Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

18/10/2013

Nhà thơ Hữu Loan khóc tướng quân (1956, 2006)

Bài đã in trong tập sách Nguyễn Sơn - Lưỡng quốc tướng quân (Nxb Thông tấn, 2006). 

Ở đây, lấy về từ bản phổ biến trên mạng từ 2008. Thật ra, bài thơ mới là của Hữu Loan, còn phần văn thì không phải của ông. Và bài thơ tựa như không có tiều đề.

Bài có một chi tiết thú vị: năm 1948, người ta định ra một cuốn sách về Nguyễn Sơn, âm hưởng chắc là ca ngợi. Nhà thơ Hữu Loan đã khuyên thẳng với tướng quân là không nên in. Bởi vậy, cuốn đó đã không được in. 


Hãy chú ý đến cái năm 1948 trong nền cảnh chung của đất nước.


---



Khóc Nguyễn Sơn hay một đám tang đi không bao giờ tới huyệt*


Hữu Loan



* Đầu đề do chúng tôi đặt (B.T)


Nguyễn Sơn là một trong những vị tướng đầu tiên của quân đội ta. Khi còn ở Trung Quốc, ông từng tham gia "Vạn Lý Trường Chinh", chỉ huy một quân đoàn tới 2,5 vạn quân. Đầu kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Sơn làm Tư lệnh Liên khu IV.

Ở đây, ông được bộ đội và nhân dân đặc biệt yêu mến. Người ta đã kể về ông rất nhiều giai thoại. Ví dụ như việc phong tướng cho Nguyễn Sơn, ở chợ Đà (Thọ Xuân - Thanh Hoá), Nguyễn Sơn nói vui: "Tôi là thừa tướng chứ không phải là thiếu tướng!". Nguyễn Sơn rất phóng túng ngang tàng. Khi đi công tác, ông thường đi một mình, trên chiếc xe đạp Stéc-linh, chứ không mang theo tuỳ tùng. Có lần, trên đê sông Chu, ông bấm chuông cho bà con đi chợ tránh đường. Tiếng chuông khá gay gắt. Mấy bà cự lại: "Làm gì mà hách như ông tướng thế?". Nguyễn Sơn đáp lại: "Thì tướng đấy chứ còn gì nữa!". Nguyễn Sơn cao lớn, da đen, râu hùm, hàm én. Có người ví ông với Từ Hải, ông cáu văng tục. Hách thế, nhưng Nguyễn Sơn lại rất ân cần, tình cảm với mọi người. Có lần, đang lần mò trong rừng mạn núi Nưa, ông gặp một đoàn thiếu niên lôi thôi, lếch thếch từ phía trong đi ra đang lơ ngơ tìm đường. Hỏi ra thì biết đấy là thiếu sinh quân, ông reo lên: "À, hay lắm! Ta là người lập ra Trường Thiếu sinh quân đây". Rồi ông mời mấy cậu bé vào quán ăn chè lam, uống nước chè xanh và chỉ đường cho về trường.

Đối với anh em văn hoá văn nghệ, Nguyễn Sơn cũng ưu ái đặc biệt. Lúc ấy Ban tuyên huấn khu bộ có tới 172 người. Thấy anh em vất vả, ông ra lệnh cấp sinh hoạt phí cho lính văn nghệ gấp đôi lính thường. Trình độ văn hoá và sự hiểu biết văn nghệ của Nguyễn Sơn rất cao. Có lần ở núi Nưa, có cả giáo sư Đặng Thai Mai tham dự, Nguyễn Sơn đã nói 8 tiếng đồng hồ về Truyện Kiều.

Đồng chí Phó Ban tuyên huấn - nhà thơ Hữu Loan - kém Nguyễn Sơn 16 tuổi, được ông coi như em út. Chính Hữu Loan đã góp phần thanh minh nhiều tiếng xấu cho Nguyễn Sơn. Khi đó có tin ra Trung ương rằng Nguyễn Sơn là người chơi bời, tiêu tốn rất nhiều công quỹ, Trung ương cử phái viên vào điều tra. Hữu Loan đã thẳng thắn báo cáo với phái viên Trung ương sự thật. Thì ra lúc bấy giờ Khu bộ có căng-tin ở khắp nơi. Cán bộ quân đội đi công tác thường ghé vào ăn và ghi sổ, họ thường ghi vào sổ của... Tư lệnh trưởng. Như thế Nguyễn Sơn vô hình chung bị biến thành Chúa Chổm ! Nhân dân cũng nói luôn, anh em văn hoá văn nghệ không ai đổ nợ cho Tư lệnh trưởng cả.

Vị tướng của chúng ta rất hiển hách, rất tự tin, nhưng cũng rất biết nghe, dẫu là lời góp ý của cấp dưới, của người trẻ.

Năm 1948, Phòng chính trị tuyên huấn nảy ra ý định viết một cuốn sách ca tụng Tư lệnh trưởng. Chỉ sau vài ngày, các loại văn thơ đã đưa đến. Các tác giả chủ yếu là anh em làm công tác chính trị. Hữu Loan được cử làm tổng biên tập. Cầm tập bản thảo, nhà thơ rất băn khoăn. Linh cảm mách ông rằng in tập sách này sẽ có hại cho thanh danh vị tướng mà ông quý mến. Hữu Loan mang tập bản thảo đến trình Nguyễn Sơn và nói rõ ý nghĩ của mình. Nguyễn Sơn lặng lẽ không nói gì, chắc là ông suy nghĩ rất lung. Sau đó cuốn sách ấy không được in, bản thảo cũng mất tiêu.

Vào khoảng cuối 1949 đầu 1950, một hôm Hữu Loan vào hiệu phở, lát sau thấy Nguyễn Sơn cũng vào. Nguyễn Sơn là người ăn rất khoẻ, ông thường xơi tới ba bát phở, uống hai tách cà phê. Nhưng hôm ấy Nguyễn Sơn chỉ ăn một bát còn Hữu Loan thì làm tới hai bát. Vị tướng trả tiền cho cả hai người rồi bỗng nhắc lại câu chuyện về cuốn sách kia: "Cậu ít tuổi mà khá. Tôi chẳng sợ gì cuốn sách. Chỉ sợ điếc tai thêm. Tôi sắp đi xa. Nếu không gặp lại thì đây là lần cuối cùng".

Quả nhiên đó là lần gặp cuối cùng của vị tướng và nhà thơ. Nguyễn Sơn đi Trung Quốc, cầm quân chí nguyện sang Triều Tiên đánh Mỹ. 


Sau đó ông về nhà và mất ở Hà Nội.

Khi Nguyễn Sơn còn sống, Hữu Loan không hề viết một lời ca tụng, thậm chí còn làm tiêu tan tập bản thảo về ông. Nhưng vị tướng đi rồi, nhà thơ đã khóc ông bằng một bài thơ phong cách rất Hữu Loan.




Vị tướng và nhà thơ:


Nguyễn Sơn như con tàu biển khổng lồ

mang giông tố đại dương đi đến đâu

            không 

               cho 
                  sóng 
                     ngủ
Nguyễn Sơn như núi lửa mọc ở đâu
là gây những đám cháy 
               vòng quanh

Từ Vạn Lý Trường Chinh
Nguyễn Sơn về Liên khu Tư 
những năm đầu kháng chiến
Liên khu Tư của  
         Nghệ Tĩnh lầm lỳ

và nước Liên khu Tư
đã biết thế nào là giông biển
và rừng Liên khu Tư 
đã biết thế nào là cháy rừng.
Phải vì Đất như giường hẹp
Nằm thừa 
         đầu 
            thừa 
               chân
phải vì giường không đầu
một bước đi vạn lý
Nguyễn Sơn ra đi
            không 
               ai 
                  ngờ...
Những thằng đại xu nịnh ngày xưa
                  trở mặt
nhưng lịch sử và thời gian
            không 
               bao 
                  giờ 
                     phản trắc
Còn vang dội mãi rừng núi Nưa
tiếng Nguyễn Sơn 
            một 
               lần 
                  truyền 
                     hịch
còn vang dội mãi những tâm hồn
những o gái Liên khu Tư 
mắt xanh màu Trường Sơn
mang trong mắt hình ảnh người
Râu - Hùm, Hàm - Én.
gần thì sợ ghê
nhưng xa thì nói
         không bao giờ hết chuyện
những gánh trống chèo
         những kèn đồng gươm gỗ
lỉnh kỉnh
gánh gồng khiêng vác
những gia đình nghệ nhân toàn gia
dắt dìu bế bồng
không chỗ nào là không tụng ca
người mê xem quân nhân văn nghệ
                  Nguyễn Sơn

Nhưng ngày 22 tháng 10 
đọc báo Nhân Dân thấy đăng cáo phó
"Thiếu tướng Nguyễn Sơn
đã từ trần!"

- Thiếu tướng Nguyễn Sơn nào?
- Làm gì có mấy Nguyễn Sơn!
Đành rằng sống chết con người tại số
nhưng hình như có bàn tay
Định 
   mệnh 
         khốc 
            liệt 
               nào
đặt lên cung kiếp Nguyễn Sơn
Một cuộc đời ngắn ngủi
bao nhiêu là bất thường
bất thường đến
bất thường đi 
về bất thường 
chết lại càng
                 không 
                       đúng lúc!

Văn nghệ sĩ bao người đã khóc
khi đọc báo Nhân Dân
            thấy cáo phó Nguyễn Sơn
Và ngày 22 tháng 10 trên khắp nẻo đường Thủ đô
một đám tang đã diễu hành
một đám tang
         cờ đỏ liệm quan tài
nấc lên màu huyết...
Một đám tang đi
         không 
            bao 
               giờ 
                  tới 
                     huyệt!



Hà Nội, 1956
---



XEM THÊM

Tướng Nguyễn Sơn trong ký ức nhà thơ Hữu Loan

Phạm Văn Sĩ*



Thiếu tướng Nguyễn Sơn cho gọi Hữu Loan lên nơi làm việc của ông, trong một vườn cây của dân, ở thôn Quần Tín để bàn: Ngừng phát hành tập san Hoa Lúa, và tăng cường hết lực lượng cho báo, khi đổi tên báo Chiến sĩ, thành báo Vệ Quốc quân trong tình hình mới. Một việc khác khá lý thú là Hữu Loan được Tướng Nguyễn Sơn giao cho dịch một bài thơ từ tiếng Trung Quốc sang tiếng Việt...

Nhà thơ Hữu Loan kể:

- Đêm về, tôi sắp xếp công việc cụ thể cho các anh Vũ Cao, Hà Khang, Nguyễn Đình Tiến rồi dịch "Biệt tình thư", theo Tướng Nguyễn Sơn căn dặn: "Đây là chuyện của riêng mình, nhưng lại liên quan đến nhiều vấn đề. Là nhà thơ, cậu dịch ngay để ngày mai (27-10-1949) mình kết hợp nói Truyện Kiều cho thầy trò Trường Thiếu sinh quân cùng học viên Trường Văn hoá kháng chiến, tại đình làng Sim. 
Cậu phải đi dự cuộc nói chuyện này, để có một bài trên số báo mới"...

Nhà thơ Hữu Loan kể tiếp:

- Thời đấy tôi được giao làm chủ bút tờ báo trên. Hễ có việc gì về tuyên truyền, văn học là anh Sơn cho gọi tôi lên bàn bạc rất thân mật...

"Biệt tình thư" là bài thơ chép tay chữ Trung Quốc trên tờ giấy nhỏ màu xanh, hơi thô, có góc đã nhoè ố, trên cùng là hàng chữ rất nhỏ "yêu quý gửi anh Hồng Thuỷ - một người con của đất nước Việt Nam".

Tôi rất hứng thú với công việc này nhưng chữ Trung Quốc mới, có rất nhiều từ khác với vốn Hán Nôm mà tôi đã học. Tôi chỉ dịch thoáng, cốt đạt cái thần và giữ được nhịp điệu của nguyên tác với tấm lòng trân trọng nâng niu.

Tôi cũng đã ghi lại được cảm xúc của mình khi dịch bài thơ. Và tôi rất tiếc sau này cho đến khi anh Sơn qua đời, tôi không còn dịp nào đọc lại cho anh nghe mấy câu thơ cảm hứng của tôi về người con gái đã viết "Biệt thư tình":

"Cảm ơn đời ban tặng/ Những anh hùng vĩ nhân/ Gươm/ Đàn/ Gánh múa xuân/ Mái chèo/ Hai non nước/... Tôi khóc/ Em cầu ước/ Khiêm nhường/ Làm cỏ xanh.../ Nâng bước chân quân hành/ Người anh hùng lưỡng quốc"...

...Đình làng Sim thuộc huyện Thọ Xuân - Thanh Hoá bấy giờ rộng như một hội trường lớn. Gần một trăm Thiếu sinh quân lớp lớn tuổi cùng nhiều học viên "Trường Văn hoá kháng chiến" đã có mặt. Hai hàng ghế đóng tạm bằng bìa gỗ kê sát tường đình gần bàn diễn giả, dành riêng cho các nhà nghiên cứu, anh em văn nghệ sĩ. Tôi - Hữu Loan ngồi bên Trần Dần, Phạm Duy, tiếp là Vũ Ngọc Phan, Đào Mộng Long, Nguyễn Đức Nùng, Nguyễn Tuân, hoạ sĩ Phan Chánh... Dãy ghế đối diện dành riêng cho các thầy cô giáo Trường Thiếu sinh quân như giáo sư Trương Tửu, Nguyễn Tiến Lãng, Đinh Văn Vinh, Cao Đắc Quỳ (phó giám đốc), Nguyễn Sanh Kha, Văn Bình, Nguyễn Công Tiến, Phạm Gia Cát, Trần Quang Chiến, Phạm Việt Thường, nhà điêu khắc Phạm Thị Kim và vợ chồng nghệ sĩ Trúc Quỳnh, cùng một số chị em khác trong đoàn kịch chính trị...

Trước phút làm việc, tôi nghe mấy người đang kháo nhau chuyện hoạ sĩ Phan Chánh "bị mất tích" ở chợ Thượng, thị xã Đức Thọ - Hà Tĩnh. Thường ngày Phan Chánh cần mẫn ngồi vẽ tranh thuỷ mạc, tranh truyền thần. Một hôm, có một người khách lạ, mắt sáng, tóc rậm hơi quăn, nước da bánh mật, mặc áo khoác, đi ủng, đặt Phan Chánh vẽ "chân dung một ông tướng". Phan Chánh nhìn vị khách tự tin nhận lời và thầm nghĩ: mình sẽ vẽ "ông tướng" theo trí tưởng tượng qua nhân vật ước lệ trong tuồng cổ với đôi nét giống người khác đặt hàng. Chỉ mấy hôm sau, "người khách lạ" đến trả tiền, nhận chân dung, chẳng khen mà cũng không chê tranh vẽ, nhưng nét mặt ông rất vui... Sau cái ngày đó, Phan Chánh "bị mất tích". Cả gia đình, họ hàng rất lo, không biết Phan Chánh đi đâu? Mãi sau này mới hay "người khách lạ" đó chính là Tướng Nguyễn Sơn đã bí mật đưa Phan Chánh cùng nhiều anh em văn nghệ sĩ khác ra Trường Văn hoá Kháng chiến Liên khu IV ở chiến khu Thanh Hoá. Hôm nay, họ cũng có mặt, háo hức nghe Tư lệnh Nguyễn Sơn nói Truyện Kiều...

Hữu Loan nhớ mình gặp Nguyễn Sơn lần đầu tiên ở Đèo Cả. "Ông tướng này", đã gây cho nhà thơ bao nhiêu ấn tượng mãnh liệt... Hồi đó, Nguyễn Sơn cưỡi con ngựa bạch rất oai phong mà lãng mạn "Ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in". Nhưng Nguyễn Sơn không mặc "áo đỏ ráng pha" mà là áo quân phục của vị tướng anh hùng từ Vạn lý trường chinh huyền thoại trở về, với cương vị mới "Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến miền Nam Việt Nam". Nguyễn Sơn đã gợi hứng thú cho Hữu Loan viết bài thơ "Đèo Cả" đầy chất lãng mạn hiện thực về các chiến sĩ Nam tiến, anh dũng bằng thể lục bát, sau mới chữa lại thành thể thơ tự do cho hợp với nhịp điệu hùng tráng của "Đoàn quân Việt Nam đi../ chung lòng cứu quốc". Và ông lại vụt có mặt ở Liên Khu IV, với cương vị Tư lệnh trưởng của căn cứ địa kháng chiến hết sức quan trọng của cả nước, sau căn cứ địa Việt Bắc.

Các ngả đường vào làng Sim được bộ đội cùng một số Thiếu sinh quân lớn tuổi đứng canh với quần áo nai nịt gọn gàng. Có cả súng và kẻng báo động khi có máy bay địch từ xa. Những ai được nghe nói Truyện Kiều đều có người hướng dẫn hoặc có giấy mời riêng được vào làng.

Từ sáng sớm cuộc nói chuyện đã bắt đầu. Anh Lê Thuyết, Giám đốc Trường Thiếu sinh quân giới thiệu xong, Thiếu tướng Nguyễn Sơn bước vào. Ông đặt chiếc mũ phớt và cuốn sổ lên mặt bàn cũ có trải tấm vải nhựa màu rêu, rồi vào đề luôn.

"Theo đề nghị của nhiều anh em, các thầy giáo, học viên Trường Thiếu Sinh Quân và Trường Văn hoá kháng chiến, tôi xin dành ít phút nói về Vạn lý trường chinh qua một bài thơ, có liên quan đến Truyện Kiều là chủ đề chính tôi cần nói hôm nay. Vạn lý trường chinh là gì? Là, cuộc chiến đấu phá vây mở đường vô cùng ác liệt, gian nan anh dũng của Bát Lộ Quân để nối liền các căn cứ kháng chiến của cách mạng Trung Quốc từ phương Nam lên phương Bắc, để có sự ủng hộ quốc tế của nước Nga Xô viết. Tôi không phải là nhà thơ nhưng cũng đã ghi nhật ký Trường Chinh bằng mấy câu thơ như sau:

Bao đồng chí hy sinh / Máu nhuộm hồng tuyết phủ / Máu cháy lên thành lửa / Soi sáng đường Trường Chinh...

Thời ấy, tôi được giao nhiệm vụ làm Chính uỷ phân đội Đông Giang, thuộc cánh quân Tả Ngạn do đồng chí Chu Đức, Lưu Bá Thừa và Trương Quốc Đào lãnh đạo. Khi vượt qua vùng đầm lầy vô cùng gian khổ khốc liệt, Trương Quốc Đào phản bội, bàn cho chuyển quân về phía Nam theo Quốc dân Đảng, bấy giờ Tưởng Giới Thạch đã thay lãnh tụ Tôn Trung Sơn. Nhiều đồng chí trong đó có tôi kịch liệt phản đối. Trương Quốc Đào kiếm cớ vu khống tôi là "gián điệp quốc tế" rồi khai trừ tôi ra khỏi Đảng và còn âm mưu hãm hại tôi. Cuối cùng đơn vị của tôi bị đánh úp bất ngờ. Hơn nửa số quân trong đơn vị bị hy sinh. Riêng tôi cũng bị thương và bị thất lạc. Tôi phải tìm về với đồng bào dân tộc Tạng để xin ăn, làm các việc kéo xe, chăn ngựa, phải mấy tháng mới về được Diên An. Trong Hội nghị Phương Nghĩa, tôi đã được Chu Đức, Lưu Bá Thừa bảo vệ và được Mao Trạch Đông khôi phục lại danh dự cùng một số đồng chí khác và lần thứ hai tôi lại được kết nạp vào Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trong những ngày bi tráng tột cùng ấy, tôi nhận được một lá thư. Thực ra, đó là bài thơ tình có tên "Biệt tình thư" cổ vũ khuyến khích tôi vượt lên chiến đấu trong hàng ngũ Bát Lộ Quân vì cách mạng vô sản của hai nước Trung - Việt anh 
em như cụ Hồ thời đó là đồng chí Lý Thụy đã giao nhiệm vụ cho tôi.

Tôi đã nhận được bản dịch của anh Hữu Loan. Bản dịch rất sát, rất hay tuy có vài ba chỗ không quan trọng tôi phải chữa. Tôi xin đọc bản dịch đó:

"Hỡi chàng trai nước Việt/ Đã rời Tổ quốc mình/ Đến Quảng Châu khởi nghĩa/ Tiếp một thời Trường Chinh/ Máu chàng từng đã đổ/ Nơi rừng thẳm tuyết dầy/ Hoà máu quân Bát Lộ/ Đỏ màu cờ hồng bay/... Có thời như Từ Hải/ Tướng kiêu hùng kém ai?/ Có ngày buồn chăn ngựa/ Vẫn đội trời chí trai/ Em khóc hơn Thuý Kiều/ Vì yêu chàng chưa ngỏ.../ Đường Trường Chinh đạn lửa/ Quân Bát Lộ còn đi/ Trung Quốc ngày giải phóng/ Ước mơ em hẹn thề/ Hỡi chàng trai nước Việt/ Dù ngàn trùng bể dâu/ Dẫu kiếp này li biệt/ Em hẹn chàng kiếp sau..."

Tiếng nói của Nguyễn Sơn khi thường vẫn oang oang, nhưng đọc thơ lại trầm ấm cuốn hút người nghe kỳ lạ. Hai hàng ghế bên bàn diễn giả, anh em văn nghệ sĩ cùng đứng dậy vỗ tay. Hàng trăm Thiếu sinh quân cùng bắt chước đứng lên phấn khích hoan hô nhiệt liệt. Nguyễn Sơn xoay người ra hai phía ra hiệu cho mọi người ngồi xuống yên lặng.

Tôi - Hữu Loan thì thầm khẽ với Phạm Duy:

- Nói về Kiều mà vào đề bằng Vạn lý trường chinh rồi từ bài thơ của cô sinh viên quê Thôi Hiệu - Hoàng Hạc Lâu mà dẫn đến Từ Hải, Thuý Kiều rồi nói đến tình cảm cách mạng chiến đấu quốc tế giữa hai nước Trung - Việt quả là một phương pháp đầy kịch tính bất ngờ và hấp dẫn.



Phạm Duy gật đầu.

- Ông tướng Nguyễn Sơn nhà mình quả là tài hoa uyên bác! Tôi lại bấm Phạm Duy yên lặng để nghe Tư lệnh Nguyễn Sơn đang tiếp tục câu chuyện:

"Sở dĩ cô gái viết "Biệt tình thư" có nhắc đến Kiều, Từ Hải vì cô rất yêu Truyện Kiều của Nguyễn Du. Để có tình yêu đó không phải là ngẫu nhiên. Rất nhiều đêm bên đống lửa trong rừng sâu tuyết phủ, tôi đã kể Truyện Kiều cho các chiến sĩ Bát Lộ nghe. Nhiều người trong đó có cô gái sinh viên đã nhớ hết nhân vật trong Kiều, thậm chí cô còn thuộc được nhiều câu Kiều bằng tiếng Việt Nam. Một hôm tôi mới hỏi: Trong chúng ta có ai biết Thanh Tâm Tài Nhân là ai không? Mọi người im lặng! Thế là tôi lại kể về Thanh Tâm Tài Nhân người Trung Quốc đã viết Kim Vân Kiều truyện. Và thi hào Nguyễn Du Việt Nam đã "mượn" các nhân vật và cốt truyện của Thanh Tâm Tài Nhân mà viết nên kiệt tác Đoạn trường Tân Thanh để lên án chế độ phong kiến nhà Nguyễn buổi suy tàn, để ông vua Tự Đức thời bấy giờ biết Nguyễn Du đã "lấy người nói ta, lấy xa nói gần" nhưng đành "ngậm bồ hòn làm, đòn đau mà cười gượng", giận, tức Nguyễn Du lắm nhưng không có cớ gì để bắt tội được nhà thi sĩ nổi danh Bắc Hà".

Tôi - Hữu Loan còn rất nhớ những lời Tướng Nguyễn Sơn nói:

"Sở dĩ ở Trung Quốc ít người biết tới Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, vì tác giả này chỉ dừng lại ở một câu chuyện phù phiếm, nhạt nhẽo, mô tả khách làng chơi "mua nguyệt bán hoa" của bọn Tú Bà, Bạc Bà, Bạc Hạnh, cùng bọn nhà giàu, bọn quan lại. Truyện không hề có tính triết lý nhân văn, không ý nghĩa xã hội và nghệ thuật hết sức tầm thường. Cụ thể Từ Hải của Thanh Tâm Tài Nhân có gốc tích một tay học trò dốt, làm nghề mổ bò, giết trâu, tiếp là đi cướp của và bắt cóc gái đẹp....

Với Nguyễn Du, Từ Hải được sáng tạo thành hình tượng anh hùng cứu thế, cứu nhân, đưa Kiều ra khỏi lầu xanh của Tú Bà, mang lại cho nàng những ngày sống thoả lòng ân oán và hạnh phúc dù ngắn ngủi. Với Thuý Kiều trong "Kim Vân Kiều truyện" chỉ là cô gái mắc cạn, phải bán mình chuộc cha. Khi Bạc Bà, Bạc Hạnh đưa Kiều đến nhà Tú Bà để hầu khách làng chơi, ngồi trong kiệu, Kiều tỏ ra vui vẻ, mãn nguyện với việc dâm ô mà mình sẽ làm ở lầu xanh. Trái lại Kiều của Nguyễn Du không chỉ đẹp nghiêng nước, nghiêng thành mà trong hoàn cảnh ô trọc ghê tởm đó, nàng đã thét lên những lời căm thù oán hận:

Chém cha cái kiếp má đào.../ Tiếc thay nước đã đánh phèn.../ Đau đớn thay phận đàn bà.../"

Tướng Nguyễn Sơn đọc thơ Kiều mà xúc động thật sự như có lệ rơi, tiếng khóc, như cụ Nguyễn Du đã hiện về nhập vào ông mà gào lên nỗi đau thương cho thân phận nàng Kiều...

"Các bạn Trung Quốc, các chiến sĩ Bát Lộ Quân yêu thích Truyện Kiều Việt Nam vì cái lẽ như thế...

Thưa các bạn, thưa các cháu Thiếu sinh quân! Vậy mà ngay trên đất Việt Nam chúng ta hầu hết người dân Việt Nam đều yêu thích và rất nhiều người thuộc Truyện Kiều, thì giáo sư Trương Tửu lại giảng Kiều cho thế hệ trẻ một cách sai lệch không thể chấp nhận được... Lý do tôi nói Truyện Kiều hôm nay vì tôi đã đọc được ở những cuốn vở ghi chép của các em ở lớp chuyên khoa đệ nhất. Các em đã ghi lời giảng văn của giáo sư Trương Tửu thế này: " Kiều mắc bệnh uỷ hoàng - một thứ bệnh sinh lý luôn căng thẳng bởi tình dục đòi hỏi. Kiều bán mình chuộc cha rồi vào lầu xanh là sự kết hợp hai mặt báo hiếu với sự giải thoát tình dục, giải thoát sự ham muốn khát khao của thời con gái có nhan sắc..."

Tôi - Hữu Loan cảm nhận như cả khối người trong đình làng Sim đều nín thở, cùng mọi vật trong không gian lặng im cho Tư lệnh Nguyễn Sơn diễn thuyết. Ông nói tiếp:

"Giáo sư Trương Tửu hoàn toàn hỏng. Rất hỏng. Bởi phải giảng Kiều với ý nghĩa xã hội, với triết lý, đạo lý nhân văn sâu sắc, Kiều là sản phẩm của mọi quan hệ đời sống. Thì, giáo sư lại giải thích Kiều bằng quan điểm phân tâm học của Freud. Các em đã ghi lời giảng của giáo sư rằng: Kiều tự nguyện bán mình là sự thúc bách muốn chuộc cha cùng sự nén ép hưng phấn căng thẳng của chất biliđo - tức là dục vọng không chỉ có ở giới nữ mà ở cả giới nam và rộng hơn là giống đực và giống cái trong sự tranh đua sinh tồn thoát ra ngoài ý muốn xã hội. Tôi không nghi ngờ và rất khâm phục sự thông thái biết rộng ở giáo sư Trương Tửu. Nhưng tiếc thay giáo sư lại sắm vai một y sĩ phân tâm học Freud để suy diễn, bình luận về Truyện Kiều, mà lầm Truyện Kiều chỉ là cuốn giáo trình trần trụi thô thiển về tâm lý, sinh lý học...
Về nghệ thuật, tại sao giáo sư Trương Tửu lại kết luận thơ lục bát nói chung và ở Truyện Kiều nói riêng là sản phẩm nô lệ của dân tộc và âm điệu của nó tiến tới chỗ diệt vong bởi sự bế tắc trong trùng kỳ tiến hoá của nhân loại. Tại sao giáo sư có thể giải thích Nguyễn Du, cùng bố là Nguyễn Nghiễm và anh là Nguyễn Khản đều lây truyền bệnh uỷ hoàng tình dục được thăng hoa phát tiết trong nghệ thuật tuyệt đỉnh của Truyện Kiều. Khoa học kỹ thuật cùng mặt nào đó của văn hoá Tây phương ta phải biết thừa nhận, tiếp thu nhưng không phải vì thế mà ta lại tự nhìn ta bằng tâm lý tự ti và miệt thị.

Tôi đề nghị giáo sư Trương Tửu hãy rời thế giới quan phương Tây mà về với thế giới quan biện chứng dân tộc, sẽ tránh được sai lầm, sẽ bắt được cái thần, cái tình tuyệt đắc của Truyện Kiều để "tam bách dư niên hậu" cụ Tố Như không còn khóc, cụ có thể mỉm cười vì thế hệ chúng ta đã hiểu được những điều sâu xa cụ đã ký thác trong tác phẩm..."

Cả hội trường lại vang lên tiếng vỗ tay. Giáo sư Trương Tửu đã đến đúng lúc bên bàn diễn giả Tư lệnh Nguyễn Sơn. Hai tay giáo sư chìa ra xin được nắm tay Tư lệnh:

- Cảm ơn Thiếu tướng Nguyễn Sơn. Tôi sẽ tiếp thu tất cả những ý kiến phê phán của anh. Tôi sẽ viết lại Nguyễn Du với Truyện Kiều theo quan điểm Mácxít mà anh là người đã lật sáng cho tôi thay đổi thế giới quan và phương pháp luận.

Một tràng vỗ tay như trân trọng dành riêng cho thầy giáo - giáo sư Trương Tửu - một người có vốn tri thức Đông Tây sâu rộng, có thể tìm được một chỗ làm việc ấm thân trong chính quyền phong kiến thuộc Pháp nhưng giáo sư đã chấp nhận đi con đường kháng chiến rất gian khổ giành độc lập cho nước nhà. Giáo sư đã không tự ái bởi Tư lệnh Nguyễn Sơn đã phê phán đúng vào những khiếm khuyết sai lệch nghiêm trọng, khi ông nghiên cứu về Truyện Kiều. Sự khẳng khái đó của giáo sư Trương Tửu đã khiến cho Tư lệnh Nguyễn Sơn cùng tất cả những người nghe rất thông cảm và kính trọng.



Trước giờ làm việc buổi chiều, tôi - Hữu Loan thấy Tư lệnh Nguyễn Sơn còn nô đùa thân mật với mấy em, mấy cháu nhỏ Thiếu sinh quân. Ông bế xốc em liên lạc lên, rồi chìa cái cằm "râu hùm" lởm chởm của mình cà lên má em làm cho em cười thét lên mới thả em ra. Mọi người đứng vây quanh cùng cười rất vui khi nghe Nguyễn Sơn giải thích:

- Cái hôn cù nôn ấy là phạt cậu ta đi đưa thư về, ăn cơm không kịp rửa bát, chui vào màn ngủ lại còn gác chân lên bụng Tư lệnh trưởng, tới gần sáng đánh thức mới biết...

Đến giờ làm việc, mọi người lại kéo vào đình. Tiếng của Tư lệnh Nguyễn Sơn oang oang lúc trầm, lúc bổng. Ông đi thẳng xuống giữa khối Thiếu sinh quân ngồi theo hàng. Ông quay sang phía bên phải, chỉ vào một cậu bé mặc áo chàm, có giây nịt gọn gàng.

- Cháu đứng lên. Tư lệnh hỏi. Chú bé bật lên như lò xo.

- Thưa Tư lệnh! Cháu phải làm gì ạ!

- Tên cháu là gì? Cháu nói to lên cho mọi người cùng nghe.

- Dạ! Tên cháu là Phùng Quán ạ!

- Có phải Phùng Quán quê ở Huế có cậu là...? Nếu tôi không nhầm, ở giờ trước, sau khi tôi đọc thơ cháu đã hô "Sapaep muôn năm".

- Dạ thưa Tư lệnh! Đúng cháu có hô lên như thế vì cháu rất ngưỡng mộ... Cháu xin nhận kỷ luật, nếu là sai phạm ạ!

- Cháu ngồi xuống đi. Cháu không có lỗi. Tất cả những người chiến sĩ cách mạng, bảo vệ Tổ quốc, giải phóng cho nhân dân mình dù ở dân tộc Nga, Trung Hoa hay Việt Nam cũng đều có một nét chung rất đáng trân trọng... Nhưng dù là Sư trưởng Sapaep chống lại quân thù trong cuộc nội chiến ở nước Nga hay một tư lệnh, một nguyên soái nào, có ngưỡng vọng mấy đi nữa cũng không nên hô "muôn năm"! Rồi đây các em, các cháu phải thay lớp cha anh. Măng non sẽ thay tre già... Tre già cứ "muôn năm" thì măng non còn chỗ nào mà chui lên được? Các cháu phải học giỏi, luyện tài, tích đức thì "Con mới hơn cha. Mới có phúc nhà lộc nước". Chúng ta đều nhất trí như thế chứ!".

Không ai bảo ai, cả hội trường náo nhiệt vang lên tiếng "Đồng ý, đồng ý". Tư lệnh Nguyễn Sơn lại vẫy tay cho mọi người ngồi yên lặng rồi bước lại bàn diễn giả với giọng sôi nổi:

"Lịch sử đã chứng minh chỉ có bọn vua chúa, thực dân đã quen cưỡi lên đầu lên lưng người khác, dân tộc khác, mới bắt người ta hô "muôn năm", "vạn tuế". Nghĩa là chúng muốn mãi mãi vĩnh hằng, "Con sãi ở chùa cứ quét lá đa", để chúng "ngồi mát ăn bát vàng". Đã đến thời khắc mới, dân tộc Việt Nam ta cùng nhiều dân tộc khác đã và đang nổi can qua bão táp để quét sạch chúng đi. Chúng ta kháng chiến đánh đuổi giặc Nhật, giặc Pháp để giành độc lập tự do, người cày có ruộng, công nhân có nhà máy và trẻ thơ như các cháu, các em được đến trường học. Dân tộc ta sẽ phấn đấu để không còn bị bóc lột, bị bần cùng đói rách, bị miệt thị. Quan điểm đó của Đảng, của Bác Hồ là biện chứng duy vật. Nghĩa là Đảng ta về mặt triết học, thừa nhận mọi hiện tượng vật thể cùng các hình thái ý thức xã hội luôn vận động phát triển không hề có bất biến cố hữu. Ai cứ khư khư tự tôn mình là "muôn năm", "vạn tuế" là duy tâm siêu hình là "muốn nằm" là chết, là hết. Bác Hồ Chí Minh của chúng ta đã có dịp nhắc nhở các cán bộ cấp dưới rằng: Các chú đừng trương quá nhiều khẩu hiệu muôn năm về Bác, mà nên viết: Hoan hô Chính phủ Hồ Chí Minh chẳng hạn thì tránh được tôn sùng cá nhân mà đoàn kết rất rộng. Tổ quốc ta, nhân dân Việt Nam ta, mới là muôn năm, vạn tuế. Chúng ta hãy làm mọi việc tốt cho quyền lợi chung trong đó có riêng mình là kháng chiến thành công, kiến quốc thắng lợi, cho nhân dân ta được độc lập tự do hạnh phúc, Tổ quốc ta được giàu mạnh phồn vinh. Đó cũng là quan điểm duy vật lịch sử của Đảng ta về chủ nghĩa xã hội khoa học. Chúng ta phải vừa đánh giặc, vừa giác ngộ những vấn đề lý luận và thực tiễn như thế..."

Buổi nói Truyện Kiều thật sự là cuộc tập huấn chính trị tư tưởng bổ ích chưa từng có, kéo dài quá chiều tà mới kết thúc.

Tối hôm đó, tôi - Hữu Loan được ăn cơm với Tư lệnh Nguyễn Sơn. Tư lệnh Nguyễn Sơn giới thiệu cho biết về anh Võ Trí Sơn là con cụ Võ Liêm Sơn - một nhà trí thức yêu nước. Về anh Nguyễn Tiến Lãng là em vợ nhà thơ Tản Đà, trước khi làm thư ký riêng cho Nguyễn Sơn đã từng là Đổng lý văn phòng cho Nam Phương Hoàng hậu. Anh Lãng đang dành hết tâm huyết vừa dạy tiếng Pháp cho Thiếu sinh quân vừa dịch chủ nghĩa Mác từ tiếng Pháp sang tiếng Việt. Nguyễn Sơn lưu ý: Cũng như giáo sư Trương Tửu các anh đều là con nhà trâm anh thế phiệt, chưa biết gian khổ là gì, vậy mà đi theo Chính phủ Hồ Chí Minh kháng chiến, chấp nhận mọi bề gian khổ thiếu thốn cùng bộ đội ta thì Vạn lý trường chinh của Việt Nam, nhất định thắng lợi, kháng chiến, kiến quốc của ta nhất định thành công...

Đêm về, trời trở gió, Tướng Nguyễn Sơn bỏ chiếc tẩu thuốc lá đang cháy dở, khi ông ho lên những cơn đột ngột. Chị Vũ Thị Bích Hồng là y tá của Trường Thiếu sinh quân cùng một bác sĩ và anh Lê Thuyết đưa Tướng Nguyễn Sơn đi nằm nghỉ. Đêm đó, chị Hồng kể cho Hữu Loan nhiều chuyện về người bác, là anh họ mẹ mình - Tên khai sinh của ông là Vũ Nguyên Bác - Có nghĩa là "uyên bác". Trong Vạn lý trường chinh, ông đổi tên là Hồng Thuỷ, để thể hiện lòng chung thuỷ của mình với Đảng Cộng sản Trung Quốc. Thời kỳ vượt qua vùng đầm lầy ông đã bị thương rồi bị sưng phổi. Ba lần vượt qua các đỉnh núi tuyết, lạnh rét, ông vẫn tái lại những cơn ho. Về Việt Nam làm việc nhiều và căng thẳng, thỉnh thoảng bệnh phổi của ông lại tái phát. Kể về người bác của mình, chị Hồng nhiều lúc rơm rớm nước mắt. Đêm đó Tướng Nguyễn Sơn cũng không cho báo tin về để vợ ông là chị Hằng Huân biết. 

Cũng từ đấy ấn tượng về Tư lệnh Lưỡng Quốc tướng quân Nguyễn Sơn trong tâm trí tôi cứ như ngọn lửa mỗi ngày càng lung linh, càng ấm sáng. Những câu thơ về ông bắt đầu vang vọng trong hồn tôi:

"Nguyễn Sơn như con tàu biển khổng lồ/ Mang giông tố đại dương/ Đi đến đâu không cho sóng ngủ/ Nguyễn Sơn là núi lửa/ mọc ở đâu gây những đám cháy vòng quanh..."

Trước đây, cái chất kiêu hùng, lãng mạn của Tướng Nguyễn Sơn truyền vào trong những câu thơ của tôi bắt đầu qua những người lính, người chiến sĩ kiên cường ở Đèo Cả, Quách Xuân Kỳ, Yên Mô... Còn sau này tôi thấy phải viết về một vị tướng đầy chất huyền thoại bằng xương bằng thịt chứ không chỉ là chân dung ước lệ như hoạ sĩ Nguyễn Phan Chánh đã vẽ...

Cho đến ngày tôi nhận được tin đau buồn đột ngột - Báo Nhân Dân đăng cáo phó Tướng Nguyễn Sơn bị ung thư phổi qua đời ngày 21-10-1956. Cổ tôi nấc nghẹn, nước mắt cứ trào ra khi tôi viết tiếp những vần thơ về ông buổi đưa tang "người đi không tới huyệt" gây xúc động tiếc thương vô hạn cho quân đội và nhân dân hai nước Việt - Trung.

Và người viết "Biệt tình thư" giờ ấy ở đâu? Đã anh dũng hy sinh hay còn sống? Nếu biết được tin này chắc cũng sẽ gào khóc hơn cả tôi đang khóc về ông! Nguyễn Sơn ơi! Ông có nghe...?

---------------------------------------- 
* Phạm Văn Sĩ: Hiện ở nhà số 8, phố Lý Tự Trọng, phường Ngọc Trạo, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hoá.










---
Những entry liên quan đã đi trên blog này:

4 nhận xét:

  1. Một trích đoạn bài NHÀ THƠ HỮU LOAN - MỘT TÍNH CÁCH XỨ THANH trong tập Lý luận - Phê bình: Đi dọc cánh đồng thơ - Tập 1 của tác giả Trịnh Thanh Sơn:

    "Tôi hỏi:

    - Có phải thiếu tướng Nguyễn Sơn xem Màu tím hoa sim của anh, thấy có những câu làm "bớt chí chiến đấu" cho nên ông ấy không muốn cho truyền bá không?

    Hữu Loan bảo:

    - Làm gì có! Tớ thấy việc khóc vợ nó riêng tư quá, in ra lại đau cho mình, nên không in đấy thôi. Về sau này, đến hết cuộc kháng chiến chống Pháp mới in. (Trên tờ Trăm Hoa do Nguyễn Bính phụ trách T.T.S.).

    Thiếu tướng Nguyễn Sơn, Tư lệnh Quân khu Bốn, rất mến anh em văn nghệ. Chính nhờ ông mà thời ấy, văn nghệ sĩ khu Bốn làm được nhiều việc và trở thành một lực lượng mạnh, chẳng kém gì các địa phương khác như Khu Ba, Việt Bắc, Nam Bộ và Khu Năm.

    Nguyễn Sơn rất quý Hữu Loan, vì một lần, có một số người nịnh ông, bảo viết một tập sách về cuộc đời hoạt động cách mạng của ông. Ông cũng thấy thích và cứ để cho họ viết. Khi bản thảo hoàn thành, ông bảo họ đưa cho Hữu Loan đọc duyệt hộ. Được tin ấy, Hữu Loan tìm gặp Nguyễn Sơn, thẳng thắn trả lời:

    - Tôi không nhận đọc tập sách của anh đâu!

    - Sao vậy?

    - Tôi thấy không nên ra!

    Nguyễn Sơn hơi khó chịu, nhíu lông mày:

    - Thì mình đi hoạt động cách mạng, có gì viết nấy... chúng nó đặt tên cho mình là "Sapaép Việt Nam", chứ mình có dám nhận đâu!

    Hữu Loan cười:

    - Còn thiếu gì lúc viết, bây giờ thì chưa nên. Đang kháng chiến, đến Cụ Hồ cũng không muốn cho ai viết thêm gì về cuộc đời của mình, huống gì anh...

    Nguyễn Sơn im lặng không nói gì. Đến khi ông được lệnh sang Trung Quốc, để giúp nhân dân Triều Tiên đánh Mỹ, bàn giao Quân khu lại cho người khác. Hôm đó, Hữu Loan ghé vào một hàng phở ngon, gọi là phở Tàu Bay ở Hậu Hiền (Thanh Hóa), ăn xong, sắp trả tiền thì thấy tướng Nguyễn Sơn đi đến.

    Thiếu tướng Nguyễn Sơn níu Hữu Loan ngồi lại:

    - Hãy ngồi xuống đây đi. Anh em đã chuyển đến địa điểm mới rồi, sao Hữu Loan không đi?

    - Tôi rất nhớ anh, muốn ở lại để tiễn anh!

    - Tôi cũng thế. Tôi phục anh đấy. Hồi ấy, không nghe lời anh can mà cứ cho ra cuốn sách kia, thì bây giờ tránh sao khỏi điều này, điều nọ...

    Nói rồi, Nguyễn Sơn siết chặt tay Hữu Loan, từ biệt".

    ------

    hatuyenha:

    Cám ơn bạn Fddinh@,mẩu chuyện của bạn sưu tầm được là do một người khác viết ,tên người này mình chưa biết.Còn chính chú Hữu Loan đã tự kể và đăng trên báo Văn nghệ chuyện này bạn ạ.Trong quyển "Nguyễn Sơn-Lưỡng quốc tướng quân" có bài này.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chi tiết nhà thơ Hữu Loan thẳng thắn khuyên tướng quân không in sách ca tụng mình vào năm 1948 (tuy lúc đầu cụ Nguyễn Sơn nghĩ đơn giản là họ viết cũng không sao), quả là chi tiết đắt giá !

      Xem đường link mới biết Khoằm đã có giao lưu với con gái của cụ Nguyễn Sơn từ lâu rồi nhỉ !

      Xóa
    2. Năm 2007, một số thành viên từ các box LSVH, GDQP, KTQSNN của xứ Tốn Tiền Vô Nghĩa tách ra lập diễn đàn quansuvn.net, em cũng theo sang đó.

      Cô Hà bắt đầu chơi mạng sau khi quansuvn.net chính thức chạy ổn định, khi ấy cô còn đang tập mổ cò bác ạ, em chỉ mới biết cô trên mạng, chưa được gặp bên ngoài.

      Xóa
  2. Đọ bài viết thú vị quá!Riêng tôi xem đây là một trong những tư liệu lịch sử về tướng Nguyễn Sơn

    Trả lờiXóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.