Bản hương ước của làng Trang Liệt mà tôi đang sử dụng có niên đại 1992, gồm 6 chương và 17 điều. Văn bản được một nhà sư ở chùa bảo "chú cứ cầm lấy" trong một đợt lên thăm cảnh Phật các năm 1996-1997.
Có khi bản đó, ngay người làng Trang Liệt cũng quên rồi. Nên các cụ vừa mới khoe với nhà báo rằng: làng tớ có hương ước 6 chương gồm 63 điều. Tức là từ sau năm 1992, đã tăng lên tới 63 điều. Dưới là một bài đọc chơi trên Đại đoàn kết. Cũng có thể xem từ trang của làng Trang Liệt. Tháng 10 năm 2014, Giao Blog
--- Xây dựng đời sống mới bằng hương ước |
24/04/2012 |
Ông Ngô Hữu Xuất đọc lại những quy định trong bản hương ước cho con cháu trong làng
Để không hổ thẹn là địa phương đầu tiên trong cả nước được đón nhận danh hiệu làng Văn hóa, suốt từ năm 1987 đến nay, làng Trang Liệt vẫn vẹn nguyên những giá trị văn hóa truyền thống. Bây giờ, đến ngõ xóm nào của khu phố Trang Liệt cũng dễ bắt gặp những con đường mới do người dân tự góp tiền và ngày công xây dựng. Từng hộ dân cũng tự giác dọn dẹp vệ sinh, giữ sạch phần đường ở ven nhà mình. Những việc làm này đã được làm từ cách đây hàng chục năm. Và mọi chuyện đều được khởi nguồn từ quy định của một bản hương ước.
Ông Ngô Hữu Xuất, một bậc cao niên của làng chỉ cho chúng tôi bản hương ước đầu tiên của làng Trang Liệt từ năm Tự Đức nguyên niên Mậu Thân (1848), với tên gọi: "Trang Liệt hương ước”. Ông cho biết: " Dựa vào bản Hương ước, người dân có thể kết hợp hài hòa giữa văn hóa truyền thống và văn hóa hiện đại, nhờ đó mà đời sống của người dân đã dần ổn định, tạo tính cộng đồng đoàn kết cao trong làng, trong xóm.”
Đã có một thời nhiều nét văn hóa truyền thống của Trang Liệt bị mai một vì sự vắng bóng của hương ước làng. Lúc đó, những người con tâm huyết với Trang Liệt đã cùng ngồi lại và soạn ra một bản hương ước mới phù hợp hơn với cuộc sống hiện tại. Ông Nguyễn Thế Sập - một trong những người tham gia soạn thảo bản hương ước làng mới cho biết: "Khi soạn thảo hương ước, chúng tôi tiến hành họp dân. Bản hương ước này gồm 6 chương và 63 điều, quy định về những điều mà dân làng được làm, không được làm và nên làm trong cuộc sống hàng ngày. Nội dung của bản hương ước vẫn kế thừa những "lệ làng” tốt đẹp xưa, ví như: gìn giữ đạo lý gia đình; vận động dân làng tự nguyện xây dựng quê hương; coi trọng người đỗ đạt... Bên cạnh đó, Hương ước mới cũng đã xóa bỏ nhiều hủ tục, như: trọng nam khinh nữ, hiếu hỷ linh đình, tốn kém.
Bản hương ước của làng giờ đây là bản hương ước của khu phố được coi như một bản hiến pháp thu nhỏ, một quy định bất thành văn nhằm quản lý những thành viên trong làng, trong xóm sống cho đúng lễ nghĩa, gia phong. "Hơn 15 năm, kể từ khi bản hương ước mới được soạn thảo đã giúp cho địa phương gìn giữ nếp sống "Mỹ tục khả phong” của dân làng và giờ đây, nó còn giúp dân làng xây dựng cuộc sống mới. Bên cạnh hương ước làng, nhiều dòng họ còn có phả tộc, gia đình có gia phả để giữ gìn gia phong, lưu truyền cho hậu thế” ông Ngô Hữu Xuất khẳng định.
Với Trang Liệt, bản hương ước chính là "lệ làng, phép nước”. Cũng chính vì có bản hương ước này mà thuần phong mỹ tục được bảo lưu, người dân luôn hướng tới điều thiện, quan hệ xóm làng đoàn kết, tình làng nghĩa xóm ngày càng thắt chặt, trật tự an ninh được đảm bảo. Trong họ, trong gia đình, mọi người luôn giữ được hòa khí, kính trên nhường dưới...
Trong bản hương ước làng cũng đã có những điều khoản nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, an ninh trật tự tại địa phương. Trong đó ghi rõ: An ninh chính trị thôn, xóm phải luôn được đảm bảo, nếu ai là người làng phạm vào trộm cắp, ăn cướp... sẽ bị làng xuất ngôi trừ ngoại, sẽ bị đuổi khỏi làng. Bản hương ước cũng luôn nhắc nhở con cháu, những người làm ăn xa quê phải luôn hướng về quê hương, nguồn cội.
Câu chuyện xây dựng đời sống mới bằng hương ước làng của khu phố Trang Liệt là một minh chứng về truyền thống cố kết cộng đồng dân cư, một trong những cơ sở quan trọng để người dân Trang Liệt gìn giữ nét văn hóa truyền thống, đồng thời tạo đà cho những bước phát triển vững chắc trong cuộc sống hôm nay và mai sau.
Nhã Phương
|
Từ thưở xưa cho đến ngày nay, làng xã đều có hương ước để giữ gìn, bảo lưu phong tục, truyền thống của tổ tiên. Ngoài ra, nhiều dòng họ còn có phả tộc, gia đình có gia phả để giữ gìn gia phong, lưu truyền cho hậu thế. Hàng chục thế kỷ qua, cũng như mỗi làng quê vùng Bắc Bộ Việt Nam, làng Trang Liệt là một làng độc lập, bao bọc bởi luỹ tre xanh, thông ra bên ngoài theo bốn hướng Đông Tây, Nam, Bắc là 4 cổng làng cổ kính, tựa như 4 quan ải vậy. Do đó, người dân làng sống yên phận thủ thường, làm ăn cam chịu theo số phận, bằng lòng với những tục lệ, lệ làng thành văn qua bản hương ước (nay gọi là quy ước) của làng. Đó là chưa nói tới những quy định bất thành văn.
Hương ước là một văn bản pháp lý, gắn trách nhiệm của các thành viên trong gia đình, dòng tộc, phe giáp, làng xóm với các điều quy định về xây dựng kinh tế an ninh, chính trị, văn hoá xã hội tục lệ, lệ làng ma chay, cưới xin, hội hè, đình đám… Hương ước dưới thời phong kiến, nếu loại trừ những quy định cũ kỹ, lạc hậu thì lại hé mở chất nhân văn, văn hoá truyền thống dân tộc. Đây chính là lệ làng, phép nước vì thế từ lâu nó được người dân Trang Liệt nghiêm túc thực hiện. Nhờ vậy, thuần phong mỹ tục được bảo lưu, người dân luôn hướng tới điều thiện, quan hệ xóm làng đoàn kết, tình làng nghĩa xóm sớm lửa tắt đèn có nhau, trật tự an ninh được đảm bảo; còn trong họ, trong nhà giữ gìn được đạo đức gia phong, đối xử với cha mẹ, ông bà rất tận tình, anh em trên bảo dưới nghe, ít xảy ra xô sát,vợ chồng ít li hôn, làm ăn thịnh vượng.
Làng Trang Liệt xây dựng bản hương ước đầu tiên từ năm Tự Đức nguyên niên Mậu Thân (1848), với tên gọi: “Trang Liệt hương ước”.
Đến năm Quý Mùi (1883), 10 dòng họ lớn trong làng đã soạn thảo “thập tộc tân ước”, tức là quy ước của 10 dòng họ.
Tháng 3 năm Canh Tuất (1910), đời vua Duy Tân thứ tư lại lập “hương ước Trang Liệt” (chữ Hán), được xem là một bản hương ước có nhiều tiến bộ, vừa có tình, lại vừa có lý, trong đó có tục “kết chạ anh chạ em” – gọi là “kết bạn”.
Đến đời vua Bảo Đại thứ 10, năm Ất Hợi (1935), dân làng lập “Hương ước cải lương”, khi đó cụ Phan Đình Châu làm chánh hội. Bản hương ước này gồm 33 điều, quy định cụ thể về các hoạt động trên các lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội cho đến an ninh trật tự. Trong “hương ước cải lương”, nét đặc biệt độc đáo, riêng biệt của làng Trang Liệt được thể hiện ở các quy định về tập tục, lệ làng. Đó là:
Các cụ có đề ra lễ tục “uống máu ăn thề”, chọn ngày xấu là ngày Thụ Tử để tổ chức. Buổi lễ diễn ra tại đền, thành phần tham dự gồm có nóc dân, hai quan đám, ban trưởng cả,nóc lão, chạ tam, tứ bàn và các vị chức sắc của làng. Dân làng sửa một lễ xôi, hoa quả và một con gà trống độ 1 – 2 kg. Sau phần cúng lễ, gà được cắt tiết cho vào chậu rượu và mọi người “uống máu ăn thề” không làm những điều xấu đã quy định thành lệ làng, như:
Chớ nên nuôi ngỗng, nuôi dê
Chớ nuôi lợn sề lụi bại các con.
Hàng năm, ngày 8 tháng Giêng âm lịch là ngày thăng thứ, nghĩa là dật lên các ban bệ của làng. Trai làng đến tuổi 18 vào làng “nhận việc dân”. Chạ bàn năm dật lên bàn tư, đó là ban chạ làm nhiệm vụ hộ tang. Chạ bàn tư hoàn thành hộ tang lên bản trưởng, tuổi 43 đến 49.
Trong đó, ban chạ hộ tang được quy định có phần nặng nề nhất, có người phải gánh vác suốt 5 – 6 năm liên tục. Trong ban chạ, khi có việc, đám tang, nếu ai vắng thì phải nhờ người đi thay, nếu vắng chạ 3 lần thì ban chạ sẽ khai trừ. Nếu ai không tham gia và không hoàn thành nhiệm vụ ban chạ hộ tang thì không có ngôi thứ gì trong lệ làng.
Hương ước của làng còn có những điều khoản như:
– Đình, đền, míếu mạo, chùa là cơ sở thờ tự âm linh của cộng đồng dân làng nên phải tu sửa, nâng cấp, song phải giữ nguyên kiến trúc cũ và bảo tồn, bảo tàng di tích lịch sử văn hoá truyền thống quê hương ngàn năm văn hiến.
– An ninh chính trị thôn xóm phải luôn được đảm bảo, nếu ai là người làng phạm vào trộm cắp, ăn cướp… sẽ bị làng xuất ngôi trừ ngoại, không còn gọi là lệ thành đinh.
– Cội nguồn, nơi nguyên quán, đối với những người xa quê, làm ăn buôn bán nơi đất khách quê người, dù đã ra đi mấy đời nhưng vẫn phải hướng về quê, từ tình cảm đến việc làm. Khi ai đó gần đất xa trời, là lúc “Cóc chết ba năm quay đầu về núi”, chăng chối với con cháu nhớ cho về nơi quê cha đất tổ, nơi chon rau cắt rốn và nơi an nghỉ cuối cùng để linh hồn được gắn với quê hương bản quán, được thanh thản khi qua đời.Hương ước xưa rất quu củ, tế nhị nhưng rất nghiêm với tục lệ của một làng quê, như điều khoản đối với người đến nhập cư (ngụ cư)
Điều khoản về cưới xin trong Hương ước rất chi tiết.
Thời nào cũng vậy, hôn nhân là việc hết sức hệ trọng đối với cuộc đời mỗi con người nên trở thành tập tục lệ làng và là lễ giáo phong kiến. Đối với người con gái đi lấy chồng xa quê phải “nộp cheo” cho làng, gồm có cơi trầu và đóng góp một khoản tiền 20 – 30 quan tiền. Hàng năm, ngày lễ hội 8 – 3, vợ chồng con cái đem nhau về quê hương, lễ giải; hoặc khi làng trùng tu, xây dựng đình, đền, chùa chiền thì cũng có “của ít lòng nhiều” công đức bằng tiền hay hiện vật. Thời xưa Trang Liệt có rất ít con gái đi lấy chồng xa quê.
Hai bên thông gia thường phải “môn đăng hậu đối” và “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”; phải kén tuổi, gái hơn 2 trai kém 1. Tình trạng tảo hôn diễn ra bình thường, con trai 9 tuổi, con gái 11 tuổi hoặc dưới 16, 17 tuổi đã dựng vợ gả chồng. Con gái 18 tuổi mà chưa có chồng được xem là ế rồi.
Tục lệ ngày xưa quy định, con gái làng cưới xong vẫn ở nhà bố mẹ đẻ 2, 3 năm, hoặc đến 18 tuổi mới về nhà chồng. Hôm về nhà chồng phải chọn ngày lành, tháng tốt, có người đưa, bà đón và nàng dâu phải mang theo một đôi chiếu hoa, đôi quang song, đòn gánh cong và một đôi thùng gánh nước; nhà giàu thì cho đôi nồi đồng, một hòm chăn gối, màn, quần áo, tư trang và các thư đồ dùng khác cũng một gánh gạo tẻ.
Tục lệ thách cưới ở Trang Liệt xưa (và nay cũng vậy), là gia đình hai bên đều phải có chung trách nhiệm nên việc thách cươí so với các vùng xung quanh là nhẹ. Nói chung là theo đất quê lề thói như các cụ xưa đã dặn: Nhìn xa trông rộng, tuỳ theo khả năng hoàn cảnh gia đình nhà trai ra sao mà thách cưới. Hoặc thấy đám cưới trước thách và dẫn lễ vật nhiều hay ít, thì các đám sau cũng dẫn tương tự. Cá biệt có gia đình khá giả hoặc tiến bộ không thách cưới, để cho nhà trai “tuỳ tâm” nên lễ vật nhiều hay ít đều quý cả và nhà gái chỉ sử dụng từng đó.
Thời xưa có tục lệ chia cau cho cả làng. Vì thế, các đám hỏi đều lấy 1200 quả cau để chia cho mỗi hộ một quả. Còn tiền, vàng nhà trai dẫn lễ, nhà gái nhận, nhưng sau đó lại cho con dâu để làm vốn, hoặc để kỉ niệm một đời con gái đi lấy chồng. Lễ giáo phong kiến đó cũng góp phần để người con gái khi xuất giá mãi giữ gìn đạo đức gia phong, tam tòng tứ đức.
Tục lệ ăn cỗ ngày cưới (đại lễ) có phần phiền phức, tốn kém và lãng phí. Nhà trai đến đón dâu, nhà gái đưa dâu về và âi bên đều ăn cỗ, tối thiểu cũng phải 4 mâm, mâm ra, mâm vào. Cỗ rất to, gồm 8 bát, 12 đĩa. Còn mâm rước có xôi vò chè đường, bánh xu xuê đỏ, vàng và các loại bánh khác.
Tục lệ tế tơ hồng vào giờ Hoàng đạo (12 giờ trưa). Bàn thờ ở ngoài sân, một ông đọc văn tế tơ hồng xong, cô dâu chú rể lễ, sau đó vào nhà lễ gia tiên. Nội dung văn tế là ôngTơ bà Nguyệt đã se duyên cho đôi lứa nên vợ nên chồng,cùng kết tóc se tơ cho ý hợp tâm đầu, bách niên (trăm năm) giai lão.
Còn có tục lệ chăng dây đám cưới. Ngày xưa con gái lấy chồng nơi khác (gọi là đi thiên hạ) hôm cưới phải chăng dây từ đầu cổng làng đến nhà gái. Nhà trai thưởng tiền cho người chăng dây, rồi mớí được đi, nếu đám cưới nào chăng nhiều quãng thì đôi nam nữ ấy rất hạnh phúc (sau cách mạng tháng 8 – 1945, tục lệ này bỏ hẳn). Riêng tục lệ mừng bằng tiền, hoặc tặng phẩm của an hem, bà con họ hàng và bạn bè tình nghĩa đến chia vui chỉ với nhà trai (không có lệ mừng nhà gái như thời nay).
Lễ nghi hôn nhân cổ truyền được diễn ra theo các bước:
1. Đầu tiên ướm đôi trai gái, hai bên đính ước với nhau.
2. Dạm ngõ: có cơi trầu là đầu câu chuyện, do ông, bà mối đại diện cho nhà trai đến nhà gái nói chuyện cho đôi trai gái kết hôn (không có sự tìm hiểu như bây giờ)
3. Lễ ăn hỏi (tiểu lễ): lễ vật là một buồng cau, chè, thuốc lá, bánh kẹo…
4. Ngày xin cưới: Trước tiên trao đổi về lễ nghi trầu, cau, chè thuốc là và các thứ khác, như kim ngân, vàng bạc là bao nhiêu. Thời xưa các cụ thường lấy 3 cái lễ: Lễ nhà thờ tổ, lễ gia tiên, lễ bên ngoại. Hai bên trao đổi, ấn định ngày giờ, ngày cưới, số lượng hai nhà trai, gái đi dự cưới và ngày dẫn cưới.
5. Ngày dẫn cưới: nhà trai đem (gánh) lễ vật sang nhà gái một gánh, hoặc hai gánh, bằng mâm thau, trùm vải đỏ. Ông dẫn cau đến nhà gái uống nước, có cả xôi vò,chè đường. Các tiết lệ trên cả hai gia đình nhà trai, gái đều tổ chức làm cỗ mời bà con, họ hàng đến dự, mời chào rất vui mừng,lịch sự.
6. Nghi lễ ngày đại lễ: Buổi sáng 8 giờ nhà trai đi đón cô dâu. Trưa 11 giờ nhà gái đưa cô dâu về nhà trai để lễ thành hôn (hai bên đều ăn cỗ) mâm ra mâm vào, nhà trai độ 15 người, nhà gái 20 người.Riêng cô dâu và chú rể không ăn cỗ. Nghi lễ tế tơ hồng và gia tiên xong, cô dâu chú rể chính thức được công nhận là vợ chồng. Bà dẫn dâu có lời: Hôm nay là ngày lành tháng tốt tôi thay mặt gia đình nhà trai đưa cháu … về làm dâu, con của các cụ, các ông các ba cùng họ nội họ ngoại… Đại diện nhà gái đáp từ và cảm ơn gia đình hai họ đến dự. Cá biệt, nếu ông bà nội cô dâu còn sống, cô dâu và chú rể phải lễ sống, sau ông bà chúc mừng và trao tặng phẩm…
7. Lễ lại mặt: sau ngày cưới tổ chức ngày lại mặt, mời bà con họ hàng đến ăn cỗ (xưa các cụ nói lại mặt to hơn cưới). Chú rể đến nhà cô dâu ăn cỗ, mục đích là để nhận họ hàng bên vợ, ai là chú bác, cô dì, anh chị em, còn họ hàng bên vợ biết mặt chú rể (nếu lấy chồng ngoại quán, nhà trai cử độ 3 đại biểu, chú rể sửa một cái lễ lại mặt, đơn giản gồm một cơi trầu, chè, thuốc lá và bánh kẹo, cá biệt là một mâm xôi, con gà).
Thời nay thủ tục cưới xin ở làng Trang Liệt về cơ bản vẫn như xưa, nhưng có giảm về thời gian, việc mai mối ít đi lại đến nhà gái, lễ nghi lại đơn giản và không thách cưới, để tuỳ tâm… nên so với thời xưa có đơn giản và gọn nhẹ rất nhiều. Hiện nay quan hệ nam nữ tự do tìm hiểu, nếu hai bên hợp tính tình, yêu nhau là hứa hẹn đính ước, hôn nhân. Hạnh phúc của con em là trách nhiệm của cả hai bên gia đình cô dâu chú rể đều chăm lo tổ chức cưới xin theo đúng pháp luật. Thủ tục lễ nghi hôn nhân ngày nay thông thường là:
1. Nhà trai cử người mai mối (ướm) cho đôi trai gái quan hệ với nhau và ngỏ lời cho hai cháu kết hôn (do đôi nam nữ đã tìm hiểu)
2. Đại biểu nhà trai đến trao đổi với nhà gái, cô gái đồng ý kết hôn và hai bên định ngày cưới cụ thể để nhà trai đến trao đổi ngày ăn hỏi, ngày cưới và lễ nghi ra sao. Tiếp đó ông dẫn đến nói chuyện, trao đổi cụ thể về ngày tiểu lễ và đại lễ.
3. Lễ ăn hỏi thường là hôm trước ngàycưới và cùng ngày dẫn cưới. Đồ lễ gồm trầu cau, chè, bánh trái, kim ngân.. Hai lễ ăn hỏi và lễ dẫn cưới cá biệt có đám ăn hỏi trước 20 ngày.
4. Ngày cưới, giờ đón dâu thường vào 13 giờ 30, về đến nhà trai làm đủ thủ tục lễ thành hôn, sau đó cô dâu lại về nhà mình. Đến 19 giờ 30, nhà trai cử hai, ba bà đến đón dâu về nhà chồng. Nhà gái cũng cử hai, ba bà và 5, 6 chị em bạn bè cô dâu cùng đưa về nhà chồng, mang theo một đôi chiếu, chăn gối, màn, vali và quần áo tư trang, đồ dùng cá nhân.
5. Lễ lại mặt: nói chung cả hai nhà đều tổ chức ngay sau buổi chiều hôm cưới, cỗ lại mặt rất đơn giản và gọn nhẹ.
Như vậy, việc nghi lễ hôn nhân cổ truyền ở làng Trang Liệt so sánh với nghi lễ hôn nhân thời kỳ đổi mới, về cơ bản ít thay đổi, vẫn giữ được nề nếp thuần phong mỹ tục của làng quê. Nhưng so sánh thì cũng thấy, việc hôn nhân thời xưa, từ khi người mai mối ướm hỏi, rồi đôi nam nữ đính ước, đến lễ ăn lại mặt và cô dâu 18 tuổi mới về nhà chồng, xét về thời gian là quá dài, lại kéo theo nhiều thủ tục. Sự đi lại giao dịch giữa nhà trai và nhà gái quá nhiều lần, mỗi khi ông dẫn đến trao đổi với nhà gái lại phải làm cỗ cúng gia tiên mời họ hàng đến chia vui. Tục lệ chia cau làng nước và nhà trai, nhà gái đưa dâu đón rể đều làm cỗ… là rất phiền phức lãng phí, gây tốn kém cho những gia đình neo đơn, túng thiếu, vì phải cố lo, như các cụ truyền lại, có gia đình lo cưới được cho con dâu về thì sạt nghiệp.
Việc cưới xin thời nay là rất phù hợp với thời kỳ xây dựng nếp sống văn hoá mới. Nghi lễ hôn nhân đơn giản hơn, nghi lễ trọng thể đúng thủ tục, lễ vừa đủ, sự đi lại gặp gỡ, trao đổi giữa hai bên gọn nhẹ. Không có tình trạng tảo hôn… Chỉ có điều khiến đa số người dân băn khoăn, cảm thấy nan giải là, cả hai nhà trai, nhà gái đều ăn cỗ tới hai ngày, với trên 100 mâm cỗ vào loại A, tốn kém từ 1 đến 2 cây vàng. Vì thế, tôi mong Đảng, chính quyền, các đoàn thể và nhân dân ta giảm dần, tiết kiệm hơn nữa để tránh lãng phí trong việc cưới xin. Tin rằng nhân dân ta sẽ đồng tình, đồng tâm hưởng ứng cuộc vận động tiết kiệm trong việc cưới xin.
Điều khoản lệ làng về đám hiếu (ma chay)
Phương ngôn truyền lại: Nghĩa tử là nghĩa tận và ma chay là một hoạt động biểu thị sự biết ơn, nhớ thương của người sống đối với người chết. Nó trải qua hàng loạt nghi lễ như: thăm hỏi lúc lâm chung, con cháu người thân ngồi túc trực nghe lời dặn dò chăng chối, khi đã qua đời thì thực thi các việc cần thiết (nắm chân tay, vuốt mặt, tắm lá bưởi, thay quần áo mới và trông nom tại chỗ…) Gia chủ chuẩn bị mua hậu sự, may áo tang, đón phường kèn và tổ chức phát tang lễ nhập quan, quan linh cữu và lập bàn thờ vong. Tang lễ theo nghi lễ cổ truyền: con trai, con gái, con dâu may áo tang cha buông, mẹ vén, đội mũ nồi rơm, cha gậy tre, mẹ gậy vông, cha đưa mẹ đón…
Bà con làng xóm, họ hàng, thân bằng cố hữu đến phúng viếng, chia buồn cùng tang chủ. Nhà sư và các cụ vãc có cơi trầu, hương nến đến phúng viếng và cầu nguyện cho vong linh siêu sinh tịnh độ. Trong thời gian nhất định , do làng quy định, người quá cố được đưa đi mai tang sao cho mồ yên mả đẹp, có sư thầy cầm gậy tầm sích, các cụ bà đi hộ phúc đội cầu, cầm cờ phướn cầu nguyện cho vong linh và đưa đến nơi an nghỉ cuối cùng.
Lệ làng có một số quy định:
Người chết, gia đình phải nộp lệ làng. Những người sinh sống xa làng, khi chết muốn đưa về quê mai tang, gia đình người đó phải nộp lệ làng, thủ tục là một cơi trầu trình làng, do quan đám đánh mõ làng 4 hồi 3 tiếng.
Tang chủ phải nộp lệ chạ bàn ba, bàn tư (hộ tang) là 48 khẩu trầu và 48 hào (bạc trắng) nhưng do trong ban chạ có người là họ hàng phải chờ chết, hoặc diện được kiếu, vắng mặt nên số tiền còn thừa thì trưởng chạ hoàn lại tang chủ. Cũng có người không nộp nổi lệ làng, vậy có nghĩa là không hoàn thành nghĩa vụ với làng. Xưa các cụ nói: Sống ở làng, sang ở nước. Ban chạ ngồi tại cầu chin gian. Mõ chạ 3 hồi 5 tiếng.
Trường hợp là người nhập cư hoặc tam trú ở làng Trang Liệt, vì ốm đau mà chết, thì dân làng cũng vì tình làng nghĩa xóm đến thăm hỏi, chia buồn với tang gia rất là chu đáo. Ban chạ vẫn có trách nhiệm hộ tang, làm mọi nghĩa vụ đầy đủ để đưa người quá cố đến nơi an nghỉ cuối cùng. Trường hợp này, nếu ai trong ban chạ có lí do thiếu, hoặc đi vắng thì không phải nộp phạt.
Có trường hợp người chết đúng vào dịp lễ hội của làng, từ 6 – 3 âm lịch, khi làng đã giết gà đóng đám rồi (lễ nhập tịch) thì tang chủ, họ hàng người chết phải tổ chức mai tang sao cho im ả, lặng lẽ, đưa ma đi qua tường thành và không có kèn trống, không có ban chạ hộ tang. Còn không, tang chủ, họ hàng người chết phải để đến hết hội mới tổ chức đám tang.
Đặc biệt, do đền là nơi tâm linh thờ thần thánh, nên từ xa xưa các cụ di ngôn truyền lại rằng: Đám tang không được đưa đi qua cửa đền, đến nay cũng vậy.
Về tổ chức lễ tang, khi gia đình có người quá cố, việc tổ chức tang lễ là do họ nội tộc lo ma, vì thế từ “đám họ” có từ thời xưa, đến thời nay vẫn giữ nguyên. Người ta nói “đám họ” mời ông bà đến xơi nước hoặc đến làm giúp,uống rượu mà không nói “gia đình”… mời. Họ tộc quy định về ban trưởng của họ, là đàn ông tuổi từ 42 đến 48, số lượng tuỳ theo nhiều hay ít, độ 7 – 8 người. Ban trưởng họ có trách nhiệm trông nom, điều hành các trai họ từ 18 tuôit trở lên làm cỗ và tổ chức, phân công mọi việc, như cử người đi mượn đồ tang, xe tang và tổ chức đưa tang đến nơi an nghỉ cuối cũng. Có ban trưởng họ, mọi công việc tang ma đâu vào đấy, mà làm nghiêm trang, nên gia chủ yên tâm và tình huyết thống qua đó được thêm củng cố.
Đặc biệt có một việc trong tang ma, có lẽ rất ít nơi làm được, đó là các gia đình hàng xóm có trách nhiểm trị huyệt (nhiệm vụ đào mả). Đến khi hạ huyệt làm mọi nghi lễ xong gia đình, họ hàng người quá cố ra về trong thương tiếc,còn những người hàng xóm ở lại đắp điếm để mồ yên mả đẹp.Tình làng, nghĩa xóm “sang lửa tối đèn” quý giá làm sao!
Làng quy định có 3 phương thức đám ma.
Một là, đám ma khố mũ suốt. Cách thức này chỉ nhà giàu có mới lo được, vì tế lễ linh đình, cỗ bàn đến 3, 4 ngày, giết trâu, mổ bò, mổ lợn, mời họ hàng, hàng xóm, hội tư văn (ban tế), ban chạ (đô tuỳ) ăn uống.Lại còn khao cả làng nước (cũng do nam phụ, lão ấu thời xưa ít lắm) và mời cả phường tuồng cổ Đồng Kỵ phá quân trừ khử ma quỷ.
Phương diện để hộ tang là Đòn rồng (đầu rồng đuôi tôm) và 8 đòn gánh (sau này mới có xe tang). Ban chạ hộ tang quy định 48 người, sử dụng 24 người cho đủ việc. Mỗi quan viên chạ đội mũ 2 vuông vài cời, khăn quàng vai 5 vuông, khố 10 vuông và phát đủ cho 48 người (nếu ai có tình vị với tang chủ, diện không được kiếu chạ thì thường khiến người đi khiêng thay, sau hoàn lại khố, mũ, vài quàng cho tang chủ). Mỗi quan viên chạ còn được gia chủ trả cho 1 hào bạc trắng.
Ban chạ ăn cỗ 3 bữa, vào lúc lễ nhận khố và trình khố, sáng lễ viếng đưa tang, an táng xong lại về ăn cỗ. Khi ban chạ vào hộ tang uống rượu thanh bôi với mía khẩu, hoặc khế (xưa các cụ gọi chạ bá lương), mục đích uống rượu là để cản sự lãnh lẽo, ô nhiễm. Khi đưa tang thường ra đến đầu làng là chạ nghỉ ngơi, ăn trầu, uống nước, hút thuốc lá (nếu có). Đám rước tang đi rất thong thả.
Phần tế lễ trong đám ma có 3 lần tế 3 tuần rượu. Lần 1, tế tuần rượu: lễ nhập quan; lần 2, lễ tuần rượu: lễ viếng (lễ
tam sinh bò, dê , lợn) và lần 3 tế tuần rượu: tế tam ngu (tề tiết tam chiêu – 3 ngày). Tang chủ mời hội tư văn đến tế suốt 3 ngày.
Còn phường tuồng phá quân trị tà ma(thời nay thay cổ tổ tôm) phá 3 lần, lần đầu khi vào quan; lần thứ 2, trước khi đưa tang tại nhà; lần thứ ba, phá quân tại mồ sau khi an tang. Các cụ vãi rước vong tụng niệm và cầu nguyện cho vong linh hồn siêu sinh tịnh độ.
Đám ma có nhà táng bằng khung nứa, trang trí bằng giấy, riêng các cụ vãi có thêm “Thuyền bát nhã”, sau đốt tại mộ.
Phương thức đám ma này, ở làng Trang Liệt xưa nổi tiếng là đám ma cụ Hậu Sặt (về cành ông Ngô Tộ). Quan viên tế đứng trên nồi đồng đúc 50. Sau khi tế 3 ngày xong, tang chủ đem biếu nồi đồng và phần lộc, như: chè, cau, bánh dày, bánh chưng…cho quan viên tế.
Nói về tiểu sử cụ Hậu Sặt, 1756-1828, thọ72 tuổi, do buôn bán nên nhà rất giàu có, nổi tiếng là nhà gia thế lẫy lừng trong dân và cả nước. Cụ đặt hậu kỵ dân, cụ mua 10 mẫu, 7 sào ruộng ở Đình Bảng, số tiền 3.100 quan. Đặt hậu dân nên hàng năm dân vào nhà lễ và cúng kị tại đền cụ Hậu Sặt. Cụ có bà vợ kế Ngô Thị Hiệu Diệu Tri, quê Trịnh Xá, xã Châu Khê nên cụ đem 10 mẫu ruộng đặt hậu Phật tại chùa thôn Trịnh Xá.
Cụ Hậu Sặt có đức có tâm và nổi tiếng giàu có, như di ngôn truyền lại:
Giàu thứ nhất bà Ả Thanh Hoa
Giàu thứ hai Hậu Sặt
Giàu thứ ba Mít Rừng
Hai là, đám ma khổ mũ nữa. So sánh đám ma khổ mũ suốt về phần thủ tục lễ viếng, mai táng thì hội tư vắn tế 3 tuần rượu 3 ngày. Gia chủ đón phường tuồng Đồng Kỵ và làm cỗ bàn mời họ hàng, khao làng là tùy theo tang chủ.
Riêng về hộ tang có hai điểm khác: (1) đòn đám ma có đầu rồng đuôi tôm (sơn son thiếp vàng) nhưng không có 8 đòn gánh; (2) ban chạ có 24 việc, nếu thừa thì chạ đàn anh đi không, nếu đám nào mà họ hàng nội ngoại đông, chạ là người trong họ được kiếu nhiều nên thiếu việc thì đám họ phải cử người đi thay. Số người ban chạ có 24 hộ tang, 16 người phù cữu, 2 người chấp hiệu tiền và hậu, 1 người hiệu lạnh, 1 người cầm binh tinh, 4 biển, công bố, trinh thuận. Nhà đám phát cho 24 khố, mỗi cái 10 vuông cải cời, 24 khăn quàng chéo vai, mỗi khăn 5 vuông vải và 24 mũ đội vành, mỗi mũ 2 vuông vải.
Ba là, đám ma xôi thịt hoặc gọi là “hổng tổng”. Từ khi gia đình có người thân từ trần, về thủ tục nghi thức tang lễ phải như sau: lễ phát tang, vào quan, lễ phúng viếng, lễ mai táng đến nơi an nghỉ cuối cùng vẫn theo thường lệ mà lệ làng đã quy định. Cỗ bàn mời họ hàng nội ngoại chỉ ở mức độ bình thường, tùy theo khả năng của tang chủ, lệ làng không quy định. Đám ma loại này do đó có khác và đơn giản.
Ban chạ hộ tang có 24 việc, thì nay thêm 5 việc nữa ( 5 lá cờ ngũ hành) là 29 việc. Ban chạ không ăn cỗ, khi chạ vào đưa tang, đám họ mời nước, ăn trầu, hút thuốc…Uống rượu thanh bôi với mía khẩu (nay không còn nữa). Tiền, lệ làng từ xa xưa là 1 hào bạc trắng, sau này, sang thế kỷ XIX, thay bằng 1 hào tiền Đông Dương. Gia chủ không mời hội tư văn đến tế và không mời cả hội phường tuồng.
Nhìn chung, trong 3 phương thức tang ma trên, thì phương thức đám ma loại thứ 3 này được đa số nhân dân thực hiện và hương ước lệ làng đã quy định chi tiết, nên mọi người dân cứ thế mà tuân thủ.
Tiếp theo về việc tang, tang chủ phải lo đầy đủ các tiểu lệ trong suốt 3 năm mới vô việc, để biểu thị sự biết ơn và nhớ thương của người sống đối với người chết, các nghi lế tổ chức sao cho sang trọng. Như, mai táng mồ yên mả đẹp; cúng tam chiêu 3 ngày; cúng cơm đến 50 ngày( có gia đình cúng đến 100 ngày, tuần đầu người chết trẻ cúng 35 ngày hoặc 50 ngày, người già cúng 49 ngày. Đối với các cụ già đi quy Phật, tới 49 ngày thì đưa lên chùa, do các cụ biểu biến, đây là nghĩa vụ đồng lần và nhà chùa có trách nhiệm cúng giúp. Tiếp nữa là cúng tiết 100 ngày. Có 2 tiết cúng hè, ngày 13, 14 tháng Tư (hè đầu, hè năm sau); 2 tiết cúng bội, 14 tháng Bảy (xá tội vong nhân) kèm theo vàng mã. Giỗ đầu( tiểu tường), giỗ hết, sau 3 tháng cúng trừ phục (hết chở đại tang – đại tường) và cát táng (sang cát).
Theo tục lệ, hàng năm đi tảo mộ “ngũ đại mai thân chủ”, nghĩa là chỉ chở nhau đến đời thứ 5 (tái phục 3 tháng) như vậy mới hoàn tất trách nhiệm với người đã khuất. Tiết tảo mộ ở Trang Liệt từ xưa đến nay, hàng năm các họ tộc và gia đình thường tổ chức để các con cháu đi thăm, thắp hướng mộ các cụ, tổ tiên, ông cha vào cuối năm hoặc ngoài Tết, mồng 2 hoặc mồng 3. Từ nhà thờ họ mọi người xuất hành tảo mộ, có một bộ phận ở lại chuẩn bị đồ cúng lễ. Tảo mộ xong mọi người về lại nhà thờ làm lễ; họp bàn việc họ; kiểm lại số người đã mất và số trẻ em mới sinh trong một năm, thông báo tổng số đinh (nam giới) của họ. Cuối cùng là chia phần, thụ lộc…Họ nào cũng có quỹ họ. Tiết này, anh em, con cháu nội tộc (nam giới) được họp mặt đông đủ và vui vẻ, quan hệ huyết thống được tăng cường. Riêng các bà, các chị là gái họ, dâu họ, nhân dịp này ai có việc gì lớn hoặc ở xa về cũng đến nhà thờ làm lễ rất trang nghiêm.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 cho đến hòa bình lập lại, dân làng ta vẫn thực hiện có 2 quan đám và ban trưởng cả tuổi 49 có nhiệm vụ thi hành tập tục và lệ làng, tu lễ các tiết lệ, hội đám… chu niên và điều hành mọi công việc ở đền, đình. Nhưng sau năm 1955, tình hình xã hội thay đổi, không thực hiện chế độ ông cai đám nữa, thay vào đó, cứ ông trưởng Ban khánh tiết tuổi 49 thay mặt cho dân để lo đại lễ. Còn việc tu lễ chu niên do do Ban khánh tiết cùng với các ban và hội phụ lão. Từ thời chiến tranh chống Mỹ đã thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí, nên lễ nghi tín ngưỡng ở đình đền và chùa ngày càng giảm, các tiết lệ chủ yếu là hương hoa, thanh thúy, phù tửu. trầu cau, hoặc mâm xôi, con gà để tỏ lòng thành kính (quí hổ tinh, bất quí hổ đa).
Thời kỳ bao cấp, thiết chế trưởng Ban khánh tiết của làng Trang Liệt duy trì được một thời gian khá dài. Về lễ bái được cải lương, một số lệ làng bị xóa bỏ, giao cho ông trưởng ban khánh tiết và ban chấp hành phụ lão thôn chịu trách nhiệm tu lễ và đại lễ cho dân.
Qua bao nhiêu năm thực hiện và rút kinh nghiệm cho thấy, tình hình không ổn định, không có tính kế thừa. Ban mặt trận làng, hội phụ lão thôn nhận thấy không phù hợp với thời kỳ cả nước thống nhất, tiến lên chủ nghĩa xã hội và không kế thừa được tập tục lệ làng tốt đẹp của các cụ xa xưa để lại. Vậy, về mặt tín ngưỡng, tôn giáo vẫn cần phai duy trì, bảo tồn lệ làng và quy ước được xây dựng phải có tính kế thừa cho thế hệ mai sau. Vì thế, việc này có mấy điểm cần quy định rõ:
1- Về Ban khánh tiết
Ban khánh tiết làng Trang Liệt ở tuổi 49 được phục hồi và tùy thuộc tuổi đó có số người như thế nào mà bầu ra bộ phận thường trực, gồm trưởng ban, phó ban, thư kí, thủ quỹ, còn lại là các thành viên. Việc phục hồi Ban khánh tiết tuổi 49 bắt đầu từ năm Canh Thân (1980) do ông Phan Đăng Tài làm trưởng ban, với 5 ông là thành viên và từ năm 1980 đến năm Mậu Tý (2008), đã trở thành nề nếp cho các tuổi sau kế tiếp. Quy ước làng quy định nhiệm vụ của Ban khánh tiết thời nay nhất niên, nhất lệ, có nhiệm vụ quản lý, điều hành công việc dân, tu lễ các tiết lệ của làng trong một năm (chu niên). So với thời xưa, nay có giảm một số tiết lệ, như hội hè, đình đám, gọi là hội lệ, chỉ trong 2 ngày, mồng 8 và 9-3 âm lịch; 5 năm mới rước một lần, năm đó tổ chức lễ hội 3 ngày, từ mồng 8- 10/3 âm lịch.
2- Các tiết lệ chu niên
Đó là các tiết: Mồng một Tết nguyên đán, lễ sóc vọng, tháng dôi tuần, mồng 1 và 15 hàng tháng, cả năm có 24 tiết. Ngày 6 tháng Giêng, dân tổ chức lễ mừng thọ cho các cụ từ 70 tuổi trở lên. Hàng năm, vào ngày 15 tháng Giêng âm lịch tổ chức bàn giao từ Ban khánh tiết cũ cho Ban khánh tiết mới.
3- Chuẩn bị cho hội lệ (Hội truyền thống)
Ngày 6-3 âm lịch, giết gà đóng đám, lễ nhập tịch. Ngày 7-3 tế tập nghi, tức là tế lễ cỗ chay hoặc gọi cỗ chè, là cỗ của dân, do các cụ bà làm tại đền. Ngày 8-3 âm lịch, 6 giờ sáng tế lễ sinh nhật Thành hoàng làng, do Hội tư văn, Ban khánh tiết…Hội truyền thống: 13 giờ đoàn nữ dâng hương, tối 8-3 văn nghệ.
Mồng 9-3 : buổi sáng thi đấu cầu lông, bóng chuyền, cờ tướng…Chiều 9-3: đánh vật, đấu kê, hát tuồng cổ, tối văn nghệ (nếu 5 năm một lần có rước thì mở hội thêm một ngày là 3 ngày). Buổi sáng 10-3: rước kiệu thánh về đền, trưa tế yên vị. Tối 9-3 hoặc tối 10-3 Ban khánh tiết lễ tạ.
Lễ hong sắc, năm 2 lần (trước ngày sinh và hóa), mùa xuân 10-2 âm lịch, mùa thu 10-8 âm lịch.
Ngày Rằm tháng Tám âm lịch là lễ hóa nhật đức Thánh. Sáng tế hóa nhật, chiều lễ dâng hương. Buổi sáng 15-8, Câu lạc bộ cầu lông tổ chức đánh giao hữu giữa các xóm, có giải động viên phong trào. Chiều hát tuồng cổ. Tối tô chức văn nghệ, đón các đoàn chèo trung ương, hoặc của Hà Nội hay của tỉnh Thái Bình. Đến 10h tối ngày 15-8 Ban khánh tiết lễ tạ.
Tối 30-12 lễ tất niên. Đêm 12 giờ lễ giao thừa, hợp nhất lễ tết nguyên đán (mồng 1 Tết)
Nói chung, theo lệ làng nhất niên nhất lệ, có hai tiết chính là sinh nhật và hóa nhật Đức Thành hoàng. Ban khánh tiết có khá nhiều công việc, ngày đêm bận rộn lo toan tổ chức.
Để phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước và quê hương, cần phải xây dựng, sửa đổi và bổ sung bản quy ước của làng thời nay, vì thế, toàn dân làng Trang Liệt đã ba lần tiến hành công việc này. Lần thứ nhất: Quy ước có 7 chương, 17 điều, ra ngày 9-12-1991; lần thứ hai: Quy ước có 7 chương, 23 điều, ra ngày 1-1-1997; lần thứ ba: Quy ước có 7 chương, 22 điều, ra ngày 5-5-2007.
Quy ước của làng (thời xưa là hương ước) là tự nguyện, tuy nhiên vẫn có tính bắt buộc mọi thành viên trong làng phải tuân thủ. Nói chung bản quy ước lần thứ ba, thực hiện từ tháng 5-2007, được nhân dân đồng tình. Riêng điều 11: Tang hiếu, khoản 1 quy định, không làm cỗ ngày đưa tang mà chỉ tổ chức cơm tạm cho con cháu ruột thịt, phường kèn. Nhưng ở đây, nhân dân còn băn khoăn là:
– Điều cơ bản ta không thực hiên, đó là từ xa xưa đám hiếu là do họ nội tộc lo liệu tổ chức từ khâu đầu cho đến khi an táng mồ yên mả đẹp
– Mất tình làng nghĩa xóm, do không có bữa cơm thân mật giữa tang chủ với làng xóm, sớm lửa tối đèn.
– Việc tang hiếu chưa thống nhất, ban đầu có nhiều đám thực hiện rất tốt,nhưng có đám tùy tiện theo ý của gia đình và họ mạc mà mở rộng, gây nên dư luận suy bì trong nhân dân, ảnh hưởng đến việc thực hiện quy ước của làng.
Vậy cần phải tìm ra một phương án nào hay hơn, vừa để gọn nhẹ không phiền hà, rút ngắn thời gian, ít tốn kém, vừa thực hiện được chỉ thị 27 của Bộ chính trị về việc ma chay, cưới xin, tân gia, hội hè, đình đám và Pháp lệnh thực hành tiết kiếm, chống lãng phí, phiền hà, tốn kém.
Hiện nay trong thực hiện điều 11: Tang hiếu, của quy ước, đa số nhân dân chỉ thực hiện một cách miễn cưỡng, lại cảm thấy áy náy về măth tình nghĩa với nội tộc, hàng xóm và dân làng. Gia đình nào chả có cha mẹ già yếu, vậy nên đề nghị các cấp ủy, chính quyền, mặt trân làng và chi hội người cao tuổi tổ chức Hội nghị tổng kết hai năm thực hiện quy ước, để tìm ra ưu, khuyết điểm, chỉ ra mặt được và chưa được. Muốn vậy, cần lấy ý kiến của dân, từ đó bổ sung, sửa đổi điều này sao cho phù hợp hơn, đáp ứng tâm tư nguyện vọng của dân. Bác Hồ đã dạy: “Ý Đảng hợp lòng dân”, “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
Những entry liên quan đã đi trên blog này:
- Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 9 (chương về Đổi Mới trong sách của Huy Đức)
- Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 8 (năm 1987, 1 USD bằng bao nhiêu VND ?)
- Một bài viết của cụ Vũ Khiêu chào mừng đồng chí Gooc-ba-chốp (1986)
- Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 7 (một cuốn sách xuất bản năm 1984 mang tên Lê Duẩn)
- Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 6 (nhớ lại của Trần Độ nguyên Trưởng Ban VHVN)
- Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 5 (hình ảnh Nguyễn Hữu Đang ở Nghĩa Đô năm 2004)
- Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 4 (về đại phát kiến của Việt Nam "làm chủ tập thể", Nguyễn Ngọc Lanh)
- Nhìn lại đêm trước Đổi Mới và Đổi Mới - 2 (đêm 26 tháng 11 năm 1983, truyện của Phùng Gia Lộc)
Trả lờiXóaHương ước và Quy ước của làng
06/04/2011 quantrivien
Từ thưở xưa cho đến ngày nay, làng xã đều có hương ước để giữ gìn, bảo lưu phong tục, truyền thống của tổ tiên. Ngoài ra, nhiều dòng họ còn có phả tộc, gia đình có gia phả để giữ gìn gia phong, lưu truyền cho hậu thế. Hàng chục thế kỷ qua, cũng như mỗi làng quê vùng Bắc Bộ Việt Nam, làng Trang Liệt là một làng độc lập, bao bọc bởi luỹ tre xanh, thông ra bên ngoài theo bốn hướng Đông Tây, Nam, Bắc là 4 cổng làng cổ kính, tựa như 4 quan ải vậy. Do đó, người dân làng sống yên phận thủ thường, làm ăn cam chịu theo số phận, bằng lòng với những tục lệ, lệ làng thành văn qua bản hương ước (nay gọi là quy ước) của làng. Đó là chưa nói tới những quy định bất thành văn.