Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

28/06/2013

Vừa đi vừa đọc lại : Phố Hiến khác rồi - 1 (đền Mẫu Hoa Dương, bài Trần Thị An)

Người đẹp bên chuông (2012, Hưng Yên)

Lời dẫn: Bài dưới đây được lấy về từ webstie cổ vật Huế (không rõ ngày tháng). Một bài viết dễ đọc cho độc giả phổ thông.
---


VỀ NGÔI ĐỀN THỜ TỐNG PHI Ở PHỐ HIẾN, HƯNG YÊN


Trần Thị An

Đền Mẫu - Truyền thuyết và di tích

Ở Hưng Yên có một ngôi đền nổi tiếng là thiêng, hàng năm thu hút rất đông khách đến lễ, quan chức cũng như dân thường, dịp lễ hội cũng như vào các ngày sóc vọng và ngày thường. Đó là Đền Mẫu ở phố Bãi Sậy, phường Quang Trung, Phố Hiến, Hưng Yên. Để phân biệt với đền Thiên Hậu (còn được gọi là đền Mẫu Thiên Hậu), ngôi đền này còn được gọi là đền Mẫu Hoa Dương, vì đền nằm trên vùng đất Hoa Dương xưa.


Đền tọa lạc trên một khuôn viên rộng rãi, dưới vòm cổ thụ xanh mát. Truyền thuyết nơi đây kể rằng, ngay từ khi mới lập đền, chim chóc về làm tổ rất đông. Hạt chim tha về làm mọc lên ba cây si, sanh, đa quấn quít trước cửa đền. Nếu truyền thuyết là đúng thì những cổ thụ này đến nay đã hơn 700 tuổi. Cạnh đền là hồ bán nguyệt, tạo thêm vẻ thơ mộng cho cảnh quan của đền.


Đền Mẫu Hoa Dương có một trục chính gồm năm cung thờ. Từ ngoài vào, cung thứ nhất là cung thờ Phật, mới được dựng cách đây 10 năm do yêu cầu của người dân muốn bái Phật; cung thứ hai thờ Quan lớn Đệ nhất, trong cung có bức hoành phi Nam Hải phúc thần; cung thứ ba thờ vọng Quan lớn Đệ tam(1) cùng với ban thờ công đồng; cung thứ tư thờ Mẫu, tại cung này có bức hoành phi Mẫu nghi thiên hạ. Cung thứ năm là cung cấm, cung này thờ Dương phi, một bà phi nhà Tống, cùng hai thị nữ là Kim Thị và Liễu Thị. Bên trái trục dọc này có ban thờ Mẫu Thượng Ngàn, bên phải có ban cô, ban cậu.



Truyền thuyết vùng Phố Hiến kể rằng, Mẫu là phi của vua nhà Nam Tống, sau khi nhà Tống thất thủ bởi nhà Nguyên thì thái hậu, phi cùng công chúa và thị nữ đã nhảy xuống sông tự tận. Xác của phi cùng với thái hậu, công chúa và thị nữ trôi dạt vào vùng Cửa Càn ở Quỳnh Lưu (Nghệ An). Người dân vùng Quỳnh Phương (Quỳnh Lưu) vớt xác thái hậu và các công chúa cùng thị nữ lên lập đền thờ, gọi là đền Cờn. Sau này, đền Cờn trở thành ngôi đền thiêng nhất Nghệ An (Phương ngôn Nghệ An có câu: Đền Cờn, Đền Quả, Bạch Mã, Chiêu Trưng). Còn xác của phi trôi ngược ra bắc, dạt vào vùng Phù Tiên (nay là hai huyện Phù Cừ và Tiên Lữ, Hưng Yên). Thi thể của Dương phi trôi dạt về vùng cửa sông Phố Hiến, được nhân dân chôn cất chu đáo. Người nội thị của triều đình Bắc quốc là quan thái giám họ Du trong cơn loạn lạc tới Phố Hiến, được nhân dân địa phương giúp đỡ đã tập hợp những người Hoa lánh nạn hưng công xây dựng đền thờ và lập nên làng Hoa Dương. Khi thái giám mất, dân làng tôn làm thành hoàng làng, ngôi mộ được giữ gìn trong khuôn viên của đình Hiến. (Có truyền thuyết kể rằng, quan thái giám họ Du đời Tống trong cơn loạn lạc đã lưu lạc tới vùng Xích Đằng - Phố Hiến, một đêm nằm mộng thấy Thái Hậu hiện về và nói: “Chị em ta sau khi nhảy xuống biển, thượng đế khen là trinh tiết, phong cho làm Hải Thần, các cửa biển ở Châu Hoan, Sơn Nam đều thuộc chị em ta cai quản. Ông là tôi con của bản triều, nay lưu lạc đất khách quê người, nên đến cửa Càn ở Hoan Châu thăm hỏi 1 lần rồi đến thượng lưu Đằng Giang, hạ lưu Hoàng Giang huyện Kim Động, phủ Khoái Châu, trấn Sơn Nam Thượng mà phụng thờ Quý phi”. Tỉnh mộng, quan thái giám tìm đến hai nơi quả nhiên như lời đã báo mộng. Ông đã cùng nhân dân tu sửa lại miếu, lập làng Hoa Dương để tưởng nhớ đến quý phi họ Dương, người Trung Hoa. Khi thái giám mất, dân làng tôn xưng làm Thành Hoàng làng thờ ở đình Hiến). Tương truyền, mộ của phi hiện còn dưới hậu cung của đền. Vị thái giám đó có công lập nên làng Hoa Dương, nên sau khi mất, được thờ làm thành hoàng ở ngôi đình của làng này. Đó là đình Hiến. Ngôi đền thờ Mẫu được coi là nơi thờ tự của cộng đồng người Hoa ở Hoa Dương nên cũng được gọi là đền Mẫu Hoa Dương.


Đền Mẫu và đình Hiến - Một gạch nối với cộng đồng người Hoa ở Hưng Yên


Trong câu chuyện mà người dân Hưng Yên truyền tụng kể trên, có thể thấy rõ là, truyền thuyết và lịch sử đan xen với nhau một cách chặt chẽ, thậm chí, yếu tố hư lắm khi bị phủ che bởi sắc màu của thực: sự kiện hàng chục vạn xác chết của quân Tống nổi trên biển đã được chép trong Tống sử và Việt sử; việc hàng loạt thần dân nhà Nam Tống chạy loạn sang Đại Việt sau khi nhà Tống bị tiêu diệt...là những chứng cớ lịch sử hiển nhiên khiến cho chuyện kể về các nhân vật hoàng tộc nhà Tống được “tái sinh” trong đời sống tín ngưỡng của cộng đồng người Hoa ở Việt Nam xem ra có nhiều phần hợp lý. Thêm vào đó, truyền thuyết và di tích ở Phố Hiến đã bổ sung thêm một số chi tiết để khẳng định thêm tính “có thực” của câu chuyện mà không một nơi nào trong số các nơi thờ bốn vị thánh nữ này có.(2) Đó là việc quan thái giám họ Du đi tìm xác bà phi họ Dương; việc ông chôn cất và lập đền cùng với việc ông lập ra làng Hoa Dương(3) cho những người Hoa lánh nạn đến đây trú ngụ…Những chi tiết này đã sắp xếp các sự kiện theo một logic hợp lý mà truyền thuyết thường hướng tới để người nghe tin rằng “nó thực sự đã xảy ra”. Việc thờ Dương phi được nối với cộng đồng người Hoa ở Phố Hiến thông qua hành trạng của một nhân vật có thật quả là một sáng tạo độc đáo mà không một nơi thờ Dương phi nào ở Việt Nam có. Phải chăng, tính độc nhất này của ngôi đền Mẫu ở phố Hiến đã hé mở phần nào về lai lịch tục thờ các vị thần ngoại lai ở Việt Nam?

Đền Mẫu Phố Hiến và và đền Cờn Quỳnh Lưu - Sự kết nối truyền thuyết trên nền tín ngưỡng thờ thần biển thông qua con đường buôn bán


Một điều dễ nhận thấy là việc thờ Tứ vị Thánh nương được nhiều người biết đến hơn cả là từ đền Cờn ở Quỳnh Lưu. Với lịch sử dài lâu của mình, với việc được sớm chép vào bộ chính sử thời Lê (1312,Đại Việt sử ký toàn thư), với việc các nơi thờ Tứ vị Thánh nương đều công nhận tính cội nguồn của đền Cờn, ngôi đền thiêng nhất Nghệ An đã tồn tại như một trung tâm của việc thờ tự bốn vị thánh nữ này ở Việt Nam. Nhưng đến đây, một vấn đề có vẻ mâu thuẫn đặt ra: theo thư tịch, đền Mẫu Phố Hiến có trước.(4) Bên cạnh đó, theo truyền thuyết, Phố Hiến là nơi phát tích tục thờ Tống Phi (xác trôi vào đây, người dân lập đền thờ, tương truyền còn ngôi mộ ở hậu cung). Vậy, tại sao đền Cờn Quỳnh Lưu lại được coi là trung tâm thờ Dương phi cùng các công chúa và thị nữ, mà người dân thường gọi là Tứ vị Thánh nương? Chúng ta tạm gạt sang một bên “cái lý” mà truyền thuyết muốn tạo ra (xác của bà dạt vào cửa Cờn Quỳnh Lưu trước, sau đó mới trôi ngược ra Phù Tiên) để tìm sự lý giải ở những nguyên nhân có thực hơn.

Các nghiên cứu thời kỳ tiền Phố Hiến (trước thế kỷ 17) cho rằng, đã từng có một mối thông thương khá tấp nập giữa các cộng đồng của người Hoa ở các vùng biển của Nghệ An -Hà Tĩnh, như Hội Thống (Nghi Xuân), Phục Lễ (Hưng Nguyên), Phù Thạch (Đức Thọ) và Cửa Càn (Quỳnh Lưu), với Hưng Yên thời tiền Phố Hiến. Đây là thông tin quan trọng giúp nhà nghiên cứu folklore phục dựng “con đường” lan truyền truyền thuyết về Dương phi trong cộng đồng người Hoa di tản. Bên cạnh sự thông thương do buôn bán giữa các cửa sông, cửa biển với nhau, còn có một chi tiết khiến hai ngôi đền (đền Cờn Nghệ An và đền Mẫu Hưng Yên) xích lại gần nhau. Đó là địa danh Cửa Càn. Nơi sông Mai Giang đổ ra biển ở địa phận xã Quỳnh Phương (Quỳnh Lưu, Nghệ An), dân địa phương gọi là lạch Quèn/cửa Cờn, tên chữ làCần Hải, sau kiêng húy đọc là Càn Hải. Ở giai đoạn tiền Phố Hiến, nơi nhánh sông Hồng trước kia đổ ra sông Luộc ở xã Liên Phương (Phù Tiên, Hưng Yên) cũng được gọi là Cửa Càn, hiện vẫn còn đình Càn ở đây. Phải chăng sự trùng hợp về địa danh đã khiến cho truyền thuyết “nhập” từ nơi này sang nơi khác một cách nhanh chóng hơn, bên cạnh những tương đồng khác đã có như những tiền đề?

Trong các tiền đề có sẵn (cộng đồng người Hoa, sự giao thương của các cảng sông cảng biển), cần chú ý đến một tiền đề mà chúng tôi cho là quan trọng hơn, đó là tín ngưỡng thờ thần biển. Tống phi hiện lên trong giấc mơ của vua Trần Anh Tông (1276 - 1320) nói rằng: “Thiếp được Thượng Đế phong làm thần biển đã lâu” (theo Đại Việt sử ký toàn thư). Còn theo lời cụ Nguyễn Hoa Cừ (còn có tên là Hằng, 82 tuổi), đã từng trông coi đền Mẫu Phố Hiến 19 năm nay thì “bà cũng âm phù cho vua Trần Anh Tông thắng Chiêm Thành và sau khi thắng giặc, nhà vua phong cho bà làm Nam Hải phúc thần”.(5) Cũng cần chú ý thêm, trong lời báo mộng cho Du thái giám, Thái hậu đã khẳng định: “Chị em ta sau khi nhảy xuống biển, thượng đế khen là trinh tiết, phong cho làm Hải Thần, các cửa biển ở Châu Hoan, Sơn Nam đều thuộc chị em ta cai quản”. Bên cạnh đó, Đại Nam nhất thống chí cho biết đền Mẫu Phố Hiến là do “người nội thị ở triều đình Bắc Quốc theo thuyền buôn của người Châu Hoan ra đến khúc sông thuộc xã Xích Đằng làm nhà ở trên bãi cát, lại dựng một gian đền thờ Dương thị là quý phi nhà Tống, cầu đảo thường được linh ứng. Từ đấy, người đến tụ họp mỗi ngày một đông thành một thôn xóm, gọi là thôn Hoa Dương”.(6)Như vậy, ngôi đền xây dựng ở bãi sông nguyên ủy vốn là để phù hộ cho những cư dân theo nghề sông nước. Hơn nữa, dưới ban thờ Tống phi ở hậu cung có một cái giếng (nay đã cạn), tương truyền đó là “rốn biển” với ngụ ý đền thờ có thể thông thương ra biển. Chính từ cái nền tín ngưỡng dân gian thờ thủy thần này mà truyền thuyết của hai vùng đã xích lại gần nhau. Cho đến khi đền Cờn Quỳnh Lưu được triều đình chính thức công nhận bằng việc chép vào sử việc vua nằm mộng, linh ứng, vua cho xây đền và sắc phong thì trở nên nổi tiếng (motif này cũng xuất hiện ở đền Mẫu Phố Hiến nhưng việc này không được chép vào sử), vị thần biển được nâng cấp từ phạm vi địa phương lên tầm quốc gia. Trong thế so sánh đó, đền Mẫu Phố Hiến trở nên mờ nhạt dần đi và đền Cờn Quỳnh Lưu nổi lên thành một trung tâm thờ tự chính, dẫu cho cộng đồng người Hoa ở Quỳnh Lưu (Nghệ An) ít hơn rất nhiều lần so với cộng đồng người Hoa ở Phố Hiến.

Đền Mẫu và đền Thiên Hậu - Những tương đồng, dị biệt


Không khó nhận thấy nhiều điểm tương đồng giữa đền Mẫu và đền Thiên Hậu ở Phố Hiến. Cả hai đều thờ nữ thần người Trung Hoa, cả hai nữ thần đều là thần biển, hai đền thờ đều do người Hoa xây nên với mong muốn nhận được sự bảo trợ từ họ. Tuy nhiên, có một điều khác nhau cơ bản là hiện nay, người đi lễ các đền thờ Dương phi đều là người Việt, còn người đi lễ đền Thiên Hậu chủ yếu là người Hoa. Như vậy, trong khi Thiên Hậu vốn đã được biết đến là vị thần hàng hải của người Hoa, đặc biệt là người Hoa Phúc Kiến, đến mức, trên thế giới, hầu như nơi nào có người Phúc Kiến thì nơi đó có đền thờ Thiên Hậu, thì xem ra, Dương phi đã trở thành vị thần bảo trợ cho cộng đồng người Việt. Nói chuyện với chúng tôi vào ngày 20/4/2009, cụ Cừ cho biết: người Hoa không bao giờ đến lễ ở đền Mẫu. Trong khi đó, ở đền Thiên Hậu (phường Minh Khai, thành phố Hưng Yên), ông Đinh Minh Tân, 63 tuổi, cho chúng tôi biết, người đến lễ ở đây trước đây đều là người của 14 dòng họ người Hoa ở Hưng Yên và các tỉnh lân cận. Có người đã định cư ở Canada như cụ Lý Kim Hoa hàng năm vẫn gửi lễ hoặc về dự lễ hội. Đây cũng là tình trạng chung của việc thờ cúng Thiên Hậu ở các nơi khác ở Việt Nam. Tuy nhiên, có một điều đặc biệt ở đền Thiên Hậu Hưng Yên là, hiện nay, cả bốn người trong Ban quản lý đền đều là người Việt, và hiện tại, người Việt đến đây làm lễ khá đông. Dù vậy, giữa hai ngôi đền này, theo cụ Tân, không có mối quan hệ gì đặc biệt.


Một câu hỏi đặt ra là tại sao khi mới lập nên, ngôi đền Mẫu là nơi quy tụ những người Hoa xa xứ mà hiện nay, người Hoa ở Hưng Yên lại không đến đây cúng bái? Phải chăng nhu cầu kết nối cộng đồng của người Hoa thông qua tín ngưỡng thờ Tống phi ở Hưng Yên đã từng rất mạnh cách đây hơn 7 thế kỷ nay đã “hóa thạch”? Phải chăng tín ngưỡng thờ bốn vị thánh người Hoa đã nhanh chóng được Việt hóa, và trở thành một bộ phận của tín ngưỡng của cộng đồng người Việt? Ta thấy ở vòm cuốn của tam quan đền, bên cạnh bức đại tự Dương Thiên Hậu Tống triều nhằm khẳng định gốc gác Trung Hoa của thần lại có bức hoành phi Mẫu nghi thiên hạ trong cung thờ Mẫu, vốn thường xuất hiện ở những nơi thờ Mẫu Liễu Hạnh. Còn có thể thấy rằng, cách bố trí các cung thờ và ban thờ đền Mẫu phố Hiến tương tự với các đền thờ Mẫu ở miền Bắc Việt Nam. Lễ hội đền Mẫu ở Phố Hiến cũng diễn ra vào ngày 10/3 âm lịch, trùng với lễ hội về Mẫu Liễu Hạnh của Việt Nam. Có phải tình trạng này có liên quan đến lệnh chỉ của Trịnh Tạc năm 1666 bắt người Hoa “muốn được thường trú phải đăng ký vào các gia đình Việt Nam” và “phải thay đổi y phục, nhà cửa cho phù hợp với phong cách Việt Nam”?(7)



Tuy nhiên, đây chưa hẳn là lý do duy nhất khi bên cạnh đó, tín ngưỡng thờ Thiên Hậu vẫn được người Hoa bảo lưu khá nguyên vẹn sau nhiều biến động chính trị và xã hội. Điều này càng rõ hơn khi so sánh với các nơi thờ Tống phi và Thiên Hậu khác ở Việt Nam. Hay phải chăng, do đền Mẫu được xây dựng khá sớm nên việc thờ phụng này chịu sự tác động của các quy định mang tính chính trị khiến nó từng bước hòa nhập và trở thành tín ngưỡng của người Việt còn đền Thiên Hậu thì được xây dựng vào năm 1640, khi sự khu biệt của cộng đồng người Hoa đã ổn định nên nó giữ được nguyên trạng đến ngày nay? Với những câu hỏi này, cần phải có thêm nhiều chứng cớ mới có thể tìm thấy câu trả lời thỏa đáng.

T.T.A.

CHÚ THÍCH

(1) Nơi này chỉ thờ vọng Quan lớn Đệ tam vì hai nơi thờ chính là đền Lảnh ở Hà Nam và đền Xích Đằng ở Hưng Yên.

(2) Tại các tỉnh Quảng Ninh, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam… đều có đền thờ Tứ vị Thánh nương.

(3) Có người giải thích rằng tên làng Hoa Dương có nghĩa là làng của người Hoa thờ Dương phi.

(4) Theo Đại Nam nhất thống chí, đền Mẫu Phố Hiến được xây dựng vào đời Trần Nhân Tông, niên hiệu Thiệu Bảo nguyên niên (1279); và theo Đại Việt sử ký toàn thư thì đền Cờn Quỳnh Lưu được vua Trần Anh Tông cho lập sau chiến thắng Chiêm Thành (tháng 6/1312).

(5) Điền dã ngày 20/4/2009.

(6) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, (Bản dịch), Tập III, Nxb KHXH, 1970, tr. 294 - 296.

(7) Dẫn theo Richiro Fujiwara, Quy chế người Hoa dưới chế độ họ Trịnh và phố Hiến, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Phố Hiến, Sở VHTT Hải Hưng, 1994, tr. 96 - 100.



CHÚ THÍCH ẢNH

Ảnh 01: Toàn cảnh đền Mẫu Phố Hiến, Hưng Yên

Ảnh 02: Cung thờ Mẫu với bức hoành phi Mẫu nghi thiên hạ

Ảnh 03: Cung thờ Quan lớn Đệ Nhất với bức hoành phi Nam Hải phúc thần

Ảnh 04: Sân đền Mẫu Phố Hiến.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.