Một bản được biên tập của bài đã đăng trên Xưa và Nay. Ở đây, hẳn là bản gốc.
Cụ Tạ phê Bùi Minh Đức là cần thiết. Đức là tác giả của sách Lịch sử nhìn lại dưới góc độ y khoa (Nxb. Văn hoá Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh 2012). Tuy nhiên, cụ hơi quá tay, vì Đức vốn không được trang bị kiến thức và kĩ năng của ngành sử. Hoặc là cụ đành để Đức chịu thay.
Từ đây trở xuống là chép nguyên về từ Da Màu.
---
2.12.2013
sử việt thời thổ tả – phần iii
Một gói viện trợ gây bội thực
Nhận diện
Lịch sử thường được coi đáng tin cậy nhất là khi ghi nhận vào lúc, và thời nó xảy ra. Mức độ nhận định thì tuỳ thuộc vào kiến thức thời đại chuyển tiếp vào người ghi chép. Thế mà không phải ai cũng đủ khả năng đi vào những ngóc ngách chuyên biệt của các diễn tiến. Bởi vậy cho nên cách giải mã lịch sử vẫn phải luôn luôn xảy ra theo với đà tiến bộ của con người, riêng biệt là theo với kiến thức về bản thân, xác thân con người cụ thể. Về phương diện này thì nền y khoa mới của phương Tây có ưu thế khi muốn xét lại các sự việc xảy ra trong lịch sử Việt Nam liên quan đến nó, không những vì sự tiến bộ chung mà còn vì các phương thức, kĩ thuật tiếp cận xác thân con người đã tách biệt với truyền thống phương Ðông nên cách giải thích sự việc có đà đem lại mới mẻ trong nhận định. Sự tự tín của tác giả và những lời giới thiệu nồng nhiệt dành cho quyển sách Lịch sử nhìn lại dưới góc độ y khoa (Nxb. Văn hoá Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh 2012) của bác sĩ Bùi Minh Ðức (BMÐ) dễ tiếp tay cho những người chờ đợi những khám phá như thế.
BMÐ là một bác sĩ, không phải chung chung mà là bác sĩ chuyên khoa, không những từng được học tập và giảng dạy trong nước mà còn ở ngoại quốc, từ Ðông sang Tây, như ta thấy liệt kê thành tích học tập, tác nghiệp đầy cả trang bìa 4 quyển sách, với bức hình tươi tắn mà không để lẫn lộn nghiệp vụ. Và cũng giống như các bậc thức giả ngày xưa, tác giả không dừng lại ở chuyên ngành của mình mà còn đem dàn trải kiến thức qua các lãnh vực văn hoá, ngôn ngữ như được thấy nơi mục “Sách cùng một tác giả”, ở đó, quyển Từ điển tiếng Huế viết “dâng mẹ” năm 2001 mới có 500 trang được khai triển thành 1000 trang (2004) rồi 2000 trang chia hai tập Thượng, Hạ (2009). Cũng không nên tưởng đó là những thú vui ngoài ngành, tác giả đã coi mình là chuyên gia thật sự ở các lãnh vực đó, vì như ở công trình này, trong lúc thường hay tự xác nhận “là bác sĩ y khoa…”, hay nhấn mạnh hơn: “là bác sĩ y khoa ngày nay…” thì ông cũng thêm: “Là một nhà nghiên cứu lịch sử…” Cho nên, Giáo sư sử học Phan Huy Lê khen ông “là một nhà y học uyên bác… có cả một tấm lòng đối với quê hương đất nước, có vốn trí thức liên ngành rộng lớn… vận dụng vào lịch sử, giải thích một số hiện tượng lịch sử Việt Nam liên quan đến y học”. Còn Giáo sư Bác sĩ Tiến sĩ Nguyễn Ðình Hối thì đi xa hơn, gọi “Ông (BMÐ) là người đầu tiên phối hợp môn Y khoa với môn Lịch sử thành môn ‘Y học lịch sử’” – cái tên ghép gượng ép không đủ xác định một ngành học nhưng cũng cho thấy tâm tình thán phục đối với tác giả.
Có thể nhìn lại quyển sách để xem tham vọng của tác giả đi đến đâu.
Nghiên cứu bao gồm 20 đề tài, có từng nhóm/bài khác nhau khi “nhìn dưới góc độ y khoa” can thiệp vào sự kiện. Có đề tài để tác giả phô trương kiến thức của mình là nhóm bàn về sinh hoạt tình dục Lí Trần, của Minh Mạng, về cái chết của Quang Trung… Tuy nhiên ngay trong tập nhóm này chúng ta cũng thấy có bài chỉ là “cái cớ” để ông đem chuyên môn y khoa của ông vào, như nói chuyện Nguyễn Du chết vì dịch tả (mà ít ra lại không chịu nêu chứng dẫn), để bàn chuyện chữa bệnh dịch tả trong bệnh viện hay kể kinh nghiệm dịch tả ở xứ Huế của ông. Cũng như trong 33 trang về “Cái chết của Hoàng tử Cảnh với những hệ luỵ bi đát” chỉ có 2 trang nói về cái chết đó, mà lí do chính vì bệnh đậu mùa thì ai cũng biết rồi! Chuyện ông muốn “tìm cớ” để làm nhà nghiên cứu lịch sử ở đây thì sẽ bàn sau. Bài “Tam ban triều điển” dành độ mươi dòng cho ông Hoàng Diệu mà ông này thì tự-mình-thắt-cổ chớ không thấy vua ban đâu cả. Cũng theo chiều hướng đó mà càng “ít độ y khoa” hơn thì thấy trong bài bàn về nhân vật Trần Hữu Lượng, và để có thể xếp BMÐ vào hàng ngũ bàn sử, là nhận định về Trần Thủ Ðộ so sánh với Machiavelli, vốn chính danh mà nói thì đề tài thuộc lãnh vực chính trị học chứ không phải của sử học! Cho nên ngờ rằng vì ít “vốn liếng” nên phải kéo dài ra: Bảy bài về Lí Trần có thể gom vào hai/ba bài là nhiều nhất, nếu muốn cho ông Trâu Canh đứng riêng biệt.
Tác giả trình bày phương pháp làm việc, cho thấy các bài viết của ông là theo cách các “bài khảo cứu khoa học (có chú thêm tiếng Anh: Scientific Papers) thường được báo cáo tại các hội nghị y khoa ngày nay”. Chi tiết công việc được viết ra rõ ràng, không ai dám bảo tác giả làm việc không khoa học nhưng đem điều đó vào chung một quyển sách, chuyển sang ngành sử thì phát sinh nhiều điều khó biện minh, và bất tiện. Không lẽ ngành sử không có được một phương thức làm việc khoa học “coi được” hay sao mà phải viện dẫn đến mẫu báo cáo y khoa? Tác giả cho rằng các chi tiết khoa học và những luận cứ đưa ra đều có “đầy đủ tính thuyết phục đối với các đồng nghiệp trong y giới” nhưng ta không thấy được một nhận định riêng biệt nào của giới y khoa cả. (Ðiều dễ hiểu là bài trình bày “theo dạng báo cáo tại các hội nghị y khoa” chứ không phải chính thức trình bày như một luận án lấy bằng y khoa để có giới chuyên môn lên tiếng). Ðã thế hình thức dàn bài theo mẫu mực “y khoa” của nhiều bản văn riêng rẽ, đem gộp in vào sách khiến có nhiều chỗ dư thừa, lặp lại, ví dụ phần tham khảo của từng bài dàn trải tổng cộng hơn 33 trang nếu góp lại cuối tập, chỉ cần độ mươi trang là quá đủ. Có thể là tác giả không thấy điều bất tiện này, nhưng đó lại cũng là một chứng cớ làm việc không khoa học, không cần phải đem chuyên môn sâu xa ra chận lối chê trách. Chuyện chuyên môn khó khăn cao cấp đôi khi cũng có thể bàn như chuyện thường ngày mà không sai lạc lắm. Cũng giống như đầu bếp chỉ nên đưa món ăn cho người ta thưởng thức, nói qua loa làm quà thì được chứ không cần phải giải thích dài dòng. Ðộc giả chỉ cần xem ông trình bày kết quả nghiên cứu có chấp nhận được hay không chứ không cần biết ông phải loay hoay khổ cực như thế nào qua các dòng về phương pháp, tham khảo, mở, kết lặp đi lặp lại trong các trang sách, dù có mang chữ Anh chữ u cũng vẫn có dáng như một luận văn ở nhà trường trung học.
Ít bột mà ráng thì khó gột nên hồ
Khi không bị loá mắt vì các tấm bằng chuyên môn y khoa phô bày ở đây thì dễ nói chuyện hơn. Ông BMÐ đã chọn vị trí làm việc ở một lãnh vực mà ông tưởng mình có thẩm quyền, như ông khoe đã từng đọc kĩ Ðại Việt sử kí toàn thư nên “hầu như thuộc nằm lòng các sự kiện lịch sử (Việt Nam)”. Thế mà sách ông đầy các lỗi sơ đẳng nhất của một người đọc sử bình thường, chưa nói đến của một sử gia. Và chính điều này lại làm khó cho người đọc muốn tìm ở sách ông một lời khen lấy lòng, chỉ vì hàng đống sai lầm từ thấp đến cao làm đổ cả mọi lập luận nấp sau các từ ngữ, kiến thức chuyên ngành của ông. Hãy từ bậc thấp nhất.
Không biết ông học sử Việt theo cách “thuộc nằm lòng” ở đâu mà cho “Tiền quân Nguyễn Văn Thành” bị Gia Long giết chết còn “Trung quân Nguyễn Văn Thiềng” thì lại bị Minh Mạng giết (trang 243, 286). Ta có thể ngờ ông không biết đó là MỘT người tên Thành, gọi theo lối kị huý là Thiềng, được chuyển từ vị trí chỉ huy Tiền quân qua Trung quân (một dạng lên chức), tuy nhiên trong sách cũng thấy ông dẫn tên Nguyễn Văn Thiềng từ Trương Vĩnh Ký, nghĩa là ông đã viết và nhớ loạn xạ! Ảnh hưởng từ chứng cớ kị huý đối với các nhân vật Huế quan cách, vương giả được trình bày khiến cho người theo dõi sách ông, tưởng rằng phép kị huý chỉ mới có từ đời Nguyễn mà thôi! (trang 289: “Mỗi khi nghiên cứu về tiếng Huế, các học giả (?) thường gặp phải nhiều trường hợp tên huý của các vua chúa trong vương triều nhà Nguyễn…”) Lại có tên một sử quan là Phạm Phu Tiên, có chuyện Quốc sử quán triều Nguyễn in Ðại Việt sử kí tiền biên. Có nhớ lộn từ “nhập Tống” thành “nhập Trần”. Ðang nói chuyện Trần HỮU LƯỢNG thấy Việt sử tiêu án chép chuyện NGƯU LƯỢNG liền tương ngay vào sách (trang 196-197)! Ðọc (sử) kĩ mà không kĩ nên BMÐ cứ cho Lí Chiêu Hoàng lấy Trần Cảnh mười mấy năm không con để có cớ lôi y khoa giải thích về bệnh dậy thì sớm (nhảm), về ẩn ức tình dục của bà, của các nhân vật liên hệ… trong lúc thật ra bà này đã có con tên Trịnh chết ngay khi vừa mới sinh.
Ðáng lẽ phải dừng ở đây để khỏi nói tiếp về quyển sách kinh hoàng này, nhưng lỡ rồi… Không biết trong các thèse/thesis y khoa của BMÐ trình ở các trường Ðại học danh tiếng Ðức, Mĩ có dẫn lời phán của ông/bà Thầy Nước Lạnh nào không chớ khi bàn về sử Việt ông lại dẫn sách loạn xà ngầu, từ chính sử tới “bên lề chính sử” (một tên sách của Ðinh Công Vĩ – thấy ở nơi khác là có bằng tiến sĩ), tới sách loại giải trí của Trung Quốc dịch khỏi cần xin bản quyền, rồi tiến đến Truyện Tàu “Di miêu hoán chúa”, truyện kiếm hiệp Kim Dung, văn chương sáng tác Người lữ hành lặng lẽ… Sách cơ quan nghiên cứu in cũng được, sách của hội đoàn tản lạc (Hội Ái hữu Tây Sơn Bình Ðịnh) cũng xong! Ðánh đồng tất cả vì ông không biết đến nguyên tắc lựa chọn độ tin cậy của tư liệu dẫn chứng. Và điều này thì gần như là của cả trong nước bây giờ, chỉ nhắc ở đây vì phải bàn đến ông mà thôi.
Sử chính thức xưa gần như chỉ có quyển Ðại Việt sử kí toàn thư (gọi tắt là Toàn thư) để người sau, cả đến bây giờ, cứ coi như là nơi chứa tài liệu căn bản trưng dẫn chứ không phải là thứ để bàn luận. Cho nên mỗi khi nhắc lại sự kiện xưa thì người ta chỉ chép lại Toàn thư, đôi khi xê xích vài chữ cho có vẻ “sáng tạo”, hay có nổi hứng thêm thì tán rộng tràn lan. Ông BMÐ không cần biết Toàn thư chép về Lí Chiêu Hoàng như sau: “con gái thứ của Huệ Tông. Huệ Tông không có con trai nối, lập làm hoàng thái tử để truyền ngôi [lúc mới 7/8 tuổi]… Chiêu Hoàng trêu chọc hoặc nắm lấy tóc, hoặc đứng lên bóng… vốc nước té ướt (Trần) Cảnh, lấy khăn ném cho Cảnh…” Ông thích sách của Ngô Thì Sĩ hơn. Mối liên hệ “con nít” giữa Trần Cảnh và Chiêu Hoàng được Ngô Thì Sĩ chép lại trong sách Ðại Việt sử kí tiền biên của ông ta, tưởng tượng cảnh họ “cùng ở với nhau như vợ chồng”, rồi lại có thêm lời bàn cho là của Ngô Sĩ Liên (1479): “Chiêu Hoàng bảo Cảnh làm voi ngựa, mình cưỡi lên trên, Cảnh lấy hai tay đỡ lấy, sớm gió đêm trăng…” Ðoạn văn xứng đáng như của một loại sách porno còn làm dáng mắc cỡ ngày nay đó, thật ra là của Ngô Thì Sĩ (1726-1780) mà người dịch 1997 (trang 314) không có chút suy nghĩ, vẫn giữ tên Ngô Sĩ Liên nhưng nội dung thêm thắt đó đủ cho BMÐ khai thác ép buộc cho lí thuyết dậy thì sớm của ông gán vào con người đoán là “xấu người, thấp bé, mặt mày đầy mụn…” có tên Chiêu Hoàng “mới 8 tuổi mà đã biết quan hệ tình dục (?) rất sớm… (có thể phải) mang thai (?) sớm”. Phải có dữ kiện hấp dẫn của Ngô Thì Sĩ đưa ra, ông mới có thể dàn trải hơn hai trang định bệnh, chữa bệnh với chi tiết sex sinh động trên khách hàng giả tưởng của mình. Với sự thiên ái không cần đến nguyên tắc chung về độ tin cậy của tư liệu như thế, ông BMÐ nhất quyết cho rằng giữa 3 quyển sử xưa, ông chỉ cần nêu quyển Tiền biên mỗi khi nêu tên sách tham khảo thôi. Ông đã theo đúng nguyên tắc tự đề ra đó trong tất cả những bài về các triều đại Ðinh, Lê, Lí, Trần, tuy đôi khi lơ đãng cũng nhét Toàn thư vào.
Nhưng nói đúng ra cái lối vơ vào dẫn chứng lịch sử như thế cũng hợp với tính chất con người thường ngày của ông BMÐ. Trước mặt chúng ta là một ông già nhà quê lẩm cẩm, than vãn đạo đức suy đồi, tỏ lòng thông cảm với lỗi lầm của bà Dương hậu “về phương diện lễ giáo (lấy hai chồng)”, rồi thắc mắc tại sao vấn đề loạn hôn của họ Trần “đi ngược đạo lí luân thường của nước Việt Nam ngày xưa như thế mà lại có thể bành trướng qua nhiều đời như vậy, nhất là hiện tượng này lại xảy ra trong hoàng tộc mà đáng lẽ ra họ phải là tấm gương sáng cho thần dân noi theo…” May thay sự khờ khạo (?) tội nghiệp của ông cũng có người chia sẻ, như khi ông dẫn nhà Huế học Nguyễn Ðắc Xuân (trang 250-251). Cho nên chắc ông không ngờ rằng nhiều suy luận của ông, nếu đem bàn tán trong phòng mạch có thể ảnh hưởng đến sự phán xét của bệnh nhân muốn nhờ ông chữa trị. Biết được tỉ lệ tử vong của bệnh nhân đậu mùa là khoảng 20%, mà Hoàng tử Cảnh lại đã chết nên ông có kết luận là Cảnh “đã nằm trong tỉ lệ 20% tử vong này”! Về Minh Mạng: “Với một số nhiều bà vợ (và nhiều con) như vậy, vua… chắc chắn không thể là một người liệt dương (Impotent) hay là một người có tính đồng tình luyến ái (Homosexuel)…” Ðây là loại lí luận có dáng như câu quả quyết : “Trước khi chết thì anh ta còn sống”, loại vérité de la Pallice (?). Cũng như về trường hợp Tự Ðức, BMÐ có lập luận: “Nhà vua không phải là người ‘lãnh cảm’… không phải là người không có ‘hứng khởi tình dục’ vì nếu không, nhà vua đã ‘nạp phi’ đến 5 bà đưa vào Nội cung để làm gì?” Loại lí luận ngớ ngẩn này có rất nhiều trong sách, kể mãi không hết.
Bột/hồ và liên ngành, sáng tạo
Thật ra thì không phải chỉ vì bản thân ông BMÐ không đủ “bột”. Ông chỉ có quá nhiều tự tín để cho rằng mình đã thành công trong lãnh vực y khoa với bao nhiêu văn bằng trường trại quốc nội, quốc tế trưng dẫn, thì quay sang phía sử tất là… dễ ợt! Ông quên câu “Rừng nào cọp nấy”. Thế mà, “bột” thiếu lại ở chính ngay ngành sử, sử Việt.
Ðã nói, sử xưa của ta có thể nói là chỉ gói trọn trong một quyển sách để người sau có thấy ngắn thì kéo dài nó ra – để rồi lại sẽ thành tư liệu lịch sử. Ở trên ta đã dẫn ra trường hợp Lí Chiêu Hoàng, ghi ở hai quyển sử có phần của Ngô Sĩ Liên (thế kỉ XV) và Ngô Thì Sĩ (thế kỉ XVIII). Cho nên đúng là may mắn cho ông BMÐ có thêm Tiền biên dài dòng hơn Toàn thư để ông có đà tán rộng hơn chuyện Dương hậu, cha con Lê Hoàn. Ông đỡ cực nhọc hơn với triều Nguyễn để có thể đem chuyện xứ Huế vào, cho đến khi có sách vở người Pháp thì có thể nói là ông được rảnh tay, chỉ lo chuyện chuyển dịch thôi (“Chân dung những người Pháp thuộc địa”).
Thế mà khi tìm đề tài ở sử Việt để phục vụ chuyên môn của mình, ông BMÐ lại chỉ sa đà vào những trường hợp đã từng được gợi ý theo “phong trào”, thời thế như vấn đề của ông Quang Trung nói mãi không hết sự oai hùng, vấn đề của các nhân vật triều Nguyễn tuy đưa ra dưới khía cạnh bệnh tật lại rõ ràng không thoát khỏi sự ràng buộc với những đôi co nặng nề về triều đại xứ Huế này trong nền chính trị sử cận hiện đại. Như vấn đề sex (hình như có công của người viết những dòng chữ này) gợi từ sinh hoạt lạ lùng của họ Trần, từ “bài thuốc Minh Mạng”… Tất nhiên với căn bản kiến thức của ông về sử Việt như đã nói thì điều này cũng là dễ hiểu. Sự hấp dẫn của tình dục học khiến ông mê mải trong ba triều Lê Lí Trần mà quên không hỏi thăm đề tài thời thượng “phi vật thể” là câu chuyện Người đẻ (100) trứng Âu Cơ, nếu khéo khai thác thì từ chuyên ngành Phụ khoa cũng có thể nói đến tình dục, lan qua dân tộc học, folklore, tán rộng đôi co với mấy cái đầu bư trên bờ sông Seine nữa . Không thể trách ông quên lửng không khai thác vụ “thượng mã phong” của Lê Thái Tông để tranh cãi với các cuộc hội thảo quốc gia, từng đề quyết có âm mưu hãm hại công thần, bôi xấu danh tiết của bà vú già Nguyễn Thị Lộ… Lê Thánh Tông được sử ghi “bệnh nặng vì nhiều phi tần”, với chi tiết về “chứng phong thũng”, có bà vợ bôi thuốc độc “vào chỗ lở”, vậy mà không được BMÐ khai thác thêm trường hợp có thể là lậu, tim la hấp dẫn này. Giá như chịu khó một chút ông có thể thấy tiếp theo, chuyện lại-cái của ông hoàng tử con Lê Hiến Tông, để bàn về đề tài đồng tính thật thời thượng trên toàn thế giới mà Việt Nam cũng đang bị lôi cuốn theo cho khỏi mang tiếng lạc hậu. Sao không khai thác thêm trường hợp “lưỡng tính” mạnh mẽ của Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát, cho vang danh thêm tiếng Huế y khoa? Cũng có thể bàn về ông Lê Văn Duyệt với chứng cớ hơn người khác, vì có bản vẽ để lại trong Lăng Ông Gia Ðịnh, không lầm lẫn vào đâu được…
“Bột gốc” không đủ nên ông phải tán rộng, phải đặt giả thiết về những “ẩn số tâm lí và tình cảm của Dương Thái hậu” với những nghi vấn “Phải chăng… phải chăng…”, để giải quyết những “bí ẩn… trong thâm tâm” bà hoàng… kéo dài tới chuyện so sánh lạc lõng, vô duyên với bà Kennedy của thế kỉ XX, chỉ với lí do đồng dạng là hai bà First Lady cùng có hai đời chồng! Rồi có đà, khi phân tích tâm lí của những người đàn bà họ Trần, lấn chuyện tình dục từ đàn bà qua đàn ông, BMÐ tuôn chảy chuyên môn về cơ thể học, tình dục học đủ gây thích thú cho những bậc trưởng thượng sống đời nghiêm túc, lần đầu tiên biết tinh trùng đực, tinh trùng cái chạy đua làm sao, lần đầu tiên nghe chuyện rách cổ tử cung… Ông BMÐ cũng đã đề phòng phản bác về sự phô trương chuyên môn của mình trong Lời nói đầu: “Thực chất những bài biên khảo của chúng tôi là những bài nghiên cứu khoa học và vì vậy đã được trình bày với khá nhiếu chi tiết y khoa nên có thể không được hấp dẫn cho lắm đối với các độc giả ngoài y giới”. Ông hơi lo xa nhưng người đọc tuy có thích thú vẫn nghĩ rằng ông đã quá dài dòng, nếu không làm việc thừa thải là khoe khoang thì cũng chỉ vì đã tìm được cách nói cho đầy những trang sách. Ðiều đó hiện rõ, đầy trong các trích văn sử của ông.
Toàn thể chuyện thay đổi triều đại Ðinh Lê, chuyện cung đình của họ, vốn chỉ có một hai trang giấy trong sử cũ được BMÐ viết thành các mục “Theo dòng lịch sử”, “Thân thế bà Hoàng hậu”, “Bà hoàng họ Dương…”, “Vài con số về năm tháng liên hệ với Dương hậu”, “Vể bệnh tâm thần của Lê Ðại Hành”, tất cả được nhắc (phải nói là “chép”) chép đi chép lại trên 60 trang của ông BMÐ. Chưa đủ, ông Lê Ðại Hành còn được nói thêm kèm với chuyện ông con, cũng vẫn bấy nhiêu sự kiện chép không thừa một chữ của sử xưa. Chuyện họ Trần nằm trong 6 bài viết còn hành hạ độc giả hơn. Hết sách Việt qua sử Tàu. (Không biết có nên coi các loại như Mười đại hoàng đế Trung Quốc, Mười đại mưu lược gia Trung Quốc là “sử” hay không?) Trong 33 trang viết về Hoàng tử Cảnh chỉ có 2 trang dành cho chuyện bệnh hoạn như đã nói, còn lại là chép của sử quan Nguyễn, của sách Tây thực dân, của Trương Vĩnh Ký, lôi ra luôn hiệp ước Versailles, chỉ để kết tội Minh Mạng lúc còn là Hoàng tử Ðảm nhiều lần đứng hầu cha, “đã có ý núp sau màn nghe rõ” trong các tướng ai là người chống đối việc lên ngôi của mình. Chuyện Minh Mạng thẳng tay diệt trừ vợ con Hoàng tử Cảnh theo một âm mưu cho là có nguồn gốc từ thời Gia Long còn là Nguyễn Ánh, được BMÐ (và NÐX) diễn giải tội trạng một cách ngờ nghệch, không tưởng là của tác giả mới vừa bàn về những người đàn bà “dậy thì sớm” kiểu Lí Chiêu Hoàng, về hứng thú tình dục ở người đàn bà thay đổi phối ngẫu, được gán cho Lí Thuận Thiên. Rốt lại chỉ có thể nghĩ rằng BMÐ ưa viết tiểu thuyết lịch sử dựa trên mớ kiến thức y khoa của mình, cốt để quyển sách dày thêm. Nhưng điều “nghĩ xấu” này không thể được những người giới thiệu sách đồng ý.
Từ ước vọng chuyên môn của mình, ông Phan Huy Lê nói đến một hướng giải quyết liên ngành của BMÐ cho các vấn đề sử học Việt Nam. Chuyện này thì đã được khai thác từ những năm 1960, có hồi rầm rộ cho rằng đã đem đến thành công khi dùng khảo cổ học để vẽ ra diện mạo ông Hùng Vương. Tất nhiên có những người không chịu “cho rằng…”, chỉ vì đã nghĩ khác về vấn đề liên ngành. Một điểm cần thiết khi ngành sử nhờ cậy những chuyên môn khác, nhất là các ngành khoa học thực nghiệm, là để cốt làm sáng tỏ, trong đó có việc chấn chỉnh sai đúng, những sự kiện mà sử quan, sử gia nhiều văn vẻ không đủ khả năng giải thích, chứ không phải lấy oai phong của các ngành kia để biện minh giúp cho các ông viết sử nọ. Không thể thấy kết quả C14 có các con số 4000, 2500 (bỏ qua các sai số) thì đủ xếp hiện vật vào thời Hùng Vương của Ngô Sĩ Liên hay của tác giả Ðại Việt sử lược rồi từ gán ghép đó, lại vẽ lên một “Thời đại Hùng Vương” rực rỡ, ví dụ với trống đồng có thể được ban phát cho các chư hầu Ðông Nam Á! Giá cứ như bây giờ đúc tượng Cha Rồng Mẹ Tiên để tiêu bớt những đồng tiền ngứa ngáy, cứ xin bằng cấp UNESCO về rước sách, tung bùa yểm, làm lễ hội buôn thần bán thánh dựa dẫm vào tinh thần truyền thống “Việt độc đáo / riêng biệt” đang thúc đẩy lên cao vút, thì cái vui may ra có thể thay thế được nỗi ấm ức phải nhận các ông, bà tổ trời ơi đất hỡi.
Ông BMÐ không biết cái vấp váp quyền uy này nhưng có lẽ theo thói thường, cũng tưởng là đang làm chuyện liên ngành tương tự, với uy thế kiến thức khác. Kết quả là, không nhắc lại các vẽ vời đã nói, ông không biết đến các kiến giải mới ngay ở sử học về một số giai đoạn lịch sử Việt Nam, ví dụ ở đây là chuyện Lí Trần, nên cứ theo những lời kể lể, phê phán của Ngô Sĩ Liên, Ngô Thì Sĩ – nhất là của Ngô Thì Sĩ, cùng những ba hoa phụ hoạ tiếp nối để dồn cho độc giả những gì là Tâm thần học, Sinh lí học, Khoa học hành vi, Khoa học Thần kinh, máy fMRI, làm MRI, phép đo lường LH, FSH… có chú thêm chữ “Tây” khó đọc đến kinh khiếp. Ông có thể cãi lại rằng ông đã phân trần trước rồi nhưng nếu cho là ông không loè chữ, không tìm cách cho dày sách thì cũng là mắc lỗi đãng trí, lạc đề khi sa đà trong lãnh vực y học khi đang nói về sử (tiếp theo cái sa đà khắp nơi khắp chốn khác, mà ở một bài luận lớp dưới thì bị chê là “lạc đề”). Cũng vào khoảng 1960, có người đã dùng sinh vật học để giải thích các phát hiện hươu trắng hươu đen ghi nhiều trong thời Lí nhưng rõ ràng chúng ta không thấy họ sa đà nói chuyện phân loại của Carl Linnaeus, chuyện ngao du của Ch. Darwin, nếu bây giờ thì có thể bắt quàng sang chuyện DNA, lấy mitochondrial DNA đi tìm bà Êvà, bà Âu Cơ chứng minh cho lí thuyết Kim Ðịnh như có “học giả” Việt kiều đã làm…
Mỗi ngành có cái trọng tâm của nó, và cả nguyên cớ, mục đích tạo dựng chuyên ngành đã khiến chúng không thể nào đứng chung lộn mà không “chỏi” nhau. Lập một ngành “y học lịch sử” (?!) riêng, đặt ông BMÐ làm kẻ khai sáng, như ý của ông Giáo sư Bác sĩ Tiến sĩ nọ nhớ loáng thoáng chuyện tách khỏi biologie và chimie để lập bio-chimie chẳng hạn, là chuyện quá phận. Cho nên còn ở liên ngành thì đó là “mượn”, là nhờ cậy chứ không thể để “lấn”, chủ khách phải rành rẽ phân định. Nếu không thể có chi tiết riêng biệt về trường hợp đậu mùa của bệnh nhân (Hoàng tử) Cảnh thì không thể lôi ông hoàng ra để chẩn mạch, tiêm ngừa hay đề nghị chữa trị trong một bài sử được. Còn muốn làm nhà nghiên cứu lịch sử để xét vấn đề truyền ngôi sau Gia Long, như “phát hiện” lớn lao dễ sợ của BMÐ thì tách riêng ra một bài khác, nhập chung trong một bài e rằng vi trùng bệnh đậu mùa có thể lây lan sang Minh Mạng không biết chừng.
Ðối tượng có trách nhiệm của bác sĩ là người bệnh mang những y chứng tổng quát, hiểu theo nghĩa xuất hiện ở mọi thành phần nhân loại, không phân biệt chủng tộc, thời đại… để người thầy thuốc bất cứ từ đâu cũng chữa trị được miễn là có đúng khả năng. Trong khi đó những ông hoàng bà chúa, quan quyền mà ông BMÐ lôi ra khảo tra bệnh trạng lại là những con người cụ thể, sống có nơi chốn, ăn ở vào những thời đại riêng biệt, có vài lời khai bệnh ấm ớ lại được “vẽ” qua các ông bà nhân viên tha hồ phóng bút kiểu Ngô Thì Sĩ. Với những đối tượng như thế, ông bác sĩ tiến sĩ chuyên ngành BMÐ lại ném lên mình họ những bộ sách toàn thư y khoa, những khảo chứng chuyên biệt nhất, với lỉnh kỉnh những máy móc lớn nhỏ tối tân nhất… kèm theo những than vãn đạo đức ngờ nghệch, bệnh nhân chịu sao cho thấu? Cho nên phải có vài lời ngăn chặn vì chỉ sợ ông theo cái đà “thành công” của Từ điển tiếng Huế mà thừa thắng xông lên. Còn cấp thời, trong trường hợp sử Việt bị nhồi nhét đến bội thực này thì hình như có một cách chữa nhanh chóng, là cho mửa ra.
Phải không, bác sĩ?
17-4-2013
Ghi Chú:
* Bài đã đăng trên Xưa & Nay số 431, tháng 7 năm 2013, có chút lệch lạc không tránh khỏi vì tình thế trong, ngoài. Duy thấy có điều cần đính chính: “mấy cái đầu BƯ bên bờ sông Seine” được thêm dấu nặng thành: “… đầu BỰ…”. Sai, “đầu bự” là “đầu to”, “đầu bư” là “đầu ngốc” tuy to đầu cũng có thể là ngốc nghếch!
bài đã đăng của tạ chí đại trường
- sử việt thời thổ tả - phần iii - 02.12.2013
- sử việt thời thổ tả - phần ii - 25.11.2013
- sử việt thời thổ tả - phần i - 18.11.2013
- khi lịch sử nhận chân hình bóng thần, người... - 30.09.2013
- con đường bình thường của các đồng tiền “an nam” - 31.01.2013
- chuyện giác và tôi - 03.10.2012
- bài sử khác cho việt nam–chương xx (kết) - 11.04.2012
- bài sử khác cho việt nam–chương xix - 10.04.2012
- bài sử khác cho việt nam – chương xviii - 09.04.2012
- thần, người và đất việt - 23.07.2011
- sơ thảo: bài sử khác cho việt nam – chương xvii - 04.11.2010
- sơ thảo: bài sử khác cho việt nam – chương xvi - 28.10.2010
- sơ thảo: bài sử khác cho việt nam – chương xv - 26.10.2010
- sừ liệu quốc nội và nền sử học dân tộc chủ nghĩa việt (phần 2) - 19.10.2010
- sử liệu quốc nội và nền sử học dân tộc chủ nghĩa việt nam (phần 1) - 18.10.2010
- sơ thảo: bài sử khác cho việt nam - 19.03.2009
- sơ thảo: bài sử khác cho việt nam* – sách báo tham khảo - 07.03.2009
- sơ thảo: bài sử khác cho việt nam* – chương 14 - 05.03.2009
- sơ thảo: bài sử khác cho việt nam* – chương 13 - 03.03.2009
- sơ thảo: bài sử khác cho việt nam* – chương 12 - 26.02.2009
- sơ thảo: bài sử khác cho việt nam* – chương 11 - 24.02.2009
- sơ thảo: bài sử khác cho việt nam* – chương 10 - 20.02.2009
- sơ thảo: bài sử khác cho việt nam* – chương 9 - 17.02.2009
- sơ thảo: bài sử khác cho việt nam* – chương 8 - 10.02.2009
- sơ thảo: bài sử khác cho việt nam* – chương 7 - 05.02.2009
- sơ thảo: bài sử khác cho việt nam* – chương 6 - 31.01.2009
- sơ thảo: bài sử khác cho việt nam* – chương 5 - 27.01.2009
- sơ thảo: bài sử khác cho việt nam* – chương 4 - 24.01.2009
- sơ thảo: bài sử khác cho việt nam* – chương 3 - 19.01.2009
- sơ thảo: bài sử khác cho việt nam* – chương 2 - 15.01.2009
- sơ thảo: bài sử khác cho việt nam* – chương 1 - 12.01.2009
- sơ thảo: bài sử khác cho việt nam* – chương giới thiệu - 08.01.2009
- kỉ niệm (trước) “ngàn năm thăng long”: vị trí việt nam của lí - 05.01.2009
- tây sơn – phần 2 - 26.11.2008
- tây sơn – phần 1 - 25.11.2008
---
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.