Lời dẫn: Tôi đang đi du lãng mạn Bắc, lên Cốc Lếu, rồi lại xuống Phố Ràng. Có lẽ là chuyến cuối cùng của một năm âm lịch.
Chiều về doanh trại, nhận được đường link do một bạn gửi cho, mới biết có một bài viết của nhà nghiên cứu Lê Vinh Bổn (Quảng Ngãi) cho một bài viết của tôi.
Bài viết của tôi về một tấm bia ở Quảng Ngãi trong liên đới với công cuộc chinh phạt người Thượng của cha con ông Nguyễn Tấn (thời Tự Đức). Bản thảo số 1 được viết nhanh, đã gửi đăng trên tạp chí Cẩm Thành trong năm 2012. Bản thảo số 2 được hoàn thiện tiếp sau đó, đã gửi cho tạp chí chuyên ngành ở trung ương, hiện tại (đầu năm 2013) vẫn đang xếp hàng để đăng.
Từ bản thảo số 1 (đăng trên tạp chí ở địa phương) lên bản thảo số 2 (dùng đăng trên tạp chí chuyên ngành), tôi đã gia cố nhiều, một số điểm giả định đã được làm rõ, môt số chỗ nhầm lẫn đã được cải chính. Nếu có thể, nhà nghiên cứu Lê Vinh Bổn hãy cho biết địa chỉ mail và số điện thoại liên hệ, tôi sẽ gửi bản thảo số 2 để ông đọc.
Để khách quan, đầu tiên, đăng lại ở đây bài góp ý của nhà nghiên cứu Lê Vinh Bổn với sự trân trọng. Xin chân thành cảm ơn ông đã bỏ công sức đọc, góp ý. Hi vọng được liên lạc trực tiếp với ông qua các phương tiện.
Bản Shan Lùng, ngày 2/2/2013
Tháng 10 2012
Góp thêm vài điều với nhà nghiên cứu Chu Xuân Giao, về: VĂN BIA CHÙA BÌNH MAN
Tạp chí Cẩm Thành số 66 do Sở Thông Tin Văn Hóa Quảng Ngãi ấn hành tháng 12 năm 2011, từ trang 7 đến trang 17 có đăng tải công trình khảo cứu:“BÌNH MAN TỰ KÝ (1869-1906) MỘT TÀI LIỆU BỔ TRỢ QUAN TRỌNG CHO PHỦ MAN TẠP LỤC (1871-1898): Dịch và bình chú” của nhà nghiên cứu Chu Xuân Giao (Hà Nội).
Mặc dù đã hơn một thế kỷ, quí Chư Tăng và học giới Việt Nam từng biết đến hai văn bia Bình Man Tự Ký và Thạch Sơn Tự Ký qua thác bản tưu tại Viện nghiên cứu Hán Nôm (Hà Nội) có kí hiệu No.20435 và nguyên hình dạng bia. Lòng bia có chiều cao 97cm rộng 67cm được chạm khắc hoa văn chung quanh diềm bia với gần 800 chữ Hán chân phương chia làm 23 dòng đều đặn, tinh xảo hiện còn sừng sững trên núi Đá Đen- quần thể của núi Bàn Cờ thuộc xã Nghĩa Phú tỉnh Quảng Ngãi. Nhưng khảo cứu văn bia trên góc độ nghiên cứu văn hóa, lịch sử Phật giáo cùng mối quan hệ của văn bia với sách Phủ Man tạp lục cũng như quan hệ lịch sử các tộc người miền núi thì chưa có công trình nào được công bố.
Trong sách “Lược sử Phật giáo và Những Ngôi chùa Quảng Ngãi”, Nhà xuất bản Tổng hợp Đà Nẵng ấn hành tháng 3 năm 2011, vì nhiều lý do, chúng tôi chỉ trích một đoạn ngắn bản phiên âm, dịch nghĩa của 2 văn bia để minh định ngôi chùa Thạch Sơn là hậu thân của Chùa Bình Man do ông Nguyễn Tấn dựng vào năm Tư Đức thứ 19- Bính Dần- 1866 trên nền đồn Thiên Xuân đã hoang phế thuộc xã Hành Tín Đông huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi mà theo khảo sát ban đầu của Viện Viễn đông Bác cổ Pháp phối hợp với Viện Khoa học xã hội và Viện Khảo cổ học Việt Nam là đơn vị trực tiếp đã phát hiện một số hiện vật, trong đó có vài tiểu phẩm Phật giáo.
Hôm nay, nhà nghiên cứu Chu Xuân Giao cho công bố bản “Dịch và bình chú văn bia chùa Bình Man- một tài liệu bổ trợ quan trọng cho sách Phủ Man tạp lục” của ông Nguyễn Tấn. Đây là công trình khảo cứu đầu tiên mà nhà Hán học Chu Xuân Giao chắc chắn đã phải khó nhọc một thời gian dài, dày công khảo chứng nhiều tư liệu lịch sử, phối kiểm với tư liệu điền dã rồi thận trọng dịch và bình chú một cách sâu sát trên tinh thần nghiên cứu hoa học. Là thành viên trong Ban văn hóa tỉnh Hội Phật giáo Quảng Ngãi, chúng tôi trân trọng công trình khảo cứu nầy vì đây là tư liệu quí giúp cho chúng tôi biết thêm một số điều bấy lâu nay thao thức.
Tuy nhiên, để rộng đường tham khảo trong công tác nghiên cứu của học giới, tôi mạo muội góp thêm vài điều sau đây:
1. Tác giả Chu Xuân Giao nêu ra nghi vấn “Chùa Thạch Sơn Quảng Ngãi có phải là nơi nhập môn của Hòa Thượng Bích Liên- chủ bút tạp chí Từ Bi Âm và tác giả Mông Sơn thí thực khoa nghi hay không?”
2. Bia ký Chùa Bình Man được khắc dựng vào năm Tự Đức thứ 22, Kỷ Tỵ-1869 hay năm Bính Ngọ- Thành Thái thứ 18-1906?
3. Chúng tôi giới thiệu thêm một bản phiên âm dịch nghĩa bia ký Chùa Bình Man mà chúng tôi đã nhờ nhà Hán học Võ Văn Sổ, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu & THGP- Hội Khoa học lịch sử TP.HCM phiên dịch, hiện lưu giữ tại phòng truyền thống văn hóa Phật giáo thuộc tỉnh Hội Phật giáo Quảng Ngãi. Vì trong công trình tác giả Chu Xuân Giao có viết “thậm chí ngay cả bản dịch ra tiếng Việt, đều chưa có…”
* Về chi tiết thứ nhất: Chùa Sắc tứ Thạch Sơn ở xã Nghĩa Phú huyện Tư Nghĩa tỉnh Quảng Ngãi đúng là nơi mà Hòa Thượng Bích Liên xuất gia tu học vào năm 1919 với Hòa Thượng trụ trì Ấn Lãnh- Tổ Tòng- Hoằng Thạc, được Bổn sư ban cho pháp danh Chơn Giám tự Đạo Quang hiệu Trí Hải, nối pháp đời thứ 40 dòng Lâm Tế thuộc pháp phái Chúc Thánh. Bích Liên chỉ là tên ngôi chùa mà ông khai sáng vào năm Giáp Tuất-1934 tại nơi sinh quán. Theo tạp chí Từ Bi Âm năm thứ I, số 14 tháng giêng năm 1932, thì ông có tên đời là Nguyễn Trọng Khải hiệu Mai Đình, sanh vào giờ Tỵ ngày 16 tháng 3 năm Bính Tý-1876 tại làng Háo Đức, phủ An Nhơn nay là thôn Háo Đức, xã Nhơn An, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Năm 1919, qui y thọ giới với Hòa Thượng Hoằng Thạc tại chùa Thạch Sơn. Nhờ tinh thông Hán học và gặp thiện duyên nên chỉ sau 2 năm (1921) tham học, ông đã diệu nhập Phật tạng, thông suốt yếu lý và đắc pháp.
Năm Mậu Thìn-1928 Hòa Thượng Lê Khánh Hòa, trụ trì chùa Tuyên Linh tỉnh Bến Tre ra làm pháp sư trường Hương Chùa Long Khánh ở Bình Định, phát hiện ra ông và Hòa Thượng Liên Tôn, là hai Tăng sĩ có thực tài nên kết làm thân hữu và, mời hai vị vào Nam hoạt động giúp việc chấn hưng Phật học. Nhưng đến tháng 10 năm 1931, qua thư thỉnh cầu của ông Trần Nguyên Chấn, Phó hội Nam Kỳ nghiên cứu Phật học thì Hòa Thượng Bích Liên mới vào nhận chức Tán Trợ Hội viên rồi đến Từ Bi Âm số 45, năm 1933, ông mới chính thức chủ bút Từ Bi Âm, Hòa Thượng Liên Tôn Phó chủ bút, ông Trần Nguyên Chấn quản lý tạp chí. Hòa Thượng Bích Liên (Trí Hải) là tác giả các sách chữ Hán và chữ Nôm sau đây:
+ Liên tông thập niệm yếu lãm
+ Tịnh độ huyền cảnh
+ Tây song ký
+ Tích lạc văn
+ Qui Sơn Cảnh Sách
+ Mông Sơn Thí Thực Khoa Nghi
Để có thêm tư liệu khảo chứng, chúng tôi xin nêu ra đây phương danh tiêu biểu chư vị Hòa Thượng có pháp hiệu chữ TRÍ, pháp danh chữ CHƠN và pháp tự chữ ĐẠO, xuất gia tu học tại chùa Thạch Sơn với Bổn sư Hòa Thượng Hoằng Thạc:
- Hòa Thượng Chơn Giám- Đạo Quang- Trí Hải (1876-1950) khai sơn chùa Bích Liên, Bình Định.
- Hòa Thượng Chơn Nguyên- Đạo Lưu- Trí Thủy (1884-1946) khai sơn chùa Hương Sơn, Tuy Phước, Bình Định.
- Hòa Thượng Chơn Tụng- Đạo Hoa- Trí Tạng (1908-1985) Trụ trì chùa Phước Tường, Nghĩa Hòa, Tư Nghĩa.
- Hòa Thượng Chơn Bích- Đạo Liên- Trí Huy (1917-1970) khai sơn chùa Pháp Hoa tỉnh ĐakNông.
- Hòa Thượng Chơn Chiếu- Đạo Huy- Trí Quang (1907-1987) khai sơn chùa Phổ Minh, Nghĩa Hành.
Hòa Thượng Chơn Miên- Đạo Long- Trí Hưng (1908-1986) khai sơn chùa Thiền Lâm, Quận 6, Tp. HCM.
Hòa Thượng Chơn Hòa – Đạo Thưởng- Trí Phước (1906-1947) Trụ trì chùa Thiền Lâm, Quận 12, TP. HCM và vv…
(Tư liệu do Đại Đức Thích Như Tịnh- Trụ trì chùa Viên Giác Hội An cấp)
Hòa Thượng Bích Liên viên tịch ngày mùng 3 tháng 6 năm Canh Dần (1950) tại chùa Bích Liên, tỉnh Bình Định.
* Về chi tiết thứ hai: Theo ý kiến chúng tôi, văn bia chùa Bình Man được Nguyễn Tấn soạn vào năm 1869 sau 3 năm ông dựng chùa. Nhưng ông mất vào năm 1871, nên khoảng thời gian 2 năm còn lại, công việc Tiễu phủ sứ rối rắm (nội dung văn bia), ông chưa có điều kiện khắc dựng tại chùa Bình Man. Nó tồn lại trong hình thức là di cảo, rồi 37 năm sau (1906) con cháu ông mới khắc dựng trên sân chùa Thạch Sơn, vì:
- Khảo sát thực tế trên nền chùa Bình Man chúng tôi không tìm thấy dấu tích, hay mảnh vỡ của bia ký bị đập phá, vùi lấp,…
- Khảo chứng nội dung bia ký chùa Thạch Sơn, không có câu chữ nào nhắc đến Bia Ký chùa Bình Man mà, chỉ nhắc đến Phật tượng ở chùa Bình Man được rước về thờ ở chùa Thạch Sơn (…Chánh bĩnh nhung trù nhựt, bất dã cấp kỷ binh hàn thử nhi vân, khám quang cảnh bán lãnh Thiền đăng, kiêm dĩ tư tự mật nhĩ Tòng Lâm, tỳ liên Man kiếu. Tự cải huyện vi đồn chi hậu, cửu kinh hoang phế, vị năng tự nhi tập chi, thâm nhi trắc chi- Dịch nghĩa: …Bận lo chính sự binh nhung, không rảnh rổi để xem xét giềng mối nắng mưa, leo lắt đèn Thiền, xa lánh chốn Tòng Lâm vì mãi lo việc đất Man rối rắm. Từ khi đổi huyện thành đồn, cảnh chùa Bình Man trở nên hoang phế, chưa có điều kiện tu bổ. Thật chi tiết ngậm ngùi! Và câu: “…Toại mạng cấu tạo danh viết Thạch Sơn tự, phụng nghinh Bình Man tự Phật tượng hiệp kỳ yên…” Dịch nghĩa: Bèn lệnh cho xây chùa tên Thạch Sơn rồi rước tượng Phật nơi chùa Bình Man về đây thờ cúng-Trích dịch Bia ký Thạch Sơn tự).
* Bản dịch và bình chú của nhà nghiên cứu Chu Xuân Giao dựa vào thác bản lưu tại Viện nghiên cứu Hán Nôm- Hà Nội. Để thêm tư liệu tham khảo, chúng tôi xin giới thiệu bản phiên dịch dựa vào bản rập Bia ký tại sân chùa Thạch Sơn sau đây:
VĂN BIA BÌNH MAN TỰ KÝ
Để tiện việc theo dõi và đối chiếu của độc giả, tôi đặt lời dịch nghĩa trước, phiên âm sau:
Dịch nghĩa:
BÀI KÝ VỀ CHÙA BÌNH MAN TỰ
Từ xưa đến nay, khi xây dựng chùa Phật, người ta chú ý vào ba điều. 1- Để cầu phước, 2- Để ghi ý chí chiến thắng, 3- Để ghi lại sự việc.
Về cầu phước là làm cho mọi người trong thiên hạ được thỏa mãn mọi điều, chớ không phải là cái vui của kẻ nho giả là tôi. Như trong tỉnh có chùa Thiên Ấn, Thừa Thiên phủ có Thiên Thai, Bình Định có Linh Phong, Ninh Bình có Bích Động.
Về ý chí thắng lợi thì, như bậc đại nho thời Trần là tướng công Phạm Ngũ Lão, sau khi chiến thắng quân Ngô trở về đã dựng nên ngôi chùa Bình Ngô tự, tiến sĩ Lê Như Hổ vâng lịnh đi sứ sang nhà Minh, được phong chức Quốc Sư, đã lập Quốc Sư tự, đó cũng là những việc được ghi chép lại cả (tức là ký sự, ghi lại sự việc). Chân thành mà nói, cái sở nguyện của tôi muốn học theo mà chưa có cơ hội.
Mùa Đông năm Quý Hợi thời Tự Đức (1863) tôi phụng chỉ vào Nam để tiễu trừ giặc dã nơi rừng núi vùng thượng du tỉnh này, dấu xe vó ngựa của tôi rong ruỗi đã mệt mỏi, nhưng tâm và mắt tôi luôn chú ý vào cảnh đẹp núi non của Hoàng Sơn bày ra như vẽ, của Tây Đại Sơn trấn, của Bắc Man Tân sơn, của nguồn Liêm Thủy một dãy phía đông nam vòng quanh uốn khúc. Lúc này nếu ở trên cao nhìn ra xa xa, thì thấy ở phía Tây là xóm người Man, phía đông là khu dân cư, phía bắc liền với cơ 1 cơ 2 của người Man, phía nam là cơ 3, cơ 5 giáp nhau.
Có khi tản bộ du nhàn ngắm cảnh non xanh nước biếc, rừng thâm u, đá nhấp nhô, suối nước dội vào nghe như tiếng chuông, tiếng khánh, gió thổi vi vu như tiếng sênh tiếng phách họa vần.
Tôi như ở trong vòng vây nơi địa hình xung yếu, nhưng cảnh đẹp nơi đây cũng buộc lòng không thể không thưởng thức.
Giữa thời Gia Long, quan Trấn cũng đã từng xây đồn lập lũy để ngăn người Man, nhưng bị người Man ngăn lại, nên đồn lũy bị bỏ hoang, làm cho thú dữ và Man dân lại tái chiếm làm sào huyệt có hơn 50 năm. Tôi mỗi lần tuần tiểu qua đây, lòng luôn không khỏi quyến luyến và tiếc thương cho núi sông này.
Năm Tự Đức thứ 19 (1866) ý định lập lại đồn binh và đưa quân trấn giữ, cùng lúc làm cho triệt tiêu thông đạo Phi Sơn của giặc. Từ đó vùng hiểm trở Man di từ Hoành Sơn đến Đại Lãnh hơn mấy ngàn dặm không còn bị ngăn trở bởi người Man nữa. Há chẳng phải họ bỏ đi mà mình lấy lại, đó là nhờ linh khí non sông đãi ngộ ta đó thôi.
Trước mắt, đường sá thông suốt bốn phương, đồn lũy vững vàng, thần Phật có miếu thờ, buôn bán có chợ búa, người làng mang vật phẩm đến trao đổi, người Man chịu hàng phục, cùng giao dịch cũng ở nơi đây rồi trở về. Ngày xưa, đây là nơi của tê giác voi rừng ngự trị, mà nay đã thấy khói bếp tỏa bay, xưa là nơi hoang vắng, trộm cướp, nay là đường sá lưu thông ngựa xe xuôi ngược. Qua bốn năm mươi năm, từ khu vực bọn xấu tung hoành, giờ đã yên lành, thật là một kỳ tích mà hóa công đã ban tặng được rạng rỡ như hôm nay. Ta không thể không làm điều gì đó để mừng cho non sông mà người xưa đã đặt trọn niềm tin vào ta đó vậy!
Bởi thế nên bàn bạc cùng với bạn đồng chí đồng tâm mua gỗ tốt, thuê thợ giỏi để dựng lên ở bờ Bắc Liêm Khê, trên nền đốn cũ đã hoang phế, trong vài tháng đã hoàn thành, viết biển chùa Bình Man là tôi thỏa tâm nguyện với đạo Thiền vậy.
Nguyện vọng chung là muốn biên cương đất nước được bền vững, tuy rằng còn nhiều nhược điểm, thô sơ, nhưng đem chuyện từ bi, không giết chóc theo thuyết nhà Phật để phút chốc thay đổi những thói tục vô thường của người Man, thì đây cũng là một cơ hội vậy.
Khi tâm hồn thư thả, việc công rãnh rỗi, dạo bước dưới trăng, hưởng làn gió mát nơi cõi sa bà, bên cội bồ đề, cạnh thuyền bát nhã bên khe núi cỏ hoa, gặp gỡ ngẫu nhiên cùng chư đạo hữu, hoặc cùng với lão tiều phu hòa cùng phong thái của thầy Liễu Tử Hậu, hoặc theo kiểu cách của Hàn Văn Công thì với cảnh ấy đã thỏa lòng hoài vọng của ta, mà chỉ có ta và non sông này biết được mà thôi.
Năm Kỷ Tỵ thời Tự Đức triều Nguyễn (1869)
Người soạn: Tĩnh Man tiễu phủ sứ, phong tặng Lễ bộ Thượng Thơ là Nguyễn Tấn tự Đồng Vân.
Năm Bính Ngọ thời Thành Thái (1906) ngày lành mùa đông, con trưởng là phụ chánh đại thần. Cần chánh điện đại học sĩ, túc liệt tướng. Diên Lộc quận Công Trí Chánh Thạch Trì Nguyễn Thân tự Nho Bá, cùng con thứ là Thống Chế vệ 9 Kinh binh Nguyễn Văn, cháu nội là Binh bộ Thị Lang Nguyễn Kế cùng khắc bia.
ơ
Phiên âm
Cổ lai, Phật tự chi thiết, đại ý hữu tam. Hữu kỳ phước hữu chí thắng, hữu ký sự. Kỳ phước giả cố mãn thiên hạ giã dã, nhi phi ngô Nho chi sở lạc, vi nhược ngô tỉnh chi Thiên Ấn, Thừa phủ chi Thiên Thai, Bình Định chi Linh Phong, Ninh Bình chi Bích Động. Chí kỳ thắng dã Trần đại nho Phạm Công Ngũ Lão bình Ngô khải hoàn kiến Bình Ngô tự, Lê tiến sĩ Lê Công Như Hổ phụng sứ như Minh mông phong quốc sư hồi triều kiến Quốc Sư tự, giai ký sự dã. Thành dư chi sở nguyện học nhi vị hữu khả nhơn chi cơ. Tự Đức Quý Hợi đông, dư phụng chỉ Nam hồi chinh tiễu tĩnh hạt thượng du chi sơn xuyên. Dư chi luân đề đãi áp. Nhi dư chi ngụ mục hội tâm diệc lịch. Duy Thạch Tượng nhứt cảnh Hoành Sơn liệt hồ tây, Đại Sơn trấn hồ bắc, Man Tân Sơn cư hồ đông nam, Liêm thủy nhứt đái vu hồi khuất khúc vu kỳ gian. Thời nhi đăng lâm thiếu vọng tắc tây thông Man cảnh, đông đạt dân cư, bắc liên nhứt nhị lưỡng cơ Man, nam giới tam ngũ lưỡng cơ tấn. Thời nhi tản bộ du quan tắc sơn cao thủy thâm, lâm u thạch hoạt, thủy lưu khích thạch y nhiên chung khánh chi thinh, phong quá minh điệu uyển nhĩ sanh hoàng chi vận. Ngô khổn trung chi tối yếu xung, đại hình thế hảo cảnh trí, thử địa cái kiêm chi hỷ!
Hoàng triều Gia Long niên gian, trấn quan tằng thiết cơ bảo vu thử, dục dĩ ách Man tầm vi Man ách, nhi bảo toại phế, ác thú, ác Man phục cư thử nhi vi sào huyệt giả cơ ngũ thập niên vu tư. Dư mỗi tuần biên kinh quá vĩnh thường bất khiển quyển nhi vi thử giang sơn, tích giả. Tự Đức thập cửu niên nghĩ thiết du bảo vu thử địa phái binh dĩ thủ chi, hựu ách yếu phuc triệt phi sơn thông đạo, tòng thử hoang giả tịch hiểm giả di. Hoành Sơn đại lãnh chi gian, số thiên dư lý vô phục hữu Man ngạnh hỷ, khởi phi nhơn chi sở khí ngã chi sở thủ nhi giang sơn chi linh, diệc hữu sở đãi dư! Mục kim tứ thông hữu lộ, trú trác hữu đồn, thần kỳ hữu miếu, giao dịch hữu trường, hạt dân chi tiều thái giả chí thử nhi chỉ, hàng Man chi giao dịch, giả diệc chí thử nhi hoàn. Thị tắc tích vi tê tượng chi sở, nhi kim vi yên hỏa chi hương, tích vi đạo tặc chi tẩu nhi kim vi xa mã chi cù, phù tứ ngũ thập niên xú loại tung hoành chi vực, chí tư nhi thủy ninh, kỷ thiên bá tải hóa công tạo thiết chi kỳ, chi tư nhi thủy hiển. Bất khả bất vi thử giang sơn hỷ dã, nhi dư cửu lai khể cổ nhơn chi chí, bất khả bất nhơn nhi tín thành chi nhĩ? Ư thị mưu chư nhứt nhị đồng chí cưu công thủ tài tức vu Liêm Khê chi bắc ngạn phế bảo chi di cơ nhi đống vũ chi sổ nguyệt nhi thành, biển chi viết Bình Man tự. Thử phi dư chi hữu lạc ư Thiền dã. Cái dục biểu biên cương chi thắng trí biên sự chi thô tựu nhi hựu tương sử thính từ bi bất sát chi Phạn Âm nhi tiêu hoang hốt vô thường chi Man thái, thử hoặc nhứt cơ hội dã. Nhược phù tâm nhàn sự giản, nguyệt hạ phong tiền, bà sa hồ bồ đề bát nhã chi môn tiếu ngạo hồ sơn thảo khê hoa chi tế. Thời dữ đạo nhơn ngẫu, hoặc tùy tiều giả hành sư Liễu Tử Hậu chi dư phong, học Hàn Văn Công chi cao trí, thử cảnh thử hoài duy dư dữ thử giang sơn tri chi!
Hoàng triều Tự Đức Kỷ Tỵ niên tĩnh Man tiễu phủ sứ phong tặng Lễ bộ thượng thơ Nguyễn Công húy Tấn tự Đồng Vân soạn.
Thành Thái Bính Ngọ niên đông nguyệt kiết nhựt. Trưởng tử Phụ chánh đại thần, Cần chánh điện đại học sĩ Túc liệt tướng Diên Lộc quận công, Trí Chánh Thạch Trì Nguyễn Thân tự Nho Bá tịnh thứ nam Kinh binh Cửu vệ Thống chế Nguyễn Văn, đích tôn Binh bộ Thị Lang Nguyễn Kế cẩn phụng tuyên thạch.
Người dịch: Võ Văn Sổ
PGĐ Trung tâm nghiên cứu & THGP-Hội Khoa học Lịch sử TP.HCM
Thư mục tham khảo:
- Nguyễn Lang- Việt Nam Phật giáo sử luận Q3 NXB Lá Bối San Fose –CA 1993 trang 54-55.
– Tạp chí Từ Bi Âm- năm thứ I số 14 năm 1932 trang 43.
– Thích Như Tịnh- Lịch sử truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh NXB Phương Đông 2009 trang 294.
– Trần Nghĩa- Những thông tin về Quảng Ngãi qua nguồn thư tịch Hán Nôm, Hoàng Chương chủ biên (2006)
– Nguyễn Quang Hồng (chủ biên) văn khắc Hán Nôm Việt Nam-NXB KHXH-HN-1992.
– Nguyễn Thị Oanh- Thư mục sách Hán Nôm tại Đông Dương văn khố Nhật bản- Tạp chí Hán Nôm số 4, 1994.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.