Chữ viết tay năm 1997 của chủ nhân Giao Blog (chụp vào đầu tháng 8 năm 2022, tại các thôn thuộc xã Thanh Tước - Mê Linh - Hà Nội) |
Bia đá trơ gan cùng tuế nguyệt
Một khối bia đá bốn mặt nằm im lìm bên góc phải Nghĩa trang Thanh Tước (huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội). Ít ai biết rằng đó là nhân chứng lịch sử của ngôi chùa trăm gian cũ còn sót lại của vùng này. Một bạn đồng nghiệp với chúng tôi quê ở chân núi Thanh Tước kể rằng, chỉ còn những người già gần 90 tuổi nhớ được chút ít về ngôi chùa Sùng Ân - mà gọi dân dã là chùa trăm gian - vì quy mô đồ sộ của nó. Còn lại, thế hệ hậu sinh hầu như không biết chút gì về ngôi chùa này.
Từ bé, bạn đồng nghiệp của chúng tôi đã được nghe bà ngoại kể về ngôi chùa trăm gian với tục đánh cờ người và truyền thuyết đánh cờ giữa bà Nữ Oa, ông Tứ Tượng. Thế rồi, ngôi chùa đã bị thực dân Pháp phá hủy một phần để xây đồn bốt. Giai đoạn cải cách ruộng đất khiến ngôi chùa trở thành hoang phế. Đến khi UBND thành phố Hà Nội xây dựng Nghĩa trang Thanh Tước làm nơi yên nghỉ cuối cùng của các nhà khoa học và văn nghệ sĩ chính trên đất nền chùa Sùng Ân.
Có dịp đến với Thanh Tước, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Sử, cán bộ nghiên cứu tại Phòng Nghiên cứu Phật giáo (Viện Nghiên cứu Tôn giáo - Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) thư thả rập lại bốn mặt bia này. Tiếc rằng, do bị tác động mạnh bởi ngoại lực (đạn pháo bắn trước đây, và có thể do xà beng thúc khi đẩy khối bia gọn vào một góc) mà mặt bia nhiều chỗ sứt cả mảng, có mặt thì lỗ chỗ, bị mất chữ, không còn đọc được cụ thể, liền mạch. Ban đầu, tác giả sách "Lịch sử Thư pháp Việt Nam" xác minh được rằng, đây là tấm bia hậu Phật, được tạo khắc ngày 8 tháng 7 năm Chính Hòa thứ 23 (năm 1702) đời vua Lê Hy Tông.
Chùa Sùng Ân Tự nay không còn. |
"Chính Hòa nhị thập tam niên, thất nguyệt, sơ bát nhật, lập văn ước trùm trưởng Nguyễn Hữu Giáo,… đồng xã thượng hạ đại tiểu đẳng cộng ký". Đọc phiên âm nguyên văn chữ Hán xong, anh lại dịch cho mọi người cùng nghe: Lập văn ước ngày 8 tháng 7 năm Chính Hòa thứ 23, trùm trưởng Nguyễn Hữu Giáo,… cùng toàn xã lớn bé, trên dưới cùng kí tên.
Biết được thông tin trên, dù đã ngoài 70 tuổi, bà Nguyễn Thị Tuân, vợ liệt sĩ, mộ đạo hướng Phật, phát tâm đi tìm. Được sự trợ giúp của một số con em địa phương có điều kiện công tác ngoài Thủ đô, bà đã tìm thấy trong Lưu trữ của Viện Viễn đông Bác cổ do người Pháp để lại ở Việt Nam còn nguyên thác bản "Văn bia Thanh Tước" rõ ràng cả bốn mặt. Bà Tuân đã nhờ cậy nhà nghiên cứu Đinh Nguyễn dịch và Tiến sĩ Phạm Văn Tuấn, cán bộ Viện Nghiên cứu Hán Nôm hiệu đính những tài liệu quý giá này.
Nội dung trên "Văn bia Thanh Tước" ghi rõ: Bà Trần Thị Ngọc Thám là Vương phủ thị nội cung tần, thấy chùa Thanh Tước dột nát, có lòng từ bi, phát khởi ý lành, bèn bỏ tiền ra trùng tu, công việc hoàn thành tốt đẹp, lại lập một tòa cột đá ở đấy. Nhân dân trong xã lớn bé cùng cảm được tấm lòng từ bi, nhân đức cùng nhau tự nguyện làm hộ nhi, tôn bà làm hậu Phật, đặt ở bên trái chùa để mãi mãi hương hỏa.
Một người chị của bà Trần Thị Ngọc Thám là Sa Di ni họ Ngô, tên hiệu là Diệu Bảo, trụ trì chùa Sùng Ân, đã bỏ ra 300 quan tiền để góp vào trùng tu chùa. Đồng thời, bà Thị nội cung tần họ Trần, tên hiệu là Diệu Minh, từ nhỏ đã được vào hầu trong cung, nghe danh tiếng của chùa Sùng Ân ở Thanh Tước đã phát cho tiền vàng, chọn mua được 11 mẫu ruộng tốt giao cho nhân dân Thanh Tước đời đời thay nhau canh tác để lấy lúa gạo, hoa màu làm nhu phí cúng giỗ.
Do đó, nhân dân cùng nhau làm cam đoan tôn bà làm hậu Phật, thiết đặt bài vị ở bên phải của Phật đường. Cũng nghe tiếng thơm của chùa Sùng Ân, Vương phủ Thị nội cung tần là bà Lê Thị Ngọc Kiên, hiệu là Diệu Thông, vốn dòng dõi quý tộc, sai người đến xã Thanh Tước mua 5 mẫu ruộng tốt cho dân đời đời canh tác để mãi mãi cúng giỗ rồi đặt hậu Phật để thờ phụng.
Chung đúc khí thiêng
Trước những tư liệu về chùa Sùng Ân, có người đã phải thốt lên: "Không ngờ bên Thanh Tước cũng có một chốn tổ lớn, một ngôi tùng lâm quý như vậy. Quanh vùng này có hai ngôi chùa lớn trên đỉnh đồi từ thượng cổ.
Cùng với chùa Sùng Ân là chùa Hoa Sơn (tên gọi khác chùa Lục Tổ) ở xã Kim Hoa, huyện Mê Linh ngày nay. Sùng Ân và Hoa Sơn đều quy mô hàng trăm gian, đều gắn với tên tuổi các thiền sư nổi tiếng, đều chung một địa thế: có núi Tam Đảo dẫn mạch, có sông Cà Lồ uốn lượn, cùng tọa lạc trên đỉnh đồi... và cùng có chung một số phận: bị phá bỏ toàn bộ vào những năm kháng chiến".
Nhiều người cùng đặt câu hỏi, tại sao núi Thanh Tước lại được chọn làm nơi dựng chùa Sùng Ân? Nhà nghiên cứu Đinh Nguyễn căn cứ vào lời tiền nhân ghi trên bia đá đã nói lại về phong thủy nơi đây: "Nghe rằng, ở chùa Sùng Ân, xã Thanh Tước, huyện Kim Hoa, lộ Bắc Giang thượng có gò Cương, suối đá đẹp tươi, lại khiến cho người ta thấy được đất này chung đúc khí thiêng, núi Tam Đảo dẫn nguồn mạch, sông Cà Lồ quanh co uốn lượn bách thần chầu về. Thật là trời đất sắp đặt nên mới được đẹp tươi như vậy".
Bà Nguyễn Thị Tuân hồ hởi dẫn thêm tài liệu. Lưu trữ của Viện Viễn đông Bác cổ do người Pháp để lại, còn thác bản tấm bia hai mặt khác, được lập vào ngày tốt, tháng 10, năm Tân Sửu, niên hiệu Hoằng Định thứ 2 (1601) đời vua Lê Kính Tông. Trên bia có bài ký cho biết, vào đời chúa Trịnh Tùng (1550 - 1623), có bà Chánh nội phủ Thái vương tần là Trần Thị Ngọc Lĩnh, người xã Thanh Tước, có cấp cho quê ngoại là xã Thanh Tước quan điền tô, ruộng thế nghiệp, cùng với ao và đất tha ma, mộ địa ở chân núi, cộng các xứ sở là 3 mẫu.
Cùng cư trú trên địa bàn Thanh Tước, ông Đào Trọng Thiệp vẫn nhớ như in ngày phát lộ ngôi mộ bà Trần Thị Ngọc Lĩnh trên núi này năm 1959. Một quách gỗ thơm ghi dòng chữ "Đệ nhất cung tần Trần quý thị mộ…". Khi những cán bộ Bộ Văn hóa chuyển quách gỗ về nhà Bác Cổ ở Hà Nội, ông Thiệp và đông đảo người dân vẫn nhận thấy mùi thơm từ khu mộ táng bảng lảng suốt nhiều ngày sau.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Thuần cho biết rằng bà Trần Thị Ngọc Lĩnh là vợ của Minh Khang Thái Vương Trịnh Kiểm (1503 -1570), người mở ra hơn 200 năm cơ nghiệp họ Trịnh. Cùng năm 1594, bà đã bỏ tiền để giúp việc đại trùng tu chùa Báo Ân Phúc Lâm ở Đại An, Nghĩa Hưng, Nam Định. Chùa này được xây từ đời Trần và đã trải nhiều đợt trùng tu.
Quan trọng hơn nữa, nội dung thác bản bia năm 1601 cho biết rõ hơn nguồn gốc chùa Sùng Ân được xây dựng vào thế kỷ thứ XII, thời nhà Lý (1010 - 1225) do Thiền sư Trí Bảo làm trụ trì.
Sách "Thơ văn Lý Trần" và sách "Thiền uyển tập anh" cho biết như sau: Trí Bảo thiền sư họ Nguyễn tên thật và năm sinh đều chưa rõ. Theo Phật từ lúc còn trẻ, tu ở chùa Thanh Tước. Mới đầu chuyên tâm tu hành khổ hạnh nhưng không nắm được giáo lý Thiền học. Về sau nhờ có người dìu dắt, mới giác ngộ, trở thành một nhà lý luận xuất sắc của đạo Thiền, "nói ngang nói dọc như lửa toé trong đá". Ông đứng vào thế hệ thứ mười, dòng thiền Quan Bích. Thiền sư Trí Bảo mất năm Canh Tuất, niên hiệu Thiên Tư Gia Thuỵ thứ năm (1190).
Bạn đồng nghiệp của chúng tôi cứ mong ước: Giá như huyện Mê Linh và thành phố Hà Nội phục dựng lại Sùng Ân tự - chùa Trăm gian trên nền đất cũ trên núi đồi Thanh Tước để ánh sáng nhà Phật tỏa rạng nơi đây cùng với ánh sáng soi đường chỉ lối của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trên Đồi 79 mùa xuân hợp thành những bó đuốc sáng của Phật pháp, trí tuệ và văn minh, thì hay biết mấy.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Sử (Viện Nghiên cứu Tôn giáo) đang rập bia hậu Phật năm Chính Hòa 23 (1702) ở Thanh Tước. Qua chứng tích lịch sử là bia đá và các thác bản bia còn lưu giữ được, cùng với các tài liệu lịch sử đối chứng khác đã cho thấy, Sùng Ân tự - ngôi chùa Trăm gian trên núi Thanh Tước có từ thời nhà Lý, được một vị trụ trì đạo cao đức trọng là Thiền sư Trí Bảo chọn làm nơi tu hành. Đến thời Hậu Lê (1428 - 1788) chùa nổi tiếng cả nước khiến cung tần mỹ nữ trong cung vua phủ chúa - những bậc "Mẫu nghi thiên hạ" đều phát tâm công đức xây dựng. |
Đỗ Quận Công - lấy chữ “Nhân Đức” làm trọng
Đỗ Quận Công, tên húy là Đỗ Nhân Tăng, sinh năm Giáp Thân (1664) tại thôn Xuân Mai, phường Phúc Thắng, thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay. Ông là người thông minh lại khéo tay, làm gì cũng được như đọc sách, làm thơ, làm ruộng, tập võ, cưỡi ngựa…
Phả ký có ghi lại rằng: Đỗ Nhân Tăng là bậc văn võ toàn tài đống lương vĩ khí nên được nhà vua quý mến trọng dụng. Năm 24 tuổi, ông vào kinh nhận chức và làm quan với hai triều vua Lê Hy Tông và Lê Dụ Tông. Nhà vua phong chức cho ông: Đặc tiến phụ quốc thượng tướng quân; Phó cai quản thị nội giám; Tổng thái giám; Quế phương hầu (quan văn) sau đó lại được phong “Hữu hiệu điểm Quế quận công”. Nhân dân tôn kính không gọi tên húy mà gọi là ông quận Quế.
Lối vào mộ cụ Đỗ Quận Công. Trong ảnh là ông Đỗ Văn Thắng - Trưởng tiểu ban di tích xã Xuân Mai đang kể lại công lao của cụ Đỗ Quận Công với dân với nước. Ảnh: Hồng Nhung |
Khi ông làm quan vẫn một lòng quan tâm đến đời sống của nhân dân. Ông sống có nhân đức, đem ruộng đất của mình chia đều cho dân làng ở 4 thôn: Mai, Thượng, Triền, Bến. Ông thường khuyên bảo dân làng sống phải lấy chữ “Nhân Đức” làm trọng, coi nhân đức như việc gieo trồng cây lúa để nuôi sống con người. Ông luôn giúp đỡ dân làng xây dựng thôn xóm.
Đối với Cựu Quán, ông còn bỏ tiền, thóc giúp đỡ người nghèo, nhất là vào những năm mất mùa, đói kém. Ông để một phần ruộng hậu cho 4 thôn: Mai, Thượng, Triền, Bến.
Với Tân ấp, ông xuất tiền giúp đỡ 2 thôn Nhật Hy Thượng, Nhật Hy Hạ, mỗi thôn 50 lạng bạc, 500 quan tiền, vận động dân lập thôn ấp, đào ao, vượt thổ, khai mương, xẻ ngói, khai phá ruộng đất còn bỏ hoang. Đặc biệt, ông đã vận động dân làng đắp đê mới, bồi trúc đê cũ chống nước mặn, trồng tre để bảo vệ đê, tu sửa đường xá, tu sửa đền thơ Ngô Tướng công và chùa…
Ông tạ thế ngày 06 tháng 06 năm Kỷ Dậu (1729), thọ 66 tuổi. Hiện nay, phần lăngmộ của Đỗ Quận Công và phu nhân còn ở Xuân Mai, Phúc Thắng.
Trần Quận Công – đem tài sản chia hết cho dân
Trần Quận Công, tên húy Trần Công Tước sinh năm Bính Thân (1656). Trần Công Tước chính là dòng họ Đỗ sau đổi sang dòng họ Trần. Bia đá đền Xuân Hy còn ghi: “Đỗ tính cải vi Trần tính”.
Theo phả ký ghi chép, khi Người còn nhỏ phong tứ dĩnh dị, cốt cách khác thường, lớn lên tư chất càng thông minh, học rất giỏi và cũng dũng lược hơn người. Năm 24 tuổi, ông ra làm quan dưới triều vua Lê Dụ Tông (1674). Năm 40 tuổi, ông được chúa Trịnh tạc phong cho chức: “Đặc tiến kim tử vinh lộc giám”.
Trần Công Tước là quan hoạn kiêm võ tướng. Ông làm quan trên ba mươi năm, được nhà vua tin yêu, nhân dân mến phục. Ông rất thông cảm với nỗi khổ của dân, ai có việc gì đến triều đình, ông đều tiếp đón ân cần và giải thích chu đáo. Người dân nào túng thiếu, ông trợ cấp cho tiền gạo, nếu rách ông cho cả quần áo khi ra về.
Năm Trần Công Tước 60 tuổi (có tài liệu ghi 65 tuổi) nghỉ hưu lại được vua phong là “Thân quận công” (ông quan thủy chung). Khi ông bà về quê cùng sống với dân làng, với hàng tổng rất tốt bằng nhiều việc làm cụ thể. Ông bà bỏ tiền gạo của nhà đem phát chẩn cho dân khi bị thiên tai mất mùa đói kém; sửa đường xá, bắc cầu, xây 7 gian quán ngói cho dân đi lại nghỉ ngơi; giúp đỡ tiền của để đắp đê, khai phá thêm đất hoang cho dân…
Ông bà không để tài sản riêng mà đem ruộng đất của nhà chia cho dân làng các thôn. Ông bà còn mua thêm 80 mẫu ruộng chiêu dân các nơi đến lập ấp gọi là thôn Trung Nghĩa. Người còn cúng ruộng đất vào chùa, bỏ tiền tu sửa chùa Xuân Mai… Chính vì vậy, nhân dân đều quý trọng Người, mong Người sống lâu và coi Người như cha (trọng công như tuế, thị công như phụ).
Phần mộ của Người được mai táng tại thôn Thanh Vân (quê ngoại). Năm 1988, nhân dân 2 xã Thanh Lâm và Phúc Thắng xin phép UBND huyện Mê Linh cho chuyển mộ ông bà Trần Quận Công về quê nội ở Xuân Mai, đây là 2 ngôi mộ hợp nhất.
Trùng tu bảo tồn Khu di tích Lăng mộ hai vị quận công
Trải qua hơn 300 năm thăng trầm của lịch sử, khu Lăng mộ của hai vị quận công vẫn tồn tại vững chắc như minh chứng cho giá trị trường tồn của văn hóa, lịch sử. Ngày 15/1/2014, khu Lăng mộ của hai vị quận công được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Tuy nhiên, cũng hơn 3 thế kỉ trôi qua, khu Lăng mộ của hai vị quận công đang xuống cấp trầm trọng. Chính vì vậy, việc cấp thiết lúc này là phải trùng tu và bảo tồn lại khu di tích Lăng mộ của hai vị Đỗ Quận Công và Trần Quận Công, để giá trị lịch sử được lưu giữ và phát huy đến con cháu muôn đời.
Nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa dân tộc, tín ngưỡng, các vị quan có công với làng với nước, bà Đỗ Thị Kim Liên - Lãnh sự danh dự Cộng hòa Nam Phi tại TP Hồ Chí Minh đã đứng ra tài trợ kinh phí cùng với dân làng Xuân Mai trùng tu, tôn tạo lại Lăng mộ hai vị quận công khang trang, sạch đẹp hơn. Sau hơn 1 tháng trùng tu, buổi lễ khánh thành lăng mộ vào sáng nay đã diễn ra long trọng với sự tham gia của các cấp ủy, chi bộ và hàng trăm người dân.
Trùng tu, xây mộ cho hai vị quận công chỉ là một phần trong kế hoạch bảo tồn khu di tích Lăng mộ lịch sử này, cần phải triển khai việc quy hoạch tổng thể để bảo tồn và phát huy giá trị của cả khu di tích. Việc làm này cần lắm sự chung tay của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự giúp sức của cộng đồng, cá nhân, doanh nghiệp…
Hy vọng trong thời gian sắp tới, khu di tích lịch sử văn hóa Lăng mộ hai vị quận công sẽ được quy hoạch một cách tổng thể, trở thành công trình lịch sử tưởng nhớ công ơn hai vị quận công, trở thành điểm tham quan cho con cháu xa gần hiểu và trân trọng giá trị truyền thống của mảnh đất nhân tài hội tụ này.
Một số hình ảnh tại Khu di tích Lăng mộ hai vị Quận Công:
Ngay lối vào mộ cụ Đỗ Quận Công là hai con voi bằng đá. |
Tượng đá trước khu mộ. |
Lối vào mộ cụ Trần Quận Công. |
Hình ảnh lăng mộ sau khi được trùng tu. |
Trưởng ban tiểu ban di tích xã Xuân Mai – ông Đỗ VănThắng kể lại công lao các cụ quận công với làng xã, với dân với nước. |
Gần 600 triệu đồng, trùng tu khu lăng mộ 2 vị Quận Công
Thứ Ba, 27/01/2015
Khu lăng mộ của Trần Quận Công và Đỗ Quận Công tại tổ dân phố Xuân Mai, phường Phúc Thắng (thị xã Phúc Yên) được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh vào ngày 15/1/2014. Hơn 3 thế kỷ trôi qua, khu lăng mộ bị xuống cấp trầm trọng. Là con cháu trên mảnh đất quê hương của hai vị Quận Công, dân làng Xuân Mai hiểu hơn ai hết giá trị lịch sử văn hóa cũng như ý nghĩa, tính cấp thiết của việc bảo tồn khu tích lăng mộ. Chính vì vậy, nhân dân Xuân Mai đã vận động, đóng góp kinh phí để thực hiện việc trùng tu và tôn tạo lại khu di tích lăng mộ. Sau gần 2 tháng xây dựng và trùng tu, đến nay, khu lăng mộ được hoàn thiện, với tổng kinh phí gần 600 triệu đồng. Nguồn kinh phí trên do bà Đỗ Thị Kim Liên - Lãnh sự danh dự nước Cộng hòa Nam Phi tại TP Hồ Chí Minh đứng ra tài trợ, cùng với sự đóng góp của nhân dân Xuân Mai.
Trùng tu, xây mộ cho hai vị Quận Công chỉ là một phần trong kế hoạch bảo tồn khu di tích lăng mộ lịch sử này, cần phải triển khai việc quy hoạch tổng thể để bảo tồn và phát huy giá trị của cả khu di tích. Việc làm này rất cần sự chung tay của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự giúp sức của cộng đồng, cá nhân, doanh nghiệp…
Hy vọng trong thời gian tới, khu di tích lịch sử văn hóa lăng mộ hai vị Quận Công sẽ được quy hoạch một cách tổng thể, trở thành công trình lịch sử tưởng nhớ công ơn hai vị Quận Công, trở thành điểm tham quan cho con cháu xa gần hiểu và trân trọng giá trị truyền thống của mảnh đất nhân tài hội tụ này.
Hoàng Cúc
Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải tiếp xúc cử tri huyện Mê Linh (13:09 18/06/2019)
Đồng chí Hoàng Trung Hải cùng đại biểu và cử tri huyện Mê Linh
Nhóm PV
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.