Hôm qua, để tiết kiệm, và cũng là để người đọc tập trung được vào việc đọc, nên mới dừng lại ở ngày 20/9/2006 với trả lời của nhà Việt ngữ học Cao Xuân Hạo. Sau 8 năm, nhắc lại cuộc tranh luận, thì một lần nữa, không khí lại sôi nổi trở lại. Mà cũng có thể là, do đã lùi xa 8 năm, nên bây giờ mới đủ thấm để nhìn lại.
Hôm nay, đi tiếp hiệp 2, bắt đầu từ sau ngày 20/9/2006. Sẽ là ý kiến của Đông A (chỉ ra trong tiếng Hán rõ ràng có Địa đàng đàng hoàng), và sau đó là trao đổi lại của ông chủ nhà Nhã Nam.
Sự việc sẽ đơn giản đi rất nhiều, hoàn toàn không đáng nói đến, và bây giờ cũng không đáng được nhắc lại, nếu nhà ngôn ngữ học chịu tra từ điển tiếng Việt như một thói quen thường có và vốn có. Nhưng không. Nên nó mới lan man dây cà dây muống sang đủ các loại từ điển với tự điển khác. Dĩ nhiên, "làm" tiếng Việt, thì phải "làm" luôn với cả những loại từ điển đó rồi.
Sự việc sẽ đơn giản đi rất nhiều, hoàn toàn không đáng nói đến, và bây giờ cũng không đáng được nhắc lại, nếu nhà ngôn ngữ học chịu tra từ điển tiếng Việt như một thói quen thường có và vốn có. Nhưng không. Nên nó mới lan man dây cà dây muống sang đủ các loại từ điển với tự điển khác. Dĩ nhiên, "làm" tiếng Việt, thì phải "làm" luôn với cả những loại từ điển đó rồi.
Từ đây trở xuống là lấy nguyên về từ talawas (hôm nay thì đọc xuôi từ trên xuống).
Tháng 8 năm 2014,
Giao Blog
---
1. Ý kiến của Đông A (22/9/2006)
22.9.2006
Đông A
Địa đàng có phải là từ thuần Việt ?
Trong bài viết “Về bốn chữ ‘Địa đàng trần gian’ của ông Nguyễn Nhật Anh”, ông Cao Xuân Hạo nhận định “địa đàng” là “một từ ngữ thuần Việt, không hề có trong tiếng Hán” sau khi tra và nhờ tra từ điển Hán.
Tôi không biết ông Cao Xuân Hạo đã tra và nhờ tra các từ điển Hán nào, và cũng không rõ ông Cao Xuân Hạo có giới hạn tiếng Hán là thứ tiếng mà người Trung Quốc sử dụng thời Hán hay không. Để kiểm tra “địa đàng” có được sử dụng trong tiếng Trung, thứ tiếng mà người Trung Quốc hiện nay đang sử dụng, hay không tôi dùng Google tra từ “địa đường” (地堂). Google cho tôi 54900 kết quả có chứa từ “địa đường”. Kết quả này cho thấy từ “địa đường” có trong tiếng Trung. Cũng nhờ có Google mà tôi tìm được Thiên Chúa giáo Anh Hán tụ trân từ điển ở trang http://www.21music.org/NEW/BLESSING/dict/
Trong bài viết “Về bốn chữ ‘Địa đàng trần gian’ của ông Nguyễn Nhật Anh”, ông Cao Xuân Hạo nhận định “địa đàng” là “một từ ngữ thuần Việt, không hề có trong tiếng Hán” sau khi tra và nhờ tra từ điển Hán.
Tôi không biết ông Cao Xuân Hạo đã tra và nhờ tra các từ điển Hán nào, và cũng không rõ ông Cao Xuân Hạo có giới hạn tiếng Hán là thứ tiếng mà người Trung Quốc sử dụng thời Hán hay không. Để kiểm tra “địa đàng” có được sử dụng trong tiếng Trung, thứ tiếng mà người Trung Quốc hiện nay đang sử dụng, hay không tôi dùng Google tra từ “địa đường” (地堂). Google cho tôi 54900 kết quả có chứa từ “địa đường”. Kết quả này cho thấy từ “địa đường” có trong tiếng Trung. Cũng nhờ có Google mà tôi tìm được Thiên Chúa giáo Anh Hán tụ trân từ điển ở trang http://www.21music.org/NEW/BLESSING/dict/
hay ở trang http://stteresa.catholic.org.hk/website/catechumenate/dictionary/.
Tra phần mục từ paradise trong từ điển này thì thu được: paradise:(1)天堂。(2)樂園;伊甸園;地堂
Phiên âm Hán Việt: paradise: (1) Thiên đường. (2) Lạc viên; Y Điện viên; Địa đường.
Như vậy thì ít nhất Thiên Chúa giáo Anh Hán tụ trân từ điển có từ “địa đường” và từ này là một trong các đối dịch của từ paradise. Tiếp tục tra Google tôi tìm được một đoạn giải thích kỹ lưỡng hơn về “địa đường” ở trang: http://www.millionbook.net/xd/s/shuxuelin/klzm/004.htm
Tra phần mục từ paradise trong từ điển này thì thu được: paradise:(1)天堂。(2)樂園;伊甸園;地堂
Phiên âm Hán Việt: paradise: (1) Thiên đường. (2) Lạc viên; Y Điện viên; Địa đường.
Như vậy thì ít nhất Thiên Chúa giáo Anh Hán tụ trân từ điển có từ “địa đường” và từ này là một trong các đối dịch của từ paradise. Tiếp tục tra Google tôi tìm được một đoạn giải thích kỹ lưỡng hơn về “địa đường” ở trang: http://www.millionbook.net/xd/s/shuxuelin/klzm/004.htm
Trang này cho biết “địa đường” vốn là “địa thượng thiên đường” (thiên đường trên mặt đất) và là một trong những đối dịch của “paradise terrestre”.
(樂園稱為「伊甸園」(Garden of Eden),或稱「地上天堂」(法文為Paradise Terrestre,英文為 eathly Paradise,然英文常省稱之為 Paradise。中國天主教通譯地堂).
Tóm lại từ kết quả tra Google có thể tạm kết luận là người Trung Quốc có sử dụng từ “địa đường” để chỉ “paradise terrestre”. Tuy nhiên tôi không thể khẳng định hay bác bỏ người Trung Quốc có học từ “địa đàng” của người Việt Nam hay không và đấy có phải là do sự “lây nhiễm đặc thù thường thấy ở những người không biết chữ Hán” hay không. Có thể người Trung Quốc cũng không biết chữ Hán và cần ông Cao Xuân Hạo chỉ bảo cho (!) Nhưng nếu chỉ vì người Việt Nam nói “địa đàng” mà không nói “địa đường” mà đi đến kết luận “địa đàng” là một từ ngữ thuần Việt thì có thể một ngày nào đó “phò mã” cũng là một từ ngữ thuần Việt vì người Việt Nam có ai nói “phụ mã” đâu.
http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=8127&rb=12
2. Trao đổi lại của Nguyễn Nhật Anh (28/9/2006)
Nguyễn Nhật Anh
28.9.2006
Về những gì liên quan đến dịch giả Trịnh Lữ, chúng tôi nghĩ chúng tôi đã trả lời đầy đủ ở bài viết trước. Vì thế chúng tôi hơi ngạc nhiên khi giáo sư Cao Xuân Hạo vẫn tiếp tục khuyên chúng tôi nếu muốn chứng tỏ là "thông minh và có thiện ý hơn" thì nên "nhận sai và thành thật xin lỗi ông Trịnh Lữ". Thưa giáo sư, ông là người mà chúng tôi vốn kính trọng với tư cách là một dịch giả, và biết ơn vì những bản dịch Pushkin, Chekhov tuyệt vời của ông, mặc dù vậy, chúng tôi vẫn cảm thấy ông không nên bước ra ngoài địa hạt chữ nghĩa để đóng vai một ông thẩm phán và chúng tôi cũng hoàn toàn không có ý định muốn chứng tỏ chúng tôi hai lần "thông minh".
Với bài viết của giáo sư Cao Xuân Hạo, chúng tôi xin nói thêm về ba điểm mà ông đã vạch ra, cho rõ hơn nữa, như sau:
1. Chúng tôi chưa bao giờ có ý muốn "bắt quả tang" giáo sư Cao Xuân Hạo cả. Mục đích việc tra soát từ điển đối với chúng tôi chỉ là tầm nguyên từ ngữ mà thôi. Và chúng tôi phải thừa nhận rằng ở đây ông đã rút lui khá khéo khi nói rằng ông "chỉ muốn tìm hiểu xem địa đàng có nghĩa là gì", và quan tâm đến địa đàng "có phải là từ Hán-Việt hay không" mà thôi. Tuy nhiên, theo chúng tôi, chính từ việc ông không quan tâm đến địa đàng, đến paradis/paradis terrestre cũng như paradisus/paradisus terrestris trong mảng từ điển Pháp-Việt, La tinh-Việt cho nên ông đã bỏ qua sự tương đương về ngữ nghĩa giữa paradis và paradis terrestre cũng như paradisus vớiparadisus terrestris. [1] Do đó, ông mới có kết luận, mà chúng tôi đã chứng minh ở bài viết trước là không chính xác, về sự "lây nhiễm" giữa địa đàng và thiên đàng. Thêm nữa, chúng tôi cũng không hề có ý đổ lỗi cho ông trong cái việc mọn là "lục lọi" từ điển này.
Ngoài ra, việc có người đã tìm ra từ 地 堂 (địa đường) trong Hán ngữ [2] (địa đường có vẻ như là một từ cổ, ít dùng, ít được sử dụng hơn nhiều so với Lạc viên cả phồn thể 樂園 lẫn giản thể 乐园), cho thấy hầu như chắc chắn địa đàng là một từ Hán Việt. Rất khó để có cách phản bác. Kể cả có biện minh rằng trong việc dịchParadis/paradisus và paradis terrestre/paradisus terrestris, công phu dùng Hán ngữ của người Việt đã trở nên hoàn toàn độc lập với người Hoa rồi, và Việt Hoa mạnh ai nấy dịch, có đủ cứ liệu chứng minh không có liên can gì trong lịch sử ngôn ngữ... thì cũng rất khó, vì vẫn phải ký âm và do đó vẫn mang xương cốt Hán tự. Việc dùng từ địa đường trong Hán ngữ, theo chúng tôi, đã chứng tỏ người Hoa cũng bỏ qua những băn khoăn về từ nguyên của văn tự trong việc xác lập một thuật ngữ: địa ở đây không đối lập với thiên nữa, và thiên đường cũng đồng hao với địa đường. Và do đó, một ngữ như địa đàng trần gian (ký âm: 塵 間 地 堂), trong tiếng Việt, như chúng tôi đã nói, không có gì là bất bình thường cả. Địa đàng trần gian có thể chấp nhận được trong sắc thái là một chốn cực lạc (với nghĩa này, địa đàng còn mạnh hơn cả thiên đàng vốn dĩ trung tính hơn, rộng hơn, và đa nghĩa hơn) có thật ở trần gian. Theo chúng tôi, khi nói: "Đúng là một địa ngục trần gian!", thì người ta hướng nhiều về nét nghĩa có thật, có hiện hữu thật của nó! Cũng như vậy đối với địa đàng trần gian!
2. Chúng tôi nghĩ đã lập luận khá rõ ràng để chứng minh rằng Địa đàng trần gian là một ngữ có thể chấp nhận được. Không phải là một trùng ngữ. Vì địa(terrestre/terrestris) chỉ còn là một cái vỏ từ có xuất xứ khác hẳn với trần gian (monde/mundus). Và Paradis terrestre chỉ là thuật ngữ chúng tôi đưa ra để xác minh sự tương đương về ngữ nghĩa giữa địa đàng và thiên đàng mà thôi, chứ chúng tôi hoàn toàn hiểu rõ là phải đối thoại với ông ở địa hạt của địa đàng trong tiếng Việt. Và chúng tôi đã làm như vậy.
3. Chúng tôi đã không nhấn mạnh Núi Thái Sơn trong trích dẫn đoạn dịch của ông Trần Trọng Kim, mà chúng tôi nhấn mạnh Người triết nhân (chứ không phải là Người triết gia như ông đã trích dẫn lại). Ở đây, ông nhấn mạnh rằng chúng tôi dựa vào "những trường hợp có vẻ như trùng ngữ" chứ thực ra không phải là "lỗi trùng ngữ". Rồi ông dẫn ra lập luận về "tập quán" dùng "tước hiệu" (Cao Xuân Hạo chua: title), và ông gộp từ lại thành khối và cương quyết không cho nó "có quan hệ ngữ pháp thực sự với cái danh từ đi trước nó" nữa. Ông cho rằng đây "không phải lĩnh vực của lương thức" (Cao Xuân Hạo chua: sens commun; tức là lẽ thường) mà là "một tập quán ngữ pháp". Cho nên theo ông "những trường hợp này có thể được coi như những trường hợp lệ ngoại."
Theo ý chúng tôi, ở đây, ông đã đề cập đến một vấn đề khá lớn của của tiếng Việt, tức là vấn đề trùng ngôn, trùng ngữ (Cao Xuân Hạo chua: pleonasm; cũng tương đương pléonasme, tức là sự thừa từ, hoặc tautologie là trùng ý, trùng ngôn trong tiếng Pháp). Và với quan điểm purist của mình, ông đã tỏ ra rất nghiệt ngã. Nhất là ngay từ bài đầu tiên phê phán cái tít Địa đàng trần gian, ông đã kêu lên là "trùng ngữ" - tức là một "lỗi không thể dung thứ". [3]
Trùng ngôn hay trùng ngữ, theo thiển ý của chúng tôi, vẫn được đối xử một cách tự nhiên trong nhiều ngôn ngữ khác tiếng Việt. [4] Trùng ngữ không phải là "lỗi". Nó chỉ là "lỗi" khi nó trùng một cách ngớ ngẩn. Và trong trường hợp mà cả trùng ngữ ngớ ngẩn cũng đã được chấp nhận rồi, thì không phải là "lỗi" nữa, mà là một tập quán, và trở thành trùng ngữ trăm phần trăm ổn thoả. Và trùng ngữ, trùng ngôn vẫn thường được chấp nhận khi mà vấn đề thực sự được đặt ra chính là sự tiện dụng cũng như yếu tố văn phong hơn là các quy tắc cứng nhắc về ngữ pháp. Và vì vậy, cái mà chúng tôi, với tư cách là những người tham gia sử dụng ngôn ngữ, thực sự quan tâm, là có thể purist được đến đâu trong vấn đề trùng ngôn lặp ngữ ở tiếng Việt.
Với chúng tôi, lập luận của giáo sư Cao Xuân Hạo có gì đó không ổn. Vì một khi ông đã đưa ra những "trường hợp lệ ngoại", nhân danh đến cả "tập quán ngữ pháp", thì có nghĩa ông đã phải thừa nhận việc không thể purist được đến cùng. Và chúng tôi không hiểu thực chất định nghĩa về trùng ngữ của ông là thế nào để ông có thể "tha" người triết nhân và "đánh" địa đàng trần gian, hay ánh nắng mặt trời, hay bóng Nguyệt của chị Hằng... (Nếu trùng ngữ là sự lặp lại từ ngữ một cách ngớ ngẩn, thì chúng tôi sẵn lòng đồng ý với ông về trường hợp bóng Nguyệt của chị Hằng... vì bản thân chúng tôi cũng không hâm mộ gì cái ngữ kiểu me-xừ Giuốcđanh làm văn này). Còn lại, những gì ông lý giải, chúng tôi đều chưa thấy thoả đáng.
Khi ông dùng "tước hiệu" và "tập quán ngữ pháp" dùng tước hiệu của người Việt để tiện bề cho rằng cái danh từ kép ở đằng sau là một khối không quan hệ gì với danh từ đi trước, ông đã có thể bỏ qua những trường hợp tên riêng như sông Hồng Hà và chắc là một loạt nữa kiểu như sông Trường Giang, sông Hoàng Hà, thành phố Mexico City... Chúng tôi có thể đồng ý với những cái tên này (chúng tôi đã không hề nhấn mạnh núi Thái Sơn)... nhưng với những trường hợp không phải tên riêng như Người triết nhân, Nhà triết gia, người nghệ nhân... thì việc thông qua đối với chúng tôi sẽ khó hơn nhiều, kể cả có cho rằng nhà và người ở đây những title haytitre hay "tước hiệu" gì đó. Bởi chúng trùng trăm phần trăm. Những cụm từ lặp lại nghĩa như thế này có khá nhiều, và ở những dạng trùng bớt "thậm tệ" hơn, có thể kể ra như: người nghệ sĩ, kẻ triết gia, người học giả, nhà học giả, người khán giả, người thính giả, người tài tử, người nông phu, người diêm dân... Bỏ qua trường hợp "Bất thình lình bỗng trong bàn mất vui" của Nhị Độ Mai bởi vì đây là sáng tác, ít nhiều phải gò câu ép chữ; và kể cả địa ngục trần gian, một ngữ hoàn toàn tương tự về hình thức với địa đàng trần gian, cũng cho là có thể xếp vào cái kho lệ ngoại nữa. Và cứ cho rằng tất cả những trường hợp kể trên chúng ta có thể tạm cho vào cái kho của những lệ ngoại kia đi, thì vẫn còn những trường hợp khác nữa rất khó lý giải. Ví dụ: phí là "tiền phải trả cho công việc phục vụ, dịch vụ công cộng nào đó" (Từ điển tiếng Việt, Viện Ngôn ngữ học, Đà Nẵng, 2002), và xuất phát từ phí, tiếng Việt có Đảng phí để chỉ tiền đảng viên phải đóng theo kỳ hạn, ngu phí để chỉ số tiền nào đó đã bị mất do tiêu pha ngu ngốc, tình phí để chỉ số tiền phải bỏ ra để tán tỉnh, lộ phí chỉ số tiền công dân tham gia giao thông phải cắn răng nộp cho công an giao thông,cước phí chỉ số tiền dịch vụ về vận tải hay truyền thông, học phí là tiền học sinh phải đóng học cho nhà trường... Và đây đều là các danh từ tròn vành rõ chữ tự thân đầy đủ, vậy tại sao người ta vẫn có thể và vẫn nói tiền, viết tiền vào ngay trước Đảng phí, ngu phí, tình phí, lộ phí, cước phí, học phí...? Phải chăng ở đây, tiền lại cũng là một "tước hiệu"?
Chưa hết, tính là "đặc điểm tâm lí riêng ổn định của mỗi người" (Từ điển tiếng Việt, Viện Ngôn ngữ học, Đà Nẵng, 2002), nết cũng là "đặc tính tâm lý ổn định của mỗi người" (Từ điển tiếng Việt, Viện Ngôn ngữ học, Đà Nẵng, 2002). Ấy vậy tại sao người ta vẫn có thể nói: "Được cái nết lành tính", "phải cái nết nóng tính", "bị cái nết cục tính" hay đảo ngược lại là "được cái tính nết na", "có cái tính tốt nết"? Phải chăng ở đây tính và nết cũng lại thay nhau đóng vai của một "tước hiệu"? Và trái tính trái nết là gì nếu không phải cũng là trùng ngữ? Và dạng lặp lại kiểu đàn bà con gái, đàn ông con trai thì có được coi là trùng ngữ? Hay là sẽ được xếp vào "trường hợp lệ ngoại"?
Trong khi tra soát các từ trong từ điển tiếng Việt, chúng tôi nhận thấy một thực tế là có vô số các từ ghép được hình thành từ các từ đơn hầu như giống hệt nhau về mặt ngữ nghĩa. Xin lấy một số thí dụ: phế là truất và truất cũng là phế, vậy mà vẫn có phế truất và truất phế; cố là gắng và gắng cũng là cố, vậy mà vẫn có cố gắng; tralà khảo và khảo cũng là tra, vậy mà vẫn có tra khảo và khảo tra; gắn là kết và kết cũng là gắn, vậy mà vẫn có gắn kết; truy là đuổi và đuổi cũng là truy, vậy mà vẫn cótruy đuổi... Vậy tại sao lại có sự trùng lặp đến như thế trong từ kép của tiếng Việt? Phải chăng người Việt thích nhiễu sự và đặc tính của tư duy Việt là ôm đồm và thích nhai lại? Và đây là gì nếu không phải là một hình thức của trùng ngữ? Bởi những trường hợp này đâu có khác gì trường hợp aujourd'hui của tiếng Pháp?
Nếu như vậy thì tức là tiếng Việt có hiện tượng trùng lặp ngay ở cấp độ từ. Và người Việt dùng từ ghép khá phóng túng, bất chấp sự trùng lặp về ngữ nghĩa [5] . Ở một tộc người có tập quán ưa cấu tạo từ mới bằng cách lặp hai từ tương đương, và ưa tạo từ ngữ bằng cách hoán đổi từ, lặp từ, láy từ... như vậy [6] , nếu cứ giữ quan điểm purist theo kiểu hễ có "trùng ngữ" là có "lỗi" thì rút cục kho từ vựng tiếng Việt có bao nhiêu phần sẽ được coi là bị "lỗi"? Và nếu không coi chúng là "lỗi", mà vẫn là "lệ ngoại" xuất phát từ "tập quán ngữ pháp" nào đó, thì cái kho chứa những lệ ngoại kia chắc chắn là lớn hơn rất rất nhiều những thứ lệ nội còn lại... Do đó, một động thái phân biệt như vậy là không cần thiết và sẽ phá sản.
Chúng tôi hầu như không rõ về thái độ đối với vấn đề "trùng ngữ" trong giới nghiên cứu ngôn ngữ ra sao vì chúng tôi không có hân hạnh được theo đuổi ngành này. Tuy nhiên, chúng tôi cũng mạnh dạn nghi ngờ về việc giới này ở Việt Nam đã thống nhất phê phán lối nói và lối viết "ánh nắng mặt trời" đến nỗi chỉ cần học qua lớp sáu là người ta đã có thể bắt đầu thoát khỏi "những định kiến do vô học mà có" và đã sẵn sàng coi những người nói và viết "ánh nắng mặt trời" là có tư duy bất bình thường. Theo chúng tôi, nếu thật sự đã có một sự phê phán như vậy, đến nỗi các cô giáo trung học "phải gào thét khản cả họng" để giúp học sinh tránh lỗi như giáo sư Cao Xuân Hạo đã viết trên báo Lao động (“Về người biên tập”, Lao động, số ra ngày 10.9.2006) thì thực sự đây là một động thái cơ học, vô lý, không tốt, quá đỗipurist. Bởi vì, theo chúng tôi, "ánh nắng mặt trời" là một cách diễn đạt có thể chấp nhận được, trong một số cảnh huống. Người Việt ít nhiều đều biết làm thơ, và nồng độ thơ trong máu người Việt nói chung chắc là cao hơn nhiều tộc người khác (duy sự tập trung đến cao độ ở cá nhân thì lại gần như không có, mà chỉ man mát mỗi người một tẹo), cho nên chúng tôi, mặc dù thi độ rất ít, vẫn muốn đấu tranh cho quyền làm thơ của mình với "ánh nắng mặt trời", với những câu thơ như "Nắng mặt trời hay nắng mắt em" hoặc lòng thòng hơn như "Ánh nắng mặt trời hay ánh nắng mắt em". Tóm lại là chúng tôi không muốn mất đi trong ngữ vựng của chúng tôi cái món "ánh nắng mặt trời" rất thông tục này. Từ ngữ nên biến đi một cách tự nhiên, chứ không nên bị triệt hạ một cách cơ học.
Và nếu giáo sư Cao Xuân Hạo kiên quyết không cho nói và viết cái ngữ này, thì thực sự, ông đã chứng tỏ ông là một purist hết sức khắc nghiệt, và một động thái có tính chất purist như vậy đi ngược lại với những gì chúng tôi vẫn hiểu đối với sự phát triển của ngôn ngữ. Cái gì phi tự nhiên, trái với lô gích ngôn ngữ, và không được nuôi dưỡng bởi những rễ cái, rễ con của tâm thế có khi sâu xa có khi tạm thời của xã hội, cái đó tự động sẽ bị dẹp bỏ [7] . Nhà ngôn ngữ học và người dùng từ chẳng việc gì phải lo lắng. Từ ngữ sinh ra, mạnh lên, yếu đi, và chết... hẳn là có con đường xa xôi, huyền bí, và vô lý nữa của riêng nó. Đời sống của từ ngữ có khi rộng lớn, trường cửu hơn đời sống của người. Con đường và đời sống của từ ngữ có khi uyên áo, xa vời, khó đoán hơn cả của con người. Và con người theo chân chúng đến đâu, hay chúng dẫn con người được đến đâu, hay con người biết bỏ chúng ở đâu, hay con người bị chúng dẫn đi đâu... đều tuỳ thuộc vào công phu, bản lĩnh của con người dùng từ.
Hà Nội 26.9.2006
[1]Dĩ nhiên vẫn chỉ dừng lại ở phạm vi từ điển, do đó vẫn cần được chứng thực bởi các chuyên gia về từ nguyên cũng như thần học.
[2]Xin xem thêm bài của tác giả Đông A trong mục ý kiến ngắn trên talawas.
[3]Ở đây giáo sư Cao Xuân Hạo có thể cho rằng ông không hề lên án "trùng ngữ" nói chung, mà chỉ là những trường hợp "không thể dung thứ được" mà thôi (!). Bài viết của chúng tôi cũng chỉ muốn minh chứng rằng trùng lặp là một thực tế ngôn ngữ, nên có một cái nhìn thực sự rộng lượng.
[4]Xin đề nghị những ai thực sự quan tâm hãy tìm hiểu các dạng thức pleonasm, như kiểu "Receive a free gift with every purchase", "I ate a tuna fish sandwich", "I'm going down south"... trong Anh ngữ; hoặc các dạng pléonasme/tautologie như kiểu "Ces idées sont plus difficiles à comprendre que je ne pensais", "Qu'est-ce que c'est?", "aujourd'hui", rồi "mon ami à moi"... trong Pháp ngữ; và dĩ nhiên là trong các ngôn ngữ khác nữa... Đây là một nhận xét về pléonasme của Viện Hàn lâm Pháp: "Les expressions ‘Je l'ai vu de mes yeux’, ‘entendu de mes oreilles’ sont des pléonasmes admis et fort usités. Quand le pléonasme n'ajoute rien à la force ou à la grâce du discours, il est vicieux. Il se prend ordinairement en mauvaise part et renvoie à une redondance vicieuse de paroles. Ainsi, ‘monter en haut’ ou ‘descendre en bas’ sont des pléonasmes." (Dictionnaire de l'Académie française, 8ème édition, dẫn theo từ điển Wikipédia). Như vậy, theo chúng tôi hiểu, một pléonasme chỉ được coi là "vicieux" một khi nó không thêm được bất cứ thứ gì từ sắc thái ngữ nghĩa đến phong cách cho hoạt động ngôn ngữ. Còn lại, thì chắc là có thể xếp chúng vào loại những pléonasme "có ích".
[5]Thói quen lặp từ này lớn đến nỗi tổ hợp "cấm không được", chính là một trùng ngữ và lâu nay được coi là sai lô gích, vẫn được dùng khá phổ biến trong thực tế, như kiểu: "Cấm không được đái bậy", "cấm không được nói leo", "cấm không được mặc váy ngắn"...
[6]Ví dụ, cọp là hổ, và ta vẫn có thể có một kết cấu kiểu "tự tạo" theo công thức như "lòng hổ lòng cọp", hoặc "chuẩn" hơn nữa như "lòng hổ dạ cọp", hoặc "con hổ con cọp": "Lòng nó là lòng hổ lòng cọp chứ ai bảo là lòng người!"; "Nó là con hổ con cọp chứ có phải ếch nhái/cua cáy gì!"
[7]Tiếng Việt hiện nay có một sự bùng nổ trong mảng từ ngữ sành điệu của giới trẻ và giới công chức văn phòng, với hàng núi những từ ngữ theo kiểu "ứ, rùi, roài" của ngôn ngữ chat trên mạng; thêm vào đó là xu hướng hết sức mạnh mẽ trong việc tính từ hóa danh từ theo kiểu "chuối", "củ chuối", "a kay", động từ hoá tính từ theo kiểu "lăn tăn", và lối diễn đạt ưa láy vần một cách cùng cực kiểu "chuyện nhỏ như con thỏ", "dở hơi biết bơi", "chập cheng dẫm phải xà beng", "ăn chơi sợ gì mưa rơi"; ngoài ra, lối diễn đạt dùng "hơi bị" kiểu như "hơi bị đẹp" đã trở nên phổ biến, được nhiều người chấp nhận. Đó là chưa kể đến kho từ vựng thực sự đáng kinh ngạc của ngôn ngữ chợ búa. Theo thiển ý của chúng tôi, thứ ngôn ngữ duy nhất còi cọc, teo tóp, không phát triển là ngôn ngữ hàn lâm, kinh viện. Do đó, người Việt bây giờ muốn dịch Martin Heidegger, Jean-Paul Sartre, Karl Jaspers... cũng sẽ gặp khó, cũng sẽ túng quẫn, cũng sẽ vay mượn y như người Việt cách đây gần nửa thế kỷ.
http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=8172&rb=06
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.