Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀
Hiển thị các bài đăng có nhãn nguyễn-đình-lộc. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn nguyễn-đình-lộc. Hiển thị tất cả bài đăng

24/03/2013

Bác Nguyễn Đình Lộc : Nhân duyên

Hôm qua, tôi đã viết: "Ngày mai, vào tầm trưa, nếu có duyên, hẳn tôi sẽ có dịp gặp ông thêm một lần nữa.".

Hôm nay, đúng như có nhân duyên, không hẹn mà nên, tôi có dịp gặp bác Nguyễn Đình Lộc thêm một lần nữa thật. Là vào tầm trưa như phỏng tính. 

Có lẽ ông đến từ đầu giờ sáng, còn tôi thì đến rất trễ. Lúc tan cuộc, chúng tôi cùng nhau tiễn ông xuống gác, gọi tắc-xi để ông trở lại nhà.



Bác Lộc (các ảnh trong entry này là của tôi)

Ông mang đến cuốn tạp chí Thông tin Khoa học Pháp lý (cơ quan ngôn luận của Viện Khoa học Pháp lý thuộc Bộ Tư pháp) số 5/2012 - số chuyên đề về luật đất đai - nhưng không đả động đến nó trong toàn thời gian.

Một nội dung lớn mà chúng tôi đã cùng bàn luận hôm nay là về di sản văn chương còn rất được ít biết đến của nhà văn Thanh Châu. Thanh Châu là cây bút chủ lực của Tiểu thuyết Thứ Bảy. Sau này, ông được xem là một nhân vật có "liên can" đến nhân văn giai phẩm, nên tựa như đã bị treo bút cả nửa thế kỉ cho đến lúc từ giã cuộc đời trần thế. Đến gần đây, ông mới được phát hiện và công nhận trở lại.

Chị Quỳnh Châu - con gái lớn của nhà văn Thanh Châu - đã kể về cha mình cho chúng tôi nghe. Chị cho chúng tôi xem những bức ảnh lúc Thanh Châu đang ở tuổi sung sức trên văn đàn trước năm 1945.


Chị Quỳnh Châu

Mãi đến lúc sắp từ giã trần thế, Thanh Châu mới tiết lộ: nhà thơ bí ẩn T.T.KH (chúng tôi quen đọc là Tê Tê Ka Hắt) với bài "Hai sắc hoa Ti-gôn" của thời 1930-1945 chính là người tình thời trẻ của ông. T.T.KH là Trần Thị Vân Chung.

Ít ai biết điều sau: nhà văn Thanh Châu là người cùng làng với nhà văn Sơn Tùng. Một ngôi làng nhỏ, ít nhất đã sản sinh ra hai nhà văn lớn đó.

Sự xuất hiện của bác Lộc, của chị Quỳnh Châu, của tôi, và của nhiều người khác, vào hôm nay, chính là nhân duyên. Nhân duyên của chúng tôi với gia đình nhà văn Thanh Châu, sẽ kể ở một dịp khác.

Chúng tôi hầu như không đả động gì đến câu chuyện Hiến pháp hay bản kiến nghị 72 vào hôm nay. 

Bác Nguyễn Đình Lộc như tôi đã thấy

Mấy nay, thấy các nơi đang xôn xao bàn luận về những lời phát biểu của bác Nguyễn Đình Lộc (cựu Bộ trưởng Tư pháp) liên quan đến bản kiến nghị 72 trên VTV1 tối hôm 22/3. Tối hôm đấy, tôi bận, không được xem trực tiếp, chỉ xem bản lưu video ở trên mạng.

Những năm gần đây, do công việc chuyên môn liên quan đến xứ Nghệ, đặc biệt là vùng Diễn Châu quê bác Lộc, nên thi thoảng tôi có gặp và nói chuyện nhanh với ông. Ngày mai, vào tầm trưa, nếu có duyên, hẳn tôi sẽ có dịp gặp ông thêm một lần nữa.

Một lần, ông được mời nói chuyện trước thính giả là những người đồng hương (địa điểm là ở Thanh Xuân Bắc, tôi vẫn còn giữ ảnh chụp khi đó). Trong nội dung nói bình dị và từ từ, ông có tâm sự đại khái: hồi ông nhận được quyết định ra làm Bộ trưởng Bộ Tư pháp, không phải mất một đồng nào ! 

Câu "không mất một đồng nào" này của ông in đậm nhất vào trí nhớ của tôi. 

Nhớ đến Nguyễn Đình Lộc, là tôi nhớ đến câu nói đó.

Tôi đã trực tiếp hỏi lại, được ông giải thích thêm. Đại khái "không mất một đồng nào" ở thế hệ bộ trưởng như ông, có nghĩa là không mất tỉ tỉ tỉ để mua chức như thế hệ bây giờ. 

Kỉ niệm nhỏ, ghi lại để khỏi quên, cũng tức là để kiểm chứng khi có được điều kiện. Tôi chỉ tin vào tư liệu gốc. "Tư liệu gốc" ở đây với nghĩa là tư liệu gốc từ góc nhìn dân tộc học.