Kỉ niệm 78 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 năm 2023, báo Lạng Sơn đăng tải bài viết về nhà báo - nhà văn Xích Điểu (1910-2003; có tư liệu ghi sinh năm 1913). Cụ tên thật là Trần Minh Tước, là Chủ tịch đầu tiên của Ủy ban Hành chính tỉnh Lạng Sơn (1946-1947).
Cùng thế hệ với Trần Minh Tước, là nhà dân tộc học Lã Văn Lô, cũng tham gia chính quyền cách mạng ở thời điểm Cách mạng Tháng Tám 1945.
Gần đây, tôi có viết về nhà dân tộc học Lã Văn Lô (1909-1993) - cụ vốn là tri châu Hữu Lũng ở xứ Lạng, đi theo cách mạng, rồi sau này chuyên về dân tộc học. Trên Giao Blog, có thể xem lại ở đây (viết và phát biểu năm 2017; in năm 2020).
Bây giờ là câu chuyện về cụ Trần Minh Tước, mở đầu là bài báo của nhà báo Chu Quế Ngân (hiện công tác tại Bảo tàng Lạng Sơn). Các bài bổ sung và cập nhật sẽ dán dần lên ở bên dưới như mọi khi.
Ngày Quốc khánh 2023,
Giao Blog
---
Nhà văn Trần Minh Tước (Xích Điểu): Chủ tịch Ủy ban Hành chính đầu tiên của tỉnh Lạng Sơn
02/09/2023 08:14
– Tháng 7/1946, do yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, ông Trần Minh Tước được Bác Hồ cử làm Chủ tịch Uỷ ban Hành chính tỉnh Lạng Sơn. Ông là nhà văn, nhà báo tên tuổi, có nhiều đóng góp với sự nghiệp báo chí và văn học nghệ thuật của nước ta. Ông đã đảm nhiệm chức vụ này trong hai năm (1946-1947) và đã có nhiều đóng góp tích cực trong xây dựng và bảo vệ chính quyền non trẻ của tỉnh Lạng Sơn sau cách mạng Tháng Tám.
Ông Trần Minh Tước (Xích Điểu) – Chủ tịch Uỷ ban Hành chính tỉnh Lạng Sơn năm 1946-1947
Ông Trần Minh Tước là Chủ tịch Ủy ban Hành chính đầu tiên của Lạng Sơn. Thời gian công tác của ông ở Lạng Sơn tuy không lâu nhưng lại là những thời khắc quan trọng gắn với nhiều biến động của lịch sử của tỉnh, phản ánh quá trình đấu tranh chính trị và ngoại giao quyết liệt để bảo vệ nền độc lập non trẻ của đất nước. |
Ông Trần Minh Tước sinh ngày 5/4/1913 trong một gia đình Nho học giàu truyền thống yêu nước ở xã Dục Tú, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Ông được gia đình cho theo học Trung học tại trường Bưởi (Hà Nội) và có vốn tiếng Pháp rất vững vàng. Năm 1931, sau khi tốt nghiệp Tú tài, ông bắt đầu bước chân vào nghề làm báo, viết văn và cộng tác với một số tờ báo nổi tiếng lúc đó như: Thời báo Công Thương, Phụ nữ thời đàm… Ông cũng là người tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm. Năm 1935, khi Mặt trận Bình dân lên nắm quyền tại Pháp, ông đã viết bài cho các tờ báo tiếng Pháp như Le Travall (lao động), L’Essor Indochinois (Đông Dương cất cánh). Từ năm 1938, ông tích cực tham gia mặt trận Dân chủ Đông Dương đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc. Ít lâu sau ông vào Sài Gòn vừa dạy học vừa làm báo. Năm 1939, khi thực dân Pháp đàn áp phong trào Dân chủ Đông Dương, ông bị bắt và đưa đi lưu đày tại nhà tù Sơn La. Tại đây, ông đã cùng các đồng chí của mình như Lê Đức Thọ, Tô Hiệu… viết bài cho báo Suối Reo – một tờ báo cách mạng bí mật trong tù do đồng chí Xuân Thuỷ phụ trách. Bên cạnh đó, ông còn viết kịch bản, tổ chức diễn kịch, diễn tuồng và sáng tác thơ ca nhằm đoàn kết, giáo dục, động viên các lực lượng trong nhà tù. Bút danh Xích Điểu của ông ra đời trong thời gian này. Năm 1943 ông được ra tù, sau một thời gian bị quản thúc ở Bắc Giang, ông tiếp tục hoạt động và tham gia khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Lạng Sơn.
Chính quyền non trẻ mới ra đời, tỉnh Lạng Sơn đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách. Để đối phó với âm mưu và hành động của địch trước mắt cũng như lâu dài, bên cạnh việc phát huy sử dụng đội ngũ cán bộ người địa phương, tháng 7/1946 Bác Hồ cử ông Trần Minh Tước về làm Chủ tịch Uỷ ban Hành chính tỉnh Lạng Sơn bởi ông là nhà hoạt động cách mạng có trình độ, thông hiểu sâu sắc về văn hoá Pháp, dày dạn kinh nghiệm chống Pháp trên mặt trận tư tưởng.
Thực hiện chỉ thị của Bác, những ngày làm Chủ tịch Uỷ ban Hành chính tỉnh, ông không chỉ lãnh đạo Nhân dân Lạng Sơn tích cực củng cố, xây dựng chính quyền cách mạng mà còn có những hoạt động để hạn chế tối đa những hành động của quân Pháp phá hoại chính quyền cách mạng ngay từ khi chúng mới tới đóng tại một số cơ sở ở địa phương.
Trong hồi ký “Trọn đời yêu thương” xuất bản năm 1995, đồng chí Hà Văn Thư – nguyên Chủ nhiệm Thành bộ Việt Minh, Chủ tịch Hội Văn hoá Cứu quốc Lạng Sơn lúc đó đã kể lại nhiều việc làm tích cực của ông và các đồng chí Lê Huyền Trang, Lã Văn Lô trong việc xúc tiến thành lập Hội Văn hoá Cứu quốc, cũng như các hoạt động đấu tranh không khoan nhượng của ông trong việc bắt quân Pháp phải thực hiện tốt những điều đã ký kết trong Hiệp định Sơ bộ ngày 6/3/1946.
Trong 2 năm (1946 – 1947), ông đã cùng các đồng chí lãnh đạo Tỉnh uỷ, Uỷ ban Hành chính tỉnh xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng, lãnh đạo Nhân dân Lạng Sơn đẩy mạnh tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm để dự trữ, cung cấp lương thực, chuẩn bị kháng chiến chống Pháp lâu dài…
Ít lâu sau, ông về Liên khu Việt Bắc hoạt động trong lĩnh vực báo chí. Ông chuyên tâm vào lĩnh vực sáng tác thơ châm biếm, tiểu phẩm trào phúng đả kích chính quyền Pháp và cổ vũ cho kháng chiến chính nghĩa của dân tộc. Ngày 1/1/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành Sắc lệnh 01/SL chỉ định ông làm Uỷ viên Uỷ ban kháng chiến Liên khu Việt Bắc, sau đó đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch.
Năm 1954, hoà bình lập lại, ông về Hà Nội chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực báo chí, văn học nghệ thuật. Ông từng giữ các chức vụ Giám đốc Sở Báo chí Trung ương thuộc phủ Thủ tướng, Phó Tổng thư ký thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập báo Thống Nhất… Với bút danh Trần Minh Tước, Xích Điểu, Thương Biền… ông đã viết nhiều bài cho các báo Nhân Dân, Cứu Quốc, Văn nghệ với các thể loại tiểu phẩm, chính luận, thơ đả kích, châm biếm, trào phúng, kịch bản sân khấu… Là một cây bút xuất sắc, tạo dựng được tên tuổi trong lĩnh vực báo chí và văn nghệ, khi Hội nhà văn Việt Nam thành lập ngày 23/4/1957, ông trở thành một trong những hội viên đầu tiên của hội. Ông được đánh giá là một cây bút vững vàng, giàu bản lĩnh, nhiệt huyết đấu tranh cho chính nghĩa, phục vụ cách mạng bằng chính ngòi bút sắc sảo của mình. Giới văn nghệ thân mật gọi ông là “kiện tướng văn chương”. Năm 1975, đất nước thống nhất, ông vào thành phố Hồ Chí Minh định cư và tiếp tục làm công việc viết báo. Ông được nghỉ chế độ năm 1980 và mất ngày 28/7/2003.
Ông Trần Minh Tước là Chủ tịch Ủy ban Hành chính đầu tiên của Lạng Sơn. Thời gian công tác của ông ở Lạng Sơn tuy không lâu nhưng lại là những thời khắc quan trọng gắn với nhiều biến động lịch sử của tỉnh, phản ánh quá trình đấu tranh chính trị và ngoại giao quyết liệt để bảo vệ nền độc lập non trẻ của đất nước. Bằng tài năng và nhiệt huyết của mình, ông đã góp phần quan trọng cùng chính quyền, Nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn giữ vững nền độc lập, bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ với niềm tin tất thắng.
https://baolangson.vn/van-hoa/607958-nha-van-tran-minh-tuoc-xich-dieu-chu-tich-uy-ban-hanh-chinh-dau-tien-cua-tinh-lang-son.html
---
BỔ SUNG
1.
Thứ Bảy 29/12/2018 , 08:05 (GMT+7)
Đẹp duyên trên đường chống tiêu cực
Nhà báo - nhà thơ Xích Điểu (1910-2003) là một nhân vật cầm bút cách mạng nổi tiếng. Cả đời ông chuyên viết thể loại châm biếm, cả tiểu phẩm và thơ, để đả phá cái xấu và cái ác. Thế nhưng, ít ai ngờ, trong hành trình gian nan có tính thêm thù bớt bạn ấy, ông đã có được một mối tình thật đẹp với bà Nguyễn Ngọc Dung!
Nhà báo - nhà thơ Xích Điểu tên thật Nguyễn Văn Tước, sinh ra và lớn lên tại Đông Anh - Hà Nội. Năm 1931, ông bước vào nghề cầm bút với nhiều bút danh như Minh Tước, Trần Minh Tước, Thương Biền… Sau một thời gian làm báo tranh đấu ở Sài Gòn, năm 1940, ông bị chính quyền đô hộ Pháp bắt giam ở Nhà tù Sơn La. Bút danh Xích Điểu ra đời trong bối cảnh ấy, khi ông cùng với những bạn tù như Lê Đức Thọ, Xuân Thủy, Tô Hiệu… làm tờ báo Suối Reo của những người cộng sản giữa sự đọa đày xiềng xích. Sau Cách mạng Tháng 8, ông làm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính ở tỉnh Lạng Sơn, rồi Phó Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính Liên khu Việt Bắc. Sau năm 1954, ông giữ nhiều chức vụ trong ngành báo chí như Giám đốc Sở Báo chí Trung ương, Phó Tổng Thư ký Thường trực Hội Nhà báo VIệt Nam.
Ký họa chân dung nhà báo - nhà thơ Xích Điểu |
Sau năm 1975, Xích Điểu chuyển vào sinh sống tại TPHCM và tiếp tục sự nghiệp cầm bút chống tiêu cực. Ví dụ, bài “Chống tiêu cực làng ta” viết năm 1986: “Tưởng đâu thuở trước bọn văn nô/ Rơi rớt thời nay vẫn sót lò/ Anh bảo bút đây vì tập thể/ Thật ra bút bợ cá nhân to/ Bút bic anh xài đỏ đỏ đen/ Tô màu thành tích nỏ cần xem/ Chỉ cần đối tượng anh tâng bốc/ Luôn nhớ anh bằng những tiếng khen…”, hoặc bài “Nhắm thẳng ô dù mà đánh” viết năm 1988: "Hãy nhắm thẳng ô dù mà chích/ Khẩu hiệu xưa đổi lệch ba từ/ Bởi nay tiêu cực dường như/ Giặc ngoài xâm lấn phá hư lòng người/ Vốn gia trưởng lại ngồi cao thế/ Thích bao che mấy kẻ cận thần/ Để rồi ban phước, tri ân/ Một lời phán gọn, chẳng cần đúng sai…”.
Vì nhà báo - nhà thơ Xích Điểu quá nổi tiếng trong lĩnh vực chống tiêu cực, nên có một người phụ nữ đến tìm ông để nhờ giúp một cuộc chiến đang diễn ra tại cơ quan bà. Đó là nữ Tiến sĩ chuyên ngành điện tử Nguyễn Ngọc Dung. Vốn là con gái một gia đình có truyền thống cách mạng ở Nam bộ, bà Nguyễn Ngọc Dung từng học trường Học sinh Miền Nam tại Hải Phòng, rồi làm nghiên cứu sinh ở Ba Lan. Không chịu được những khuất tất ở đơn vị mình công tác, bà Nguyễn Ngọc Dung đã đề nghị Xích Điểu hỗ trợ.
Dĩ nhiên, với bản lĩnh của Xích Điểu, ông không thể không vung bút vào phường gian ác. Lúc ấy, Xích Điểu đã qua tuổi cổ lai hy, còn nữ Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Dung ở ngưỡng bốn mươi xuân thì. Khi trận thư hùng giữa cao thượng và đê hèn kết thúc, thì họ cũng… nên duyên. Kỳ tích đó, được chính bà Nguyễn Ngọc Dung viết thành trường ca “Nghĩa tình già chống tiêu cực”.
Qua chính “Nghĩa tình già chống tiêu cực”, có thể mường tượng hình ảnh nữ Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Dung lần đầu tiên gặp Xích Điểu: "…Đôi mắt ướt mày thanh uốn rũ/ Một vóc hình thanh tú dễ thương/ Ngắm nhìn mặt sáng như gương/ Mà không son phấn đoan trang vắng cười/ Dáng uyển chuyển khách ngồi trước mặt/ Rồi lạ thay nước mắt tuôn tràn…" nhưng đang phải đối mặt với éo le và bất công “Vì "tội" chống cả dòng tiêu cực/ Mà chịu điều oan ức khinh khi/ Sống nay còn ý nghĩa gì/ Thà thành tro bụi tan đi cho rồi!/ Cháu quyết định thay lời phẫn nộ/ Bằng dấn thân vào lửa tự thiêu/ Đảng ơi! Dù ít hay nhiều/ Việc này xin được thay điều khiếu oan…". Và khí chất hừng hực của cây bút lão luyện Xích Điểu đã không hổ danh: “Thôi, cười gừng, cười ớt/ Khỏi khuấy chuyện cay đời/ Cung đàn cũng hết nốt/ Cộm lại, lọt tai ai/ Khô cứng rồi ư, huyết quản già? /Không! Không! Hun nóng thổi bùng ra/ Từ tim, công phá rào tiêu cực/ Góp lửa phê bình, lửa của ta!”
Khi nhà báo - nhà thơ Xích Điểu và Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Dung quyết định gắn bó với nhau, thì con trai của Xích Điểu từ Hà Nội bay vào và mẹ ruột của Nguyễn Ngọc Dung từ Long An lên, đã chứng kiến hôn lễ của họ. Hai trái tim cùng nhịp đập chống tiêu cực, đã cùng nhau chan hòa mối duyên lành hơn 20 năm. Những năm cuối đời, Xích Điểu ít làm thơ trào phúng mà chuyển sang làm thơ trữ tình: "Hãy coi mình như anh/ Dù hơn em nhiều tuổi/ Đời thêm đượm mùi thanh/ Như hoa quỳnh nở tối/ Đã soi gương hỏi tóc/ Truyền tín hiệu cho hồn/ Đêm đêm còn thao thức/ Nghe nhựa dâng chồi non…".
Khi ông lâm bệnh nặng, nằm ở Bệnh viện Chợ Rẫy, người vợ trẻ Nguyễn Ngọc Dung đã viết những câu thơ nghẹn ngào: “Từ nơi sâu thẳm cõi tâm linh/ Vẫn nhen nhóm lên niềm hy vọng/ Dù chỉ mỏng manh như đường tơ nhện/ Hay bảng lảng như khói như sương/ Em vẫn nắm thật chặt không buông/ Ước mơ ngày đoàn tụ/ Xích Điểu ơi! Đã hơn 90 ngày đêm/ Anh chìm sâu vào giấc ngủ/ Quằn quại trong cơn nghẹt thở/ Nhưng chưa có giây phút nào/ Em không nguôi yêu anh…”.
Ngày 26/7/2003, nhà báo - nhà thơ Xích Điểu qua đời ở tuổi 93, để lại cho nhân gian nhiều tác phẩm đáng lưu ý như tập thơ châm biếm “Cướp mới, cướp cũ”, tiểu thuyết trào phúng “Ba xoay diễn nghĩa”, các tập tiểu phẩm “Trắng đen”, “Sau mặt nạ nhân vị”, “Người hay vật”, “Cái đuôi chó”, “Chủ nghĩa lưu manh hiện đại”… Lúc sinh thời, nhà báo- nhà thơ Xích Điểu đã sử dụng tư liệu cùng nữ Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Dung chống tiêu cực, để viết thành tiểu thuyết châm biếm “Mệnh phụ cuồng mê”. Sau khi vĩnh biệt người chồng đáng kính, nữ Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Dung đã viết lại những ngày căng thẳng và ân cần của họ thành trường ca “Nghĩa tình già chống tiêu cực”.
(Kiến thức gia đình số 52)
https://nongnghiep.vn/dep-duyen-tren-duong-chong-tieu-cuc-d233497.html
..
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.