Câu chuyện sân khấu.
- Đạo diễn là vị chỉ huy tối cao của sân khấu, là “ông chủ” của vở diễn. Nhưng sáng tạo của đạo diễn lại không thể hiện trực tiếp mà thể hiện qua sáng tạo của các thành viên khác của cộng đồng sân khấu. Đạo diễn là người khởi phát, chỉ đạo, đẩy lên mức cao nhất mọi năng lực sáng tạo của cộng đồng sân khấu và “tàng hình” đằng sau những sáng tạo đó. “Tàng hình” là phẩm chất chủ yếu nhất và kỳ diệu nhất của nghề đạo diễn.
Tuy nhiên hiện nay, trong tình hình chợ búa đông đúc, người khôn của khó, một số đạo diễn, nhất là một số vị “danh nổi như cồn” đã không còn khả năng quý giá ấy nữa. Thay cho một thái độ khiêm nhường, tôn trọng, họ thường rất trịch thượng trước tác giả kịch bản, đáng lẽ là “một luật sư bảo vệ kịch bản”, họ trở thành “công tố chuyên kết tội kịch bản”. Hơn nữa, họ chẳng hề tôn trọng sáng tạo của nghệ sỹ biểu diễn, họ sử dụng diễn viên như những con rối. Thay vì phải đứng trong cánh gà, nhiều vị như muốn xông ra ngồi xổm giữa sân khấu để “vua biết mặt, chúa biết tên”.
Nguyễn Thế Khoa cảnh báo: “Coi thương vai trò của đạo diễn, vị tư lệnh tối cao của vở diễn, sẽ tạo nên một nguy cơ lớn của sân khấu. Nhưng tuyệt đối hoá vai trò đó để nghề này trở thành một đặc quyền đặc lợi sân khấu thì nguy cơ càng lớn hơn. Và tuyệt đối hoá vai trò của một vài đạo diễn để họ tự do thao túng cả một nền sân khấu thì tất yếu sẽ dẫn đến thảm hoạ. Nhất là khi những kẻ tàng hình quang vinh trên giờ không còn biết tàng hình”.
- Diễn viên là trung tâm của sân khấu, là “hoa” của sân khấu. Không có họ, không có sân khấu. Thế mà ở ta, diễn viên chưa có vị trí xứng đáng với vai trò và công lao của họ. “Trong hàng ngũ lao động sân khấu, thu nhập của diễn viên nằm ở dưới đáy”. Do đó ít có diễn viên sân khấu tài năng có thể sống bằng những vai diễn chính thống của mình. Vì vậy họ phải chạy sô hài kịch, làm diễn viên truyền hình và nhiều nghề khác phi nghệ thuật. Đây có thể là một trong những bất công lớn nhất giam hãm sự phát triển của sân khấu nước ta.
Nguyễn Thế Khoa đã chỉ ra sự “bất công” này và đề nghị chỉnh đốn lại bằng “quyền tác giả của vai diễn”, chính thức công nhận lao động sáng tạo vai diễn của diễn viên trên bảng nhuận bút, cũng tức là “trả lại cho Xêda những gì là của Xêda”.
- Cũng về sân khấu, hiện nay bùng nổ một cái “mốt” được gọi là “lễ hội sân khấu hóa”. Hàng năm, kể cả địa phương và trung ương có đến hàng chục lễ hội như vậy. Bình quân mỗi lễ hội tiêu tiền của Nhà nước, có khi 6-7 tỷ, có khi đến hàng chục hàng trăm tỷ đồng. Mà rốt cuộc ai thu được gì sau hàng mấy chục tỷ ấy? Tất nhiên, sân khấu hoành tráng cũng nên tổ chức trong một số trường hợp thật cần thiết, đặc biệt là phải tương ứng với đời sống nhân dân, chứ đừng là một cái mốt khoa trương hình thức kiểu “con nhà tức nhau tiếng gáy trên tivi”! Nguyễn Thế Khoa đã để mắt tới và thẳng thắn đặt ra vấn đề “cần thiết hay hoang phí” trong cuộc chạy đua lễ hội sân khấu hoá theo kiểu tiêu tiền của công tử Bạc Liêu chưa có điểm dừng này.
Bây giờ nhìn sang truyền hình.
- “Sao Mai điểm hẹn” (SMĐH) là một sự kiện hấp dẫn, sôi động và cũng đã mang lại nhiều hiệu quả tốt cho văn hóa nghệ thuật. Chương trình nay đã bồi dưỡng, nâng cao và “lăng xê” nhiều tài năng trẻ và rất hấp dẫn công chúng.
Tuy vậy, bên cạnh việc được hết lời ca ngợi như “một làn gió mới trên bầu trời nhạc trẻ” hay “lò luyện sao lý tưởng”, SMĐH cũng đồng thời nhận được những phê phán không kém nặng nề như “một đòn chí tử vào âm nhạc dân tộc” hay “sự thương mại quá đáng sóng truyền hình quốc gia”. Nguyễn Thế Khoa đã rất sắc sảo khi phân tích hiện tượng phức tạp này bằng việc khẳng định các thành công hiển nhiên của SMĐH và chỉ rõ những ngộ nhận tai hại mà nó gây ra. Anh tin rằng VTV sẽ có những đính chính cần thiết, kịp thời và thuyết phục bằng các việc làm cụ thể để các SMĐH tiếp theo thành công trọn vẹn, khỏi phải nhận những chỉ trích không đáng có.
- Các chương trình cười trên màn ảnh nhỏ như “Gặp nhau cuối tuần”, “Gala cười”đã đem lại bổ ích cho cuộc sống, đồng thời tạo cho một số nghệ sỹ có đất dụng võ mới.
Nhưng từ những chưong trình thông minh, ý vị, có định hướng rõ ràng, có giá trị văn hoá, các chương trình cười trên màn ảnh nhỏ dần mất phương hướng, trở nên dễ dãi, tuỳ tiện, kệch cỡm. Ý nghĩa tốt đẹp của các tiết mục chỉ còn trong những lời dẫn văn hoa của speaker Thảo Vân còn bản thân tiết mục thì chẳng ăn nhập gì thậm chí trái ngược hẳn với lời dẫn. Thông cảm với khó khăn của những người thực hiện chương trình trên một mặt bằng khá thấp kém, bát nháo của sân khấu hài kịch nói chung hiện nay nhưng Nguyễn Thế Khoa vẫn cho rằng yêu cầu những tiếng cười “sạch” trên sóng truyền hình quốc gia để đem đến cho mọi người niềm vui chứ không phải là một nỗi sợ hãi, là một yêu cầu hoàn toàn chính đáng.
Bởi, cười cần lắm cho cuộc sống, nhất là trong nhịp điệu căng thẳng hiện nay, nhưng “không thể bằng mọi giá”.
Hay là câu chuyện âm nhạc dân tộc
- Nếu ai nói rằng có một trường đại học ở Việt Nam hiện nay, tiếng Việt bị coi như một ngoại ngữ thì chắc chắn không ai tin. Nhưng đáng buồn thay, đây lại là chuyện có thật trong các đại học âm nhạc Việt Nam, khi mà ở đó, âm nhạc dân tộc chỉ là một khoa nhỏ, phụ thuộc, còn những cái chính đang được dạy và học lại không phải là âm nhạc của nước ta. Thế có nghĩa là trong sự phát triển văn hoá hiện nay, “Quốc ngữ” đã được xem trọng nhưng “Quốc nhạc” vẫn còn bị xem nhẹ, vẫn chưa có vị trí mà nó xứng đáng phải có. Từ cuộc trao đổi rất thẳng thắn với GSTS Trần Văn Khê, Nguyễn Thế Khoa đã nhận diện khá sâu sắc khoảng tối về văn hoá này và đặt ra một vấn đề mà anh cho là hết sức cấp thiết: xây dựng một hệ thống các trưòng “Quốc nhạc” Việt Nam.
Cuốn “Kẻ tàng hình không còn biết tàng hình” dày 551 trang, gồm 95 bài viết. Ngoài những bài có tính thế sự như trên còn có một bộ phận lớn những bài trao đổi học thuật hoặc viết về chân dung những người hoạt động văn hóa nghệ thuật từ danh nhân Đào Tấn, các nhà văn Nguyễn Đình Thi, Nguyên Ngọc, Thu Bồn, Dương Thị Xuân Quý, Trần Vũ Mai, Bế Kiến Quốc, GSTS Nguyễn Thuyết Phong, nhạc sĩ Trần Hoàn, các hoạ sĩ Nguyễn Sáng, Lê Bá Đảng, nhà nghiên cứu Mịch Quang, đạo diễn điện ảnh Đặng Nhật Minh, các đạo diễn sân khấu Xuân Đàm, Phạm Thị Thành và rất nhiều các nghệ sĩ trẻ của sân khấu và ca nhạc đương đại...
Trong các loại bài trên, cái quý của Nguyễn Thế Khoa là đều có cách cảm nhận riêng, những phát hiện riêng sắc sảo và tinh tế về đối tượng và đều nêu được những bài học sâu sắc mà gần gũi, thiết thực về làm người, làm nghề. Đặc biệt, dù viết về những hiện tượng chưa được hài lòng, những nhận định của Nguyễn Thế Khoa cũng đều có sức thuyết phục, cảm hoá, vì:
- Anh có tri thức khá sâu rộng, lại tìm hiểu kỹ vấn đề khi viết.
- Thái độ trân trọng, nhìn sự việc cân nhắc mặt này mặt khác, không khen ào ạt, không chê tới tấp.
- Vị trí đứng là vị trí của người trong cuộc, ấm áp, ôn hòa, không lên mặt dạy đời, cũng không nặng về phê phán, gắng chỉ ra những điều nên làm khá “thấu tình đạt lý”.
Có những điều trên có lẽ nhờ Nguyễn Thế Khoa đã là người trực tiếp hoạt động trên nhiều lĩnh vực nghệ thuật, đã từng tham gia lãnh đạo văn hóa một tỉnh lớn ở miền Trung, lại xuất thân từ một gia đình có văn hóa cao, hiểu biết sâu về nghệ thuật truyền thống.
“Kẻ tàng hình không còn biết tàng hình” đem lại nhiều hiểu biết góc cạnh, bếp núc về đời sống văn hóa nghệ thuật hiện nay, vừa bổ ích vừa thú vị vì giọng văn rất vui, nhẹ nhàng thanh thoát.
Đây là một tập sách lý luận phê bình khá đặc sắc, hấp dẫn, có văn hóa cao và tôi không hề bất ngờ khi nó được trao giải cao nhất về lý luận phê bình của Hội nghệ sĩ Sân khấu VN năm 2006 (giải nhì không có giải nhất).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.