Trần Huyên Tâm là đàn chị của chúng tôi trong ngôi nhà Búp Trên Cành ngày xưa (1976 - 1990s). Chị viết thơ từ năm lên mười, và viết liên tục cho đến nay.
Chúng tôi tham gia Búp Trên Cành cũng ở tuổi lên mười, tức là trong thập niên 1980. Lúc đó, chị Tâm đã tốt nghiệp trại sáng tác thiếu nhi và đi đại học nhiều năm rồi. Chúng tôi là hai thế hệ cách xa nhau, nên chưa từng một lần gặp gỡ thời đó.
Chị Tâm học ngoại giao và sau này công tác ở ngành ngoại giao Việt Nam - chị từng là lãnh đạo Cục Lãnh sự. Ở ngành ngoại giao, chị Tâm vẫn viết thơ. Lớp đàn em, như tôi, vẫn đọc thơ của chị Tâm khi chị ở Bộ Ngoại giao. Chúng tôi biết là chị Tâm mà thầy Bút Ngữ hay thầy Kim Chuông vẫn nhắc tới ngày xưa. Nhưng chúng tôi chỉ lặng lẽ đọc chị vậy thôi.
Sau năm 2014, chị Tâm từng bước tập hợp anh chị em Búp Trên Cành ngày xưa, với sự chỉ dẫn và trợ lực đặc biệt của thầy Kim Chuông, đã xây dựng trang văn học Nhà Búp (website Nhà Búp chính thức khai trương vào tháng 11 năm 2019).
Nhà Búp đã ra được nhiều tập văn thơ chung, mà ở đầu các tập đó đều có lời giới thiệu của thầy Kim Chuông. Thầy là "bà đỡ" cho các ấn phẩm văn chương của học trò. Đặc biệt, gần đây, anh chị em Nhà Búp thống nhất lấy tên chung cho các tập từ nay về sau là DUYÊN.
Duyên 1 được xuất bản bởi Nxb Hội Nhà văn vào năm 2023 (lễ ra mắt được tổ chức tại thành phố quê hương, xem lại ở đây).
Duyên 2 cũng vừa ra vào mùa thu năm 2024 này, cũng bởi Nxb Hội Nhà văn (chúng tôi đang chuẩn bị cho lễ ra mắt của Duyên 2, dự kiến tại thành phố cảng).
Hôm nay, ngày 1 tháng 10 năm 2024, chị Tâm viết một bài thật tuyệt về người thầy văn chương của Búp Trên Cành và Nhà Búp, là thi sĩ Kim Chuông.
Giao Blog xin trân trọng giới thiệu.
Tháng 10 năm 2024,
Giao Blog
---
Tôi đã có một người thầy như thế
Thứ ba - 01/10/2024 16:00
(Ảnh: Nhà thơ Kim Chuông và hai cô học trò của ông)
TÔI ĐÃ CÓ MỘT NGƯỜI THẦY NHƯ THẾ
Ông là Người Thầy đặc biệt của Nhóm Búp, là người đầu tiên dạy tôi cách làm thơ, cách gieo vần, cách kết hợp sao cho thật “nhuyễn” thật “hay” các ngôn từ, vần điệu, hình ảnh và cảm xúc trong một bài thơ. Ông là người đã đưa tôi đến với Lớp bồi dưỡng các em thiếu nhi có năng khiếu sáng tác văn học (mà sau này chúng tôi thường gọi nôm na là Lớp Búp Trên Cành) của Hội Văn học nghệ thuật Thái Bình, cách đây gần nửa thế kỷ. Bài thơ đầu tiên tôi viết ở trại sáng tác là bài Áo Mẹ. Nó chỉ có 8 câu thôi nhưng đã bị ông xóa bỏ luôn cả 4 câu cuối, chỉ giữ lại 4 câu đầu. Bài thơ của ông mà tôi đọc và thuộc luôn, trước cả khi tôi biết ông (là tôi đọc ké được trên tờ báo của cậu ruột tôi - cậu Học), là bài thơ “Quê ngoại”. Không biết có phải vì bài thơ ấy quá hay, quá ngập tràn những hình ảnh, âm điệu gần gũi, sống động của một vùng quê như quê tôi, lại đậm đầy cảm xúc, có tính nghệ thuật rất cao, mang phong cách rất riêng của ông không, mà Nhóm Búp chúng tôi đứa nào cũng thuộc, cũng bị “ảnh hưởng” sâu đậm. Tới mức, mỗi lần tụ họp, mỗi khi có ai nhắc tới quê, là chúng tôi lại ngâm nga, lại trì tụng nó. Như thể đang được trở về với ngày xưa, với không gian quê, hồn quê, nơi ấy….
Sau này, qua nhiều bài viết về ông tôi mới biết, ông là người đến từ quê hương của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, từ làng Thắng Giang Biên, Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Sinh ra và lớn lên ở đất học, lại là con một cụ đồ, ông chăm chỉ dùi mài đèn sách, mơ giấc mơ “Cửa Khổng Sân Trình”. Năm 12 tuổi, ông đã có thơ đăng trong tập san văn nghệ của tỉnh Kiến An cũ. Khi tôi cất tiếng khóc chào đời, ông đã là một người lính, một văn công, rồi một "Phóng viên mặt trận" của tờ báo Quân khu tả ngạn trong những năm chống Mỹ. Theo lời giới thiệu của người anh kết nghĩa là nhà văn Lê Lựu, ông về làm biên tập viên của Hội Văn nghệ Thái Bình. Lúc được giao nhiệm vụ cùng với nhà thơ Lê Bính làm thầy chủ nhiệm lớp Búp Trên Cành của chúng tôi, ông đã là một nhà thơ nổi tiếng ở Thái Bình, với nhiều tập thơ được xuất bản: Tình yêu mùa gặt (1975), Hoa nở ngày em đến (1986), Mặt trăng em (1988), Trăng cửa rừng (1989), Mặt trời của ba cửa sông (1989)… Cái tên KIM CHUÔNG còn dậy sóng ở các thể loại văn học khác như trường ca, tiểu thuyết, truyện ngắn, tiểu luận và phê bình. Hơn nửa thế kỷ trôi qua trong cuộc đời sáng tác văn học nghệ thuật, ông đã sở hữu một gia tài văn chương đồ sộ mà bất cứ một người cầm bút nào cũng muốn có, cũng ngưỡng mộ, cũng ao ước: hơn 40 tác phẩm đủ loại được ấn hành cả trong và ngoài nước, trong đó phải kể đến gần 30 tập thơ, hơn 10 tập truyện ngắn và tiểu thuyết, bút ký, rồi cả tiểu luận, phê bình… Ở lĩnh vực nào ông cũng để lại dấu ấn đậm nét trong lòng bạn đọc với những cảm xúc nồng say, những phát hiện tinh tế, mới, lạ. Nhiều giải thưởng văn học cao quý của tỉnh thành và quốc gia cũng nương vào tài nghệ của người thơ này, vào cái tên KIM CHUÔNG này, mà ríu ran tỏa sáng, mà lung linh rạng rỡ. Mãi sau này tôi mới biết, Kim Chuông là Nhà thơ đầu tiên của Thái Bình được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam (sau thầy Bút Ngữ, là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam chuyên ngành văn xuôi).
Nhớ cái hôm tôi được ông đích thân tới nhà “mời” về tham gia lớp Búp. Đó là buổi sáng một ngày chớm thu cách đây gần nửa thế kỷ. Ông tìm đến nhà tôi trên cái xe đạp cà tàng, chỉ để xác minh việc một “cô bé ở làng Lác, tên Tâm, mới bé tẹo teo mà đã biết làm thơ”, theo lời giới thiệu của chị Sóng Biển ở xã Đông La, người đã theo học Lớp Búp từ mùa hè năm trước. Ông kiểm tra xem có đúng tôi là người đã viết bài thơ “Ngõ nhỏ” năm lên 10 tuổi không (?), bằng cách trực tiếp đưa ra các câu hỏi, nào là về cách tôi quan sát những sự việc xảy ra ở cái ngõ nhà mình, nào là cách tôi sử dụng từ ngữ trong bài thơ… Bài thơ “Ngõ nhỏ” sau đó được ông sửa lại là “Ngõ nhỏ ngày mùa”, được gửi đi tham dự và đoạt giải A cuộc thi Em yêu đồng ruộng quê em do Báo Thiếu niên tiền phong tổ chức năm 1980-1982.
Đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ cái cảm giác lúc đó, tôi như bị đông cứng lại, vì lúng túng hồi hộp, vì vừa thích vừa sợ, vì có “hẳn” một nhà thơ lớn đến tận nhà tìm mình, vì không biết mình phải làm gì, nói gì trước một người như vậy… Ông ngồi nói chuyện với mẹ tôi, vui vẻ đọc thơ, rồi kể cho tôi nghe về Lớp Búp, về các bạn Búp. Những biểu cảm trên gương mặt hiền hậu, thông minh của ông dường như muốn nói theo, ngân nga theo cái miệng rộng, môi trên thì vểnh như môi cá chép còn môi dưới thì trề ra (mẹ tôi bảo tướng miệng của ông như thế là sang, là người có tài)... Thi thoảng ông đưa tay vuốt ngược mái tóc bồng bềnh rất nghệ sĩ của mình. Ông hỏi tôi có hay đọc thơ không, có biết bài thơ nào của ai ở Hội Văn nghệ không. Khi tôi hồn nhiên đọc mấy câu trong bài thơ Lục bát mang tên “Một vùng quê” của ông: “Tôm mang đèn điện trên đầu/ Thắp cho dòng nước chân cầu sáng trong/Cá con tập nhảy cầu vồng/Vẽ lên mặt nước muôn vòng sóng reo” thì ông “à” lên một tiếng, cặp mắt sáng như muốn cười reo. Rồi ông chỉ tay vào giàn mướp ở trước cửa bếp nhà tôi, hỏi tôi có liên tưởng gì khi nhìn những bông hoa mướp đang vàng rực dưới ánh nắng mặt trời kia không? Khi tôi buột miệng nói từ “hoa nắng”, ông như vỡ òa, nét mặt hân hoan, như vừa mới phát hiện ra một điều gì đó thật thú vị. Sau này, khi đọc bài viết của một số bạn Búp về những ngày hè tươi đẹp ở Hội Văn nghệ, tôi mới biết, rằng câu hỏi về “bông hoa mướp vàng” này luôn được các thầy ở Hội sử dụng trong khi đi “xác minh” để đưa chúng tôi đến với Lớp Búp Trên Cành. Sau khi xác minh về tôi và thành công “mỹ mãn” trong việc thuyết phục mẹ tôi cho tôi tham gia lớp bồi dưỡng các “nhà thơ nhí”, ông vui vẻ ngồi nhâm nhi chén trà xanh với một nửa cái bánh đa nướng (do bà Hồ hàng xóm nhà tôi vừa đi chợ về, thấy bảo có một nhà thơ trên tỉnh về, nên đã rẽ bờ dậu thưa ngăn cách giữa hai nhà, mang cho mẹ tôi đãi khách). Sở dĩ tôi phải dùng từ “thành công mỹ mãn” cho chuyến “chiêu sinh” này của ông vì lúc ấy nhà tôi rất nghèo. Mẹ tôi, một vợ liệt sĩ, một mình bươn chải vất vả tối ngày để nuôi nấng 5 chị em tôi, nên dù có sự hỗ trợ về nơi ăn chốn ở của Hội Văn nghệ cho các Búp, mẹ cũng không dễ dàng đồng ý ngay việc cho tôi đi lên tỉnh mấy tuần liền trong dịp nghỉ hè, chỉ để “tập làm một nhà thơ nhí”.
Kim Chuông nói chuyện rất có duyên và có tài thuyết phục người nghe bằng lối nói uyên bác, phong thái tự nhiên, cái cười hào sảng, ngôn ngữ tinh tế và thân ái. Cùng với Nhà văn Tô Hoài, Vũ Tú Nam, Phạm Hổ, Võ Quảng, Định Hải, Phong Thu, Bút Ngữ, Lê Bính…, ông đã trực tiếp khơi lên ngọn lửa sáng tác văn học của nhóm Búp chúng tôi, nâng niu, bồi dưỡng, rèn giũa, chăm chút từng ý thơ, từng câu văn, từng mầm lá, từng nụ hoa, từng nhành cây trong cái vườn ươm văn học nghệ thuật, từ cái thuở còn là “Búp trên cành” cho đến bây giờ. Tôi vẫn nhớ những lần được 2 thầy chủ nhiệm (Kim Chuông và Lê Bính) đưa đi thực tế ở Đồng Châu, Quỳnh Trang, Quảng Nạp, Hạ Long, Diêm Điền, Chùa Keo… Chuyến đi nào chúng tôi cũng được 2 thầy tận tình chăm sóc chu đáo. Sau này lớn lên, tôi mới hiểu, rằng việc 2 thầy phải chăm sóc một lũ sửu nhi hơn chục đứa lít nhít, chỉ biết học mà chưa biết hành, chỉ nghịch dại là giỏi, lần đầu tiên xa nhà, chưa biết tự chăm sóc mình đã đến ở trọ, đến làm khách ở “nhà người ta”... thực sự là khó như thế nào. Nhờ có các thầy, nhờ có những buổi học và đi thực tế sáng tác, lứa văn chương mang tên "Búp trên cành" chúng tôi đã có hơn năm mươi giải thưởng từ các cuộc thi văn chương trong nước và quốc tế. Riêng tôi cũng được ôm về 5 giải thưởng cao.
Sau này, ông cũng là người theo sát chúng tôi, đón đỡ những tác phẩm đầu tay của chúng tôi, để chúng tôi cùng nhau ríu ran tỏa sáng trên bầu trời văn chương mênh mông vừa xa lạ vừa gần gũi này. Trang mạng văn chương Nhà Búp (nhabup.vn) và Fanpage Nhà Búp cũng từ ý tưởng của ông mà ra đời, mà tồn tại, mà phát triển. Mà trở thành một ngôi nhà yêu thương, vô cùng thiêng liêng và đầm ấm, cho chúng tôi và các bạn bầu xa gần, cho những tâm hồn đam mê sáng tác văn học, yêu văn học được tụ về, được sum vầy, được chia sẻ, được thăng hoa. Ông như là một “bà đỡ mát tay”, một người “có ma thuật”, luôn sẵn sàng và nhanh chóng “hô biến” chúng tôi, từ chỗ “vì quá bận bịu với cuộc sống miếng cơm manh áo mà bỏ lơi nghiên bút”, tới chỗ “đứa nào cũng có trong tay một gia tài đuề huề lưng vốn văn thơ”. Ông cũng là người có công tìm lại các bài thơ đã bị thất lạc của tôi, giúp tôi làm nên “Giọt nắng vô thường”, “Diệu khúc thời gian”, rồi sau này là các tập sách văn học khác. Ông dạy tôi cách làm một “biên tập viên chính hiệu”, truyền lại cho tôi các “bí kíp nhà nghề” mà ông tích lũy được trong suốt hơn 40 năm làm biên tập. Nhờ có ông mà đến nay tôi và các bạn tôi đã cho ra mắt gần 5 chục đầu sách văn học. Quyển nào cũng dày dặn, cũng đẹp, cũng chất, cũng hay. Trong mấy cuốn sách chung của Nhà Búp, tôi thích nhất là 2 cuốn “Chùa Keo” và “Diệu khúc Sen” (do tôi làm chủ biên, là tập hợp được tất cả các bài viết của các nhà thơ, nhà văn về di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Chùa Keo - Thái Bình và Khu du lịch Vườn Vua - Phú Thọ).
Biết ông gần nửa thế kỷ, tôi chưa từng thấy ông nói xấu hay đặt điều cho ai. Ông xuất hiện trước chúng tôi, trước bạn bầu hay công chúng bạn đọc, với phong thái chuẩn mực, có nghĩa có tình, đúng chất con cụ Đồ Nguyễn Vọng. Nhận xét về ông, Nhà văn Bút Ngữ, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Thái Bình đã viết trong bài “Kim Chuông - thơ và bạn” rằng: “Nhà thơ Kim Chuông được người cha, người thầy - Cụ Đồ Nguyễn Vọng nuôi dạy chu đáo từ thuở nhỏ về những điều nhân nghĩa, để sau này anh sống hiền lương, trung thực, được mọi người yêu thương, mến nể.”
Những lúc rảnh, ông hay gọi điện thoại cho tôi. Lần nào cũng chớp nhoáng (vì ông nghĩ là tôi rất bận nên không muốn chiếm nhiều thời gian của tôi), kể rằng, ông rất vui khi được tin ai đó (trong nhóm Búp) được giải thưởng văn học, được vinh dự là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Rằng, ai đó sắp lên chức trưởng/phó của một cơ quan, lên chức bố mẹ vợ/chồng hay lên chức ông, bà. Rằng, ông buồn vì ai đó đang đau yếu, bệnh tật gì đó; rằng ai đó đang giận nhau (mà theo ông biết thì chỉ vì có sự hiểu lầm nào đó). Rằng, đúng là ông vừa bị ngã, vừa bị ốm, nhưng tôi đừng có thông báo cho ai biết, vì ông không muốn xuất hiện trước mặt mọi người với hình dạng ốm yếu, bệnh tật. Rằng, ông thấy mấy đứa trên facebook thật dại, toàn đăng những bức ảnh xấu xí, tai nạn, nhìn tóc tai bù rối, mặt mũi chân tay máu mê be bét, rõ ghê; sao chúng nó không đăng những bức ảnh đẹp, lưu giữ hình ảnh đẹp, những kỉ niệm đẹp, trên facebook, trong con mắt của mọi người…. Mỗi khi viết xong hay đọc xong một bài bình giới thiệu một tác phẩm của ai đó, ông đều gọi ngay cho tôi, khoe rằng ông vui lắm, rằng Búp này viết hay quá, rất trí tuệ, ngôn ngữ rất sang; Búp kia bài viết còn thiếu đôi chút cảm xúc, thi liệu vẫn còn đơn điệu quá, rằng vần điệu, ngôn ngữ cần phải được trau chuốt hơn chút nữa. Rằng, mỗi khi viết bài cảm nhận cho ai, ông say lắm, cứ như bị “điên đấy”. Rằng, như là ông sinh ra để viết bài bình cho các tác phẩm. Ước được viết cho tất cả mọi người mà ông quý mến, tin yêu. Rằng, ông như là “bị ma nhập” ấy. Rằng, vân vân và mây mây. Tôi như bị giọng nói đầy uy lực của ông mê hoặc, dẫn dắt. Và tôi cũng bị lây cái cảm giác hứng khởi luôn bị “ma nhập” của ông…
Bẵng đi một thời gian rất lâu ông mới gọi cho tôi. Thì ra sau khi bị mắc Covid19, ông bị mất trí nhớ. Lúc nhớ ra được nhóm Búp, ông gọi cho tôi ngay. Lần đầu tiên tôi thấy giọng ông trầm buồn, không còn hào sảng như trước đây. Ông bảo: Chú tiếc lắm. Vì chú bị quên rất nhiều rồi Tâm ạ… May mà chú đã kịp viết bài cho Toán, cho Liên, cho Huyền và cho Châu… Mà hình như Huyền và Châu đều chưa in sách đâu nhỉ. Tiếc quá, tiếc quá, bảo chúng nó in sách đi, nếu không thì biết lấy gì để gửi lại mai sau, vì văn hóa là cái để lại mà, phải được lưu giữ, phải được truyền bá, phải được lan tỏa…. Cái gì cũng có thời điểm của nó chứ. Rồi đây biết lấy gì để nói với tương lai, với lũ con cháu chúng nó…. Và, chú buồn lắm Tâm ạ, bây giờ chắc chú không còn viết được nhiều, được hay như trước nữa đâu…. À, mà nói dại, nhỡ chú có mệnh hệ gì, sinh lão bệnh tử mà, thì chú không còn cơ hội được thực hiện ước mơ của chú, là được viết bài giới thiệu cho tác phẩm của tất cả các Búp….
Nghe ông nói, tôi chợt chùng lòng. Ừ nhỉ. Nếu như ông có mệnh hệ gì, thì lũ Búp chúng tôi, khi vắng “người thầy đặc biệt” này, có còn giữ được ngọn lửa thiêng đối với văn chương mà ông đã dày công, cùng các nhà văn nhà thơ một thời ở Hội Văn nghệ Thái Bình thắp lên, đã nuôi dưỡng, đã gìn giữ, đã chắp cánh….
Mãi tới sau này, khi nhiều tập sách của các thành viên Nhà Búp như Lính Miền Đông (Biên Linh), Cội (Trương Minh Hiếu), Dấu yêu gửi lại (Phạm Minh Châu), Nhớ tìm tôi nhé, Thuyền rời bến (Bùi Đại Dũng), Duyên 1 rồi Duyên 2 (Nhà Búp)... ra đời, trong tôi mới tan đi cái tấm tình ưu tư bị chùng xuống trong khoảnh khắc đó. Bỗng dưng, tôi muốn hét to lên rằng: Không phải là vô vọng đâu, không phải là trắng tay đâu, thưa Người Thầy đặc biệt kính yêu của chúng tôi! Nhà Búp sẽ còn có thêm những tập sách riêng và chung nữa. Những Duyên 3, Duyên 4, Duyên 5, Duyên 10… như Thầy từng ao ước, rồi đây sẽ líu lô, ríu ran, sẽ nở rộ và sẽ ngát hương trên cánh đồng văn chương nhân loại, từ Thái Bình, Hà Nội, Hải Phòng,
Quảng Ninh, Sài Gòn, Bình Phước, Long An đến biển Phú Quốc, rồi đại ngàn Tây nguyên, từ nước Đức, Angola đến Mỹ quốc xa xôi cách chúng ta hơn nửa vòng trái đất… Bởi Nhà Búp của chúng ta đang vào mùa gặt hái bội thu, mùa khai công khai ngộ!
Với Nhóm Búp chúng tôi, ông là người làm thơ hay nhất, với những ngôn từ đi vào lòng người nhất, là người đọc thơ hay nhất, truyền cảm nhất. Khi ông đọc thơ, đúng là cả miệng mắt mũi chân tay đều cùng đọc thơ, cùng đắm đuối vào từng lời từng lời thơ ấy. Giới phê bình văn học và những người yêu thơ thường gọi ông với cái tên thật trìu mến: thi sĩ của tình yêu, nhà thơ tình vĩ đại, chàng thi sĩ của tình yêu, nhà thơ hào hoa có số đào hoa… Tra cứu trên Google với cụm từ tìm kiếm là “nhà thơ Kim Chuông”, có thể tìm thấy 2.700.000 kết quả trong vòng 0.28 giây, mới thấy ông thực sự là người nổi tiếng cỡ nào.
Có nhiều bài viết rất hay về ông. Nào là “Kim Chuông – Thơ và bạn” (Bút Ngữ); “Kim Chuông - một hồn thơ khát khao, mê đắm” (Bùi Việt Vương). Nào là “Kim Chuông - Học mà vui như múa, như hát” (Lê Vũ Thư); “Nhà thơ Kim Chuông và “những bài thơ mùa xuân” (Đinh Thị Quý). Rồi “Từ Stalagent nhớ về "Chàng Kim" - Thi sĩ” (Hoàng Yến) hay như “Kim Chuông chàng thi sĩ đa tình” (Đinh Nam Khương).... Ai cũng có chung một nhận xét ông là một thi sĩ tài năng, là người nổi tiếng vừa tinh thông kim cổ, vừa đa tình, đẹp trai, người có vầng trán mênh mông, đôi mắt chứa chan tình cảm và cái miệng rộng của người sang!... Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo còn gọi Kim Chuông là nhà thơ "hào hoa và đào hoa”. Nhà thơ Hoàng Yến thì nhận xét: Kim Chuông có một mảng "Thơ tình" khá hay, nó như một "đặc sản" chỉ có ở Kim Chuông”. Đinh Nam Khương, một trong số không nhiều các nhà thơ hiện đại thành công ở thể thơ lục bát, thì cho rằng: “Kim Chuông nghèo về vật chất, nhưng người tình thì lại giàu có như lá mùa thu”. Những lời ngợi khen về ông, về văn thơ của ông, từ những người bạn Văn, từ thủ trưởng của ông, đồng nghiệp của ông, tới các môn sinh của ông…. luôn nhiều như vậy. Đến mức, chúng có thể tự mình vươn lên, tự mình mở rộng, để ngang tầm, để xứng với ông và khối gia tài văn chương đồ sộ mà ông đang sở hữu.
Có lẽ ấn tượng nhất, hay nhất (tức là nhất của những cái nhất ấy) chính là mảng thơ tình của ông, ở thể loại Lục bát, thể loại mà theo như Nguyễn Tuân, là phép thử xem đó có đúng tác giả là một “nhà thơ thứ thiệt” hay không. Dưới góc nhìn của chúng tôi, Lục bát Kim Chuông hay đến kỳ lạ. Thơ tình Kim Chuông hay đến kỳ lạ. Nó không chỉ là cảnh, là sự, là cảm, là tình mà là hình, là tượng, là thanh. Là trong xanh đến vô biên của vũ trụ Là mê đắm đến nổi chìm của biển cả trào dâng. Là tinh tế ở tâm thi, là trí tuệ ở tứ thi, là miên man, dạt dào, sâu thẳm ở thi hứng. Thơ ông mang đến cho người đọc cảm giác được sống trong vòng tuần hoàn năng lượng chu thiên chỉ phát ra từ những người tu luyện, những vòng tròn năng lượng đồng tâm mà ở giữa là đại đạo đường lớn, vừa tỏa lan những rộng dài, vừa cao vút và thẳm sâu, ở mỗi trục hoành, trục tung của không gian đa chiều thiên địa đất trời. Nó bay lên từ cái cảm, cái nhìn, cái biết, cái ngộ của ông. Tâm hòa vào trong cảnh, trong tượng, trong thời gian ấy, trong không gian ấy, mà líu lo, mà viên mãn. Nhà thơ Lê Đình Cánh đã từng nhận xét về thơ Lục Bát của ông, rằng “Kim Chuông chỉ đưa ra một chấm nắng mà trong đó chứa đủ bảy sắc cầu vồng…”
Tôi đã từng ngồi cả tiếng đồng hồ, một mình hay cùng với người bạn đời của mình, cùng với các bạn Búp, và đôi khi có cả ông nữa, để tâm tưởng của mình, mọi giác quan hay góc khuất trong tâm hồn mình, trong “cõi thiêng” của mình, được đắm chìm, được ngẩn ngơ, rồi tỉnh thức, rồi thăng hoa, trước những câu thơ Lục Bát của ông, những câu thơ Đẹp và Hay, đầy tràn thi hứng và giàu hình tượng nghệ thuật của ông.
Ví như:
Mới gần sen một lần thôi
Hình như ta đã khác rồi, ta xưa
Ta chìm đắm giữa hương đưa
Ta cao trong giữa gió mưa ngọt lành
Ta từ sen nhuộm mà xanh
Từ trong tinh khiết mà thành ngát hương
Ta đi từ nẻo đời thường
Từ Sen... Hoa đã dẫn đường ta đi.
(Bên Sen hoa đã thành nôi ru mình)
Làm sao mà không cảm mến, không yêu hết mình, không tan chảy trước những câu thơ Lục Bát tài hoa, lắng đọng mà văng xa, đậm chất “Chàng Kim” như thế này:
Hôm em cúi xuống gội đầu
Làm tôi chết đuối bên cầu ao quê.
(Em xưa)
Và:
“Thuyền em chưa bến bình yên
Còn chao đảo sóng, còn nghiêng ngả chèo
Tôi thì muốn buộc dây lèo
Kéo co với cả mưa chiều và giông…
(Hai ta)
Rồi:
“Tính ta nông nổi thật thà
Thấy mây là ngắm, thấy hoa là nhìn
Thấy em xinh đẹp dịu hiền
Là ta làm sóng, làm thuyền đảo chao…
(Gió mềm)
Và:
Thực tình ta đã giấu ta
có cơn động đất đi qua ngực mình
em làm tiếng sét vô tình
“cột thu lôi” cháy tan tành, là ta
(Ta xin làm cột thu lôi)
Hoặc
đêm chìm như hạt ai gieo
ở trong bóng tối bao nhiêu bóng ngày
cái đau tối sẫm mặt mày
lẩn sâu trong góc lòng đầy bóng đêm
đồng tiền sấp ngửa đôi bên
âm dương hai mặt, dính liền trong nhau
Trắng đen, tối sáng giao màu
có bao con mắt đằng sau cái nhìn.
(Cái nhìn)
Ông làm chúng tôi, mỗi lần nghĩ đến thơ tình, nhớ đến ông, là nhớ đến một chàng thi sĩ miền quê yêu đến cháy khát, chỉ vì một mái đầu hương chanh mà đùng đùng bỏ nhà đi tìm đi kiếm, để cho thầy bu trách móc:
Đùng đùng tôi bỏ nhà đi
thầy u cứ ngỡ việc gì lớn lao
thực tình thì có gì đâu
tôi đi tìm một mái đầu hương chanh
(Và lại viết về tôi nữa)
Hay khi đớn đau thì ghen giận với cả đất trời:
Thế mà trời đất bao la
Thế mà chật chội, thế mà nhỏ nhoi
Thế mà chẳng đủ một nơi
Để cho em với cho tôi tự tình
Rồi khi cay đắng nhận ra mình là người mò trăng đáy nước, thì cảm xúc xa xót ẩn sâu trong tiềm thức ấy lại trào lên, phát lộ, làm người đọc cũng thấy đau đớn tới tận tâm can:
Em như một mảnh trăng chìm
Cầm lên thì mất, đứng nhìn thì đau.
Lục bát của ông luôn mượt mà, và nhuyễn như vậy. Có lẽ là do trời phú cho ông một tâm hồn thơ mê đắm, một chất men say. Lại thêm cái giọng đọc hay đến rút ruột của ông cứ như bỏ bùa người nghe, làm cho thơ ông hay đến ám ảnh.
Tôi rất thích những câu Lục Bát như này:
Tơ non đến thế là cùng
Bên em núi đá xem chừng cũng non
Hoặc:
Đêm nay hai đứa lặng thầm
Nghe tim bạn đập nhịp nhầm tim ta
Và:
Ta thường qua đục. Rồi xanh
thường quen lội giữa chòng chành mà đi
thường chài mất, lẫn cả chì
thường tay không chẳng còn gì, lại gieo
(Thả diều)
Càng đọc Kim Chuông, tôi càng thêm hiểu vì sao người ta lại nói ông là thi sĩ của tình yêu. Bởi chính chữ tình trong thơ ông, dù là tình cảm nam nữ, tình đời, tình bạn, tình thân, tình cảm với cha mẹ, với con cái… thì cũng đều được ông vén vun trân trọng, từ những cảm thương, những đắp đổi, những gây dựng, vừa nặng lòng, bao dung vừa chân tình, nén chịu. Chúng lặn vào thơ ông, mang hồn vía của một người thơ đích thực, từ những rung cảm, yêu thương mà tạo nên nền móng vững chắc, là chỗ để ông trải lòng:
Nỗi buồn trong mắt người ta
Tôi giong bão tố phong ba về mình
(Từ duyên nợ với nàng thơ)
Hoặc:
Bây giờ cầm được câu ca
Lại rơi giữa chính tay ta nâng cầm
Và:
Hình như cái đẹp dễ buồn
Dễ cô đơn đến ngọn nguồn hồn ta
(Viết ở Thuận Vi)
Thực lòng, cứ nhìn lại mà xem. Trong bầu trời văn chương rộng lớn này, không phải lúc nào cũng tìm được những câu thơ hay như vậy. Và không phải nhà thơ nào cũng có được cái chất như vậy - một chất tinh hoa mang tên “nhà thơ Kim Chuông”:
Hành trình với biển xa sâu
Con thuyền tôi đấy bắt đầu từ tôi
Đi trong nghìn dặm đất trời
Tôi tìm cho được chính tôi là gì.
Đọc Lục Bát của Kim Chuông, cảm nhận được cái nhuyễn, cái hay, biến hóa linh động, sáng láng trong cách sử dụng thi liệu của Kim Chuông, tôi thêm hiểu hơn điều mà nhà thơ Anh Vũ đã viết khi nói về thể loại thơ này: “Muốn biết một bát phở có ngon hay không thì phải xem cách thái miếng thịt bò. Muốn biết một nhà thơ có phải thứ thiệt hay không thì phải nếm mùi Lục Bát.. Thể loại này mấy trẻ chăn trâu chửi nhau cũng có thể làm được. Nhưng để đạt cái chất lượng như cụ Nguyễn Du thì phải là nhà thơ thứ thiệt. Tôi nghĩ trước lúc có “Lục bát” cho đời thì phải thành công ở rất nhiều các thể loại khác. Kể cả văn xuôi, kể cả vốn sống đã trải nghiệm trong đời”.
Ở các thể loại khác, thơ Kim Chuông không chỉ đa tình, đa mang mà còn rất bác học. Chúng không dừng lại ở việc mô tả bề mặt mà còn đi sâu và suy diễn, lý giải. Chúng mang chiều sâu của trí tuệ nhưng vẫn đậm đầy cảm xúc thi hứng. Chúng là tuyên ngôn thơ của ông và cũng là những câu thơ làm tôi mở mắt:
Có những câu thơ mở miệng để ngân nga
Tôi thích đọc những câu thơ để cho mình mở mắt
Là biển cứ gào thét
Là mặt ao thu con sóng cứ lặng tờ
Và:
Chẳng có gì trong tôi lại chẳng là cái khác
Lại chẳng là cái khác có trong tôi
(Về những cuộc hành trình)
Hoặc:
Biết bao là cái Có cứ hiện lên
Có cái quả khi Không là hoa nữa
Và:
Em bé lần tay trên bậc thềm kia
Trong em bé có ông già trong đó
Có lẽ, cái triết lý đã thấm nhiễm vào ông, từ thuở sống trong vòng tay giáo dưỡng của Cụ Đồ Nguyễn Vọng, đến lúc bước ra đời làm một thi sĩ khoác áo lính, rồi thi sĩ của miền quê lúa, của miền đất cảng… Nên đến khi gặp cái “Sự” thì cái “Nghĩ”, cái “Nhìn”, cái “Cảm”, cái Ngộ của ông cứ hồn nhiên triển hiện và thăng hoa như thế này:
Mọi tồn tại đều đi qua hai phía
Nơi chính mình và nơi phía không ta
(Tồn tại)
Rồi:
Cánh buồm con mang biển vào bờ rộng
Biển tự đẩy thuyền lên cao hơn sóng
Đẩy thuyền lên biển không tự nhỏ mờ
(Phẩm cách)
Có lẽ vì đã ngộ ra rằng cải biến gì thì cũng là từ mình nên thơ ông luôn biết dựa vào mình, hướng nội vào mình, đi từ mình, do mình, tự mình… Phát kiến này làm thơ ông có một vẻ đẹp rất riêng, trải dài và xuyên suốt trong quá trình tu dưỡng tâm hồn và thể xác của ông ở nơi cõi vô thường này. Có thể kể đến hàng trăm bài viết tự bạch, viết về bản thân mình, lấy mình làm cái “sự” để diễn hóa cái tình. cái cảm. Ví như: Viết về tôi, Lại viết về tôi, Và lại viết về tôi, Và lại viết về tôi nữa, Tự bạch, Vang vọng này ở giữa trái tim tôi…
Nào là:
Những cuộc hành trình mình đi tìm mình đấy
Tôi sẽ là gì đối với chính tôi?
Hoặc
Tôi là nét trong cái riêng như thế
Trong cái riêng tôi mới chỉ là tôi
Bỗng một sớm có một dòng sông chảy
Một dòng sông tôi biết khác tôi rồi
(Khi mà tôi đã khác)
Và:
Tôi như nét cắt ngang của thớ gỗ này
Rừng triệu năm cũng hiện về nét ấy
Tôi là cái mới hoàn toàn
Lại là điểm của hai đầu tiếp nối
Chẳng có gì đứng ngoài dáng tôi đây.
(Vốn liếng tôi tìm trong suốt chặng đường lên)
Và đây nữa:
Tia nắng ban mai. Tia nắng dọi đầu cành
Sao giữa hồn tôi sáng lên tia nắng ấy
Ý nghĩ nào trong tôi chìm khuất vậy
Thì sớm nay cái nắng cũng ùa vào
(Sớm mai này)
Rồi:
Bởi tôi đa tình cho đêm ấy trăng nghiêng
Cho trăng hoá thuyền ai lênh đênh không bờ bến
Lung linh quá tôi sợ niềm sâu kín
Sợ dào lên tiếng sóng ngả nghiêng thuyền.
Hoặc:
Nẻo đường đời xuôi ngược
Cùng trên một mặt bằng
Một con thuyền ra biển
Mưa vùi, còn sóng nâng
(Tự cảm)
Socrates (470 - 399 TCN) là một triết gia người Hy Lạp cổ đại, được coi là một trong những người đã sáng tạo ra nền triết học phương Tây khi nói về thơ, đã cho rằng: “Tôi sớm nhận ra rằng các nhà thơ không làm thơ bằng kiến thức mà bằng tài năng bẩm sinh và nguồn cảm hứng…” “... Thiên Chúa dường như chỉ cho chúng ta và không cho phép chúng ta nghi ngờ rằng những bài thơ hay này không thuộc về con người, hoặc là tác phẩm của con người, mà là của thần thánh và của Thiên Chúa…”
Quả thực, Kim Chuông là một nhà thơ của tài năng, của thần thánh. Gia tài văn chương của ông có lẽ đã được chế tác bằng tất cả những gì tinh hoa ông mang đến thế giới này: từ nguồn cảm hứng bất tận của ông trước muôn trạng đời thường, từ tài năng bẩm sinh mà ông được Cao Xanh ban cho, từ những kiến thức mà ông tích cóp, rèn giũa, thu thập được qua bao kiếp làm người cầm bút. Từ thế giới nội tâm đầy biến động và đan xen tĩnh tại của ông, từ cõi thế rộng lớn mà chật chội, ồn ã mà bình yên ngoài kia. Và xa hơn, cao hơn nữa là từ thế giới tâm linh mà ông đã đắc được, cảm thụ được.
Tôi nhớ, có lần tôi đưa tặng ông một cuốn sách về tu Phật, ông nói: Tu Phật được thì tốt, làm được điều chân thiện và bao dung được thật tốt. Nhưng nếu tớ cũng ngồi thiền như cậu, hết cả thất tình lục dục rồi, thì tớ còn viết được thơ tình nữa hay không? Như Lam Luyến ấy, từ khi tu Phật đến giờ, cô ấy bảo không viết được thơ tình nữa. Tôi hiểu. Cái băn khoăn của ông cũng là băn khoăn của nhiều người đang sống trong cõi người hiện nay, lòng muốn trở về mà duyên nợ ái tình trong lục đạo luân hồi chưa trả hết....
Tuy nhiên, sau này, khi đọc những dòng thơ này của ông: Đời tôi là của núi sông/ Nên tôi có cả mà không có gì, tôi mới ngộ ra ông đã ở trong Đạo rồi. Một người thực tu. Một người, mắt đã thu gọn “trăm nghìn núi sông thiên hạ”, bụng đã gom chọn đủ đầy “ba vạn cuốn sách”, mới có thể viết ra được những dòng thơ như thế. Biết được mình “có cả mà không có gì” chính là đang ở một cảnh giới tinh thần cao, một tầng thứ cao nào đó, tầng thứ của một người chân tu đã và đang trên đường trở về với Cõi Thiêng của mình.
Hà Nội ngày 01/10/2024
Trần Huyền Tâm
https://nhabup.vn/news/ly-luan-phe-binh/toi-da-co-mot-nguoi-thay-nhu-the-7290.html
..
Nhà thơ Kim Chuông cùng nhóm Nhà Búp tại buổi lễ ra mắt tác phẩm Duyên 1 (tháng 3 năm 2023, thành phố Thái Bình)
(trích từ Duyên 1)
..
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.