Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

24/09/2014

Những người thầy dân gian : Triệu Thị Mai ở Cao Bằng

Người thầy dân gian là những người thầy ở trong dân gian. Hôm nay, giới thiệu về nhà sưu tầm - biên khảo văn hóa dân gian Triệu Thị Mai ở Cao Bằng. Mới tạm là đưa ở nơi khác về blog, mà chưa phải giới thiệu của tôi.


Bài từ trang Cao Bằng (chép nguyên xi).

---

Triệu Thị Mai - Đam mê sáng tác và nghiên cứu, sưu tầm


21:00, 12/06/2012 CON NGƯỜI - NHÂN VẬT & SỰ KIỆN

Tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội vào đầu thập niên 80 của thế kỷ XX, Triệu Thị Mai bước chân vào con đường văn học nghệ thuật (VHNT) từ những vần thơ dung dị, chất phác của một cô gái dân tộc Tày. Miệt mài sáng tác và sưu tầm, đến nay chị đã cho xuất bản gần 20 đầu sách. Mỗi tác phẩm là mạch nguồn sáng tạo, đóng góp cho kho tàng văn hoá dân tộc đậm đà bản sắc.
TRÁI CHÍN CỦA NHIỀU LOẠI HÌNH VĂN HỌC
Nhận từ tay chị cuốn truyện cổ thơ Tày “Lưu Đài - Hán Xuân”, điều khiến tôi ấn tượng không phải là nội dung tác phẩm, mà là một hành trình nghiên cứu sáng tác đầy nhiệt huyết của một nghệ sĩ đa tài. Hơn 30 năm gắn bó với VHNT, ngoài những tác phẩm văn học (thơ, truyện ngắn), để có được nhiều công trình nghiên cứu chị đã không quản ngại khó khăn, đến tận những bản làng xa xôi hẻo lánh nhất để tìm hiểu phong tục tập quán, ghi âm những làn điệu dân ca chưa được phổ biến rộng khắp của nhiều dân tộc.
Triệu Thị Mai đã manh nha sưu tầm văn hoá dân gian (VHDG) từ những ngày đầu ra trường. Là cán bộ của Sở Văn hóa, trong những năm tháng đất nước còn gặp nhiều khó khăn, vừa đi làm, chị vừa nhận thêm việc phụ giúp kinh tế gia đình. Khi làm việc ngoài đồng hay đi chợ, chị luôn mang bên mình cuốn sổ và cây bút chì để ghi chép. Nghe được, đọc được ở đâu những câu ca dao - tục ngữ, chị đều ghi nhanh và về nhà chép lại vào cuốn sổ lớn.
Trên diễn đàn VHNT, độc giả đón nhận ở chị với nhiều thể loại. Một giọng điệu thơ tự sự không bay bổng mà truyền cảm, mở ra nhiều bức tranh về cuộc sống và tình cảm của người dân tộc ở mỗi bản làng. Còn với các độc giả nhỏ tuổi, các em lại háo hức đón đọc ở chị những bộ truyện cổ và truyền thuyết dân gian như “Hòn đá thần kỳ”; “Dưới chân núi Phja Đán”, “Nàng Tiên Trứng”... do chị sưu tầm và biên soạn. Mỗi mẩu truyện giúp các bạn nhỏ am hiểu hơn về truyền thống lịch sử đấu tranh của nhân dân các dân tộc Cao Bằng.
Tiểu biểu nhất trong sự nghiệp của Triệu Thị Mai vẫn là những công trình nghiên cứu sưu tầm về văn hóa, VNDG. Chị bày tỏ: VNDG truyền thống luôn luôn gắn liền với đời sống của cộng đồng các dân tộc. Nó là hơi thở, là máu thịt, niềm đam mê sáng tạo, không bao giờ ngưng nghỉ. Càng tìm hiểu, tôi càng bị lôi cuốn. Cho dù đã đọc, đã xem ở đâu đó trên thông tin đại chúng, nhưng khi ta trực tiếp hòa mình trong dòng chảy mới cảm nhận được nét độc đáo đa sắc màu.
TRÁCH NHIỆM NGƯỜI CẦM BÚT
Để hoàn thành cuốn "Chuyện Hoàng Đình Giong", từ năm 1983 chị đã bắt tay vào công việc. Bắt đầu từ việc đọc sách, tìm đến địa danh và trực tiếp gặp những nhân chứng sống hoạt động cùng thời với người chiến sĩ cộng sản. Đến năm 1985 khi đã có khá đầy đủ tư liệu nghiên cứu, nhìn lại quá trình hoạt động cách mạng của nhân vật trong tác phẩm, nhiều lần tác giả tự hỏi: Liệu mình có đủ sức viết toát lên lên được cái TÂM, cái Trí của một chiến sĩ cộng sản ưu tú của Đảng hay không? Sau nhiều năm nghiên cứu chị đi đến quyết định không viết tiếp mà cho công bố tư liệu, do Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc phát hành năm 2009, với mong muốn sẽ là một nguồn tư liệu quý, giúp cho những cây bút khác có tài năng và nội lực để viết về Hoàng Đình Giong cho xứng tầm hơn. Tuy nhiên, tác phẩm tư liệu này đã để lại ấn tượng với nhiều độc giả.
Năm 1994, từ Sở Văn hóa - Thông tin, chị chuyển sang Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh làm các chương trình phát thanh. Với ý thức hun đúc và xây dựng chương trình phát thanh VHVN bằng tiếng Tày - Nùng hoàn thiện sâu rộng hơn, chị muốn góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống. Với quan điểm, chương trình VHVN bằng tiếng dân tộc là xương sống vững chắc của đài miền núi, chị đã nghiên cứu sưu tầm ở nhiều góc độ. Từ các làn điệu dân ca đến phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc, lần lượt phát sóng trên đài tỉnh, được đông đảo quần chúng mến mộ.
Cùng với công việc sưu tầm nghiên cứu, chị còn mời những cây bút có bề dày về văn hóa lịch sử Cao Bằng, như: Nhà nghiên cứu VNDG Vương Hùng, Nhà giáo ưu tú Hoàng An..., viết cho chương trình của Đài gồm nhiều thể loại, như: Lễ ăn hỏi, cưới xin; lễ đầy tháng, sinh nhật... Đã có rất nhiều thư gửi đến Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh bày tỏ lòng cảm ơn và mong muốn được nghe nhiều hơn nữa chương trình VHVN bằng tiếng dân tộc.
Với cương vị Phó trưởng Phòng Chuyên đề của Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam, Hội VNDG Việt Nam, Hội VHNT tỉnh, Hội Bảo tồn dân ca các dân tộc Cao Bằng..., công việc vô cùng bận rộn, nhưng chị vẫn dành khoảng thời gian cho việc  sưu tầm và nghiên cứu. Từ phục vụ thính giả, chuyển sang tập hợp dần các tác phẩm đã phát sóng. Sau hơn 20 năm miệt mài, năm 2001 lần đầu tiên chị cho xuất bản cuốn “Lễ cầu tự của người Tày Cao Bằng”, do Nhà xuất bản Khoa học xã hội phát hành và nhận được Giải thưởng Pác Bó đầu tiên của tỉnh. Các tác phẩm “Lễ vun hoa của người Nùng An”, “Lượn Ngạn và văn hóa Ngạn”,  “Hèo Phươn dân ca Nùng An”, “Lượn Nàng ới”..., đều nhận được giải thưởng của Hội VNDG Việt Nam.
Bế Phương Mai (Báo Cao Bằng)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.