Bắt đầu quan sát trận bão từ trưa Thứ Bảy ngày 7 tháng 9 năm 2024.
Mở đầu là tin cấp báo của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống Thiên tai (Tài khoản OA). Tin này được BCĐ gửi luôn vào zalo (có lẽ là đến tất cả cá nhân có zalo).
Các tin cập nhật và bổ sung thì được dán dần lên ở dưới như mọi khi.
Tháng 9 năm 2024,
Giao Blog
"
KHUYẾN CÁO AN TOÀN KHI BÃO YAGI ĐỔ BỘ:
🔴 10 giờ sáng ngày 07/9/2024, bão số 3 trên vùng biển Quảng Ninh-Thái Bình. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, giật cấp 16, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 15-20km/h. Thời gian gió mạnh cấp 10-12 bắt đầu từ 10h00 đối với khu vực ven biển và sẽ dịch chuyển dần vào các tỉnh đồng bằng, thời gian kéo dài có thể đến 1h00 ngày 8/9, có mưa to đến rất to.
🔴 Để đảm bảo an toàn, người dân lưu ý theo các khuyến cáo sau:
1️⃣ Theo dõi diễn biến của bão để chủ động ứng phó.
2️⃣ Nên ở trong nhà, nơi trú ẩn an toàn, hạn chế tối đa đi ra ngoài nếu không cần thiết.
3️⃣ Tắt các nguồn điện khi bão đổ bộ.
4️⃣ Tuyệt đối không ở lại trên tàu thuyền, chòi canh, lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản khi bão đổ bộ. Không quay lại khi bão chưa tan.
5️⃣ Lưu ý thời gian tâm bão vào vì sẽ có khoảng 30 phút – 1 tiếng lặng gió trước khi gió đổi hướng và gió sẽ mạnh trở lại.
6️⃣ Thông tin kịp thời, chính xác vị trí, tình trạng nguy hiểm cho lực lượng chức năng trong trường hợp khẩn cấp.
7️⃣ Tuân thủ chỉ đạo của các cơ quan chức năng./.
"
---
CẬP NHẬT
8.
Hà Nội: Di dời các hộ dân sống gần khu vực cây đa đền Bà Kiệu bị đổ
(TN&MT) - Do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Yagi), các hộ dân sống cạnh khu vực cây đa cổ thụ phía sau đền Bà Kiệu đã được chính quyền yêu cầu sơ tán để đảm bảo an toàn.
Theo camera của người dân cung cấp, vào lúc 15h ngày 7/9, khi cơn bão số 3 Yagi di chuyển sâu vào đất liền, cây đa phía sau đền Bà Kiệu (mặt phố Lò Sũ) đã bị bật gốc trước sức gió mạnh và tàn phá của bão Yagi.
Theo cô Lan Anh, người sống gần và hàng ngày trông coi đền Bà Kiệu cho biết, hiện nay có 07 hộ dân sinh hoạt và kinh doanh ngay cạnh cây đa. Trước tình hình mưa bão hiện nay và để đảm bảo an toàn cho người dân, chính quyền đã đề nghị các hộ dân sinh hoạt gần cây đa phía sau đền Bà Kiệu sớm di tản để đảm bảo an toàn trước mắt.
Theo thông tin những người cao tuổi sống xung quanh đầu phố Lò Sũ, biết là cơn bão sẽ rất lớn, thiệt hại nặng nhưng nhìn cây cối gãy đổ la liệt trên đường rất ám ảnh. Còn về cây đa, không ai biết cây đa mọc từ bao giờ, chỉ biết khi xây dựng đền Bà Kiệu vào đầu thế kỉ 17, cây đã sừng sững ở đó.
Phía trước đường Đinh Tiên Hoàng vẫn còn một cây đa cổ thụ khác bên cạnh đền Bà Kiệu. Đền Bà Kiệu là ngôi đền cổ có giá trị đặc biệt về lịch sử cũng như tín ngưỡng. Hình ảnh của ngôi đền luôn gắn với hình bóng cây đa cổ thụ có tuổi đời cao nhất nhì ở Hà Nội.
Trải qua hàng trăm năm tồn tại, cây đa cổ thụ cạnh đền Bà Kiệu từng làm bóng mát che chở cho những người dân, du khách vãn cảnh hồ Gươm.
Cũng trong sáng 8/9, theo ghi nhận của phóng viên báo Tài nguyên và Môi trường, bão số 3 (bão Yagi) quét qua Thủ đô Hà Nội với sức gió mạnh cấp 10, giật cấp 12 khiến nhiều cây xanh ngã đổ, đường phố tan hoang. Theo báo cáo của các quận, huyện, tính đến 7h ngày 8/9, trên địa bàn TP Hà Nội có 14.660 cây đổ và cành gãy, trong đó cây đổ là 14.272 cây.
Chị Ngô Thị Quang (Công ty Unenco4) cho biết, đi làm từ 5h đến giờ vẫn chưa hết bàng hoàng về sự tàn phá ghê gớm của cơn bão số 3, cây cối ngổn ngang chắn hết lối đi. Đi từ nhà ở Long Biên sang khu vực được giao làm việc (phường Ô Chợ Dừa) chị Quang cho biết đi đến đoạn đường nào cũng có tới hàng chục cây gãy đổ, cả cột điện, đèn đường cũng bị gãy… nằm la liệt trên đường.
Nhiều người dân bày tỏ, với lượng cây cối, cột điện, đèn đường và nhiều cơ sở… bị gãy đổ, thiệt hại như vậy, rất cần có thêm lực lượng chức năng, quân đội, công an hỗ trợ người dân mới sớm ổn định lại cuộc sống và đảm bảo an toàn giao thông cho người dân chuẩn bị cho đầu tuần mới đi làm trở lại.
Thiếu tá Tạ Hữu Toàn, cán bộ công an phường Hàng Bông cho biết, lực lượng công an từ ngày hôm qua đã luôn tổ chức thường trực, ứng trực 100% quân số tại các địa bàn chịu ảnh hưởng trực tiếp, khu vực xung yếu để sẵn sàng triển khai ngay các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống bão. Ngay từ sáng sớm ngày hôm nay, tăng cường hỗ trợ điều tiết, phân làn giao thông, nhằm bảo đảm an toàn giao thông, kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không an toàn, không để xảy ra thiệt hại về người do bất cẩn, chủ quan.
https://baotainguyenmoitruong.vn/ha-noi-di-doi-cac-ho-dan-song-gan-khu-vuc-cay-da-den-ba-kieu-bi-do-379516.html
7.
Cây đổ nhưng cành không gẫy; cây bằng bắp đùi rễ như rễ hành
Thầy tôi, thi sỹ Nguyễn Quang Thiều, đương kim Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, có câu thơ ám ảnh: "Em tựa vào anh, anh tựa vào cay đắng". Mỗi lần "đi lạc" trong những cánh rừng tuyệt mỹ nào đó trên thế giới này, tựa vào một gốc cây, nương bóng mát dưới một tán cây, tôi đều nghĩ tới câu thơ tình kia. Chẳng hiểu vì sao nữa! Nhưng giờ, sau siêu bão Yagi, có lẽ tôi không dám "dại dột" tựa vào gốc cây nào nữa...
Tại Hà Nội, đã có những sinh linh chết vì cây đổ trong siêu bão Yagi. Tuy mới là cơn bão số 3 trong năm 2024, nhưng siêu bão đã khiến cho hơn 17.400 cây xanh của Thủ đô phải ngã gục. Cùng với đó, nhiều ô tô và tài sản hư hại do cây xanh đè lên. Có bao nhiêu tàng cây ngã đổ do bão ác? Và bao nhiêu cây đô thị gây hoạ do sự phách lối của con người?
Hẳn rồi, bão dữ, các loài được mệnh danh là cứng như sắt, "ngại gì gió, ngại gì mưa" giữa rừng già như cây nghiến, cây tùng, cây bách còn đổ rạp. Huống hồ sung, si, đa, đề, lộc vừng, xà cừ trên phố xá, "các cụ" đã bao năm ngắc ngoải vì bê tông xâm lấn, vì bị đứt rễ do đào đường, chôn dây cáp, nghĩ cớ lát lại vỉa hè liên hồi kỳ trận; thậm chí các vị ấy còn bị đổ cả dầu luyn, đóng cả cọc sắt vào thân xác vì các ham hố trục lợi của người đời.
Hẳn rồi, cây xanh đô thị sẽ có sức đề kháng kém cỏi trước mưa gió bão bùng hơn cây của đại ngàn. Nhưng cũng đừng vì thế mà đổ cả tội cho trời đất, cho biến đổi khí hậu, cho các điều bất khả kháng khác...
Sáng 8/9/2024, người Hà Nội nín thở nhòm qua ô cửa thăm dò, thận trọng bước ra ngoài đường, ngắm hậu quả của cơn bão khi nó đã đi qua. Theo lời báo chí đăng: Mười mấy nghìn cây xanh ngã đổ, bao nhiêu xe ô tô và tài sản bị đè bẹp...
Tôi đi dò dẫm dọc các con đường trên Quận Cầu Giấy, Hà Nội và rồi bất đồ nhận ra: Ở rừng, ở quê tôi, cây mà đổ do gió bão thì sẽ gẫy cành, gẫy ngọn trước đó. Bung được gốc một cái cây to, khó lắm. Chứ đằng này, 100% cây ở khu tôi khảo sát đều đổ kềnh, bung gốc, trong khi cành lá chẳng việc gì, có chăng thì bật gốc rồi, lúc tán cây đổ ùm nặng nề rồi, cành mới gẫy chút ít (?)
Vì sao các gốc cây bị ngã đổ xếp hàng la liệt như các dũng tướng chết trận kia, chúng không hề có cái rễ nào to to. Rễ lam nham như rễ cây hành cả! Không rễ cái, chẳng rễ chùm, không rễ cọc.
Chưa hết, dừng xe, bới thử trong đám rễ nông choèn bung bửa tan hoang ra vỉa hè, thì ôi thôi: Rất nhiều tán cây to đùng không hề được cắt tỉa trước bão (để tránh tiết diện tán cây quá rộng, sẽ gánh "gió bão" mạnh hơn); trong khi gốc cây được bao bọc bởi tí tẹo đất, pha chạt, vữa, xi măng, gạch đá... tạp nham.
Tất cả đám đất lẫn lộn lổn nhổn ở gốc cây đó, chỉ bé bằng cái miệng thúng, dài hơn một gang tay người trưởng thành, tính từ mặt đất ở gốc cây tới phần sâu nhất mà lớp "rễ hành" lam nham vươn tới nổi. Rễ quá nông, bầu đất quá bé. Có vẻ như họ chỉ đặt bầu cây lên vỉa hè chứ chẳng chôn đào gì cả (?)
Bởi bốn bề là xây gạch, bên dưới cũng là gạch đá, bê tông vụn. Nhiều khu vực, mặt trên còn tráng lớp bê tông vôi vữa như nắp vung đậy kín. Rễ cây không thể nào vươn dài, vươn xa, hay đâm sâu xuống đất, cũng chẳng có dưỡng khí mà "thở" hay nhú lên mặt đất. Nặng ở phần tán lớn, nông ở phần chôn gốc, nông ở rễ, nhẹ bởi mấy thẻo đất bé như lưỡi mèo đổ quanh gốc. Cây ấy, chỉ cần mưa và gió giông lốc lớn chút cũng đủ đổ kềnh chứ đừng nói đến siêu bão kỷ lục mấy chục năm mới có một lần như Yagi.
Tôi moi thử bầu đất của một cây ngã đổ trên phố Dương Đình Nghệ (Cầu Giấy, Hà Nội). Trừ những cây vẫn chưa hề xé bầu đất khi ươm, di chuyển (thì không còn gì để nói!); vài cây đã xé bầu thì dưới gốc cây toàn gạch đá to đùng, có cả chục viên gạch chỉ vàng ươm. Thêm rất nhiều cục vôi vữa, bê tông.
Có thể hình dung thế này mà không sợ sai: Cây xanh đô thị ấy to hơn cả bắp đùi người trưởng thành; tán của nó (tức là phần ngọn) xanh mướt và rộng tới mức đổ một cái là choán hết cả một con phố (không xe cộ nào đi qua nổi nữa).
Nhưng "bầu cây" (tức là phần đế) chỉ là vài lọn đất bé đến mức đặt trên cái ô vuông xây gạch trên vỉa hè cao độ hơn 20cm (hơn một gang tay người trưởng thành chút). Hầu như rễ cây chả vươn đi đâu cả. Bế cái bồn gạch đó đi, là tất cả đi theo. Dưới bồn gạch (chính là bề mặt của vỉa hè) toàn là gạch đá, nilon, chạt vữa.
Tóm lại, cây to đùng mà lớp rễ lam nham, tua rua như tóc bết của một người lâu không gội đầu thôi. Rễ không đâm đi đâu được. Và gốc rễ của cây cũng không hề chạm tới khu vực sâu bằng… mặt đường nhựa của con phố. Nó loanh quanh chỉ trên cái khu vực bê tông hoá của vỉa hè.
Phân tích kỹ như vậy, để nói rằng: Người ta đã trồng cây xanh đô thị và quản lý việc trồng cây xanh này quá hời hợt, vô trách nhiệm. Giờ cơn bão đã vạch ra cái "ổ con chuồn chuồn" ấy, cũng như bao lần đã vạch ra trước đây. Không có gì mới. Câu hỏi mới là: Người ta sẽ chấn chỉnh các bất cập kia thế nào?
Tôi nghĩ ta cần nghiêm khắc trước các dấu hiệu bất thường này. Vụ án liên quan tới cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội mới đây, liên quan đến đơn vị cung ứng chăm sóc cây xanh Thủ đô, với các đồ "cúng" cho nhà quan; rồi bảy trăm tỷ đồng chi ra để tỉa cây, cắt cỏ trên 24km Đại lộ Thăng Long mỗi năm; đặc biệt là món quà cảm ơn 2,6 tỷ đồng từ đơn vị chăm sóc cây xanh với "cán bộ" nọ. Toàn chuyện giờ ai cũng thấy buồn cười.
Nhưng bao năm nó vẫn là sự thật diễn ra hẳn hoi, giờ đi vào bản án. Vậy, ai đã thanh kiểm tra, ai đã không thật sự giám sát để rồi xảy ra chuyện bi hài đó?
Ở quê tôi, ai muốn đến trùng tu đình làng, người dân sẽ kiểm tra ngói, cầm hai viên ngói vả vào nhau mà vỡ đôi, sẽ mắng ngay: "Ngói non thế này, lợp lên mái đình, Thành Hoàng về "xử lý" con dân chúng tôi đó. Thay ngói".
Tôi trồng hàng cây ở đường vào làng. Cây trước miếu ở xóm. Làng yêu cầu tôi "bảo hành" cây phải sống, trồng thế nào dân quê tôi xem kĩ, một mùa cây ra hoa bất thường, các bô lão cũng họp lại tìm nguyên nhân. Họ coi đó là cây xanh của mình và sự an nguy của các công trình, tài sản đó liên quan đến danh dự, tính mạng của họ.
Còn ở Hà Nội, tôi không biết việc trồng cây gì, trồng thế nào ở phố tôi sống và thành phố tôi gắn bó hơn 30 năm. Cho đến khi bão về và sự thật trơ gốc ra. Và nếu không có "bàn tay thép" làm rõ trắng đen, nhứng điều cay đắng này còn tái diễn đến bao giờ?
Quả thật, nếu chỉ nhìn màu xanh, đếm cây xanh mà hài lòng, thì qua thời gian, cây càng to lớn - cái gốc không có rễ "cái", rễ "cọc", không thể đâm qua xi măng, gạch đá, bê tông mặt đường, mặt vỉa hè mà vững chãi thêm – thì cây lại càng "nặng bồng nhẹ tếch", càng dễ đổ hơn khi có tác động từ gió, mưa, giông lốc... Và khi cây càng to bị ngã đổ thì hậu quả cho cộng đồng càng lớn.
Thế nên, tăng cường giám sát và tăng cường "hậu kiểm", truy cứu trách nhiệm (kể cả hình sự) các đơn vị làm ăn tắc trách để "noi gương", là điều cấp thiết lúc này. Đây không chỉ là bài toán kinh tế mà còn là bài toán bảo vệ tính mạng và tài sản của cả cộng đồng - như những gì cơn bão Yagi vừa mới góp phần "vạch mặt"!
Tôi và chắc là cả bạn nữa, dường như tất cả chúng ta, vẫn quen với việc trước phố mọc lên hàng cây nào đó xanh mướt. Chẳng biết chúng được trồng lúc nào, trồng theo cách nào, có an toàn, đúng quy cách hay không...? Bởi ta cứ nghĩ đó là việc nhà nước đã "phân công" cho ai đó rồi và ta cứ thụ hưởng khi nó tươi tốt, hoặc chịu trận khi nó ngã đổ mà thôi.
Siêu bão Yagi đổ bộ vào Thủ đô làm chúng ta "mất" đi hơn 17.400 cây xanh. Nhưng cái chúng ta sẽ "được" chính là cách nhìn nhận nghiêm túc hơn, chặt chẽ và chuyên nghiệp hơn về quy trình trồng và chăm sóc cây xanh đô thị, quy trình giám sát bài bản hơn và minh bạch hơn bằng sự tham gia của cộng đồng đối với hàng vạn "lá phổi" của thành phố - nơi đem lại cho chúng ta không chỉ bóng mát mà cả sự thanh bình trong tâm hồn mỗi người, chứ không phải là nỗi bất an mỗi khi trái gió trở trời.
https://danviet.vn/gan-18-van-cay-xanh-ha-noi-guc-nga-sau-sieu-bao-yagi-loi-do-bao-hay-do-nguoi-20240908194125571.htm?fbclid=IwY2xjawFKx-tleHRuA2FlbQIxMAABHVTiYu-ZDWvHOVWX_CjBnpC_Fa7fLj8MWZCWbxJ1pN8QihcOAR7MHxzBYw_aem_EjJbb3yCSAaOYcdIoVEwNQ
6.
Thông tin mới nhất về cây đa đổ gục ở đền Bà Kiệu
TS. Nguyễn Doãn Văn - Giám đốc Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội - cho Tiền Phong biết do ảnh hưởng của bão, cây đa phía sau đền Bà Kiệu (Hoàn Kiếm) bị bật gốc, đổ vào khu vực nhà phụ trợ, nhà xung quanh ngôi đền. Vì vậy cấu trúc chính của di tích đền Bà Kiệu không bị ảnh hưởng.
"Chúng tôi đang khắc phục hậu quả do cơn bão gây ra. Chúng tôi phối hợp với lực lượng chức năng liên tục cắt gọn, dọn dẹp khu vực xoay quanh cây đa và đền Bà Kiệu. Theo đề nghị của UBND quận Hoàn Kiếm, công ty Công viên cây xanh sẽ thực hiện kéo lại cây đa về chỗ cũ nhằm lấy lại cảnh quan vốn có của khu vực này", TS. Nguyễn Doãn Văn nêu.
Đang tải quảng cáo... |
Ngày 7/9, cây đa phía sau đền Bà Kiệu (mặt phố Lò Sũ) đã bị bật gốc, gây thiệt hại đến công trình phụ trợ xung quanh. |
Sau khi kéo thẳng về vị trí cũ, lực lượng chức năng phối hợp với đơn vị chăm sóc cây xanh để chăm sóc, đảm bảo cây tiếp tục phát triển ổn định. Cây đa phía trước đền Bà Kiệu gần như vẫn nguyên vẹn, không có hiện tượng bật gốc hay gãy đổ.
Đền Bà Kiệu là ngôi đền cổ có giá trị đặc biệt về lịch sử cũng như tín ngưỡng. Hình ảnh của ngôi đền luôn gắn với hình bóng đa cổ thụ có tuổi đời cao nhất nhì ở Hà Nội.
Cây đa phía trước đường Đinh Tiên Hoàng, gắn liền với hình ảnh đền Bà Kiệu. |
Thông tin thêm về hậu quả của bão YAGI tại các di tích trong thành phố, TS. Nguyễn Doãn Văn nhấn mạnh không có thiệt hại lớn về người và của. Theo đó, do ảnh hưởng của bão, nhiều cành cây bị gãy, một số cây bị bật gốc nhưng không gây thiệt hại về cấu trúc chính của di tích.
"Theo báo cáo, thiệt hại về tài sản ở các khu di tích phần lớn là bảng hiệu, bảng hiện chữ hướng dẫn trong khu di tích bị rơi, hỏng... Các thiệt hại này có thể nhanh chóng khắc phục được. Đến nay, chúng tôi chưa ghi nhận tình trạng di tích bị cây đổ gây biến dạng tường bao hay bị tốc mái, hỏng hóc phần mái", TS. Nguyễn Doãn Văn nêu.
Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám ngổn ngang sau khi bão Yagi đổ bộ. |
Cán bộ, viên chức, người lao động tại các khu di tích sẽ tiếp tục tập trung dọn dẹp khuôn viên di tích, trả lại vẻ ngăn nắp cho điểm đến và sớm mở cửa đón khách trở lại.
Một số di tích tại Thủ đô đều ghi nhận thiệt hại sau cơn bão. Lãnh đạo các khu di tích khẳng định nhờ chủ động chuẩn bị, thực hiện nghiêm các chỉ thị về phòng, chống bão nên hậu quả được ghi nhận ở mức thấp nhất.
Ông Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám - cho biết nhờ có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước bão, cắt tỉa các cành của cổ thụ, cây cao, đặc biệt xung quanh các công trình kiến trúc của di tích nên thiệt hại không quá nặng nề.
"Khoảng 60 cán bộ, viên chức, người lao động của trung tâm bắt đầu dọn dẹp từ 7h30 sáng ngày 8/9 để kịp thời mở cửa đón khách lúc 12h30 cùng ngày", ông Lê Xuân Kiêu cho Tiền Phong biết.
https://tienphong.vn/thong-tin-moi-nhat-ve-cay-da-do-guc-o-den-ba-kieu-post1671027.tpo?fbclid=IwY2xjawFKpNVleHRuA2FlbQIxMAABHWpBA-hSPIKiZRhZclv_4gFGFRxFhrsgNPvOWdpt7_QpOriCkU3uByaJ2g_aem_3rwKokF9O131WaxAd_30ew
5. Video của VTC
Bão Yagi quét qua, để lại cảnh tượng tan hoang: Những hình ảnh không thể tin nổi | VTC Now
4.
Sáng 8/9, sau khi bão Yagi đi qua, trung tâm Hà Nội ngổn ngang bởi hàng trăm cây xanh bật rễ, đổ chắn ngang lối đi. Phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm cũng không thể hoạt động.
Sáng 8/9, đường phố trung tâm Thủ đô ngổn ngang bởi hàng trăm cây xanh bị bật rễ ngã đổ chặn gần hết một chiều lưu thông của xe cộ. Hình ảnh trên phố Nguyễn Chí Thanh lúc 7h.
Trên phố Tôn Đức Thắng đoạn gần Nguyễn Thái Học, dù phía trước một cây đổ chắn hết lối đi, một phụ nữ vẫn cố đi lên trên tán lá cây và bị ngã xe.
Nhiều người tranh thủ hái hoa lan tây khi cây trong khuôn viên Bảo tàng Mỹ thuật (ngã tư Cao Bá Quát - Nguyễn Thái Học) bị đổ.
2 ô tô tại khu chung cư Nam Đô trên phố Trương Định bị cây đè, đến 9h vẫn chưa được giải cứu.
Hàng Phở Thìn Bờ Hồ nổi tiếng bị cây đổ vào hỏng cả bức tường mặt tiền và mái nhà.
Ngõ có hàng phở này bị mái tôn sập xuống che chắn gần hết cửa khiến người dân phải khom lưng ra vào.
Xung quanh hồ Hoàn Kiếm, cả chục cây xanh bị bật gốc ngã đổ. Phố đi bộ bên hồ Gươm hôm nay không hoạt động. Ô tô, xe máy được phép đi bình thường.
Một cây xanh tại vườn hoa Vạn Xuân (vườn hoa Hàng Đậu) bị đổ ập về phía tượng đài cảm tử.
Cây sấu đổ trước cửa trụ sở UBND TP Hà Nội đang được công nhân khẩn trương cưa cắt, thu dọn.
Cây đa trăm tuổi ở góc ngã ba Lê Lai - Đinh Tiên Hoàng gãy đổ, gốc rễ vẫn còn nguyên.
Nhiều cây xanh khác đang được cưa cắt, thân cây nằm ngổn ngang chờ ô tô đến chở đi.
Nhiều cột biển tên phố bị cây đổ đè gãy, trong đó có biển tên các phố Đinh Tiên Hoàng, Lò Sũ...
Hệ thống bốt điện và cột đèn ở ngã 5 Hùng Vương - Nguyễn Thái Học - Hàng Cháo.
Toàn bộ ki-ốt bán bánh trung thu trên các vỉa hè đều bị sập đổ, bung gãy.
Một cây cổ thụ lớn đổ ngang phố Giang Văn Minh khiến lối đi lại chỉ còn một khe nhỏ trên vỉa hè.
Hầu hết hàng quán, cơ sở kinh doanh vẫn đóng cửa nghỉ trong sáng 8/9.
Tranh thủ nước lên cao, nhiều cá tràn về, một số người ở gần hồ Trúc Bạch mang cần ra câu ngay từ sáng 8/9.
https://vietnamnet.vn/pho-di-bo-tan-tac-hang-pho-thin-bo-ho-bi-cay-do-sap-tuong-sau-bao-yagi-2319614.html
3.
- Chủ Nhật, 08/09/2024 | 13:01
Quảng Ninh, Hà Nội và Hải Phòng là ba địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của bão Yagi (bão số 3) quét từ biển vào đất liền ngày và đêm 7/9.
Thời điểm tâm bão Yagi vừa đi qua, gió vẫn mạnh kèm mưa lớn khiến sóng biển Hạ Long (Quảng Ninh) dâng cao. Hàng chục thuyền bè neo đậu tại đây đã bị sóng đánh chìm. Ngư dân hoảng loạn chạy lên bờ, lo lắng bởi thiệt hại có thể lên tới hàng trăm triệu. Ảnh: Thạch Thảo.
Ngay sau đó là một khung cảnh tan hoang. Hàng loạt nhà dân, mặt bằng cho thuê chịu thiệt hại nặng nề. Trong ảnh, dãy nhà hàng kinh doanh hải sản ở Bãi Cháy bị sập mái, tốc cửa. Những ô tô đỗ trên vỉa hè cũng bị ảnh hưởng khi nhiều vật dụng rơi vào. Ảnh: Thạch Thảo.
Các dãy nhà shophouse của một khu du lịch tại Hạ Long bị đổ nát nghiêm trọng. Ảnh: Thạch Thảo.
Đường Hoàng Quốc Việt (phường Bãi Cháy), nơi tập trung nhiều nhà hàng, khách sạn sang trọng ven biển cũng trong tình cảnh tương tự. Nhìn từ trên cao, các mặt bằng kinh doanh ngổn ngang. Ảnh: Thạch Thảo.
Nằm ngay ven biển là nhà hàng ẩm thực của ông Ngô Tú Phương, rộng 1.000m2, phục vụ ăn uống và tiệc khách đoàn. Sáng nay, toàn bộ mặt bằng đã hư hỏng hết, mái đổ sụp xuống, nhiều đồ vật xung quanh vỡ vụn. Ảnh: Thạch Thảo.
Sáng 8/9, chia sẻ với VietNamNet, ông chủ 50 tuổi cho biết, trước đó đã cho nhân viên gia cố, chằng chéo nhà hàng, chặn bao cát lên nóc để tránh thiệt hại, nhưng đến hôm nay không ngờ cơn bão phá huỷ đến mức này. “Mất hết, chừng 10 tỷ chỗ này”, ông Phương chua xót nói. Ảnh: Thạch Thảo.
Một nhà hàng ẩm thực khác gần đó cũng sụp đổ hoàn toàn, chỉ còn lại cây cột quảng cáo phía trước cửa. Ảnh: Thạch Thảo.
Nhiều khách sạn, những tòa nhà cao cả chục tầng đều bị lật mái, vỡ cửa kính. Ảnh: Thạch Thảo.
Anh Long (nhân viên kỹ thuật tại một khách sạn) cho biết, hai cột sóng nằm trên nóc khách sạn đã bị đổ gãy. Toàn bộ khu vực Bãi Cháy bị mất mạng di động. “Tôi chưa từng thấy cảnh tượng này bao giờ, quá kinh khủng!”, anh nói. Ảnh: Thạch Thảo.
Hải Phòng, thành phố lân cận Quảng Ninh cũng chịu thiệt hại không kém. Cảnh tan hoang ở khắp nơi sáng 8/9. Trong ảnh, ngôi nhà 2 tầng số 6 Trần Hưng Đạo của bà Vinh đã cho thuê bán cà phê. Đêm 7/9, cây đổ vào khiến nhà bị hư hỏng hoàn toàn. May mắn không có thiệt hại về người. Ảnh: Phạm Hải.
Không chỉ cây xanh, cột đèn, biển báo và nhiều vật dụng công cộng ngoài đường khác bị gió quật đổ trong chiều 7/9. Ảnh: Phạm Hải.
Toà nhà 23 Minh Khai, quận Hồng Bàng (Hải Phòng) bị tốc hoàn toàn mái tôn. Sáng sớm 8/9, hàng chục người tham gia dọn dẹp và khắc phục hậu quả. Ảnh: Phạm Hải.
Không nằm sát biển nhưng Hà Nội vẫn là địa phương chịu ảnh hưởng khá nặng bởi cơn bão số 3. Vào chiều tối 7/9, thời điểm tâm bão quét qua, nhiều người vẫn ra đường và bị gió quật ngã. Ảnh: Hùng Nguyễn.
Trước đó vào buổi chiều, một ngôi nhà ở xã Dị Nậu (huyện Thạch Thất, Hà Nội) bị đổ sập ngay khi gió mạnh tràn về. Ảnh: Quân Huy.
Buổi sáng sớm 8/9 ra phố trung tâm Thủ đô, đâu đâu cũng thấy cây đổ chắn ngang đường. Ảnh: Hoàng Minh.
Nhiều người dân đỗ ô tô trên hè phố hoặc ở sân các khu đô thị đã phải chịu hậu quả khi hàng chục chiếc "xế hộp" bị cây đổ đè bẹp trong đêm qua. Hình ảnh tại chung cư Nam Đô, phố Trương Định, quận Hoàng Mai. Ảnh: Lê Anh Dũng.
Gần như không có tuyến phố nào không có cây xanh bị đổ. Đến gần trưa cùng ngày, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội cho biết, bão số 3 đi qua đã làm gãy đổ hơn 14.600 cây xanh trên địa bàn. Ảnh: Hùng Nguyễn.
Rừng trúc xanh trồng bên hồ Trúc Bạch để thu hút khách du lịch cũng bị gió quật nghiêng ngả. Nhiều cây bật gốc. Ảnh: Hùng Nguyễn.
Trong ngày 8/9, rất nhiều cán bộ, chiến sĩ được triển khai tới các khu vực có cây xanh bị đổ để cắt tỉa, dọn dẹp, giải cứu ô tô bị đè bẹp. Ảnh: Đình Hiếu.
https://vietnamnet.vn/hinh-anh-nhoi-long-trong-sieu-bao-yagi-2319634.html
2.
BÃO YAGI 2024 : cây cổ thụ sau Đền Bà Kiệu vừa bật gốc
https://www.facebook.com/100093612254372/videos/372878645867475/
1. Cây đa ở mặt sau Đền Bà Kiệu vừa đổ xuống ki-ốt
"
https://www.facebook.com/giao.blog/posts/pfbid0rc1u5Yf5X8QLrcTpUjjcVRPCpfAr4RmAcgZAy7dLFMkTkQvBPYENZ3fGr6DMXiPwl
"
((để so sánh, xem hình ảnh cũ, năm 2023 thì như ở dưới:
))
https://danviet.vn/noi-o-kinh-doanh-cua-7-ho-dan-vua-bi-kiem-dem-de-thu-hoi-cai-tao-di-tich-canh-ho-guom-20231025133109617.htm
---
BỔ SUNG
2.
Chiều nay, 6/9, cơn mưa lớn trên diện rộng kèm gió giật mạnh trước khi siêu bão Yagi đổ bộ đã làm bật gốc một cây si cổ thụ ở số 11 phố Chả Cá (Hoàn Kiếm, Hà Nội), đoạn giao với phố Hàng Cá.
Qua xác minh ban đầu, vụ việc đã khiến ba người bị thương do cành cây gãy đổ vào người. Lực lượng cứu nạn, cứu hộ đã đưa các nạn nhân vào Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cấp cứu. Theo thông tin ban đầu từ bệnh viện, qua thăm khám, ba nạn nhân bị thương nhẹ, đã tỉnh táo. Về tài sản hư hỏng hai xe máy.
Ủy ban Nhân dân phường Hàng Đào tổ chức di chuyển, dọn dẹp khu vực xảy ra sự cố, phân luồng giao thông. Đồng thời tiếp tục tuyên truyền, thông tin rộng rãi đến nhân dân được biết để có biện pháp phòng, ngừa, xử lý sự cố trong thời gian bão số 3 diễn biến phức tạp./.
Thông tin về cơn bão số 3 cập nhật lúc 17h ngày 6/9:
- Vị trí tâm bão: Khoảng 20.0 độ Vĩ Bắc; 110.5 độ Kinh Đông, cách Quảng Ninh khoảng 400km.
- Sức gió mạnh nhất: Cấp 16 (184-201km/h), giật trên cấp 17 (cấp 18, cấp 19)
- Dự báo: Trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 15-20km/h.
Nguồn: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia.
https://www.vietnamplus.vn/mua-giong-o-ha-noi-do-cay-si-co-thu-sap-tuong-cong-trinh-lau-doi-o-pho-cha-ca-post974689.vnp
1.
Cập nhật: Hà Nội mưa lớn trắng trời, ùn tắc, cây xanh đổ đè trúng ngườiKinhtedothi - Chiều 6/9, tại Hà Nội, trận mưa lớn kèm dông, lốc kéo dài gần một giờ đồng hồ khiến cho nhiều cây xanh đổ trên phố, giao thông tại một số khu vực ùn tắc.
Chiều 6/9, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia vừa đưa ra cảnh báo dông, lốc, sét, mưa lớn cục bộ khu vực nội thành Hà Nội.
Hiện nay, qua theo dõi trên ảnh vệ tinh, số liệu định vị sét và ảnh ra đa thời tiết cho thấy mây đối lưu bắt đầu hình thành trên khu vực tỉnh Bắc Ninh. Ổ mây này có xu hướng di chuyển về phía tây nam và mở rộng sang khu vực nội thành Hà Nội.
Trung tâm cảnh báo, khoảng 40 phút đến 3h tới, các quận Tây Hồ, Long Biên, Gia Lâm có mưa rào và dông, sau đó mở rộng sang các quận nội thành khác của thành phố Hà Nội. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lốc, sét, mưa đá: cấp 1
Một số hình ảnh do phóng viên báo Kinh tế&Đô thị ghi lại tại Hà Nội trong trận mưa lớn chiều 9/6/2024 trước khi siêu bão số 3 (Yagi) đổ bộ đất liền:
Quảng cáo
https://kinhtedothi.vn/cap-nhat-ha-noi-mua-lon-trang-troi-un-tac-cay-xanh-do-de-trung-nguoi.html
..
Cây đa ở mặt sau Đền Bà Kiệu vừa đổ xuống ki-ốt
Trả lờiXóa