Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

14/12/2014

Tuyên cáo thoái vị của vua Bảo Đại (tài liệu lưu trữ)

Riêng về tuyên cáo thoái vị của hoàng đế Bảo Đại, giữa các nguồn tư liệu, vẫn có những chỗ không khớp. Mà sự kiện thì chưa có gì quá xa xôi, mới chỉ là năm 1945. Ở đây, là chạy tư liệu lưu trữ.



Từ đây trở xuống là tư liệu của Cục lưu trữ Quốc gia. Đã được công bố trên mạng từ 2010.



---

Về Tuyên cáo thoái vị của hoàng đế Việt Nam ngày 24 tháng 8 năm 1945
Ngày 24 - 8 - 1945, vị Hoàng đế cuối cùng của Việt Nam đã ra Tuyên cáo thoái vị.


“Cách mạng ở đâu thành công cũng phải đổ máu nhiều. Có nước phải chặt đầu vua. Có nước đồng bào chia đảng phái, chém giết nhau liên tiếp trong bao nhiêu năm. Nước ta, vua tự thoái vị, các đảng phái không có mấy. Trong một thời gian ngắn, các giai cấp đoàn kết thành một khối, muôn dân đoàn kết để mưu hạnh phúc chung là nước được hoàn toàn độc lập và chống được giặc xâm lăng, đuổi được bọn thực dân gian ác ra ngoài bờ cõi”.(1) Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã giải phóng cho vị hoàng đế “sau hai mươi năm ngai vàng bệ ngọc đã biết bao ngậm đắng nuốt cay” “được làm dân tự do của một nước độc lập”(2).
Trên đà thắng lợi, sau khi giành được chính quyền ở nhiều nơi, nhận rõ tầm quan trọng của Huế, Ủy ban khởi nghĩa Thừa Thiên - Huế quyết định giành chính quyền vào ngày 23 - 8. Cũng vào đêm này, Chính phủ cách mạng lâm thời gửi điện yêu cầu Bảo Đại thoái vị. Ngày 24 - 8 - 1945, vị Hoàng đế cuối cùng của Việt Nam đã ra Tuyên cáo thoái vị. Bản Tuyên cáo có nội dung như sau:
TUYÊN – CÁO
của Hoàng – Đế Việt – Nam thoái – vị
 ngày 24 tháng 8 năm 1945
____
            Hạnh - phúc của dân Việt - Nam, độc - lập của nước Việt Nam, muốn đạt mục đích ấy, Trẫm đã tuyên bố Trẫm sẵn sàng hy - sinh hết tất cả mọi phương diện, và cũng vì mục đích ấy nên Trẫm muốn sự hy - sinh của Trẫm phải có bổ ích cho Tổ - quốc. Xét thấy điều bổ ích nhất cho Tổ - quốc lúc này là sự đoàn - kết toàn thể quốc - dân, Trẫm đã tuyên bố ngày 22 tháng 8 vừa rồi rằng trong giờ nghiêm trọng này đoàn - kết là sống mà chia - rẽ là chết.
            Nay thấy nhiệt - vọng dân - chủ của quốc - dân Bắc - bộ lên quá cao, nếu Trẫm cứ ngồi yên mà đợi Quốc - hội thì không thể nào tránh khỏi nạn Nam Bắc phân tranh, đã thống khổ cho quốc - dân lại thuận tiện cho người ngoài lợi – dụng, cho nên mặc dầu Trẫm hết sức đau - đớn nghĩ tới công lao Liệt - Thánh vào sinh ra tử trong gần bốn trăm năm để mở mang giang sơn đất nước từ Thuận - hóa tới Hà - tiên, mặc dầu Trẫm hết sức bùi ngùi cho nỗi làm vua trong hai mươi năm mới gần - gụi quốc - dân được mấy tháng chưa làm được gì ích lợi cho quốc - dân như lòng Trẫm mong muốn, Trẫm cũng quả quyết thoái vị để nhường quyền điều khiển quốc - dân lại cho một Chính - phủ dân - chủ cộng - hòa.
            Trong khi trao quyền Chính - phủ mới, Trẫm chỉ mong ước có ba điều sau này:
            1) Đối với tôn miếu và lăng tẩm của Liệt - Thánh, Chính - phủ mới nên xử trí thế nào cho có sự thể;
            2) Đối với các đảng phái đã từng phấn đấu cho nền độc - lập quốc - gia, nhưng không đi sát theo phong trào dân - chúng. Trẫm mong Chính - phủ mới sẽ lấy sự ôn hòa xử trí để những phần tử ấy cũng có thể giúp vào việc kiến - thiết quốc - gia và tỏ rằng Chính - phủ dân - chủ cộng - hòa nước ta đã xây đắp ở trên sự đoàn kết của toàn thể quốc - dân;
            3) Đối với quốc - dân, Trẫm khuyên hết tất cả các giai cấp, các đảng phái, cho đến cả người hoàng - phái cũng vậy, đều nên hợp nhất mà ủng hộ triệt để Chính - phủ dân - chủ giữ vững nền độc - lập của nước chứ đừng vì lòng quyến luyến Trẫm và hoàng - gia mà sinh ra chia - rẽ.
            Còn về phần riêng Trẫm, sau hai mươi năm ngai vàng bệ ngọc đã biết bao ngậm đắng nuốt cay, từ nay trẫm làm vui được làm dân tự - do của một nước độc - lập, chứ Trẫm nhất quyết không để cho ai lợi dụng danh nghĩa của Trẫm hay của hoàng - gia mà lung lạc quốc - dân nữa.
          Việt - Nam độc - lập muôn năm!
          Dân - chủ  Cộng - hòa muôn năm!
Khâm thử:
Phụng Ngự ký: BẢO – ĐẠI
Dưới đây là văn bản được đề cập:
  
Chiều ngày 30 - 8 -1945, một cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại Ngọ Môn. Trước hàng vạn quần chúng, Bảo Đại đọc chiếu thoái vị, nộp ấn, kiếm cho phái đoàn Chính phủ lâm thời. Chế độ phong kiến sụp đổ. 

Nguyễn Hồng Nhung - Trung tâm Lưu trữ quốc gia I

Tài liệu tham khảo
1. Hồ Chí Minh: Toàn tâp, tập 4, NXB Chính trị Quốc gia Hà Nội, 2000, tr. 43 - 44
2.  Việt Nam dân quốc công báo, 1945, tr. 1


http://www.archives.gov.vn/content/Lists/Cng%20b%20gii%20thiu%20ti%20liu/DispForm.aspx?ID=163


---
Những entry liên quan đã đi trên blog này:

Tuyên cáo thoái vị của vua Bảo Đại (tài liệu lưu trữ)

Văn nghệ Thứ Bảy : Huy Cận trong kí ức của vua Bảo Đại, và của chúng tôi

Phía bên kia cuộc cách mạng 1945 (Vũ Ngự Chiêu, 1984 và 2011)

Triết học Hồ Chí Minh trong ghi chép của Trần Dân Tiên : tất cả mọi việc đều bởi Ý TRỜI

Một nhân vật gần gũi với cựu hoàng Bảo Đại thời 1945-1946 : Luật sư Vũ Trọng Khánh

Đọc thêm : Cựu hoàng Bảo Đại và Hồ Chủ tịch (bài Nguyễn Đắc Xuân)

Hồi kí của cựu hoàng Bảo Đại, và những nghi vấn đặt ra

1 nhận xét:

  1. Bản này là chuẩn, phù hợp với tâm thế Bảo Đại và trong Hồi ký Trần Trọng Kim cũng có chép lại.

    Trả lờiXóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.