Thử nhìn kĩ vào giáo dục Việt Nam hiện nay: thực chất của "theo" trong sgk (trường hợp Thanh Tịnh)
Đang thực hiện loạt bài "thử nhìn kĩ vào giáo dục Việt Nam hiện nay". Mở đầu là về các bài "Hành động nói" trong sách giáo khoa Ngữ văn 8 (tập hai), xem lại ở đây.
1.Với các bài Hành động nói trong sách lớp 8, chúng tôi giật mình vì tiếng Việt của chúng ta bị "làm phiền một cách không đáng" hay "phức tạp hóa những thứ vốn đơn giản". Xem các nhà biên soạn đưa định nghĩa về "hành động nói", rồi những phân tích của họ, mà các phụ huynh có kiến thức nền tảng Ngữ Văn như chúng tôi đều giật thót !
Như bản thân tôi đọc sách lớp 8 của các con các cháu mình cũng còn toát cả mồ hôi ! Họ đang làm gì các con cháu chúng ta ở môn Ngữ Văn bậc phổ thông ?
2. Bây giờ, một cận cảnh thứ hai, là về thực chất của cái gọi là "theo" ai đó ở các bài trích dẫn trong sách giáo khoa.
Dẫn lệ đầu tiên là bài "Tôi đi học" trong sách giáo khoa, được ghi là "theo Thanh Tịnh".
Thực chất là thế nảo ? Chúng ta hãy theo dõi qua các tranh luận ở bên dưới giữa học giả Chu Mộng Long và học giả Hoàng Dũng trên Fb mấy ngày nay.
Hồi đó mình nhớ là ở VN mấy chục năm hình như không có dùng bài này. Mình biết đến bài này nhờ hồi đó thỉnh thoảng về Sài Gòn đổi gió, tiện thể mang theo ít hàng, cải thiện có mang về và mang đi.
Người CPC gọi Sài Gòn là Preynoko, khẩu ngữ nói là "phêểnh cô". Mỗi lần đi Phêểnh cô, sau khi đổ xong hàng, kiểu gì mình cùng bạn bè đi cùng như anh Tùng Vũ Thanh cũng đi khu chợ sách cũ Calmet. Cơ man nào là sách cũ, mình mua bộ English for Today 6 cuốn của Mỹ, do Lê Bá Kông dịch song ngữ, giảng giải, cùng với nhiều loại sách khác. Trong đó có cuốn mình quên tên, nhưng chứa những bài văn hay, và có bài Tôi đi học của Thanh Tịnh, cũng xuất bản ở Sài Gòn trước năm 1975.
Về Phnom pênh đọc cuốn này, thấy hay quá, một ngày mình đưa bài này vào làm bài đọc 2 khi kết thúc phần đọc bổ trợ trong bài 16-bài cuối trước khi sang phần phụ lục về ngôn ngữ và văn hóa lịch sử. Chủ đề của bài này là Trường học, bài đọc 1 là bài "Thăm thầy giáo cũ" của Xuân Trình, mình trích nguyên theo cuốn Giáo trình tiếng Việt thực hành của Khoa Tiếng Việt Trường ĐHTH Hà Nội (1980).
Khi đưa bài này vào thì vướng mấy từ khó giảng nên mình có thay bằng từ dễ hiểu hơn đối với sinh viên nước ngoài. Việc này là tuân theo nguyên tắc "Simpification" (đơn giản hóa) của việc biên soạn giáo trình dạy tiếng. Về sau này mình học hỏi thêm mới biết lý thuyết là như thế chứ hồi đó chỉ thấy đơn giản là nó khó quá thì sửa cho dễ hơn chút, nhưng cũng cần cẩn trọng để giữ được cái hay của tác phẩm.
Đại khái mình thay "lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường' thành "lòng tôi lại vang lên những kỷ niệm khó quên của buổi tựu trường", và "lắm lần" thành "nhiều lần", còn lại thì hầu như là giữ nguyên.
Còn bài "Thăm thầy giáo cũ" thì mình cũng thấy hay quá, mỗi lần đọc là mình rưng rưng.
Nhớ hồi đầu dạy bài này, vẫn biết là có thể giảng bằng tiếng Việt ở trình độ nâng cao nhưng để cho chắc, mình phải đi bộ gần 3 cây đến nhà một phiên dịch người Khmer Nam Bộ của Đoàn Chuyên gia Giáo dục là anh Dện để hỏi nhóm từ "nhen nhóm trong lòng" trong đoạn sau:
"Các em mai này lớn lên, ai chẳng có một sự nghiệp, và trong số các em sao lại chẳng có những anh hùng. Khi ấy hãy nhìn lại mà xem, trong sự nghiệp mà chúng ta đã làm, đừng nên quên một tia lửa hồng mà thầy giáo thân yêu của chúng ta đã nhen nhóm trong lòng chúng ta ngay từ thời thơ ấu"
có thể dịch là gì thì mình vẫn nhớ anh ấy bảo là có thể nói là "k'đọ k'đuôl k'nong chất" hoặc "stuh lơng k'nông chất".
Thực ra cả 2 bài này mình đều thuộc. Và lâu rồi xem lại vẫn thấy xúc động một cách nặng nề.
Tôi đã không quan tâm đến cuộc trao đổi giữa tôi với PGS.TS. Ngôn ngữ học Hoàng Dũng nữa, để tâm lo việc khác cho dân và các bác sĩ đỡ khốn khổ hơn trong dịch bệnh. Nhưng PGS.TS. Hoàng Dũng vẫn dấm dẳng hết cho học trò chửi bới, mạ lỵ, lại còn bày trò quân tử, sai dũng sĩ Thái Hạo (Lương Tử Tuấn) và một số người khác đạo mạo đứng ra làm trọng tài. Thôi thì viết ngắn bài cuối cùng để chấm dứt sự quan tâm đến ông ta!
Thưa những học trò của ông Hoàng Dũng. Các người có chửi bới, mạ lị tôi cỡ nào thì tôi cũng cho qua, vì tôi đã quá quen với đám dư luận viên vô học chửi bới, mạ lị rồi!
Thưa với các "trọng tài" như Thái Hạo. Tôi tranh luận, thực chất là viết cho dân đọc để dân có sức đề kháng với sự bịp bợm của giới khoa bảng. Tuyệt đối không màng đến thắng thua. Cứ cho Hoàng Dũng và phe của ông ta thắng tôi 10-0 rồi suốt ngày hát vang "tự hào quá Hoàng Dũng ới, Hoàng Dũng ơi " để ông ấy có sức mà sống thọ muôn năm cũng tốt!
Và cuối cùng, thưa ông Hoàng Dũng. Tôi viết "Thanh Tịnh KHÔNG ngu", ông hiểu tôi nói: "Thanh Tịnh CÓ ngu". Tôi viết: "ĐOẠN 2 không có trong nguyên tác", ông hiểu tôi nói: "CÁC CÂU của đoạn 2 không có trong nguyên tác". Tôi nói "Không ai cắt xén câu văn, vá víu tuỳ tiện như đồ tể", ông hiểu tôi nói, đại ý: các nhà làm sách xưa và nay, Tây và ta đều không ai cắt gọt như nhà điêu khắc. Cứ thế ông cãi đến cùn thì tôi cũng thua.
Sách tiểu học lớp 2, các ông có dạy học sinh tiểu học "nói lời khẳng định", "lời phủ định", nhưng các ông chỉ viết cho trẻ em học, còn mình thì không cần học. Sách tiểu học lớp 3, các ông dạy trẻ em về "câu" và "đoạn", nhưng chính ông không phân biệt được Câu khác Đoạn như thế nào. Cứ thế, ông liều mạng cãi đến cùn bằng cách chứng minh, thực chất là khoe chữ, rằng ông đọc Quê Mẹ của Thanh Tịnh, thấy Thanh Tịnh không ngu; bằng chứng, ông đã phát hiện mỗi nửa câu ở mỗi đoạn khác nhau (cách hàng cây số) là có trong nguyên tác và kết luận: "Đoạn 2 có trong nguyên tác và của Thanh Tịnh", tức sách giáo khoa tôn trọng bản quyền. Chưa nói, ông khoe cả rổ kiến thức: xưa và nay, Tây và ta đều làm thế, như anh đồ tể xẻo cả đống thịt bầy nhầy và bảo nhà điêu khắc xưa nay cũng làm thế, thì tôi cũng chào thua!
Tóm lại là tôi thua toàn tập. Khỏi phải lấy ai ra làm trọng tài! Đứng đắn, tử tế như thầy Nguyễn Huệ Chi mà ra làm trọng tài thì cũng chỉ có thể nói nước đôi cho hoà cả làng thôi. Mà tôi không thích hoà, thích nhường phần thắng trong danh dự cho ông. Vì lẽ đơn giản, ông là Phó giáo sư, Tiến sỹ ngôn ngữ học!
Ông Hoàng Dũng dùng quái chiêu tịch tà kiếm phổ khi đánh tráo khái niệm "đoạn" và "câu", đánh chọc sườn tôi bằng chụp lên tôi cái mũ "tráo trở hai mặt", còn thầy Nguyễn Huệ Chi (trọng tài biên) cũng phán "em tiền hậu bất nhất", tức tôi việt vị, thì tôi chỉ còn biết cúi đầu nhục nhã trước các nhà khoa bảng!
Không chỉ thua. Tôi còn nhận ra ngay rằng, tôi ngu. Có ngu thì mới đi tranh luận với người hiểu "không" thành "có", hiểu "đoạn" thành "câu", hiểu việc làm của anh đồ tể giống nhà điêu khắc, tức chưa học qua lớp 2, lớp 3, thậm chí chưa từng làm người bình dân biết phân biệt xẻ, trộn thịt làm chả với tạc tượng là khác nhau!
Cái "chuẩn mực tranh luận" mà hiệp sỹ Thái Hạo đưa ra để tự phong trọng tài, dựa vào chuẩn mực của PGS.TS. Hoàng Dũng đã làm để đánh giá, thổi còi, xin thưa, tôi không đủ tiềm năng, trình độ học tập và làm theo được!
Trân trọng cảm ơn ông Hoàng Dũng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng về trình độ ngôn ngữ học của quý ông và khả năng viết lách của tôi! Các ông trình độ cao ngất thì làm sao hiểu được bài học đơn giản của con trẻ? Viết ra cái điều giản dị ai cũng hiểu mà lại làm cho người có học hàm học vị cao như các ông không thể đọc hiểu nổi là lỗi của tôi.
Chu Mộng Long
--------
Cáo lỗi ông Hoàng Dũng, vì hình như ông chặn tag để tự do độc thoại và tự chửi tự nghe nên tôi tag cho ông mãi không được.
Tôi cố quên ông, gọi là bài kết thúc. Nhưng nếu ông muốn bất tử khi cho bò nhà ông rống tên tôi thì tôi còn quỳ gối hầu hạ ông cho đến chết!
Vanvn- Bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống”, sách giáo khoa (SGK) Tiếng Việt 1 đã được dạy học trong thời gian vừa qua. Bên cạnh những ý kiến ủng hộ sự đổi mới cũng có những thắc mắc, thậm chí phản ứng gay gắt về chính sự đổi mới đó. Để rộng đường dư luận, trong những ngày đầu tiên của năm học mới, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Bùi Mạnh Hùng – Tổng chủ biên SGK Tiếng Việt – Ngữ văn, xung quanh sách Tiếng Việt 1.
* Thưa PGS-TS Bùi Mạnh Hùng, SGK Tiếng Việt 1 được coi là cuốn sách khởi đầu cho hành trình tiếp cận, lĩnh hội và làm chủ tiếng Việt của mỗi học sinh, nhóm biên soạn đã có sự chuẩn bị như thế nào?
– SGK mỗi môn học ở mỗi lớp đều có vai trò riêng của nó, nhưng xét về nhiều mặt thì SGK Tiếng Việt lớp 1 có vai trò đặc biệt, bởi vì, đúng như chị nói, đó là “cuốn sách khởi đầu cho hành trình tiếp cận, lĩnh hội và làm chủ tiếng Việt của mỗi học sinh”.
Bản thân tôi đã có nhiều năm nghiên cứu về chương trình và SGK dạy học ngôn ngữ và văn học tại Hoa Kỳ, Hàn Quốc và nhiều nước phát triển khác. Trước khi biên soạn SGK Tiếng Việt 1, chúng tôi đã phân tích kĩ SGK Tiếng Việt 1 qua nhiều giai đoạn, kể cả SGK Tiếng Việt 1 của miền Nam Việt Nam trước năm 1975 được biên soạn với sự hỗ trợ của các chuyên gia giáo dục của Hoa Kỳ. Đồng thời, chúng tôi cũng tiếp cận với thực tế dạy học Tiếng Việt lớp 1 ở nhiều địa phương để hiểu rõ mọi người đang chờ đợi gì ở SGK Tiếng Việt 1 mới. Nhờ đó, SGK Tiếng Việt 1, bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” (gọi tắt là “Kết nối”) thể hiện rõ đặc điểm của một bộ SGK dạy tiếng hiện đại và phù hợp với thực tiễn dạy học ở Việt Nam.
– Khi biên soạn thì chúng tôi không thể hình dung có tình huống như hiện nay. Tuy nhiên, chúng tôi có chủ trương SGK Tiếng Việt 1 mới phải tạo điều kiện cho học sinh tự học và phụ huynh có thể giúp con mình học. Cách thiết kế các câu lệnh tường minh ngay từ những trang sách đầu tiên giúp phụ huynh và học sinh thích ứng với điều kiện dạy học mới. Việc dạy học trực tuyến chủ yếu ảnh hưởng đến hoạt động luyện viết, còn đối với hoạt động luyện đọc thì nhờ công nghệ hiện đại và sự sáng tạo của các thầy cô, hạn chế đó vẫn có thể khắc phục được đáng kể. SGK Tiếng Việt 1, bộ “Kết nối” còn có bản điện tử có các ứng dụng hỗ trợ để học sinh có thể tiếp tục luyện đọc và viết với sự hỗ trợ của phụ huynh.
* Tiếp nối dòng chảy của những bài học ngôn ngữ đầu tiên, học sinh sẽ được định hướng như thế nào khi lên các lớp trên để vừa giữ gìn được vẻ đẹp truyền thống, vừa hòa nhập được với xu thế phát triển của thế giới?
– Với SGK “Kết nối”, định hướng giữ gìn vẻ đẹp truyền thống và hòa nhập với thế giới được thể hiện qua hệ thống chủ đề và ngữ liệu trong các bài học. Chẳng hạn, ở trung học cơ sở, trong khi chú trọng giúp học sinh đọc hiểu văn bản theo mô hình thể loại, SGK Ngữ văn 6 đặt tên các bài học theo hệ thống chủ đề để hướng đến giáo dục các giá trị sống, trong đó có những nội dung truyền thống như tình cảm bạn bè, tình yêu gia đình, tình yêu đất nước và những nội dung mới mẻ, hiện đại như tôn trọng sự khác biệt, ý thức về môi trường. Trong khuôn khổ các bài học như vậy, ngữ liệu trong SGK mới không chỉ gồm sáng tác kinh điển, những giá trị đã được khẳng định qua thời gian, mà còn phải có những tác phẩm khơi gợi cho học sinh suy nghĩ về cuộc sống của chính các em, giúp kích hoạt những trao đổi, tranh luận để các em từng bước có được những trải nghiệm tươi mới và trưởng thành.
* Khi sách Tiếng Việt 1 ra đời, có nhiều ý kiến trái chiều nhau, trong đó có cả phản ứng tiêu cực khi nhận xét và so sánh với các bộ sách cũ, bản thân ông cũng như nhóm biên soạn đã gặp những khó khăn gì? Nhóm biên soạn đã vượt qua bằng cách nào?
– Chúng tôi luôn trân trọng lắng nghe các ý kiến góp ý, kể cả những ý kiến trái chiều. Dĩ nhiên, chúng tôi phải kiên nhẫn và có sức chịu áp lực để lắng nghe chỉ trích (nếu có). Việc nhiều người hay hoài niệm và so sánh SGK mới với SGK cũ với ý tiếc nuối những gì đã qua là hiện tượng rất dễ hiểu. Tuổi thơ mỗi người đi qua đều gắn với những trang sách đầu đời. Đó là một phần của kí ức, nó bao giờ cũng đẹp. Nhiều phụ huynh, độc giả lớn tuổi thường nhắc lại những bài ca dao, bài thơ, bài văn trong trẻo, đẹp đẽ thời mình còn đi học. Tôi xin được chia sẻ, hầu hết những sáng tác hay, còn phù hợp với học sinh thì đều đã và sẽ đưa vào SGK mới. Tuy nhiên, học sinh ngày nay còn cần phải được tiếp cận với những sáng tác mới, mang hơi thở của cuộc sống đương đại. Sự thành công của công cuộc đổi mới giáo dục tùy thuộc rất nhiều vào mức độ cởi mở và thấu hiểu của xã hội. Thiếu đi điều kiện quan trọng đó, cái mới dễ bị cái cũ lấn át và mọi thứ có thể lại trở về như cũ.
* Ông có thể chia sẻ điều mong muốn nhất của mình đối với các bậc phụ huynh và học sinh trong những ngày đầu tiên của năm học 2021 – 2022.
– Chúng ta đang sống trong những ngày đại dịch Covid-19 mà tính mạng của bất kì ai cũng có thể bị đe dọa, nhưng tinh thần lạc quan và mối quan tâm đến việc học của con cái sẽ giúp mỗi bậc phụ huynh có niềm vui và động lực cùng con bước vào năm học mới. Xin chúc tất cả quý thầy cô giáo, quý phụ huynh và các em học sinh vượt qua mọi khó khăn để có một năm học thành công!
GDVN- Cách đây mấy mươi năm “Tôi đi học” đã được đưa vào sách giáo khoa để giảng dạy nhưng những người biên soạn sách thời ấy không ai tùy tiện chỉnh sửa tác phẩm này.
Trong sách Tiếng Việt lớp 1, tập 2 (Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống) do nhóm tác giả là Phó giáo sư - Tiến sĩ Bùi Mạnh Hùng cùng các cộng sự biên soạn có sử dụng văn bản đã “cắt gọt, chỉnh sửa” so với nguyên tác tác phẩm “Tôi đi học” của cố nhà văn Thanh Tịnh.
Cách làm này đang tạo nên dư luận trái chiều. Có người cho rằng việc “cắt gọt, chỉnh sửa” như thế là bình thường vì xưa nay “Tây, ta đều làm thế”.
Ngược lại, có người lên tiếng phê phán phản đối cách làm này vì đã làm cho văn bản “Tôi đi học” của nhà văn Thanh Tịnh “khô cứng như gỗ đá”.
Xét thấy đây là vấn đề rất quan trọng vì ảnh hưởng đến chất lượng các bộ sách giáo khoa, chúng tôi có những trao đổi xung quanh vấn đề này như sau:
So sánh nguyên tác “Tôi đi học” của Thanh tịnh và văn bản trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1, tập 2
Trước hết, chúng ta thử đọc, so sánh và phân tích đoạn đầu trong văn bản “Tôi đi học” được Phó giáo sư Bùi Mạnh Hùng biên soạn đưa vào Sách giáo khoa lớp 1, tập 2 và nguyên bản gốc của của Thanh Tịnh.
Sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1, tập 2 viết:
“Một buổi mai, mẹ âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã đi lại nhiều lần nhưng lần này tự nhiên thấy lạ. Cảnh vật xung quanh tôi đều thay đổi. Hôm nay tôi đi học.”
Văn bản “Tôi đi học” trong Sách giáo khoa lớp 1, tập 2 (Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống). Ảnh: Vương Thuỷ
Nguyên bản gốc bài “Tôi đi học” của Thanh Tịnh:
“Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần nhưng lần này tự nhiên thấy lạ. Cảnh vật xung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn. Hôm nay tôi đi học”.
Không khó để bạn đọc nhận ra những chỗ khác biệt do Phó giáo sư Bùi Mạnh Hùng đã cắt gọt và chỉnh sửa so với nguyên bản của nhà văn Thanh Tịnh.
Văn bản trong sách giáo khoa Tiếng Việt 1, tập 2 đã bị Phó giáo sư Bùi Mạnh Hùng cắt bỏ cụm “buổi mai hôm ấy”, lược một chữ “tôi”, thay chữ “lắm” bằng chữ “nhiều” và đặc biệt cắt bỏ nguyên cụm từ quan trọng: “một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh” và cụm “vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn" trong bài văn kinh điển của tác giả. Từ đó, làm cho đoạn văn của Thanh Tịnh vốn gồm 4 câu chỉ còn có 3 câu.
Trong cuộc đời của mỗi con người, có rất nhiều “buổi mai”. Cụm “một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh” trong nguyên tác rất quan trọng. Nó có ý nghĩa và tác dụng giải thích đồng thời nhấn mạnh đến cái “buổi mai hôm ấy” – cái lần đầu tiên trong đời mà tác giả được mẹ mình “âu yếm nắm tay dẫn đi trên con đường dài và hẹp” để đến ngôi trường làng. Vậy nên, tôi lấy làm lạ là tại sao Phó giáo sư Bùi Mạnh Hùng vốn là một chuyên gia ngôn ngữ lại có thể tùy tiện cắt gọt và gộp lại 2 câu văn của Thanh Tịnh thành một câu như thế?
Việc làm này theo chúng tôi, đã vô tình làm méo mó nội dung, ý nghĩa, khiến khó nhận ra cái hồn cốt, văn phong cũng như sắc thái tình cảm, cảm xúc của cố nhà văn Thanh Tịnh trong nguyên tác “Tôi đi học”.
Nếu là người thân trong gia đình của cố nhà văn Thanh Tịnh tôi nhất định sẽ không cho phép việc cắt gọt, chỉnh sửa tùy tiện này.
Cách đây mấy mươi năm “Tôi đi học” đã được đưa vào sách giáo khoa để giảng dạy nhưng những người biên soạn sách thời ấy không ai tùy tiện chỉnh sửa tác phẩm văn học này như cách Phó giáo sư Bùi Mạnh Hùng đã làm.
Đưa tác phẩm “Tôi đi học” của Thanh Tịnh vào dạy cho học sinh lớp 1 là chưa phù hợp
- Xét về nội dung, “Tôi đi học” là tác phẩm kể về những hồi ức, những kỷ niệm của Thanh Tịnh khi đã trưởng thành.
Vì thế, tác phẩm này chỉ phù hợp với những ai đã trải qua thời khắc lần đầu tiên được đến trường học. Các cháu học sinh lớp 1 mới vào trường thì làm sao có những ký ức này? “Tôi đi học” vì thế, chỉ phù hợp với các học sinh từ lớp 5 trở lên. Bởi khi ấy, các cháu đã nói viết thuần thục, có những hiểu biết nhất định đặc biệt là kỷ niệm về lần đầu tiên đi học.
Lúc này, người biên soạn chỉ cần sử dụng lại nguyên bản hoặc trích trọn vẹn một vài đoạn đoạn hay nhất để đưa vào mà không cần cắt gọt, chỉnh sửa nhiều.
Đây là lý, các tác giả biên soạn sách giáo khoa trước đây chỉ đưa tác phẩm này vào chương trình dạy học cho học sinh nhưng không không ai đưa vào để dạy cho các cháu mới vào lớp 1. Thậm chí, sách giáo khoa hiện hành, tác phẩm này được đưa vào trong chương trình lớp 8.
- Mục tiêu quan trọng nhất của việc học ở lớp 1 và ghép vần và tập đọc. Văn học nước nhà không thiếu những bài đọc, những câu văn ngắn để phục vụ mục tiêu này? Với một lượng câu chữ tương đương, tôi nghĩ, những người biên soạn sách giáo khoa hoàn toàn có thể lấy văn bản là ca từ trong các bài hát như “Con cò be bé”, hay “Mẹ đi vắng”… để đưa vào dạy cho các cháu lớp 1 tập đọc và đánh vần.
Từ hai lý do trên, tôi cho rằng, Phó giáo sư Bùi Mạnh Hùng đã phạm một sai lầm nghiêm trọng khi chọn và đưa tác phẩm “Tôi đi học” vào dạy cho học sinh lớp 1. Và đây là nguyên nhân Phó giáo sư Bùi Mạnh Hùng buộc phải cắt gọt chỉnh sửa câu chữ trong nguyên tác cho phù hợp với quy định về biên soạn sách giáo khoa. Từ đó vô tình làm méo mó nội dung và ý nghĩa của tác phẩm này.
Điều kiện và nguyên tắc chỉnh sửa nguyên tác văn bản truyện trong khi biên soạn sách giáo khoa
Tôi rất thông cảm với các nhà biên soạn sách giáo khoa môn Ngữ văn trong vấn đề tìm văn liệu để đưa vào làm tài liệu học tập cho học sinh. Đặc biệt là ở các cấp tiểu học (lớp 4, lớp 5) và cấp trung học cơ sở. Bởi đây là lứa tuổi các em đang có những chuyển biến tâm sinh lý rất phức tạp.
Tôi cũng hoàn hoàn đồng ý với quan điểm, khi đưa một “văn bản truyện” vào dạy ở cấp tiểu học cần phải “cắt gọt, chỉnh sửa” sao cho phù hợp trong trường hợp văn bản quá dài. Dẫu vậy, theo tôi điều kiện và nguyên tắc có tính bắt buộc để làm việc này là:
Thứ nhất, văn bản được chọn lựa để đưa vào giảng dạy phải vừa phải hay vừa phù hợp với tâm lý lứa tuổi học sinh ở từng lớp học, cấp học cả về nội dung lẫn hình thức trình bày.
Thứ hai, cần phân biệt văn bản truyện với tư cách là một tác phẩm văn học nghệ thuật và văn bản “phi văn học”, chỉ thuần túy là những bài học về luân lý, đạo đức. Với việc “cắt gọt, chỉnh sửa” văn bản là tác phẩm văn học nhất định phải được thực hiện một cách thận trọng để không phá vỡ cấu trúc tác phẩm hay tệ hơn là làm méo mó, thay đổi ý nghĩa nội dung mà tác giả đã thể hiện trong nguyên tác.
Cuối cùng, ở góc độ bản quyền phải tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của tác giả có văn bản được chọn đưa vào sách giáo khoa.
Nói khác đi, về nguyên tắc chúng ta phải tuyệt đối tôn trọng nguyên tác của tác phẩm. Nếu chưa có sự đồng ý của tác giả (hay người thân trường hợp tác giả đã mất) thì người biên soạn sách giáo khoa không được tùy tiện chỉnh sửa (thêm, bớt câu chữ...) có trong nguyên tác.
Những quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về dung lượng câu chữ của bài học trong sách giáo khoa là cần thiết nhưng điều này không đồng nghĩa với việc người biên soạn sách giáo khoa tùy tiện cắt gọt chỉnh sửa văn của người khác với lý do nó quá dài. Anh không thể vì mục đích của bản thân mình mà tự ý làm việc đó. Trong xã hội hiện đại làm như thế là xâm phạm bản quyền về sở hữu trí tuệ của người khác.
Ngoài ra, sửa văn người khác, đặc biệt là những áng văn đã trở thành “kinh điển”, đi vào tâm thức của một cộng đồng thiết nghĩ là việc làm cần phê phán.
Thử hỏi, Phó giáo sư Bùi Mạnh Hùng và các cộng sự có dám tùy tiện cắt gọt, chỉnh sửa văn bản “Tuyên Ngôn Độc lập” của Chủ tịch Hồ Chí Minh như đã làm với trường hợp bài văn “Tôi đi học” của Thanh Tịnh hay không?
Thay lời kết
Chúng tôi rất chia sẻ với nỗi vất vả với những người làm công tác biên soạn sách giáo khoa Ngữ văn hiện nay. Bởi việc tìm văn liệu để đưa vào dạy học là vấn đề rất khó. Dẫu vậy, tôi cho rằng đây là việc làm tự nguyện không ai ép buộc.
Hơn nữa, nói như Giáo sư Huỳnh Như Phương thì “chọn một bài văn/ thơ hay cho học cấp tiểu học tiếp nhận, thì tác dụng tích cực rất lâu dài”. [1]. Vì nó là ấn tượng ban đầu, sẽ theo các cháu nhỏ có khi đến hết cuộc đời sau này.
Vậy nên, đã chấp nhận làm thì phải chấp nhận gian khổ và chịu sự phản biện, giám sát của xã hội. Vì nếu không cẩn thận thì những mục tiêu giáo dục rất tốt đẹp mà các tác giả biên soạn sách đặt ra không những không đạt được mà có khi còn phản tác dụng. Như thế là có lỗi với thế hệ trẻ, rộng hơn là có tội với quốc gia, dân tộc.
Tài liệu tham khảo:
[1] Huỳnh Như Phương, “Tìm văn liệu cho sách giáo khoa”. http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/nghien-cuu/giao-duc/7429-t%C3%ACm-v%C4%83n-li%E1%BB%87u-cho-s%C3%A1ch-gi%C3%A1o-khoa.html
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả, tiêu đề bài viết do Tòa soạn đặt lại.
1. Nhiều người cứ làm ra vẻ mình khách quan nhưng kỳ thực là ngầm chia phe. Thậm chí, có thể thấy, có không ít người còn vui ra mặt khi thấy TS CML và PGS HD "đụng độ" với nhau.
- Có người còn "mô tả" lại cuộc tranh luận nhưng sự mô tả ấy cũng không khách quan theo đúng trình tự, diễn biến và nhất là nguyên nhân gây ra cuộc tranh luận giữa TS CML và PGS HD vừa qua.
2. Phải khẳng định rằng, TS CML, ngay bài đầu tiên, không hề chủ ý và trực tiếp tranh luận với PGS HD. Ông ấy, nếu có là đang tranh luận với ông Bùi Mạnh Hùng. Vì ô BMH đã cắt gọt, chỉnh sửa văn bản "Tôi đi học" của nhà văn Thanh Tịnh để đưa vào dạy cho học sinh lớp 1 (như mọi người đã biết).
Việc làm này của ông BMH, theo TS CML là không ổn. Đó là lý do bài viết này TS CML đã đặt cho cái tiêu đề: "BÀI VĂN LẠ: TÔI ĐI HỌC". Cụ thể, trong đó TS CML có viết một câu:
"ĐOẠN 2 hoàn toàn không có trong nguyên tác của Thanh Tịnh".
(XIN NHỚ CHO TS CML NÓI "ĐOẠN" KHÔNG NÓI "CÂU").
Và đây, chính là câu mấu chốt đưa đến sự trao đổi và phản biện của PGS HD ở bài viết ngay sau đó.
Ở đây, chưa bàn đúng sai, có thể thấy, qua câu nói trên cùng ý nghĩa toàn bộ bài viết của mình, TS CML quan niệm nguyên tác là: toàn bộ CÂU CHỮ LÀM NÊN HỒN CỐT VỐN CÓ TRONG TRONG BÀI VĂN "TÔI ĐI HỌC". Câu nói trên cũng cho thấy TS CML đang bàn Ý NGHĨA CỦA CẢ ĐOẠN 2 trong bài học mà ô BMH đã cắt gọt khi đưa vào SGK Tiếng Việt lớp 1, tập 2.
3. PGS HD khi viết bài phản biện chứng minh là "đoạn 2" có trong "nguyên tác". Nhưng tiếc thay đây là sự hiểu nhầm của PGS HD về câu của TS CML.
- Tôi nhắc lại và nhấn mạnh: Nếu CML viết "Đoạn 2 HOÀN TOÀN KHÔNG CÓ CÂU NÀO trong nguyên tác của Thanh Tịnh" thì sự phản biện của PGS HD mới thuyết phục. CML đang bàn "đoạn" không bàn "câu". Dù "câu" làm nên (ý nghĩa) "đoạn". Và nếu câu đã chỉnh sửa thì chắc chắn sẽ cho ra ý nghĩa của đoạn không giống với nguyên tác.
- Và để phản biện lại TS CML, PGS HD đã liệt kê và chứng minh CÁC CÂU CHỮ CÓ TRONG NGUYÊN TÁC nhưng "tất nhiên đã được cắt gọt chỉnh sửa". Điều này lại cho thấy, PGS HD và TS CML đang hiểu khác nhau về hai chữ "nguyên tác". Đó là lý do xảy ra tranh luận giữa 2 bên ở các bài tiếp theo.
- Đến bài sau cùng của mình, PGS HD tiếp tục trưng ra tư liệu cũ để minh chứng cho quan điểm của mình, đại khái ông cho rằng "việc cắt gọt chỉnh sửa văn bản truyện để đưa vào SGK cấp tiểu học xưa nay Tây, ta đều làm thế". Đến đây, thì tôi có bài trao đổi lại với Thầy HD về luận điểm trên (không trao đổi về chuyện thầy và TS CML tranh luận).
4. Cuối cùng, tôi xin nhắc lại. Tôi đứng kẻ giữa. Không bênh vực ai. Không bàn về lời lẽ hay thái độ của cả hai bên khi tranh luận. Với tôi, dù chưa từng gặp gỡ cả TS CML và PGS HD ngoài đời nhưng tôi luôn kính trọng họ.
Đó là lý do khi viết bài trao đổi với PGS HD tôi cũng vào trang của Thầy để thưa chuyện vì tôi và Th trên Facebook chưa kết bạn với nhau nên không thể tag Th vào như đã tag TS CML. Hay ở một bình luận trong bài viết của TS CML, tôi cũng đề nghị bạn đọc không nên vì cảm xúc riêng tư mà xúc phạm cá nhân Thầy Hoàng Dũng.
Tóm lại, những người ngoài cuộc xin hãy tôn trọng và trung thực!
Vừa qua, giữa PGS Hoàng Dũng và TS Chu Mộng Long có xảy ra tranh luận liên quan đến việc “cắt gọt, chỉnh sửa” văn bản tác phẩm“Tôi đi học” của nhà văn Thanh Tịnh. Việc “cắt gọt, chỉnh sửa” này do PGS Bùi Mạnh Hùng, tổng chủ biên kiêm chủ biên SGK lớp 1, tập 2 và các cộng sự thực hiện. Đại khái, quan điểm của TS Chu Mộng Long là phê phán việc cắt gọt chỉnh sửa văn bản “Tôi đi học” của Thanh Tịnh trong sách Tiếng Việt lớp 1 vì nó làm cho nội dung bài văn này trở nên “khô cứng như gỗ đá”. Ngược lại, PGS Hoàng Dũng cho rằng việc cắt gọt chỉnh sửa như thế là bình thường, “xưa nay Tây, ta đều làm thế".
Không bàn về “thái độ tranh luận” và những chuyện bên lề khác mà PGS Hoàng Dũng “trách” TS Chu Mộng Long. Là người đứng ở giữa, tôi xin mạo muội có vài lời trao đổi với PGS Hoàng Dũng về quan điểm của ông. Đặc biệt, là trao đổi những vấn đề cụ thể trong bài viết “XƯA CŨNG NHƯ NAY, TA CŨNG NHƯ TÂY, ĐỀU THẾ” trên trang cá nhân của PGS Hoàng Dũng.
1. PGS HOÀNG DŨNG CÓ ĐÁNH TRÁO VẤN ĐỀ TRANH LUẬN?
Để chứng minh cho quan điểm xưa nay Tây, Ta đều “cắt gọt, chỉnh sửa văn bản truyện” ở cấp TIỂU HỌC, PGS Hoàng Dũng viết:
“Cực chẳng đã, tôi phải trình bày thêm tư liệu: một cuốn trong nước, là sách dạy tiểu học thời Việt Nam Cộng hòa, cuốn “Việt văn tân tập” lớp nhì (tức là lớp 4 ngày nay) của Đặng Duy Chiểu và một nhóm giáo viên, in năm 1964 tại Sài Gòn và một cuốn ở nước ngoài, cuốn “Cambridge Primary English” lớp 3 của Gill Budgell và Kate Ruttle, in năm 2015, do Đại học Cambridge xuất bản”.
Ở đây, theo tôi PGS Hoàng Dũng đang có sự nhập nhèm về đối tượng, phạm vi tranh luận. Cụ thể như sau:
1.1 Thứ nhất, cấp Tiểu Học hiện nay ở VN được chia thành 5 lớp, gồm: lớp 1 (tương đương lớp Năm thời VNCH trước 1975), lớp 2 (lớp Bốn – VNCH), lớp 3 (lớp ba - VNCH), lớp 4 (lớp Nhì - VNCH) và lớp 5 (lớp Nhất - VNCH).
Có thể thấy, đối tượng và phạm vi tranh luận ban đầu của cả TS CML và PGS Hoàng Dũng là văn bản bài “Tôi đi học” của Thanh Tịnh được/bị PGS Bùi Mạnh Hùng cắt gọt, chỉnh sửa lại và đưa vào bài học Tiếng Việt lớp 1 (tương đương lớp Năm – VNCH). Những lập luận và minh họa của PGS Hoàng Dũng khi lấy văn bản bài học “Ngoài đường phố” trong cuốn “Việt văn tân tập” dành để dạy cho học sinh lớp nhì (tương đương với lớp 4 ngày nay) là sự đánh tráo.
Bởi tất cả chúng ta đều biết mục tiêu và đối tượng dạy học của Lớp 1 và Lớp 4 là HOÀN TOÀN KHÁC NHAU. Nên việc lựa chọn “văn bản truyện” để đưa vào dạy học ĐƯƠNG NHIÊN CŨNG RẤT KHÁC NHAU. Các cháu Lớp 1 chỉ mới tập ghép vần và tập đọc những văn bản ngắn trong khi lớp 4 (lớp nhì VNCH) về cơ bản đã đọc và viết khá thuần thục.
1.2 Thứ hai, liên quan đến “văn bản truyện”:
Bài học “Tôi đi học” của Thanh Tịnh là một tác phẩm văn học – có thể xem là một tác phẩm Bút ký kể lại những kỷ niệm, những hồi ức của tác giả về lần đầu tiên ông cắp sách đến trường. Trong khi đó, “văn bản truyện” “Ngoài đường phố” trong sách “Việt văn tân tập” mà PGS Hoàng Dũng mang ra bàn luận chỉ là một văn bản "phi văn học", chỉ thuần túy mang tính giáo dục luân lý thông thường nhằm minh họa cho một chủ đề giáo dục đạo đức công dân nơi công cộng (văn hóa ứng xử khi đi ngoài đường).
Như vậy, có thể thấy, khi tranh luận với TS Chu Mộng Long, ở đây PGS Hoàng Dũng đã nhập nhèm đánh tráo hai đối tượng và phạm vi tranh luận: 1) Văn bản văn học có tính thẩm mỹ, nghệ thuật với văn bản phi văn học, thuần túy là bài học luân lý; 2) CẤP TIỂU HỌC và Lớp 1 với Lớp 4 trong cấp TIỂU HỌC là rất khác nhau.
Lập luận của PGS Hoàng Dũng vì thế, theo tôi không thuyết phục.
2. ĐIỀU KIỆN VÀ NGUYÊN TẮC TRONG VIỆC "CẮT GỌT, CHỈNH SỬA" NGUYÊN TÁC "VĂN BẢN TRUYỆN" KHI BIÊN SOẠN SGK
Bây giờ chúng ta thử phân tích việc cắt gọt, chỉnh sửa văn bản tác phẩm “Tôi đi học” của Thanh Tịnh. Xin phân tích một câu đầu mà PGS Bùi Mạnh Hùng đã đưa vào SGK lớp 1 như sau:
SGK Lớp 1 (do PGS Bùi Mạnh Hùng biên soạn) viết:
“Một buổi mai, mẹ âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp”.
Nguyên bản gốc bài “Tôi đi học” của Thanh Tịnh:
“Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường dài và hẹp”.
Như đã nói, “Tôi đi học” là một tác phẩm bút ký của Thanh Tịnh. Một tác phẩm văn học chỉ có ý nghĩa khi nó đặt trong một chỉnh thể nghệ thuật hoàn chỉnh. Câu được đưa vào SGK là câu cắt gọt thô thiển khi đã lược bỏ nguyên cụm quan trọng “một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh” trong bài văn kinh điển của tác giả. (Nói chung toàn văn bản được PGS Bùi Mạnh Hùng cắt gọt, chỉnh sửa đưa vào SGK Tiếng Việt lớp 1 hoàn toàn là sự chấp vá đúng như phân tích của TS Chu Mộng Long - bạn đọc có thể dễ dang kiểm chứng điều này).
Trong cuộc đời của con người chúng ta có rất nhiều “buổi mai”. Cụm “một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh” trong nguyên tác là vô cùng quan trọng. Nó có ý nghĩa giải thích và nhấn mạnh đến một “buổi mai hôm ấy” – cái hôm mà lần đầu tiên tác giả được “Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường dài và hẹp” để đến trường. PGS Hoàng Dũng, PGS Bùi Mạnh Hùng và các cộng sự là những chuyên gia về ngôn ngữ nỡ nào đã tùy tiện cắt gọt và gộp lại 2 câu văn của Thanh Tịnh thành một câu như thế? Nói thật, nếu là người thân trong gia đình của cố nhà văn Thanh Tịnh tôi nhất định sẽ không cho phép việc cắt gọt, chỉnh sửa tùy tiện này.
PGS Hoàng Dũng khi bào chữa vấn đề này có nói có nói, việc này là 1) quy định của Bộ giáo dục; 2) khi đưa “văn bản truyện” vào dạy ở cấp tiểu học phải làm sao ngắn gọn những người quen biên soạn SGK xưa nay, Tây ta đều làm thế.
Tôi xin trao đổi lại như sau:
Một, thật ra không cần tới quy định của Bộ giáo dục, những người biên soạn SGK cũng phải tự ý thức như vậy. Nên nhớ cách đây mấy mươi năm (*), bài học “Tôi đi học” đã được đưa vào SGK để giảng dạy nhưng những người biên soạn sách thời ấy không ai tùy tiện chỉnh sửa tác phẩm văn học này như cách PGS Bùi Mạnh Hùng đã làm.
Tôi xin nhắc lại và nhấn mạnh về nguyên tắc chúng ta phải tuyệt đối tôn trọng NGUYÊN TÁC của tác giả. Nếu chưa có sự đồng ý của tác giả (hay người thân trường hợp tác giả đã mất) thì người biên soạn SGK không được tùy tiện chỉnh sửa (thêm, bớt câu chữ...) Nguyên Tác. Nói khác đi, làm gì thì làm, việc tự tiện SỬA VĂN NGƯỜI KHÁC mà KHÔNG XIN PHÉP là điều ĐẠI KỴ, TỐI KỴ. Càng không thể lấy lý do vì nguyên tác dài quá hay khó hiểu quá nên buộc phải CẮT GỌT, CHỈNH SỬA TÙY TIỆN. Vì phục vụ mục đích của anh mà anh cắt gọt văn người khác là một lý lẽ rất khó chấp nhận. Nhân loại có hàng nghìn bài văn hay, riêng nước Việt thôi nếu chịu khó đọc, chịu khó tìm thì cũng dư để chọn chọn được tác phẩm phù hợp để đưa vào sách Lớp 1.
Hai, trước PGS Bùi Mạnh Hùng, các tác giả biên soạn SGK đã đưa văn bản bài “Tôi đi học” của Thanh Tịnh vào dạy cho học sinh NHƯNG KHÔNG AI ĐƯA TÁC PHẨM NÀY DẠY CHO CÁC CHÁU MỚI VÀO LỚP 1 (thậm chí hiện nay bài học này được đưa vào SGK lớp 8 bậc trung học cơ sở). Vì sao?
Vì “Tôi đi học” là hồi ức, là kỷ niệm của Thanh Tịnh khi đã trưởng thành. Nghĩa là, chỉ những ai đã TRẢI QUA THỜI KHẮC LẦN ĐẦU TIÊN ĐƯỢC ĐẾN TRƯỜNG HỌC. Các cháu học sinh lớp 1 mới vào trường thì làm sao có những ký ức này mà tiếp nhận?
Ngoài ra, mục tiêu lớn nhất của việc học ở lớp 1 và ghép vần và tập đọc. Thiếu gì những bài học, những câu văn ngắn để phục vụ mục tiêu này? Hà cớ gì phải lấy “Tôi đi học” rồi tùy tiện chỉnh sửa, cắt gọt thô thiển tác phẩm của người ta với lý do xưa nay đều làm vậy?
Với một lượng câu chữ tương đương, tôi nghĩ, những người biên soạn SGK hoàn toàn có thể lấy ngôn từ, lời ca các bài hát “Con cò be bé”, hay “Mẹ đi vắng”…để đưa vào dạy cho các cháu lớp 1 tập đọc và đánh vần.
Còn văn bản “Tôi đi học” với tư cách một chỉnh thể nghệ thuật hoàn chỉnh và nhất là nhìn ở phương diện mục tiêu dạy học, đối tượng và tâm lý lứa tuổi chỉ nên được chọn lựa để đưa vào SGK ít nhất là từ lớp 3 trở lên. Lý tưởng nhất là lớp 5 khi ấy, các cháu đã nói viết thuần thục nên chỉ việc đưa vào mà không cần cắt gọt, chỉnh sửa tùy tiện.
3. KẾT LUẬN
3.1 Tôi hoàn hoàn đồng ý với PGS Hoàng Dũng về việc khi đưa một “văn bản truyện” vào dạy ở cấp tiểu học cần phải “cắt gọt, chỉnh sửa” sao cho phù hợp trong trường hợp văn bản quá dài. Dẫu vậy điều kiện để làm việc này là:
Thứ nhất, văn bản truyện đưa vào phải vừa sức, phù hợp với tâm lý lứa tuổi từng đối tượng học sinh ở từng lớp học, cấp học...
Thứ hai, cần phân biệt "văn bản truyện" với tư cách là một tác phẩm văn học nghệ thuật với các văn bản "phi văn học" khác. Việc cắt gọt chỉnh sửa văn bản là tác phẩm văn học nhất định phải được thực hiện một cách thận trọng để không phá vỡ cấu trúc tác phẩm hay tệ hơn là làm méo mó, thay đổi ý nghĩa nội dung mà tác giả đã thể hiện trong nguyên tác.
Thứ ba, ở góc độ bản quyền về sở hữu trí tuệ, nếu chưa được sự đồng ý của tác giả mà tùy tiện chỉnh sửa là điều khó chấp nhận. Những phản biện của PGS Hoàng Dũng trong bài viết “XƯA CŨNG NHƯ NAY, TA CŨNG NHƯ TÂY, ĐỀU THẾ” hoàn toàn không chứng minh được: Người biên soạn SGK thời trước tự ý cắt gọt, chỉnh sửa hay nhờ chính tác giả của văn bản “Ngoài đường phố” in trong quyển “Tâm hồn cao thượng” viết lại. (**)
PGS Hoàng Dũng khi viết bài cộng tác cho các báo, vì khuôn khổ của mục báo, người biên tập có thể cắt gọt, chỉnh sửa lại cho phù hợp. Nhưng nếu là một biên tập chuyên nghiệp và tôn trọng tác giả, họ sẽ gửi lại văn bản đã cắt gọt để PGS Hoàng Dũng đọc lại lần cuối và quyết định có đồng ý xuất bản hay không?
Lập luận của PGS Hoàng Dũng vô tình cổ vũ cho việc tùy tiện cắt gọt chỉnh sửa nguyên bản của tác giả cũng như vi phạm bản quyền về sở hữu trí tuệ. Sửa văn người khác, đặc biệt là những áng văn đã trở thành “kinh điển”, đi vào tâm thức của một cộng đồng thiết nghĩ là việc làm cần phê phán.
Thử hỏi, PGS Hoàng Dũng và PGS Bùi Mạnh Hùng có dám cắt gọt chỉnh sửa tùy tiện văn bản “Tuyên Ngôn Độc lập" của Chủ tịch Hồ Chí Minh như đã làm với trường hợp bài văn “Tôi đi học” không?
3.2 Với những gì đã phân tích ở trên, với quan điểm cá nhân tôi cho rằng:
- PGS Bùi Mạnh Hùng đã phạm một sai lầm nghiêm trọng khi đưa văn bản bài bút ký “Tôi đi học” vào dạy ngay ở lớp 1. Vì nó không phù hợp với đối tượng, tâm lý tiếp nhận của các cháu học sinh.
- Việc tùy tiện, chỉnh sửa, cắt gọt câu chữ để phù hợp với dung lượng bài học trong SGK lớp 1 mà Bùi Mạnh Hùng và các cộng sự đã thực hiện theo tôi đã làm méo mó nội dung, ý nghĩa đặc biệt là cảm xúc, sắc thái tình cảm của cố nhà văn Thanh Tịnh.
Vài lời trao đổi với PGS Hoàng Dũng, nếu có gì sơ suất mong Thầy – bậc trưởng thượng chỉ bảo thêm!
--
Chú thích:
(*): Xin xem bài viết “100 năm sau vẫn bồi hồi tôi đi học” trên báo Tuổi trẻ
(**): Đọc thêm ý kiến của GS Huỳnh Như Phương trong bài viết “Tìm văn liệu cho SGK” chúng tôi đã giới thiệu trước đó.
Ngoài ra là một vài hình ảnh lấy từ trang nhà của Thầy Hoàng Dũng!
Bài này tạm coi như kết thúc tranh luận với PGS.TS. Hoàng Dũng trong vụ Tôi đi học, nếu anh vẫn tiếp tục "cãi đến cùn".
Bài thứ nhất trao đổi với anh, tôi nói "ngượng thay" cho anh, vì thấy anh rơi vào một trong các điều cấm tối thiểu để tranh luận học thuật: 1) thiếu hiểu biết căn bản về ngôn ngữ học, 2) trình đọc hiểu rất kém, đến mức hiểu phủ định "không" thành khẳng định "có" rồi chụp mũ tôi hỗn với Thanh Tịnh khi dám nói nhà văn quá trăm tuổi, quá cố là kẻ ngu, 3) cố tình đánh tráo vấn đề để bắc loa cho đám học trò đóng vai bò đỏ bò xanh mạ lị, mạt sát tôi.
Sau bài trao đổi đầu tiên đó, anh không thèm đọc hết, chỉ chộp lấy một cái còm dẫn ngắn của tôi trên trang anh là quy kết ngay: Chu Mộng Long tráo trở hai mặt. Tôi giận nhưng rồi nguôi ngay, vì cái sự quy kết ấy tôi đã quá quen khi bị dư luận viên ném đá.
Sáng nay, đọc bài mới nhất của anh thì tôi đã chuyển hết sang thương. Thương thật lòng. Thương anh tuổi cao sức yếu mà thao thức đêm dài tra cứu, đối chiếu như một nhà khoa học chân chính để viết một bài công phu so sánh việc mà xưa và nay, Tây và ta đều làm: cắt xén, đẽo gọt nguyên tác thành bài học cho trẻ em.
Có lẽ làm được như vậy, anh đang rất hạnh phúc và thăng hoa, vượt qua được tuổi già và bệnh tật.
Tôi định không viết bài trao đổi nữa, vì không khéo sẽ nhẫn tâm đưa anh vào hụt hẫng.
Từng nghe anh Đỗ Ngọc Thống khoe, anh Hoàng Dũng có cái đức "cãi đến cùng" (không phải cãi đến cùn), chợt nghĩ, có lẽ nên trao đổi tiếp để anh có thêm nhiều lần hưng phấn mà "cãi đến cùng".
Bài của anh dài, tôi không chụp màn hình nữa mà chia sẻ nguyên cả link cho mọi người đọc.
Trước hết, cảm ơn anh cho tôi mở tầm mắt, rằng xưa và nay, ta và Tây khi viết sách giáo khoa cho trẻ em đều phải cắt gọt chứ không bao giờ bê nguyên xi nguyên tác. Nhưng anh ơi, tầm mắt mở cỡ đó thì tôi đã mở từ lâu rồi. Học trò của anh lần đầu tiên được mở, xem đó như là phát minh vĩ đại chứ tôi tin thiên hạ đều biết cả.
Thưa anh, tất cả các dẫn chứng của anh, tôi không hề thấy có dẫn chứng nào cắt gọt theo cách của PGS.TS. Bùi Mạnh Hùng trong sách giáo khoa Tiếng Việt 1. Họ cắt gọt rất khéo, dù là câu hay đoạn đều rất thận trọng, giữ tính chỉnh thể và cả hồn cốt của câu văn, đoạn văn trong nguyên tác. Cách làm của những nhà làm sách giáo khoa này không gây tổn thương cho tác giả, nên xưa và nay, Tây và ta không ai phản ứng. Trong khi cách cắt gọt của PGS.TS. Bùi Mạnh Hùng cắt gọt như anh đồ tể, câu thì chém phần đôi cánh bay bổng, đoạn thì lấy chỗ này đắp vào chỗ kia, chỉ còn trơ một đống xương xẩu và thịt vụn trên cái nong tiệc man di được gọi là bài học cho trẻ em học. Cắt gọt như vậy thì, nếu Thanh Tịnh còn sống ắt ông sẽ gào thét lên to hơn dư luận đang mắng ông Hùng đấy ạ!
So sánh với đồ tể là xúc phạm đồ tể, vì nếu là anh mổ trâu chuyên nghiệp thì cũng có sự khéo léo nhất định, món nào ra món nấy. Cắt gọt như PGS.TS. Bùi Mạnh Hùng không khác đồ tể, nhưng là đồ tể ở pháp trường, đồ tể hành hình tội nhân khi bị kết tội tùng xẻo!
Cắt gọt theo các dẫn chứng của anh còn nhận ra tác quyền tác giả. Cắt gọt kiểu ông Bùi thì chỉ có thể nhận ra một Thanh Tịnh sau khi đã bị tùng xẻo. Lẽ nào thiên hạ từng học Tôi đi học thấy rõ điều đó mà một nhà ngôn ngữ học như anh lại không nhìn thấy?
Tóm lại, đọc hết bài anh, thương cho anh đã phí công sưu tập và viết bài để bào chữa cho ông Bùi và cũng cho chính anh. Anh đã lạc đề khi không hiểu tôi đã viết gì. Tôi không chỉ trích sự "cắt gọt", mà chỉ trích sự cắt xén, vá víu tuỳ tiện, cẩu thả, thô thiển phá nát hồn cốt văn của nhà văn Thanh Tịnh rồi gán cho là của Thanh Tịnh.
Anh không nên "cãi đến cùn" nữa, tổn thương tinh thần cho anh lắm. Hãy bình tâm, hiểu kỹ những điều tôi viết rồi hãy trao đổi tiếp.
Trong status “Phải căn cứ vào văn bản gốc của Thanh Tịnh khi phê phán bài đọc trong sách giáo khoa”, tôi đi đến kết luận:
“Thực tế cho thấy khó lòng tìm được một văn bản truyện (với thơ thì khác) vừa đúng với ý đồ biên soạn của các tác giả sách giáo khoa, vừa không quá khó đối với trình độ học sinh, lại vừa trong phạm vi độ dài quy định. Cho nên, đối với phần lớn các văn bản truyện, bộ sách giáo khoa nào cho cấp Tiểu học, nhất là các lớp đầu cấp, cũng phải cắt gọt, chỉnh sửa. Việc dạy nguyên bản (không chỉnh sửa) các văn bản truyện chỉ khả thi đối với sách giáo khoa cho cấp Trung học. Nếu không cắt gọt, chỉnh sửa thì các tác giả sách giáo khoa Tiểu học chỉ còn một cách: tự mình viết văn bản. Mà cách này chưa nói chuyện bất khả thi, chắc gì đã tốt hơn!”
Tôi còn nói thêm: “Những ai đã quen thuộc với cách biên soạn sách giáo khoa đều hiểu như thế”.
Một số bạn bè, chưa quen với việc biên soạn sách giáo khoa môn Tiếng Việt cấp tiểu học, vẫn thắc mắc, nhắn tin, gọi điện, để chất vấn. Cực chẳng đã, tôi phải trình bày thêm tư liệu: một cuốn trong nước, là sách dạy tiểu học thời Việt Nam Cộng hòa, cuốn “Việt văn tân tập” lớp nhì (ảnh 1) (tức là lớp 4 ngày nay) của Đặng Duy Chiểu và một nhóm giáo viên, in năm 1964 tại Sài Gòn và một cuốn ở nước ngoài, cuốn “Cambridge Primary English” lớp 3 (ảnh 6) của Gill Budgell và Kate Ruttle, in năm 2015, do Đại học Cambridge xuất bản. Mỗi cuốn tôi chỉ nêu một ví dụ.
Trong cuốn thứ nhất, tr. 63, sách đưa bài “Ngoài đường phố” (ảnh 2) và ghi “Theo Hà Mai Anh (Tâm hồn cao thượng)” ở cuối bài. Tại sao không ghi “Hà Mai Anh”? Một sự đối chiếu tỉ mỉ giữa văn bản trong sách và nguyên bản “Tâm hồn cao thượng” của Hà Mai Anh (bản tôi dùng in năm 1944 ở Hà Nội – ảnh 3) sẽ giải thích lý do.
Toàn văn bài trong “Việt văn tân tập” như sau:
“Ngoài đường phố
Con nên nhớ những khi gặp những người già nua, những kẻ nghèo khó, những đàn bà ôm dắt trẻ thơ, những kẻ tàn tật, những người khuân vác nặng nề, những người đầu tang tóc rối, con phải nhường bước. Đứa trẻ kia đứng khóc một mình, con chạy lại hỏi han, dỗ dành hoặc chỉ bảo. Cụ già nọ đánh rơi cây gậy, con lại nhặt giúp. Gặp trẻ con cãi nhau, con đứng lại can ngăn.
Khi có đám ma đưa qua, đừng cười, nói với bạn con nữa, hãy ngả mũ chào, vì biết đâu ngày mai, nhà con cũng sẽ có người quá cố.
Con phải biết rằng chỉ liếc mắt trông qua cử chỉ của nhân dân đi ngoài phố mà người ta có thể xét đoán được trình độ giáo dục của một dân tộc.”
So với nguyên bản, những câu sau đây bị lược bỏ (được đóng khung màu đỏ trong hai ảnh 4 và 5):
- Con ơi!
- Ta phải kính trọng tuổi thọ, cảnh cơ hàn, tình mẫu tử, cảnh tàn tật, sự lao khổ và sự tử vong. Mỗi khi con thấy xe đến chân mà người ta không biết, nếu là người lớn thì con gọi bảo, nếu là trẻ con thì con chạy dắt vào.
- Gặp người lớn đánh nhau, con hãy tránh xa để khỏi phải nhìn tấn kịch thương tâm nó sẽ làm trơ rắn lòng con.
- Gặp người bị trói giải qua đường, con không nên nhập bọn với những kẻ tò mò độc ác mà nhìn người ta, vì có khi họ là người oan uổng, vô tội.
- Trông thấy những trẻ em trường Bà Phước xếp hàng đi qua, mù loà có, câm điếc có, què quặt có, mồ côi có, vô thừa nhận có, con nên giữ thái độ và tưởng tượng rằng đó là những số phận xấu số và những tấm lòng từ thiện của loài người đang diễn ra trước mặt con.
- Có ai hỏi thăm đường, con phải trả lời cho có phép.
- Đừng chế nhạo ai, đừng chạy nhảy, đừng nô đùa, đừng hò reo, đừng xô đẩy, phải giữ luật đi đường.
- Ở xứ nào mà con nhìn thấy những điều thô bỉ ở ngoài đường, tất con sẽ nhìn thấy những điều thô bỉ ở trong nhà.
Có khi một vài chữ bị lược (khung màu đỏ trong hai ảnh 4 và 5):
- hãy ngả mũ chào, vì biết đâu ngày mai, nhà con cũng sẽ có người [tạ thế]. => hãy ngả mũ chào người [tạ thế].
- trông qua cách cử chỉ => trông qua cử chỉ
- trình độ giáo dục của cả một dân tộc => trình độ giáo dục của một dân tộc
Và một vài chữ bị thay đổi (vòng màu xanh trong hai ảnh 4 và 5)
- con đứng lại can ngăn => con dừng lại can ngăn
- người tạ thế => người quá cố
- nhân dân đi ngoài phố => nhân dân ngoài đường phố
Tính riêng về độ dài, từ một văn bản 375 chữ được rút xuống còn 145 chữ.
Một sự thay đổi như thế (lược bỏ, thay chữ) khiến sách phải ghi “Theo Hà Mai Anh”, nghĩa là có cùng cách xử lý của các tác giả sách Tiếng Việt lớp 1, tập 2, bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống”, đối với bài “Tôi đi học” của Thanh Tịnh.
Trong cuốn thứ hai, tr. 15, sách đưa một đoạn văn lấy từ cuốn “Amazing Grace” của Mary Hoffman (ảnh 7).
Toàn bộ đoạn văn có 266 từ. Trong khi đó, phần tương ứng trong nguyên bản (tôi dùng “Amazing Grace” do Dial Books for Young Readers tái bản năm 2016) có 400 từ. Sự thay đổi trước hết là do hai tác giả cắt gọt rất quyết liệt, có khi đến 10 câu liền với 139 từ!
Chưa hết, sách còn thay đổi về mặt ngữ pháp. Chẳng hạn, nguyên tác là "He isn't black." trong khi sách giáo khoa lại "He wasn't black."
Có khi viết chi tiết hơn. Chẳng hạn, nguyên tác “She didn't care if they were from books or movies or out of Nana's long memory”, so với sách giáo khoa “She didn't care if they were from books or on TV or in films or on the video or out of Nana's long memory”
Có khi thay hẳn bằng một câu khác, với ý khác, chẳng hạn nguyên tác viết: "A girl can be Peter Pan if she wants to.", còn trong sách giáo khoa là "Peter Pan is always a girl!"
Xin xem bản đối chiếu (các ảnh 9, 10 và 11).
Sự khác biệt lớn như thế giữa sách giáo khoa và nguyên tác khiến hai tác giả Gill Budgell và Kate Ruttle của Đại học Cambridge cũng phải ghi “From Amazing Grace by Mary Hoffman” ở cuối bài, có thể dịch là “Theo cuốn Amazing Grace của Mary Hoffman”.
Tôi không bàn về chất lượng của việc cắt gọt, chỉnh sửa của hai nhóm tác giả “Việt văn tân tập” lớp nhì và “Cambridge Primary English” lớp 3. Tôi chỉ muốn nói: Đưa văn bản truyện vào sách giáo khoa tiểu học thì trong nhiều trường hợp không thể không cắt gọt, chỉnh sửa. Xưa cũng như nay, ta cũng như tây, đều thế!
Tôi xin giấu cái sự ngượng trước để cảm ơn PGS.TS. Hoàng Dũng vì đã có bài trả lời thay cho các tác giả Sách giáo khoa Tiếng Việt, bộ Kết nối tri thức do PGS.TS Bùi Mạnh Hùng làm Tổng chủ biên kiêm chủ biên.
Bỏ qua những phần chày cối lủng củng để mắng tôi, bài phản biện dài của ông Dũng nằm trọng tâm ở 2 ý: 1) Tôi, Chu Mộng Long, hỗn với nhà văn Thanh Tịnh khi viết: “Thanh Tịnh không ngu đến mức”, 2) Cả 4 câu của đoạn thứ 2 SGK đều có trong nguyên tác, dẫn ra từ “Quê mẹ” của nhà xuất bản Bút Việt, Sài Gòn, 1975.
Ông kết luận, rằng PGS.TS. Bùi Mạnh Hùng trung thành với nguyên tác, chỉ sửa đổi theo quy định khi viết sách giáo khoa và để phù hợp với lứa tuổi tiểu học.
Đọc xong, tôi không giận ông mà thấy ngượng thay cho ông và các giáo sư tiến sỹ ngôn ngữ học!
1) Câu “Thanh Tịnh không ngu đến mức” ông Dũng thiến một nửa và tách ra khỏi văn cảnh rồi chụp mũ tôi chửi nhà văn Thanh Tịnh ngu, nguyên văn rành rành: “Các ông cũng sẽ bào chữa rằng, các ông chỉ ghi "theo Thanh Tịnh" tức "theo mẫu cũ" để "làm mẫu mới", gọi là "mẫu của mẫu"; và như vậy, không phải bê nguyên xi mà có sự chế biến, sáng tạo theo chủ đề, chủ điểm. Nhưng thưa các ông, Thanh Tịnh không ngu đến mức "Tôi đi học" mà khi đi trên con đường thì ngỡ ngàng với bao đổi thay, còn vào lớp thì thấy cũ kỹ, quen thuộc để các ông "theo". Các ông học tại chức, học lưu ban, học trước mới dám lấy râu mình cắm lên cằm các em bé như vậy!”
Hiểu phủ định từ “không” thành nghĩa khẳng định "có" cho đối tượng, có lẽ chỉ có PGS.TS. Hoàng Dũng. Nguyên văn đoạn trên, tôi nói ai “ngu” phía sau mệnh đề “không” ấy mà các ông không hiểu nổi hay cố tình cắt xén, xuyên tạc, đánh bùn sang ao thì tôi chịu thua các ông!
2) Nói 4 câu của đoạn 2 có trong nguyên tác thì ông nên trích nguyên đoạn của người ta, không nên trích từng câu ra khỏi văn cảnh của nó. Tôi trích nguyên hộ ông:
Câu 1, SGK: "Cũng như tôi, mấy cậu học trò mới bỡ ngỡ đứng nép bên người thân".
Nguyên tác cả đoạn của Thanh Tịnh: "Cũng như tôi, mấy cậu học trò mới bỡ ngỡ đứng nép bên người thân, chỉ dám nhìn một nửa hay dám đi từng bước nhẹ. Họ như con chim con đứng trên bờ tổ, nhìn quãng trời rộng muốn bay, nhưng còn ngập ngừng e sợ. Họ thèm vụng và ước ao thầm được như những học trò cũ, biết lớp, biết thầy để khỏi phải rụt rè trong cảnh lạ..."
Câu 2, SGK: "Thầy giáo trẻ, gương mặt hiền từ, đón chúng tôi vào lớp".
Nguyên tác cả đoạn của Thanh Tịnh: "Sau khi thấy hai mươi tám cậu học trò sắp hàng đều đặn dưới hiên trường, ông đốc liền ra dấu cho chúng tôi vào lớp năm. Một thầy trẻ tuổi, gương mặt hiền từ, đang đón chúng tôi vào cửa lớp. Trong thời thơ ấu tôi chưa bao giờ xa mẹ tôi như lần này. Tôi cũng lấy làm lạ vì có nhũng hôm đi chơi suốt cả ngày với chúng bạn ở đồng làng Lệ Xá, lòng tôi vẫn không cảm thấy xa nhà hay xa mẹ tôi chút nào hết..."
Câu 3, câu 4, SGK: "Tôi nhìn bàn ghế chỗ tôi ngồi rồi nhận là vật riêng của mình", "Tôi nhìn người bạn ngồi bên, người bạn chưa quen biết, nhưng không thấy xa lạ chút nào".
Nguyên tác cả đoạn của Thanh Tịnh: "Một mùi hương lạ xông lên trong lớp. Trông hình gì treo trên tường tôi cũng thấy lạ và hay hay. Tôi nhìn bàn ghế chỗ tôi ngồi rất cẩn thận rồi tự nhiên nhận là vật riêng của mình. Tôi nhìn người bạn tí hon ngồi bên tôi, một người bạn tôi chưa hề biết, nhưng lòng tôi vẫn không cảm thấy sự xa lạ chút nào. Sự quyến luyến ấy tự nhiên và bất ngờ quá đến tôi cũng không dám tin là có thật. Một con chim con liệng đến đứng trên bờ cửa sổ, hót mấy tiếng rụt rè rồi vỗ cánh bay cao"...
Ông phải hiểu trong bài trước, tôi nói cả đoạn văn thứ 2 SGK không có trong nguyên tác, tức không phải của Thanh Tịnh, chứ không phải nói từng câu. Tôi phải dẫn đủ như trên để phản bác ông chơi trò cắt xén tuỳ tiện, đánh lừa bạn đọc.
Tôi thừa nhận với ông Hoàng Dũng, cả 4 câu thuộc đoạn 2 SGK đều có trong nguyên tác của Thanh Tịnh, nhưng tôi khẳng định với ông, không có câu nào mang hồn cốt của văn Thanh Tịnh. Bởi 1) Ông Bùi Mạnh Hùng cắt xén cái hồn cốt rất tinh tế, sống động ở nội dung miêu tả chuyển biến tâm lý của nhân vật tôi, chỉ còn trơ cái cục xương đã nấu chín trong nồi lẫu của chính ông Hùng, 2) Bốn câu ở ba văn cảnh khác nhau, Thanh Tịnh miêu tả cái mới lạ với sự ngỡ ngàng, thẹn thùng, kể cả e ngại, lo âu của trẻ em ngày đầu đến trường, dần dần mới đi đến sự làm quen, ông Bùi Mạnh Hùng cắt sạch ra khỏi văn cảnh, chỉ giữ mấy câu về sự thân thuộc để chắp vá lại thành một đoạn văn tối nghĩa, vô hồn, không phải để minh hoạ thô thiển, cưỡng ép cho chủ đề “Trường học thân thiện” là gì?
Là PGS.TS. ngôn ngữ học, ông có hiểu quan hệ giữa một câu với đoạn, văn bản và toàn bộ văn cảnh của câu không? Không cần nói tính thẩm mỹ văn chương với ông một cách xa xỉ, ngay cả cứ cho đoạn 2 SGK là tóm tắt văn bản theo ngôn ngữ học đi, thì hỏi ông, có nguyên tắc tóm tắt văn bản nào cắt nửa câu văn ra khỏi câu, cắt câu ra khỏi đoạn rồi gộp lại các câu ở các văn cảnh khác nhau thành một đoạn không? Cách làm nhặt nhạnh, cắt xén, vá víu vụn vặt, tối và rối như vậy gọi là dễ hiểu, thích hợp với trẻ em chăng?
Hai đoạn của sách giáo khoa chẳng ăn nhập gì với nhau cả nội dung lẫn phong cách như tôi đã phân tích ở bài trước mà ông vẫn khư khư bảo là “vẫn liền mạch” thì tôi bó tay với trình độ ngôn ngữ học của ông!
Nhặt 4 câu văn dở nhất trong một áng văn hay, lại cắt xén như đồ tể rồi hợp nhất thành một đoạn, chẳng khác bắt trẻ con ăn ba cục thịt sống sượng rồi bảo "theo Thanh Tịnh", riêng Hoàng Dũng còn khẳng định "của Thanh Tịnh", thì có đáng bị mắng không?
Một đoạn văn mà ai từng học Tôi đi học của Thanh Tịnh đều không thể nhận ra là của Thanh Tịnh thì là của ai? Một đoạn văn cắt xén, chắp vá vô hồn như vậy mà bảo là văn của Thanh Tịnh thì ai đã hỗn láo với cố nhà văn trên trăm tuổi?
Thưa ông và các nhà ngôn ngữ học, mượn châm ngôn về cái bánh mì và lời nói, tôi khẳng định: Nửa cái bánh mì vẫn là bánh mì. Nhưng cắt nửa câu văn, tách câu văn ra khỏi văn cảnh thì không còn là văn nữa. Nó là sản phẩm của sự ăn cắp thô thiển, xảo trá, xuyên tạc, bịp bợm, loạn chữ, áp đặt và chụp mũ người khác.
Quy định nào cho phép làm sách giáo khoa thì phải làm như trên, ông có thể dẫn ra cho mọi người xem được không? Hay cái quy định ấy là do cái đầu các ông tự tưởng tượng một cách thô thiển và vô nguyên tắc?
Trong các đoạn nguyên văn được trích trên của Thanh Tịnh, câu chữ nào khó hiểu đối với trẻ em buộc phải cắt xén cho thích hợp theo quy định như ông nói, hãy chỉ ra đi, tôi sẽ giảng từng câu chữ ấy cho các ông nghe?
Ông làm oai, dẫn từng đoạn GS.TS. Nguyễn Đức Tồn đạo văn của người khác để tự cho mình “liêm chính học thuật”, trong khi, bỏ qua chuyện các ông cắt xén văn tôi để chụp mũ tôi, việc làm của các ông còn tệ hơn ông Tồn: xuyên tạc, làm méo mó văn của người ta rồi gán cho người ta viết thứ văn củ chuối như vậy!
Tôi nói ông Bùi nhả bọt lên trang văn của Thanh Tịnh, phun mưa lên đầu trẻ em là còn nhẹ đấy. Khi đưa một văn bản cắt xén thô thiển, rối và tối nghĩa vào sách dạy trẻ em, lại còn mạo danh tên tuổi nhà văn, thì các ông còn mang tội bôi nhọ nhà văn, đầu độc, làm loạn não trẻ em. Tội sau không nhỏ hơn tội trước đâu!
Làm giáo dục mà làm sai gây hậu quả nghiêm trọng cho trẻ em thì ắt bị dân mắng. Các ông có là ông trời tôi cũng mắng!
Mà các ông đã bao giờ biết ngượng để tiếp thu và sửa sai đâu mà tỏ ra nhạy cảm với sự "mắng mỏ"?
Nói thẳng với các ông một câu: Không ai làm mất uy tín giáo sư tiến sỹ bằng chính việc làm của giáo sư tiến sỹ!
Chu Mộng Long
----------
Chú thêm:
1) Nếu cần giới hạn độ dài 90-130 chữ theo quy định, thì chỉ cần lấy nguyên một đoạn nào đó trong văn Thanh Tịnh, việc gì phải cắt xén từng câu ở mỗi nơi khác nhau rồi gộp lại thành đoạn cho lủng củng và tối nghĩa? Đoạn văn của ông Bùi dể hiểu và thích hợp với trẻ em kiểu gì vậy?
2) Nếu nhặt nhạnh mỗi mảnh một nơi rồi cộng gộp thành đoạn như vậy, thì tôi thử làm trên chính văn bản của ông Hoàng Dũng, ông có giãy đành đạch rằng không phải của ông không?
"Anh Chu Mộng Long vừa viết một status phê phán bài đọc “Tôi đi học. Vì thế, thiết tưởng chỉ cần tập trung vào văn bản của Thanh Tịnh. Tất nhiên, câu văn của Thanh Tịnh đã được sửa chữa, cắt gọt. Quê mẹ: Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tôi tự nhiên thấy lạ." (Theo Hoàng Dũng)
PHẢI CĂN CỨ VÀO VĂN BẢN GỐC CỦA THANH TỊNH KHI PHÊ PHÁN BÀI ĐỌC TRONG SÁCH GIÁO KHOA
Anh Chu Mộng Long vừa viết một status phê phán bài đọc “Tôi đi học” trong sách Tiếng Việt lớp 1, tập 2, bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống”.
Toàn văn bài đọc như sau:
Tôi đi học
Một buổi mai, mẹ âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã đi lại nhiều lần, nhưng lần này tự nhiên thấy lạ. Cảnh vật xung quanh tôi đều thay đổi. Hôm nay tôi đi học.
Cũng như tôi, mấy cậu học trò mới bỡ ngỡ đứng nép bên người thân. Thầy giáo trẻ, gương mặt hiền từ, đón chúng tôi vào lớp. Tôi nhìn bàn ghế chỗ tôi ngồi rồi nhận là vật riêng của mình. Tôi nhìn bạn ngồi bên, người bạn chưa quen biết, nhưng không thấy xa lạ chút nào.
(Theo Thanh Tịnh)” (Ảnh 1)
Tôi không bàn những chỗ anh Chu Mộng Long giả định: “Có khi nào các ông đổ lỗi như đã từng đổ lỗi, rằng do Ban Tuyên giáo ép buộc, kiểm duyệt”; cáo buộc: các tác giả Tiếng Việt lớp 1 “chính thức đề xuất "văn mẫu" trong sách giáo khoa là một kiểu mẫu mực để học sinh sự [?] xào nấu, chế biến”, “giáo dục áp đặt, cưỡng chế”; mắng mỏ: “PGS.TS. Bùi Mạnh Hùng đã nhả nước bọt lên trang văn trong trẻo của Thanh Tịnh và phun mưa lên những cái đầu hồn nhiên của trẻ em”; hạ nhục: “Ông Bùi học tại chức hay học lưu ban, được bố mẹ gửi thầy cô trước hay đã học trước rồi học lại nên khi vào lớp thấy gì cũng quen thuộc và của mình?”; dạy bảo: “Các ông không hiểu rằng, có ngỡ ngàng bởi bao điều mới lạ thì "Tôi đi học" mới có niềm vui và hứng thú thật sự. Còn đã quen thuộc, cũ kỹ thì nhàm chán đến phát ói, hiểu chưa?”.
Tất cả những việc đó đều đặt trên cơ sở khẳng định của Chu Mộng Long “Chỉ có 3 câu cuối của đoạn đầu cắt xén từ Tôi đi học của Thanh Tịnh”, còn lại “Đoạn 2 hoàn toàn không có trong nguyên tác của Thanh Tịnh”. Vì thế, thiết tưởng chỉ cần tập trung vào văn bản của Thanh Tịnh đối chiếu với văn bản trong sách giáo khoa, đặc biệt là đoạn 2, để xem xét khẳng định của Chu Mộng Long, có đúng hay không.
Văn bản “Tôi đi học” tôi dùng là lấy từ bản “Quê mẹ” của nhà xuất bản Bút Việt, Sài Gòn, 1975 (Ảnh 2).
(1) Tiếng Việt, tập 2: Con đường này tôi đã đi lại nhiều lần, nhưng lần này tự nhiên thấy lạ.
Quê mẹ: Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tôi tự nhiên thấy lạ. (Ảnh 3)
(2) Tiếng Việt, tập 2: Cũng như tôi, mấy cậu học trò mới bỡ ngỡ đứng nép bên người thân.
Quê mẹ: Cũng như tôi, mấy cậu học trò mới bỡ ngỡ đứng nép bên người thân, chỉ dám nhìn một nửa hay dám đi từng bước nhẹ. (Ảnh 4)
(3) Tiếng Việt, tập 2: Thầy giáo trẻ, gương mặt hiền từ, đón chúng tôi vào lớp.
Quê mẹ: Một thầy trẻ tuổi, gương mặt hiền từ, đang đón chúng tôi trước cửa lớp. (Ảnh 5)
(4) Tiếng Việt, tập 2: Tôi nhìn bàn ghế chỗ tôi ngồi rồi nhận là vật riêng của mình.
Quê mẹ: Tôi nhìn bàn ghế chỗ tôi ngồi rất cẩn thận rồi tự nhiên lạm nhận là vật riêng của mình. (Ảnh 6)
(5) Tiếng Việt, tập 2: Tôi nhìn bạn ngồi bên, người bạn chưa quen biết, nhưng không thấy xa lạ chút nào.
Quê mẹ: Tôi nhìn người bạn tí hon ngồi bên tôi, một người bạn tôi chưa hề biết, nhưng lòng tôi vẫn không cảm thấy sự xa lạ chút nào. (Ảnh 6)
Bằng vào tư liệu trên, có thể kết luận:
Một, không có chỗ nào ủng hộ xác quyết của Chu Mộng Long: “Đoạn văn của Thanh Tịnh biến con đường quen thành lạ; đoạn văn của ông Bùi ngược lại, biến lớp học lạ thành quen rồi cộng lại làm một: Tôi đi học. Ngộ nghĩnh hay ngớ ngẩn vậy?”, “[…] chủ đề của “Tôi đi học” trên trang văn Thanh Tịnh từ đầu đến cuối là ngỡ ngàng bởi bao đổi thay mới lạ chứ không có chỗ nào quen thuộc, gần gũi!”. Thanh Tịnh nói cậu nhỏ lần đầu tiên đi học tự nhiên thấy con đường quen trở nên lạ lẫm. Sách giáo khoa giữ nguyên ý của nhà văn. Nhưng văn bản trong sách giáo khoa viết trong mắt cậu “người bạn chưa quen biết, nhưng không thấy xa lạ chút nào” thì đó cũng là hoàn toàn bám vào ý của Thanh Tịnh. Và như thế, Chu Mộng Long có không tôn trọng các tác giả sách giáo khoa cũng không sao, nhưng cũng nên nể tình cụ Thanh Tịnh, nếu còn sống thì năm nay đúng 110 tuổi, mà rút lại câu nặng nề này: “Thanh Tịnh không ngu đến mức "Tôi đi học" mà khi đi trên con đường thì ngỡ ngàng với bao đổi thay, còn vào lớp thì thấy cũ kỹ, quen thuộc”.
Hai, nhìn chung, đoạn 2 cũng như đoạn 1 đều được các tác giả sách giáo khoa lấy từ văn bản “Tôi đi học” của Thanh Tịnh, trong tập “Quê mẹ” của nhà văn, do đó không thể nói như Chu Mộng Long, “tác giả đích thị phải là PGS.TS. Bùi Mạnh Hùng”.
Tất nhiên, câu văn của Thanh Tịnh đã được sửa chữa, cắt gọt. Tại sao?
Có hai lý do sau đây:
(a) Từ ngữ, cách diễn đạt của nhà văn có khi không phù hợp với học sinh.
(b) Theo quy định cứng của Chương trình Tiếng Việt lớp 1, 2018 (Bộ Giáo dục và Đào tạo), độ dài của truyện và đoạn văn miêu tả chỉ được khoảng 90 - 130 chữ.
Thực tế cho thấy khó lòng tìm được một văn bản truyện (với thơ thì khác) vừa đúng với ý đồ biên soạn của các tác giả sách giáo khoa, vừa không quá khó đối với trình độ học sinh, lại vừa trong phạm vi độ dài quy định. Cho nên, đối với phần lớn các văn bản truyện, bộ sách giáo khoa nào cho cấp Tiểu học, nhất là các lớp đầu cấp, cũng phải cắt gọt, chỉnh sửa. Việc dạy nguyên bản (không chỉnh sửa) các văn bản truyện chỉ khả thi đối với sách giáo khoa cho cấp Trung học. Nếu không cắt gọt, chỉnh sửa thì các tác giả sách giáo khoa Tiểu học chỉ còn một cách: tự mình viết văn bản. Mà cách này chưa nói chuyện bất khả thi, chắc gì đã tốt hơn!
Những ai đã quen thuộc với cách biên soạn sách giáo khoa đều hiểu như thế.
Bài này tôi tặng cho các cháu nhân ngày (sắp) khai trường. Các cháu có cảm xúc gì khi đọc "Tôi đi học" trong sách giáo khoa cải cách?
Cá nhân tôi, khi đọc bài văn "Tôi đi học" trên sách Tiếng Việt 1, tập 2, bộ sách Kết nối tri thức, do PGS.TS. Bùi Mạnh Hùng làm Tổng chủ biên kiêm chủ biên, dưới bài văn có chú tác giả Thanh Tịnh, tôi thật sự ngỡ ngàng. Ngỡ ngàng không phải là cảm xúc "tôi đi học" như các cháu đi học mà ngỡ ngàng vì bài văn kỳ dị râu ông Hùng cắm cằm bé Tịnh. Đoạn đầu tả cảnh con đường tôi đi học, đoạn sau nhảy cóc sang tả thầy giáo và các bạn trong lớp. Một đoạn biểu hiện cảm xúc ngỡ ngàng của em bé Thanh Tịnh trên đường đến trường, một đoạn biểu hiện sự thân thuộc của "ông" Bùi giả làm em bé tại lớp học. Ông Bùi học tại chức hay học lưu ban, được bố mẹ gửi thầy cô trước hay đã học trước rồi học lại nên khi vào lớp thấy gì cũng quen thuộc và của mình?
Tôi học Thanh Tịnh từ thời Việt Nam cộng hoà. Sau này mỗi khi đọc lại, tôi vẫn còn rưng rưng xúc động, sống lại cái cảm xúc của tuổi thơ đến trường. Nhưng khi đọc Tôi đi học trong sách Bùi Mạnh Hùng, lòng tôi lại khô cứng như gỗ đá. Nếu có cảm xúc thì có lẽ có cái gì đó méo mó, lệch lạc, khó nói.
Tôi khẳng định, Tôi đi học trong sách Tiếng Việt 1, tập 2 của Bộ sách Kết nối tri thức không phải do Thanh Tịnh viết, dù được chú là "theo". Tác giả đích thị phải là PGS.TS. Bùi Mạnh Hùng. Chỉ có 3 câu cuối của đoạn đầu cắt xén từ Tôi đi học của Thanh Tịnh. Nguyên văn của Thanh Tịnh:
"Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học".
Đoạn 2 hoàn toàn không có trong nguyên tác của Thanh Tịnh. Chỉ ngửi qua đã cảm cái mùi nhả bọt phun mưa của PGS.TS. Bùi Mạnh Hùng. Oan cho nhà văn Thanh Tịnh. PGS.TS. Bùi Mạnh Hùng đã nhả nước bọt lên trang văn trong trẻo của Thanh Tịnh và phun mưa lên những cái đầu hồn nhiên của trẻ em. Tôi hiểu ông Bùi muốn minh hoạ cho chủ đề "Trường học thân thiện" bằng cách giả vờ dùng từ "bỡ ngỡ", 'khép nép" trong đoạn văn của mình cho ra vẻ em bé rồi chuyển hướng nhanh sang ngợi ca vẻ đẹp quen thuộc, gần gũi của thầy trò xã hội chủ nghĩa. Nhưng thưa ông, chủ đề của Tôi đi học trên trang văn Thanh Tịnh từ đầu đến cuối là ngỡ ngàng bởi bao đổi thay mới lạ chứ không có chỗ nào quen thuộc, gần gũi! Có cưỡng ép kiểu gì theo cái khẩu hiệu "Trường học thân thiện" thì trẻ em đi học ở ngày đầu tiên vẫn luôn mang cảm xúc ngỡ ngàng bởi bao điều mới lạ. Chỉ có thiếu hiểu biết tâm lý thì mới có cái kiểu giáo dục áp đặt, cưỡng chế như vậy! Cảm xúc tự nhiên của con người mà các ông cũng áp đặt, cưỡng chế theo các ông thì các ông đang dạy con gì?
Các ông không hiểu rằng, có ngỡ ngàng bởi bao điều mới lạ thì "Tôi đi học" mới có niềm vui và hứng thú thật sự. Còn đã quen thuộc, cũ kỹ thì nhàm chán đến phát ói, hiểu chưa?
Tôi biết, ông sẽ theo giọng của Biên tập viên NXB Giáo dục Đào Tiến Thi là: 1) Văn bản "mẫu" phải bám sát chủ đề, chủ điểm, 2) Sáng tạo lại theo "mẫu cũ" để thành "mẫu mới". Tôi thật sự ngỡ ngàng khi các ông chính thức đề xuất "văn mẫu" trong sách giáo khoa là một kiểu mẫu mực để học sinh xào nấu, chế biến với 3 bước: bước 1) nhớ và hiểu mẫu, 2) phân tích cách làm của mẫu, 3) làm mới theo chủ đề, chủ điểm. Kết quả là các ông làm gương với bài văn Tôi đi học giả cầy như trên.
Các ông cũng sẽ bào chữa rằng, các ông chỉ ghi "theo Thanh Tịnh" tức "theo mẫu cũ" để "làm mẫu mới", gọi là "mẫu của mẫu"; và như vậy, không phải bê nguyên xi mà có sự chế biến, sáng tạo theo chủ đề, chủ điểm. Nhưng thưa các ông, Thanh Tịnh không ngu đến mức "Tôi đi học" mà khi đi trên con đường thì ngỡ ngàng với bao đổi thay, còn vào lớp thì thấy cũ kỹ, quen thuộc để các ông "theo". Các ông học tại chức, học lưu ban, học trước mới dám lấy râu mình cắm lên cằm các em bé như vậy!
Cái gì mà gặp "người bạn chưa quen biết, nhưng không thấy xa lạ chút nào"? Ông Bùi có được học tâm lý học Piaget, rằng mỗi khi mở rộng quan hệ giao tiếp là trẻ bị khủng hoảng và phải điều tiết mới dần thích nghi?
Câu văn do ông Bùi sáng chế: "Tôi nhìn bàn ghế chỗ tôi ngồi rồi nhận là vật riêng của mình", đúng là không hũ nút (không rõ vật riêng là bàn ghế hay vật gì) thì cũng có vẻ ngộ nghĩnh đấy! Nhưng không hề là ngộ nghĩnh trẻ con mà ngộ nghĩnh của kẻ cắp khi thấy của chung như là của riêng, của người khác như là của mình.
Đoạn văn của Thanh Tịnh biến con đường quen thành lạ; đoạn văn của ông Bùi ngược lại, biến lớp học lạ thành quen rồi cộng lại làm một: Tôi đi học. Ngộ nghĩnh hay ngớ ngẩn vậy?
Có khi nào các ông đổ lỗi như đã từng đổ lỗi, rằng do Ban Tuyên giáo ép buộc, kiểm duyệt. Rằng thì là, nếu để nguyên cái cảm xúc trẻ em đi học thấy ngỡ ngàng bởi bao điều mới lạ như Thanh Tịnh viết là tiểu tư sản, phản động? Nếu có thật thì quan Tuyên giáo nào lên tiếng nhận đi?
Thảo nào, từ khi các ông làm cải cách giáo dục đến giờ, trẻ em tập làm văn là làm cái việc như các ông đã xào nấu, chế biến thô thiển văn của người ta!
Sự chế biến thô thiển như vậy có phải đã phun nước bọt lên trang giấy trắng học trò, làm bẩn thỉu tâm hồn ngây thơ trong trẻo của trẻ em không?
Cách làm văn thô thiển như vậy mà không biết xấu hổ, còn lẹo lưỡi ra biện bạch là sách giáo khoa phải có Mẹ (mẫu) thì mới có Con. Con sinh ra phải liếm nước bọt của mẹ sao?
Đề nghị PGS.TS. Bùi Mạnh Hùng xoá ngay tên nhà văn Thanh Tịnh ra khỏi sách và ghi rõ vào đó đúng tên tác giả Bùi Mạnh Hùng. Nếu tử tế thì chỉ cần chua thêm: "Có ăn cắp hai câu rưỡi của Thanh Tịnh".
Hiện nay, có lẽ không còn ai chối cãi tình trạng suy giảm hứng thú của học sinh đối với môn Ngữ văn trong nhà trường phổ thông. Điều đó được phản ánh trong thái độ với việc đọc sách, chất lượng học và làm bài văn, khuynh hướng chọn ngành khi vào đại học. Giáo sư Hoàng Như Mai đã báo động tình trạng này trong một bài trả lời phỏng vấn rất thẳng thắn đăng trên báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật cách đây hơn mười năm, với nhan đề: “Môn Văn đang hỏng!”.
Muốn tìm ra lời giải đáp chính xác cho tình trạng nói trên, cần phải có một cuộc điều tra xã hội học rộng rãi để nắm bắt ý kiến của các thầy giáo, cô giáo, các bậc phụ huynh, các nhà khoa học và nhất là các thế hệ học sinh hưởng thụ chương trình Ngữ văn.
Tuy nhiên, nhìn tổng thể, việc môn Ngữ văn mất sức hấp dẫn có thể do nhiều nguyên nhân cùng một lúc: quan niệm dạy văn và học văn chưa tâm phục học sinh, chương trình nặng nề và không hợp lý, sách giáo khoa (SGK) công thức, tỉ lệ giáo viên giỏi nghề không nhiều, thi cử rập khuôn và máy móc, văn mẫu và bệnh thành tích…
2. Đặc điểm văn liệu trong sách giáo khoa
Trong bài này, chúng tôi muốn nêu một nguyên nhân quan trọng cắt nghĩa sự ngán ngại học Ngữ văn trong học sinh, đó là chất lượng một số bài văn tuyển dạy trong chương trình và SGK không thật cao, có một số bài không đạt yêu cầu, thậm chí không xứng đáng đưa vào sách.
Một cuốn SGK thường bao gồm phần bài giảng lý thuyết (một giai đoạn văn học, một vấn đề khái quát, một tác gia…), phần văn liệu để phân tích và phần câu hỏi bài tập. Văn liệu là tư liệu văn học, bao gồm văn bản nghệ thuật (thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, tùy bút…), văn bản chính luận (tiểu luận phê bình)… Đó có thể trở thành ngữ liệu cho một bài giảng về vấn đề ngôn ngữ học, nhưng ngược lại, không phải ngữ liệu nào cũng có thể trở thành văn liệu cho SGK văn học. Lời ăn tiếng nói thông thường, những bài báo, những văn bản nhật dụng có dể dùng làm dẫn chứng cho bài giảng ngôn ngữ học; còn văn bản văn học đích thực phải có giá trị nghệ thuật thì mới đạt yêu cầu của một văn liệu cho SGK.
Vì lý do tế nhị, xin cho phép tôi không nêu cụ thể bài văn nào bị xem là không đạt yêu cầu, nhưng tôi xin giải thích tại sao có thể nói một bài văn/ thơ không xứng đáng đưa vào giảng dạy:
Đó là những bài văn/ thơ hay trích đoạn tác phẩm không có ý tưởng hay suy tư gì sâu sắc hoặc ý tưởng chỉ là minh họa cho những mệnh đề luân lý, chính trị có sẵn.
Đó là những bài văn/ thơ hay trích đoạn tác phẩm có suy tưởng riêng nhưng lại thiếu sự sinh động, xoàng xĩnh về nghệ thuật, thiên về giáo huấn.
Đó là những bài văn/ thơ hay trích đoạn tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật nhưng lại không được chọn dạy đúng cấp học, lớp học, nên không phù hợp với tâm lý lứa tuổi học sinh.
Đó là những bài văn/ thơ hay trích đoạn tác phẩm đáp ứng ba yêu cầu nói trên nhưng lại không giúp ích cho việc giảng dạy và làm sáng tỏ một chủ đề nhất định theo cấu trúc chương trình có sẵn.
Theo ghi nhận của chúng tôi, cách chọn văn bản lâu nay thường đặt yêu cầu 4 làm tiên quyết, ví dụ dạy chủ đề tình bạn, tình yêu quê hương đất nước thì tìm những văn liệu gì có liên quan để minh họa mà không chú ý thích đáng đến 3 yêu cầu trên đây.
Nói về văn liệu ở từng cấp học, thiết nghĩ chọn văn liệu cho SGK cấp tiểu học và trung học cơ sở khó hơn cho cấp trung học phổ thông; chọn văn liệu từ văn học hiện đại khó hơn từ văn học cổ điển. Tôi xin nói rõ hơn điều nhận xét này.
Những bài văn chọn dạy cho cấp tiểu học thường là những bài ngắn trong khi nguyên văn các tác phẩm, trừ thể loại thơ, viết cho thiếu nhi thường vượt quá khuôn khổ một tiết dạy, vì vậy mà thời gian qua, có một số trường hợp soạn giả SGK phải biên tập, sửa chữa, thậm chí cắt bớt văn liệu gốc khiến tác giả phiền lòng. Thơ viết cho thiếu nhi của Xuân Quỳnh, Phạm Hổ, Võ Quảng có thể chọn nguyên bài cho SGK, nhưng văn cho thiếu nhi của Tô Hoài, Đoàn Giỏi, Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư… khó để nguyên văn khi đưa vào SGK. Nói khó, vì cảm thụ một bài văn trong không gian lớp học khác với ở nhà, nên có khi soạn giả phải nhờ chính tác giả viết lại để vừa với khuôn khổ và mức độ của SGK. Khi đã chọn một bài văn/ thơ hay cho HS cấp tiểu học tiếp nhận, thì tác dụng tích cực rất lâu dài. Ở miền Nam thời tiểu học, chúng tôi chưa được biết Tố Hữu là ai, nhưng nhờ học SGK mà thuộc bài thơ Mồ côi cho đến bây giờ. Theo chúng tôi, ở tiểu học, nên dạy những tác phẩm hay, súc tích chứa đựng những câu chuyện đạo đức; những bài ca dao, truyện cổ tích, truyện đồng thoại…
Theo cảm nhận chủ quan của tôi, có lẽ viết SGK Ngữ văn cho học sinh trung học cơ sở là thú vị nhất. Lứa tuổi từ 12 đến 15 này là lứa tuổi đang đổi thay và khám phá; tình yêu, tình bạn, tình gia đình, tình quê hương đất nước, lẽ sống đều chớm nở và đi đến độ chín, một bài văn hay sẽ thanh lọc và bồi dưỡng biết bao tình cảm đẹp cho học sinh. Từ lớp 6 đến lớp 9 nên chủ yếu dạy văn học hiện đại, với những áng văn chương đẹp, nói lên hình ảnh tích cực về thiên nhiên, xã hội, đất nước và con người; tránh đưa vào SGK những văn bản nặng nề với những góc tối của đời sống. Tại sao? Vì những bóng tối, cái xấu rồi cuộc đời sẽ bắt các em chịu đựng, nhà trường và văn học hãy truyền cho các em ánh sáng, cái đẹp để có đủ sức chống chọi và đứng vững trước những thử thách của cuộc đời. Văn học Việt Nam đầu thế kỷ 20 đến nay, ở miền Bắc cũng như miền Nam, không thiếu tác phẩm hay phù hợp với lứa tuổi này, miễn là các soạn giả có hiểu biết về văn học, chịu khó đọc và sưu tầm, chọn lọc. Cái khó nhất ở đây là chọn văn bản tiêu biểu và phù hợp, tiêu biểu về tác giả, về khuynh hướng sáng tác, về giai đoạn văn học và phù hợp với chủ điểm bài giảng, với lứa tuổi.
Đối với bậc trung học phổ thông, theo chúng tôi, hai lớp 10 và 11 là độ tuổi học sinh thích hợp về tâm thế để dạy văn học cổ điển từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 19. Lúc này học sinh có chút ít vốn liếng về lịch sử và văn hóa, về vốn từ Hán Việt nên tiếp nhận thuận lợi hơn. Ở đây có một nghịch lý này: dạy và biên soạn SGK về văn học cổ điển khó hơn văn học hiện đại, nhưng chọn văn bản và tác giả thì thuận lợi hơn vì giá trị tương đối định hình, ít gây tranh cãi. Dù vậy, đối với những tác phẩm lớn (Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm khúc, Cung oán ngâm khúc…), việc trích văn cũng cần cân nhắc và chọn lựa những đoạn có giá trị nhân bản và giá trị nghệ thuật nhất. Chẳng hạn, trong Truyện Kiều, nên chọn những đoạn Kiều đi chơi thanh minh hay Kiều ở lầu Ngưng Bích hơn là cảnh báo ân báo oán.
Vấn đề khó nghĩ nhất là lớp 12. Ở miền Nam trước 1975 và ở một số nước phương Tây hiện nay, học sinh lớp cuối cùng bậc trung học không còn học Ngữ văn nữa mà học Triết học. Bắt đầu tuổi trưởng thành, sắp học nghề để bước vào đời hay sắp lên Đại học, họ cần được trang bị sâu sắc về lý tính để từng bước hình thành nhân sinh quan và thế giới quan. Trong khi học sinh độ tuổi 18 ở nước người tập suy nghĩ về những vấn đề tâm lý học, đạo đức học, logic học, thì học sinh độ tuổi đó ở xứ ta vẫn còn nức nở với tiếng khóc của cô Mỵ và say sưa “ôi con sóng nhớ bờ”… Không trách tầm cảm và tầm nghĩ của học sinh ta hạn hẹp đến thế.
Chương trình Ngữ văn trước đây cố gắng bảo đảm cho học sinh, từ lớp 10 đến lớp 12 nắm được diễn trình văn học Việt Nam từ văn học dân gian đến văn học hiện đại, một quan niệm xuyên suốt từ thời Dương Quảng Hàm đến nay. Chương trình mới ban hành vẫn tiếp tục quan niệm đó nhưng linh hoạt hơn trong việc gợi ý và cho phép soạn giả SGK tìm và đề xuất văn liệu mới phù hợp. Đây là một thử thách đặt ra cho người làm sách và tạo một chút không gian học thuật để các bộ SGK cạnh tranh nhau về chất lượng và sức hấp dẫn.
Chúng tôi đề nghị, ở lớp 12, SGK nên chọn những văn bản văn học Việt Nam và văn học nước ngoài có chiều sâu triết lý, có tầm tư tưởng và giá trị nghệ thuật cao. Nên tránh những văn bản mà 10 năm, 20 năm sau trở thành lạc hậu trước sự phát triển của nhận thức xã hội và tư duy con người đương đại.
3. Văn liệu trong sách giáo khoa và quan niệm dạy Ngữ văn
Hiện nay việc chọn văn liệu cho SGK Ngữ văn đang đụng chạm đến quan niệm dạy và học Ngữ văn ở nhà trường phổ thông và điều này có liên quan đến quan niệm giáo dục vốn có những cách nhìn không thống nhất. Nhân đây chúng tôi xin nêu ý kiến của mình về quan niệm dạy Ngữ văn.
Một, dạy Ngữ văn ở trường phổ thông là dạy nghề hay dạy người? Chúng tôi tán thành quan niệm dạy Ngữ văn ở phổ thông chủ yếu là để dạy người, dạy Ngữ văn ở đại học mới là dạy nghề. Tuyệt đại đa số học sinh không đi theo nghề văn, dù là dạy văn hay nghiên cứu văn học, mà họ cần văn học như một nguồn dinh dưỡng tinh thần để sống ở đời. Hiện nay trên sách báo, internet, bên cạnh những tác phẩm tinh hoa, xuất hiện đầy rẫy văn học thứ cấp. Nhiều học sinh mê đắm tiểu thuyết ngôn tình, sa lầy vào đó, dần dần mất cân bằng trong cảm thụ và có thể tự mình hủy hoại cảm xúc và thị hiếu lành mạnh của mình. Cần đưa vào SGK trung học cơ sở những bài văn đẹp về tình yêu không thiếu trong văn học Việt Nam hiện đại, để góp phần giành lại tâm hồn của những học sinh chỉ biết có tiểu thuyết ngôn tình. Cần khơi gợi cho học sinh trung học phổ thông nghĩ đến những vấn đề về sự tồn vong của đất nước, về lý tưởng dân chủ, về thảm họa môi trường sinh thái, về bi kịch của số phận con người để họ đứng cao hơn văn chương thứ cấp.
Hai, dạy Ngữ văn ở trường phổ thông là dạy tư tưởng hay tình cảm? Theo chúng tôi, đây chủ yếu là dạy tình cảm, nhất là tình cảm thẩm mỹ. Tất nhiên, trong văn học có tư tưởng, nhưng đó là tư tưởng hình tượng, tư tưởng truyền bằng con đường tình cảm, chứ không phải tư tưởng chính trị và đạo đức sống sượng. Chúng ta đã vượt qua giai đoạn văn nghệ minh họa, nhưng dạy văn, học văn và thi văn hiện nay vẫn chưa thoát khỏi cung cách minh họa nhằm diễn dịch cho những tư tưởng được ưu tiên truyền bá, và điều đó không tránh khỏi gây ra phản tác dụng khi gặp phản ứng trái chiều nơi những người trẻ vốn không muốn dạy văn một cách áp đặt. Chính vì vậy mà văn liệu SGK phải là những tác phẩm hay, có sức truyền cảm, lay động lòng người.
Ba, dạy Ngữ văn ở trường phổ thông là dạy ngữ hay dạy văn? Quan điểm tích hợp ngữ văn là một quan điểm mới mẻ, hiện đại, bởi, nói theo Humboldt, “thi ca là nghệ thuật thông qua ngôn ngữ”. Nhưng suy cho cùng, văn học như là nghệ thuật ngôn từ vẫn là môn chủ đạo của giáo dục nhân văn. Trong các nhà giáo biên soạn SGK Ngữ văn trước đây và hiện nay, có những nhà ngôn ngữ học uyên bác nhưng cũng rất cần những nhà khoa học nhạy cảm với cái đẹp, có cảm thụ văn học tinh tế, đọc được nhiều tác phẩm văn học để có thể chọn lựa và giải mã những văn bản nghệ thuật có giá trị tự thân thay vì chỉ là công cụ để minh họa cho những kiến thức và luận đề ngôn ngữ học. Những phương pháp mới gắn liền với những lý thuyết hiện đại như phong cách học, thi pháp học, ký hiệu học, ngữ dụng học là để trang bị cho người giáo viên phân tích và bình giảng hay hơn, sâu hơn văn bản, chứ không phải là để nạp thêm kiến thức cho học sinh. Thật là kỳ lạ, kiến thức ngôn ngữ học dạy ở trường phổ thông chưa bao giờ phong phú như bây giờ, nhưng cũng chưa bao giờ học sinh viết tiếng Việt sai chính tả và sai ngữ pháp nhiều như bây giờ.
Trong giáo dục, người giáo viên cần được trang bị về phương pháp sư phạm, cụ thể ở đây là phương pháp giảng dạy Ngữ văn. Nhưng có phương pháp hay đến mấy mà dạy những bài văn mòn sáo, nhàm chán, tẻ nhạt và không phù hợp với đối tượng tiếp nhận thì người giáo viên cũng không thể truyền được tình yêu văn học cho học sinh.
Tất nhiên chọn một bài văn để đưa vào SGK không phải là việc đơn giản. Phải có một bề dày cảm thụ và kinh nghiệm văn học, phải am hiểu tâm sinh lý học sinh, phải có vốn liếng văn học sâu rộng và có bản lĩnh khoa học thì mới tìm được một văn bản hay nhất, tốt nhất để dạy cho một độ tuổi nhất định. Đây phải là công việc của một tập thể chuyên môn, với sự đề xuất và góp ý của đông đảo giáo viên, nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu và phê bình văn học. Nếu chọn đúng thì 30 năm nữa cũng chưa cần thay đổi SGK và sẽ giảm bớt lời than phiền về hố sâu ngăn cách trong kỷ niệm văn học giữa các thế hệ.
Giã từ trường lớp, người học sinh có thể không còn nhớ những phân tích về chủ đề, hình tượng, tư tưởng, thủ pháp… Chỉ vang lên trong họ những câu thơ tráng khí hay thấm đẫm tình yêu mà thầy cô giáo đọc diễn cảm làm rung động tâm hồn họ trong giờ học văn thời thơ ấu, hiện lên trong họ những nhân vật trăn trở và khao khát lý tưởng như người bạn đồng hành trên đường đời vạn dặm. Người ta có thể quên đi những lý thuyết cao siêu về tự sự học hay diễn ngôn, nhưng sẽ nhớ ông đại tướng Carnot về trường cũ thăm thầy giáo, nhớ cậu bé đeo cặp sách đi ngang qua vườn Luxembourg một sáng mùa thu, nhớ người lãng du khắp năm châu bốn biển nhưng vẫn thấy quê hương mình đẹp nhất. Văn học trong nhà trường là sợi dây kết nối những tâm hồn như đã được thể hiện chân thành trong truyện ngắn Tình nghĩa giáo khoa thư của Sơn Nam. Văn đó mới là thứ văn đích thực, đáng dạy và đáng học, chứ không phải thứ văn để ngồi đếm hình dung từ và làm bài tập phong cách học.
4. Kết luận
Chúng tôi thật sự hoan nghênh chương trình Ngữ văn mới đã thể hiện một bước tiến rõ rệt về tư duy giáo dục lẫn quan niệm văn học, so với thời mà kiến thức dạy văn còn sơ lược và công thức, dựa trên những văn bản thiên về tính minh họa. Có thể thấy trong chương trình mới sự cập nhật cả về lý thuyết lẫn văn liệu với những tác giả và tác phẩm có giá trị. Tuy nhiên, vẫn còn có thể đầu tư sâu hơn để nâng cấp cho chương trình, nhất là về văn liệu. Còn nhiều tác phẩm có giá trị cao của những tác giả tầm cỡ, nhất là ở miền Nam, chưa được để ý tới (Nhất Hạnh, Võ Hồng, Bình Nguyên Lộc, Nhật Tiến, Cao Huy Thuần…).
Một chương trình Ngữ văn tốt cần hội đủ cả hai mặt: lý thuyết mới và văn liệu hay. Nhưng nếu lý thuyết mới mà văn liệu tầm thường hoặc lý thuyết cũ mà văn liệu đặc sắc thì biết làm sao? Trong hoàn cảnh khó xử đó, tôi xin chọn phương án hai. Thà dạy theo lối cũ mà được tiếp cận thơ văn hay thì vẫn hứng thú hơn là đem lý thuyết cao siêu làm sang cho những tác phẩm trung bình khá.
HUỲNH NHƯ PHƯƠNG
Tài liệu tham khảo:
Bộ Giáo dục và Đào tạo (2018). Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn. Hà Nội.
Hoàng Như Mai (2005). Tuyển tập. Hà Nội. NXB Giáo Dục.
Ngô Minh Oanh chủ biên (2018): Giáo dục phổ thông miền Nam (1954-1975). TP Hồ Chí Minh. NXB Tổng hợp.
Huỳnh Như Phương (2014). “Môn Ngữ văn trong trường phổ thông – thêm một lần đổi mới”. Kỷ yếu Hội thảo Chương trình và sách giáo khoa trung học phổ thông. Trường Đại học Phú Yên.
Đỗ Ngọc Thống (2011). Chương trình Ngữ văn trong nhà trường phổ thông Việt Nam. Hà Nội. NXB Giáo dục Việt Nam.
Tóm tắt
Xuất phát từ thực trạng sa sút chất lượng trong việc dạy và học môn Ngữ văn ở nhà trường phổ thông, bài viết đi tìm nguyên nhân nơi chất lượng văn liệu trong sách giáo khoa các cấp. Theo tác giả, văn liệu để giảng dạy không phải là phương tiện minh họa cho các lý thuyết mà là những văn bản có giá trị tự thân, có chất lượng thẩm mỹ và phù hợp với đặc điểm tâm lý của học sinh. Có chọn lựa những văn liệu đặc sắc mới đáp ứng được quan niệm dạy Ngữ văn là dạy người, là bồi dưỡng tâm hồn và mới nâng cao sức thu hút của môn Ngữ văn đối với học sinh.
Từ khóa: văn liệu, sách giáo khoa, quan niệm dạy Ngữ văn.
Bài tham luận - "Hội thảo Khoa học quốc gia "Văn học và giảng dạy văn học trong nhà trường - kỷ niệm 100 năm ngày sinh GS.NGND Hoàng Như Mai”, Trường ĐH Văn Hiến, Trường ĐH Khoa học xã hội nhân văn- ĐH QG TPHCM, Hội nghiên cứu và Giảng dạy văn học TP.HCM, ngày 01.6.2019.
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.