Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

03/11/2013

Khoa học thường thức : Từ 2011 đẩy mạnh việc giám định gen trong việc xác định hài cốt liệt sĩ

Ảnh trong bài
---

Giám định ADN xác định mộ liệt sĩ

Ngày đăng : 06:38 26/07/2011 (GMT+7)

Một đề án về "Xây dựng Đề án tìm mộ liệt sĩ bằng phương pháp giám định ADN" đang được Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) xây dựng. 
 - Trước thực trạng tỷ lệ  người có khả năng ngoại cảm tìm mộ liệt sĩ thực sự  thấp so với tỷ lệ ngoại cảm giả, một đề án về "Xây dựng Đề án tìm mộ liệt sĩ bằng phương pháp giám định ADN" đang được Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) xây dựng.  

Nhà ngoại cảm: Giả nhiều hơn thật 

Theo Thiếu tướng, tiến sĩ Nguyễn Chu Phác, chủ nhiệm bộ môn Cận tâm lý (Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam) theo danh sách ông có hiện nay, con số nhà ngoại cảm tìm mộ lên đến 300 nhưng thực chất trong đó chỉ có 13 người có khả năng thực sự và là cộng tác viên của bộ môn cận tâm lý cùng 3 người đang bồi dưỡng (có 5 người tìm mộ bằng phương pháp áp vong). Điều này cho thấy, tỷ lệ người có khả năng ngoại cảm tìm mộ liệt sĩ thực sự rất thấp so với tỷ lệ ngoại cảm giả. Chưa dừng lại đó, các đối tượng giả này còn tạo ra các điều giả khác như giả danh, từ thiện giả, thu tiền vô tội vạ. Từ những điều này đã tạo nên một mớ hỗn mang lộn xộn, làm người cần tìm mộ hoang mang, mất niềm tin trong dân.

Theo đề nghị của Bộ LĐ-TB&XH cùng cơ quan an ninh văn hóa của Bộ Công an, bộ môn đã cử nhà giáo Quan Lệ  Lan, phó chủ nhiệm bộ môn cùng một số  cán bộ vào một số địa phương kiểm tra nắm tình hình. Cuối cùng, Bộ môn đã đề xuất một số biện pháp nhằm hạn chế tình trạng nhà ngoại cảm giả mạo. Đó là phải có sự sàng lọc về chuyên môn bằng các trắc nghiệm cũng như kiểm tra chéo của các nhà ngoại cảm - điều này bộ môn sẽ làm và chỉ ra những trường hợp ngoại cảm thực và có tâm huyết, đạo đức với nghề. Đồng thời, những trường hợp ngoại cảm tìm mộ cần có sự quản lý của địa phương. Nếu người nào làm bừa bãi hoặc tìm không đúng sẽ bị đình chỉ không cho tiếp tục làm việc.

Điều cần nói là, khả năng tìm đúng mộ liệt sĩ do áp vong với nhà ngoại cảm đứng đắn có khả năng thì khá chính xác nhưng trong số 10 trường hợp thì vẫn bị 1 - 2 trường hợp các tà vong nhập vào nói sai địa điểm. Nên nếu là những người áp vong giả thì sai số càng cao. Vì thế, trước tình hình vàng thau lẫn lộn, cùng với việc áp vong tìm mộ thì các gia đình cần tìm mộ nhất thiết nên kiểm tra chéo bằng các phương pháp khác nhau như xét nghiệm ADN hay suy từ di vật để lại nhằm khẳng định đó đúng là mộ cần tìm.  

Xác định mộ liệt sĩ  bằng phương pháp giám định ADN

Ngày 25/7, ông Đào Ngọc Lợi, chánh văn phòng Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: Vừa qua, Cục người có công đã xây dựng đề án: Tìm mộ liệt sĩ bằng phương pháp giám định ADN. Đề án ra đời bắt nguồn từ  yêu cầu bức xúc của thân nhân và xã hội đối với việc xác định danh tính, các thông tin còn thiếu trên bia mộ liệt sĩ.
Giám định gen tại Trung tâm Phân tích ADN và Công nghệ Di truyền
Giám định gen tại Trung tâm Phân tích ADN và Công nghệ Di truyền


"Trước đây chúng ta đã nhờ các nhà ngoại cảm vào cuộc và đã đạt được những kết quả nhất định. Đề án này vẫn phải nhờ các nhà ngoại cảm vào cuộc để xác nhận danh tính từng hài cốt, nhưng sẽ phải nhờ một lúc nhiều nhà ngoại cảm có uy tín để chứng thực. Công đoạn cuối cùng, quyết định xem đó có phải là liệt sĩ không và danh tính liệt sĩ đó như thế nào sẽ dựa trên phương pháp giám định ADN. Giám định ADN là phương pháp khoa học có giá trị cao trong việc truy tìm danh tính cho các bộ hài cốt, thông qua việc xác định mối quan hệ huyết thống theo dòng mẹ", ông Lợi khẳng định.

Tốc độ còn chậm

Theo PGS.TS Lê Quang Huấn, Viện Công nghệ Sinh học (CNSH), bằng phương pháp giám  định gen, mỗi năm viện CNSH đã giúp miễn phí cho vài chục gia đình liệt sĩ nhận đúng hài cốt con em mình, những bộ hài cốt mà trước đó được xem là liệt sĩ vô danh hoặc có tên mà không rõ nguồn gốc... Cụ thể, cho đến nay viện đã nhận được khoảng 400 bộ hồ sơ và định danh được khoảng 60% trong số đó. Trong năm 2011 này, các nhà khoa học cũng đã định danh được khoảng 20 trường hợp. Tuy nhiên, con số này là quá ít so với nhu cầu thực tế.

Dự kiến đề án Tìm mộ liệt sĩ bằng phương pháp xét nghiệm ADN sẽ được triển khai trên toàn quốc vào cuối năm nay.

Ông Đào Ngọc Lợi (Chánh văn phòng Cục Người có  công, Bộ LĐ-TB&XH)

Hơn nữa, việc mở rộng là  điều không dễ bởi việc giám định không hề  đơn giản và đòi hỏi phải trải qua nhiều quy trình chặt chẽ. Đầu tiên là phải sàng lọc hồ sơ. Các nhà khoa học chỉ nhận những mẫu có độ chính xác cao. Ngoài ra, để đảm bảo độ chính xác cao, các nhà khoa còn tiến hành xem phả hệ gia đình. Trong cơ thể tế bào của mỗi người có 2 hệ gen là gen nhân và gen bào quan. Gen nhân là gen mạch thẳng theo dòng bố, gen bào quan là mạch vòng theo gen dòng mẹ. Sau khi mất một thời gian, gen mạch nhân bị phân hủy rất nhanh,song quá trình phân hủy của gen mạch vòng diễn ra lâu hơn. Vì thế, khi giám định gen, người ta bao giờ cũng theo dõi phả hệ dòng mẹ (mẹ, các anh chị em cùng mẹ...).

Sau khi xác minh mẫu, lập cây phả  hệ, mẫu sẽ được mang nghiền trong ni tơ lỏng, sau đó sẽ tách chiết ADN và nhân bản gen... Thông thường, mỗi trường hợp phải làm trong khoảng 1 - 2 tháng mới ra được kết quả.

Thậm chí, có những trường hợp mất nhiều thời gian kéo dài hơn do gặp khó khăn trong việc tách mẫu ADN từ hài cốt bởi trong nhiều trường hợp mẫu để quá lâu đã mủn ra rất khó cho việc giám định.

Phải làm nhanh kẻo phân hủy hết

GS.TS Lê Đình Lương, Trung tâm Phân tích ADN và Công nghệ Di truyền cho biết: Số lượng hài cốt liệt sĩ vô danh còn rất nhiều, trong khi đó tốc độ giám định còn rất hạn chế. Điều đáng nói, nếu không làm nhanh, sau một thời gian, cốt sẽ bị phân hủy thành đất đen. Lúc ấy muốn cũng đã muộn.

Hiện Bộ LĐ-TB&XH đang dự định xây dựng 3 trung tâm giám định đặt tại Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng. Tuy nhiên, phải mất cỡ khoảng 10 năm mới xây dựng xong.

Kết quả giám định ADN
Kết quả xét nghiệm ADN hài cốt

Làm cách này vừa tốn kém, vừa rất mất thời gian (nhiều năm) vì kinh phí xây dựng, bản thân việc xây dựng cũng như đội ngũ khoa học không thể có nhanh được. Lại vừa lãng phí vì hàng chục phòng thí nghiệm đang tồn tại không được sử dụng hết công suất, phần công suất còn lại đang làm những việc khá xa thực tiễn đất nước.

Cách tốt nhất là chỉ  cần sử dụng 4 - 5 phòng thí nghiệm hiện có  và bổ sung thêm cho mỗi phòng 1 tỷ đồng để  đồng bộ hóa thiết bị và vật liệu. Hiện nay, mỗi đơn vị đó đã có đủ điều kiện về đội ngũ và hạ tầng để giám  định mỗi tháng khoảng 1.000 mẫu hài cốt.

Theo tính toán của GS.TS Lê  Đình Lương, tổng năng suất giám định ADN của mạng lưới các phòng thí nghiệm, khả thi tại thời  điểm này, là 4.000 - 6.000 mẫu hài cốt mỗi tháng. Năng suất này sẽ tăng lên gấp đôi ngay trong năm 2011, nếu hỗ trợ cho mỗi phòng thí nghiệm thêm 7 - 10 tỷ đồng nữa. "Hiện, chỉ tính riêng Trung tâm phân tích ADN và Công nghệ Di truyền, mỗi tháng có thể phân tích khoảng 500 mẫu", GS.TS Lê Đình Lương nói.

Hiện nay, nước ta có khoảng 548.000 liệt sĩ khuyết danh và liệt sĩ chưa quy tập được, trong đó, khoảng 230.000 hài cốt liệt sĩ chưa tìm được và gần 318.000 hài cốt liệt sĩ trong các nghĩa trang nhưng chưa biết tên. Đề án ra đời bắt nguồn từ yêu cầu bức xúc của thân nhân và xã hội đối với việc xác định danh tính, các thông tin còn thiếu trên bia mộ liệt sĩ. Việc áp dụng các biện pháp khoa học để tìm tên cho liệt sĩ vô danh là bức thiết".

Theo Cục Người có công, Bộ  LĐ-TB&XH


Hiền Hoa Lợi (Thực hiện)



---

Xét nghiệm ADN không chính xác 100%

Ngày đăng : 10:45 23/10/2012 (GMT+7)

Các kết quả xét nghiệm này dù có cơ sở khoa học, có công nghệ riêng biệt để thực hiện, xác suất đúng vẫn không phải là 100%.

 - Dịch vụ xét nghiệm huyết thống (ADN) đang khá phổ biến và trở thành “cứu cánh” cho nhiều nỗi hoài nghi. Tuy nhiên, trên thực tế, các kết quả xét nghiệm này dù có cơ sở khoa học, có công nghệ riêng biệt để thực hiện, thì xác suất đúng vẫn không phải là 100%. Chưa kể, ranh giới đúng – sai cũng không quá rõ ràng.

Xét nghiệm vì nghi vợ có con với bồ

Để hiểu rõ hơn về quy trình lấy mẫu và thu kết quả cũng như thực tế sự phát triển dịch vụ xét nghiệm huyết thống, ngày 19/10, tôi tìm đến Công ty Cổ phần Dịch vụ phân tích di truyền Gentis.

Tôi gặp ThS Ngô Đức Phương, Giám đốc Công ty khi ông đang trò chuyện dở với một người phụ nữ quê ở Thừa Thiên - Huế. ThS Ngô Đức Phương cho biết, chị này kể có ông chồng bị bệnh gan rất nặng. Cách đây mấy năm, chị có lỡ quan hệ với một người đàn ông khác trong lúc chồng đau ốm. Nhưng chị khẳng định đứa con chị sinh ra lúc đó là con của chồng mình.

Đến giờ người chồng nghi vấn, gọi điện thoại đến Trung tâm để xét nghiệm gen đứa con gái út. Hiện vợ chồng chị có 3 đứa con, đứa nào cũng học rất giỏi. Chị lo lắng, giả sử kết quả xét nghiệm chứng minh đứa thứ 3 không phải là con chồng chị, chị lo anh ấy sẽ đổ bệnh nặng hơn và không qua khỏi. Chị muốn nhờ cán bộ trung tâm cho xin một bộ “kết quả đẹp” để chồng yên tâm.

Tuy nhiên, ThS Ngô Đức Phương cho biết, mặc dù hiện nay chưa có quy định nào của pháp luật cấm hay cho phép dịch vụ xét nghiệm huyết thống nhưng ông và các cộng sự cũng không thể làm như vậy được vì còn là uy tín của công ty. Hơn nữa, những người như chị này đã dám làm thì phải dám chịu trách nhiệm.

Tách ADN từ mẫu thu.
Tách ADN từ mẫu thu.
Có thể xét nghiệm cả bã cao su, bàn chải

ThS Ngô Đức Phương cho biết, dịch vụ cung cấp của công ty là phân tích quan hệ huyết thống cha con, mối quan hệ họ hàng, làm thẻ ADN cá nhân, chẩn đoán bệnh di truyền và xét nghiệm y tế. Mẫu dùng để xét nghiệm là tất cả các mẫu có chứa tế bào. Phổ biến là mẫu máu, mẫu tế bào niêm mạc miệng, sợi tóc hoặc lông gồm cả chân tóc, lông mi, lông mày, móng tay móng chân, cuống rốn. Các mẫu đặc biệt như vết nước uống trên cốc, bàn chải đánh răng, kẹo cao su, tinh trùng, bao cao su... công ty cũng có thể xét nghiệm.

Tất cả các mẫu này được quản lý bằng mã vạch để bảo mật thông tin cho khách hàng. Sau đó, các mẫu sẽ được tách ADN bằng một bộ kit. Bộ kit này có 16 lỗ gen. Sau khi tách, tùy thuộc lượng ADN nhiều hay ít mà tiến hành phương pháp nhân bội. Bởi muốn phân tích được thì phải có một lượng đủ lớn. Việc nhân bội được thực hiện qua máy PCR. Sau đó sẽ cho vào máy đọc trình tự gen. Khi có kết quả sẽ tiến hành phân tích bằng một phần mềm chuyên dụng.

Để tôi hiểu rõ hơn các kết quả có tính chuyên môn này, ThS Ngô Đức Phương lấy cho tôi xem 2 bản kết quả mới được làm để nhìn rõ các chỉ số giống và khác nhau của một cặp cha – con gái. ThS Ngô Đức Phương cho biết, việc đưa ra kết luận là do máy tự động làm, không có sự can thiệp của con người. “Vì kết luận ảnh hưởng đến tương lai đứa trẻ hay hạnh phúc của cả gia đình nên phải cẩn trọng”.

Kết quả ADN thu được.
Kết quả ADN thu được.

Chú ruột biến thành… bố

2 tờ kết quả ThS Ngô Đức Phương cho tôi xem là kết quả xét nghiệm huyết thống dựa trên phân tích 16 locus gen (locus gen được hiểu là phân loại từng đặc điểm gen của mỗi người). Chỉ cần 1 trong 16 locus gen không trùng khớp nhau là có thể xác định hai người không cùng huyết thống. Mỗi locus có 2 alen, 1 nhận từ bố và 1 nhận từ mẹ. Nếu có chung huyết thống, thì ở mỗi gen trong 16 locus gen này, một nửa phải nhận từ bố, một nửa là từ mẹ.

Về cơ bản, các kết quả phân tích là chính xác. Tuy nhiên, ThS Ngô Đức Phương cũng chia sẻ, không ít trường hợp không cùng huyết thống nhưng lại trùng nhau ngẫu nhiên cả 16 locus gen. “Đó là trường hợp có một người đàn ông vô tình đi làm xét nghiệm ADN. Máy đưa ra kết quả đọc gen giống hệt gen của một cậu bé quê ở Bắc Ninh. Trong khi người đàn ông này không có quan hệ gì với cậu bé”, ThS Ngô Đức Phương chia sẻ. Xác suất đúng trong xét nghiệm huyết thống là 99,99%, Nghĩa là nếu thực hiện các xét nghiệm cùng lúc trên 10.000 người thì sẽ có 1 trường hợp không phải có quan hệ huyết thống nhưng trùng lặp về kiểu gen.

“Tôi đã làm mấy nghìn mẫu rồi. Cũng có gặp những mẫu mà người ở đâu đâu ấy lại có sự cho nhận ở kết quả xét nghiệm, nghĩa là 16 cặp gen trùng lặp nhau hoàn toàn. Có cả cặp trẻ nhỏ trùng mẫu nhau ở quan hệ huyết thống. Điều này xảy ra là vì có những alen mang tính phổ biến. Nhiều khi kết quả xét nghiệm chú ruột bỗng dưng thành bố là bình thường”, ThS Ngô Đức Phương cười.

Cùng huyết thống nhưng khác về kiểu gen

Với những trường hợp đặc biệt, sẽ phải làm xét nghiệm ở bộ kit 27 locus. Xét nghiệm này cho kết quả chi tiết hơn, độ chính xác cao hơn. Song dù có chính xác đến đâu thì có những trường hợp cũng không thể xác định được bố hoặc mẹ là ai.

ThS Ngô Đức Phương ví dụ: “Có trường hợp ông bố đã mất. Gia đình nhà nội muốn xét nghiệm để biết đứa cháu có đúng dòng tộc nhà mình không. Tôi mới bảo luôn, việc xác định có đúng là họ nhà nội là có thể làm được. Chỉ cần sử dụng bộ kit. Nhưng trong nhà phải loại bỏ mọi mối nghi ngờ. Vì nếu buộc phải xác định đứa trẻ là con của người bố đã mất hay người chú, người ông... trong gia đình là không làm được”.

Thực tế, có đến 20/1.000 trường hợp là khác nhau 1 locus trong bảng kết quả gen. Trong khi đó, chỉ cần sai khác 1 là không cùng huyết thống. Điều này nảy sinh có những trường hợp có cùng huyết thống nhưng lại khác nhau về kiểu gen. Có 1 hoặc nhiều hơn 16 locus khác nhau. Trường hợp này sẽ phải lấy mẫu của người mẹ để dùng phương pháp loại trừ. Giả sử gen đó của con là 15 - 16, của mẹ là 16 - 18, của bố là 15 – 17. Nếu so sánh thì rõ ràng đứa con không trùng huyết thống với bố. Nhưng trường hợp này thì alen 16 của con là di truyền từ người mẹ.
Giá thành xét nghiệm ADN hiên nay khá cao. Với mẫu cần xác định quan hệ cha – mẹ với kit 18 locus thì giá là 5 triệu đồng. Với xét nghiệm 27 locus gen là 9 triệu đồng. Muốn xét nghiệm quan  hệ anh chị em, ông bà, chú cháu… thì giá là 6 triệu đồng.  Khách hàng muốn lấy kết quả nhanh trong vòng 4 tiếng thì giá sẽ là 12 triệu đồng. Giá phụ thuộc vào mối quan hệ huyết thống cần xác định, loại mẫu…
Hà Bình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.