Kỷ luật - Đồng tâm là nhãn ngữ quan trọng của ngành than Việt Nam hiện nay. Chúng tôi đã cùng luận bàn về các truyền thống văn hóa của ngành than ở đây (cuối năm 2020).
Mấy năm rồi, du lãng các cơ sở của ngành than Việt Nam, một số thông tin đã được ghi nhanh trên Giao Blog, ở đây hay ở đây.
Từ nhiều năm trước, nội bộ của TKV cũng đã có tiếng nói về việc: nên chuyển từ "Kỷ luật - Đồng tâm" sang "Cạnh tranh - Minh bạch". Cũng có thể nghĩ đến sự kết hợp giữa chúng.
Đi một ít tin cập nhật về TKV ở thời điểm cuối năm 2021.
Cũng đi một ít tin hồi cố về TKV từ hơn 10 năm trước.
Tháng 12 năm 2021,
Giao Blog
---
Kỷ luật cảnh cáo Phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam
VTV.vn - Nhiều cá nhân bị cảnh cáo do liên quan sai phạm khai thác than ở Quảng Ninh, trong đó có Phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV).
Từ ngày 22 đến ngày 24/12/2021, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp Kỳ thứ 10. Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì Kỳ họp.
Tại Kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Than Quảng Ninh các nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025 và đồng chí Vũ Anh Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh, Bí thư Đảng ủy Than Quảng Ninh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy:
Ban Thường vụ Đảng ủy Than Quảng Ninh và Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã vi phạm nguyên tắc, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát để nhiều tổ chức đảng, lãnh đạo và cán bộ các đơn vị cấp dưới vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quản lý, khai thác than tại tỉnh Quảng Ninh trong thời gian dài; nhiều cán bộ, đảng viên bị kỷ luật, một số bị xử lý hình sự.
Ban cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, thanh tra để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong công tác tham mưu, ban hành cơ chế, chính sách và quản lý cấp phép khai thác than tại tỉnh Quảng Ninh.
Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong ban hành và tham mưu ban hành văn bản, cơ chế, chính sách có nội dung trái pháp luật; trong cấp phép khai thác than tại tỉnh Quảng Ninh.
Những vi phạm của các tổ chức, cá nhân nêu trên đã gây hậu quả nghiêm trọng, để tình trạng khai thác than trái phép diễn ra phức tạp, kéo dài, thất thoát tài nguyên khoáng sản, gây khó khăn cho hoạt động quản lý, khai thác tài nguyên, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, gây bức xúc trong xã hội.
Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm; căn cứ quy định của Đảng về xử lý kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm, UBKT Trung ương quyết định cảnh cáo các tập thể: Ban Thường vụ Đảng ủy Than Quảng Ninh các nhiệm kỳ 2015-2020 và 2020-2025, Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam nhiệm kỳ 2015-2020.
Cảnh cáo các đồng chí: Vũ Anh Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh, Bí thư Đảng ủy Than Quảng Ninh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam; Bùi Văn Ngợi, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy Than Quảng Ninh, nguyên Bí thư Đảng ủy Công ty Than Hạ Long; Đỗ Cảnh Dương, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Tài nguyên và Môi trường, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam; Lại Hồng Thanh, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương khiển trách Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025 và các đồng chí: Ngô Hoàng Ngân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh, Bí thư Đảng ủy Than Quảng Ninh nhiệm kỳ 2015-2020, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (giai đoạn từ tháng 11/2013 đến tháng 5/2016); Nguyễn Linh Ngọc, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Cao Hoàng Phương, Đảng ủy viên Tổng cục, Bí thư Chi bộ, Vụ trưởng Vụ Khoáng sản; Trịnh Minh Cương, nguyên Bí thư Chi bộ, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản miền Bắc, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam.
UBKT Trung ương yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh, Ban cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, chỉ đạo và xem xét trách nhiệm, xử lý kỷ luật các tổ chức, cá nhân có liên quan đến các vi phạm nêu trên.
UBKT Trung ương sẽ tiếp tục kiểm tra, làm rõ vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và một số cá nhân có liên quan.
https://vtv.vn/chinh-tri/ky-luat-canh-cao-pho-tong-giam-doc-tap-doan-cong-nghiep-than-khoang-san-viet-nam-20211224175232821.htm
(NLĐO)- Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) và các bộ ngành liên quan thực hiện các nội dung kiến nghị của Thanh tra Chính phủ.
Văn phòng Chính phủ có thông báo truyền đạt kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật, nhiệm vụ tại Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) và một số đơn vị thành viên.
Theo đó, Phó Thủ tướng đồng ý cơ bản với nội dung kiến nghị của Thanh tra Chính phủ (TTCP). Các bộ Tài chính, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Công an, UBND tỉnh Lào Cai và TKV theo chức năng nhiệm vụ, thực hiện các nội dung kiến nghị của TTCP và gửi TTCP về kết quả thực hiện để tổng hợp báo cáo Chính phủ.
Theo kết luận của Phó Thủ tướng, việc chấp hành chính sách pháp luật về đất đai tại TKV chưa tốt để xảy ra vi phạm cần phải chấn chỉnh, khắc phục. Do vậy, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình giao Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, xử lý và hướng dẫn giải quyết những vướng mắc, tồn tại và sai phạm trong việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản.
Khai thác than của Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam
Về các trường hợp TTCP kiến nghị chuyển cơ quan điều tra, Phó Thủ tướng giao TTCP chủ trì, phối hợp với cơ quan điều ta thuộc Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao soát kỹ để thống nhất biện pháp xử lý.
Cũng theo thông báo của Văn phòng Chính phủ, việc xử lý đối với khoản tiền chênh lệch về thuế tài nguyên và khoản tiền khuyến khích sản lượng, chất lượng đối với các đơn vị khai thác than, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với TTCP, Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ xác định rõ đối tượng nộp thuế tài nguyên, giá tính thuế tài nguyên, xác định nghĩa vụ thuế tài nguyên phải nộp ngân sách Nhà nước.
Đồng thời, Bộ Tài chính kiểm tra chặt chẽ, xác định rõ bản chất về các hợp đồng khai thác giữa TKV với các công ty con và việc khai thác, tiêu thụ tài nguyên để đảm bảo thu đúng, thu đủ, thống nhất kiến nghị biện pháp xử lý đối với khoản tiền chênh lệch về thuế tài nguyên theo quy định.
"Trên cơ sở kiến nghị của TTCP, Bộ Công Thương chủ trì, đề xuất xử lý đối với khoản tiền hơn 8.320 tỉ đồng, báo cáo kết quả đến TTCP để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 2-2018"- nội dung thông báo của Văn phòng Chính phủ nêu rõ.
Trước đó như Báo Người Lao Động đã đưa tin, TTCP kết luận TKV có nhiều sai phạm trong thực hiện đầu tư tài chính, đầu tư ngoài ngành. Thậm chí, tập đoàn này còn đầu tư vào một số dự án ở Lào, Campuchia nhưng không mang lại hiệu quả, thua lỗ nặng. Kết luận thanh tra chỉ rõ một số khoản đầu tư ra nước ngoài nhưng không được TKV thực hiện điều tra, khảo sát kỹ để lập, thẩm định, phê duyệt phương án và quyết định đầu tư phù hợp với thực tế và quy định dẫn tới lỗ, mất vốn trên 380,8 tỉ đồng.
Tổng số tiền và đất đai được phát hiện cần kiến nghị xử lý lên tới trên gần 15.000 tỉ đồng và gần 6,7 triệu m2 nhà, đất. Trong đó, TTCP kiến nghị TKV chủ trì xử lý theo thẩm quyền số tiền hơn 4.564 tỉ đồng.
TTCP đã chuyển hồ sơ 4 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự tới Bộ Công an để tiếp tục điều tra, làm rõ.
Tin - ảnh : Minh Chiến
https://nld.com.vn/thoi-su/pho-thu-tuong-chi-dao-xu-ly-sai-pham-hang-ngan-ti-tai-tkv-20180117180758867.htm
---
---
BỔ SUNG
2.
Nhiều loại thuế, phí đang kìm hãm ngành Than phát triển
Năng lượng Việt Nam: Xin ông cho biết kết quả thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch 6 tháng đầu năm 2018 của TKV?
Ông Lê Minh Chuẩn: Kết thúc 1/2 chặng đường kế hoạch năm 2018, các chỉ tiêu sản xuất - kinh doanh chính của Tập đoàn đều đạt từ 55 - 60% kế hoạch năm. Tất cả các lĩnh vưc sản xuất đều có tăng trưởng. Doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 65.970 tỷ đồng, đạt 58% kế hoạch năm, bằng 120% so với cùng kỳ 2017. Nộp ngân sách 8.519 tỷ, đạt 62% kế hoạch năm và bằng 115% so với cùng kỳ. Lợi nhuận ước đạt 2.000 tỷ, đạt 100% kế hoạch năm. Trong đó, lợi nhuận khối than 930 tỷ, khối khoáng sản 660 tỷ, riêng Alumina lãi 500 tỷ.
Về sản lượng các loại sản phẩm chính: 6 tháng đầu năm 2018, Tập đoàn đã sản xuất 20,42 triệu tấn than nguyên khai và tiêu thụ 21,96 triệu tấn than thương phẩm; sản xuất Alumin 660.00 tấn quy đổi, đạt 53,7% kế hoạch năm và bằng 124% so cùng kỳ năm 2017, tiêu thụ 681.800 tấn, đạt 55,4% kế hoạch năm và bằng 154% so với cùng kỳ năm 2017; đồng tấm sản xuất 5.780 tấn, tiêu thụ 4.030 tấn; kẽm thỏi sản xuất 5.500 tấn, tiêu thụ 5.341 tấn; phôi thép sản xuất 87.610, tiêu thụ 92.750 tấn; sản xuất điện 5,07 tỷ kWh; hoá chất, vật liệu nổ công nghiệp: sản xuất 35.000 tấn, đạt 57,4 % kế hoạch năm và bằng 106 % cùng kỳ năm 2017, cung ứng 52.800 tấn, đạt 54,4 % kế hoạch năm và bằng 106 % cùng kỳ năm 2017.
Tính đến 30/6/2018, tổng số lao động của Tập đoàn là 101.750 người, giảm 2.754 người so với cuối năm 2017, tiền lương bình quân thực hiện theo đơn giá 10,31 triệu đồng/người/tháng, bằng 104,6% kế hoạch năm và bằng 112% so với cùng kỳ năm 2017. NSLĐ tính theo doanh thu 1.218 triệu đồng/người/năm, bằng 126% so với thực hiện năm 2017, NSLĐ sản xuất than 597 tấn/người/năm, bằng 108,8% so với thực hiện 2017.
Năng lượng Việt Nam: Ông có thể cho biết về những khó khăn, thuận lợi mà TKV đã gặp phải và các giải pháp đã thực hiện để hoàn thành kế hoạch 6 tháng đầu năm 2018?
Ông Lê Minh Chuẩn: Sáu tháng đầu năm 2018, tình hình kinh tế thế giới có sự tăng trưởng nhẹ, giá than, khoáng sản ở mức cao và ổn định. Trong nước, sản xuất công nghiệp và thương mại có bước tăng trưởng, thời tiết thuận lợi cho sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Đối với TKV, gặp một số khó khăn như khai thác mỏ ngày càng xuống sâu, các loại thuế, phí gia tăng đã làm tăng chi phí đầu tư và duy trì sản xuất cũng như giá thành. Việc xin cấp phép thăm dò, cấp phép khai thác rất chậm do vướng mắc nhiều thủ tục hành chính. Việc Nhà nước thay đổi trích lập các quỹ tập trung: thăm dò, môi trường, cấp cứu mỏ ảnh hưởng đến hoạt động thăm dò khảo sát, bảo vệ môi trường chung của TKV, một số đơn vị địa chất, môi trường, cấp cứu mỏ gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh do hạn chế nguồn vốn.
Song bên cạnh đó, TKV có thuận lợi là mô hình tổ chức, cơ chế quản lý của Tập đoàn và các đơn vị thành viên tiếp tục được hoàn thiện; đội ngũ cán bộ, đảng viên và người lao động đã phát huy tốt truyền thống "Kỷ luật và Đồng tâm" của thợ mỏ; thị trường và giá than, khoáng sản trong nước và trên thế giới đang ở mức cao, ổn định; một số dự án trọng điểm về than, khoáng sản đã đi vào vận hành ổn định, dần đạt công suất thiết kế, hiệu quả.
Bên cạnh đó, ngay từ đầu năm, Tập đoàn đã tập trung chỉ đạo, triển khai các giải pháp đồng bộ để thực hiện kế hoạch 2018, chính vì vậy, các chỉ tiêu chính của TKV 6 tháng đầu năm đạt từ 52 đến trên 60% kế hoạch năm, tăng trưởng 10 đến 20% so với cùng kỳ năm 2017.
Để hoàn thành các nhiệm vụ kế hoạch năm 2018 đề ra, Tập đoàn đã tập trung triển khai nhiều giải pháp như: Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, sự chỉ đạo của Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương và căn cứ tình hình thực tế, Đảng ủy Tập đoàn ngay từ đầu năm đã đề ra Nghị quyết về tập trung lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2018 với mục tiêu "An toàn - Đổi mới - Phát triển".
Trong công tác quản lý, điều hành, với sự thuận lợi về thời tiết, về nhu cầu thị trường, Tập đoàn đã linh hoạt trong chỉ đạo điều hành, tạo sự đồng tâm, quyết liệt trong triển khai kế hoạch phối hợp SXKD của các đơn vị nên kết quả SXKD 6 tháng đạt cao. Trọng tâm vào các giải pháp:
Thứ nhất: Chỉ đạo quyết liệt, giữ nghiêm kỷ luật điều hành từ Tập đoàn tới các đơn vị thành viên, phù hợp với diễn biến thị trường. Làm tốt công tác dự báo, khai thác thị trường, chuẩn bị chân hàng.
Thứ hai: Tập đoàn và các đơn vị đã thường xuyên rà soát, bổ sung và hoàn thiện các quy chế, quy định cho phù hợp với các cơ chế, chính sách của Nhà nước để tăng hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý, nâng cao hiệu quả SXKD.
Thứ ba: Chỉ đạo quyết liệt các giải pháp tăng năng suất lao động như: thực hiện tái cơ cấu lại lực lượng lao động; đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa, tự động hóa các khâu trong SXKD và quản lý.
Thứ tư: Tăng cường công tác quản trị doanh nghiệp, triển khai đồng bộ các biện pháp tiết kiệm chi phí, tăng cường quản lý thu nợ, dự trữ vật tư, từ đó hiệu quả SXKD ngày một gia tăng, tạo điều kiện tích lũy tài chính để tái đầu tư phát triển.
Thứ năm: Đổi mới cơ chế trả lương, gắn hiệu quả công việc với tiền lương thu nhập cho NLĐ tạo động lực để người lao động tích cực thi đua lao động sản xuất.
Thứ sáu: Quản lý, vận hành tốt các dự án than, khoáng sản mới đi vào hoạt động, góp phần quan trọng trong việc cải thiện các chỉ tiêu tài chính của TKV và phát triển bền vững kinh tế địa phương.
Thứ bảy: Tích cực đẩy mạnh phong trào thi đua LĐSX đảm bảo an toàn, tiết kiệm, kịp thời động viên khen thưởng các tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến.
Năng lượng Việt Nam: Từ thực tiễn 6 tháng đầu năm, xin ông cho biết để thực hiện kế hoạch 6 tháng cuối năm 2018 cũng như hoàn thành kế hoạch năm 2018, TKV cần phải quan tâm những vấn đề gì trong thời gian tới và các giải pháp nào sẽ được thực hiện?
Ông Lê Minh Chuẩn: Dự báo nhu than cho các hộ điện, xi măng, phân bón hoá chất vẫn ở mức cao. Giá một số loại khoáng sản, than 6 tháng cuối năm diễn biến phức tạp, khó lường do ảnh hưởng tranh chấp thương mại Mỹ - Trung.
Tập đoàn sẽ điều hành cân đối giữa sản xuất, tiêu thụ than tại các vùng để giảm tồn kho than, phấn đấu tăng tối đa các sản phẩm khoáng sản, hoá chất, sản lượng điện thương phẩm để ổn định việc làm, đáp ứng nhu cầu than cho các hộ tiêu thụ đã ký kết hợp đồng với TKV; chuẩn bị các điều kiện tăng sản lượng than, khoáng sản cho năm 2019 với mục tiêu phấn đấu hoàn thành từ 100 - 110% kế hoạch năm. Cụ thể là:
Khối than: than tiêu thụ 38,5 - 39 triệu tấn; than sạch sản xuất 34,2 triệu tấn, tăng thêm 1,32 triệu tấn so kế hoạch đã giao đầu năm.
Khoáng sản, hoá chất, điện lực cơ khí và sản xuất kinh doanh khác: tùy theo diễn biến của thị trường và khả năng sản xuất của các khối, sẽ sản xuất tối đa các loại khoáng sản, hoá chất, đặc biệt sản phẩm Alumin, tinh quặng đồng, đồng tấm, kẽm thỏi, phôi thép, điện… để tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh của Tập đoàn.
Theo đó, Tập đoàn đề ra các giải pháp trọng tâm phải quan tâm là: Tăng cường áp dụng khoa học - công nghệ tiên tiến vào sản xuất nhằm tăng năng suất lao động, giảm tiêu hao vật tư. Tăng cường các giải pháp tiết kiệm chi phí tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Tiếp tục quan tâm cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, nhất là thợ lò như: ban hành cơ chế hỗ trợ, tăng lương, tăng phúc lợi, đảm bảo an toàn cho người lao động, nhất là thợ lò, tạo mọi điều kiện để thu hút, tuyển dụng, sử dụng và giữ chân được đội ngũ thợ lò, đảm bảo nguồn nhân lực khi sản lượng tăng cao.
Đồng thời, làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường về giải quyết kiến nghị trong các lĩnh vực cấp phép, gia hạn về thăm dò, khai thác than, khoáng sản; giải quyết dứt điểm các vướng mắc nói trên hoàn thành trong tháng 7/2018 để báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường.
Năng lượng Việt Nam: Ông đánh giá thế nào về vai trò của than sản xuất trong nước trong giai đoạn tới?
Ông Lê Minh Chuẩn: Than sản xuất trong nước trong giai đoạn hiện nay chủ yếu là antraxit (còn gọi là than không khói) tại Bể than Đông Bắc thuộc tỉnh Quảng Ninh.
Theo Quy hoạch phát triển ngành Than đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 phê duyệt năm 2016 theo Quyết định số 403/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (gọi là Quy hoạch số 403) và thực tế thị trường than Việt Nam, nhu cầu sử dụng than của tất cả các ngành trong giai đoạn từ 2018-2020 từ 60 - 86 triệu tấn, bao gồm cả nguồn than sản xuất trong nước và nhập khẩu, trong đó TKV sẽ chiếm tới trên 65% thị phần cung cấp than và sẽ có xu hướng giảm dần khi các nhà máy điện sử dụng than nhập khẩu tăng lên. Riêng đối với thị trường nội địa sử dụng than sản xuất trong nước, TKV cung cấp tới 85%, tiếp theo là Tổng công ty Đông Bắc và các nhà cung cấp nhỏ lẻ khác.
Theo đánh giá cung cầu thực tế hiện nay và dự báo trong giai đoạn tới, than sản xuất trong nước tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia (đặc biệt than cung cấp cho điện) và đáp ứng các nhu cầu khác của nền kinh tế. Trong cơ cấu nguồn điện năm 2017, nhiệt điện chạy than chiếm tới 37% và sẽ tăng lên tới 50% trong các năm tiếp theo. Theo đó, than sản xuất trong nước cũng tăng lên hàng năm để đáp ứng nhu cầu sử dụng than của các nhà máy nhiệt điện theo quy hoạch. Ngoài nhu cầu than cho sản xuất điện, sự phục hồi và tăng trưởng trở lại của các ngành khác như xi măng, sản xuất vật liệu xây dựng, hóa chất, phân bón... trong giai đoạn tới sẽ kéo theo nhu cầu sử dụng than tăng lên.
Theo Quy hoạch, than sản xuất trong nước sẽ được cân đối ưu tiên cung cấp cho điện, sau đó than còn lại cân đối tiếp cho các hộ theo thứ tự ưu tiên là phân bón, hóa chất, xi măng, các hộ khác. Riêng luyện kim sử dụng than cốc nên cân đối hết các nguồn than cốc trong nước sản xuất được cho luyện kim, còn thiếu sẽ nhập khẩu. Hiện nay, Chính phủ đang điều hành các chính sách than và năng lượng theo hướng thị trường để đảm bảo tính cạnh tranh và minh bạch trong kinh doanh, từng bước phát triển thị trường than tại Việt Nam trong giai đoạn tới.
Ngoài ra, than chất lượng cao sản xuất trong nước còn được xuất khẩu. Việc duy trì xuất khẩu các loại than cục cám chất lượng cao mà trong nước chưa có nhu cầu sử dụng hoặc sử dụng không hết sang các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế và Tập đoàn, nhất là trong việc vay vốn của TKV không cần bảo lãnh Chính phủ từ các tổ chức tài chính, tín dụng của Nhật Bản, Hàn Quốc, giúp TKV có nguồn vốn với chi phí thấp để tái đầu tư mở rộng sản xuất, ổn định vùng nguyên liệu cung cấp cho các khách hàng trong nước, đặc biệt là cho các nhà máy nhiệt điện chạy than. Chính phủ đã đồng ý cho TKV xuất khẩu dài hạn đến hết năm 2025 các loại than chất lượng cao với khối lượng hàng năm do Bộ Công Thương cân đối.
Năng lượng Việt Nam: Ngành Than có nghiên cứu và kế hoạch gì để nâng cao sản lượng và giảm giá thành sản xuất than?
Ông Lê Minh Chuẩn: Từ nhiều năm nay, TKV đã có nhiều kết quả nghiên cứu và kế hoạch hành động để nâng cao sản lượng và giảm giá thành sản xuất than, cụ thể:
Thứ nhất, đổi mới và áp dụng KHCN vào sản xuất.
TKV chú trọng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, phát triển công nghệ than sạch, làm cơ sở cho sự phát triển bền vững của Tập đoàn. Từ năm 2010 và mới nhất là giai đoạn từ năm 2015 - 2020, TKV đề ra định hướng nghiên cứu khoa học tập trung vào 6 Chương trình KHCN trọng điểm sau (Quyết định số 2356/QĐ-TKV ngày 15/9/2016 của HĐTV):
1/ Cơ giới hóa và hiện đại hóa các mỏ than và khoáng sản.
2/ Thiết kế, chế tạo nội địa hóa các sản phẩm cơ khí, thiết bị điện.
3/ Phát triển công nghệ tuyển, chế biến sâu than - khoáng sản.
4/ Nghiên cứu về an toàn, môi trường, điều kiện tự nhiên, vật liệu và hóa chất.
5/ Tin học hóa, tự động hóa sản xuất; phát triển và tiết kiệm năng lượng.
6/ Nâng cao năng lực quản lý và tăng cường tiềm lực KH&CN của Tập đoàn.
Đồng thời, TKV định hướng tập trung cao độ vào các chương trình cơ giới hóa, tin học hóa và tự động hóa. Cụ thể, Đảng ủy Tập đoàn đề ra Nghị quyết số 19NQ/ĐU ngày 2/3/2017 về ứng dụng cơ giới hóa, tin học hóa và tự động hóa vào sản xuất và quản lý nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến 2030; và Chương trình hành động về tập trung đẩy mạnh ứng dụng tự động hóa, tin học hóa vào sản xuất và quản lý nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến 2030.
Thứ hai, đổi mới quản trị doanh nghiệp, quản trị chi phí.
TKV tiếp tục thực hiện đề án tái cơ cấu Tập đoàn giai đoạn 2016 - 2020 theo hướng giữ vững và củng cố các ngành nghệ sản xuất đã được khẳng định vị thế, tiến tới cổ phần hóa Công ty mẹ Tập đoàn, tiếp tục thoái vốn tại một số công ty con, công ty liên kết. Quyết liệt chỉ đạo ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa vào sản xuất và quản lý nhằm tăng năng suất lao động, giảm giá thành, đảm bảo an toàn, giảm số lao động trong dây chuyền sản xuất. Tăng cường các biện pháp quản trị kinh doanh, tiết kiệm tài nguyên, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đảo quản lý, điều hành, đội ngũ chuyên gia kinh tế - kỹ thuật. Triển khai nghiêm túc quy chế khoán quản chi phí.
Thứ ba, nâng cao hiệu quả quản trị tài nguyên.
Tăng cường các biện pháp quản lý để nâng cao hệ số thu hồi, giảm tổn thất than trong khai thác. Phấn đấu đến năm 2020 giảm tỷ lệ tổn thất than trong khai thác bằng phương pháp hầm lò xuống khoảng 20% và dưới 20% sau năm 2020; tỷ lệ tổn thất than trong khai thác bằng phương pháp lộ thiên xuống khoảng 5% và dưới 5% sau năm 2020.
Năng lượng Việt Nam: Để góp phần đảm bảo an ninh năng lượng nói chung và cung cấp than, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế ngày càng tăng, TKV đã có định hướng, giải pháp gì và kiến nghị Nhà nước cần có các cơ chế, chính sách hỗ trợ như thế nào?
Ông Lê Minh Chuẩn: Định hướng của Tập đoàn thực hiện tái cơ cấu các mỏ than theo hướng hợp nhất, sáp nhập các mỏ than liền kề để xây dựng mỏ than hầm lò có công suất tối thiểu 2 triệu tấn/năm, lộ thiên 3 triệu tấn/năm để tăng cường áp dụng cơ giới hoá, hiện đại hoá tăng năng suất lao động. Xây dựng chiến lược phát triển ngành than sau 2020 phù hợp với khả năng của TKV.
Vướng mắc lớn nhất hiện nay là việc cấp phép khai thác cho các mỏ riêng biệt, vì vậy việc hợp nhất, sáp nhập các mỏ đồng nghĩa với việc phải xin cấp phép lại tốn rất nhiều thời gian. TKV đề nghị Nhà nước xem xét cấp phép khai thác cho Tập đoàn để chủ động trong việc huy động tài nguyên, phục vụ cho việc áp dụng tin học hoá, hiện đại hoá các mỏ than.
Về chính sách thuế và phí đang ở mức cao và có xu hướng ngày càng tăng, vì vậy, để ổn định sản xuất TKV đề nghị Nhà nước xem xét giảm và giữ ổn định mức thuế và phí tương đương với các nước trong khu vực.
Về giá than đã được Chính phủ cho áp dụng theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Tuy nhiên, nước ta đã hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, để tránh việc tồn kho cao như năm 2016 khi giá than thế giới thấp hơn giá than trong nước (do chính sách hỗ trợ xuất khẩu của các nước xuất khẩu than) các hộ sử dụng than nhập khẩu than để sử dụng làm cho than trong nước tồn kho gây khó khăn cho TKV. Ngược lại, khi giá than thế giới tăng cao, các hộ sử dụng than quay trở lại sử dụng than trong nước làm cho sản xuất của TKV không đáp ứng nhu cầu các hộ sử dụng than (gây tình trạng thất thoát tài nguyên do buôn lậu gian lận thương mại).
Năng lượng Việt Nam: Tái cơ cấu là vấn đề lớn. Xin ông cho biết kết quả đạt được của TKV trong thời gian qua? Và để tiếp tục thực hiện tốt vấn đề tái cơ cấu theo Đề án của Chính phủ phê duyệt, TKV đã, đang và triển khai thực hiện các giải pháp gì thưa ông?
Ông Lê Minh Chuẩn: Kết quả thực hiện Đề án tái cơ cấu TKV giai đoạn 2012-2015. Về cổ phần hóa doanh nghiệp, TKV đã hoàn thành cổ phần hóa 11/11 doanh nghiệp (đạt 100% kế hoạch). Trong số này có 3 tổng công ty có quy mô lớn về vốn, lao động, số lượng đơn vị thành viên, địa bàn hoạt động. Tổng số tiền thu về từ cổ phần hóa ước đạt 443,4 tỷ đồng.
Về tăng tỷ lệ sở hữu của TKV tại các công ty cổ phần sản xuất than, sắp xếp doanh nghiệp và thoái vốn, quản trị nội bộ, TKV đã thực hiện thành công việc tăng tỷ lệ nắm giữ tại 2/8 đơn vị sản xuất than nhằm đảm bảo quyền chi phối tối đa của TKV trong chỉ đạo điều hành đơn vị để đảm bảo sản lượng than theo Quy hoạch phát triển ngành than. Số đơn vị còn lại tạm thời chưa tăng nhằm phù hợp tình hình thực tế cũng như giảm tối đa chi phí đầu tư của TKV trong giai đoạn này.
TKV cũng hoàn thành chuyển đổi 10 công ty con sản xuất than thành chi nhánh của TKV để nâng cao năng lực sản xuất của Công ty mẹ - Tập đoàn.
Đồng thời, hoàn thành thoái vốn tại 7 công ty con, 6 công ty liên kết và 9 công ty cháu. Tổng giá trị thu về từ thoái vốn được 2.363 tỷ đồng, lãi 421,8 tỷ đồng. Trong đó, TKV đã hoàn thành sớm việc thoái vốn tại các lĩnh vực tài chính, ngân hàng và bảo hiểm.
Trong thời gian qua, TKV đã tích cực triển khai áp dụng cơ giới hóa trong khai thác mỏ, hoàn thiện cơ chế quản lý về tăng năng suất, giảm giá thành, đổi mới và tái cơ cấu chất lượng lao động. Kết quả, giai đoạn 2012-2015, TKV đã giảm được 8.254 lao động; riêng năm 2015 TKV đã giảm tuyệt đối được 5.656 lao động.
Về kết quả thực hiện Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2017-2020. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2006/QĐ-TTg ngày 12/12/2017 phê duyệt Đề án tái cơ cấu TKV giai đoạn 2017-2020. Kết quả thực hiện đến hết tháng 5/2018 như sau:
Cổ phần hóa: đối với Công ty mẹ - TKV, chúng tôi đã triển khai các bước để chuẩn bị cổ phần hóa Công ty mẹ - TKV (theo kế hoạch thực hiện năm 2019), đồng thời báo cáo Bộ Công Thương về kế hoạch triển khai cổ phần hóa Công ty mẹ - TKV (dự kiến thời điểm xác định giá trị DN 1/1/2019).
Đối với Công ty con, TKV đã phê duyệt kế hoạch, tiến độ cổ phần hóa trong năm 2018 đối với 2 đơn vị, đồng thời ban hành Quyết định cổ phần hóa 1 đơn vị (Công ty TNHH MTV Hoa tiêu Hàng hải), 1 đơn vị đang hoàn thiện phương án sử dụng đất báo cáo cấp có thẩm quyền.
Về thoái vốn và tái cơ cấu khác, TKV tiếp tục thực hiện thoái vốn ngoài ngành tại 2 đơn vị, trong đó đã thu hồi 93% vốn góp tại tại 1 đơn vị (Quỹ đầu tư BIDV-Partner), số vốn góp còn lại sẽ thu hồi nốt trong năm 2018. TKV đã tiếp xúc và ký Biên bản ghi nhớ với đối tác quan tâm nhận chuyển nhượng vốn tại Công ty CP Đầu tư phát triển khu kinh tế Hải Hà. Hai bên đang tích cực triển khai các bước tiếp theo.
TKV đã triển khai kế hoạch thoái vốn trong ngành tại 19 đơn vị, đã thoái được 65% vốn tại 1 đơn vị, các đơn vị còn lại đang triển khai thủ tục để thực hiện trong năm 2018. Đồng thời, triển khai sáp nhập 2 chi nhánh, hợp nhất 2 chi nhánh trực thuộc, chuyển 1 chi nhánh trực thuộc về đơn vị cấp II quản lý trực tiếp kể từ 01/1/2018. Hoàn thành giải thể 1 doanh nghiệp tại nước ngoài. Tiếp tục triển khai thủ tục phá sản tại 1 doanh nghiệp. Và thực hiện việc tăng vốn thành công lên mức 65% tại 2 đơn vị, 4 đơn vị còn lại đang triển khai thủ tục.
Bên cạnh đó, TKV đã thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực SXKD giai đoạn 2016 - 2020, tăng cường triển khai ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa vào SXKD, xã hội hóa các công đoạn sản xuất phụ trợ. Tiếp tục tái cơ cấu tiết giảm lao động (năm 2016 TKV tiết giảm được 5.704 người, năm 2017 tiết giảm được 6.127 lao động).
Năng lượng Việt Nam: Xin chân thành cảm ơn Ông!
Ngọc Quý (ST)
Nguồn tin: Tạp chí Năng lượng Việt Nam
https://www.thanthongnhat.vn/tin-tuc-tkv/nhieu-loai-thue-phi-dang-kim-ham-nganh-than-phat-trien-1570.html
1.
19/05/2010 08:12 AM
TKV: Từ "kỉ luật và đồng tâm" sang "cạnh tranh và minh bạch"
15 năm qua, ngành than phát triển được như hiện nay nhờ nguyên nhân chủ yếu và quyết định là "cơ chế và chính sách". Trong 15 năm tới, động lực để phát triển ngành than phải là "cạnh tranh và minh bạch".
15 năm qua, ngành than phát triển được như hiện nay nhờ nguyên nhân chủ yếu và quyết định là "cơ chế và chính sách". Trong 15 năm tới, động lực để phát triển ngành than phải là "cạnh tranh và minh bạch".
"Chậm lớn"
Song song với việc giải quyết những vấn đề cấp vĩ mô cơ bản của ngành than, muốn phát triển bền vững, chúng ta cũng phải đối mặt và tháo gỡ những bất cập ở cấp vi mô của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam TKV.
Trong thời gian qua: lượng than cấp cho nền kinh tế tăng 6,2 lần (từ 4,04 tr.t lên 25 tr.t); lượng điện cấp cho nền kinh tế tăng 6,8 lần (từ 12,5 lên 85 tỷ kWh); than sản xuất tăng 7,5 lần, (từ 5,7 lên 43 tr.tấn), than xuất khẩu tăng 8,4 lần, (từ 2,15 lên 18 tr.t), nhưng, "than" vẫn tỏ ra "chậm lớn" hơn so với "điện" tới 7,5 lần (tổng công suất đặt các nhà máy nhiệt điện chạy than đã được xây dựng tăng hơn 5 lần với thời gian hoạt động ít nhất 30 năm, nhưng tổng công suất các mỏ than chỉ tăng khoảng 2 lần và với thời gian tồn tại chỉ 3-17 năm);
Trong ngành điện, công suất tổ máy của nhiệt điện đã tăng từ 50 MW lên 300MW (gấp 6 lần), công nghệ phát điện đã xuất hiện CFB, IGCC. Trong ngành than, dung tích gầu xúc và tải trọng ôtô chỉ tăng lên 2 lần (mới có 4 chiếc máy xúc loại 10m3, tải trọng ôtô tối đa cũng chỉ 90-100T), công nghệ cơ bản vẫn thuộc loại "truyền thống" hầm lò và lộ thiên, kỹ thuật chống lò chuyển từ gỗ sang sắt và cột thuỷ lực.
Trong tương lai, sự phát triển của ngành than càng ngày càng hụt hơi đuối sức, sẽ không còn mỏ lộ thiên. Suất đầu tư của các mỏ hầm lò trước đây khoảng 45- 50U$/tấn công suất. Hiện nay, suất đầu tư của mỏ hầm lò (mới chỉ trên giấy, chưa tính hết) đã lên tới hơn 150-200U$/tấn công suất.
Cùng trong 1 khu vực bãi chứa, than thành phẩm đã qua sàng nằm cạnh nơi đổ bã xít thải chỉ vẻn vẹn vài mét.Ảnh chụp tại mỏ than Cao Sơn |
Tài nguyên than được giao quản lý khi mới thành lập là 3,4 tỉ tấn trữ lượng (tính đến mức -300m và cấp C2) trong tổng số 5,6 tỷ tấn tài nguyên dự báo. Trữ lượng tin cậy chiếm 62%, và sản lượng tối đa hiện nay đạt 47 triệu tấn/năm 2010. Trong thời gian tới, tính đến mức -1000m (sâu gấp đôi) cũng chỉ có 3,9 tỷ tấn trữ lượng (đến cấp C2) trong tổng số 10 tỷ tấn tài nguyên dự báo. Trữ lượng tin cậy chỉ còn 39%.
Về mặt kinh tế, giá thành than trước đây bình quân khoảng 20 U$/tấn. Năm 2010, mặc dù công nghệ khai thác lộ thiên vẫn chiếm hơn 56%, độ sâu khai thác hầm lò trên -150m, nhưng giá thành bình quân đã tăng lên tới 40U$/tấn (803.000 đ/tấn). Dự kiến đến 2030 giá thành than sẽ không dưới 60 U$/tấn.
Đấu giá "quyền khai thác"?
Tập đoàn TKV đang phải đối mặt với 5 mâu thuẫn ở cấp vi mô phải giải quyết:
(i) Mâu thuẫn giữa điều kiện tự nhiên ngày càng khó khăn với trình độ cán bộ quản lý và KHKT còn chưa theo kịp và phiến diện. Các chương trình đào tạo về nghề mỏ (trong nước) đều rất lạc hậu, bị cắt xén, chất lượng đào tạo thấp;
(ii) Mâu thuẫn giữa sản lượng khai thác than rất cao hiện nay với trữ lượng địa chất của than rất nhỏ: Hiện nay, trữ lượng than đã được thăm dò, được chứng minh là có thật khoảng 3,9 tỷ tấn. Với qui mô trữ lượng như vậy, để phát triển bền vững, sản lượng khai thác chỉ nên duy trì mức tối đa 40-45 triệu tấn/năm.
(iii) Mâu thuẫn giữa nhu cầu tái đầu tư lớn với khả năng huy động vốn còn thấp. Tỷ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu của các mỏ hiện nay đã từ 3-8 lần, và tỷ lệ này ngày càng lớn. Để giảm tỷ lệ này, chúng ta chỉ có hai cách: hoặc là giảm "tử số" (vốn vay), hoặc là tăng "mẫu số" (vốn tự có).
Nếu chúng ta vẫn tư duy thiết kế (như mỏ Khe Chàm II-IV) và tổ chức đầu thầu thi công (như 3 giếng đứng của mỏ Hà Lầm) như vừa qua thì không thể giảm được "tử số". Tăng "mẫu số" là giải pháp hiện thực nhất. Về việc này, chúng tôi (cùng PGS. TS. Nguyễn Cảnh Nam) đã nhiều lần đề xuất với TKV.
Nhân dịp này, xin chính thức đề xuất một lần nữa là TKV nên sớm xin nhà nước cho phép đưa giá trị trữ lượng than hiện có (khoảng 2,5 tỷ tấn) vào hình thành vốn tự có của TKV dưới hình thức là "quyền khai thác".
Việc lượng hoá "quyền khai thác" này có thể dựa trên "chi phí thăm dò hợp lý" mà chúng ta đã bỏ ra để xác định "giá hợp lý" của trữ lượng. Trên cơ sở "giá hợp lý" của trữ lượng, chúng ta cần "đấu giá quyền khai thác" đối với các mỏ hiện có và "đấu thầu quyền khai thác đối với các mỏ mới sẽ xây dựng.
Vào khai trường mỏ than Cao Sơn, chỉ có những chiếc xe siêu tải như thế này chạy trong mây bụi mù mịt, có lúc không nhìn thấy đường đi. Ảnh VNN |
Trên cơ sở kết quả "đấu thầu quyền khai thác", chúng ta xin nhà nước cho phép bổ sung vốn tự có (coi như vốn góp) của Nhà nước (giao cho TKV quản lý) trong các mỏ.
Nếu chỉ tính "quyền khai thác" ở mức thấp nhất khoảng 2U$/tấn, chúng ta đã có thể tăng vốn tự có của TKV thêm 5 tỷ U$. Một con số đáng kể, và vị thế thực của TKV sẽ nâng lên. Như vậy, việc huy động vốn có khả năng được giải quyết, việc quản lý tài nguyên than sẽ chặt trẽ, đồng thời tạo ra được một cơ chế cạnh tranh rất hiệu quả.
(iv) Mâu thuẫn giữa khả năng phát triển hiệu quả khai thác lộ thiên với nhu cầu phải bảo vệ môi trường: Để nâng cao hiệu quả SXKD của TKV, giải pháp "dễ ăn" nhất là nâng cao sản lượng và kéo dài sự tồn tại của các mỏ lộ thiên như: Cọc Sáu, Đèo Nai, Cao Sơn, Núi Béo v.v.
Để nâng cao sản lượng và kéo dài tuổi thọ của các mỏ này, đồng thời để đảm bảo vấn đề môi trường, vấn đề mấu chốt cần xử lý (cái "nút" cần phải "gỡ") là đổ thải đất đá. Cái "nút" của vấn đề đổ thải đất đá là bãi thải trong. Cái "nút" của "bãi thải trong" ở vùng Cẩm Phả là "hợp nhất khai trường" về không gian và thời gian của cả 3 mỏ: Cọc Sáu, Đèo Nai và Cao Sơn, ở vùng Hòn Gai là trình tự khai thác của hai mỏ Núi Béo và Hà Tu.
(v) Mâu thuẫn giữa nhu cầu cao về tăng tỷ trọng khai thác hầm lò với trình độ công nghệ hầm lò còn rất thấp (tụt hậu 50 năm). Trong khai thác hầm lò có hai "nút" quan trọng cần được tháo gỡ là đào lò và khấu than. Các chỉ tiêu công nghệ của hai khâu này rất lạc hậu: hệ số mét lò CBSX cao (14,6m/1000tấn); khối lượng đào lò đá trong đào lò CBSX cao (23,29%); tỷ lệ mét đá trong mét lò CBSX cao (18,32%); tỷ lệ cơ giới hoá thấp (đào lò 1,47%, khấu than lò chợ- 2,34%); tỷ lệ áp dụng vì neo thấp (0,24%). Các chỉ tiêu này chứng tỏ: về mặt khách quan- điều kiện mỏ-địa chất phức tạp, về mặt chủ quan- thời gian qua chúng ta đã sai lầm cơ bản trong định hướng cơ giới hoá.
Không còn "xin" và "cho"
Kiến nghị chung nhất, dễ hiểu nhất là TKV cần thay đổi khẩu hiệu (slogan) hiện nay của mình là "kỷ luật và đồng tâm" thành "cạnh tranh và minh bạch". "Kỷ luật và đồng tâm" là khẩu hiệu của những người thợ mỏ trong phong trào cách mạng 1930-1936 chống lại sự áp bức của thực dân phong kiến.
Tại sao nên chuyển từ "kỷ luật" sang "cạnh tranh"? Thực tế đã xẩy ra các vụ án suy đồi về đạo đức của cán bộ như đánh bạc (ở Hòn Gai), hay mua dâm trẻ vị thành niên (ở Bãi Cháy), thông đồng với thổ phỉ để khai thác trộm than ở Mạo Khê v.v. cho thấy khẩu hiệu "kỷ luật" của TKV chỉ tồn tại trên giấy, đã bị lợi dụng và trong nhiều trường hợp chỉ như một trò đùa của những người có quyền (không có bằng đại học vẫn được nhiều lần đề bạt kế toán trưởng tập đoàn, khai gian tuổi vẫn được giữ chức phó TGĐ phụ trách các dự án điện để chỉ đạo đấu thầu trước khi về hưu).
Trong sản xuất kinh doanh, cái gọi là kỷ luật về giá, hay khoán chi phí là kẽ hở của cái "nồi cơm chung". Chính phủ và Nhà nước VN đã và đang tích cực xóa bỏ cơ chế "xin-cho". TKV lại áp dụng tối đa cơ chế "xin-cho" để thay cho công tác kế hoạch hoá.
Tính pháp lệnh của kế hoạch đã bị xem nhẹ. Chỉ tiêu kế hoạch co giãn dưới chiêu bài "kế hoạch chính thức" và "kế hoạch điều hành", điều chỉnh thường xuyên, liên tục. Đến cuối tháng 12 TKV vẫn ban hành văn bản điều chỉnh các chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch. Hiệu quả sản xuất kinh doanh được vận hành theo cơ chế "xin" thì "cho".
Thành tích của các giám đốc phụ thuộc vào sự biết điều chỉnh kế hoạch đúng lúc đúng chỗ. Giá bán than xuất khẩu có thời điểm điều chỉnh thấp hơn cả giá thành sản xuất v.v.
Kế hoạch phối hợp kinh doanh thực ra chỉ là cái cớ để thủ tiêu cạnh tranh, và nguy hại hơn nữa là để thực hiện các mục đích "xin-cho". Trong khi đó, cái chúng ta cần để nâng cao hiệu quả là tạo ra sự cạnh tranh.
Trong thời gian tới, TKV cần sớm thực hiện việc đấu giá quyền khai thác than ở tất cả các mỏ hiện có, đặc biệt là các mỏ lộ thiên, và đấu thầu quyền khai thác than của các mỏ mới đang được dự kiến xây dựng theo quy hoạch để tạo ra sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong ngành, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp của TKV với các doanh nghiệp bên ngoài.
Không mãi "xử lý nội bộ"
Tại sao lại chuyển từ "đồng tâm" sang "minh bạch"? Trong quá khứ của TKV, đã có nhiều sự vụ minh chứng cho việc "đồng tâm" theo kiểu "im lặng", "đóng cửa bảo nhau", hay "xử lý nội bộ" v.v. chạy theo thành tích. Đó là cách mà TKV tự huỷ diệt mình nhanh nhất.
Nếu đừng "đóng cửa bảo nhau" trong câu chuyện tuyển thừa tới hàng trăm lao động ở mỏ than Mạo Khê vài năm trước, chắc đã không xẩy ra vụ án của mỏ Quang Hanh. Vì đã "xử lý nội bộ" việc gian lận hơn chục nghìn tấn than ở Mạo Khê trước đây, nên đã dẫn tới việc gian lận hàng triệu mét khối đất đá ở mỏ nhỏ Khánh Hoà hiện nay chăng?.
Hậu quả càng đã xấu đi khi chúng ta đã không dám nhìn thẳng vào sự thật, ứng xử với những bất cập không công khai, không minh bạch. Đã đến lúc chúng ta phải báo cáo đầy đủ khách quan với các cơ quan quản lý về những bất cập từ những việc nhỏ đến việc lớn.
Những việc TKV cần minh bạch như: mua đắt không qua đấu thầu băng tải ống ở Mạo Khê; gian lận đất đá ở mỏ Khánh Hoà; đổ thải đất đá lên bờ vách của mỏ Na Dương; tiêu hao đá vôi của điện Na Dương; hiệu suất nhiệt của điện Cao Ngạn; khả năng cung cấp than cho điện Sơn Động; công suất phát của điện Mạo Khê đang xây dựng v.v.
Điều quan trọng nhất TKV cần sớm minh bạch với chính mình và minh bạch với nền kinh tế là: trong 15 năm qua TKV khai thác than theo kiểu "bóc ngắn cắn dài", không có đầu tư tái sản xuất mở rộng, không tăng được trữ lượng than. Nếu tình trạng này vẫn tiếp tục, chỉ sau một khoảng thời gian ngắn nữa ngành than sẽ phải đóng cửa để cải tạo mỏ.
Kết luận
15 năm qua, ngành than phát triển được như hiện nay nhờ nguyên nhân chủ yếu và quyết định là "cơ chế và chính sách". Mặc dù có nhiều ưu thế hơn (được ưu tiên dùng than để xuất khẩu), TKV đã không theo kịp các ngành khác (như điện, xi măng, bưu chính viễn thông, xây dựng, giao thông vận tải, ngân hàng, bảo hiểm v.v.). Nguyên nhân chủ yếu là công tác tổ chức và cán bộ của TKV còn quá nhiều bất cập. Lực lượng sản xuất của ngành than sẽ phát triển với quy mô lớn gấp 2 lần, địa bàn hoạt động của ngành than không chỉ ở khu vực Quảng Ninh. Vì vậy, trong thời gian tới, TKV cần có sự đổi mới cơ bản về phương thức sản xuất, tổ chức lại sản xuất cho phù hợp.
Khẩu hiệu "kỷ luật và đồng tâm" của TKV đã tỏ ra không có giá trị trong quá khứ, và càng lạc hậu trong tương lai. Vì vậy, trong 15 năm tới, động lực để phát triển ngành than phải là "cạnh tranh và minh bạch". Mọi cơ chế, chính sách, mô hình tổ chức, mô hình quản lý đối với ngành than cần được hoàn thiện theo hướng cạnh tranh và minh bạch.
https://thuvienphapluat.vn/tintuc/vn/thoi-su-phap-luat/thoi-su/-35779/tkv-tu-ki-luat-va-dong-tam-sang-canh-tranh-va-minh-bach
..
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.