Một bài viết mới của nhà văn Bùi Thị Biên Linh về nhóm văn chương Búp Trên Cành của tuổi lên mười ngày xưa (1976-1990s-tk21) và nhóm Nhà Búp hôm nay, nhân sự kiện Nhà Búp ra mắt tập sách Duyên (thơ và văn xuôi). Xem lại sự kiện ra sách được tổ chức tại thành phố Thái Bình vào tháng 3 năm 2023, ở đây.
Bài viết nhắc đến người thầy chung của ngôi nhà Búp Trên Cành trước đây và Nhà Búp hôm nay, đó là nhà văn Bút Ngữ (sinh năm 1931). Xem thêm ở đây.
Trong tập Duyên, chị Biên Linh góp hai bài tản văn thật hay ("Lứa học trò đầu tiên" và "Gửi lại dấu yêu", trang 199-217). Cả hai bài tôi đều vừa đọc vừa khóc !
Nhà văn Bùi Thị Biên Linh (nguồn ảnh ở bên dưới) |
Dưới là bài của chị Biên Linh, đăng trên trang Nhà Búp ngày 19/5/2023. Dưới đó là các bài tản văn góp mặt trong Duyên của chị.
Dưới nữa là một ít thơ của chị (sưu tầm từ nhiều nguồn).
Cho đến khi viết những dòng này trên Giao Blog, tôi chưa từng gặp chị Biên Linh ở ngoài đời thực bao giờ (chúng tôi mới chỉ gặp nhau qua điện thoại, qua zoom, qua e-mail, qua nhắn tin điện thoại hay zalo).
Tháng 5 năm 2023,
Giao Blog
Về tập sách Duyên, xem thêm ở đây. |
---
Mạch nguồn của quê hương
Thứ sáu - 19/05/2023 20:33
(Ảnh: Nhóm văn Búp - tháng 1 năm 2019)
MẠCH NGUỒN CỦA QUÊ HƯƠNG
(Bùi Thị Biên Linh)
Tôi sinh ra ở đồng đất Thái bình nơi cánh đồng ngọt lành hương lúa và bình yên chấp trắng những cánh cò. Hơn nửa đời lập nghiệp ở phương Nam nồng nàn nắng, nồng nàn mưa và gió, tình yêu, nỗi nhớ, lòng biết ơn Thái Bình vẫn là mạch nguồn thao thiết chảy trong sâu thẳm hồn tôi.
Mùa hè năm 2023, sự kiện ra mắt cuốn sách chung của các thành viên Búp trên cành tại thành phố Thái Bình, tôi không về được. Từ phương Nam xa xôi, tôi dõi về nơi các thầy, các bạn sum vầy, lòng tôi hân hoan như có mình trong đó. Tôi hạnh phúc rưng rưng khi các bạn gửi một video cuộc hội ngộ của các thành viên Nhà Búp với nhà văn Bút Ngữ (Nguyên Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Thái Bình). Bác chính là người đã khởi xướng và đặt viên gạch đầu tiên xây dựng nên Nhà Búp từ những năm đầu khi đất nước hoàn toàn thống nhất 1976 và hết lòng với xây dựng nền văn học nghệ thuật cho quê hương; vì tâm huyết và tầm nhìn về sự phát triển bền vững cho văn học nghệ thuật tỉnh nhà, nhà văn Bút Ngữ đã đề đạt với Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Trìu về việc mở lớp đào tạo sáng tác văn học nghệ thuật cho các cháu thiếu nhi có năng khiếu. Được lãnh đạo tỉnh chấp thuận, Bút Ngữ đã cùng các nhà văn, nhà thơ, họa, sau Lê Duy Lễ, Nguyễn Khoa Đăng, Kim Chuông, Lê Bính, Bùi Tằng Hoàn, Hà Trí Dũng… không quản khó khăn thiếu thốn, dạy dỗ, dìu dắt cho các nghệ sĩ nhí suốt 15 năm với hơn 200 cháu. Không những thế, Hội VHNT Thái Bình còn mời các nhà văn lớn: Tô Hoài, Phạm Hổ, Phong Thu, Định Hải… về dạy cho các cháu. Hội văn học nghệ thuật còn dành riêng một tập san tên gọi “Búp trên cành” để đăng, giới thiệu các sáng tác của thành viên lớp năng khiếu này. Sự quan tâm hướng dẫn, cổ vũ của nhà văn Bút Ngữ cùng các bác, các chú văn nghệ sĩ đã chắp cánh cho tâm hồn, cho ước mơ sáng tác của chúng tôi.
Nhiều thành viên trong nhóm đã đoạt những giải thưởng trong các cuộc thi sáng tác như: Lê Quang Đôn, Trần Huyền Tâm, Đỗ Mai Hương, Bùi Thanh Huyền, Nguyễn Thúy Hằng, Bùi Thị Biên Linh, Bùi Lan Anh, Chu Xuân Giao…
Từ mạch nguồn của Hội Văn học nghệ thuật Thái Bình khai mở, chúng tôi (hầu hết là học sinh giỏi trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia qua các năm hoặc có năng khiếu sáng tác) đã được các văn nghệ sĩ Thái Bình tuyển chọn, dạy dỗ đào tạo, đã trưởng thành, tỏa đi khắp mọi miền Tổ quốc. Người công tác ở ngành ngoại giao, người theo ngạch kinh tế, người gắn bó với bảng đen phấn trắng, người trở thành cán bộ quản lý hay phóng viên…
Tuy khác nhau về công việc nhưng có một điểm chung mang tên Nhóm Búp (rồi sau đó là Nhà Búp), đó là: chúng tôi vẫn sáng tác. Bền bỉ, nồng nàn suốt gần nửa thế kỷ qua để mạch nguồn văn chương, nghệ thuật được quê hương khai mở vẫn chảy. Mỗi bài thơ, trang văn, khúc hát, bức tranh vẫn đậm nét riêng của “Búp trên cành”: Tha thiết, trong trẻo mà sâu lắng. Mỗi khi có dịp gặp nhau hay trò chuyện, các thành viên chưa bao giờ quên nhắc tên những người thầy văn chương thời thơ ấu của mình với lòng biết ơn, kính trọng.
Còn có thêm trang văn chương Nhà búp với vài chục ngàn độc giả của các thành viên Nhà Búp. Đây là điều tuyệt vời nhất của mạch nguồn và hội tụ. Có lẽ, trên đất nước Việt Nam này, hiếm có một nhóm văn chương nào nhiều người tâm huyết… tài hoa, gắn bó, đồng lòng như thế! Từ ngày gặp lại 8/2015 đến nay, đã có nhiều cuộc hội ngộ vừa trang trọng vừa ấm áp tình thân của Thầy và trò Nhà Búp. Được như vậy là nhờ có nhà thơ Kim Chuông, Trần Huyền Tâm, Chu Xuân Giao cùng các bạn khác đã luôn giữ lửa. Tôi ở xa nên luôn nhận được sự quan tâm, ưu ái của các thầy, các bạn. Tôi đã khóc và xúc động khi nhà văn Bút Ngữ hỏi các bạn: “Biển có ra được không?” Bác dõi theo mỗi bước văn chương của các cháu, đọc và động viên các cháu như ngày xưa. Có lần tôi tặng bác cuốn thơ “Ý nghĩ ban mai”, Bác nhắn tin “Bác đã đọc lại lần thứ ba rồi. Cháu viết chân thật và xúc động lắm!”. Ngày tôi được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam, bác gọi điện chia vui. Tôi thấy mình may mắn, hạnh phúc biết bao khi ngày ấy, nhà thơ Kim Chuông cùng các bạn Trần Huyền Tâm, Vũ Huy Thông, Nguyễn Nga, Lam Châu, Nguyễn Diệu Liên, Bùi Lan Anh… đã về Hà Nội chia vui. Có thầy, có bạn mới thực sự là hạnh phúc! Tôi nhớ như in lời nhắn của họa sĩ Hà Trí Dũng rằng: “chú đi khoe về tin Búp Biển được vào Hội Nhà văn Việt Nam”. Chú gọi tôi là Người đi mở cõi văn chương (vì ở Bình Phước, tôi là Hội viên đầu tiên được kết nạp vào Hội nhà văn Việt Nam). Những dòng tin ấy, với tôi, thật là trân quý. Mỗi khi ra Hà Nội nhận giải thưởng văn chương, tôi đều được chị Ánh Tuyết thay mặt Hội VHNT Thái Bình và các bạn nhóm Búp trên cành tặng hoa chúc mừng. Những bông hoa thắm tươi ân tình của quê hương luôn ngát thơm, rực rỡ trong tâm hồn tôi, quý hơn mọi giấy khen và giải thưởng.
Ban biên tập Tạp chí văn nghệ Thái Bình đã dành cho những trang viết kể lại kỷ niệm về một thời Búp trên cành một niềm ưu ái trên Tạp chí văn nghệ của quê hương.
Mấy chục năm xa quê, tôi càng thấm thía những ân tình của quê hương. Dẫu bao năm tháng, mạch nguồn ấy vẫn thao thiết chảy trong cuộc sống, trong tâm hồn mỗi thành viên Nhà Búp chúng tôi.
Bùi Thị Biên Linh
https://nhabup.vn/news/trang-van/mach-nguon-cua-que-huong-4483.html
..
Lứa học trò đầu tiên
Thứ tư - 22/01/2020 12:54
Năm 1985, tôi phơi phới yêu đời và đầy khao khát trong ngần của tuổi 20. Thi tốt nghiệp xong, thây Trân Chấn Quyên hiệu trưởng và thầy Tạ Sĩ Lục - Trưởng phòng tổ chức của trường CĐSP Sông Bé gọi tôi lên Văn phòng đế trả lời về việc tôi có đồng ý ở lại làm cán bộ giảng dạy ở trường không, vẫn biết đó là mơ ước của bao sinh viên, nhưng tôi vẫn phải lễ phép từ chối vì từ lâu tôi đã nhủ lòng: Học xong sẽ vê gần nhà, phụ giúp cha mẹ để các em tôi được tiếp tục học hành. Nghe tôi trình bày lí do không ở lại thầy hiệu trưởng thở dài:
- Em không ở lại là rất tiếc!
Một tuần sau thì nhận quyết định ra trường, tôi về Phước Long. Lần ấy có 17 sinh viên đủ các môn. Xe của phòng giáo dục Phước Long xuống tận trường đón. Chúng tôi lên xe là hát vang từ khi xuất phát cho đến lúc xuống xe. Tưởng được về gần nhà nhưng tôi lại bị phân công về trường cấp III Phước Long (Trường cũ của tôi). Đây là trường lớn nhất huyện Phước Long hồi đó. Nhiều bạn đã nhờ người xin trước thì không được về, còn tôi thì bị giữ lại với lí do: “Để dạy, bồi dưỡng học sinh giỏi cho ngành giáo dục huyện nhà. Tôi là học sinh cũ lại là học sinh đấu tiên ở Phước Long thi học sinh giỏi quốc gia, rồi lại là học sinh của các nhà văn, nhà thơ lớn nên hồ sơ của tôi “đã được lãnh đạo nghiên cứu” kỹ.
Xin mãi không được về gần nhà, tôi chỉ còn biết khóc nhớ đến cảnh bố mẹ vất vả mà mình chẳng giúp được gì. Anh Phó phòng giáo dục bảo tôi:
Em về dạy ở cấp III Phước Long là tốt. cố gắng bồi dưỡng nhiều học sinh giỏi nhé!
Tôi “dạ...dạ...” mà nước mắt lưng tròng vì đó đâu phải là mong ước của tôi lúc ấy.
May quá! Hôm ấy, Phòng Giáo dục có tổ chức bữa liên hoan đón tân sinh viên nên có mời bác Phó chủ tịch huyện sang dự. Tôi vui mừng nhận ra đó là bác Phú thông gia với bác tôi. Bác tôi hay khoe về tôi mỗi khi có bác Phú sang chơi. Tôi cũng đã vài lần được trò chuyện với Bác ấy. Nhanh như chớp, ý nghĩ nhờ bác Phú xin giùm cho về trường cấp II Long Hưng gần nhà lóe lên trong óc tôi. Tôi bỏ cả ăn, chạy lại chỗ bác Phú đang đứng nói chuyện với bác Trản Trưởng phòng giáo dục và chị Ngộ Trưởng Ban tổ chức. Nghe tôi trình bày xong, bác Phú quay sang nói với bác Trản và chi Ngộ:
- Cháu nó đã có tâm nguyện vậy thì các đồng chí giải quyết cho về, khi nào cần ôn thi cho học sinh giỏi thì điều lên dạy. Nhà nó cũng còn khó khăn lắm!
Thế là được đổi lấy quyết định về gần nhà. Tôi vui sướng quá! Dù tôi biết rõ trường cấp I, II Long Hưng khi ấy rất nhỏ và nghèo. Nhưng có hề gì! Nơi ấy, tôi có cha mẹ và các em tôi đang ngóng đợi. về cùng tôi còn có Hương dạy Sử - Địa (Suốt thời sinh viên, nó luôn là chỗ dựa cho tôi). Hương cao lớn, da ngăm đen khỏe khoắn, nhanh nhẹn, còn tôi thì be bé trắng trẻo, chậm và vụng nên cứ mỗi lần về thăm nhà, Hương lại vác tất cả gạo, mít, chuối, mía... bố mẹ cho xuống trường của cả hai đứa còn tôi thì lẽo đẽo xách 2 túi quần áo. Giờ được về cùng trường thật thích. Ngày đầu tiên đi nộp quyết định đầy hăm hở. Bác Hiệu trưởng khoảng gần 50 tuổi tiếp chúng tôi ở Văn phòng của trường. Gọi là Văn phòng nhưng thực ra đó là một căn nhà vách lồ ô, mái lợp tranh đã cũ được ngăn thành từng phòng bằng những tấm cót đan bằng tre. Một phòng nhỏ làm nơi họp của giáo viên và làm việc của hiệu trưởng. Các phòng còn lại là chỗ ở của các giáo viên ở xa đến đây công tác. Trước cửa Văn phòng treo một cái kẻng bằng mảnh bom. Bác Hiệu trưởng xem giấy giới thiệu rồi hỏi:
- Cô là con ông bà Phô chứ gì! Người làng cả, tôi phân công cô đi chủ nhiệm lớp 8A dạy Văn lớp 8 và lớp 6. Còn cô Hương thì chủ nhiệm lớp 6B, dạy Sử - Địa cả các khối.
Cả đêm ấy, tôi đã hồi hộp không ngủ được, háo hức mong chờ đến sáng mai ra nhận lớp, hướng dẫn học sinh lao động để chuẩn bị khai giảng.
Người ta bảo “Bụt chùa nhà không thiêng” nên dù đã từng được xếp loại xuất sắc về công tác chủ nhiệm và giảng dạy khi đi thực tập nhưng tôi vẫn cứ lo. Không biết mình có dạy tốt được không hay lại làm mẹ cha xấu hổ với xóm làng.
Thế rồi sáng hôm sau cũng đến. Đứng trước mặt tôi là gần 30 đứa học sinh. Phần đông là cao lớn, đen nhẻm, đứa nào cũng đầu trần, chân đất. Mỗi đứa vác trên vai một cái cuốc hoặc một con dao quắm thành thạo như nông dân thực thụ. Ở vùng kinh tế mới này học sinh hầu hết là con nhà nghèo quen lao động nên đứa nào ngần ấy tuổi cũng thạo việc.
Nghe giới thiệu tôi sẽ chủ nhiệm lớp, khuôn mặt lũ trẻ vui hẳn lên. Chúng ngoan ngoãn theo tôi làm phần việc được phân công. Mấy chục cô trò chẳng mấy chốc đã hạ gục đám cỏ tranh cao ngút ngàn sau lớp học. Mấy tháng hè lại gặp mưa cỏ tranh tốt nhanh kinh khiếp. Rồi dọn trong phòng, lau bàn toàn đất đỏ của bụi, vết chân người, vết chân chó vì phòng học không có khóa.
Lao động xong, tôi cũng đã biết tên cả lớp. Sau đó thì bầu Ban cán sự, Lớp Trưởng là Bùi Ngọc Long, lớp phó học tập là Nguyễn Văn Khải, lớp phó lao động là Bùi Tiến Thành, lớp Phó văn thể mỹ là Nguyễn Thị Hương.
Vừa bầu xong thì ở cuối lớp một cánh tay đưa lên cao khỏi đầu,
- Em thưa cô, cô cho em làm Thủ quỹ ạ.
Cả lớp lao nhao.
- Đúng đấy cô ạ! Cô cho thằng Kham làm Thủ quỹ đi cô. Nó giữ tiền cẩn thận cực!
Như để chứng minh cho lời các bạn, thằng bé tên Kham móc trong túi áo ra một xấp tiền khoảng hơn 10 tờ vừa 5 đồng, vừa 2 đồng được xếp lại và buộc bằng sợi dây chuối xé nhỏ rất cẩn thận.
- Dạ đây là tiền quỹ của lớp thừa năm ngoái ạ. Em nộp cô!
Tôi cười bảo:
- Em cất đi! Năm nay em lại được làm thủ quỹ nữa cơ mà!
Cả lớp vỗ tay.
Buổi gặp gỡ học trò đầu tiên của tôi như thế đấy.
Khai giảng xong là bắt đầu vào học. Tiết đầu tiên tôi dạy là ngữ pháp. Tôi đã soạn bài thật kỹ và dạy thật tận tình. Dạy xong hỏi lại, đứa nào cũng hớn hở và rất hiểu bài, thuộc bài ngay tại lớp.
Lúc đó và cả sau này, tôi nghiệm ra rằng: Với người giáo viên, cách chinh phục học trò nhanh nhất là phải dạy cho thật tốt, thật dễ hiểu, thật thoải mái nhẹ nhàng.
Ngày nối ngày qua đi, tôi được học trò vô cùng yêu quý. Nhà tôi cách trường chừng hơn 300m nên sáng nào chúng cũng đến tận ngõ chờ tôi rồi cô trò cùng tới lớp. Chúng tranh nhau xách cặp cho tôi.
Nhà đứa nào có món gì ngon cũng mang theo giấu dưới ngăn bàn, lúc tan trường lại chạy theo.
- Cô giáo ơi! Chúng em bảo cô này!
(Học trò thôn quê gốc miền Bắc có kiểu nói năng buồn cười thế đấy)
Rồi dúi vào tay tôi khi thì bắp ngô luộc, khi thì cái bánh gói bằng bột củ sắn mài ra thêm tí mỡ hành....
Giờ sinh hoạt lớp rất ít khi tôi phải kiểm điểm vì đứa nào cũng ngoan. Cô trò chỉ dạy nhau học hát hoặc tôi kể chuyện cho chúng nghe, say sưa, hết giờ lâu mới chịu về. Học sinh các lớp khác tha hồ thèm. Phụ huynh cũng tin tưởng tôi nhiều lắm. Tôi không còn sợ “Bụt chùa nhà không thiêng” nữa. Bố mẹ tôi rất vui.
Dạy được một năm, dù chưa hết thời gian tập sự, tôi đã được bổ nhiệm chức quyền Hiệu phó phụ trách chuyên môn. Tôi ngỡ ngàng nhưng không lo lắng vì từ nhỏ đến khi học cấp III và cả khi là sinh viên, tôi luôn làm “cán bộ” nên việc quản lý chuyên môn của một trường cấp II với chưa đến 20 giáo viên cũng không quá khó.
Nhớ nhất là những đêm văn nghệ chào mừng ngày nhà giáo Việt Nam. Vốn là người khởi xướng lại được đồng nghiệp nhiệt tình ủng hộ nên tôi luôn kiêm vai trò “tổng đạo diễn” và người dẫn chương trình. Cả công việc này cũng là sở trường của tôi nên tôi say mê lắm. Hồi còn đi học, rồi khi là sinh viên, tôi cũng thường đảm nhận vai trò này. Những đêm văn nghệ làm cho mọi người vui tươi hơn, xích lại gần nhau hơn, học sinh thấy gắn bó với trường hơn. Dù sân khấu chỉ là vài cái bàn học được kê sát lại xung quanh chăng vào tấm ri đô (màn gió bằng vải) của các cô giáo trong khu tập thể, loa đài thì đi thuê (tiền thuê là tiền công của các thầy cô giáo trong chi đoàn giáo viên đi phát cỏ cao su thuê cho nông trường mà có). Người diễn, người xem đầy say mê.
Học trò vùng sâu, nhưng có nhiều em học rất giỏi. Năm đầu ra trường, tôi đã bồi dưỡng được 3 em dự thi học sinh giỏi vòng tỉnh, riêng em Nguyễn Văn Khải học sinh giỏi Quốc gia, bác Trưởng phòng giáo dục khen “Cô nào thì có trò ấy”. Cô trò tôi rất vui.
Tôi yêu ngôi trường bé nhỏ của tôi, yêu học trò của tôi đến mức ngày nào không có tiết ở trường, tôi cứ có cảm giác mình bị ốm. Học trò yêu quý tôi bằng một tình yêu ấm áp và trong trẻo đầy tin cậy.
Nhà tôi làm nghề nông, nên ngoài giờ lên lớp, tôi vẫn cùng cha mẹ đi làm rẫy: Làm cỏ, tỉa lúa, gặt hái, trồng rau... Có hôm vừa vác cuốc ra ngõ đã thấy một nhóm học sinh vác cuốc đứng chờ. Biết chiều nào tôi cũng đi làm nên chúng rủ nhau làm giúp. Đám rẫy rộng, bọn học trò dàn hàng ngang mỗi đứa một đường, chúng cuốc rất khỏe. Cô trò vừa làm vừa trò chuyện, mới quá nửa chiều đã xong. Mấy đứa con trai vác dao đi chặt chuối rừng, mít rừng về liên hoan. Tiếng cười rộn cả một vùng đồi vốn yên vắng.
Hết tập sự, tôi được bổ nhiệm chính thức là Hiệu phó chuyên môn và được cử đi học đào tạo cán bộ quản lý cho ngành giáo dục của tỉnh, toàn huyện chỉ có 5 người. Bốn là cán bộ phòng, nữ chỉ có mình tôi, lại là cán bộ cấp trường và trẻ nhất. Tôi khi đó chưa tròn 22 tuổi. Thấy tôi còn chần chừ vì mùa gặt sắp đến, bố mẹ tôi đều bảo:
- Con đi học đi! Ở nhà bố mẹ thu xếp được.
Thế là tôi từ giã gia đình, mái trường và đàn trò nhỏ lên đường học thêm để lấy tiếp văn bằng thứ hai. Ngày chia tay bao nhiêu bịn rịn. Cái đêm trước ngày tôi lên đường, học trò từng tốp đến nhà, từ ngoài ngõ, trong sân, trong nhà... chỗ nào cùng trò. Trăng mùa khô sáng trong vằng vặc, con đường đất đỏ trước nhà tôi sáng lên, dịu dàng và như rộng thêm ra. Cô trò tôi quây quần trong sân. Ánh trăng trong ngần trên những gương mặt, đôi mắt đứa trò nào cũng rời rợi ánh trăng. Dù đã bao năm qua, tôi vẫn nhớ như in đêm trăng ấy. Sáng hôm sau, tôi lên trường, học trò theo tiễn rất đông. Những đứa có xe đạp thì chở cho tôi tư trang, giỏ xách, còn tất cả cô trò cùng đi gần 3 km, vượt qua con dốc dài cao đường đất đỏ. Khi chiếc xe đò Phước Long - Bến xe miền Đông tới, tôi lên xe, học trò cứ đứng bên đường vẫy mãi, xe chạy một đoạn xa rồi trong mịt mù bụi đỏ tôi vẫn thấy những bàn tay vẫy vẫy. Nước mắt tôi rưng rưng bao nhiêu yêu thương, nhớ nhung, nuối tiếc và cả niềm hạnh phúc làm lòng tôi nghẹn lại. Tôi đã giữ đúng lòi hứa ngày ra đi rằng: “Cô sẽ trở về: Dù ngày về, lứa học trò ấy đã ra trường nhưng nhiều em thỉnh thoảng vẫn đến thăm cô.
Gần 30 năm đã qua, lứa học trò ngày ấy bây giờ đứa đã thành bố vợ, mẹ chồng, nhiều đứa tóc đã nhiều sợi bạc. Mấy đứa con gái, có đứa còn già hơn cả tôi vì phải chịu nhiều vất vả. Thế mà năm 2012 bố tôi mất, lớp chủ nhiệm của tôi năm nào đã về không thiếu một em. Vòng hoa viếng, chúng còn ghi dòng chữ “Học trò đầu tiên của cô Biên Linh kính viếng”. Gia đình tôi là đại gia đình nhà giáo nên đồng nghiệp và học trò khắp nơi đến dự đám tang, nhiều người tò mò, thán phục khi nghe giới thiệu “lứa học trò đầu tiên của cô Biên Linh vào kính viếng”.
Ân tình các em dành cho tôi ngọt lành và ấm áp biết bao! Cái lứa học trò đầu tay ấy!
Bùi Thị Biên Linh
https://nhabup.vn/news/the-ky/lua-hoc-tro-dau-tien-589.html
..
Gửi lại dấu yêu
Chủ nhật - 02/02/2020 11:41
Tôi có chuyến trở về thăm quê sau gần 40 năm xa cách. Cảm xúc dâng trào và bồi hồi khi chiếc máy bay hạ cánh xuống sân bay Cát Bi, thành phố Hải Phòng. Chân vừa chạm đất, tôi đứng lặng nhìn bầu trời quê hương và nghe không khí lành lạnh thân thương của một chiều cuối đông đang thấm vào da thịt. Nhiệt độ lúc ấy khoảng hai hai độ “xê”. Dương Thiên Lý, người bạn đồng hành vội vã đi đến khu nhận hành lý, còn tôi thì rảo bước ra phía cổng sân bay, nơi những người thân yêu đang nóng lòng đón đợi.
Được tin tôi ra Bắc, anh con bác và cháu gái đã chờ sẵn từ lâu. Đặc biệt, Nhà thơ Kim Chuông, người thầy văn chương thời thơ ấu của tôi, và Lam Châu-(tức Phạm Thị Ngọc Châu) cô bạn nhỏ của nhóm Búp trên cành năm xưa, cũng đã có mặt ở đó. Đây là niềm hạnh phúc thiêng liêng của tình thầy trò, bè bạn sau hơn nửa đời người xa cách.
Vừa nhìn thấy tôi, cả anh em, thầy trò cùng reo lên vui sướng. Lẵng hoa thắm tươi cùng nụ cười thân thiết làm cho chiều đông chẳng còn chút giá lạnh nào. Tôi lên xe của Lam Châu, còn nhà thơ Kim Chuông cùng anh và cháu tôi đi xe khác. Tất cả cùng về thăm nhà anh tôi, gần đó. Trên đường đi, chúng tôi ghé thăm tư gia Lam Châu. Nhà rất sang trọng nằm trên đường phố lớn Văn Cao.
Chúng tôi cùng kéo về nhà chú Kim Chuông. Đã mấy ngày nay, vợ chồng chú sửa sang nhà cửa, chuẩn bị quà và đặc sản để đón tôi bay ra từ Bình Phước.
Một bữa tối quây quần trong căn phòng ấm cúng ở Phường Sở Dầu thành phố Hải Phòng bên thầy, và bạn bầu thật kỳ diệu. Trần Thu Hường, vợ nhà thơ Kim Chuông rất khéo nội trợ. Bữa ăn có nhiều món đặc sắc. Đặc biệt, mùa trái vụ này, rươi không còn. Chủ nhà đã cất công đi xa hơn 50 km về vùng vựa gốc của rươi để mua về làm chả đãi chúng tôi. Món “đặc sản” này, cách đây vài chục năm, tôi cũng đã được ăn hồi thơ bé khi gia đình chưa chuyển vào Nam.
Cơm nước xong, tôi quyết định sẽ ở lại nhà chú, dù Lam Châu đã đặt sẵn khách sạn. Tôi về quê lần này vớì lý do đặc biệt: Lên thủ đô Hà Nội nhận giải thưởng văn chương của Liên hiệp Các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam trao tặng. Niềm vui, có Dương Thiên Lý đi cùng, lại có nhiều chương trình, lý thú mà bạn bè đang đợi làm người tôi như được khỏe lên.
✽ ✽
✽
Theo lịch trình, sớm hôm sau, chúng tôi lên xe về Đồng Vy, Đông La, Đông Hưng, Thái Bình, nơi tôi sinh ra, gắn bó cả một thời thơ ấu . Xe chạy từ thành phố Hải Phòng hướng về Thái Bình trong màn mưa bụi và cái rét căm căm. Miền Bắc, đang mùa đông. Quang cảnh bên đường thay đổi quá nhiều so với ngày xưa, tôi biết. Qua cầu Nghin, còn cách cầu Nguyễn khoảng hơn hai cây số. Đông La quê tôi đã hiện ra với những cánh đồng vắng lặng trong mưa. Những con mương, con máng đầy ắp nước giữa đôi bờ cỏ xa xa, thấp thoáng bóng người khoác áo mưa ra ruộng. Bao nhiêu năm qua, ruộng đồng vẫn thế. Dường như, mắt tôi bỗng cay cay. Tôi chợt nhớ về những hình ảnh của bố mẹ tôi vất vả từ những tháng năm nào. Nhớ lại tuổi thơ cơ cực mà hồn nhiên, đáng yêu đã qua đi không bao giờ trở lại.
Đồng Vy, làng tôi đây rồi! Cái ngã ba làng với gốc đa xưa nơi tôi thường ra đây ngóng mẹ đi chợ và đón bố từ chiến trường trở về sau chiến tranh, giờ đây không còn nữa. Con đường đất rợp bóng phi lao bên đầm nước chạy dài rất nhiều tôm cá, đâu rồi? Giờ đây là con đường nhựa phẳng lì. Những ruộng lúa ven đường, mùa lúa chín vàng như màu nắng. Và những rặng tre đan dày rì rào hát xua tan cái nóng của những trưa hè oi ả; ru giấc ngủ trẻ thơ cho mẹ đi làm…cũng biến đâu rồi nhỉ!
Tôi nhìn, ở đâu cũng gặp quán ăn, quán nước, tiệm sửa xe, quán ka-ra-o-ke và những ngôi nhà cao tầng bề thế. Qua đường cái, chúng tôi phải dừng xe ô tô, đi bộ vào nhà người thân. Nhờ điện trước nên chị Quế con bác tôi ra đón. Chị ôm tay tôi, mắt rơm rớm, dẫn tôi đến nhà từ đường thắp nhang, tưởng nhớ tổ tiên hai bên nội ngoại. Trước bàn thờ tổ tiên và khói hương nghi ngút, tôi tưởng nhớ khuôn mặt, nụ cười và tình yêu thương của ông bà tôi, của những người thân trong họ. Nhà bác tôi, bây giờ không còn ai ở nữa, ngôi nhà xưa vẫn được giữ lại vẹn nguyên để thỉnh thoảng con cháu từ các nơi tìm về hương khói. Cái ao năm xưa được xây bao kín bờ, nước dâng đầy và bập bềnh những khóm hoa bèo bồng bông tím ngát.
Qua chỗ nhà tôi ở ngày xưa, bỗng nghe cay nơi sống mũi và nước mắt, tôi bỗng nghẹn ngào cùng bao nỗi thổn thức từ đáy tâm can. Ngày xưa, lúc vào Nam, vì khó khăn, bố mẹ tôi phải bán nhà, bán đất. Tôi vẫn nhận ra cái ao nơi đầu ngõ ngày xưa, trưa hè nào, chúng tôi cũng rủ nhau ra bơi, váng nước bám đầy trên tóc. Tôi nhận ra chỗ cây bồ kết năm nào, cái cây có những cái lá nhỏ như lá me, hoa bé tí và những chùm quả chín vàng mỗi độ thu về. Ngày xưa, mẹ tôi hái bồ kết bán cho người ta mua để gội đầu. Dưới gốc cây, tôi cùng lũ trẻ con hàng xóm thường chơi đùa, có khi ngủ quên trên chiếc chiếu đong đầy ánh trăng trải dưới gốc cây. Cây bồ kết đã đi vào trang văn của tôi và được phát sóng trên đài tiếng nói Việt Nam năm tôi 12 tuổi. Bài văn được phát lại trên Đài Phát thanh năm tôi 19 tuổi. Tôi nhớ da diết ngôi nhà bé nhỏ lợp bằng rạ, vách đất và cái sân gạch, trước cửa là vườn rau cùng mấy cây chè xanh tốt. Nơi đây, tôi đã được sinh ra và lớn lên trong tình yêu thương vô bờ của bố mẹ. Bây giờ bố tôi không còn nữa nên nỗi nhớ, nỗi buồn càng làm tim tôi nhói đau thổn thức. Tôi nhớ cái hiên nhà, có mấy cái cột làm bằng gỗ xoan, nơi có cái võng đay mắc đu đưa. Khi 6 tuổi, tôi ốm, bố hay bế tôi nằm võng, ru cho tôi ngủ trong khi mẹ loay hoay bỏ những hạt đỗ xanh lên cái thớt đặt trong một cái mâm đồng và dùng cái vỏ chai xiết mạnh cho hạt đỗ vỡ ra rồi nấu cháo cho tôi. Tôi nhớ những cái giường phải lót rơm bên dưới khi mùa đông về cho đỡ lạnh. Nhớ ngọn đèn dầu bé tí teo đặt trên cái bàn bằng gỗ tạp chị em tôi ngồi học hôm nào. Nhớ cả cảnh hồi chiến tranh nghe tiếng kẻng báo máy bay là vội vã tắt đèn chui xuống hầm đào ngay dưới gầm giường tránh đạn... Cứ vừa ngồi vừa run. Tôi nhớ những bữa cơm quây quần trên cái chiếu trải ở đầu hè, nhớ mùi cá rô kho khế. Nhớ vị canh cua đồng nấu với mồng tơi rau đay và mướp hương mát ngọt ăn với cà nén giòn tan. Nhớ mùi xôi nếp thơm lừng cả con ngõ nhỏ. Mỗi khi nấu xôi, mẹ thường sai chị em tôi biếu những nhà bên mỗi nhà một đĩa. Tôi nhớ con ngõ nhỏ này, mẹ hay sai tôi quét bằng cái chổi tre. Nhớ những cái lá tre thon dài rơi đầy trên ngõ xóm. Nhớ tiếng con Hữu, thằng Khanh, thằng Khang, con Tình, các em con nhà chú tôi ngay đầu ngõ. Nhớ những bụi chuối nơi lũ trẻ con chúng tôi chĩa súng bắn nhau đì đùng khi chơi trận giả. Nhớ tiếng cười và tiếng que chuyền lách cách….
Tôi nhớ lúc chị Quế đưa tôi ra chỗ dòng sông cái nơi có cái cầu đá xanh rất đẹp bắc qua. Con sông chảy qua làng tôi rồi vòng xuống xã Đông Xá, Đông Cường gần đấy. Tôi nhớ ngày bé hay theo các anh các chị ra quán Cầu bên bờ sông nhặt hoa gạo. Tháng ba, những bông hoa gạo đỏ thắm rơi trên sân đình và rơi trên mặt nước sông trong vắt .Màu hoa ấy bao năm qua, tôi vẫn nhớ không quên! Nước sông ngập lên tận bờ, trong và lạnh. Ngày xưa sông rộng lắm. Bây giờ người ta lấn đất, làm nhà, lòng sông thu hẹp lại. Bên kia sông là cánh đồng làng tôi đang mùa đợi cấy, những đám ruộng xanh mướt màu rau cải, khoai tây,...
Đang miên man hồi tưởng thì chị Quế bảo: Đi thôi em!
Tôi ngoái lại nhìn mảnh đất thân yêu lần nữa rồi theo chị. Chúng tôi cùng đi thăm các ông bà cô bác trong dòng họ. Ấm áp thân thương! Nhiều chú bác trạc tuổi bố mẹ tôi nay đã người còn, người mất. Người còn cũng đã ngoại tám mươi. Nhà nào cũng bắt phải ở lại ăn cơm. Nhưng tôi đành xin khất vì phải về Hà Nội nhận giải thưởng vào sáng mai. Đã cận Tết rồi, nên tôi không thể ở quê lâu.
Điện thoại đổ chuông liên hồi vì các bạn ở thành phố Thái Bình gọi tới. Tôi bước lên xe, rời khỏi làng mà lòng bâng khuâng da diết nhớ mảnh đất thân yêu này với những kí ức yêu thương máu thịt của đời tôi!
Ở thành phố Thái Bình, các bạn tôi trong nhóm “Búp trên cành” năm xưa đã đợi sẵn. Cuộc hội ngộ sau gần 40 năm xúc động biết bao! Các bạn tôi ăn mặc thật đẹp, đứng đợi sẵn trước sảnh của nhà hàng Tùng Tùng sang trọng. Xe vừa dừng, tất cả ào ra. Những cái xiết tay, những cái ôm, cái véo vào mắt, những nụ cười ríu ran thân thiết. Vẫn các bạn xưa, bốn mươi năm, giờ đã thay đổi quá nhiều. Không còn là những cô bé 12 -13 tuổi hồn nhiên,bé bỏng. Bây giờ trước mắt tôi là những phóng viên, những Phó giám đốc đài truyền hình, những giáo viên, cán bộ các cơ quan, chính quyền,.... Đứa “sở hữu” vóc dáng phì nhiêu, đứa vẫn giữ được dáng mảnh mai thanh thoát. Chỉ có một điểm chung : Đó là khuôn mặt rạng rỡ và ánh mắt chan chứa tình thân. Các bạn đặt sẵn nhà hàng làm những món ăn đặc biệt đậm đà hương vị quê hương để chúng tôi được thưởng thức trọn vẹn hương vị quê nhà.
Nhà thơ Kim Chuông - người thầy văn chương thời thơ ấu của chúng tôi ngồi giữa các trò xưa ríu rít tiếng cười .Các bạn còn mang đến, chất lên xe cho tôi một thùng to quà quê toàn là bánh cáy, kẹo lạc, có cả mực và cá thu một nắng. .Thúy Hằng còn tặng riêng cả túi to táo Thuận Vy thơm giòn ngon ngọt. Hồng Oanh và Lan Anh gửi thêm cả bột sắn và mỹ phẩm,...Gặp nhau vội vã rồi lại chia tay, xe chạy rồi, tôi còn mãi ngoái nhìn những cánh tay bạn bè vẫy vẫy .
Chúng tôi đến Hà Nội, trời đã bắt đầu tối, phố đêm tấp nập lung linh muôn sắc màu. Cất đồ đạc và tắm gội xong, dù rất mệt nhưng tôi không muốn nghỉ. Tôi đi dạo trên con phố Huế với những hàng cây cổ thụ, những trụ sở của các cơ quan nghệ thuật. Trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam, Hội nhạc sĩ Việt Nam,... Tôi co ro trong cái giá lạnh của mùa đông Hà Nội, ghé vào cái quán ven đường mua vài bắp ngô nướng còn nóng hổi thơm vị than hồng. Lòng tôi bồi hồi nhớ ký ức tuổi thơ.
Sáng hôm sau, nhận giải thưởng xong chú cháu tôi gồm: nhà thơ Kim Chuông, chị Lý, tôi và Khuê (cậu lái xe quê Hải Phòng) cùng dạo quanh Hà Nội. Mấy chú cháu ăn cơm rang ở cổng Văn Miếu. Món cơm rang đùi gà với cách chế biến tinh tế của người Hà Nội khiến tôi nhớ mãi. Ra Hồ Tây, tôi ngỡ ngàng nhận ra: gần 40 năm đã qua, Hồ Tây dường như vẫn thế. Mênh mông và lãng đãng sương giăng tạo nên vẻ đẹp mơ màng cùng những sóng nước gợn lăn tăn. Rồi qua phố Tràng Tiền, nhớ cửa hàng bán kem nổi tiếng thời bao cấp. Nhớ những lúc chúng tôi sung sướng hả hê thế nào khi được ăn kém cốm Thủ Đô. Nhớ chỗ ghế đá bên Hồ gươm nơi tôi cùng các bạn hay ngồi ngắm cảnh, ngắm cầu Thê Húc, ngắm làn nước hồ xanh ngắt và những bông lộc vừng đỏ thắm buông rủ xuống thướt tha.
Xe chạy thật chậm qua quảng trường Ba Đình lịch sử. Lăng Bác Hồ hiện lên oai nghiêm trang trọng phía xa xa. Nhớ ngày ấy – năm 1978, chúng tôi được Ủy ban thiếu niên nhi đồng Trung ương tổ chức cho những học sinh xuất sắc được vào Lăng viếng Bác. Lúc ấy, Lăng Bác khánh thành chưa lâu, nhu cầu vào viếng Bác nhiều vô kể nên phải qua bình bầu lựa chọn nhiều lần, phải có thành tích xuất sắc mới được ưu tiên. Chúng tôi được sắp xếp nghỉ tại nhà khách của Ủy ban thiếu niên nhi đồng Trung ương để chờ sáng hôm sau được vào viếng Bác. Hồi hộp và náo nức, chẳng đứa nào ngủ được. Mới 2 giờ sáng đã dậy rửa mặt, chải đầu, thay quần áo đẹp. Rồi chờ mãi, buồn ngủ quá lại ngủ gật. Cho đến lúc được lên xe, đứa nào cũng bừng tỉnh… Chuyện xưa lâu rồi mà như mới hôm qua…
⁂
Nhà thơ Kim Chuông tiễn chúng tôi ra sân bay. Tính ông luôn cẩn thận chu đáo và hết lòng với mọi người. Tôi phải giục mãi và hứa sẽ gọi điện ngay khi xuống sân bay thành phố Hồ Chí Minh, ông vẫn đứng bịn rịn ngoài cửa phòng chờ… đúng 8 giờ 30 phút ngày 17 tháng 01 năm 2017 tức là 21 tết, máy bay cất cánh. Tôi nghe môi mình mặn chát và trái tim thổn thức. Tạm biệt quê hương tuổi thơ tôi với bao nhiêu kỷ niệm. Nơi có những tháng ngày tuy bữa đói bữa no nhưng có mẹ cha, có những yêu thương và mơ ước. Xin gửi lại quê hương bao nhớ nhung, nuối tiếc, gửi lại nơi đây lời hẹn ước hôm nao, gửi lại nơi đây những dấu yêu thơ trẻ của đời tôi!
Cuối năm, Đinh Dậu, 2017
Bùi Thị Biên Linh
https://nhabup.vn/news/the-ky/gui-lai-dau-yeu-657.html
---
THƠ BÙI THỊ BIÊN LINH
2.
CẬP NHẬT NGÀY: 6 THÁNG TƯ, 2022 LÚC 12:15
Chùm thơ Biên Linh: Trí khôn lớn dần từ nét chữ đầu tiên
Vanvn- Nhà thơ Biên Linh là hội viên duy nhất Hội Nhà văn Việt Nam ở tỉnh Bình Phước thuộc Đông Nam Bộ. Họ tên đầy đủ Bùi Thị Biên Linh, sinh năm 1964 ở Thái Bình, tốt nghiệp cử nhân sư phạm văn và cử nhân kinh tế chính trị, nguyên là giáo viên Trường THPT Phước Bình, thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước chuyển sang làm phóng viên thường trú Thời Báo Văn Học Nghệ Thuật tại tỉnh biên giới này.
Các tác phẩm của nhà thơ Biên Linh đã xuất bản: Ý nghĩ ban mai (Thơ, NXB Hội Nhà văn 2015), Khoảng xanh miền nắng (Thơ, NXB Hội Nhà văn 2018), Gửi lại dấu yêu (Bút ký NXB Hội Nhà văn 2018), Bầu trời có nhiều vì sao (Ký sự, NXB Văn Học 2020), Sâu lắng mùa thu (Thơ – tiểu luận phê bình văn học, NXB Văn Học 2020).
Tác giả cũng đã nhận một số giải thưởng sáng tác văn học của địa phương và trung ương, như: Giải thưởng Khuyến Khích của UBTQ Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam cho tập thơ Ý nghĩ ban mai năm 2016 và tập bút ký Gửi lại dấu yêu năm 2019, Giải Nhất Cuộc thi “Tri ân Người thầy” năm 2017 của Báo Sinh Viên Việt Nam và Trung Ương Đoàn, Giải C Cuộc thi Văn học Bình Phước 5 năm lần thứ nhất 2016-2021 cho tập ký sự Bầu trời có nhiều vì sao,…
“Bố đã già đi mắt kém mất rồi/ Bàn chân bước cũng không còn thật nữa/ Nước mắt nghẹn ngang trái tim máu ứa/ Bao năm ròng sao con cứ thờ ơ?!”. Cùng với quê hương tuổi thơ, gia đình thì nghề giáo cũng trở thành nguồn cảm hứng mạnh mẽ, sâu lắng thế giới thơ Biên Linh: “Viên phấn trên tay nhìn mắt các em cười/ Tôi chợt thấy biết bao điều mới mẻ/ Hạt lúa, cọng rau nuôi lớn bao thế hệ/ Trí khôn lớn dần từ nét chữ đầu tiên”.
MƯA MÙA HÈ
Mùa hè
Hạt mưa lanh chanh
Chen nhau đậu vào bông phượng vỹ
Mưa mùa hè
Em yêu đến thế
Những buổi đi học về
Bứt lá che đầu làm nón
Chúng em đội màu xanh
Đi trong cơn mưa mùa hạ
Rúc rích tiếng cười núp trong chùm lá
Giọt mưa nào tỉnh nghịch thấm vào lưng
Cơn mưa đi qua cổng trường .
Khung cửa lớp tha thiết màu phượng đỏ
Mưa tạnh bao giờ
Chúng em không rõ
Nhưng trong đôi mắt bạn bè
Có những giọt mưa trong veo đọng lại
Như còn giữ mãi
Cơn mưa của những buổi tan trường
Mỗi đứa một chiếc ô bằng lá
Đội màu xanh về trong tiếng mưa rơi
MỘT MÌNH VỚI MÙA THU
Một mình tôi với mùa thu
Với trang giáo án tôi vừa soạn xong
Bao lần tôi tự dặn lòng
Đừng yêu ai để khỏi mong khỏi chờ .
Một mình tôi với mùa thu
Thân thương trang vở học trò của tôi
Ơ kìa! Hoa cúc nở rồi
Hương thơm se sẽ buông lơi quanh bàn!
Tự dưng… tôi thấy cô đơn
Và tôi vô cớ giận hờn không đâu
Còn đâu cái thưở ban đầu
Mùa thu có lỗi gì đâu với mình
MƯA VƯỜN NỘI
Em lắng nghe ,lắng nghe
Tiếng mưa ngoài cửa sổ
Hạt mưa rơi nho nhỏ
Dịu êm và thơm thơm
Sáng hôm sau ra vườn
Hoa vàng trên mặt đất
Em nhìn hoài sau ,trước
Ồ! Đất còn khô nguyên
Thế cơn mưa hồi đêm
Nước đi đâu hết cả ?
Chạy vội về hỏi má
Xoa đầu em má cười:
– Không phải mưa con ơi!
Hoa làm mưa rơi đấy!
Sáng nay vừa thức dậy
Em lại ra thăm vườn
Trái sầu riêng vàng hươm
Chùm chôm chôm đỏ rực
Cả khu vườn sực nức
Hương thơm gần, thơm xa
Có phải những giọt mưa
Đã lặn vào trong đất
Đã lặn vào trong cây
Để đến sáng hôm nay
Mưa hoá thành mật ngọt
Trĩu vườn cây nội trồng!
CHIỀU MƯA KHÔNG QUÊN
Vâng, suốt đời con không thể nào quên
Buổi chiều mưa bố con mình về muộn
Nhà thì xa, mặt trời mây phủ kín
Đường trong rừng mau tối quá đi thôi.
Con vội vàng đi đã xa rồi
Vẫn thấy bố ở đằng sau một quãng
Trời sắp mưa .Gió ào ào thốc ngược
– Sao lại đi chậm thế bố ơi!
Con kêu to: “Đã sắp mưa rồi
Nhanh lên bố! Không thì mưa ướt rét”
– Con đi đi! Đừng đợi, mưa ướt rét
Tao còn xem lúa má thế nào!”
Con tin lời vội chạy thật mau
Sợ mưa ướt, sợ trúng mưa bị ốm .
Đường còn xa. Gió ào ào thốc ngược
Cây răng rắc rồi mưa như xối nước
Ngoái lại nhìn, bố vẫn ở đằng xa
Mắt bồn chồn, con đứng lại chờ
– Thôi về bố! Lúa mai xem cũng được!
Con nhăn nhó giục bố đi lên trước
Ở sau nhìn, con mới hiểu bố ơi!
Bố đã già đi mắt kém mất rồi
Bàn chân bước cũng không còn thật nữa
Nước mắt nghẹn ngang trái tim máu ứa
Bao năm ròng sao con cứ thờ ơ?!
SỚM MAI NÀY
Buổi sớm nay nắng đẹp đến xao lòng
Tôi bỗng nhớ những ban mai thưở trước .
Một phần cuộc đời có lẽ nào quên được!
Lá me bay mát rượi sân trường
Lá bàng chao – cánh bướm chập chờn
Con chích choè trên ngọn đa nghiêng ngó
Bài cô giảng xôn xao trang vở
Hoa bèo bồng nở tím dòng sông
Những ban mai thơm hương lúa đồng
Tiếng kẻng gọi bước chân người ra ruộng
Tôi nhớ quá! Những buổi mai bận rộn
Người nối người hối hả đi về.
Ban mai cánh cò thấp thoáng ven đê
Tuổi thơ ơi! Những buổi mai như thế
Ngọt lành lắm kỷ niệm thời thơ trẻ
Tôi mang theo đi suốt cuộc đời
Viên phấn trên tay nhìn mắt các em cười
Tôi chợt thấy biết bao điều mới mẻ
Hạt lúa, cọng rau nuôi lớn bao thế hệ
Trí khôn lớn dần từ nét chữ đầu tiên
BIÊN LINH
https://vanvn.vn/chum-tho-bien-linh-tri-khon-lon-dan-tu-net-chu-dau-tien/
1.
QĐCT, 25/06/2020, 21:15 (GMT+7)
Trang thơ Bùi Thị Biên LinhSinh năm 1964, tại Thái Bình, sau Ngày giải phóng miền Nam theo cha vào phát triển vùng kinh tế mới Phước Long (Bình Phước), trở thành giáo viên, là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Phước. Là tác giả của 5 tập thơ và văn, trong đó có tập thơ “Ý nghĩ ban mai” và bút ký “Gửi lại dấu yêu” được giải thưởng của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 2017 và 2019, cùng nhiều giải thưởng văn chương uy tín khác.
Nhà thơ Bùi Thị Biên Linh |
Ngọn núi tình yêu
Vẫn là ngọn núi ấy, phải không em
Tám năm rồi, núi có còn xanh thế?
Tám năm rồi, đá có còn bền bỉ
Ngả tấm lưng từng bước đỡ chân người?
Bà Rá quê em thành nỗi nhớ không nguôi
Khi anh qua cánh rừng mùa thay lá
Mà cứ thương ngọn núi quê em vất vả
Bà Rá còng lưng che nắng gió cho làng…
Nhớ ngày đầu giải phóng quê em
Bộ đội về, nắng mùa khô bỏng rát
Giặc tan rồi nhưng cầu thì gãy nát
Các anh chặt cây từ Bà Rá đưa về
Bắc lại cầu, nối lại quãng đường đi…
Ôi kỷ niệm của một thời đánh giặc
Thành nỗi nhớ vô cùng ngọn núi miền quê
Tám năm rồi, bao mưa nắng qua đi
Anh cứ mong cây vẫn còn xanh thế
Đá từng bậc vẫn xếp hàng bền bỉ
Và riêng em, có đợi được anh về?
Em không nói gì buổi sáng tiễn anh đi
Mà gió cứ xôn xao, gió chia hai sườn núi
Ở trong anh quay quắt cơn gió thổi
Chẳng nói nên lời bao suy nghĩ, yêu thương.
Anh đã đi qua gian khổ, chiến trường
Đã gửi lại quê em một phần tuổi trẻ
Nhưng có điều đáng nói hơn tất cả,
Là: Đồng đội anh đã ngã xuống đất này
Giọt máu nào nuôi lớn giọt nhựa cây
Giọt máu nào góp màu xanh đỉnh núi
Tình yêu ấy níu lòng anh bối rối
Biết nói gì, ơi Bà Rá quê em!
Một mình với mùa thu
Một mình tôi với mùa thu
Với trang giáo án tôi vừa soạn xong
Bao lần tôi tự dặn lòng
“Đừng yêu ai để khỏi mong, khỏi chờ…”
Một mình tôi với mùa thu
Thân thương trang vở-học trò của tôi!
Ơ kìa! Hoa cúc nở rồi
Hương thơm se sẽ buông lơi quanh bàn
Tự dưng… tôi thấy cô đơn
Và tôi vô cớ giận hờn không đâu
Còn đâu cái thuở ban đầu
Mùa thu có lỗi gì đâu với mình!
21-9-1987
Bối rối
Ba người, cùng lúc tỏ tình
Trái tim tôi đập rối tinh, rối bời
Sao không chỉ là một thôi
Để cho tôi được là tôi vẹn tròn?
Thôi đành chọn nỗi cô đơn!...
Nghệ sĩ - mùa thu
Bao ngày mong đợi thu sang
Sáng nay, nắng bỗng dệt vàng như tơ
Con chuồn ớt đỏ ngẩn ngơ
Lạc vào giàn mướp non mơ hoa vàng
Tiếng chim rơi xuống ngõ làng
Vương vào mặt giếng lênh loang... cuối mùa
Tuyệt vời đến thế-mùa thu
Lòng tôi xao xuyến như chờ đợi ai
Mùa thu hóa nhạc không lời
Tôi thành nghệ sĩ suốt đời say mê.
Minh họa: MẠNH TIẾN |
Sợi tóc còn xanh
Lớn lên, con hiểu vì sao
Mái đầu cha, sợi tóc nào còn xanh?
Đi qua ba cuộc chiến tranh
Chắt chiu thương mến, cha dành cho con
Nửa đời sống với Trường Sơn
Chiếc ba lô nhỏ đã sờn hai quai
- Sao cha cứ thích mang giày?
- Thói quen con ạ, những ngày hành quân.
Áo xanh đã đổi mấy lần
Con đòi cha kể chuyện xuân chiến trường
Mỉm cười cha vuốt tóc con
(Bàn tay cầm súng vẫn còn nóng nguyên)
Y như là có phép tiên
Tay cha mát bởi tóc mềm của con
Đôi chân lội suối, trèo non
Sáng nay ngượng ngập đưa con đến trường
Cha cười, mắt sáng giọt sương
Giữa niềm vui với yêu thương tràn trề
Cái thời, cha kể con nghe
Dẫu rằng gian khổ bộn bề nghe con
Mong cho con lớn, con khôn
Tóc cha dẫu bạc, vẫn còn sợi xanh
Nắng mưa, bom đạn chiến tranh
Vẫn xanh sợi tóc cha dành cho con
Dành từ sâu thẳm yêu thương
Ước sao lo được cho con suốt đời.
https://ct.qdnd.vn/van-hoc-nghe-thuat/trang-tho-bui-thi-bien-linh-524840
Chị Biên Linh (thứ 2, từ phải qua) tại lễ kết nạp vào sáng 20-11 tại Hà Nội
Nữ sĩ Bùi Thị Biên Linh (Biên Linh), sinh năm 1964, tại Thái Bình. Năm 1976 Biên Linh là thành viên của nhóm “Búp trên cành”. Với bút danh Sóng Biển, chị là một trong những “nhà văn nhí” được tỉnh Thái Bình tuyển chọn tham dự lớp “Các em có năng khiếu sáng tác văn học” do Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Thái Bình tổ chức đầu tiên trong cả nước.
Sau ngày giải phóng miền Nam, chị Biên Linh theo gia đình vào Phước Long, Bình Phước lập nghiệp. Tại đây, chị trở thành giáo viên, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Bình Phước. Chị hiện là tác giả của 5 tập thơ và văn, trong đó có tập thơ “Ý nghĩ ban mai” và bút ký “Gửi lại dấu yêu” được giải thưởng của Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam năm 2017 và 2019, cùng nhiều giải thưởng văn chương uy tín khác.
Sau nhiều năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, hiện chị Bùi Thị Biên Linh đã nghỉ hưu và có nhiều thời gian dành cho sáng tác văn chương. Được kết nạp Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam là vinh dự rất lớn đối với chị Biên Linh nói riêng và tỉnh Bình Phước nói chung.
https://bptv.vn/news/9/119718/binh-phuoc-co-nu-si-dau-tien-duoc-ket-nap-hoi-vien-hoi-nha-van-viet-nam
..
..
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.