê Văn Dục khẳng định.
Chủ trương đúng, được nhiều đơn vị ủng hộ!
Kết luận buổi họp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã trực tiếp phê bình các đơn vị triển khai kế hoạch trên với lý do thông tin quá kém, không rõ ràng, không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ dẫn đến việc người dân không hiểu hết vấn đề.
chặt cây, chiến dịch, truyền thông, xà cừ, cây xanh, 6.700 cây
Xà cừ là một trong những loài cây bị chặt hạ nhiều nhất trong những ngày gần đây
Theo ông Thảo, do việc thông tin không đầy đủ khiến người dân hiểu rằng thành phố có cả một “đề án, chiến dịch” chặt hạ hơn 6.000 cây xanh. Không làm rõ được đề án đó chỉ thay thế những cây sâu mọt, già cỗi, không đúng chủng loại, cong nghiêng.
Ông Nguyễn Thế Thảo khẳng định, chủ trương thay thế các cây sâu mọt, già cỗi, không đúng chủng loại… là chủ trương đúng đắn, được rất nhiều đơn vị ủng hộ. Quá trình thay thế cây hoàn toàn không phải là vụ đấu thầu, đấu đá chặt hạ cây để “kiếm chác” hay có “nhóm lợi ích”.
“Các đơn vị, doanh nghiệp, tư nhân ủng hộ và đóng góp những cây rất có giá trị, đúng chủng loại theo quy hoạch thay thế. Ngân sách không phải bố trí một đồng nào cho việc thay thế cây xanh này”, ông Nguyễn Thế Thảo - Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo nói thêm.
Đề cập đến cơ sở pháp lý, ông Thảo cho biết, việc thay thế cây xanh có cơ sở là quy hoạch chuyên ngành về hệ thống công viên và cây xanh được HĐND thành phố thông qua. Trong quy hoạch chuyên ngành đó chỉ rõ lộ trình thay thế tất cả cây sâu mục, già cỗi, cong nghiêng, không đảm bảo an toàn giao thông. Theo ông Thảo, thực tế thì những cây nguy hiểm như vậy đã từng đổ gãy gây tai nạn chết người.
Một mặt làm rõ những vấn đề dư luận còn băn khoăn, ông Thảo cũng cho biết, thành phố sẽ tiếp thu những ý kiến đóng góp đúng đắn. “Chủ trương này không vì lợi ích của một cá nhân nào, mà dựa trên cơ sở cái gì có lợi cho dân thì làm. Những ý kiến nào đóng góp đúng thành phố sẵn sàng tiếp thu, khắc phục, điều chỉnh cho phù hợp thực tế”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nói rõ quan điểm.
(Theo Quang Phong/Dân trí)
http://vietnamnet.vn/vn/xa-hoi/226585/chu-tich-hn--khong-co-chuyen--kiem-chac--tu-viec-chat-6-700-cay.html


18/03/2015 13:37 GMT+7

Định chặt 6.700 cây xanh, Hà Nội đã khảo sát ra sao?

 - Theo đề án cải tạo, thay thế đối với cây xanh nội đô Hà Nội, tỉ lệ cây xanh trong đô thị còn thấp, có chỗ không có hoặc chưa đạt mật độ 50 cây/1km. Thế nhưng, Sở Xây dựng vẫn kiến nghị TP chặt hạ, thay thế 6.700 cây.

"Có những hàng cây đã thành biểu tượng, là dấu ấn của Hà Nội. Giờ chặt hết, Hà Nội còn lại gì ngoài bê tông? ".
Hơn 10 triệu đồng chi phí cho một cây xanh
Theo đề án cải tạo thay thế cây xanh của Sở Xây dựng trình TP, năm 2015 này Hà Nội sẽ thay thế, trồng lại hơn 6.700 cây xanh trên 190 tuyến phố, với nguồn kinh phí thực hiện hơn 73 tỷ đồng.
chặt cây, Hà Nội, đường phố...
Nhiều cây xanh nội đô Hà Nội thời gian qua đã phải "hy sinh" vì các dự án công cộng.
Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, tỉ lệ cây xanh trong đô thị còn thấp, có chỗ không có hoặc đạt dưới 50 cây/1km.
Theo khảo sát của Sở Xây dựng, cây xanh Hà Nội được trồng trên 500 tuyến phố với hơn 100 loài, trong đó 25 loài có số lượng cá thể lớn. Số lượng cây trồng khoảng 50.000 cây với chủ yếu như xà cừ 5.000 cây, muồng 5.500 cây, bằng lăng 5.500 cây, phượng 3.800 cây, sữa 3.800 cây, bàng 2.800 cây, chẹo 2.000 cây, sấu 2.200 cây...
Các loài cây trên là cây xanh truyền thống của Hà Nội, trong đó xà cừ là loài được trồng nhiều ở các tuyến phố cổ, phố cũ với ưu điểm là cây cao, tán rộng.
chặt cây, Hà Nội, đường phố...
Chặt cây trên đường phố Hà Nội.
Qua công tác khảo sát trên 190 tuyến phố cải tạo, thay thế cây xanh đô thị của 10 quận, theo Sở Xây dựng thì có hơn 29 nghìn cây xanh đường phố, trong đó còn nhiều loài cây không thuộc chủng loại cây đô thị (cây cấm trồng) như dâu da, vông, dướng, trứng cá, bông gòn...
Một số cây đô thị trong quá trình sinh trưởng phát triển bị các tác động khách quan làm cho cây cong, xấu, nghiêng gây cản trở giao thông, không đảm bảo cảnh quan đô thị, một số cây chết, sâu mục không đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão...
Sở Xây dựng cho rằng, các cây này cần được chặt hạ và trồng thay thế bằng loài cây chủ đạo của tuyến phố. Qua đó, trong năm 2015 này Hà Nội sẽ thay thế 4.500 cây không đúng chủng loại (cây cấm trồng) trên 190 tuyến phố.
Bên cạnh đó còn có khoảng 2.200 cây cong, nghiêng, nguy hiểm, cây cong xấu, cản trở giao thông, ảnh hưởng mỹ quan đô thị cần thay thế.
Theo kế hoạch, Hà Nội sẽ thực hiện đồng thời công tác thay thế, dịch chuyển, chặt hạ, trồng mới cây, bó vỉa gốc cây, trồng cây cảnh dưới gốc... Ngoài ra đơn vị được giao nhiệm vụ cũng sẽ khảo sát toàn bộ hệ thống cây bóng mát trên các tuyến đường phố còn lại của 10 quận nội thành để đánh mã số quản lý.
Khối lượng dự kiến thực hiện như sau: 45.738 cây/470 tuyến phố/10 quận.
Để thực hiện thay thế, trồng lại hơn 6.700 cây xanh các loại này, Sở Xây dựng đề xuất xin TP nguồn kinh phí thực hiện giai đoạn 2014-2015 là 73,38 tỷ đồng, được huy động từ nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế.
Nếu được phê duyệt, kinh phí dành cho một cây xanh ở Thủ đô lên đến con số gần 11 triệu đồng/cây.
Không thuyết phục!
Đề án cải tạo cây xanh các quận nội đô ngay lập tức đã làm nóng dư luận. Rất nhiều ý kiến cho rằng, nếu thực hiện, đây sẽ là cuộc “cách mạng cây xanh” quy mô lớn đầu tiên được triển khai của Hà Nội.
Tuy nhiên, nếu cùng một lúc “xử” số lượng cây xanh lớn như vậy, lý do đưa ra chỉ vì “cây không đúng chủng loại” là chưa thuyết phục.
chặt cây, Hà Nội, đường phố...
Với người dân Thủ đô, nhiều con phố, nhiều hàng cây đã trở thành hình ảnh quen thuộc, thân thương của mình - Ảnh: Internet
Một người dân sống tại phố Ngô Thì Nhậm – một trong các tuyến phố có chủ trương cải tạo, thay thế cây xanh thời điểm hiện tại, cho biết:“Một cây xanh phải 10 năm mới có thể khai thác giá trị của nó là bóng mát. Nếu thay thế một loạt, thì có thể đồng nghĩa với việc 10 năm sắp tới, Hà Nội sẽ thiếu cây xanh”.
“Hàng năm đến mùa mưa bão, các cơ quan chủ quản cho người đi tỉa cành, chặt cành là việc làm thường xuyên, cần thiết, vừa bảo đảm an toàn tính mạng cho người, vừa bảo đảm cả sự an toàn cho cây. Tôi đọc báo biết được thông tin, sẽ chặt hàng loạt cây vì không đúng chủng loại, điều này khiến tôi rất thắc mắc, vì thế nào là cây đúng chủng loại?” - một người khác nói.
Ông Nguyễn Văn Mỹ, cán bộ nghỉ hưu (trú tại phường Phương Liên, quận Đống Đa) đưa ý kiến: “Nếu như có việc cây không đúng chủng loại thì ngay từ đầu trước khi trồng, cơ quan chủ quản cần thông tin với người dân để chúng tôi biết mà tránh trồng những cây không đúng trong danh mục. Hơn hết, việc trồng cây ở các tuyến phố không phải ai muốn trồng cũng được trồng, hay ai muốn chặt cái cây trước cửa nhà mình cũng được chặt. Họ đi khảo sát, quan sát bằng mắt thường rồi nói cây này cong, vênh, nghiêng, sâu, mọt…, rồi cho vào danh sách chặt cây. Rất vội vàng và rất ẩu” – ông Mỹ bức xúc.
Tuy nhiên, cũng có những ý kiến đưa quan điểm đồng thuận với mục đích đốn hạ những cây không đảm bảo chất lượng, ở các vị trí ngã ba, ngã tư đường giao thông đe dọa đến an toàn tính mạng của người dân.
“Nhiều ngã ba, ngã tư cột đèn giao thông ngay dưới gốc cây cổ thụ. Mỗi lần dừng xe đợi đèn đỏ, tôi cứ nơm nớp lo vì lỡ chẳng may, một cành cây nào rơi xuống thì nhiều người sẽ bị ảnh hưởng. Tôi đồng ý là chặt hạ những cây không đảm bảo để đường thông hè thoáng, nhưng làm có chọn lọc, và nên làm theo hướng chặt tỉa chứ đừng đốn hạ, thay thế hang loạt cây của cả một tuyến phố” – anh Nguyễn Anh Minh, quận Cầu Giấy cho hay.
Kiên Trung
http://vietnamnet.vn/vn/xa-hoi/226193/dinh-chat-6-700-cay-xanh--ha-noi-da-khao-sat-ra-sao-.html



2.
Thứ năm, 19/3/2015 | 14:58 GMT+7


Chủ tịch Hà Nội: 'Không hề có chiến dịch chặt hạ 6.700 cây xanh'


"Việc thông tin không đầy đủ khiến người dân hiểu rằng thành phố có một đề án, một chiến dịch chặt hạ hơn 6.700 cây xanh", Nguyễn Thế Thảo Chủ tịch Hà Nội phát biểu.


Sáng 19/3, tại phiên họp thường kỳ của lãnh đạo thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND Nguyễn Thế Thảo đã phê bình các đơn vị triển khai công tác chặt hạ, di chuyển, thay thế cây xanh trên địa bàn thành phố vì công tác thông tin, tuyên truyền chưa đáp ứng được yêu cầu. 
"Chủ trương đề án chặt hạ, thay thế cây xanh, thông tin kém đến mức cả những người làm công tác truyền thông, cho đến người dân không hiểu hết về đề án", ông Thảo nói.
cay1-JPG-1648-1426748953.jpg
Những cây xanh trên phố Nguyễn Chí Thanh được chặt hạ phục vụ dự án mở rộng nút giao Trung Hòa. Ảnh: Quý Đoàn.
Chủ tịch Hà Nội cho rằng, việc thông tin không đẩy đủ khiến người dân hiểu rằng thành phố có một đề án, một chiến dịch chặt hạ hơn 6.700 cây xanh. Trong khi thực tế đó là kế hoạch từng bước thay thế những cây cỗi, cây đã già, sâu mọt, cong nghiêng, không đúng chủng loại...
"Việc thực hiện thay thế các cây này là chủ trương đúng đắn, được rất nhiều đơn vị ủng hộ; hoàn toàn không phải vụ đấu thầu, đấu đá chặt hạ cây để kiếm chác hay có nhóm lợi ích. Các đơn vị, doanh nghiệp, tư nhân ủng hộ và đóng góp những cây rất có giá trị, đúng chủng loại thay thế. Ngân sách không phải bố trí một đồng nào cho việc này", ông Thảo nhấn mạnh.
Cũng theo lãnh đạo thành phố, việc thay thế cây xanh có cơ sở pháp lý là quy hoạch chuyên ngành về hệ thống công viên và cây xanh được Hội đồng nhân dân thành phố thông qua, trong đó có lộ trình thay thế tất cả cây già cỗi, sâu mục, cong nghiêng không đảm bảo an toàn giao thông. Trên thực tế đã có việc cây đổ gãy gây tai nạn chết người.
6.700 cây xanh sẽ được thay thế là số cây già cỗi, sâu mục, cong nghiêng ảnh hưởng tới giao thông, cây chết và gần chết
6.700 cây xanh sẽ được thay thế là số cây "già cỗi, sâu mục, cong nghiêng ảnh hưởng tới giao thông, cây chết và gần chết". Ảnh: Quý Đoàn.
Liên quan những ý kiến chưa đồng thuận, Chủ tịch Hà Nội cho hay thành phố sẽ tiếp thu những ý kiến đúng, nhưng cái gì có lợi cho người dân thì thành phố sẽ làm không vì một lợi ích cá nhân nào.
Báo cáo lãnh đạo thành phố, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục nêu, 6.700 cây xanh sẽ được thay thế là số cây già cỗi, sâu mục, cong nghiêng ảnh hưởng tới giao thông, cây chết và gần chết cũng như nhiều cây không thuộc chủng loại cây xanh đô thị được các Tổ chuyên gia gồm Ban Dự án duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật của Công ty Công viên cây xanh, của UBND các quận khảo sát và báo cáo. Số lượng cây không đảm bảo nói trên sẽ từng bước được thay thế bằng những cây phù hợp quy hoạch, đảm bảo an toàn, cảnh quan đô  thị và môi trường sinh thái.
Theo Giám đốc Sở Xây dựng, việc thay thế cây sẽ được thực hiện theo hình thức xã hội hóa. Doanh nghiệp đã ủng hộ thay thế cây tại 9 tuyến phố, trung bình mỗi đơn vị tham gia đóng góp cây cho một tuyến phố. Số cây đã và đang thực hiện thay thế vào khoảng hơn 500. Số còn lại phụ thuộc vào từng doanh nghiệp tài trợ.
"Những cây to, lượng gỗ lớn sẽ được thu hồi và tổ chức bán đấu giá, nộp ngân sách. Các đơn vị tham gia xã hội hóa sẽ đóng góp cây xanh, như vậy thì làm gì có lợi ích cá nhân trong việc này", ông Dục khẳng định.
Trước đó, khi Hà Nội đưa thông tin về việc sẽ chặt hạ thay thế 6.700 cây xanh ở thành phố, nhiều người dân đã lên tiếng phản đối.
Võ Hải
http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/chu-tich-ha-noi-khong-he-co-chien-dich-chat-ha-6-700-cay-xanh-3159586.html



3.

Thứ hai, 26/1/2015 | 12:03 GMT+7


Hà Nội thay thế 6.700 cây xanh trên phố


Cùng với việc chặt hạ cây xanh phục vụ thi công hai tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội và Cát Linh - Hà Đông, Thành phố Hà Nội đã lên kế hoạch chặt hạ, thay thế hơn 6.700 cây xanh trên 190 tuyến phố.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị hai bên đường phố đã được UBND thành phố thông qua. Theo đó, hàng nghìn cây xanh tại 10 quận không đúng chủng loại cây xanh đô thị (cây cấm trồng), cây cong, xấu, ảnh hưởng mỹ quan, giao thông... sẽ bị chặt hạ, thay thế.
Khảo sát gần 200 tuyến phố của 10 quận với hơn 29.600 cây xanh thì nhiều loài không thuộc chủng loại cây đô thị như dâu da, vông, dướng, trứng cá, bông gòn... Ngoài ra, một số cây trong quá trình sinh trưởng phát triển bị tác động khách quan làm cho cây cong, xấu, nghiêng gây cản trở giao thông, không đảm bảo cảnh quan, một số cây chết, sâu mục không đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão.
Từ kết quả khảo sát, Sở Xây dựng đã đề xuất chặt hạ khoảng 6.700 cây xanh trên 190 tuyến phố. 
xacu.jpg
Lãnh đạo Sở Xây dựng cho hay, xà cừ không phải là cây xanh đô thị, thành phố Hà Nội sẽ dần chặt hạ thay thế loại cây này. Ảnh: Võ Hải.
Sau khi chặt hạ, đơn vị chức năng sẽ bổ sung cây vào những chỗ có điều kiện trồng cây xanh tại các hè phố có mặt cắt ngang hơn 2 m; đặt chậu hoa, trồng cây cảnh, cây mảng lá màu, hoa, cỏ trong các hố trồng cây và các vị trí có vỉa hè hẹp từ 2 m trở xuống; bó vỉa gốc cây theo kích cỡ quy định, trồng cây cảnh dưới gốc cây. Hoàn trả vỉa hè những vị trí vỉa to hơn so với kích thước và đường kính gốc cây; Tiếp tục thực hiện đánh mã số cây trên toàn thành phố làm cơ sở xây dựng phần mềm quản lý hệ thống cây xanh bóng mát.
Theo Sở Xây dựng, để hoàn thành cơ bản Đề án cải tạo, thay thế cây xanh hai bên đường trên địa bàn 10 quận nội thành đến năm 2015, nhu cầu vốn là hơn 73 tỷ đồng (cho các việc như khảo sát, chặt, trồng cây thay thế, bó vỉa, hoàn trả vỉa hè). Nguồn vốn được huy động từ nguồn ngân sách Thành phố.
Cây xanh Hà Nội được trồng trên 500 tuyến phố với hơn 100 loài trong đó 25 loài có số lượng cá thể lớn. Lượng cây trồng khoảng 50.000 cây với các loại chủ yếu như xà cừ, muồng, bằng lăng, phượng, sấu... Các loài cây trên có thể coi là cây xanh truyền thống của Hà Nội. Trong đó xà cừ là loài được trồng nhiều ở các tuyến phố cổ, phố cũ với ưu điểm là cây cao, tán rộng. Tuy nhiên nhược điểm của loại cây này là rễ chùm bám đất nông, ăn nổi, gây hư hại cho các công trình ngầm và vỉa hè, dễ bị đổ khi gặp mưa bão.
Cây nguy hiểm là cây hoặc một phần của cây có khả năng gãy đổ gây tai nạn cho người, làm hư hỏng các phương tiện, tài sản, công trình, cây bị sâu bệnh có khả năng gây bệnh trên diện rộng.
Cây không thuộc chủng loại cây đô thị, cây cấm trồng: Cây có độc tố gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người hoặc có các tác hại đến môi trường (dễ gãy đổ khi gặp mưa bão, có nhiều gai, quả gây ô nhiễm, rễ phát triển ngang, nổi gây hư hại đến các công trình xây dựng). 
Võ Hải



4.

Thứ năm, 22/1/2015 | 17:47 GMT+7






Để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho tuyến đường sắt trên cao và người tham gia giao thông, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết từ nay đến 15/2 sẽ chặt hạ toàn bộ cây cổ thụ trên tuyến đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) - Trần Phú (quận Hà Đông).




Ông Hoàng Nam Sơn, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trên dải phân cách giữa đường Nguyễn Trãi - Trần Phú còn 146 cây xà cừ, trong đó 123 cây có đường kính lớn hơn 50 cm, cao từ 14 đến 20 m. Các cây này chủ yếu phát triển nghiêng về phía đường sắt đô thị và có thể gây nguy hiểm nếu bị gãy đổ.

Để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho tuyến đường sắt đô thị và người tham gia giao thông, Sở Xây dựng đã được thành phố cho phép chặt hạ toàn bộ gần 150 cây xà cừ trên. Thời gian hoàn thành trước ngày 15/2.


Đầu tháng 11/2014, hàng chục cây xà cừ ở đường Nguyễn Trãi đã được chặt hạ để phục vụ xây dựng đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Phương Sơn.


Trưởng phòng Quản lý hạ tầng môi trường công trình ngầm (Sở Xây dựng) Trần Trọng Hiếu cho biết thêm, sau khi chặt hạ cây, phần dải phân cách giữa sẽ bị xóa bỏ để làm đường đi cho xe cơ giới. Hiện nay, Sở Giao thông Vận tải đã có phương án trình thành phố, trong đó làn xe gần vỉa hè dành cho xe máy, xe thô sơ; làn bên ngoài dành cho ôtô.

Dù xà cừ được trồng ở Hà Nội gần 100 năm nay và phần lớn có đường kính trên 50 cm, nhưng ông Hiếu khẳng định: "Đây không phải là loại cây đô thị vì cây to, lại có rễ chùm nông nên hàng xà cừ hai bên đường phố Hà Nội rất nguy hiểm cho người dân cũng như tuyến đường sắt trên cao".

Trước khi trình thành phố chặt hạ hàng xà cừ trên đường Nguyễn Trãi - Trần Phú, Sở Xây dựng đã tính đến nhiều phương án, như cắt ngọn để hạ chiều cao, dịch chuyển sang địa điểm khác… Nhưng các phương án đó vẫn không ổn vì hàng cây nếu để lại tuyến đường vẫn ảnh hưởng lớn đến giao thông, còn nếu dịch chuyển sang địa điểm khác thì kinh phí rất lớn. Sau khi chặt hạ, cơ quan liên ngành sẽ kiểm định chặt chẽ khối lượng gỗ và tổ chức bán đấu giá.

Toàn thành phố Hà Nội hiện có trên 5.000 cây xà cừ được trồng từ thời Pháp, tập trung ở một số tuyến phố lớn như Kim Mã, Nguyễn Trãi, Quang Trung… cây dễ gãy đổ vào mùa mưa bão nên Sở Xây dựng đang thay thế dần hệ thống xà cừ trên các tuyến đường.
Võ Hải

http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/ha-noi-se-chat-het-xa-cu-duong-nguyen-trai-tran-phu-3137630.html









- Hà Nội sẽ báo cáo đầy đủ chi tiết vụ việc cây xanh với Thủ tướng - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Phan Đăng Long cho hay.

Các câu hỏi xung quanh việc chặt cây hàng loạt trên các tuyến phố Hà Nội tiếp tục được đặt ra tại cuộc giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội chiều nay (24/3), nhất là các vấn đề như có khuất tất, lợi ích nhóm trong việc chặt cây không, cây được thay thế là gỗ mỡ hay vàng tâm...

Sẽ báo cáo Thủ tướng

Trả lời các câu hỏi này, ông Phan Đăng Long nói: "Đề án cải tạo, thay thế cây xanh được triển khai trên cơ sở quy hoạch chung của Thủ đô trong đó có việc cải tạo công viên cây xanh. Trong khi chờ đợi thì TP ra kế hoạch thay thế cây xanh đến năm 2015, giao Sở Xây dựng thực hiện. Đây là cải tạo, thay thế, không phải chặt hạ".

Ông Long cho biết cuối tháng 12/2014 nội dung đề án đã được giới thiệu đến báo chí. Trước khi triển khai ở đường Nguyễn Chí Thanh cũng tổ chức họp báo, có mặt đại diện Công an TP và nhà tài trợ VPBank.

"Lúc đó TP không cảm nhận được sức nóng vì thông tin cũng hết sức bình thường. Nhưng dư luận nóng lên là từ khi Sở Xây dựng bắt đầu triển khai thực hiện, người dân quan tâm, báo chí quan tâm", ông Long nói.

Ông Phan Đăng Long: Không lường được tình cảm của dân với cây
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phan Đăng Long: Đây là cải tạo, thay thế cây, không phải chặt hạ. Ảnh: ND

"Thú thực là những người thực hiện cũng không lường được tình cảm gắn bó, yêu Hà Nội của người dân. Do đó mà người dân rất phản ứng".

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy cho biết sau khi có dư luận như thế, TP đã có những động tác tích cực để giải quyết: Tạm thời dừng đề án này, rà soát, mà mới nhất là cuộc họp của Thường trực Thành ủy chiều qua (23/3). Trên cơ sở kết luận của cuộc họp này, tới đây Ban cán sự Đảng Hà Nội sẽ báo cáo đầy đủ chi tiết đến Ban Bí thư, Thủ tướng và các cơ quan liên quan.

"Nhưng trước mắt, Thường trực Thành ủy nhận định đây là một chủ trương đúng. Đề án có mục tiêu đầu tiên là thay thế các cây xanh có thể nguy hiểm, sâu bệnh, cong queo. Nếu triển khai thực hiện chỉ dừng lại như thế thì chắc dư luận cũng tán thành", ông Long nói.

"Nhưng cũng có mục tiêu là thay thế trên một số tuyến đường để đảm bảo cây đồng bộ, đẹp, đúng chủng loại. Vì thế có một số cây xanh bị chặt hạ. Còn nhớ khi triển khai đường sắt trên cao có việc chặt cây thì dư luận cũng đã lên tiếng, thế nên phải nói đây là một sự cộng hưởng về tâm lý".

Dân đồng thuận mới tiếp tục triển khai

Nhưng TP cũng nhận định việc tổ chức triển khai thực hiện là "giản đơn, sơ sài, nôn nóng, đặc biệt là công tác tuyên truyền, giải thích chưa tạo được sự đồng thuận trong dân, cũng có vấn đề về công khai, minh bạch", nên vẫn còn nhiều câu hỏi đặt ra như vàng tâm hay mỡ, gỗ đi đâu...

Ông Phan Đăng Long: Không lường được tình cảm của dân với cây

Hơn 180m3 gỗ xà cừ chặt hạ trên đường Nguyễn Trãi được giữ trong bãi gỗ Cầu Diễn. Ảnh: Phạm Hải

"TP cho rằng việc dư luận, người dân quan tâm, bày tỏ là dễ hiểu, chính đáng. TP đã hết sức cầu thị, nghiêm túc khi tạm dừng đề án này; Giao các ngành hữu quan nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm và xử lý sai phạm ở khâu tổ chức thực hiện, rà soát lại đề án về cơ sở lý luận, thực tiễn, tiếp tục lắng nghe ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, chuyên gia, người dân, điều chỉnh, tạo được đồng thuận của dân mới tiếp tục triển khai", ông Phan Đăng Long cho biết.

Còn những dấu hỏi về lợi ích nhóm, tiêu cực, khuất tất, giá thành, cây vàng tâm hay cây mỡ, đề án sơ sài hay khả thi..., Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy xin phép không trả lời vì "TP đã quyết định lập đoàn thanh tra".

"Sau khi có kết luận thanh tra sẽ thông báo sớm nhất đến báo chí", ông Phan Đăng Long cam kết.

Ông nhấn mạnh: Cám ơn báo chí, người dân đã có ý kiến, TP qua đó nhận thấy hạn chế trong tổ chức thực hiện, nhận thấy tình cảm, tình yêu Thủ đô, yêu Hà Nội của người dân, cũng là bài học cho các cấp chính quyền không được đơn giản, chủ quan trong việc triển khai thực hiện.

20 câu hỏi tại cuộc họp báo hôm 20/3 (thay vì 21 vì có một ý kiến chứ không phải câu hỏi) thuộc trách nhiệm trả lời của Sở Xây dựng và sẽ được gửi đến từng địa chỉ các cơ quan báo chí, ông Phan Đăng Long cho biết.

Chung Hoàng

https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/ong-phan-dang-long-khong-luong-duoc-tinh-cam-cua-dan-voi-cay-227436.html



..
Thứ bảy, 21/3/2015, 14:34 (GMT+7)

Có biết bao cư dân Hà Nội yêu thầm lặng thành phố này từ góc ngõ nhỏ, phố nhỏ. Thậm chí từng viên gạch vỡ họ còn nhớ thì nói gì đến cây cao xanh rợm và thu về ngan ngát làm nên tiếng nhạc ở tận đáy lòng.

Mấy ngày qua sự kiện chặt cây xanh ở Hà Nội ồn ào khắp nơi, trên thông tin mạng, đến cả báo chí thế giới cũng quan tâm. Một quyết định đốn hạ 6.700 cây xanh trong phạm vi các đường phố thủ đô Hà Nội, đâu phải là cái kim che dấu.

Những tấm ảnh cây lớn, còn đỏ sậm màu gỗ nguyên lành, còn xanh mát rượi màu lá, được cư dân thành phố ngày ngày đi qua hàng cây kia, chụp ảnh đưa lên mạng, làm đau những trái tim yêu đất, yêu phố, yêu quê hương, bản quán... Mà cụ thể hơn là họ yêu từ khoảnh râm mát nơi bóng xanh gìn giữ một tuổi thơ ấu hay kỉ niệm ở cái ghế, vỉa hè, ban công, hoặc cạnh một tàn xanh, lúc chợt trú mưa tình tự... ở một thời gian cụ thể nào đó của bao cư dân thành phố vài thế hệ.

Cây đâu chỉ là cây!

Nhìn những bức ảnh, nghe bè bạn văn nghệ sĩ viết về câu chuyện đẵn cây xanh ở Hà Nội, trong đêm tôi nhớ lại những năm 1965, 1966 khi gặc Mỹ ném bom và ném cái chết thẳng vào Hà Nội.

Năm 1965, mùa hè vừa thi xong, lập tức chúng tôi nhập ngũ vào Trung đoàn Pháo cao xạ 220. Đơn vị pháo cao xạ 57 trên hồ Trúc Bạch và đơn vị 37 trên bè nổi ở Tây hồ bị hàng cây trên đường Thanh Niên cản trở xạ giới quan sát.

Ai từng hiểu biết về pháo phòng không hẳn biết việc bị cản quan sat nguy hiểm thế nào khi đánh nhau với kẻ trên cao cậy tốc độ nhanh. Phải chặt những ngọn cây hay hàng cây ấy đi, đốn những cây quá cao, ảnh hưởng tầm nhìn, hướng bắn, để thao tác xạ kích bắn hiệu quả trúng máy bay mới bảo vệ được cầu Long Biên, nhà máy điện Yên Phụ và các mục tiêu khác quan trọng gần đó như khu quân sự, trung ương và ngoại giao Ba Đình.

Trung đoàn 220 đề xuất Bộ tư lệnh thủ đô, và Bộ tư lệnh phòng không đã làm việc với Thành phố Hà Nội. Công ty công viên Hà Nội được lệnh đốn hạ cây nào đều đã bàn rất cụ thể với hai đơn vị pháo ở đó.

Ngày chặt cây, những người lính Hà Nội đã cùng với anh em công nhân đốn hạ dãy cây mà chính lớp anh chị tôi đã lao động công ích ngày Chúa Nhật trồng những hàng cây ấy sau khi họ đắp rộng con đường Thanh Niên.

Nhà thơ Phạm Tiến Duật khi đó đi ngang qua đơn vị trung đoàn tôi, nhìn hững góc cây xanh bị hạ, đau xót viết bài thơ nổi tiếng "Chuyện hàng cây yêu đương".

Bài thơ mở đầu có hai câu:

"Đã ngả xuống rồi hàng cây tình tự

Hơi thở yêu đương còn thơm dòng nhựa".

Vì một thành phố yêu thương, chúng tôi đau đớn hạ cây, nhưng câu thơ ấy cứa vào lòng chúng tôi, tâm hồn rất nhạy cảm những chàng trai Hà Nội vừa 17, 18, đôi mươi. Chính điều tưởng mơ hồ nhỏ bé ấy đã biến thành một sức mạnh lớn không cần qua lời chính trị viên tuyên giáo để chiến đấu. Từ chính những điều nho nhỏ ấy trên hồ Trúc Bạch, mà chúng tôi đã chứng kiến viên phi công Mỹ bị bắn hạ dù anh ta thuộc một lực lượng không quân tinh nhuệ, rồi bị người dân Hà Nội bắt sống...

Hàng trăm người lính đã ngã xuống từ 1966 tới tận Noel năm nào khi B52 đánh phá Thủ đô. Nhưng chúng tôi quyết tử để bảo vệ Hà Nội... mơ một ngày cây lại xanh tươi và những hàng cây tình tự sẽ không bao giờ ngã xuống. Yên bình, ổn định và cây cùng với phố trong một Hà Nội phát triển hiện đại vẫn trở thành những ám ảnh ở thơ ở nhạc, ở họa và cả ở những ca từ bay khắp nhân gian. Cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ...

Chúng ta đã xây dựng đất nước không chỉ với sức lực cơ bắp, sức mạnh của đồng tiền, ngoại tệ. Người Hà Nội, cư dân Hà Nội đã lao động tạo nên những vật thể nhưng bao hàm một giá trị phi vật thể ngay ở những hàng cây... trong đó không ít anh em binh sĩ trở về, thậm chí có người lại ở công ty trồng cây xanh.

Chúng tôi những người lính già năm xưa già đi theo năm tháng làm đủ mọi ngành nghề có kẻ đi xa như tôi lặn lội kiếm ăn nhưng mỗi khi trở về vẫn xốn xang trong lòng, vẫn yên lặng ngồi dưới tán lộc vừng, đi dưới những hàng cây xưa...

Cây xà cừ cổ thụ bị chặt hạ trên đường Nguyễn Trãi để phục vụ thi công tuyến tàu điện trên cao Cát Linh-Hà Đông. Ảnh: Bá Đô.

Có biết bao cư dân Hà Nội yêu thầm lặng thành phố này từ góc ngõ nhỏ, phố nhỏ. Thậm chí từng viên gạch vỡ họ còn nhớ, thì nói gì đến cây cao xanh rợm và thu về hương cây ngan ngát làm nên tiếng nhạc ở tận đáy lòng.

Cây với con người thành phố có quá trình lịch sử ở tình yêu đất nước, nó lại được trân quý hơn bao nhiêu trong thời kì hiện đại hóa mà cư dân tăng lên đột ngột khi trái tim xanh ấy đã chở che cho cả mùa hè ngột ngạt. Cả với hai nội hàm ấy, cây đâu còn chỉ là cây.

Đâu chỉ còn lọc khí, cách âm, cách bụi và môi trường, bóng mát. Nó mang theo những tình cảm lớn mà tự biểu hiện ở màu sắc, dáng dấp, mùi hương kỉ niệm với cư dân vài thế hệ, trong từng nơi ở, để bao lớp người cảm giác trong từng hàng cây dãy phố trở thành một góc tâm hồn thành phố.

Hà Nội với chủ trương đốn hạ cây xanh như vừa qua thật đáng trách. Việc làm nôn nóng, vội vã của ai đó ở cấp lãnh đạo nào đó thiếu hiểu biết sâu sắc, vì vài sức ép ở nhà tài trợ như sự biện minh đã vô tình làm tổn thương tình cảm sâu sắc của con người cư dân Hà Nội. Đó là một điều tất cả các lãnh đạo ở tất cả các địa phương cần lưu tâm, rút kinh nghiệm.

Sự kiện quanh hàng cây này cũng giống như việc định đốn hạ phá bỏ cầu Long Biên, định phá hết Thương xá Tax mà không bảo tồn một phần. Chúng đều biểu hiện việc chỉ xác lập những giá trị vật thể nào đó trong sự phát triển quy hoạch thành phố, mà người Tổng công trình Sư là lãnh đạo thành phố không lường thấy. Để rồi dẫn đến sự tổn thương về tình cảm, chạm vào sự sâu thẳm ở tâm hồn cư dân.

Với cầu Long Biên, Thủ tướng đã đích thân ra lệnh không được phá bỏ. Với Thương xá Tax, lãnh đạo TP HCM đã lắng nghe dân, bảo tồn một phần như đã tuyên bố. Còn hôm nay giữa thủ đô, hai tuần qua, bao nhiêu cây xanh oan ức bị đốn hạ. Có cây phải trăm năm nữa mới có thể tái tạo.

Ai là người chịu trách nhiệm? Và quy trách nhiệm lớn hơn, trong khi Đảng, Nhà nước đang hết sức cố gắng để xây dựng lòng tin, thì ở sự kiện này, ai là người đã cái lệnh đốn hạ cây, đã chưa lường hết mọi sự, chạm vào điều nhạy cảm. Sự đốn hạ đâu chỉ còn là giá trị của cây?

"Cái sảy nảy cái ung", cha ông ta dạy thế. Việc tưởng nhỏ mà lây lan ra lớn. Đây là một bài học kinh nghiệm vô cùng quý giá để các vị lãnh đạo có tâm và có tầm nhìn lại:

Điều gì chạm vào tâm hồn, tình cảm con người thì phải thật thận trọng lắng nghe từng nhịp thở ở từng địa phương mà xem xét nghiên cứu. Để rồi đưa ra một quyết định sáng suốt và cấp thời sửa chữa, xin lỗi nhân dân, chứ đừng vội vã ngụy biện và lấp liếm.

Hà Nội đã ra lệnh dừng đốn hạ cây xanh, đã kịp thời dừng cái dự án trái với lòng dân, tình dân. Xin thưa rằng Bác Hồ từng dạy: "Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó ngàn lần dân liệu cũng xong".

Mong Hà Nội xử lý việc này cho nghiêm, cho dân tin và hiểu rằng dù đã sai lầm nhưng Hà Nội cũng có nhiều chức sắc có uy quyền uy tín, có cái tình cũng như cư dân Hà Nội để yêu thêm mảnh đất này.

https://vnexpress.net/khong-chi-la-cay-ma-con-la-goc-tam-hon-nguoi-ha-noi-3160564.html


---

Chép các bình luận ở dưới lên
(chép ngày 10/9/2021)
"

6 nhận xét:

  1. Ông Thảo thì nhấn mạnh, ông Dục thì khẳng định. Còn tui, tui chẳng hiểu hai ông nói gì hehe.

    Trả lờiXóa
  2. Những thằng ra lệnh chặt cây
    Rồi chúng sẽ bị phơi thây giữa đường

    Trả lờiXóa
  3. Việc chặt cây ở đường Nguyễn Trãi và Quang Trung mình thấy là điều cần thiết. Vì ở tuyến đường ngày có đường sắt cao tốc trên cao. Mọi việc đảm bảo an toàn cho giao thông trên cao này. CÒn những cây khác ở những con phố nếu như bị sâu bệnh có thể chặt để thay thế. Còn nếu đốn hạ hết thì cùng không cần thiết.

    Trả lờiXóa
  4. Những người dân sống ở đô thị vì không có đất nên họ tận dụng những khoảng không gian có thể để trồng cây,sân thượng ,hành lang ,trong nhà,thậm chí trên mái nhà thế mới biết cây xanh quan trọng thế nào . Mỗi cây đều có cuộc sống riêng của nó ,là gắn với kỷ niệm tuổi thơ ,là gắn với ký ước của người dân Việt những người ở lại hay những người xa xứ .Mấy người lãnh đạo có hiểu được điều náy hay cố tình không hiểu?
    Tôi mấy lần có dịp ra Hà Nội ,điều ấn tượng thích thú,có phần gen tị với người Hà Nội là cây ,rât nhiều cây có thể ví Thủ Đô trong rừng cây
    Nhìn ảnh những cây bị đốn hạ còn sung sức ,tràn đầy sức sống mà thấy xót xa .Sao không tìm phương án trồng xen kẽ ,năm mười năm sau đốn hạ cũng đâu có muộn ở đây lại chặt hàng loạt không hiểu nổi?
    Nếu như đây là chủ trương ( Đường thông Hè thoáng ) thì khỏi bàn cãi nhiều .Tháng 6 ,7 tới rồi người dân Hà Nội mới thấm hiểu (Chang Chang Cồn Cát Nắng Trưa Quản Bình ) nó sẽ như thế nào ,vì đường nhựa nó sẽ nóng hơn đồi cát là cái chắc
    Good nigh bác Giao

    Trả lờiXóa
  5. Thời trước Pháp trồng toàn cây phượng ở HP, sau bị bom Mỹ phá hủy, sau đó bão phá nốt những cây còn lại, những năm 197x (x>5), 198x bão vật những cây to, người ôm không xuể ngổn ngang họ mới trồng cây xà cừ, gạo gai thay vào, cây gạo gai sinh trưởng nhanh, vòm lá lớn nhưng gỗ xốp không có giá trị, rễ phá các công trình, không chịu được bão nên lại bị chặt, mấy năm trước khi chặt đi thành phố trống hoang vì không có nhiều cây, trồng lại không chỉ phượng mà còn bằng lăng, muồng hoa vàng, điệp và nhiều loại khác, cây trồng lại là cây tương đối to rồi nên cũng mau phủ xanh phố. http://www.ngoquyen.gov.vn/site/frond-end/index.asp?website_id=111&menu_id=4554&parent_menu_id=938&article_id=79306&fuseaction=DISPLAY_SINGLE_ARTICLE

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. http://www.baohaiphong.com.vn/channel/4971/201312/cat-tia-ha-thap-do-cao-va-tan-la-cho-cay-xanh-duong-pho-bien-phap-bao-ve-he-thong-cay-xanh-do-thi-2291569/

      Xóa
"

6 nhận xét:

  1. Ông Thảo thì nhấn mạnh, ông Dục thì khẳng định. Còn tui, tui chẳng hiểu hai ông nói gì hehe.

    Trả lờiXóa
  2. Những thằng ra lệnh chặt cây
    Rồi chúng sẽ bị phơi thây giữa đường

    Trả lờiXóa
  3. Việc chặt cây ở đường Nguyễn Trãi và Quang Trung mình thấy là điều cần thiết. Vì ở tuyến đường ngày có đường sắt cao tốc trên cao. Mọi việc đảm bảo an toàn cho giao thông trên cao này. CÒn những cây khác ở những con phố nếu như bị sâu bệnh có thể chặt để thay thế. Còn nếu đốn hạ hết thì cùng không cần thiết.

    Trả lờiXóa
  4. Những người dân sống ở đô thị vì không có đất nên họ tận dụng những khoảng không gian có thể để trồng cây,sân thượng ,hành lang ,trong nhà,thậm chí trên mái nhà thế mới biết cây xanh quan trọng thế nào . Mỗi cây đều có cuộc sống riêng của nó ,là gắn với kỷ niệm tuổi thơ ,là gắn với ký ước của người dân Việt những người ở lại hay những người xa xứ .Mấy người lãnh đạo có hiểu được điều náy hay cố tình không hiểu?
    Tôi mấy lần có dịp ra Hà Nội ,điều ấn tượng thích thú,có phần gen tị với người Hà Nội là cây ,rât nhiều cây có thể ví Thủ Đô trong rừng cây
    Nhìn ảnh những cây bị đốn hạ còn sung sức ,tràn đầy sức sống mà thấy xót xa .Sao không tìm phương án trồng xen kẽ ,năm mười năm sau đốn hạ cũng đâu có muộn ở đây lại chặt hàng loạt không hiểu nổi?
    Nếu như đây là chủ trương ( Đường thông Hè thoáng ) thì khỏi bàn cãi nhiều .Tháng 6 ,7 tới rồi người dân Hà Nội mới thấm hiểu (Chang Chang Cồn Cát Nắng Trưa Quản Bình ) nó sẽ như thế nào ,vì đường nhựa nó sẽ nóng hơn đồi cát là cái chắc
    Good nigh bác Giao

    Trả lờiXóa
  5. Thời trước Pháp trồng toàn cây phượng ở HP, sau bị bom Mỹ phá hủy, sau đó bão phá nốt những cây còn lại, những năm 197x (x>5), 198x bão vật những cây to, người ôm không xuể ngổn ngang họ mới trồng cây xà cừ, gạo gai thay vào, cây gạo gai sinh trưởng nhanh, vòm lá lớn nhưng gỗ xốp không có giá trị, rễ phá các công trình, không chịu được bão nên lại bị chặt, mấy năm trước khi chặt đi thành phố trống hoang vì không có nhiều cây, trồng lại không chỉ phượng mà còn bằng lăng, muồng hoa vàng, điệp và nhiều loại khác, cây trồng lại là cây tương đối to rồi nên cũng mau phủ xanh phố. http://www.ngoquyen.gov.vn/site/frond-end/index.asp?website_id=111&menu_id=4554&parent_menu_id=938&article_id=79306&fuseaction=DISPLAY_SINGLE_ARTICLE

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. http://www.baohaiphong.com.vn/channel/4971/201312/cat-tia-ha-thap-do-cao-va-tan-la-cho-cay-xanh-duong-pho-bien-phap-bao-ve-he-thong-cay-xanh-do-thi-2291569/

      Xóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.