Năm 2013, Giao Blog đã đăng bài "Tựa như Nguyễn Ái Quốc thời 1930 còn có tên là Nguyễn Hải Quốc". Xem lại ở đây.
 |
Sách in tại Pháp năm 1931 (trích một trang bên trong) |
Đó là những tư liệu in ấn vào đầu thập niên 1930. Lúc đó, người Pháp đã biết đến Nguyễn Ái Quốc (có cách ghi âm là "Nguyễn Hải Quốc"), có nhiều cái nhìn cảm phục chàng thanh niên Việt Nam đầy nghị lực đó của các nhà trí thức cánh tả ở Pháp.
Năm 2023, học giả Nguyễn Hữu Sơn có có đăng trên báo Nghệ An cuối tuần bài "Truyền thông về Nguyễn Ái Quốc đầu thế kỷ XX". Bài báo có nói đến các mẩu tin và bài viết trên báo chí trong nước đầu thập niên 1930 về Nguyễn Ái Quốc (trong đó, có báo Thần chung, Trung Bắc tân văn, Hà Thành ngọ báo,...).
Có thể thấy: đầu thập niên 1930, báo chí trong nước và quốc tế đã biết đến một Nguyễn Ái Quốc nghị lực, đang tích cực hoạt động và học tập ở nước ngoài. Các cây bút cánh tả thì bày tỏ sự cảm phục đối với chàng thanh niên ấy (lúc đó, Nguyễn Ái Quốc đã vào tuổi 40, nhưng vẫn là một trang thanh niên chưa có gia đình).
Dưới đây là bài báo năm 2023 của học giả Nguyễn Hữu Sơn.
Một ít ảnh bổ sung trong bài dưới đây (không có trên báo Nghệ An cuối tuần) là lấy về từ Fb Nguyễn Hữu Sơn).
Tháng 2 năm 2025,
Giao Blog
---
Vào giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX, dưới thời thực dân Pháp cai trị, nguồn thông tin về nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc (sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh) đặc biệt hiếm hoi. Thêm nữa, báo chí công khai bị người Pháp kiểm duyệt chặt chẽ, không cho phép tuyên truyền tinh thần yêu nước và phong trào giải phóng dân tộc. Chính vì thế việc tìm nguồn tư liệu báo chí đương thời viết về Nguyễn Ái Quốc càng trở nên có ý nghĩa. Ở đây chúng tôi giới thiệu mấy trang tin xa gần liên quan đến Nguyễn Ái Quốc trên các báo "Thần chung" (Sài Gòn, 1929), "Phụ nữ tân văn" (Sài Gòn, 1930), "La Revue Franco - Annamite" và "Hà thành ngọ báo" (Hà Nội, 1933)…
Trước hết, dưới đề mục “Gần đây trong nước có những việc gì”, báo "Thần chung" đưa tin “Cụ Phó bảng Huy tạ thế” đã tóm tắt gia thế, cuộc đời, bản tính nhà khoa bảng Nguyễn Sinh Huy và chủ ý liên hệ, nhắc nhớ đến những người con đang dấn thân cho sự nghiệp cứu nước: “Cụ Phó bảng Huy, ở Sài Gòn đây chẳng mấy người là không biết. Cụ mới mất ở Cao Lãnh… Cụ Phó bảng Huy nguyên làm quan ở Huế, gần hai mươi năm nay, Cụ bỏ quan mà vào Nam Kỳ, rồi ở luôn trong nầy… Ở đất nầy hai mươi năm, Cụ chỉ làm thuốc bắc, mà cũng không phải làm như các nhà nghề, vì Cụ không có ý kiếm tiền. Thường thấy Cụ ăn mặc rất là đơn sơ, thung dung đi bộ trong các đường phố Sài Gòn, ra cách khoan thai tự đắc lắm. Biết bao nhiêu người quen với Cụ mà đối với ai Cụ cũng tử tế hết, song tưởng chẳng mấy ai biết thật cụ là người gì… Cụ là người gì mà thình lình bỏ quan không làm, ra thân đi trôi nổi như vậy?... Là người gì mà lại khi không bỏ lún một cái gia đình, cha đi đằng cha, con trai đi đằng con trai, con gái đi đằng con gái?... Là người gì mà chẳng tham tiền, chẳng thích ăn sung mặc sướng, hễ mấy nhà phú quý mời về ở được một bữa rồi cũng bỏ mà đi?... Là người gì mà trong khi gia đình tan hoang, con cái đi hết, một thân già lưu lạc đất khách quê người mà vẫn coi như không, chẳng hề buồn, cũng chẳng hề than thở với ai một lời?... Cụ Phó bảng Huy là người gì?... Mấy lâu nay Cụ xưng mình theo đạo Phật, song nhắm lại Cụ chẳng phải là một vị thầy tu. Có người nói Cụ điên, hay là có tánh khùng khùng. Ừ, điên khùng với họ… Cụ thiệt là một người dân… Cụ chết đi, thiệt là mất một cái tiêu biểu làm dân… Chúng tôi xin có câu đối viếng, Cụ có linh thì nhận cho: Bần tiện một đời, mương rãnh há quên lòng chí sĩ;/ Âu ca bốn mặt, bờ sông còn vẳng tiếng hành ngâm" ("Thần chung", Sài Gòn, số 278, ra ngày 22-23/11-1929, tr.3)…
Điều lạ là ngay năm sau, tòa báo "Phụ nữ tân văn" đưa tin Tòa án Vinh xử vắng mặt Nguyễn Ái Quốc: “Tòa án ta ở Vinh mới rồi lại xử vắng mặt bốn người; trong đó có một người bị xử tử hình, là ông Nguyễn Ái Quốc, tức là con ông Phó bảng Huy mới tạ thế ở Cao Lãnh. Ông Nguyễn Ái Quốc trốn ra nước ngoài đã mười mấy năm nay, từng ở Nga, ở Mỹ, ở Tàu; có một lối ông đã ở Paris bên Pháp lâu lắm” ("Phụ nữ tân văn", Sài Gòn, số 36, ra ngày 9-1-1930, tr.24)... Qua mấy dòng ngắn gọn này có thể thấy Tòa án Vinh đã nắm chắc tiểu sử và các chặng đường hoạt động của Nguyễn Ái Quốc ở Pháp và trên trường quốc tế. Thêm nữa, trong mắt đám quan nha nô lệ, tội hoạt động cách mạng, mưu cầu giải phóng dân tộc và tranh đấu lật đổ chế độ thực dân đã khiến Tòa án phải quy tội Nguyễn Ái Quốc đến mức “bị xử tử hình”. Điều này càng xác thực hệ giá trị tư tưởng Nguyễn Ái Quốc đối lập quyết liệt, gay gắt, không khoan nhượng với chế độ thực dân đương thời.
Đặt trong tương quan với “người thứ ba” - ngài Alfred Ernest Babut (1878-1962), nhà hoạt động nhân quyền, Đảng viên Đảng Xã hội Pháp - với lập trường thiên tả, tiến bộ; gắn bó với Việt Nam từ 1902; năm 1929 chủ trương tạp chí song ngữ Pháp - Việt "La Revue Franco - Annamite" (1929-1939) tại Hà Nội… Là người từng quen biết cả Phan Châu Trinh và Nguyễn Ái Quốc trên đất Pháp, Chủ bút A.E. Babut đã có bài viết nguyên văn tiếng Pháp "Phan Chu-Trinh et Nguyen Ai-Quoc" (Phan Chu Trinh và Nguyễn Ái Quốc) in trên "La Revue Franco – Annamite" (số 111, ra ngày 01-02-1933) và được dịch in công khai trên "Hà thành ngọ báo" (số 1692, ra ngày 23-4-1933, tr.1+4). Qua bài báo của “người thứ ba” này, hậu thế càng hiểu hơn tinh thần yêu nước, ý chí quyết tâm giải phóng đất nước khỏi ách thực dân và giành độc lập dân tộc của nhà cách mạng trẻ tuổi Nguyễn Ái Quốc trong những năm đầu trên trường tranh đấu.
Mở đầu bài báo, A.E. Babut đặt ra câu hỏi như một sự bày tỏ cảm tưởng đầy ngạc nhiên khi biết rằng Nguyễn Ái Quốc vẫn còn sống, vẫn thoát hiểm, tồn tại giữa sự theo dõi, giám sát chặt chẽ của bọn mật thám và giữa những tin đồn thất thiệt, từ đó hồi tưởng về sự thực quá khứ: “Vậy ra Nguyễn Ái Quốc vẫn chưa chết ru? Chẳng biết khi xưa người ta đã kể cho chúng ta nghe những chuyện gì thế? Tôi biết Nguyễn Ái Quốc lắm. Tôi bắt đầu quen biết Nguyễn Ái Quốc khi còn ở Paris, cách đây 12 năm. Nếu tôi không quên thì hồi đó Nguyễn Ái Quốc ở phố Compoint, tại xóm Batignolles, thuê một gian phòng nhỏ, ở chung với ông Phan Chu Trinh. Nhưng chẳng bao lâu ông Phan không thể ở cùng với Nguyễn Ái Quốc được. Hai người cứ tranh luận về chính trị hoài, đôi khi thức cả đêm để cãi cho ra lẽ”...
A.E. Babut cảm nhận và xác nhận Nguyễn Ái Quốc thực sự là người Cộng sản, giác ngộ lý tưởng chủ nghĩa Cộng sản, khác biệt với quan điểm của ông ta và cũng khác biệt cả đường lối đấu tranh thiên về cải lương, mong muốn tự cường trên căn bản mối quan hệ liên lập tòng thuộc “Pháp – Việt đề huề”: “Hồi đó Ái Quốc đã là một tay Cộng sản rồi, còn ông Phan Chu Trinh là một người có óc thiết thực hơn, và chỉ một lòng yêu nước thôi”... Thực tế cho thấy Nguyễn Ái Quốc rất hiểu Phan Châu Trinh, hiểu tất cả sự thất bại của thế hệ những nhà yêu nước và những con đường cứu nước khác nhau. Nguyên do bởi chính Nguyễn Ái Quốc đã từng trải nghiệm thực tế, quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước, đi từ chủ nghĩa yêu nước đến giác ngộ lý tưởng Cộng sản. Có thể nói chính A.E. Babut đã không thể hiểu Nguyễn Ái Quốc, càng không muốn thừa nhận con đường đấu tranh chống thực dân, giành độc lập dân tộc kiểu Nguyễn Ái Quốc. A.E. Babut nghiêng hẳn về thể chế thực dân “nước mẹ Pháp” trong cách lý giải và công khai ủng hộ, tuyên truyền cho đường lối đấu tranh cải lương, bất bạo động của họ Phan: “Hai người không thể nào đồng ý với nhau được. Một đằng thuộc về phái cấp tiến, còn một đằng là một tay cách mệnh (...). Ái Quốc nói với ông Phan rằng chúng ta chẳng có thể nào trông cậy vào nước Pháp được. Không thể nào đợi tiến hóa. Phải có một cuộc cách mệnh mới xong! Phải làm tất cả mọi việc ngay lập tức, mà làm theo cách nào cho được, miễn là tới được mục đích thì thôi”...
Tiếp theo, A.E. Babut phác vẽ chân dung Nguyễn Ái Quốc với tất cả sự thật về ý chí, bản lĩnh, nội lực sức mạnh tinh thần cũng như vẻ ngoài “không quan tâm đến những điều về vật chất”, “ăn uống thanh đạm như một kẻ tu hành”, giữ lối sống giản dị “chẳng biết đến sự trang sức bao giờ”, “ăn mặc lôi thôi”, “ở trong gian phòng tiều tụy”, còn cuộc sống thì đầy ắp những dự định gắn với hoạt động tổ chức, tuyên truyền, giác ngộ cách mạng: “Ái Quốc chỉ thích có một việc chính trị mà thôi. Đêm nào cũng thức khuya để đọc các báo chí và các sách về cách mệnh. Ở Paris, không một cuộc mít tinh nào không có mặt Ái Quốc. Ái Quốc là một đảng viên rất sốt sắng, nhiệt thành”…
Có thể khẳng định bài viết "Phan Chu Trinh và Nguyễn Ái Quốc" của A.E. Babut là một tài liệu công khai hiếm hoi trên báo chí dưới thời thực dân nửa đầu thế kỷ XX. Đã qua gần một thế kỷ, từ góc độ tiếp nhận hôm nay, người đọc vẫn thấy được ý nghĩa của bài báo trên nhiều phương diện: Vị thế và quan điểm của ông Chủ bút A.E. Babut - Tính khách quan của hình tượng nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc - Mối quan hệ, sự tương đồng và khác biệt tư tưởng Phan Châu Trinh với Nguyễn Ái Quốc – Minh chứng và thực tế bài học lịch sử phong trào giải phóng dân tộc… Kính nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh và ấn tượng với bài báo của A.E. Babut, khi có dịp tới Paris (tháng 9-2022), ngay trước ngày về nước, tôi đã cùng thạc sĩ ngành giao thông Nguyễn Thành Trung đi qua 9 ga tầu điện ngầm, đi bộ một đoạn, rẽ trái rồi rẽ trái, đến thăm nhà số 9 ngõ Côngpoanh (Compoint), quận 17, nơi đã có gắn tấm biểu đồng trên tường nhà (từ tháng 1-1983, nguyên văn tiếng Pháp): "Tại đây, năm 1921-1923, Nguyễn Ái Quốc - tức Hồ Chí Minh - đã sống và chiến đấu cho độc lập và tự do của nhân dân Việt Nam và các dân tộc bị áp bức khác"...
NGUỒN: Nghệ An Cuối tuần, số 13602, ra ngày 21-5-2023, tr.5.
https://www.facebook.com/story.php?story_fbid=1659471037908720&id=100015375185337&rdid=th1fkQ7iRSjlH84B#
---
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.