Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

10/12/2013

Tư liệu liên quan đến một thầy giáo về trường Dục Thanh năm 1910 : Tựa như được làm ra vào năm 1969


Thông tin ở entry trước là thuộc vào tháng 5 năm 2011. Loan tin chủ yếu là báo chí địa phương và tờ Quân đội Nhân dân.

Muộn lại một chút, sang tháng 6 năm đó, tờ Văn hóa đã tạm chỉ ra: đó không phải là văn bản được viết vào năm 1910 (tức hơn 100 năm trước), mà tựa như là năm 1969 (xem bài ở dưới).

Về năm 1969 đó, Quân đội Nhân dân có cho biết thêm rằng: "Năm 1969, sau khi nghe tin Bác Hồ mất, cụ Võ Văn Trang và người em kết nghĩa Nguyễn Thế Truyền (là thành viên của nhóm “Ngũ Long” gồm: Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Thế Truyền, cùng ký bút hiệu Nguyễn Ái Quốc trên “Thỉnh nguyện thư của dân tộc An Nam”) đã tiếc nhớ nên nhịn ăn cho đến lúc chết. Cụ Nguyễn Thế Truyền qua đời ngày 19-9-1969. Cụ Võ Văn Trang mất ngày 21-9-1969."

---





Xung quanh bức thư thầy giáo Nguyễn Tất Thành dạy học tại trường Dục Thanh 

(06/06/2011) 



VH- Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước từ Bến Nhà Rồng (TP.HCM), cùng với nhiều hoạt động phong phú diễn ra ở khắp các tỉnh, thành nhân sự kiện này, xin giới thiệu đến bạn đọc “bức thư” liên quan sự kiện thầy giáo Nguyễn Tất Thành dừng chân dạy học tại trường Dục Thanh, thành phố Phan Thiết vào năm 1910.




Nguồn gốc
Bức thư đề ngày 19.8.1910 và ký tên Võ Văn Trang gồm 2 đoạn có nội dung như sau: “Tôi được chú Nguyễn Trọng Lội, chú Nguyễn Hiệt Chi và chú Hồ Tá Bang trong Hội đồng Quản trị của Thương quán Liên Thành, những người sáng lập ra Hội giáo dục Thanh niên thể dục thể thao, gọi là Dục Thanh, cơ sở kinh tế Hội quán Liên Thành. Đưa xe ngựa, đến chùa Phước An ở xứ Duồng, Gành Son gặp cụ Nghè Mô và sư thầy Tạ thủ Bùi Hữu Hiền để đưa một thầy giáo về dạy học ở trường Dục Thanh Phan Thiết”.
Theo ông Võ Huy Quang (ngụ thôn Thuận Điền, xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận), cháu gọi ông Võ Văn Trang là ông nội, “bức thư” được phát hiện một cách rất tình cờ khi ông tiếp nhận cuốn gia phả của dòng họ từ tay cha mình là ông Võ Khánh Di vào năm 2001. Điều đặc biệt là “bức thư” được “cất” khéo léo giữa các lớp giấy tạo nên tấm bìa dày của cuốn gia phả tộc họ Võ bắt đầu được khảo ký kể từ năm 1906.
Ông Võ Văn Trang (còn có tên là Võ Quang Trang) sinh ngày 20.2.1890 là một trong những cổ đông của Hội quán Liên Thành. Trong số những người sáng lập Liên Thành thương quán có ông Hồ Tá Bang.
Ông Hồ Tá Bang và ông Trương Gia Mô (cụ nghè Mô) từng là bạn đồng liêu với ông Nguyễn Sinh Sắc nên được ông Nguyễn Sinh Sắc gửi gắm giúp đỡ cậu con trai là Nguyễn Tất Thành khi vào Phan Thiết. Để đảm bảo an toàn, cụ nghè Mô đưa thầy Thành từ chùa Cổ Thạch về chùa Phước An (xã Chí Công, huyện Tuy Phong). Từ đây, thầy Thành được giới thiệu và đưa vào dạy học tại trường Dục Thanh.

Hiện vật quý
Năm 2010, Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh Bình Thuận có tổ chức hội thảo khoa học “Nghiên cứu, xác minh giá trị di tích và lưu niệm sự kiện thầy giáo Nguyễn Tất Thành sống và dạy học tại trường Dục Thanh Phan Thiết giai đoạn 1910 – 1911” nhân dịp kỷ niệm 100 năm sự kiện này (1910-2010). Tại hội thảo, nhiều nhà nghiên cứu vẫn chưa thống nhất chính xác thời điểm nào thầy Thành từ chùa Phước An vào trường Dục Thanh dạy học.
Bà Ngô Thị Mùi, Phó Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh Bình Thuận cho biết thêm, Hội thảo đã thống nhất và đề nghị các Bảo tàng Hồ Chí Minh và hệ thống các di tích về Hồ Chủ tịch lấy thời điểm thầy Thành đến Phan Thiết là tháng 8.1910 và rời Phan Thiết vào Sài Gòn là tháng 2.1911.
Tại hội thảo này, ông Quang đã có bài tham luận liên quan đến “bức thư”. Và thông tin “ngày 19.8.1910, một thầy giáo được đón bằng xe ngựa từ chùa Phước An vào Phan Thiết” được nhiều đại biểu chú ý.
Sau đó, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã gửi “bức thư” và cuốn gia phả để giám định với kết quả chữ viết trên “bức thư” và chữ viết của ông Võ Văn Trang ở các trang 153, 154, 155 cuốn gia phả tộc họ Võ đều do một người viết.
Ông Quang giải thích thêm, thời điểm ông nội mình (ông Trang) viết 3 trang gia phả trên (trong nội dung có nhắc đến “bức thư”) là năm 1969 trước khi mất và có thể “bức thư” cũng được viết vào thời điểm này với mong muốn “kể” lại một câu chuyện quan trọng đã từng làm cho con cháu biết!
Thông tin từ Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh Bình Thuận, sau khi tiếp nhận hiện vật gốc đã tổ chức thêm nhiều cuộc thẩm tra, giám định để tìm ra những kết luận khoa học đầy đủ nhất về “bức thư”.
Từ đó, vừa khẳng định chính xác những thông tin liên quan đến giai đoạn Bác Hồ dừng chân dạy học tại Phan Thiết, Bảo tàng vừa sẵn sàng trưng bày và giới thiệu đến với nhân dân Bình Thuận nói riêng và cả nước nói chung một tư liệu quý về Bác Hồ kính yêu.
NGUYÊN VŨ
---
Những entry liên quan đã đi trên blog này:
Tư liệu liên quan đến một thầy giáo về trường Dục Thanh năm 1910 : Tựa như được làm ra vào năm 1969
Tư liệu liên quan đến một thầy giáo về trường Dục Thanh năm 1910 : Thật hay giả ?

2 nhận xét:

  1. "Bức thư" - (Thực ra gọi thế chưa đúng lắm) như tôi nhận xét ở entry trước, chỉ là chép lại sự kiện, nghĩa là hồi ký lại sau khi sự kiện đã xảy ra.

    Điều đáng tiếc là người viết ghi nhầm ngày tháng đặt bút thành ngày sự kiện xảy ra. Điều này có thể thông cảm khi các cụ đã cao tuổi, lại chép trong xúc động.

    Việc giám định không sai nhưng tắc trách, theo kiểu đơn đặt hàng, yêu cầu giám định nét chữ của ai, thì thực hiện đúng như vậy, không hơn. Đáng ra có thể kết luận được cả thời điểm viết, thông qua giấy, mực viết và cả ngôn từ...

    Mặc dù vậy, "bức thư" vẫn là một hiện vật quý. Nhưng Bảo tàng cũng nên làm rõ và công khai khi trưng bày.

    Kể ra chỉ còn một băn khoăn nhỏ, là cụ Trang nhớ rõ ngày ấy tháng ấy sau mấy chục năm, hơi lạ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng là tôi cũng có lăn tăn như bác Lý (câu cuối cùng). Cũng không thể gọi là Bức Thư như phân tích của bác.

      Lối viết trong văn bản thì e rằng không phải của chính năm 1969. Có thể muộn hơn nữa. Vậy thì, ai viết, chứ không phải cụ Trang. Nghi ngờ luôn kết quả giám định của cơ quan chức năng.

      Xem kĩ hơn, sẽ thấy ngày 19/8/1910 là Rằm Tháng Bảy âm lịch năm đó bác ạ.

      Xóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.