Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

19/03/2014

Chuyện vãn trên đường du lãng : Thành phố Mục Mã vẫn hừng nắng

Chúng tôi đang lấm lem bùn đất ở miền ngược Đông Bắc. Mưa tầm mưa tã cả mấy tuần nay suốt một dải Trùng Khánh - Hạ Lang - Phục Hòa - Quảng Uyên - Hòa An - Trà Lĩnh - Bảo Lạc.

Duy chỉ có kinh đô Mục Mã của vương triều Mạc thuở trước, bây giờ là thành phố Cao Bằng (mới nâng cấp từ thị xã lên được vài năm), là còn nhìn thấy mặt trời, đường đi lối lại còn thấy khô. 


Ảnh chụp tháng 3 năm 2014
(lúc khác, sẽ đưa ảnh chụp vào các năm 1996, 1997, 1998,
và đều ở cùng một địa điểm với năm 2014)


Khu quốc tự Đống Lân trong vành đai chợ Cao Bình thuở trước, dù đường đất có lọc xọc, nhưng trời vẫn hửng, gió nhè nhẹ man mác gợi niềm nhớ thương không chỉ một vương triều đã hưng thịnh rồi tạn tạ nơi đây. 

Nhưng, quả là các đấng quân vương đã thực khéo chọn nơi chốn đóng cung điện. Mỗi lần, trong mấy chục lần du lãng Mục Mã, nhất là khi trời nồm như thế này, là thêm một lần thấm thía. Không chỉ là vua Càn Thống mãi sau này, mà trước đó là mẹ con Nùng Trí Cao.


Mục Mã, trực dịch, thì chỉ là: chăn ngựa. Đó là chỗ chăn ngựa của nhà vua. Không, trước hết, đó là bãi thả trâu thả bò của các cô cậu mục đồng đã. Và, trước khi xem nó là của vua, thì vốn là chợ buôn ngưu mã của đám lái trâu.

Chúng tôi đang vượt một cánh đồng sang làng bên cùng một ông bạn lái trâu. Khi tạm giải lao việc buôn, gã trở thành thầy cúng. 


---



BÀI ĐỌC THÊM

Lấy về từ Báo Cao Bằng (2012)



Phố và những di tích ở thành phố Cao Bằng
Thứ sáu 05/10/2012 17:00
Trong phong cảnh đẹp hữu tình của Thành phố, có phố và di tích văn hóa linh thiêng được người dân gìn giữ truyền đời làm nên hồn cốt của vùng đất địa linh.
    Đền Kỳ Sầm, xã vĩnh Quang thờ Nùng Chí Cao được nhân dân thành phố mở lễ hội vào ngày mùng 10 tháng giêng hàng năm.



    PHỐ XƯA VÀ THÀNH MỤC MÃ

    Sau khi nhà Lê - Trịnh đánh dẹp nhà Mạc ở Cao Bằng năm 1677, chính quyền phong kiến cho xây dựng phố Mục Mã (phường Hợp Giang) là bán đảo rộng hơn 1 km2, có ba phía giáp sông thành trấn, tỉnh lỵ và chuyển các dinh sở về đây, lấy Mục Mã làm trung tâm quản lý hành chính và trấn thủ quân sự. Thế kỷ 18 - 19, triều Lê và triều Nguyễn đã xây hai thành cổ bằng đất đắp để phòng thủ quân sự. Khi còn là phủ Cao Bằng, nhà Lê đã cho xây thành “Mục Mã trấn dinh” (còn gọi là “Cao Bằng trấn thành”) hình đế giày bằng đất, đắp từ đỉnh Rạp ngoài trời (hiện nay) đến phố Nước Giáp, chu vi hơn một cây số, có bảy cổng ra vào. Phố Cũ ở ngoài thành gọi là phố Tam Quan vì tiếp giáp với ba cổng ra vào thành. Thành có ba phố. Thời gian đầu, người dân đến sinh sống lập nghiệp ở hai bên bờ sông Hiến gọi là phố Mục Mã (Phố Cũ). Quan lại dưới xuôi lên nhậm chức có kỳ hạn ở phố Cam Mỹ (Vườn Cam và Nước Giáp). Đầu mối giao thông đường thủy, có người Hoa đến giao thương tấp nập trên bến, dưới thuyền ở sông Bằng Giang được gọi là phố Lương Mã - Phố Thầu (Phố Đầu) nay là phố Kim Đồng. Thuyền người Hoa còn nuôi con Cốc ở bến Cốc (cầu Bằng Giang) để mò cá.
    Đến triều Nguyễn, thành “Mục Mã trấn dinh” được thay bằng thành “Cao Bằng tỉnh thành” nhỏ hơn, có hình chữ nhật dựa trên sáp nhập khu dinh Đốc trấn, dinh Đốc đồng, dinh quan giám hộ. Thành đắp đất nện chu vi 176 trượng (khoảng 600 m), cao 7 xích, chân thành dày một trượng, lấy hướng Dậu, Mão (đông tây) có đặt ụ pháo thần công ở phía tây và phía bắc, có hai cổng phía đông và nam kèm lũy tre cách thành 5 m về phía nam, chân thành ngoài trồng tre lũy và đào hào sâu 1,5 m, rộng 3,5 m. Phía nam, phố xây riêng đồn Kho (Thương đồn), chu vi 140 trượng (500 m) để làm kho hậu cần cho tỉnh thành (nay là Đài PT - TH tỉnh), tường thành dày 1 m, cao 1 m và trồng tre, đồn có hai cổng ở phía bắc và nam.
    Tháng 8 năm Qúy Tỵ (1833), Nông Văn Vân đem quân vây hãm và đánh chiếm được tỉnh thành Cao Bằng. Ba viên quan đầu tỉnh vì thất thủ đã tự vẫn trong Thương đồn. Cuối năm 1834, vua Minh Mạng ra chiếu chỉ xây quốc miếu Tam Trung ở bờ sông phố Lương Mã thờ ba viên quan trung quân với triều đình.
    Thực dân Pháp xâm chiếm nước ta năm 1858, Cao Bằng bị Pháp đánh chiếm, phố Mục Mã vẫn là trung tâm hành chính. Năm 1915, thực dân Pháp cho xây cầu Sông Hiến, năm 1940 xây cầu Sông Bằng và xây pháo đài kiên cố lớn nhất Đông Dương trên đồi Khau Cáu (nay là Bộ CHQS tỉnh) để chống lại sự thôn tính của phát xít Nhật và âm mưu chiếm đóng lâu dài nước ta.
    Phố Mục Mã xưa có nhiều thay đổi, nhưng vẫn còn tên gọi xưa. Đến nay, Thành phố có 23 đường, phố đã được gắn biển. Trong đó, gồm 8 đường và 15 phố (mới và cũ). Mỗi tên đường, phố mang dấu ấn lịch sử. Phố Thầu hiện nay có 2 mặt, mặt bên đường chính mang tên phố Kim Đồng; mặt sau sát bên bờ sông Bằng vẫn mang tên Phố Thầu. Đây là phố sầm uất nhất Thành phố về hoạt động thương mại, dịch vụ. Phố Vườn Cam, Nước Giáp, Phố Cũ nằm quanh bờ sông Hiến, sông Bằng được xây dựng nhiều nhà cao tầng khang trang.
    Xây dựng phát triển Thành phố, các tuyến đường, phố mới còn được mang tên những người con ưu tú của Thành phố, trong và ngoài tỉnh, như: Hoàng Đình Giong, Hoàng Như, Hồng Việt, Bế Văn Đàn, Xuân Trường, Nguyễn Du, Lê Lợi... Thời gian tới sé có 21 đường, phố được đặt tên, gắn biển.
    DI TÍCH LINH THIÊNG
    Thành phố là đất địa linh, nhân kiệt, đến nay vẫn còn lưu giữ quần thể di tích, thành quách, đền chùa, miếu mạo, địa danh đậm dấu tích lịch sử. Xã Hưng Đạo có thành Bản Phủ (Thành nội, thành ngoại), di tích cự thạch, cánh đồng Tổng Chúp, guốc đá, giếng Bó phủ… từ thời Thục Phán (thế kỷ 3 trước công nguyên). Tại đây còn nhiều di tích thời nhà Mạc lên Cao Bằng trị vì hơn 80 năm (1593 - 1677), như: thành nhà Mạc, chợ Háng Séng, trường Quốc học, kế tiếp là thành Nà Lữ, Chùa Đống Lân, Đà Quận, Viên Minh... (Hưng Đạo), đền Kỳ Sầm thờ Khâu Sầm Đại Vương Nùng Chí Cao (xã Vĩnh Quang) ... Hội tại các đền chùa từ mùng 5 - 10 tháng Giêng hằng năm, trở thành lễ hội đặc sắc của Thành phố.
    Cùng với thờ Nùng Chí Cao, nhân dân Thành phố lập đền Bà Hoàng (Nà Cạn, phường Sông Bằng trước đây thuộc thôn Phù Vạn, xã Kim Pha, huyện Thạch Lâm)thờ A Nùng là mẹ của Nùng Chí Cao . Bà được tôn thờ là “thần gia súc”, nhân dân mở hội vào ngày 15 tháng Giêng.
    Các đường phố khác như đường Phai Khắt - Nà Ngần (Thanh Sơn cũ), phường Sông Hiến có đền Thanh Trung thờ ông Khoái Bá Trạch (Nguyễn Đình Bá), quan trấn Cao Bằng, ông là quan liêm khiết, thương dân, đánh dẹp bọn giặc Hoàng Xỉ (mới nổi lên lúc bấy giờ), trừ tai họa cho dân. Sau khi ông lâm bệnh mất, nhân dân tâu lên triều đình sắc phong Đại Vương dựng miếu thờ dốc Thanh Sơn. Lễ hội được mở từ mùng 8 - 15 tháng Giêng hằng năm.
    Bên bờ sông Bằng, địa phận xã Gia Cung (phường Ngọc Xuân), có chùa Thanh Long (chùa Đỏ). Trước đây có miếu thờ hai nữ tướng của Nùng Chí Cao đó là Đoàn Hồng Ngọc và Vương Lan Anh.
    Đền Cao Tiên, phố Xuân Trường (sau Tỉnh ủy). Đền thờ công chúa thứ hai của vua Mạc Kính Vũ (Thuận Đức hoàng đế). Tháng 2/1677, nhà Lê tiến quân lên trinh phạt nhà Mạc. Vua Mạc Kính Vũ và Hoàng hậu cùng hai con gái chạy lên Lũng Hoàng (Lam Sơn), Hoàng hậu và hai công chúa trầm mình xuống sông Rẻ Dào, dưới thành nhà Mạc. Thi hài của công chúa thứ hai trôi theo dòng sông Bằng đến bến Cốc (cầu Bằng Giang) trong thành Mục Mã thì vòng đi vòng lại không trôi nữa. Nhân dân vớt thi hài công chúa lên an táng tại đồi Cao Tiên và lập miếu thờ.
    Chùa ở phố chính Cao Bằng.
     Tại Phố Cũ có Miếu Quan đế - chùa Phố Cũ (phường Hợp Giang). Miếu quan đế thời kỳ đầu thờ Quan Vân Trường - nay thờ Phật, xây dựng từ năm 1679. Chùa Phố Cũ còn là di tích lịch sử cách mạng. Hiện nay, chùa còn nhiều văn bia khắc năm 1813, 1824, 1858, 1876, 1893 ghi công lao của các nhân vật có công với nhân dân, trấn ải biên thùy và đóng góp của nhân dân xây dựng chùa.
    Đền Tam Trung (phường Sông Bằng) thờ 3 vị quan trung thần là Bố chánh Bùi Tăng Huy, án sát Phạm Đình Trạc và Lãnh binh Phạm Văn Lưu đã tự vẫn trong thành Mục Mã khi thành thất thủ trước cuộc khởi nghĩa của Nông Văn Vân...
    Thành phố còn có nhiều di tích cách mạng. Đồi Thiên văn, phường Sông Hiến. Ngày 9/10/1947, quân Pháp nhảy dù tái chiếm Cao Bằng, xạ thủ Nông Văn Diên, Đại đội chợ chiến phòng không 375, Trung đoàn 24 bắn rơi máy bay Ju 52 chở Đại tá Lam Be, Phó Tham mưu trưởng Quân đội viễn chinh Pháp miền bắc Đông Dương và 12 sỹ quan tùy tùng, lấy được tài liệu tối mật “Cuộc hàng quân Lê A tiến công lên căn cứ địa Việt Bắc thu đông năm 1947”.
    Thành phố có nhiều di tích về Bác Hồ. Pháo đài (Bộ CHQS tỉnh) nơi Bác Hồ quan sát toàn cảnh thành phố Cao Bằng năm 1950, sau ngày 3/10/1950 Cao Bằng được giải phóng. Di tích miếu Khau Roọc, phường Đề Thám, tháng 3/1951, Bác Hồ nói chuyện với cán bộ tỉnh và xã Đề Thám, phổ biến Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II. Phố Vườn Cam, trụ sở Tỉnh ủy Cao Bằng - nơi Bác Hồ ở và làm việc ngày 19/2/1961, thăm và chúc Tết các dân tộc tỉnh Cao Bằng sau 20 năm xa cách. Sân vận động Cao Bằng, phố Vườn Cam, sáng ngày 21/2/1961, Bác Hồ dự cuộc mít tinh nói chuyện với cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc Cao Bằng.
    Mỗi tên đường, tên phố và mỗi di tích trên đất Thành phố là một dấu ấn lịch sử nối từ truyền thống lịch sử đến hiện đại. Đó là niềm tự hào về sự hội tụ tinh hoa văn hóa của nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng và nhân dân Thành phố trong quá trình xây dựng lên thành phố.
    Trường Hà



    ---
    Những entry liên quan đã đi trên blog này:
    Chuyện vãn trên đường du lãng : Thành phố Mục Mã vẫn hừng nắng
    Tới thăm cung đường mà ông Bảy đền Bảo Hà bắt đúng 7 người
    Chuyện vãn trên đường du lãng : Ông Bảy đền Bảo Hà bắt đúng 7 người

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét

    Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

    LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

    Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.