Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

18/02/2024

10 năm nhìn lại di tích Tổng Chúp và cuộc chiến 1979 ở mặt trận Cao Bằng (2014-2024)

Tháng 3 năm 2014, tôi du lãng đầu năm ở quê hương Cao Bằng, lúc ra thành Mục Mã ngày xưa (nay là thành phố Cao Bằng), lúc về bản, lúc lại ra biên giới,...

Lần ấy, vào một buổi sáng, tôi đi bộ vu vơ bên dòng sông Hiến để nghĩ lại về cảnh cũ người cũ chuyện cũ nhiều năm và thậm chí là nhiều thế kỉ trước đó ! Xa xôi thì là những câu chuyện tận thời 1593-1683 gắn với vương triều Mạc, mà gần thì là những năm tháng của thập niên 1990 - tôi bắt đầu làm điều tra điền dã dân tộc học ở Cao Bằng.

Rất ngẫu nhiên, lúc đi vơ vơ ấy, tôi lại có cơ hội vào thăm nhà cũ của ông Trại trưởng Trại Chăn nuôi Đức Chính - gắn với cái tên Tổng Chúp trong chiến tranh biên giới tháng 2 và tháng 3 năm 1979. 

Ngẫu nhiên gặp được người vợ góa của ông Trại trưởng ở cạnh dòng sông Hiến, chỉ sau mấy phút nói chuyện, bà đồng ý đưa tôi về nhà riêng của ông bà để hàn huyên. Bà kể lại chuyện Tổng Chúp năm 1979, cho tôi xem nhiều tư liệu liên quan.

Bây giờ, vào tháng 2 năm 2024, qua thông tin các nguồn khác nhau, đã biết Tổng Chúp có khu tưởng niệm các nạn nhân của thảm sát tháng 3 năm 1979.

1. Vào tháng 3 năm 2014, lúc vẫn đang du lãng Cao Bằng, tôi đã viết:

"

Thảm sát ở biên giới năm 1979 : "Phải trả thù, Đức Chính - Cao Bằng"

Đó là dòng chữ được viết trực tiếp lên mặt một bức ảnh, của chính phóng viên ảnh, chụp vào ngày lực lượng quân sự Việt Nam tới trại chăn nuôi Đức Chính (huyện Hòa An tỉnh Cao Bằng) để khâm liệm và chôn cất hơn 40 nạn nhân đã bị lính Trung Quốc thảm sát. Mùi xú uế bốc lên, cán bộ dịch tễ phải tới phun thuốc.

"Phải trả thù, Đức Chính - Cao Bằng".

Ở góc một bức ảnh khác, người phóng viên viết: "Nợ máu quân Trung Quốc (....)".

"

Ảnh chụp năm 2019 của phóng viên Kiến thức & Cuộc sống


2. Đây, đây là bức ảnh chụp năm 1979, ngay sau sự kiện Tổng Chúp tháng 3 năm 1979. Lính Trung Quốc đã tràn vào trại chăn nuôi Đức Chính, tàn sát hơn 40 mạng người rồi quăng xác xuống giếng ở Tổng Chúp.


Bức ảnh đó, vào tháng 3 năm 2014, tôi chụp lại từ cuốn an-bum mà người vợ góa của ông Trại trưởng cho xem. 

Cuốn an-bum được để ở bên cạnh bàn thờ ông Trại trưởng - khi đó, ông mới qua đời được ít năm. Tôi vào thắp hương cho ông theo hướng dẫn của người vợ góa thì thấy ngay cuốn an-bum.

3. Tháng 3 năm 2014, tôi đã viết:

"

Trên đường du lãng, chúng tôi không hỏi thăm, ngẫu nhiên chạm vào ngôi nhà của ông Trại trưởng Trại Chăn nuôi Đức Chính lúc đó. Nhưng chỉ gặp được một người nhà. Ông đã đi về thế giới bên kia vài năm trước. Cảnh nhà tồi tàn, xơ xác, làm chúng tôi không khỏi bùi ngùi (về hưu được ít năm, ông bị tai biến, nhập viện được một thời gian thì đi).

Ông chính là người đang vừa khóc vừa trả lời phỏng vấn của báo chí trong tấm hình trên. Vợ và cả bốn người con của ông đã bị quân xâm lược sát hại vào đêm hôm ấy, khi ông không ở trại vì đang họp ở nơi khác.

Một trong những nhân chứng có mặt ở đó là người Nhật - phóng viên của tờ Cờ đỏ (cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Nhật Bản).

Sự thực là như vậy. Chiến tranh là như vậy. Nơi đây, chiến tranh đã diễn ra liên miên. Chúng tôi đi ngược bờ sông Hiến, bâng khuâng nghĩ về chiến tranh và hòa bình. Không quên chiến tranh, nhưng hòa bình mới là lẽ sống của muôn vật muôn loài.

Mai lại trở về với Lũng Sâu và Nà Đỏng.

"

4. Bây giờ, đại khái, tình hình ở Tổng Chúp là như ở bên dưới.

Ảnh của tháng 2 năm 2024, do phóng viên VNN chụp




Cuối năm 2023, TP Cao Bằng nâng cấp, xây dựng nơi xảy ra vụ thảm sát Tổng Chúp trước đây thành không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng và khu tưởng niệm những nạn nhân xấu số bằng nguồn lực xã hội hóa.



Tại khu tưởng niệm có 3 gian thờ, trong đó có ban thờ anh hùng liệt sỹ và gian thờ 43 nạn nhân bị sát hại năm 1979.

Từ thời điểm tháng 3/1979 đến cuối năm 2023 (khoảng 44 năm), nơi 43 người bị sát hại là một khu vực rậm rạp cây cối, cỏ mọc um tùm. Những gì còn sót lại sau gần nửa thế kỷ chỉ vỏn vẹn là một giếng nước hoang lạnh và khóm tre già cùng tấm biển ghi lại sự kiện như một cách để nhắc nhở về nỗi đau mà quân xâm lược đã gây ra cho đồng bào tỉnh biên giới Cao Bằng. 

Ảnh của tháng 2 năm 2024

Bài đầu tiên là của VNN. Dưới đó là tư liệu cập nhật và bổ sung như mọi khi.

Tháng 2 năm 2024,

Giao Blog


---

Thứ bảy, 17/02/2024 - 13:00

Đoàn Bổng - Lê Anh Dũng

TP Cao Bằng (tỉnh Cao Bằng) xây dựng và đưa vào vận hành khu nhà văn hóa, trong đó có gian tưởng niệm 43 người dân đã bị quân Trung Quốc sát hại tại Tổng Chúp, xã Hưng Đạo.

LỜI TÒA SOẠN

Nhìn lại lịch sử bi hùng của dân tộc để không ai được phép quên lãng. Ghi nhớ để sống tốt hơn, ghi nhớ để thêm yêu chuộng hòa bình và ghi nhớ để rút ra bài học trong ứng xử bang giao.

45 năm đã trôi qua, nhìn lại cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc để thêm một lần nữa khẳng định sự thật lịch sử và tính chính nghĩa của dân tộc Việt Nam. Thời gian đủ dài giúp cả Trung Quốc và Việt Nam bình tĩnh, khách quan nhìn lại cuộc chiến này một cách khoa học, đầy đủ và chân thực nhằm tìm ra phương thức xử lý tối ưu các vấn đề do lịch sử để lại và rút ra nhiều bài học quý giá.

VietNamNet khởi đăng loạt bài 45 năm cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc nhằm cung cấp thêm thông tin, tư liệu tới quý độc giả, để mọi người cùng ghi nhớ, không thể lãng quên.

Một chiều tháng hai, ông Đàm Thế Chinh, Bí thư chi bộ kiêm trưởng xóm Tổng Chúp (xã Hưng Đạo) mở cánh cổng nhà văn hóa và khu tưởng niệm 43 nạn nhân bị quân Trung Quốc sát hại để đón những vị khách từ Hà Nội đến thắp hương. Gian nhà văn hóa được xây dựng khang trang với nền nhà lát gạch, một khu sinh hoạt cộng đồng, ba gian thờ và một lư hương đặt trước khóm tre có tấm biển gỗ có tuổi đời đã 45 năm in đậm dòng chữ: "Vụ thảm sát tại Tổng Chúp...".

cao bang tong chup.jpg
Khu vực xảy ra vụ thảm sát tại Tổng Chúp (xã Hưng Đạo, TP Cao Bằng) năm 2019 (ảnh trái) và hình ảnh mới nhất năm 2024. 

Cách đây 45 năm, vào ngày 9/3/1979, trên đường rút quân, một toán lính Trung Quốc đã dồn một nhóm công nhân làm việc tại nông trường thuộc cơ quan Nhà nước đến khu vực Tổng Chúp rồi dùng cọc tre xuống tay sát hại 43 người vô tội. Đáng chú ý, trong số những nạn nhân xấu số, đa phần là phụ nữ và trẻ em, có nhiều nạn nhân đang mang thai trước khi bị tàn sát. 

Từ thời điểm tháng 3/1979 đến cuối năm 2023 (khoảng 44 năm), nơi 43 người bị sát hại là một khu vực rậm rạp cây cối, cỏ mọc um tùm. Những gì còn sót lại sau gần nửa thế kỷ chỉ vỏn vẹn là một giếng nước hoang lạnh và khóm tre già cùng tấm biển ghi lại sự kiện như một cách để nhắc nhở về nỗi đau mà quân xâm lược đã gây ra cho đồng bào tỉnh biên giới Cao Bằng. 

Cuối năm 2023, TP Cao Bằng nâng cấp, xây dựng nơi xảy ra vụ thảm sát Tổng Chúp trước đây thành không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng và khu tưởng niệm những nạn nhân xấu số bằng nguồn lực xã hội hóa. 

a58i8198.jpg
Nhà văn hóa và khu tưởng niệm được xây dựng khang trang tại chính nơi xảy ra vụ thảm sát Tổng Chúp năm 1979.

Nhận tin về việc khởi động xây dựng dự án trên, ông Đàm Thế Chinh cho biết bản thân ông và người dân bản địa rất xúc động và phối hợp chặt chẽ trong việc huy động người dân tham gia hỗ trợ. Cho đến nay, khi dự án đã hoàn thành, ông Chinh cho biết bản thân rất vinh dự khi được chính quyền giao thêm nhiệm vụ trông nom và tổ chức vận hành nhà văn hóa và khu tưởng niệm. 

"Không gian này giờ đây không còn lạnh lẽo nữa, lư hương dưới gốc tre những ngày này luôn được sưởi ấm bởi những nén tâm nhang của người dân từ nhiều nơi tìm đến. Gian thờ 43 nạn nhân vô tội được đặt cạnh gian thờ những anh hùng, liệt sỹ đã hi sinh vì bình yên của Tổ quốc như nhắc nhở thế hệ hôm nay về giá trị của hòa bình và chúng ta phải luôn trân trọng, biết ơn những người đã hi sinh máu xương để bảo vệ từng tấc đất biên cương", ông Chinh nghẹn ngào. 

Cùng với việc xây dựng nhà văn hóa cộng đồng nêu trên, thành phố Cao Bằng còn tổ chức hội nghị nhằm tìm lại danh sách 43 nạn nhân trong vụ thảm sát Tổng Chúp năm 1979. Tính đến nay, với các tài liệu còn lưu giữ và kết quả tại hội nghị xác định danh tính nạn nhân vô tội bị sát hại tại Tổng Chúp, thành phố Cao Bằng đã thống kê được 37/43 nạn nhân. 

Dưới đây là hình ảnh nhà văn hóa và khu tưởng niệm tại Tổng Chúp (xã Hưng Đạo, TP Cao Bằng):

a58i8321.jpg
Ông Đàm Thế Chinh bên chiếc giếng nước - nơi quân giặc ném xác người dân vô tội xuống nay được tôn tạo, thả cá.
a58i8220.jpg
Tấm biển gỗ có lịch sử 45 năm được UBND TP Cao Bằng giữ nguyên trạng. Sau khi xây dựng nhà văn hóa, chủ đầu tư đã đặt một lư hương để người dân thập phương đến thắp hương.
a58i8252.jpg
Người dân xã Hưng Đạo bày tỏ xúc động trước việc chính quyền thành phố xây dựng nhà văn hóa và khu tưởng niệm những người xấu số.
a58i8162.jpg
Tại khu tưởng niệm có 3 gian thờ, trong đó có ban thờ anh hùng liệt sỹ và gian thờ 43 nạn nhân bị sát hại năm 1979.
a58i8179.jpg
Người dân địa phương thắp hương tưởng niệm những người đã khuất. 
a58i8106.jpg
Khuôn viên Tổng Chúp được tôn tạo, xây dựng dựa trên nguyên trạng ban đầu. 
a58i8295.jpg
Theo ông Đàm Thế Chinh, việc xây dựng nhà văn hóa và khu tưởng niệm Tổng Chúp giúp an ủi người đã khuất, đồng thời cũng là cách để các thế hệ nhớ về một giai đoạn lịch sử của đất nước nói chung và của tỉnh Cao Bằng nói riêng.
a58i8429.jpg
Con đường dẫn vào nhà văn hóa và khu tưởng niệm đã rải nhựa, hai bên đường là dãy nhà kiên cố, khang trang.
a58i8344.jpg
Từ nơi 43 người dân vô tội nằm xuống, một nhà văn hóa được xây dựng khang trang kết hợp với khu tưởng niệm 

https://vietnamnet.vn/tong-chup-khong-con-hoang-lanh-2246409.html

..


--- 



CẬP NHẬT


1.

10 phút 
Sáng nay, 19-2-2024, hương linh của các nạn nhân trong vụ thảm sát Tổng Chúp đã chính thức có nơi trú ngụ. Trong thư mời dự lễ khánh thành “Nhà Sinh hoạt cộng đồng kết hợp gian thờ các nạn nhân Tổng Chúp”, UBND thành phố Cao Bằng nhấn mạnh “sự quan tâm đặc biệt của Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các nhà hảo tâm”.
Vụ thảm sát diễn ra vào cách đây đúng 45 năm.
“Tại thôn Tổng Chúp, xã Hưng Đạo, huyện Hòa An, Cao Bằng, trong ngày 9-3, trước khi rút lui, quân Trung Quốc đã giết 43 người, gồm 21 phụ nữ, 20 trẻ em, trong đó có 7 phụ nữ đang mang thai. Tất cả đều bị giết bằng dao như Pol Pốt. Mười người bị ném xuống giếng, hơn 30 người khác, xác bị chặt ra nhiều khúc, vứt hai bên bờ suối”.
Sáng 5-2-2009, tôi cùng phóng viên ảnh Lê Quang Nhật tới đây, ngày 9-2-2009, trong bài báo đầu tiên nhắc lại cuộc chiến tranh hoàn toàn bị lãng quên từ sau Hội Nghị Thành Đô này, tôi viết:
“Trở lại Tổng Chúp, phải nhờ đến ông Lương Đức Tấn, Bí thư Chi bộ, nguyên huyện đội phó Hòa An, đưa ra cái giếng mà hôm 9-3-1979, quân Trung Quốc giết 43 thường dân Việt Nam. Ông Tấn cũng chính là một trong những người đầu tiên trở về làng, trực tiếp đỡ từng xác phụ nữ, trẻ em, bị chặt bằng búa, bằng dao rồi quăng xuống giếng. Cái giếng ấy bây giờ nằm sâu trong vườn riêng của một gia đình, không có đường đi vào. Hôm ấy, ông Tấn phải kêu mấy thanh niên đi theo chặt bớt cành tre cho chúng tôi chụp hình bia ghi lại sự kiện mà giờ đây đã chìm trong gai tre và lau lách”.
[Biên Giới Tháng Hai, Sài Gòn Tiếp Thị ngày 9-2-2009, bản đưa lên báo online bị rút xuống ngay trong buổi sáng].
Ngày 17-2-2023, tôi lên Cao Bằng, cùng các CCB Trung đoàn 567 trở lại hiện trường. Tấm bia ghi lại tội ác này bị mất một cột đỡ, sụp xuống, “di tích” lặng chìm trong hoang vu. Tôi bàn với Hồ Tuấn và các anh trong Ban liên lạc CCB Trung đoàn 567, tìm hướng xây ở đây một am thờ. Các CCB, bằng cách của mình đã xây ở Cao Bằng hai đài hương, một ở hang Keng Riềng [thờ 26 thương binh và phụ nữ bị tàn sát trong ngày 2-3-1979]; một ở Lạc Diễn [thờ các thành viên trong Đội Văn công xung kích của Trung đoàn hy sinh đêm mùng 6 rạng ngày 7-3-1979].
Các CCB 567 nhận trách nhiệm xin thủ tục pháp lý ở địa phương, tôi đi xin tài trợ. Một nhà doanh nghiệp ở Sài Gòn đã đồng ý đầu tư toàn bộ công trình. Chúng tôi đã lên ý tưởng khôi phục lại giếng bằng 43 phiến đá. Nhưng, thủ tục thì có vẻ như vô vọng.
Đang rất sốt ruột thì chiều 8-6-2023, nhà báo Lê Đức Dục khoác ba lô bước vào nhà tôi, nói, “Xong rồi anh ạ”. Lê Đức Dục vừa cùng đoàn của ông Trương Tấn Sang lên Cao Bằng khảo sát việc xây dựng nơi thờ các nạn nhân Tổng Chúp.
Lê Đức Dục là một nhà báo mà 16 năm qua, năm nào cũng lên Biên Giới vào dịp tháng Hai. Tháng 7-2022, anh cùng ông Trương Tấn Sang và các thành viên nhóm thiện nguyện Chia sẻ - Sharing lên Vị Xuyên. Lúc ấy, Nghĩa trang Vị Xuyên đã được tôn tạo khang trang, Đài hương 468 cũng đã được xây. Dục đem câu chuyện Tổng Chúp nói với vợ chồng anh Nhựt Tân và chị Tranh [Trưởng nhóm Chia sẻ].
Tháng 3-2023, ông Tư Sang ra Quảng Trị nhân dịp 50 năm trao trả tù binh ở sông Thạch Hãn (1973), Dục khi ấy đang đi Quảng Ngãi, chị Tranh và anh Tân nhắn ra gấp “để trình bày cụ thể với chú Tư”.
Tối 18-3-2023, Dục gặp ông Tư Sang, sau đó, anh tập hợp tất cả tư liệu, báo chí viết về Tổng Chúp. Bao gồm cả đoạn phim mà AP quay đươc ngay sau hai tuần xảy ra vụ thảm sát. Đoạn phim này được một bạn trẻ rất giỏi về phục hồi tư liệu tìm được từ kho tư liệu của hãng AP.
Ngày 28-4-2023, Lê Đức Dục viết thư cho ông Trương Tấn Sang: “Mong chú Tư tìm cách để xây cho 43 người dân vô tội này một nơi để nhang khói như nhờ có chú mà những người lính Vị Xuyên có một đền thờ trên đài hương ở Thanh Thủy vậy”.
Trong thư, Lê Đức Dục so sánh cuộc thảm sát Tổng Chúp với cuộc thảm sát Sơn Mỹ [Quảng Ngãi] năm 1968.
Ngày 22-9-2023, tôi theo Lê Đức Dục lên Cao Bằng dự lễ khởi công. Gặp lại các CCB Trung đoàn 567 ở buổi lễ, chúng tôi nắm chặt tay nhau.
Công trình được xây với sự tập trung các nguồn lực cao nhất [từ các nhà hảo tâm] để kịp khánh thành vào dịp 17-2-2024. Từ đầu năm Dương lịch tới nay, đã có hai nhà lãnh đạo trong “top 5” đến dâng hương ở Tổng Chúp.

Năm nay, cả tôi và Lê Đức Dục đều có việc nên không lên Biên giới vào tháng Hai. Trời ấm, có lẽ hoa đào đã lại nở thắm miền biên viễn.

Nhà báo Lê Đức Dục, ngoài cùng bên phải.



Ông Trương Tấn Sang cùng lãnh đạo Cao Bằng dân hương trước lễ khởi công, 22-9-2023.

Cùng các CCB Trung đoàn 567 ngày 17-2-2023.

Cùng người dân Tổng Chúp.


Bức ảnh do Lê Quang Nhật chụp 2-2009.



https://www.facebook.com/Osinhuyduc/posts/pfbid0GLiTpvVRP1NtBRQ21r8mZJkesGSvPMkZ9atZWAJkG8BFVQKAcWHrXRbM61eFmh91l

..



---

BỔ SUNG



2.

Thứ ba, 12/02/2019 - 05:05

40 năm trôi qua, song ám ảnh về vụ tàn sát 43 người dân trong cuộc chiến tranh biên giới tháng 2/1979 vẫn hằn in trong tâm trí những người ở lại.

Mỗi năm, cứ đến tháng 2, người dân TP Cao Bằng lại xót xa nhớ vụ xuống tay với hàng chục người dân ở bản Tổng Chúp (xã Hưng Đạo).

{keywords}
Bảng gỗ khắc ghi tội ác

Ngày 9/3/1979, trên đường lui quân sau những âm mưu chiếm đánh các tỉnh phía Bắc Việt Nam bất thành. 43 người dân đã ra đi... 

Ông Đào Nguyên An (SN 1947), nguyên GĐ nông trường Cao Bằng, là người trực tiếp tổ chức cho công nhân đến nhận dạng và lượm 43 thi thể trên kể lại, trước ngày 17/2/1979, toàn bộ nông trường đã có nhiều cuộc họp quán triệt và tập dượt đề phòng khi có giặc sang xâm lược sẽ có cách phòng bị. Từng người trong các trại được phân công trực theo ca, phát hiện thấy kẻ thù sẽ đánh kẻng thật lớn để báo động.

Rạng sáng 17/2 mở màn bằng tiếng bom đạn chát chúa, từng đoàn quân xâm lược tràn qua biên giới, đánh chiếm các vị trí ở thị xã Cao Bằng...

{keywords}
Ông Đào Nguyên An hồi tưởng quá khứ qua các bức ảnh tư liệu

Theo ông An, tất cả mọi người đều sững sờ với những gì hiện ra trước mắt nhưng nén đau thương...

Cũng như ông An, bà Nguyễn Thị Đào (SN 1957) vẫn chưa thôi ám ảnh về cuộc chiến tranh đã nằm lại sau lưng 40 năm. Hồi ấy, bà Đào mới bước sang tuổi 22, đảm nhận vị trí kho quỹ của trại nuôi lợn Đức Chính.

Ngày quân xâm lược tràn sang, bà là người gõ kẻng báo động đầu tiên để hô hoán mọi người chạy. Thế rồi, cũng chính bà là người được đơn vị cử đến để nhận dạng các đồng nghiệp.

“Tôi không dám nghĩ lại chuyện cũ. Vào tháng 2 hàng năm, tôi lại cố lừa dối bản thân mình tất cả chỉ là một cơn ác mộng để không phải nghĩ lại những giây phút đau đớn năm ấy. Nhưng tôi hiểu, những thứ thuộc về quá khứ, về lịch sử thì không thể thay đổi”, bà Đào mở đầu câu chuyện bằng giọng trầm lắng.

{keywords}
Giếng cổ đã bị lấp sau 40 năm 

Chưa một phút giây nào bà quên được khoảnh khắc chứng kiến những người bạn sớm tối có nhau...

“Trước khi quân xâm lược tràn sang, chị em chúng tôi suốt ngày cười đùa rồi tâm sự những câu chuyện về tình yêu, gia đình khi cùng lao động ở trại chăn nuôi lợn.

Nhưng rồi một ngày, tôi phải lượm từng thi thể, rồi đưa họ đoạn đường cuối cùng để về với thế giới bên kia”, bà Đào tâm sự.

Trong những điều đã phải chứng kiến, bà ám ảnh nhất hình ảnh mẹ địu con.

{keywords}
Bà Nguyễn Thị Đào

“Tôi nhớ mãi hình ảnh một người chị em của mình vẫn đang địu trên lưng đứa con nhỏ khi được đưa lên”, bà Đào nghẹn ngào.

Theo lời kể của ông Đào Nguyên An, quá trình chạy loạn, gia đình ông Ất bị lạc nhau, vợ cùng 2 người con nhỏ và một cháu bé còn trong bụng mẹ bị bắt. Qụy ngã trước thi thể vợ con, người đàn ông dân tộc Nùng khóc không thành tiếng. Đến nay, người đàn ông ấy cũng đã qua đời, nhưng câu chuyện bi thương của họ vẫn ám ảnh những người ở lại.

Cuộc chiến đã trôi qua 40 năm, giếng cổ năm nào nay nằm lặng lẽ dưới những rặng tre già. Con đường dẫn vào ngôi giếng nay rậm rạp cỏ cây, dòng suối nhỏ vẫn uốn quanh, thì thầm chảy lặng lẽ mỗi ngày.

Đoàn Bổng

https://vietnamnet.vn/chien-tranh-bien-gioi-am-anh-tu-day-gieng-chon-43-xac-504816.html



1.

Ký ức 17/2/1979: Thảm sát Tổng Chúp, nỗi đau còn ám ảnh (kỳ cuối)

(Kiến Thức) - Giờ hòa bình trở lại, hận thù đã cởi bỏ, người dân Cao Bằng chỉ mong một cuộc sống yên ổn, không bao giờ tái diễn một sự việc đau buồn như thảm sát Tổng Chúp.


Kỳ 2 (Kỳ cuối): Thôi thì gạn đục khơi trong

Tổng Chúp hiện tại bừng lên một sức sống mới mãnh liệt, phần lớn những người chúng tôi đã gặp là dân di cư đến đây sinh sống từ sau cuộc chiến tranh biên giới với Trung Quốc năm 1979, một số nhân chứng đã mất, số khác trải qua sự kiện bi thảm 40 năm trước cũng chuyển đi nơi khác bởi những nỗi đau mất mát quá lớn, bởi họ sợ đối mặt với ám ảnh quá khứ.

Chiến tranh đã qua, cuộc sống mới có nhiều thay đổi, đã yên bình được 40 năm. Ở mảnh đất phên dậu này, có những con người mới chuyển đến. Có thể họ không biết hay không còn nhớ nhiều đến những ngày kinh hoàng cũ.

Đối với một vài người ít ỏi còn bám trụ lại sau cơn hoạn nạn ấy, thì ký ức vụ thảm sát ấy vẫn quá khủng khiếp.

Bà Nông Thị Nương ở khu Đức Chính, xã Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng, kể lại, lúc quân Trung Quốc đánh tới thị xã, thời điểm ấy bà mới có 15 tuổi, nhờ chạy vào khu rừng gần đó nên thoát chết. Bà bảo, hôm đó là tảng sáng ngày 24/2, đang ngủ chưa dậy, thì bất ngờ bà nghe thấy tiếng nổ như bom phía sau nhà, người thì bị sức ép thổi bắn vào tường. Lồm cồm bò dậy, bà cùng mọi người mới biết là phía sau nhà mình bị trúng một quả đạn pháo, cái bếp tan tành, may lúc đấy không ai ở đó.

Ky uc 17/2/1979: Tham sat Tong Chup, noi dau con am anh (ky cuoi)
Bà Nông Thị Nương.

Biết quân Trung Quốc đã đánh vào, không ai bảo ai, bà cùng người thân cứ thế cắm đầu cắm cổ chạy thẳng ra ngoài, không kịp mang theo bất cứ đồ đạc gì. Ra đến đường lớn, đã thấy quân lính và xe tăng Trung Quốc rầm rập đông vô số kể, la hét đốt phá ầm ỹ. 

Đến lúc bà cũng người thân vượt qua được bên kia sông, chạy hướng về sâu trong nội địa, thì mới biết dân Tổng Chúp cũng như các xã xung quanh cũng đều chạy về phía ấy.  Lúc đó, vắng bóng quân Trung Quốc, mọi người tưởng đã yên bình nên tụ tập nhau lại, bàn tính sẽ kéo nhau về Bắc Kạn lánh nạn, chờ tình hình yên ổn mới trở về thu dọn đồ đạc.

Nhưng đoàn người mới chỉ đi được quãng ngắn thì lại rơi vào bẫy phục kích của lính Tàu. Chúng bắn lia 1 loạt súng thẳng vào giữa đám đông, những thi thể đổ gục xuống như cây chuối. Tất cả bỗng chốc tán loạn mỗi người chạy một hướng, người lao xuống suối, người chạy thẳng về phía rừng già, người ba chân bốn cẳng chạy thẳng về phía trước. Bà Nương chạy theo một người hàng xóm, đến lúc hoàn hồn trở lại thì mới nhận ra là người thân trong gia đình không còn ai bên cạnh mình.

Bà Nương cùng những người sống sót đành chui vào trong hang đá ẩn náu. Ngày thì ngồi im trong hang, đên đến thì mò ra hái lá rừng, đào củ sắn, củ mài ăn cho để tồn tại. Về sau, nghe bảo quân Trung Quốc đã rút, mọi người lục tục kéo về. Tất cả chỉ còn là một đống hoang tàn đổ nát, vết cháy xém cùng xác người vương vãi khắp nơi.

Về đến nhà, bà Nương kinh hoàng khi biết trong đám đông bị xả súng hôm ấy, nhóm mấy chục công nhân xấu số ở trại lợn Đức Chính, toàn phụ nữ và trẻ em,đã không chạy thoát, tất cả đều bị bắt và hành quyết. Hôm dân quân thông báo hộ gia đình nào có người còn mất tích thì ra giếng cổ xem có phải người nhà mình không để nhận về chôn cất, bà cứ bồn chồn không yên.  Cũng thật may là những thành viên trong gia đình bà đều được bảo toàn mạng sống, về sau đoàn tụ, họ ôm nhau mừng mừng tủi tủi.

“Tại sao lại có chiến tranh, chúng tôi chỉ là dân thôi mà”, bà Nương thảng thốt.

Ky uc 17/2/1979: Tham sat Tong Chup, noi dau con am anh (ky cuoi)-Hinh-2
 
Ky uc 17/2/1979: Tham sat Tong Chup, noi dau con am anh (ky cuoi)-Hinh-3
Với ông Đinh Ngọc Tinh, những gì đã xảy ra 40 năm trước quá đỗi đau thương và khủng khiếp 

Cùng đám đông chạy loạn hôm 24/2/1979 đó, người mẹ của ông Đinh Ngọc Tinh (Khu Đức Chính, xã Hưng Đạo, tp Cao Bằng) đã bị quân Trung Quốc giết hại trong vụ thảm sát ngày 9/3. Bà tên Tô Thị Yến, năm đó bà Yến 41 tuổi.

Ông Tinh kể lại, về sau có người còn sống sót cho biết là nhóm công nhân trại lợn cùng bà Yến và một số người dân khác chạy đến cây số 5 trên đường đi Bắc Kạn thì gặp phải một toán lính khác của Trung Quốc. Lúc đó, chúng không bắn mà trói nghiến tất cả lại rồi giải về Tổng Chúp. Ông Tinh biệt tin mẹ, cho đến ngày biết được mẹ mình đã bị chúng vùi lấp xuống cái giếng cổ.

Ở cái nhóm người bị bắt đấy, không hiểu sao dân cứ chạy đi đâu, thì quân Trung Quốc theo đến đó, về sau mới biết là trong đám đông đã có kẻ chỉ điểm.

Hôm trở lại Tổng Chúp, ông Tinh cùng mọi người trong nhà đều trở về hết, chỉ thiếu mỗi mẹ. Cho đến lúc thu dọn hết tất cả mọi thứ, thì dân quân thông báo sẽ bốc những thi hài dưới giếng cổ. Nghe vậy, bố ông gọi các chú chạy ra xem có tìm thấy bà Yến ở đó không. Những xác chết được đưa lên đều không phải, niềm hy vọng mẹ mình còn sống sót tăng dần. Nhưng đến người dưới cùng của cái giếng, ông Tinh mới bàng hoàng nhận ra đó là mẹ mình. Như những nạn nhân khác, bà Yến cũng bị bịt mắt, trói tay, bị gậy tre đập thẳng vào đầu. Và bà là nạn nhân đầu tiên của vụ thảm sát khủng khiếp 40 năm trước.

Ông Tinh bảo, có những thời điểm, không lúc nào ông được yên giấc, có những lúc giật mình giữa đêm thảng thốt. Giờ nỗi đau cũng đã qua, hận thù ông đã cởi bỏ, ông cùng gia đình chỉ mong một cuộc sống yên ổn, không bao giờ tái diễn một sự việc đau buồn như thế nữa.

Ky uc 17/2/1979: Tham sat Tong Chup, noi dau con am anh (ky cuoi)-Hinh-4
Cao Bằng bị tàn phá trong cuộc chiến 1979. (Ảnh tư liệu)
Ky uc 17/2/1979: Tham sat Tong Chup, noi dau con am anh (ky cuoi)-Hinh-5
Lính Trung Quốc bị bắt làm tù binh ở Cao Bằng. (Ảnh tư liệu)

Chúng tôi tiếp tục đi một vòng quanh xã Hưng Đạo. Với những nhân chứng khác của vụ thảm sát, qua thời gian 40 năm mà câu chuyện  bi thảm ấy vẫn luôn hiện hữu. Tuy nhiên, cảm giác căm phẫn nay đã không còn, chỉ có sự thương cảm giành cho các nạn nhân xấu số năm ấy thì lúc nào cũng như trước.

Giờ hòa bình trở lại, hận thù đã cởi bỏ, họ  chỉ mong một cuộc sống yên ổn, không bao giờ tái diễn một sự việc đau buồn như thế nữa.

Xã Hưng Đạo đang từng ngày thay đổi, Tổng Chúp cũng thay đổi, tràn đầy sức sống mới. Giếng nước đã bị người dân nơi đây lấp đi, như muốn xóa nhà hết những ký ức đau thương cũ.

Khi chúng tôi đi dọc Cao Bằng, dù là Tổng Chúp nói riêng với nỗi đau quá lớn, thì ở những địa điểm khác của mảnh đất miền biên viễn này, vẫn không thiếu những cơn đau, những tiếng thở dài hay những giọt nước mắt khi nhắc đến ký ức tháng 2/1979, có những căn nhà nhỏ chưa bao giờ có được bữa cơm trọn vẹn.

Chiến tranh đã lùi xa từ lâu, 40 năm nhưng nỗi đau vẫn còn đó…

Và câu chuyện này, chúng tôi viết lại, miêu tả kỹ, không phải là muốn khơi dậy nỗi đau năm xưa, hay là kích động hận thù, mà muốn tất cả chúng ta cần phải có cái nhìn chính xác, khách quan hơn về những đau thương, mất mát mà dân tộc ta đã trải qua trong quá khứ. Chiến tranh biên giới 1979 là một câu chuyện buồn trong lịch sử, một câu chuyện buồn trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Dẫu vậy, nó vẫn là lịch sử. Và đã là lịch sử thì phải nhìn nhận nó với sự thật đầy đủ.

Đó cũng là sự ghi nhận những giá trị của lịch sử, giá trị của hòa bình, khi mà cho đến tận năm 1991, tiếng súng mới ngừng vang lên trên biên giới. Đó là điều mà những thế hệ đi trước, cũng như những thế hệ ngày hôm nay đã, đang nỗ lực phấn đấu và luôn hướng tới.

Minh Hải


https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/ky-uc-1721979-tham-sat-tong-chup-noi-dau-con-am-anh-ky-cuoi-1184159.html?fbclid=IwAR15-LnAoyDuW7vcRHUSZTrf9f3j26vnwL2Hm1zpa12CXP201LkpxFKnRgg


..


1 nhận xét:

  1. CẬP NHẬT



    1.

    Truong Huy San

    10 phút ·

    VỤ THẢM SÁT TỔNG CHÚP
    Sáng nay, 19-2-2024, hương linh của các nạn nhân trong vụ thảm sát Tổng Chúp đã chính thức có nơi trú ngụ. Trong thư mời dự lễ khánh thành “Nhà Sinh hoạt cộng đồng kết hợp gian thờ các nạn nhân Tổng Chúp”, UBND thành phố Cao Bằng nhấn mạnh “sự quan tâm đặc biệt của Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các nhà hảo tâm”.
    Vụ thảm sát diễn ra vào cách đây đúng 45 năm.

    Trả lờiXóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.