Một thông báo mới của giới khảo cổ vào tháng 5 năm 2021.
Toàn văn như ở dưới.
Tháng 6 năm 2021,
Giao Blog
---
Khi học lịch sử Việt Nam ở trong trường học, chúng ta đều được dạy là khi Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi vua, ông đã đặt tên nước ta là Đại Cồ Việt, và đây là tên nước ta từ thời Đinh đến đầu thời Lý. Tuy nhiên, với những bằng chứng khảo cổ được tìm thấy ở Hoa Lư và Thăng Long thì thông tin này không còn chính xác nữa...
I - Về nguồn gốc tên “Đại Cồ Việt”:
Thông tin này bắt nguồn từ cuốn sử thời nhà Lê Sơ, ĐVSKTT (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư) của Ngô Sĩ Liên ở thế kỷ 15:
“Vua lên ngôi, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, dời Kinh ấp về động Hoa Lư..” (ĐVSKTT, tr59)
(nguyên văn: 帝即位建國號大瞿越徙京邑華閭洞)
Kể từ đó, các sách sử viết ở thời sau đều lấy thông tin này. Khi bắt đầu biên soạn bộ SGK lịch sử, Bộ Giáo Dục cũng đưa thông tin này vào mục lịch sử nhà Đinh. Cũng theo ĐVSKTT, đến thời Lý Thánh Tông, tên nước ta mới là Đại Việt.
II - Các hoạt động khảo cổ cho thấy sự vô lý của “quốc hiệu Đại Cồ Việt thời Đinh”
Các nhà khảo cổ đã khai quật được các viên gạch xây thành ở cố đô Hoa Lư và Thăng long thời Đinh - Tiền Lê - đầu thời Lý đều khắc dòng chữ: “Đại Việt Quốc Quân Thành Chuyên” (大越國軍城磗). Không hề có một đồ vật nào cùng niên đại có khắc chữ Đại Cồ Việt. Kể từ lần đầu cho đến lần khai quật mới nhất (tháng 4/2021), vẫn chỉ là các viên gạch mang quốc hiệu Đại Việt, không có Đại Cồ Việt.
Các viên gạch này được mô tả trong cuốn Khảo Cổ Học Việt Nam, tập 3 như sau:
“Gạch có màu đỏ, độ nung cao, thường có vết văn chải, nhiều viên có chữ “Đại Việt quốc quân thành chuyên” được in nổi vào gạch ướt sau khi đã đóng khuôn. Loại Gạch này chiếm tuyệt đại đa số trong số gạch đã phát hiện ở Hoa Lư… loại gạch “Đại Việt quốc quân thành chuyên” được xác định là gạch của thời Đinh”. (Khảo cổ học Việt Nam tập III, trang 57 - Phía dưới là hình ảnh viên gạch).
Cùng là thông tin về nhà Đinh, Tiền Lê thì viên gạch được đúc từ chính thời kỳ đó tất nhiên là sẽ có độ tin cậy cao hơn là những ghi chép cách thời đó gần 600 năm (ĐVSKTT). Khi nghiên cứu về một thời kỳ, vật khảo cổ cùng thời luôn có độ tin cây cao hơn những ghi chép ở thời kỳ sau.
Hơn nữa, ĐVSKTT cũng có rất nhiều lỗi sai, nổi bật nhất là thời kỳ kháng chiến chống Nguyên Mông. Thông tin về thời kỳ này trong SGK và trên các thông tin đại chúng đều là kết quả của sự tra cứu kết hợp và đối chiếu giữa sách sử Việt Nam và Trung Quốc.
III. Các sách sử trước Ngô Sỹ Liên đều không hề nhắc quốc hiệu Đại Cồ Việt:
Bộ chính sử ghi chép từ thời Trần, cuốn Đại Việt Sử Lược không hề nhắc đến Đại Cồ Việt:
“Vương (Đinh Bộ Lĩnh) xưng hoàng đế ở động Hoa Lư. Rồi dựng cung điện, chế triều nghi, sắp đặt trăm quan, lập xã tắc và tôn hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng Đế” (ĐVSL tr.27)
Cuốn Đại Việt Sử Ký của Lê Văn Hưu ở thời Trần đã mất, nhưng Ngô Sĩ Liên đã ghi chép lại bình luận của Lê Văn Hưu vào trong ĐVSKTT. Tất cả lời bình luận của Lê Văn Hưu trước thời Lý đều không có tên Đại Cồ Việt. Khi đề cập đến Đinh Bộ Lĩnh, ông chỉ nói là “nước Việt ta”:
“Tiên Hoàng nhờ có tài năng sáng suốt hơn người, dũng cảm mưu lược nhất đời, đương lúc nước Việt ta không có chủ, các hùng trưởng cát cứ, một phen cất quân mà mười hai sứ quân phục hết.”
(ĐVSKTT, tr59)
(Nguyên văn: 先皇以過人之才明盖世之勇畧當我越無主羣䧺割㨿之時一舉而十二使君盡服)
IV. Ghi chép của Trung Hoa cũng chỉ nhắc đến quốc hiệu “Đại Việt”
Đối chiếu với ghi chép của phía bên Trung Quốc, sách Lĩnh Nam Ngoại Đáp của Chu Khứ Phi thời Tống chỉ viết:
”Lập con là Nhật Tôn lên ngôi vua, tự xưng là hoàng đế thứ 3 của họ Lý nước Đại Việt” (tức là Lý Thánh Tông).
(Nguyên văn:子日尊立,自稱大越國李氏第三帝).
Vấn đề về câu chữ rất rõ, chỉ có “xưng là”, tức là tuyên bố, chứ không phải là lập mới (tức quốc hiệu Đại Việt đã có từ trước). Nếu ý của Chu Khứ Phi là "Lý Thánh Tông đặt quốc hiệu là Đại Việt" thì ông ta phải dùng chữ Kiến 建 (đặt tên), chứ không phải là chữ Xưng 稱 (tuyên bố).
Về phía nhà Tống (Trung Quốc), họ chỉ biết nhà Lý có lên Đại Việt từ thời Lý Thánh Tông, vì ông ta đã tuyên bố như vậy với Trung Quốc khi quan hệ 2 nước căng thẳng. Còn trước đó, từ thời Đinh đến trước Lý Thánh Tông, nhà Tống chỉ biết tên nước ta là Giao Chỉ (nhà Tống sắc phong cho Đinh Bộ Lĩnh là Giao Chỉ Quận Vương, chính quyền nước ta cũng chỉ xưng là Giao Chỉ).
Tức là trước đó nước ta có thể đã có sẵn tên là Đại Việt, chỉ là các vua nước ta che giấu tên đó để giữ ngoại giao tốt đẹp giữa 2 nước. (Tên Đại Việt thể hiện sự ngang hàng với Trung Quốc).
V. Kết luận
Với những bằng chứng lịch sử đáng tin cậy, chúng ta có thể an toàn khẳng định rằng quốc hiệu nước ta từ thời Đinh cho đến đầu thời Lý vẫn là Đại Việt. Đây cũng là khẳng định của PGS-TS Đỗ Văn Ninh - nguyên Phó viện trưởng Viện Sử học, người trực tiếp khai quật những viên gạch đó. Trong cuốn Hoàng Thành Thăng Long, những phát hiện khảo cổ học, ông đã nói:
“Trong ngổn ngang phế tích khảo cổ học, những viên gạch có chữ “Đại Việt quốc quân thành chuyên" đã là những di vật có sức thuyết phục cao để sửa chữa những khiếm khuyết trong sử sách”.
Tài liệu tham khảo:
Về vấn đề tồn tại của quốc hiệu Đại Cồ Việt, Polyakov Alexey Borisovich, Đại học Tổng Hợp Quốc Gia Moscow.
Đại Việt Sử Lược
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư
Khảo cổ học Việt Nam, tập 3
- Duy Tran -
https://www.facebook.com/groups/1453340174922006/?multi_permalinks=2903634506559225&hoisted_section_header_type=recently_seen
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.