Về doanh nhân Trịnh Văn Quyết và tập đoàn FLC, trên Giao Blog có thể đọc ở đây (tháng 1 năm 2022) hay ở đây (tháng 11 năm 2018, về sự kiện năm 2013).
Entry này được mở để cập nhật các tin tức về TVQ từ tháng 8 năm 2022.
Bài đầu tiên là chiêu lừa nâng khống 1,5 tỉ lên hơn 4.000 tỉ.
Tháng 8 năm 2022,
Giao Blog
Năm 2013, nguồn ảnh ở đây |
---
TTO - Ông Trịnh Văn Quyết cùng hai em gái và nguyên phó chủ tịch Tập đoàn FLC bị cơ quan điều tra khởi tố bổ sung tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Ngày 25-8, theo nguồn tin riêng của Tuổi Trẻ Online, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) đã ra quyết định khởi tố bổ sung đối với ông Trịnh Văn Quyết - cựu chủ tịch Tập đoàn FLC - để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cơ quan điều tra cũng khởi tố bổ sung tội danh trên với bà Hương Trần Kiều Dung, nguyên chủ tịch hội đồng quản trị Công ty CP Chứng khoán BOS kiêm phó chủ tịch thường trực Công ty CP Tập đoàn FLC.
Hai em gái của ông Quyết cũng bị khởi tố bổ sung cùng tội danh là: Trịnh Thị Thúy Nga - nguyên thành viên hội đồng quản trị kiêm phó tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán BOS và Trịnh Thị Minh Huế - nhân viên kế toán thuộc ban kế toán, Công ty CP Tập đoàn FLC.
Các quyết định tố tụng trên đã được viện kiểm sát phê chuẩn.
Chiều nay (25-8), cơ quan điều tra đã tống đạt các quyết định khởi tố bổ sung đối với ông Quyết và các bị can.
Được biết, cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết và các bị can đã có hành vi nâng khống vốn của Công ty CP Xây dựng FLC Faros.
Trước đó, ngày 29-3, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can với ông Trịnh Văn Quyết - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn FLC - để điều tra tội thao túng thị trường chứng khoán.
Cơ quan điều tra đã áp dụng biện pháp bắt bị can để tạm giam, đồng thời ra lệnh khám xét nơi ở, nơi làm việc của chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết để phục vụ điều tra.
Hai em gái ông Quyết cũng đã bị C01 bắt tạm giam để điều tra về cùng tội danh.
Thổi giá cổ phiếu
Kết quả điều tra ban đầu đã làm rõ được nhiều sai phạm của ông Quyết liên quan đến việc "thổi giá" cổ phiếu với mục đích thu lời bất chính hàng trăm tỉ đồng.
Hành vi sai phạm thao túng thị trường chứng khoán của bị can Trịnh Văn Quyết được xác định thực hiện từ đầu tháng 12-2021 kéo dài đến phiên giao dịch ngày 10-1-2022 - phiên mà chủ tịch FLC bán chui 74,8 triệu cổ phiếu.
Theo đó, ông Quyết đã vẽ ra một "kịch bản" khá tinh vi, chỉ đạo nhiều người cùng tham gia "thổi giá" cổ phiếu của chính tập đoàn mình nắm giữ lên một mức cao ngất ngưởng để "lùa gà" nhiều nhà đầu tư, rồi "úp sọt" bán chui số cổ phiếu ông mua rẻ với mục đích hưởng lợi bất chính.
Bị can Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo nhiều người thân trong gia đình và một số người khác điều hành nhân viên Công ty CP Chứng khoán BOS và các công ty con, sử dụng khoảng 20 tài khoản chứng khoán của 11 tổ chức để thực hiện việc "làm giá".
Những cá nhân này thông đồng với nhau liên tục mua, bán chứng khoán FLC với tần suất lớn nhằm tạo ra cung cầu giả để đẩy giá lên cao.
Hành vi tạo cung cầu giả của nhóm Trịnh Văn Quyết đã đẩy giá cổ phiếu FLC từ hơn 14.000 đồng/cổ phiếu ngày 1-12-2021 liên tục tăng, thậm chí tăng "trần" nhiều phiên và phiên tăng "trần" cao nhất là 24.000 đồng/cổ phiếu. Giá cổ phiếu FLC đã được nhóm của bị can Quyết làm "ảo thuật" tăng hơn 64%.
Sau khi giá cổ phiếu FLC được "thổi" lên cao ngất ngưởng, chủ tịch tập đoàn này đã dùng chiêu "úp sọt", chỉ đạo người thân bán ra 175 triệu cổ phiếu. Tổng số cổ phiếu FLC nhóm của ông Quyết bán ra đã khớp lệnh là 74,8 triệu, với giá trung bình là 22.500 đồng/cổ phiếu. Toàn bộ số cổ phiếu này đã được bán "chui", không công bố trước khi thực hiện giao dịch.
Tổng số tiền bị can Quyết thu về sau khi bán chui cổ phiếu là gần 1.700 tỉ đồng, mục đích hưởng lợi bất chính hơn 530 tỉ đồng. Tuy nhiên ngay sau khi xảy ra việc bán chui cổ phiếu, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã hủy giao dịch toàn bộ số cổ phiếu do ông Quyết bán ra, những nhà đầu tư đã mua số cổ phiếu này may mắn được hoàn tiền.
Đến nay, C01 đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 5 người trong vụ án này gồm ông Trịnh Văn Quyết; Trịnh Thị Minh Huế, nguyên nhân viên kế toán tổng hợp Công ty CP Tập đoàn FLC; Hương Trần Kiều Dung, nguyên chủ tịch HĐQT Công ty CP Chứng khoán BOS kiêm phó chủ tịch thường trực Công ty CP Tập đoàn FLC; Trịnh Thị Thúy Nga, nguyên thành viên HĐQT kiêm phó tổng giám đốc và Nguyễn Quỳnh Anh, nguyên tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán BOS.
Cơ quan điều tra đang tiếp tục củng cố và làm rõ hành vi sai phạm của những người liên quan khác.
https://tuoitre.vn/cuu-chu-tich-tap-doan-flc-trinh-van-quyet-bi-khoi-to-them-toi-lua-dao-chiem-doat-tai-san-20220825180434673.htm
Đoàn Bổng
Nhà báo
Cơ quan Cảnh sát điều tra (C01 - Bộ Công an) ngày 25/8 ra quyết định khởi tố bổ sung đối với ông Trịnh Văn Quyết cùng hai em gái.
Cụ thể, ông Trịnh Văn Quyết và 2 em gái là Trịnh Thị Thúy Nga, Trịnh Thị Minh Huế bị khởi tố thêm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo khoản 4 điều 174 Bộ luật Hình sự.
Bà Hương Trần Kiều Dung, cựu Phó Chủ tịch thường trực HĐQT tập đoàn FLC cũng bị C01 khởi tố cùng tội danh nêu trên. Các quyết định tố tụng trên đã được Viện kiểm sát phê chuẩn.
Theo Bộ Công an, các bị can Trịnh Văn Quyết, Trịnh Thị Minh Huế, Trịnh Thị Thúy Nga, Hương Trần Kiều Dung từ năm 2014 - 2016 làm thủ tục tăng vốn điều lệ khống từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng tương ứng với 430 triệu cổ phần của Công ty CP Xây dựng Faros và khi được niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS trên sàn chứng khoán, đã bán chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư.
Bước đầu xác định, tính đến ngày 24/2/2021, Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế bán toàn bộ cổ phiếu ROS mang tên Trịnh Văn Quyết và cổ phiếu ROS mang tên 5 cá nhân khác (do Quyết nhờ dựng tên), thu được tổng cộng trên 6.400 tỷ đồng và rút tiền mặt để chiếm đoạt.
Trước đó, ngày 29-3, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can với ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn FLC - để điều tra tội thao túng thị trường chứng khoán.
Cơ quan điều tra Bộ Công an (C01) tiến hành điều tra xác minh với ông Trịnh Văn Quyết và các cá nhân thuộc tập đoàn FLC, Công ty CP Chứng khoán BOS và các công ty liên quan về hành vi Thao túng thị trường chứng khoán; Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán xảy ra ngày 10/1/2022, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán.
Bộ Tư pháp lên tiếng việc kê biên tài sản vụ Trịnh Văn Quyết, Tân Hoàng Minh
Quảng Nam tạm dừng giao dịch tài sản của ông Trịnh Văn Quyết và một số cá nhân
Bộ Công an đề nghị tạm dừng giao dịch bất động sản của ông Trịnh Văn Quyết
https://vietnamnet.vn/cuu-chu-tich-flc-trinh-van-quyet-bi-khoi-to-them-toi-lua-dao-chiem-doat-tai-san-2053523.html
..
..
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.