Thấy bạn có thông báo rằng:
"Bài thơ NGÔI NHÀ được chọn từ tập Chuông gió ngoài hiên để đăng trên Tạp chí Văn nghệ quân đội. Nhân dịp này xin trân trọng giới thiệu lại cùng các anh chị và các bạn."
Mình thử vào xem, thì bài thơ như sau (từ đây trở xuống; mà quả thật thơ ông bạn vẫn vậy, không khác gì với hồi còn đang học Bách khoa):
Thể thơ: Thơ tự do, thời kỳ: Hiện đại
Đăng bởi Hoàng Liên Sơn vào 29/06/2014 15:41
Đã xem 162 lượt
Dù lối đi gập ghềnh
Có bước đều, có bay, có nhảy
Em ơi, đến nhé!
Anh đã nghe vâng...
Tiếng vâng như thêm một dấu huyền.
Trước nhà ta
Gió phóng khoáng và nắng chan hòa
Và thêm cả một giàn thiên lý
Mỗi ngày nở một sắc hoa
Em ơi, hãy ra sân.
Chái nhà ta
Thiếu bếp rộng để làm đại yến
Đủ củi than cho những ấm trà
Em ơi, nhóm lửa nào
Chúng ta cùng nâng chén đêm nay.
Giữa nhà ta
Cửa không, khóa không
Những chú chim hót tự do
Hòa cùng lời gọi em tha thiết
Thành bè nâng cho tiếng dạ ân cần.
Ngoài đồng xa
Hoa đào đã nở
Nhưng
Lúc em về
Trời đất mới vào xuân.
Bài thơ đã đăng trên báo Người Hà Nội năm 2013.
Kính thưa: Nhà văn Văn Giá cùng toàn thể các anh, chị nhà văn, nhà báo,
Thưa: Các bạn, các em và các cháu!
Trước hết tôi xin chân thành cảm ơn sự hiện diện của tất cả mọi người ở giảng đường này, cảm ơn mọi người đã chung tay cùng tác giả tập thơ tổ chức buổi ra mắt sách.
Từ rất sớm, chàng trai có tên HLS đã ý thức được rằng chỉ cần vào ngày ấy tháng ấy, bố mẹ của cậu ta gần gũi nhau lệch đi dăm ba phút, có thể đã là một người khác, thậm chí là một cô gái ra đời, chứ không phải là cậu ta nữa. Thế nên cậu ta ý thức rất rõ sự vô giá của việc được xuất hiện trong cõi đời với tư thế một con người, và khao khát cuộc đời ấy mang nhiều nội dung, ý nghĩa.
Cậu ta học chuyên toán, và kiến thức về văn chương của cậu ta trong những năm PTTH chỉ gói gọn trong những bài thơ ở sách giáo khoa. Cậu ta thích nhất, thích đến thuộc những bài thơ đậm chất triết lý của Chế Lan Viên: Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng và Người đi tìm hình của nước. Cái chất triết lý ấy đã ảnh hưởng đáng kể đến giọng thơ mà điển hình làHoa sữa của thời sinh viên.
Một người anh đi trước, thấy cậu ta thích thơ, đã mua cho một quyển tuyển tập thơ Tình bạn – tình yêu do Nhà xuất bản giáo dục phát hành những năm 88. Và nhiều bài thơ trong số đó cậu ta còn nhớ mãi cho đến tận bây giờ, như thứ quà độc đáo mà thỉnh thoảng cậu ta lại đem ra giới thiệu nhỏ giọt trên trang mạng xã hội (FB) của mình.
Khi lên học đại học Bách Khoa, cậu ta cứ ngỡ ở một môi trường kỹ thuật như thế thì từ nay sẽ không bao giờ có ai làm bạn thơ với cậu ta nữa. Nhưng cậu ta đã nhầm! Ngay trong tháng đầu tiên sinh viên khóa mới đã được nhà trường chiêu đãi bằng một đêm thơ nhạc. Và thế là bước chân của cậu ta dần đến được với Câu lạc bộ thơ của trường, với các nhà thơ thầy giáo Đinh Phạm Thái, Ngô Hồng Quang và các bậc đàn anh đi trước như Hoàng Lan (tên thật là Trần Hưng), Nhị Hà, Huy Chí, Hồng Vân, Danh Hùng...
Tu luyện khoảng nửa năm một năm gì đó, thì lần đầu tiên cậu ta được các đàn anh cho lên đọc thơ trên hội trường C2. Lần đầu đứng trước ánh đèn rực rỡ chiếu lên sân khấu, cậu ta lúng túng lấy tay che mắt, tránh ra một bên để luồng ánh sáng khỏi chiếu vào, làm cả hội trường cười ồ. Nhưng ánh đèn cứ tiếp tục chiếu theo làm cậu ta càng lúng túng tợn, và loay hoay một lúc thì buột miệng: tôi không biết nói gì bây giờ, xin đọc thơ vậy!
Bài thơ đọc đêm ấy có lẽ cũng không hay lắm, nên giờ tôi cũng không còn nhớ, và vì thế cũng không có may mắn được góp mặt trong tập Chuông gió ngoài hiên này. Tuy nhiên, cái cảm giác hồi hộp và hạnh phúc thì vĩnh viễn đi theo tôi, sánh ngang với cảm giác lần đầu được thấy thơ mình đăng báo, lần đầu ngỏ lời yêu với người vợ bây giờ và được chấp nhận, lần đầu được nhận giải thưởng từ tay nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo thay mặt báo Tiền Phong trao tặng.
Và phải đợi đến mùa thu năm 1991, khi cái kiến thức cơ bản về việc làm thơ hoàn toàn tự trang bị bằng việc đọc đã đạt mức sạch nước cản, cộng hưởng với việc có cơ hội nhìn thấy thấp thoáng Bóng giai nhân (tên một tiểu thuyết của nhà văn Đặng Thiều Quang) thì hàng chục bài thơ ra đời, nhanh và nhiều đến nỗi một anh bạn thơ Trần Hưng của tôi thốt lên: sinh đẻ vô kế hoạch! May mắn thay, còn được ba bài thơ tồn tại đến bây giờ trong tập thơ này. Và đôi câu thơ trong bài Hoa sữa đã trở thành kim chỉ nam cho cái cách mà cậu ta sống, học tập, làm việc, yêu đương cho đến mãi về sau, kim chỉ nam về sự hết mình!
Hết mình là tốt, nhưng bối cảnh ra đời của bài thơ Hoa Sữa có chút hài hước! Khi tôi mang bản phô-tô của những bài thơ tôi viết tặng cả nhóm những người mới quen, thì kết quả là nhân vật chính cũng không ngờ mình là nàng thơ, là bóng giai nhân trong những vần điệu đó. Nói đến ví dụ này, cũng cốt để muốn chia sẻ với các bạn rằng theo kinh nghiệm của bản thân, thơ dù vô tình hay hữu ý không nhất thiết phải xuất phát từ một mối quan hệ cụ thể, rõ ràng, một mối tình có được đền đáp. Và việc tìm kiếm một nàng thơ cụ thể đằng sau những vần thơ là một việc đem lại những kết quả mơ hồ!
Người ta hay nói văn mình vợ người. Tôi cũng không mười phân chắc mười về giá trị nội dung và nghệ thuật của bài Hoa sữa, nhưng một điều không thể phủ nhận là nó đã được học sinh, sinh viên nhiều thế hệ chép và chuyền tay nhau, và đưa lên các trang mạng, các diễn đàn. Và cho đến tận bây giờ, lâu lâu tôi vẫn có vinh dự được nghe thấy câu hỏi: Ồ ra anh là tác giả của bài thơ này à? Em biết nó lâu rồi.
Thời sinh viên qua đi, không dễ dàng trốn việc như trốn học nữa, nên sự lãng đãng vốn chắp cánh cho điệu thơ lãng mạn không còn. Thơ tôi cũng thưa vắng dần, với chỉ một đôi bài trong một năm, dù tình yêu thơ vẫn nguyên vẹn, nhu cầu thưởng thức thơ hay vẫn có mỗi ngày.
Tiếp đó thời son rỗi cũng qua đi, càng phải tập trung nhiều hơn vào những gánh nặng cơm áo, sống với mặt đất nhiều hơn là bầu trời. May thay khả năng viết văn xuôi lại phát lộ bù đắp cho sự thiếu vắng thơ.
Rồi khi bắt đầu khởi sự làm kinh doanh thì đến cả văn xuôi cũng bỏ tôi mà đi nốt!
May thay, đến năm 2012 dường như xuất hiện một cú hích đủ lớn xuyên thủng lớp vỏ mặc cảm là khả năng làm thơ đã mất. Và nàng thơ đã trở lại với tôi sau 14 năm giận không thèm nhìn mặt.
Trong giai đoạn sáng tác mới, tôi đã đưa vào thơ chất tự sự vốn có gốc gác như là cốt truyện của một người viết văn xuôi. Tôi không còn viết hoàn toàn với sự xui khiến của bản năng như thời kỳ những năm 90 của thế kỷ trước nữa, mà đã ít nhiều dụng tâm. Tôi tích cực vào thơ đưa nhiều từ vốn rất xa lạ với điệu thơ bay bổng du dương, ví dụ “bong gân”, “phải bỏng”, “mắc nghẹn”, “đãi bôi”…; thậm chí tôi thử nghiệm đưa vào những câu dường như vô nghĩa: Tiếng vâng như thêm một dấu huyền. Chả biết đó có phải là mầm mống của hậu hiện đại chăng?
Trong giai đoạn mới, có những bài thơ được hình thành theo cái cách chính tôi cũng thấy ngạc nhiên! Chẳng hạn bài Thơ vui viết về con gái, thì việc đầu tiên tôi làm là ngồi hồi tưởng và ghi chép lại những ký ức sống động nhất về những nét hồn nhiên, ngây thơ của đứa con từ những tháng năm cách đây hàng 10-15 năm. Sau đó ý và tứ và câu chữ dần hình thành. Chẳng hạn bài Lung linh tôi cũng hồi tưởng lại và viết ra những gì đã nghĩ, đã cảm, những chi tiết, biểu hiện của tình yêu học trò (tạm gọi là như thế) có từ 25 năm trước, và sau đó là …. Thơ!
Tuy nhiên, dù có vận dụng đến hình thức nghệ thuật nào đi chăng nữa, tôi vẫn hằng quan niệm rằng hình thức ấy phải phù hợp nhất với điệu tâm hồn và tình cảm của tôi, và phản ánh một cách hiệu quả nhất thế giới ấy. Còn sự phản ánh ấy có được bạn đọc chào đón và chấp nhận hay không, không phụ thuộc vào tôi nữa.
Và giờ đây, với sự ủng hộ và chung tay nhiệt tình của bè bạn, gia đình, của các anh Văn Giá, anh Vũ Bình Lục, của Nhà xuất bản Hội nhà văn và họa sĩ Văn Sáng, tập thơ đã chính thức ra đời.
Xin kính trao tập thơ đầu tay của một tác giả không còn trẻ như tôi đến các anh, chị và các bạn; và xin nghiêng mình lắng nghe các ý kiến phản hồi, chia sẻ.
Xin chân thành cảm ơn Khoa viết văn – báo chí đã đứng ra tổ chức buổi lễ trang trọng và ấm cúng này.
Xin chân thành cảm ơn các anh, các chị và các bạn đã thu xếp thời gian dù trong một nhịp sống bận rộn để đến với buổi lễ này.
Hà Nội, ngày 23/10/2014
HLS
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.