Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

06/11/2014

Gửi tiết kiệm trước Đổi Mới, qui đổi sau 30 năm

Hôm trước, đã nói về tỉ giá tiền đồng so với USD ở thời điểm trước và sau Đổi Mới (ở đây). 

Gần đây, du lãng vùng Tây Nguyên, tôi cũng ngẫu nhiên gặp bà con Ba-na và Gia-rai hiện sống trong những túp lều lụp xụp vẫn sở hữu những cuốn sổ tiết kiệm như vậy. Sẽ tìm lại tư liệu cụ thể sau, nhưng họ vẫn đang ấp ủ niềm tin là một lúc nào đó đi rút lãi.

Và ở dưới là một trường hợp khác, ở thành phố. 

Nếu ở Việt Nam, giải Nobel chắc cũng đã hết sạch tiền từ lâu.

Dưới là chép nguyên từ Tuổi trẻ.

---

Tiền tiết kiệm “bốc hơi” sau 30 năm

06/11/2014 09:14 GMT+7

TT - Sau hơn 30 năm, chủ nhân sổ tiết kiệm số tiền tương đương 2 chỉ vàng quyết định đi lãnh tiền. Tuy nhiên, kết quả bà nhận cuốn sổ không còn đồng nào.
Hai cuốn sổ tiết kiệm từ năm 1983 của bà Lê Thị Bích Thủy - Ảnh: T.T.D.
Đó là câu chuyện lạ lùng của bà Lê Thị Bích Thủy (ngụ Bình Thạnh, TP.HCM) có khoản tiền gửi tại Quỹ tiết kiệm xã hội chủ nghĩa của Ngân hàng Nhà nước VN.
Chưa lấy lãi ngày nào
Năm 1983, theo sự vận động của tổ dân phố nơi sinh sống, bà Thủy gửi tiết kiệm 270 đồng (mệnh giá thời điểm đó) vào Quỹ tiết kiệm chi nhánh Bà Chiểu, địa điểm lãnh tiền tại Kho bạc Nhà nước ở địa chỉ 368 Bạch Đằng, P.14, Q.Bình Thạnh.
Theo sổ tiết kiệm bà Thủy vẫn còn giữ, số tiền gửi này được chia thành hai lần, lần thứ nhất vào ngày 17-9-1983 trị giá 150 đồng và lần gửi thứ hai vào ngày 1-10-1983 là 120 đồng.
Trong trí nhớ của bà Thủy, số tiền này tương đương năm tháng lương của một công chức và đáng giá tiền sinh hoạt nhiều tháng của một gia đình đông người.
“Vào thời điểm đấy, vàng có giá 120-130 đồng/chỉ nên số tiền đó mua được nhiều thứ. Sinh hoạt hằng ngày cho một gia đình 5-6 người chỉ mất 1-2 đồng. Tiêu chuẩn bán gạo mỗi đầu người chỉ có vài đồng/tháng. Lương của một cán bộ phường chỉ tầm 35-45 đồng/tháng” - bà Thủy nói.
Tiền gửi không đủ tiền phí quản lý (!)
Theo quy định của ngân hàng, toàn bộ sổ sách chứng từ ngân hàng đều lưu lại trong 20 năm, thậm chí lâu hơn. Tất cả khoản tiền gửi có giá trị của khách, ngân hàng đều phải giữ lại hết dù khách không giao dịch thời gian dài, không thể tự tất toán. Tuy nhiên, trường hợp số dư tài khoản dưới mức tối thiểu quy định của ngân hàng và không hoạt động trong thời gian dài thì ngân hàng sẽ tự tất toán vì giá trị không đáng là bao. Chẳng hạn thời điểm hiện nay, nhiều ngân hàng quy định số dư tiền gửi hay thẻ thanh toán không dưới 50.000 đồng. Nếu tài khoản dưới mức này thì ngân hàng sẽ thu phí quản lý, ví dụ 20.000-30.000 đồng/tháng. Trong trường hợp đó, do phí quản lý nhiều hơn lãi nhập vào thì đến một lúc nào đó sẽ trừ hết số dư thì tài khoản sẽ về 0 đồng. 
Theo bà Thủy, tại thời điểm đó không có nhiều người muốn gửi tiền nên phường, tổ vận động bà con gửi tiền tiết kiệm, thấp nhất thì 1 đồng, có người chỉ gửi vài chục đồng.
Riêng gia đình bà Thủy kinh doanh nên cũng có đồng ra đồng vào. Cầm cuốn sổ tiết kiệm trên tay, bà Thủy nói nó được bà giữ cẩn thận trong nhiều năm, nhưng chỉ vì nghĩ mình chưa cần đến số tiền này nên bà cũng không tính đến đi rút.
“Hồi đó, nhân viên ngân hàng đi cùng với tổ trưởng tới tận nhà vận động gửi tiền tiết kiệm để ủng hộ xây dựng đất nước” - bà Thủy giải thích. Khoản tiền gửi từ lúc đứa con đầu của bà 6 tuổi, đến nay bà Thủy lên chức bà nội.
Chỉ còn giá trị kỷ niệm (?)
Ngày 8-10-2014, bà Thủy đến cơ sở Bạch Đằng, hiện là Kho bạc Nhà nước Q.Bình Thạnh, để lãnh tiền tiết kiệm theo quy định lúc bà làm sổ tiết kiệm, nhưng nơi đây cho biết kho bạc không còn có nhiệm vụ này nữa mà hướng dẫn qua “Ngân hàng Công thương ở đường Đinh Tiên Hoàng”.
Theo lời chỉ dẫn trên, bà Thủy tìm đến Ngân hàng Sài Gòn Công thương (Saigonbank) trên đường Đinh Tiên Hoàng, Q.Bình Thạnh. Nhân viên ở đây cho biết đúng là trụ sở trước đây của quỹ tiết kiệm nhưng của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Sau nhiều biến chuyển, Saigonbank chi nhánh Bà Chiểu chỉ tiếp nhận trụ sở, còn quỹ tiết kiệm, nơi bà Thủy gửi tiền, được chuyển về Ngân hàng Công thương (VietinBank) chi nhánh 7 có phòng giao dịch trên đường Phan Đăng Lưu, Q.Bình Thạnh.
Chiều 4-11, bà Thủy đến VietinBank chi nhánh 7 để biết số phận của cuốn sổ tiết kiệm. Tiếp nhận cuốn sổ, cô giao dịch viên khá bất ngờ vì “chưa thấy bao giờ”.
Dù ngả màu vàng nhưng nội dung ghi rõ là sổ tiết kiệm không kỳ hạn có lãi và có thưởng. Quy định cũng ghi rõ số tiền gửi ít nhất là 1 đồng, vì vậy số tiền bà Thủy gửi thời điểm đó chắc chắn khá lớn.
Trong phần quy định tiền lãi, tiền thưởng ghi: cuối mỗi năm quỹ tiết kiệm tính lãi và nhập vào vốn của người gửi tiền. Trong khoảng thời gian từ tháng một đến tháng ba năm sau, người gửi cần đem sổ tiết kiệm đến nơi gửi tiền để quỹ tiết kiệm ghi nhập lãi vào vốn.
Đại diện chi nhánh ngân hàng thừa nhận “tại chi nhánh này đã tiếp nhận nhiều trường hợp gửi tiền ngân hàng lâu năm quay lại làm thủ tục, nhưng cũ như trường hợp bà Thủy thì chưa có!”.
Bà Thủy kể: “Cô nhân viên giải thích do năm 1985 Nhà nước có thực hiện đổi tiền theo tỉ giá 10 đồng tiền cũ bằng 1 đồng tiền mới, nên khoản tiền 270 đồng của tôi còn 27 đồng, không phát sinh lãi gì. Vì số tiền này thấp hơn tiền duy trì tài khoản theo quy định nên khoản tiền trong sổ bị trừ còn 0 đồng. Sổ hiện chỉ còn có giá trị làm kỷ niệm”. 
Theo đại diện phòng giao dịch VietinBank chi nhánh 7, thỉnh thoảng ngân hàng cũng nhận được sổ tiết kiệm cũ, nhưng cuốn sổ này chưa thấy bao giờ.
Những tài khoản giao dịch tại chi nhánh ngân hàng đều được lưu giữ thông tin và có thể tra cứu trên hệ thống.
Trường hợp hơn mười năm, người gửi tiền quay lại rút tiền cũng có, ngân hàng cũng tìm ra được nhưng số tiền chỉ còn vài chục ngàn đồng do lạm phát quá cao, lãi suất thấp nên giá trị đồng tiền giảm.
“Tiền của khách hàng gửi ngân hàng phải trả là điều hiển nhiên, nhưng thực tế có rất nhiều tài khoản ban đầu cũng có thể vài trăm ngàn, nhưng cùng thời gian số tiền đó không còn là bao, sau đó người gửi cũng bỏ luôn” - vị đại diện cho biết.

Lúng túng chi trả
Tháng 10-2010, Ngân hàng Nhà nước có hướng dẫn việc chi trả đối với các khoản tiền gửi tiết kiệm của dân cư trong khoảng thời gian từ năm 1983-1985.
Trong văn bản hướng dẫn, Ngân hàng Nhà nước có lưu ý đây là khoảng thời gian diễn ra sự kiện phát hành đồng tiền ngân hàng mới, thu đổi tiền ngân hàng cũ với quy định 10 đồng tiền cũ đổi được 1 đồng tiền mới.
Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi cho người có tiền gửi tiết kiệm, việc quy đổi sẽ được chia theo giai đoạn, trong đó tiền gửi từ ngày 1-6-1981 đến 31-12-1984 được quy đổi theo tỉ lệ 6 đồng cũ bằng 1 đồng mới. Như vậy, khoản tiền gửi của bà Thủy sẽ là 45 đồng chứ không phải 27 đồng như nhân viên ngân hàng nói.
Ngân hàng Nhà nước thừa nhận trên thực tế trường hợp gửi tiền tiết kiệm lâu năm là không ít.
Với khoản tiền gửi tiết kiệm từ trước khi hệ thống ngân hàng VN chuyển cơ chế hoạt động từ một cấp sang hai cấp, việc thực hiện chính sách tiết kiệm có nhiều thay đổi nên nhiều tổ chức tín dụng còn lúng túng, chưa thống nhất trong việc chi trả cho khách hàng.
---



Bổ sung 3 (26/11/2014): Một phân tích về giá trị của số tiền gửi năm 1983.

270 đồng cách đây 31 năm sẽ mua được những gì

Kênh 14 - 

Cùng hiểu rõ hơn về giá trị thực về số tiền gửi ngân hàng của bà Lê Thị Bích Thủy.

Như đã đưa tin , bà Lê Thị Bích Thủy mới đây đã được đại diện Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) thông báo trả cả gốc lẫn lãi số tiền bà gửi từ năm 1983. Cụ thể, tính tới ngày 30/11/2014, cả gốc lẫn lãi, bà Thủy sẽ nhận được 4.385 đồng.

Câu chuyện này khiến rất nhiều người băn khoăn bởi sự kì lạ của nó. Lật lại quá khứ, năm 1983, bà Thủy gửi tiết kiệm số tiền 270 đồng và Quỹ tiết kiệm chi nhánh Bà Chiểu ở TP. Hồ Chí Minh.


Theo một vài tài liệu, số tiền này vào thời điểm đó có thể mua được khoảng 2 chỉ vàng (giá vàng chỉ khoảng 110-130 đồng/chỉ). Trong khi ấy, hiện nay giá vàng đã tăng lên cao, khoảng hơn 3,5 triệu đồng/chỉ.

Như vậy, nhiều ý kiến cho rằng số tiền gốc bà Thủy nhận được phải tương đương với giá trị vàng vào thời điểm bà đem tiền đi gửi. Điều đó có nghĩa, bà Thủy có thể nhận được gần 10 triệu đồng tiền gốc (chưa tính lãi). Số tiền này gấp hơn 2.000 lần con số 4.385 đồng bà Thủy được nhận.

Ngược dòng lịch sử, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu một chút về giá trị thực của số tiền bà Thủy đem gửi tiết kiệm.

Thời đó, giá trị của một cốc bia hơi chỉ vào khoảng 3 hào/cốc. Như vậy, với số tiền 270 đồng bà Thủy gửi tiết kiệm, chúng ta có thể mua được 900 cốc bia hơi. (1 đồng tương đương với 10 hào).


Thêm nữa, trong suốt thời kì bao cấp, giá gạo hầu như không thay đổi, dao động ở mức 4 hào/kg. Điều đó đồng nghĩa bà Thủy có thể mua được 675 cân gạo, tương đương tiêu chuẩn của 52 cán bộ đi làm vào thời đó (13kg/người/tháng).


Thậm chí, mỗi ngày một binh sĩ bộ đội chỉ được phụ cấp 6,8 hào tiền ăn. Như vậy, bà Thủy có thể nuôi được 397 chiến sĩ một ngày với số tiền bà đã đem gửi tiết kiệm.


Đặc biệt, số tiền của bà Thủy hoàn toàn có thể đưa bà lên đẳng cấp... đại gia thời đó. Với 270 đồng, bà có thể mua được khoảng 3 mũ cối là 1 trong những hàng hiệu thời bao cấp (80 đồng/mũ) hoặc một chiếc quần bò Thái Lan (2 chỉ vàng/quần).

Không khó để bà Thủy sắm cho mình những chiếc quần bò Thái Lan cực xịn với 270 đồng
Ngoài ra, bà Thủy cũng sẽ mua được 2 chiếc đồng hồ Seiko (giá thời đó là khoảng 1 chỉ vàng/chiếc). Đây là loại đồng hồ được mệnh danh là phương tiện "tán gái" nổi tiếng tới mức có câu ca rằng:
“Một yêu anh có Seiko
Hai yêu anh có Peugeot cá vàng”.

Seiko 5 - chiếc đồng hồ làm mưa làm gió thời kì bao cấp dễ dàng thuộc sở hữu của bà Thủy

Rõ ràng, số tiền 270 đồng vào thời bao cấp thực sự là một con số khổng lồ đối với người dân thời đó. Tuy nhiên, giá trị hiện nay của số tiền này thì hoàn toàn không đáng kể. Ngay cả một chiếc kẹo cao su vào thời điểm này cũng đã có giá từ 500 - 1.000 đồng.

Sổ tiết kiệm từ khoảng năm 1980. (ảnh minh họa).

Theo một số chuyên viên ngân hàng, số tiền bà Thủy gửi không có kì hạn nên theo đúng quy định nên theo quy định về lãi suất tiền gửi không kì hạn không quá 1%/ năm (hiện nay là 0,8% đối với VietinBank), số tiền của bà Thủy đã bị mất giá đi rất nhiều và chỉ còn 4.385 đồng.

Ở thời điểm hiện tại, công thức tính lãi suất của của các ngân hàng đang áp dụng là:

{(Số tiền gốc x lãi suất) : 360 hoặc 365 ngày} x số ngày thực tế mà người gửi muốn gửi.

Nguồn: Thư viện Pháp luật, Tiền Phong, Thể thao văn hóa




Bổ sung 2 (26/11/2014): Bàn luận của bạn đọc.

Vụ sổ tiết kiệm bốc hơi ở Vietinbank gây sốt mạng

Cập nhật lúc: 06:53 26/11/2014 (GMT+7)


(Kiến Thức) - Việc số tiền gửi tiết kiệm suốt 30 năm của bà Thủy nay chỉ được Vietinbank thanh toán cả gốc lẫn lãi 4.385 đồng... làm cộng đồng mạng sôi lên. 
Sau khi báo chí đưa tin về vụ Sổ tiết kiệm bốc hơi sau 30 năm, mới đây phíaNgân hàng Công thương Việt Nam – Vietinbank đã xác nhận về lãi suất của số tiền 270 đồng mà khách hàng Lê Thị Bích Thủy gửi từ năm 1983. Tổng cộng cả gốc lẫn lãi đến ngày 30/11/2014 được tính là 4.385 đồng. 
Theo đại diện VietinBank, số tiền này dựa trên cách tính tiền gốc và lãi suất theo từng thời kỳ. Số tiền gốc được đổi theo tỷ lệ quy định tại từng thời kỳ theo thông tư 08-NH/TT của NH Nhà nước, còn tiền lãi được hưởng theo lãi suất tiền gửi tiết kiệm của NH trong từng thời kỳ theo quy định của Nhà nước. Hôm qua, bà Thủy, chủ nhân của số tiền trên, sau khi nhận được thông báo xác nhận của ngân hàng cũng đã quyết định đến để làm thủ tục mặc dù tiền lãi mà bà nhận được chẳng đủ mua 2 cốc trà đá.
Hai cuốn sổ tiết kiệm từ năm 1983 của bà Thủy. Ảnh: Tuổi Trẻ. 
Dư luận lập tức có phản ứng về vụ việc kỳ lạ này, đa số rất thắc mắc về cách giải quyết, tính lãi suất của Vietinbank. Nhiều người tìm về quá khứ, tính giá trị thật của 270 đồng thời điểm năm 1983 để biết được nó tương với khoảng bao nhiêu tiền ở hiện tại và phát hiện ra bà Thủy đã phải chịu thiệt rất nhiều.
 Nhiều bạn đọc muốn quy đổi chính xác giá trị của 270 đồng thời điểm năm 1983, muốn ngân hàng trả lãi đúng để bà Thủy không phải chịu thiệt.
Độc giả T.An gửi bình luận trên một trang báo mạng: “270 đồng năm 1983 tương đương với 3 tháng lương của một ông lãnh đạo phòng cấp sở ngành lúc bấy giờ. Chỉ tính tương đương với 3 tháng lương của lãnh đạo phòng hiện nay thì số tiền ấy khoảng 20 triệu đồng hiện tại. Rõ ràng ngân hàng chỉ tính lãi suất một cách máy móc mà không tính trượt giá làm cho người dân quá thiệt”. 
Độc giả Vũ Hoàng Nam cũng cùng quan điểm: “Hết chỗ nói, kỹ sư năm 1983 ra trường lương có 63 đồng thôi. Số tiền 270 đồng năm đó bằng bốn tháng lương kỹ sư đấy. Vậy sau hơn 30 năm gửi tiết kiệm còn lại chưa được hai cốc trà đá”. 
Độc giam Nam Cuong còn đề xuất một cách trả tiền lãi như sau: “Ngân hàng vừa phải thôi. Cho người dân sống với. Hơn 4.000 đồng để làm gì? Phải quy ra 4.000 đồng với lúc ấy mới phải chứ?”.
 Cư dân mạng nhiều người khuyên bà Thủy nên giữ hai cuốn sổ tiết kiệm lại để làm... kỷ niệm/.
Trên fanpage TCCL, cư dân mạng tranh luận rôm rả về việc liệu ngân hàng đã làm đúng hay sai và bà Thủy có nên nhận lại số tiền đó rồi cho qua chuyện hay tiếp tục làm cho ra nhẽ. Nickname Lê Vương viết: “Tôi có sáng kiến như thế này: Đem đấu giá cuốn sổ tiết kiệm này. Tiền thu được sau khi đấu giá sẽ gửi cho bà Thuỷ". 
Nickname Trung Trí đóng góp ý kiến: “Đầu tiên, xin chia buồn với Bà Bích Thủy. Chuyện thật như đùa, cười ra nước mắt. Tuy vậy, cần kiểm tra lại bài toán 270 đồng thành 4.385 đồng. Xin có lời đề nghị: quí vị nào biết rõ lãi suất tiền gửi, nghiệp vụ ngân hàng qua các thời kỳ, tính dùm xem ngân hàng tính đúng không? Vị nào là chuyên gia kinh tế, cho thêm ý kiến. Nếu cần trợ giúp bà, có thể nên đấu giá sớm mua lại sổ tiết kiệm này. Cám ơn”.

 Một bộ phận cư dân mạng lại tỏ ra khá gay gắt với cách giải quyết trả lãi của Vietinbank. 
Với một số người khác, việc bà Thủy kiên trì giữ lại sổ tiết kiệm, các loại giấy tờ còn như một hành động rất đáng khen ngợi. Nickname Trần Cao Thắng bình luận trên Vitalk: “Theo tôi, trường hợp này nên được đưa vào người có công xây dựng đất nước. Bố tôi trước mua công trái, về ép treo khung kính làm kỷ niệm. Bán thóc đi hàng tấn để mua công trái, lúc lấy lại đổi ra chưa được ba kg gạo nhưng ông vẫn vui. Cái quan trọng, làm sao cho người ta thỏa đáng với công họ bỏ ra, bên cạnh đó còn tạo niềm tin và sự công bằng, không nên cứng nhắc quá”.
PV





Bổ sung 1 (25/11/2014): Cuối cùng là kết quả như sau.


VietinBank trả gốc và lãi cho bà Thủy... 4.385 đồng



25/11/2014 10:00

Ngày 24-11, đại diện Ngân hàng (NH) Công thương VN (VietinBank) cho biết sau khi rà soát hồ sơ lưu trữ, NH xác nhận sổ tiết kiệm của khách hàng Lê Thị Bích Thủy hiện được lưu trữ tại kho của VietinBank.

    Theo quy định về tiền gửi và lãi suất của NH Nhà nước vàVietinBank trong từng thời kỳ, VietinBank đã tính toán số tiền gốc (bà Thủy gửi 270 đồng vào năm 1983) và lãi của khoản tiền gửi tiết kiệm của bà Thủy tính đến thời điểm 30-11-2014 là 4.385 đồng.
    Theo đại diện VietinBank, con số này dựa trên cách tính tiền gốc và lãi suất trong từng thời kỳ. Theo đó, tiền gốc được đổi theo tỉ lệ quy định tại từng thời kỳ theo thông tư 08-NH/TT của NH Nhà nước, còn tiền lãi được hưởng lãi suất tiền gửi tiết kiệm của NH trong từng thời kỳ theo quy định của Nhà nước.
    Hai cuốn sổ tiết kiệm từ năm 1983 của bà Lê Thị Bích Thủy - Ảnh: T.T.D.
    VietinBank cũng cho biết để tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong việc giao dịch nhận lại số tiền gửi tiết kiệm, VietinBank chỉ định chi nhánh 7 thực hiện chi trả cho khách hàng khoản tiền gửi tiết kiệm. Đây cũng là chi nhánh NH mà bà Thủy từng đến thực hiện tất toán nhưng không thành công.
    Ngày 24-11, bà Lê Thị Bích Thủy, chủ nhân của sổ tiết kiệm gửi từ năm 1983, cho biết đã nhận được thông báo của VietinBank về việc tất toán sổ tiết kiệm của bà cũng như số tiền lãi phải trả. Tuy số tiền nhận được khá thấp nhưng bà Thủy cho biết vẫn sẽ đến NH làm thủ tục.
    Theo ông Nguyễn Hoàng Minh - phó giám đốc NH Nhà nước chi nhánh TP.HCM, những khoản tiền gửi lâu năm trước đây chủ yếu là tiền gửi không có kỳ hạn nên lãi suất không cao.
    Nhận xét về lãi suất tiền gửi của bà Thủy, ông Minh cho biết trừ những năm 1990 lãi suất có tăng cao, còn lại lãi suất tiền gửi về sau điều chỉnh theo lạm phát. Hiện NH Nhà nước chỉ quy định mức trần lãi suất tiền gửi VND kỳ hạn trên 1 tháng đến dưới 6 tháng là 5,5%/năm, còn lãi suất tiền gửi không kỳ hạn hoặc có kỳ hạn dưới 1 tháng thì tùy NH áp dụng, miễn là không quá 1%/năm.
    Ông Minh cũng cho biết NH Nhà nước tiếp tục nhận được nhiều trường hợp có khoản tiền gửi tiết kiệm lâu năm như của bà Thủy gửi về nhờ giải quyết. “Nhiệm vụ của NH Nhà nước là phải xử lý tất toán, chi trả đúng, đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền” - ông Minh nói.

    ---
    Những entry liên quan đã đi trên blog này:


    Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 10  (tổng quát về Đại hội VI)
    Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 9 (chương về Đổi Mới trong sách của Huy Đức)
    Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 8 (năm 1987, 1 USD bằng bao nhiêu VND ?)

    Một bài viết của cụ Vũ Khiêu chào mừng đồng chí Gooc-ba-chốp (1986)

    Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 7 (một cuốn sách xuất bản năm 1984 mang tên Lê Duẩn)
    Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 6 (nhớ lại của Trần Độ nguyên Trưởng Ban VHVN)
    Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 5  (hình ảnh Nguyễn Hữu Đang ở Nghĩa Đô năm 2004) 
    - Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 4 (về đại phát kiến của Việt Nam "làm chủ tập thể", Nguyễn Ngọc Lanh) 


     

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét

    Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

    LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

    Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.