Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

22/09/2014

Chẳng mấy chốc, chương trình thời sự của VTV sẽ có biên tập viên phát tiếng Vinh hay Quỳnh Lưu

Dễ lắm. Vì đang từng bước diễn ra rồi:
- đầu tiên là tiếng Sài Gòn,
- rồi đã thêm tiếng Huế,
- có thể sẽ là có tiếng Nghệ, tiếng Thanh, tiếng Quảng,...
Vân vân.


1. Nhưng ứng cử sau tiếng Huế, hẳn sẽ là tiếng Nghệ. Vì một lần du lãng khu vực đền Cờn (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An), chúng tôi ngẫu nhiên gặp bác Trần Bình Minh - hiện là người có trách nhiệm cao nhất của VTV. Lúc ấy, bác được đưa về địa phương theo chính sách qui hoạch, ở vị trí Phó Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Nghệ An.

Lúc người ta mời bác lên phát biểu, mình còn chưa rõ, trong đầu nghĩ "bác nào sao giống bác Minh ở VTV thế". May là ngay sau đó, cụ Nguyễn Đình Chú dạy mình luôn: "Cậu ấy là Minh ở truyền hình đấy, được cử đi hạ phóng, chắc xong là lại rút về làm quan lớn bên đó". Nguyên văn cụ nói.

Tuy lần ấy, đồng chí Phó Bí thư không phát biểu gì, chỉ chào mọi người rồi trở lại vị trí. Tác giả của Hưu Nông Dân là Hồ Bá Quỳnh thì giơ tay xin phát biểu liên tục, nhưng do thời gian bị hạn chế quá, ban tổ chức tạm chưa cho anh lên.

2. Tôi hay du lãng các nơi, lại thích "giao lưu" với thợ thuyền và các loại thợ, nên trải nghiệm được rằng: tiếng Hà Nội (hay những tiếng được tính là giọng Bắc gần gần với Hà Nội) thật ra KHÓ HIỂU LẮM đối với bà con ở các vùng miền địa phương.

Một kỉ niệm vui nhất của tôi cách đây khoảng gần chục năm về trước: bắt xe ôm từ huyện Hòn Đất để trở về tỉnh lị, cách nhau khoảng 60 km gì đó. Giữa chừng bị bán một cách an toàn cho một bác khác. Chuyện đó, tôi đã biết rõ từ trước, là thông lệ ở địa phương rồi, khách nếu từ Bắc vào chưa quen thì phải hoàn toàn bình tĩnh và tuân thủ sắp xếp của anh em. Dĩ nhiên là không mất thêm tiền.

Đó là chuyến đi đáng nhớ, vì hội thoại giữa tôi và hai bác xe ôm hầu như là không có nội dung. Tôi nói gì, các bác đều bảo đại khái "tui nghe hiểu chút chút thui, hiểu không hết". Ngược lại, các bác nói gì, tôi cũng chỉ hiểu chừng dưới 30%, thậm chí có những lúc không hiểu gì, tưởng tiếng Miên.

Một người còn chưa tin, nhưng ngay hôm đó là hai người liền. Liên tục, nên thấy rõ hơn. Cả hai anh, lúc chào nhau, đều bảo đại khái rằng: thông cảm, bọn anh chỉ ở quê, không đi đó đây, nên nghe tiếng chú nói giọng Bắc không quen, khó hiểu.

Đó là đầu thế kỉ XXI. Chứ nếu lùi về các thế kỉ 19 hay 18 thì chắc là phải có thông ngôn, hệt như tiếng Nhật thời trước Minh Trị.

3. Tiếng Việt/Kinh tuy thế, giữa các miền, có khác nhau do thổ âm và thói quen ngôn ngữ, vẫn hiểu nhau nhiều hơn là các phương ngữ của tiếng Trung Quốc. Nhìn chung, nếu đài truyền hình trung ương Trung Quốc mà phát tiếng Quảng Đông vào đúng chương trình thời sự chính thì chắc nước Trung Quốc sẽ loạn cả, không còn là chuyện bình thường.

Mà tiếng Quảng Đông chỉ là một trong nhiều phương ngữ Trung Quốc, có dân số sử dụng có lẽ gần bằng dân số của nước Việt Nam. Dân nói tiếng Quảng Đông nhiều khi hoàn toàn không biết gì tiếng Bắc Kinh, xem như ngoại ngữ, nên phải có phiên dịch. Và người lại, người ở vùng khác, sẽ hoàn toàn mù tịt tiếng Quảng Đông.

Hôm trước đã kể chuyện người Quảng Đông với người Quảng Tây nói chuyện với nhau phải có phiên dịch (xem lại ở đây).

Cho nên, phức tạp về tiếng như Trung Quốc, người ta phải đặt ra "tiếng phổ thông". Không đưa địa danh vào đó nữa, mà gọi thuần túy hành chính là "tiếng phổ thông".

4. Hãy tạm bỏ cách gọi tiếng Hà Nội, để làm việc. Khổ thế, cái gì, rồi đến lúc vào thực hành, vẫn phải tìm xem Trung Quốc họ làm thế nào rồi, mà học tập. Chứ hầu như không có cái gì đi trước được một bước.

Nên đến lúc lại phải tư duy là "tiếng phổ thông" trong tiếng Việt. Không tính địa danh vào đấy được.

5. Tiếng phổ thống cũng như giáo dục phổ thông, là thứ bắt buộc đối với quốc dân của một nước hiện đại.

Chương trình thời sự chính trong ngày, của đài truyền hình hay phát thanh của quốc gia, phải bắt buộc dùng tiếng phổ thông. Nếu không là loạn.

Còn ngoài chương trình đó ra, anh thích sử dụng tiếng gì đều ok cả. Và có cả một hệ thống rất lớn đài phát thanh truyền hình các tỉnh rồi (nhiều tỉnh còn có những chương trình tiếng dân tộc ngoài tiếng Kinh nữa).

8 nhận xét:

  1. Thường buổi sáng sớm, trên VTV1, bác Nguyễn Lân Hùng hay có mặt trên chuyên mục "Chuyện nhà nông". Bác Hùng nói, giọng Hà Nội (?), nhưng nói nhanh như máy khâu, ríu cả vào nhau, lại hay ăn gian bằng chữ "phỏng ạ". Tôi dân Bắc, mà chỉ nghe rõ hai chữ "phỏng ạ" , còn lại tiếng được tiếng mất. Bà con nông dân Nam bộ, Trung bộ (và cả Bắc bộ) chắc không thể hiểu bác ấy nói gì về kỹ thuật nuôi trồng. Sau này nghe bà Tiến sĩ gì đấy, vẫn giọng Bắc, nói nghe rõ hơn và chu đáo hơn.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. May mà nông dân nghe không hiểu. Chứ nghe mà hiểu là nguy đấy bác ạ. Dân bảo "đổ thóc giống ra mà ăn".

      Xóa
  2. Hỏi vu vơ, nhân vừa đọc xong "Đèn cù", thấy nhiều chỗ lộn xộn về thời gian xuất hiện các câu chuyện vỉa hè:

    Khoảng 1963, 64, khi Xô - Trung mâu thuẫn, tôi nhớ người lớn hay nói "Khơ rút xốp - Khoai tây hầm thịt bò", đến bây giờ (50 năm sau) vẫn không hiểu ý nghĩa.

    Bậc cao niên nào hiểu biết, xin giải thích giúp, trân trọng.

    Lại nhớ, trẻ con hồi ấy có bài đồng dao:

    Ông Liên Xô,
    Bà Trung Quốc
    Ông đi guốc,
    Bà đi giày
    Ông nhảy dây,
    Bà đá bóng

    Tếu ở chỗ, cái việc dành cho đàn bà thì "ông" làm (đi guốc, nhảy dây) và ngược lại, việc cho đàn ông, thì "bà" lại làm (đi giày, đá bóng)

    Mấy câu sau, không chắc là chính xác:

    Ông đánh rắm, (hay ông đánh trống)
    Bà khen thơm, (hay bà thổi kèn)
    Ông ăn cơm
    Bà ăn kít

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Câu hỏi của bác Lý tưởng vu vơ, nhưng không vu vơ đâu, vì cái đó đã ngấm ra dân gian, mà được dân gian truyền tải theo cách của họ.

      Cái này, cần phải tham vấn các bác các cụ lớn tuổi.

      Em hậu sinh, không rõ cái này. Nhưng đúng là thời trẻ con, bọn em, cũng như bác Lý, vẫn tự nhiên như nhiên hát như vậy. Cũng không hiểu làm sao mà có, và tự nhiên hát vu vơ thế thôi.

      Mọi thứ vu vơ hóa ra không vu vơ gì cả.

      Xóa
    2. À, bổ sung thêm bác Lý ạ. Bọn trẻ hiện nay (cỡ 6-7 tuổi trở lên) cũng vẫn hát, một cách vu vơ, và vui đùa thế thôi.

      Xóa
    3. Thành đồng dao rồi, em nghĩ giống như "Một chục quả hồng nuốt lão tám mươi" vậy.

      Xóa
  3. Bác Giao nói đúng đấy, em ủng hộ: Tiếng Phổ thông.
    Ấy nhưng các bác khoa học vì con người lại sẽ tranh luận: Thế nào là tiếng phổ thông cho mà xem.
    Bác Lý bên trên nói đến ô Nguyễn Lân Hùng, em cũng như bác ấy, chả hiều gì cả, chỉ thấy phào phào thôi. Dân quê em bảo đọc bài và trồng ngô theo cách bác ấy hướng dẫn thì có mà ăn cám.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mình thì thích nghe những người có chất giọng đặc biệt, lối phát âm độc đáo, và cũng thích nghe phương ngữ các vùng. Sự đa dạng của phương ngữ rất thú, nhiều khi về mở tư liệu ghi âm hay quay phim ở các vùng, ra nghe lại, cũng là một thú chơi, hệt như người ta bày cây cảnh thôi.

      Nhưng nhất quyết, phải có luật, làm nền tảng cho sự đa dạng. Nếu không là bát nháo ngay. Nay tiếng Huế được phát, ngày mai tiếng Quảng sẽ lên tiếng (nhà Nguyễn được gọi là vương quốc Quảng Nam mà). Rồi thì, rồi thì, bấn loạn hết.

      Xóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.