Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

17/10/2014

Tư duy của Đoàn Nguyên Đức về đào tạo nhân lực bóng đá

Chưa có gì để nói cả, mới là lời viết cũng như biên tập của phóng viên. Nên chỉ lưu tư liệu thôi (đoạn đáng quan tâm, may là lời nói trực tiếp của ông Đức - đoạn để mực xanh trong tư liệu).


---
LƯU TƯ LIỆU


Công Phượng được bầu Đức trả lương bao nhiêu?



    Bầu Đức tuyên bố "dưới 21 tuổi các cầu thủ không cần tiêu tiền", nên Công Phượng cùng lứa U19 HAGL chỉ nhận mức lương 1,5 triệu đồng/tháng đến hết 2015.


    Hẳn nhiều người sẽ ngạc nhiên khi biết thu nhập thực sự của những tài năng trẻ Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh... tương đương mức lương của một nhân viên phục vụ bàn tại quán ăn vỉa hè (khoảng 50.000 đồng/ngày) ở Cần Thơ - nơi họ được khán giả hâm mộ như những ngôi sao.
    Học viện HAGL Arsenal-JMG nói chung hay lứa U19 HAGL vừa vô địch giải U21 quốc tế 2014 nói riêng có những nguyên tắc đào tạo con người khá khắt khe. Về điều kiện ăn, ở, tập luyện, họ được bầu Đức không tiếc tiền đầu tư để cầu thủ trẻ chỉ tập trung vào chuyên môn. Còn về mức lương, các ngôi sao mai như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường... chỉ được nhận 1,5 triệu/tháng để phục vụ nhu cầu cá nhân.
    Công Phượng, U19 Việt Nam
    Công Phượng cùng các đồng đội được đầu tư tối đa về dinh dưỡng, điều kiện học tập nhưng chỉ nhận được mức lương khá khiêm tốn. Ảnh: FBNV
    Bầu Đức khẳng định: "Dưới 21 tuổi các cầu thủ không cần tiêu tiền, số tiền sẽ được tích lũy lại để gửi về cho gia đình họ. Hoàn cảnh ở quê nhà các cầu thủ như thế nào chúng tôi đã cử người đi điều tra và nắm rõ hết thông tin. CLB HAGL sẽ có biện pháp giúp đỡ cụ thể bằng hành động và hiện vật, hạn chế tối đa dùng tới tiền mặt".
    Sang năm 2015, lứa U19 của Công Phượng bước sang tuổi 20 và được đôn lên đội 1 HAGL đá V.League. Bầu Đức vẫn sẽ thực hiện đúng tiêu chí và giữ nguyên mức lương dành cho các cầu thủ trẻ. Cụ thể, số tiền 1,5 triệu đồng được chuyển vào tài khoản cá nhân của từng cầu thủ vào mỗi dịp cuối tháng. Bên cạnh đó, các em sẽ được CLB hỗ trợ tiền mua giày thi đấu mới nếu có nhu cầu.
    "Nếu toàn đội đá tốt, tôi sẽ có hình thức thưởng để khích lệ tinh thần họ nhưng tuyệt đối không treo tiền thưởng trước trận đấu. Các cầu thủ phải đá cống hiến, đá hết mình để phục vụ khán giả chứ không phải đá vì tiền", bầu Đức cho biết thêm.
    Công Phượng, U19 Việt Nam
    Đa số người hâm mộ đều nghĩ rằng cầu thủ bóng đá sẽ có thu nhập "khủng", tuy nhiên Công Phượng cùng các đồng đội chưa nằm trong số đó.
    Mức lương năm 2014 của một trung vệ trong màu áo CLB Hải Phòng đá tại V.League khoảng hơn 20 triệu đồng/tháng, đó cũng là mặt bằng chung của các cầu thủ đá chính ở V.League, chưa kể tiền thưởng sau từng trận thắng. Như vậy, lương cả năm của Công Phượng cùng các đồng đội chưa bằng 1 tháng lương của nhiều cầu thủ V.League trong năm vừa qua.
    Tuy nhiên, lứa "gà nòi" của bầu Đức cảm thấy hoàn toàn thoải mái vì đã quen với nề nếp sinh hoạt tại Học viện suốt 7 năm. Chiều qua (29/10), khi vừa trở về Gia Lai sau giải U21 quốc tế, một cầu thủ U19 chia sẻ: "Mấy tháng qua đi thi đấu suốt em còn chưa rút tiền lương, đợt này về quê nghỉ 10 ngày em sẽ tranh thủ lấy số tiền đó mua chiếc máy giặt tặng chị gái mới sinh em bé ở Hải Dương".
    Cũng trong năm 2014, Công Phượng cùng đồng đội có thời gian dài tập huấn và thi đấu trong màu áo U19 Việt Nam. Thời gian này, các cầu thủ trẻ được hưởng chế độ tuyển thủ của VFF, khoảng 200.000 - 400.000 đồng/ngày, tùy theo từng đợt tập trung thi đấu trong nước hay ngoài nước.
    Sau khi kết thúc giải U21 quốc tế, trong ngày hôm nay các cầu thủ U19 HAGL sẽ trở về địa phương với phần thưởng 10 ngày nghỉ từ HLV Graechen.
    Theo Tùng Lê (Zing)


    Thứ sáu, 17/10/2014 | 09:31 GMT+7

    Bầu Đức: ‘Cầu thủ học viện đá V-League, rớt hạng vẫn vui’

    Kết thúc quá trình bảy năm đạo tạo, vị doanh nhân đam mê bóng đá quyết định đưa nhóm cầu thủ khóa một của Học viện HAGL Arsenal JMG thử lửa ở V-League 2015.
    Đang có những ý kiến trái chiều về việc Chủ tịch tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức đôn cầu thủ của Học viện HAGL Arsenal JMG tham dự V-Legaue 2015. Trong số những người phản đối, đa phần lo ngại lứa măng non này bị tiêm nhiễm thói hư tật xấu của môi trường V-League.
    Tuy nhiên, trò chuyện cùng VnExpress, bầu Đức khẳng định: “Tôi sẽ cho các cháu đá V-League, vì cho đến lúc này có thể xem như các cháu đã tốt nghiệp. Lộ trình của chúng tôi là sau khi được đào tạo phải đá V-League để trao dồi chuyên môn và học hỏi kinh nghiệm, khi nào các cháu chín chắn sẽ tính tiếp”.
    DONG4526-9670-1413509704.jpg
    Bầu Đức mạnh dạn đưa cầu thủ của học viện lên đá V-League để học hỏi kinh nghiệm hơn là tìm kiếm thành tích. Ảnh: Đức Đồng.
    Ông cũng không tỏ ra lo ngại về khả năng lối chơi thô bạo ở V-League có thể làm hư hại những "đôi chân vàng" của Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Toàn… “Không chỉ chúng tôi mà tất cả các đội trên thế giới cũng đều lo sợ lối chơi thô bạo. Nhưng mình phải có cách đề phòng. Tôi sẽ làm việc chặt chẽ với ban tổ chức giải để giải quyết vấn nạn này. Trọng tài cần phải kiên quyết trong việc xử lý để làm bóng đá Việt Nam đẹp hơn, sạch hơn”.
    “Ví dụ như mùa trước, cầu thủ Đình Đồng của Sông Lam Nghệ An đá gãy chân đối phương, bị treo giò một năm. Cứ làm nặng tay như thế thì đố ông nào dám đá xấu nữa”.
    Để dọn chỗ cho các cầu thủ học viện, bầu Đức đã mạnh tay thanh lý hơn chục cầu thủ ở đội một. HLV trưởng Choi Yoon Gyum cũng bị sa thải, nhường lại vị trí cho Guillaume Graechen vốn đã gắn bó với các cầu thủ học viện suốt tám năm qua.
    “Graechen chắc chắn sẽ thua kém kinh nghiệm trận mạc so với những HLV như Lê Thụy Hải nhiều, nhiều lắm. Nhưng phải để cho ông ấy làm, để cho các cầu thủ thi đấu thì mới có nhiều kinh nghiệm được. Tôi khẳng định, cho các cháu đá V-League, nếu đội rớt hạng tôi cũng vui. Rớt hạng này thì đá hạng khác, miễn sao các cháu có sân để chơi bóng”, bầu Đức nhấn mạnh.
    DONG5211-1283-1413509704.jpg
    Chủ tịch tập đoàn HAGL tạo mọi điều kiện tốt nhất để cầu thủ học viện được cọ sát, thi đấu. Ảnh: Đức Đồng.
    Vị doanh nhân sinh năm 1962 - người đi tiên phong trong việc mở học viện bóng đá ở Việt Nam - cũng trải lòng về những bất cập về chế độ tiền bạc trong môi trường bóng đá nước nhà hiện nay: “Tôi nói thật, nhiều cầu thủ bị tôi chấm dứt hợp đồng đã năn nỉ xin ở lại thi đấu với mức rẻ lắm, nhưng tôi không đồng ý được. Vì phải để sân chơi lại cho các đàn em. Cầu thủ Việt Nam làm gì có số tiền chuyển nhượng lên đến hàng chục tỷ đồng. Tiền lương thì cao vun vút và tiền thưởng cứ tỷ nọ, tỷ kia. Đó là điều phi lý”.
    Cầu thủ học viện của tôi sau khi lên đá V-League, sẽ không có một xu tiền thưởng nào. Còn lương thì chỉ là hỗ trợ các cháu và gửi về giúp đỡ gia đình. Tôi đã nuôi các cháu bảy, tám năm nay. Bây giờ là cơ hội để các cháu đá bóng để đền đáp công ơn của tôi. Không ai như bóng đá Việt Nam, đào tạo cầu thủ, nuôi họ lớn lên rồi khi đá lại còn phải treo thưởng, đúng là nghịch lý".
    Cuối cùng, vị phó Chủ tịch VFF tin rằng khi ông cho các cầu thủ học viện tham gia sân chơi V-League, khán giả sẽ đến sân. "Tôi luôn muốn làm sống lại hình ảnh bóng đá Việt Nam", ông nói. "Tôi đã tìm hiểu và trong tương lai gần, sẽ có nhiều CLB mở học viện như tôi, đó là tín hiệu tốt cho bóng đá nước nhà".
    Đức Đồng



    ---


    BỔ SUNG


    3.



    Chủ nhật, 16/12/2018 10:14 AM GMT+7


    Sau chiến thắng giành chức vô địch của đội tuyển, người đầu tiên HLV Park Hang Seo tìm gặp và tri ân chính là bầu Đức.

    Bầu Đức chỉ thị tìm nơi tốt nhất điều trị cho Văn Thanh

    Báo Nhật Bản đưa bầu Đức, bầu Tú vào đội hình nâng tầm bóng đá Việt Nam


    HLV trưởng của Đội tuyển Việt Nam Park Hang Seo đến sân bay Chu Lai (Quảng Nam).

    Sau khi đón HLV Park tại sân bay, Bầu Đức cùng HLV lên xe về Tập đoàn Trường Hải tại KCN Chu Lai.


    Vừa gặp nhau ở cửa ra máy bay, ông bầu Đoàn Nguyên Đức và huấn luyện viên Park Hang Seo đã dành cho nhau cái bắt tay và ôm nhau thật chặt.
    Dù đang có lịch công tác, tham dự hội nghị tại Chu Lai, Bầu Đức đã dành thời gian đón tiếp người thầy của đội tuyển quốc gia - HLV Park Hang Seo. Trong ảnh, Bầu Đức và HLV Park Hang Seo chuyện trò rất thân mật, vui vẻ.
    Bầu Thắng (Võ Quốc Thắng), HLV Park Hang Seo và Bầu Đức
    HLV Park Hang Seo và chủ tịch Nutifood Trần Thanh Hải
    Đón ông Park tại trung tâm Tập đoàn Trường Hải.
    Dù đây là buổi khai mạc hội nghị tại Thaco nhưng sự xuất hiện của HLV Park Hang Seo và "bầu" Đức đã khiến mọi sự tập trung của khách mời đều dồn vào những vị khách quá đặc biệt này




    "Bầu" Đức và Chủ tịch Nutifood tại sân bay Chu Lai

    15/12/2018 là ngày đáng nhớ của hơn 90 triệu người dân Việt Nam khi lần thứ hai đội tuyển Việt Nam giành cup vàng giải bóng đá khu vực Đông Nam Á - AFF Cup.

    Sau những nỗ lực không biết mệt mỏi để chạm tay vào cúp vàng, các tuyển thủ sẽ được "xả trại" và trở về nhà với gia đình, nghỉ ngơi thay vì các hoạt động giao lưu truyền thông. Tuy nhiên, thời gian nghỉ ngơi đợt này không quá dài bởi đội tuyển Việt Nam phải hội quân vào ngầy 20/12 để chuẩn bị cho Asian Cup 2019.

    https://vtc.vn/viet-nam-vo-dich-aff-cup-hlv-park-hang-seo-tim-gap-tri-an-bau-duc-d446199.html?fbclid=IwAR0VDdLbWMkqoYsJVkBgKkiZ7Fjid84Ql4QQ7_YNXDT18Cf5ELkv-UfIM-o




    Bổ sung 2 (16/12/2014): Bầu Đức nhấn mạnh đến văn hóa, đặt trước chuyên môn bóng đá.

    16/12/2014 11:47 GMT+7

    Bầu Đức: "Cầu thủ bán độ đừng mơ quay lại với bóng đá"


    Sau thất bại đáng tiếc của đội tuyển Việt Nam ở bán kết AFF Cup 2014, người hâm mộ đang đổ dồn hy vọng vào lứa U19 của bầu Đức. Trước sự quan tâm rất lớn ấy, bầu Đức tuyên bố sẵn sàng để Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh… làm nghĩa vụ quốc gia ở SEA Games 28 tại Singapore.


    * Thông tin ông sẵn sàng để Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh… lên làm nòng cốt của U23 Việt Nam đá SEA Games 28 có chính xác không thưa ông?
    - Việc để các cầu thủ U19 HA.GL tham dự SEA Games 28 hay không là quyền của VFF chứ bản thân tôi không thể quyết định được. Nếu VFF thấy cần thiết và triệu tập các em lên đội tuyển, tôi không thể từ chối vì đó là nhiệm vụ quốc gia.
    “Nên lấy nguyên bộ khung của U19 HA.GL”
    * Nhưng lộ trình phát triển của U19 là phải đến năm 2017 mới đá SEA Games, vậy việc để họ gia nhập U23 Việt Nam lúc này phải chăng ông cũng chịu áp lực thành tích?
    - Không, tôi không chịu áp lực gì hết, đơn thuần tôi nghĩ đó là nghĩa vụ quốc gia và mình phải có trách nhiệm tuân thủ. Tôi cũng chia sẻ thêm thế này, U19 đá được V-League thì lên U23 cũng đá được thôi chứ chẳng có vấn đề gì cả.
    Nếu tỉnh táo nghiên cứu kỹ, tôi cho rằng, việc để nguyên bộ khung U19 Học viện của tôi là hợp lý. Các em từng ăn, ở, từng tập luyện thi đấu nhiều năm với nhau, nếu tham dự SEA Games 28, tôi tin các em sẽ đá tốt. Còn nếu chỉ lấy một vài người, nay đá mai không thì sẽ không giải quyết được vấn đề gì.
    Đoàn Nguyên Đức, Phó Chủ tịch VFF, ĐTVN, AFF Cup
    Bầu Đức (ngoài cùng bên phải) tuyên bố sẵn sàng để các tuyển thủ U19 khoác áo đội tuyển U23 Việt Nam nếu được triệu tập.
    Đương nhiên, lấy nguyên bộ khung chính của U19 HA.GL nhưng cần phải bổ sung thêm một vài vị trí có kinh nghiệm nữa. Làm được như thế, tôi tự tin U23 Việt Nam sẽ đá tốt và có thành tích ngay ở SEA Game 28 luôn chứ không cần phải đợi đến năm 2017 đâu.
    * Sau thất bại của đội tuyển Việt Nam, người hâm mộ nghi ngờ, lãnh đạo VFF cũng nghi ngờ các tuyển thủ … vậy ông đã tiên liệu được hậu quả mà quân ông phải gánh chịu nếu lứa U19 lên đội tuyển đá thua và cũng có thể bị quy kết?
    - Không, tôi thấy chuyện này hơi khó để xảy ra, chẳng ai nghi ngờ các em U19 cả. Thực tế ở các giải giao hữu, lẫn chính thức, U19 đá thua tưng bừng, thua nhiều trận nhưng người hâm mộ vẫn đón nhận một cách nồng nhiệt. Người hâm mộ hiểu rằng đây là đội bóng được nuôi dạy tử tế, từ việc học văn hóa đến chuyên môn nên sẽ không bao giờ làm những việc trái với lương tâm, trái với pháp luật.
    Giải giao hữu Cúp Nutifood ở TP.HCM, đội U19 thua cả 3 trận, thua AS Roma, Nhật Bản, Tottenham, song khán giả luôn đến sân chật kín, cổ vũ rất nhiệt tình, rất chuyên nghiệp. Đến các giải thi đấu ở Brunei, ở Myanmar, hay ở Hà Nội hồi tháng 9 vừa qua, các em U19 đá có thắng, có thua, nhưng tình cảm, niềm hy vọng của người hâm mộ dành cho đội đến hôm nay vẫn đong đầy.
    Nói thật, trước kia cầu thủ Việt Nam có nhiều điều tai tiếng, dư luận có quyền nghi ngờ, nhưng riêng với U19, bản thân tôi tin tưởng sẽ không có xảy chuyện đó đâu. Nếu đưa bộ khung U19 làm nòng cốt lên, kết hợp với một vài VĐV có đạo đức, có tài năng xuất sắc ở một số CLB khác, dù đá thua người hâm mộ vẫn sẽ đến sân ủng hộ hết mình. Vấn đề là các cầu thủ CLB khác phải thực sự có tư cách, đạo đức.
    “Cầu thủ dính tiêu cực đừng hòng trở lại đá bóng”
    * Đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2014 thay máu lực lượng khá mạnh với rất nhiều gương mặt trẻ xuất hiện, nhưng nhìn lại vẫn còn đó một số cái tên gây băn khoăn. Dư luận cho rằng sự thay máu vẫn chưa triệt để. Theo ông, tiêu chí lựa chọn tuyển thủ thời gian sắp tới nên như thế nào?
    - Theo tôi, không có gì là triệt để cả, mọi thứ chỉ mang tính tương đối thôi, về vấn đề này tôi chỉ có thể trả lời được như thế, nôm na là không có gì tuyệt đối cả.
    Còn tiêu chí lựa chọn tuyển thủ cho các đội tuyển quốc gia, theo tôi vấn đề đạo đức cần đặt lên hàng đầu. Học viện HA.GL Arsenal JMG của tôi khi thành lập ra thì tiêu chí đầu tiên cũng là đạo đức và học vấn chứ không phải là bóng đá, nên cầu thủ của tôi mới có nếp sống như bây giờ, chứ không đơn giản đâu.
    Người ta suy nghĩ thế nào tôi không quan tâm, riêng quan điểm của cá nhân tôi, 2 yếu tố quan trọng nhất vẫn là văn hóa và đạo đức. Muốn kéo khán giả đến sân, cầu thủ phải có văn hóa và đạo đức trước đã, còn chuyên môn tính sau. Văn hóa và đạo đức phải làm từ lúc bé, lúc mới vào Học viện chứ đến 19, 20 tuổi mới làm thì không được nữa rồi.
    * Malaysia là điển hình của việc tuyên chiến với tiêu cực, họ từng “đày” hơn 70 cầu thủ, quan chức, HLV… ra đảo, tước bỏ mọi phúc lợi xã hội, cách ly khỏi bóng đá. Theo ông, đã đến lúc chúng ta mạnh tay với cầu thủ dính tiêu cực, đưa ra các án phạt hà khắc, không khoan nhượng kiểu như Malaysia từng làm hay không?
    - Các bạn là phóng viên hay có những so sánh, liên tưởng này nọ, nhưng theo tôi, mỗi quốc gia có một đặc thù riêng, một cách làm riêng… nên chúng ta không nhất thiết phải làm theo Malaysia.
    Còn nếu điều tra ra cầu thủ dính tiêu cực thì đương nhiên là phải mạnh tay, loại bỏ vĩnh viễn họ ra khỏi đời sống bóng đá.
    Tôi hiểu ý bạn, trước kia chúng ta vẫn còn xử lý vị tha, vẫn có trường hợp dính chàm nhưng được tha bổng quay lại bóng đá, thậm chí được gọi trở lại khoác áo đội tuyển quốc gia… Tôi đảm bảo câu chuyện đó đã là của nhiệm kỳ trước, bây giờ thì khác. Chủ trương của VFF là làm triệt để, cầu thủ nào dính vào tiêu cực đừng hòng có cửa trở lại với bóng đá.
    “Cả nước phải coi trọng đào tạo trẻ”
    * V-League có khỏe mạnh ĐTQG mới thực sự mạnh lên được, nhưng nhìn lại 14 năm lên chuyên, V-League của chúng ta dường như vẫn dậm chân tại chỗ, làm mất niềm tin với người hâm mộ… Vậy ông có lạc quan với giải đấu này ở mùa bóng 2015 hay không?
    - Có là thánh tôi cũng không lạc quan được. Tất nhiên mình là người trong cuộc mình phải nỗ lực để làm tất cả những gì mình có thể để đóng góp cho giải đấu. Còn cá nhân tôi nghĩ, làm cho giải đấu lành mạnh và chất lượng ngay thì rất khó.
    Tôi nghĩ, để giải đấu tốt lên cần phải có thời gian, phải có phương pháp làm. Nếu muốn tồn tại với bóng đá lâu dài, không riêng gì HA.GL mà tất cả các CLB trên thế giới đều tuân thủ theo một điều đó là lấy bóng đá, nuôi bóng đá, còn không thì là tạm bợ hết, và có thể giải tán bất kỳ lúc nào.
    Năm nay tôi tự tin, đội bóng HA.GL của tôi làm ăn có lãi, vì tôi xây dựng toàn bộ lực lượng do mình đào tạo ra, không tốn tiền chuyển nhượng, không trả lương cao, cơ chế thưởng phạt vừa phải… Để giải đấu V-League thật sự tốt, các đội bóng phải chú tâm đào tạo trẻ, đào tạo tới nơi tới chốn, đó là con đường duy nhất giúp bóng đá có lãi. Muốn làm điều đó phải có thời gian và sự kiên trì. Một lứa cầu thủ ra đời muốn đá tốt ít nhất phải chờ 8 đến 10 năm mới đánh giá được. Đây là một câu chuyện khó, nhưng ở Việt Nam vẫn có SLNA làm tốt, Đồng Tháp làm tốt song vấn đề của họ là kinh phí hạn hẹp.
    Năm nay, nhiều đội sử dụng đội hình trẻ đá V-League, như HA.GL, Đồng Tháp, Sanna Khánh Hòa – BVN, SLNA, tôi hy vọng tương lai, khi các đội bóng khác cũng làm như thế thì giải đấu của ta, đội tuyển của ta mới mạnh được. Còn cứ làm ăn chụp giật, tranh mua tranh bán, thăng một hai mùa, rồi mọi chuyện lại đâu vào đấy, không giải quyết được vấn đề gì!
    Bóng đá Việt Nam muốn phát triển, hãy đào tạo trẻ, dứt khoát phải làm chuyện đó, mà đào tạo ở đây phải đưa tiêu chí đạo đức và văn hóa lên hàng đầu như HA.GL đang làm. Đào tạo thuần chuyên môn, không quan tâm đến vấn đề văn hóa, đạo đức thì trước sau gì cũng sẽ hỏng.
    * Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
    “V-League không lo thiếu nhà tài trợ”
    V-League vừa chia tay nhà tài trợ Eximbank, là Phó Chủ tịch VFF phụ trách tài chính, ông Đoàn Nguyên Đức tiết lộ: “Việc tìm nhà tài trợ cho V-League là vấn đề đơn giản chứ không khó lắm đâu. V-League như một món hàng, đã là món hàng bán trên thị trường, không có nhà tài trợ này thì sẽ có nhà tài trợ khác. Vấn đề là giá cả, giá cả thì lệ thuộc vào chất lượng sản phẩm, chất lượng của giải, nhưng vẫn bán được hết.
    Ai là người mua? Sẽ có rất nhiều người mua. Còn chuyện BTC V-League đã tìm ra được nhà tài trợ hay chưa tôi chưa muốn công bố, vì đó là nguyên tắc đang giao dịch thôi chưa thể tiết lộ, nhưng đương nhiên phải có nhà tài trợ giải đấu mới diễn ra được chứ”!
    Theo Tuệ Chính (TT&VH)



    Bổ sung 1 (18/10/2014):


      Tỷ phú chơi trội hơn bầu Đức giúp U19 Myanmar thành công

      Thành công của đội U19 Myanmar nói riêng và bóng đá nơi đây nói chung có sự trợ giúp đúng đắn của tỷ phú Zaw Zaw, một trong những người giàu nhất của quốc gia này.
      U19 Myamar trở thành đội bóng thứ ba tại khu vực Đông Nam Á sau U19 Indonesia (1979) và Malaysia (1997) giành quyền tham dự giải U20 thế giới. Đây là cột mốc lịch sử cho bóng đá Myanmar, bởi họ chỉ mới cải tổ bóng đá mạnh mẽ từ năm 2005 và có giải chuyên nghiệp từ năm 2009.
      Một tháng chi 2 triệu USD cho bóng đá
      Zaw Zaw là một trong những ông trùm về kinh tế tại Myanmar, chủ tịch Max Myanmar Group (MMG) một tập đoàn kinh doanh đa ngành từ đá quý, gỗ, xây dựng, cơ khí, giao thông vận tải, du lịch và công nghiệp ngân hàng. Doanh thu hàng năm của MMG lên đến 500 triệu USD.
      U19 Myanmanr, Bầu Đức, tỷ phú
      U19 Myanmar (áo đỏ) thật sự bay cao khi giành quyền dự giải U20 thế giới. Họ không có những tuyên bố đao to búa lớn nhưng âm thầm làm việc để đạt hiệu quả
      Nói về mức độ chơi trội, Zaw Zaw hơn hẳn bầu Đức. Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á (AFF) vào năm 2013 có thống kê 1 tháng, Zaw Zaw dành ra 2 triệu USD từ tiền cá nhân cũng như kinh phí của các đối tác để chi cho các hoạt động của MMF.
      Vị tỷ phú này hiện là thành viên ban điều hành AFC, chủ tịch ban tổ chức các giải đấu trẻ của AFC. Chính ông là người đã có công đưa giải U19 châu Á về Myanmar và tổ chức tại thủ đô mới Nay Pyi Taw, dù trong kế hoạch trước đó giải đấu chỉ diễn ra ở Yangon. Kết quả như thế nào đã rõ, U19 Myanmar đã tận dụng tối đa lợi thế sân nhà để giành vé dự giải U20 thế giới 2015.
      Bắt tay với FIFA, liên tiếp mở học viện
      Hơn 9 năm làm chủ tịch MMF đến nay, Zaw Zaw đã giúp Myanmar có ít nhất 4 học viện bóng đá tại các thành phố Yangon, Mandalay, Pathein và Taunggyi - thủ phủ của bang Shan. Những dự án này đều có bàn tay đóng góp của FIFA.
      U19 Myanmanr, Bầu Đức, tỷ phú
      Dưới sự chèo lái của Zaw Zaw, bóng đá Myanmar đã thay da đổi thịt, từ việc đào tạo trẻ cho đến bóng đá đỉnh cao
      So với Việt Nam, số học viện bóng đá tại Myanmar nhiều hơn. Bên cạnh đó, những trung tâm đào tạo bóng đá còn mọc lên nhan nhản gắn liền với những doanh nghiệp khi họ muốn nhảy vào kinh doanh tại Myanmar. Điển hình trong số đó là trung tâm của công ty viễn thông di động Digicel vừa mở vào giữa năm nay.
      John Barnes, cựu danh thủ của Liverpool, đánh giá rất cao tiềm năng phát triển của bóng đá trẻ Myanmar. Ông cho biết trong ngày khánh thành trung tâm đào tạo bóng đá được tài trợ bởi Digicel: “Chất lượng các cầu thủ trẻ ở đây rất tốt, không thua kém cầu thủ ở Anh hay thậm chí Brazil. Nếu được đào tạo có hệ thống, họ sẽ trở thành những cầu thủ rất xuất sắc trong tương lai”. 
      Thành công của U19 Myanmar hiện tại là kết quả của 1 quá trình đầu tư lâu dài, trên diện rộng. Thành phần của đội đến từ hơn 10 CLB hiện đang chơi tại giải VĐQG hoặc đào tại tại học viện. Gerd Zeise, HLV của họ đã dẫn dắt các đội bóng trẻ từ lứa U16 - U21 suốt gần 4 năm qua. Myanmar kiên định với mục tiêu và lựa chọn của mình. Sự kỳ vọng và quan tâm của người dân Myanmar đối với đội U19 còn gấp bội so với Việt Nam.
      Tại giải U19 ĐNA vừa qua, các nhà đài của Myanmar là những người sốt sắng nhất trong việc thương lượng với MP&Silva để mua bản quyền của giải. Đứng sau lưng U19 Myanmar không chỉ là MMF, Zaw Zaw mà còn có cả Ooredoo, một công ty viễn thông có doanh thu hàng năm lên đến 9 tỷ USD.
      Nguyễn Đăng (theo Zing)



      2 nhận xét:

      1. Bổ sung 1 (18/10/2014):
        18/10/2014 18:35 GMT+7

        Tỷ phú chơi trội hơn bầu Đức giúp U19 Myanmar thành công

        Trả lờiXóa
      2. Bổ sung 2 (16/12/2014): Bầu Đức nhấn mạnh đến văn hóa, đặt trước chuyên môn bóng đá

        Trả lờiXóa

      Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

      LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

      Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.