Từ đây trở xuống là chép nguyên xi.
---
Nhà dân tộc học Từ Chi
- NGUYỄN DUY THIỆU
- Thứ năm, 13 Tháng 11 2014 08:28
Một trong những đóng góp lớn của nhà Dân tộc học lỗi lạc Trần Từ cho công cuộc nghiên cứu làng xã Việt Cổ truyền là bằng tri thức Nhân học uyên thâm, và tinh thần làm việc cần mẫn trên thực địa, Ông đã nhận diện được diên mạo, xác định được chức năng và chỉ ra được sự vận hành của tổ chức Giáp trong cơ cấu và sự vận hành rất phức tạp của tổ chức làng xã Việt cổ truyền ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ. Theo cách phân loại của Trần Từ thì Giáp là một trong năm dạng tập hợp người:
- Tập hợp người theo địa vực: Ngõ , Xóm
- Tập hợp người theo huyết thống: Họ
- Tập hợp người trong những tổ chức dựa trên lòng tự nguyện của các thành viên: Phe, Hội, Phường
- Tập hợp người trong bộ máy chính quyền cấp xã
- Tập hợp người theo lớp tuổi: Giáp
Giáp, trước hết là một tổ chức dành riêng cho nam giới, trong khung cảnh của làng Việt cổ truyền, Phụ nữ không vào gíap. Dân cư nam của bất kỳ làng Việt nào ở đồng bằng và trung du bắc bộ đều tự phân thành một số giáp, ít nhất cũng là hai giáp, thường là bốn, có khi hơn thế nhiều.
Tổ chức giáp nhằm thoả mãn một loại quan hệ giữa người và người: quan hệ về tuổi tác. Nhà dân tộc học lỗi lạc Trần Từ đã lưu ý chúng ta rằng thái độ đề cao tuổi tác, nhất là sự tồn tại các lớp tuổi (thiết chế nhằm đề cao tuổi tác) không hẳn chỉ là ảnh hưởng thuần của lễ giáo nhà Nho mà vốn là đặc thù của nhiều xã hội “cổ sơ”. Các xã hội thị tộc (Úc bản địa; Anh điêng châu Mỹ...) nhất là của một số xã hội nông nghiệp sơ khai trong đó còn đọng lại nhiều tàn dư của chế độ thị tộc (ở Melanedi, phần nào ở Phi châu đen...). Trong lòng giáp, thiết chế các lớp tuổi, hay nói cho đúng hơn, tàn dư của nó vận hành như thế nào, và để đạt mục đích gì?
Giáo sư Trần Quốc Vượng
Trong bối cảnh của làng xã Việt cổ truyền, Giáp là một môi trường xã hội đặc biệt để cho con người thăng tiến hoặc “tiến thân”. Có điều là ở đây con người không tiến thân bằng cách tích luỹ của cải vật chất, trước tiên là ruộng đất hay bằng cách chạy chọt một chức vụ chính quyền, một phẩm hàm do nhà nước quân chủ ban cấp, mà tiến thân bằng tuổi tác. Những chức trách mà từng người tuần tự đảm nhiệm trong quá trình sinh hoạt với giáp được ngôn ngữ sinh động và cô đọng của dân quê gộp lại trong khái niệm “xỉ tước”- tức tước phẩm do răng (nghĩa là tuổi tác) mang đến, đối lập với “quan tước” - tức tước phẩm do bộ máy quan lại cấp. Đấy là nguyên tắc “trọng xỉ” khiến cho giáp mang một diện mạo đặc biệt giữa một nông thôn “quân chủ hóa” thường nhấn mạnh tước phẩm. Nội một đặc tính ấy thôi của Giáp cũng đã giúp ta thoáng nhận thấy tác dụng cơ bản của tổ chức đó: tạo ra một thế bình đẳng nào đấy, dù có chênh lệc về thời gian, giữa người và người, trong một xã hội tiểu tư hữu và “quân chủ hóa” mà bản chất không phải là bình đẳng.
Các bước đường “tiến thân” trong khung của Giáp mà một người nam lần lượt phải trải qua từ tuổi sơ sinh cho đến lúc chết, ở một dạng giản lược nhất, có thể tóm tắt như sau:
1) Vào giáp : Về nguyên tắc khi một bé trai mới sinh ra, bố anh ta phải biện một lễ mọn trình giáp, chú bé được chấp nhận vào giáp và được ghi tên vào “sổ bộ” (cũng gọi là “sổ nhân danh”) của Giáp. từ đó chú bé trở thành một thành viên của giáp và với tư cách đó, khi lớn lên anh ta có thể theo cha, anh đến các cuộc họp của Giáp chủ yếu là để tham dự cổ bàn mà thường là không bị bắt buộc phải đóng góp như người lớn. Trong trường hợp chú bé vắng mặt (vì bé quá chẳng hạn), sau bữa ăn cộng cảm ở giáp người ta trao cho bố chú mang về cho chú một “gói phần”, tức phần tiệc mà chú có quyền được hưởng, thường chỉ với danh nghĩa tượng trưng.
2) Lên đinh: Khi chú bé trở thành một thanh niên 18 tuổi, anh ta phải trình làng một lần nữa để được lên “tráng”- tức là trai, hoặc trai tráng- là biểu thị của tư cách tuổi tác; hoặc “lên đinh” hoặc “trai đinh” biểu thị của tư cách công dân. Trong cuộc đời, lễ chuyển tiếp này rất quan trọng, bởi vậy mà trong các tài liệu Dân tộc học lễ chuyển tiếp này thường được gọi là lễ “thành đinh”. Trong những trường hợp mà thiết chế các lớp tuổi được bảo lưu một cách tương đối nguyên vẹn mãi cho đến gần đây (ở Melanêdi, ở Châu Phi đen, và tại một số tộc người ở Đông Nam Á ...), những thành viên thụ lễ này phải trải một chuỗi những “thử thách” nguy hiểm.
Với tư cách là “trai tráng”, anh ta phải thực hiện các trách nhiệm, nghĩa vụ, và được hưởng các quyền lợi ở trong làng, trong giáp. Về quyền lợi anh ta có một vị trí nhất định trong tổ chức giáp mà biểu hiện là một chổ ngồi trên một chiếu nhất định, để bàn bạc việc làng việc giáp hoặc chỉ để chè chén, mà vị trí ấy được thăng tiến dần theo tuổi tác (chiếu dưới, chiếu trên, chiếu các cụ...) qua các kỳ họp giáp. Về nghĩa vụ, anh ta phải đóng góp tiền gạo và phục vụ mỗi khi giáp có lễ lạt và các chức năng phục vụ tập thể ấy cũng được nâng dần lên theo tuổi tác...
Với tư cách là “trai đinh”, là dân anh ta lại phải thực hiện các trách nhiệm, nghĩa vụ, và được hưởng các quyền lợi khác ở trong làng, trong giáp. Quyền lợi lớn nhất mà anh ta được hưởng là được làng phân cho một “đầu” hoặc một suất ruộng công qua mỗi lần định kỳ quân phân công điền công thổ. Được ăn ruộng công anh ta cũng phải thực hiện ít nhất là ba nghĩa vụ với làng với nước: “đóng thuế”, “đi phu”, “đi lính”.
Có thể nói, trong khuôn khổ của làng xã, quảng đời hoạt động chính của một nam thân phận được tính từ lúc anh ta “thành đinh” (18 tuổi) cho đến lúc anh ta được “lên lão” (49 tuổi). Đây là quảng đời mà mỗi cá nhân phải gánh vác rất nhiều trách nhiệm với làng với nước. Chính trong giai đoạn quan trọng nhất của cuộc đời này, những người mà thân phận xã hội được đánh dấu bởi một nhịp tiến thân chung đã gắn kết nhau lại trong các “hội đồng niên” để cùng nhau “gánh vác trách nhiệm” với làng với nước. Chính trong quảng đời này mà mọi trai đinh trong giáp (cũng có nghĩa là trai làng) phải lần lượt thay nhau đảm nhiệm các chức trách ngày càng tác động một cách trực tiếp hơn đến sinh hoạt của các giáp: các ông “lềnh” (có lẽ bắt nguồn từ chữ lệnh) hay “quan lềnh”, về nguyên tắc là những người thi hành lệnh của vị cầm đầu giáp (và các bô lão trong giáp), nhưng trong nhiều trường hợp, lại đặc trách việc chuẩn bị lễ lạt và cổ bàn; ông “thư ký” hay “mãi biện”, là người giử sổ sách của giáp; ông “đăng cai” hay “câu đương”, cũng gọi là “cai giáp” thậm chí là “cai đám”, “ông đám” là vị cầm đầu giáp hoặc nói cho vừa phải hơn, là người đại diện của giáp.
3) Lên lão:Việc gánh vác các “trách nhiệm” như vừa nói là nặng nhọc và tốn kém nhưng đồng thời cũng là vinh dự lớn lao của đời nguời. Sau khi đã hoàn thành các “nghĩa vụ” chính, đến 50 tuổi (trong thực tế thường là 49 tuổi) anh ta được “lên lão”. Trong khung cảnh của làng xã Việt truyền thống, được làm các vị bô lão hàng giáp là “vinh dự tối cao”. Từ đây anh ta không phải ra tay trực tiếp làm các công việc cụ thể mà được tham gia “phán bảo” việc làng việc giáp, là “cố vấn” cho đám trai đinh thực hành các công việc của làng của giáp và rất được trong vọng. Từ đây mỗi khi có việc làng, việc giáp anh ta được ngồi “chiếu trên” được đám trai đinh, mỗi khi có việc “trình các cụ” để “xin ý kiến”. Dĩ nhiên, ý kiến của các cụ chỉ có ý nghĩa tư vấn còn một khi đã lên lão, hoặc ra lão các cụ đều đã “xuất lão vô sự”, “mũ nĩ che tai”, các cụ chỉ thụ hưởng sự trọng vọng về tuổi tác còn mọi công việc họ đều tin cậy vào những người kế nghiệp.
Đến đây, để kết thúc phần này, có thể nhắc lại điều đã nói ở trên, trong bối cảnh của làng xã Việt cổ truyền, Giáp là một môi trường xã hội đặc biệt để cho con người thăng tiến hoặc “tiến thân”. Có điều là ở đây con người không tiến thân bằng cách tích luỹ của cải vật chất, trước tiên là ruộng đất hay bằng cách chạy chọt một chức vụ chính quyền, một phẩm hàm do nhà nước quân chủ ban cấp, mà tiến thân bằng tuổi tác. Tất cả mọi nam công dân từ thế hệ này qua thế hệ khác đều bình đẳng tiến thân và bất kỳ ai (nếu sống được trọn vẹn cuộc đời) đều thành đạt trên con đường thăng tiến này.
Những nội dung về giáp như vừa trình bày, dĩ nhiên là kết quả nghiên cứu của nhà Dân tộc học lớn-Trần Từ (trong: “Cơ cấu của tổ chức làng Việt cổ truyền ở Bắc Bộ”). Đến đây, thuần về lĩnh vực nghiên cứu lại có một số vấn đề khác được đặt ra: về ngữ nghĩa, giáp là gì? “thiết chế lớp tuổi” được ngưòi Việt ở Bắc Bộ lồng vào trong khung sinh hoạt làng xã từ bao giờ? ngoài chức năng “sinh hoạt lớp tuổi” giáp còn đóng vai trò gì nữa? và những tàn tích của tổ chức này trên thực tế có thể hé mở được những điều gì?...
Theo Trần Từ, “Giáp” thể phát âm Hán-Việt của một từ Trung Hoa vốn chỉ cái mai rùa, rồi từ đó chỉ luôn cả bộ phận phòng ngự bằng chất cứng trong quân phục xưa. Nghĩa đen thứ hai này hẳn là lý do khiến cho khi chuyển hóa thành thuật ngữ hành chính, từ “giáp” bổng trở nên có liên quan đến tổ chức dân binh ở nông thôn. Chẳng thế mà cho phép lập dân binh dưới triều Tống, để chọn một tỷ dụ không quá xa đời nay, được quy định vào khoảng giữa thế kỷ XI, lại mang tên là “bảo giáp pháp”. Mãi đến triều Thanh (thế kỷ XVII-XX) triều đại cuối cùng trên đất Trung Hoa, tên gọi trên vẫn tồn tại nhưng là để chỉ quy tắc hộ tịch, trong đó, “giáp” từ đây lại có nghĩa là một đơn vị dân cư gồm 100 nóc nhà. Kể ra hai tổ chức hộ tịch và dân binh đều cắt nhau ít nhất cũng ở một điểm: cả hai đều nhằm mục đích đảm bảo an toàn cho chế độ, ngay tại từng tế bào cơ sở của xã hội. Nhưng vấn đề lý thú hơn đối với ta là: nếu giáp quả thực là một khái niệm hành chính gốc Trung Hoa, thì nó đã lọt vào đất ta từ bao giờ và từng chứa những nội dung gì?
Theo sử củ, giáp đã có mặt trên đất ta vào cuối thời Bắc thuộc (ngay những năm đầu của thế kỷ X), và được chính quyền đương thời chọn làm khung để kiểm dân, thu thuế, lấy quân. Bấy giờ Khúc Hạo nối gót cha đang ra sức xây dựng một bộ máy nhà nước tự chủ, mặc dầu trên danh nghĩa ông vẫn chưa tách địa bàn cai trị của mình khỏi nền đô hộ của Bắc phương. Trong hoàn cản đó, nếu thiết chế giáp của họ Khúc còn giử nhiều hơi hướng của các tổ chức dân binh-hộ tịch trên đất Trung Hoa, thì điều đó chẳng có gì lạ. Từ đó tới mãi gần đây giáp vẫn tồn tại trong lòng làng xã Việt ở Bắc Bộ, nhưng không có nguồn tài liệu nào cho ta biết về sự biến đổi của nó qua thời gian. Chỉ đến khi mà Trần Từ điều tra hồi cố trên thực địa thì ở vào thời kỳ triều Nguyễn giáp đã biến thành một hình thức tập hợp dân làng trong khung của nhiều lớp tuổi khác nhau.
Để làm sáng tỏ sự biến đổi của Giáp trong quá trình lịch sử, Trần Từ cần đến sự hổ trợ của các kiến thức cổ sử. Người mà ông tin cẩn chính là GS. Trần Quốc Vượng- một nhà Khảo cổ, Cổ sử học rất quan tâm đến Văn hóa học- một người bạn lớn của ông. Đương thời, tôi đã từng chứng kiến lúc tại tiệc rượu, lúc ở cuộc trà khi thì trên các dặm đường điền giả..., về vấn đề mà chúng ta đang bàn, các Cụ đã trao đổi với nhau rất nhiều. Những bước thăng trầm của tổ chức giáp từ Trung Hoa đến Việt Nam được GS. Trần Quốc Vượng tóm tắt lại như sau:
“Thực ra, tổ chức giáp đã xuất hiện ở trung Hoa có muộn lắm cũng dưới triều Đường (thế kỷ VII-X), với tư cách là một đơn vị hành chính dưới cấp hương. Bấy giờ, miền đất nay là Bắc Việt Nam bị đế chế Đường đô hộ, dưới tên gọi An Nam đô hộ phủ: trong khuôn khổ của chế độ quận-huyện do người Trung Hoá áp đặt, tổ chức giáp đã có mặt ở đây. Cho nên không có gì đáng ngạc nhiên, nếu như vào khoảng Đường mạt (cuối thế kỷ IX đầu thế kỷ X), khi thủ lĩnh bản địa Khúc Hạo với danh nghĩa tiết độ sứ (tức thống đốc quân sự) của chính quyền Đường ở Tỉnh Hải quận (tên mới của An Nam đô hộ phủ), lợi dụng tình hình rối ren bên chính quốc để xây dựng cho mình một nhà nước quân chủ, thì giáp đã có mặt trong số thiết chế hành chính đương thời. Về các triều đại độc lập từ thế kỷ XI đến thế kỷ XV (từ Lý đến Lê sơ), sử củ, khi đã động đến các tổ chức xã hội-chính trị, thỉnh thoảng có nhắc đếngiáp, nhưng chỉ nêu tên gọi, mà không tả rõ nội dung. Phân tích văn bản tôi giả thiết rằng đấy là một đơn vị hành chính dưới cấp huyện. Bi ký của thế kỷ XVII và XVIII (các thời Lê trung hưng và Lê mạt), mỗi khi đề cập đến giáp, cũng không nói được gì rõ hơn, quá lắm chỉ cho phép đoán định rằng đây là một tổ chức xã hội-chính trị nằm trong lòng của làng (nếu ở nông thôn), và của phường (nếu ở thành thị). Đấy, trên những nét lớn những gì hiện nay chúng ta có thể biết về giáp, nếu căn cứ vào văn bản củ. Còn về tình hình của tổ chức này trong thế kỷ XIX (triều Nguyễn), thì ít nhiều anh đã biết, qua điều tra trên thực địa.
Dù sao, điều tôi cảm thấy, vì có khi cũng cần “cảm thấy”, là, trước thế kỷ XIX, giáp có lẽ còn là một tổ chức được xây dựng trên cơ sở địa vực. Tên củ của một làng còn gợi lên ý đó, ví như tám làng ven đô Hà Nội hiện mang tênGiáp Nhất, Giáp Nhị..., cho đến Giáp Bát” (xem trong phụ lục II cuốn: “Cơ cấu của tổ chức làng Việt cổ truyền ở Bắc Bộ” của Trần Từ).
Đến đây đã xuất lộ một vấn đề: vấn đề “nguyên tắc địa vực của Giáp”.
Từ các văn liệu lịch sử, GS. Trần Quốc Vượng “cảm thấy” trước thế kỷ XIX, giáp có lẽ còn là một tổ chức được xây dựng trên cơ sở địa vực, và ông tin ở đâu đó trên thực địa, còn có thể điều tra hồi cố được các tư liệu này. Trần Từ thì lại khác, ông đã “phản biện lại” như sau: “... theo tôi địa điểm vừa nêu trên cần được xem xét lại. Khi điều tra tại làng Bằng ở ven đô Hà Nội, tôi may mắn được tiếp xúc với một số bản khóan ước của vài giáp trong làng, mà năm viết rãi rác từ nữa sau của thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XX. Theo dõi được qua đó bước đường của vài giáp trong một làng, và chỉ một thôi, rồi đối chiếu, dù ở mức còn sơ lược, với tình hình thời gian gần đây nhất (vào đêm trước của Cách mạng Tháng Tám 1945), tôi không phát hiện được dấu hiệu nào, cho phép ngờ vực rằng, trong nữa sau của thế kỷ XVIII, các giáp đang bàn đều có mỗi giáp một địa vực riêng (bao gồm một số xóm, chẳng hạn).
Dù rằng chưa chưa nhất trí về thời điểm cụ thể nhưng Trần Từ cũng tán đồng cùng GS. Trần Quốc Vượng về quan điểm cho rằng, giáp đã từng tuân thủ “nguyên lý địa vực”. Ông viết: “...mặt khác tôi cho rằng chúng ta có thể đồng tình với luận điểm cơ bản của giáo sư: khi mới xuất hiện trên đất nước ta, giáp, hệt như mẫu hình Trung Hoa của nó, vốn là một đơn vị hành chính, được định vị ở cấp nào thì chưa rõ, nhưng, như mọi đơn vị hành chính ắt gắn liền với một địa vực nhất định...”. Để làm rõ hơn ý tưởng này, Trần từ đã sử dụng nguồn tài liệu mà ông có được trong khu vực người Mường ở Hòa Bình để minh chứng: “... mỗi mường được đồng nhất với một xã, và được phân thành một số “giáp”. Trong trường hợp tôi có dịp tìm hiểu kỷ càng nhất, có hai giáp cả thảy: “giáp trong” gồm tất cả các làng trong phạm vi chiềng; còn “giáp ngoài” bao gồm tất cả các làng ngoài phạm vi chiềng. Xin nói ngay rằng, ở đây, giáp không được dùng làm khung vận hành của thiết chế các lớp tuổi, mà chỉ là một phân thể hành chính của xã, ở bên trên cấp làng, do đó có một địa vực nhất định: hợp thể các địa vực làng thuộc giáp”.
Có thể nói chỉ với một điểm bất đồng rất nhỏ như vừa nói, ấy thôi, mà các cụ- nhất là GS. Trần Quốc Vượng- cũng “cay cú” ra phết.
Tôi còn nhớ vào thời điểm ấy, nghe theo lời khuyên của cụ Từ, tôi đã về Cửa Sót, Hà Tĩnh để tìm hiểu nhóm người Bồ Lô. Mục đích tìm hiểu nhóm người này - như cách gợi ý của Trần Từ - là để xem xem yếu tố Malayo đã tham gia cấu thành về mặt văn hóa và tộc người đối với người Kinh như thế nào. Nhưng khi khảo sát trên thực địa tình cờ tôi gặp một “hoá thạch” về nguyên lý địa vực của giáp. Tại cửa Sót có một vạn chài gọi là vạn Kỳ Xuyên thuỷ cư trên mặt nước, bao gồm hai giáp: giáp Nam và giáp Đông. Điều lý thú là mỗi giáp là một đơn vị quản dân có địa vực rõ ràng, địa vực của các giáp còn được tập quán pháp xác định theo vị trí cụ thể trên thực tế. Và hơn thế tình trạng như vừa nói tồn tại không phải ở thế kỷ XIX mà cho mãi tới nữa sau của thế kỷ XX (1959-1960), trước thời điểm miền Bắc Việt Nam tổ chức làm ăn theo Hợp tác xã (Xem: Nguyễn Duy Thiệu. Người Bồ Lô và vạn Kỳ Xuyên. Tạp chí Dân tộc học, số 3. 1989).
Và, trong một cuộc hội thảo về làng xã (trong thập kỷ 1980-tôi không nhớ rõ năm) tại 27 Trần Xuân Soạn, khi GS. Trần Từ, GS. Trần Quốc Vượng và các nhà khoa học khác còn chưa thống nhất với nhau về thời điểm mà giáp còn tuân thủ nguyên lý địa vực, tôi (NDT) đã góp thêm cho cuộc tranh luận những tư liệu về vạn Kỳ Xuyên (như vừa đề cập). GS. Trần Quốc Vượng nghe một cách chăm chú, những tư liệu mà tôi có, vô hình chung đã xác định ý tưởng của Ông (nguyên tắc địa vực của giáp tồn tại khá muộn ở Việt Nam) là đúng.
Tôi nhận ra một cách rõ ràng từ buổi thảo luận đó ông “ưu ái” tôi hơn rất nhiều. Khi tôi đưa bản thảo: “Cộng đồng ngư dân ở Việt Nam” nhờ Ông đọc, viết lời tựa để xuất bản, lúc đã xem qua nội dung trong bản thảo Ông càng yêu mến và “chiếu cố” coi tôi như là người nối tiếp. Ông Viết những câu làm cho tôi thấy thật cảm động và sung sướng. Ví dụ: “... Từ Chi nói, Nguyễn Duy Thiệu nhấn nhá thêm nhưng về cơ bản theo tôi (TQV) vẩn là tinh thần ngôi thứ...”; hoặc “ Như Từ Chi, tôi (TQV) và Nguyễn Duy Thiệu đã vạch ra...”... (xem: Lời mở của GS. Trần Quốc Vượng, trong cuốn “ Cộng đồng ngư dân ở Việt Nam” của Nguyễn Duy Thiệu, Nxb. KHXH, Hà Nội, 2002)...
Lúc sinh thời, GS.Trần Quốc Vượng hơn một lần đã dặn tôi: “cậu nhớ viết lại kỷ niệm ấy nhé” (kỷ niệm trong buổi tranh luận về “ thời điểm mà giáp còn tuân thủ nguyên lý địa vực”- tôi là học trò của cụ Từ nhưng tư liệu của tôi lại ủng hộ thầy Trần Quốc Vượng). Giờ đây trên cõi tiên, chắc là hai Cụ lại đang “gây sự” với nhau về vấn đề này, còn ở chốn trần gian tôi xin viết lại kỷ niệm này để nhớ về các Cụ - những người thầy vĩ đại của tôi và của chúng ta./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.