Nhà thơ Vũ Duy Thông (1944-2021), tác giả của truyện thiếu nhi và khảo cứu về Bút Tre
Chú Vũ Duy Thông vừa trút hơi thở cuối cùng.
Hồi nhỏ, tôi có đọc truyện Cậu bé tàng hình của ông. Đến lúc vào đại học, thì lại trên một lớp với con trai của ông. Tôi từng nói đùa: chính em là cậu bé ấy, trong truyện của bố em nhỉ ? Bây giờ, không còn nhớ câu trả lời là gì nữa.
Sau này, lúc sắp ra trường rồi mới ra trường, tôi một ít thời gian gắn bó với không gian của nhà 51 đường Trần Hưng Đạo, là thời mà chú Vũ Duy Thông là Tổng Biên tập của tờ Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam. Tờ này, hồi đó có đăng loạt bài giới thiệu về nhà thơ sứ thần Nguyễn Tông Quai (1693-1767) do thầy Bùi Duy Tân và tôi chấp bút. Một truyện của Bồ Tùng Linh do tôi dịch cũng đăng lần đầu tiên ở đây (sau này, truyện được đăng lại ở đây).
Ở không gian nhà 51 Trần Hưng Đạo ấy, tôi đã nhiều lần gặp và nói chuyện với nhà thơ Huy Cận. Chú Thông thì gọi cụ Huy Cận là "anh", còn tôi thì gọi "bác" rồi nhiều lúc quên thì gọi "ông". Đã kể nhanh ở đây.
Đăng một bài đầu tiên trên tờ tạp chí do nhạc sĩ học giả Phạm Việt Long làm Tổng Biên tập. Các bổ sung thì dán dần lên như mọi khi.
Tháng 5 năm 2021,
Giao Blog
P/S (29/5): Tên đúng của truyện là Chiếc kẹo tàng hình. Tôi đã nhớ nhầm thành Cậu bé tàng hình.
Thông tin từ một số nhà văn, nhà báo cho biết, PGS.TS. nhà thơ Vũ Duy Thông đã rời cõi tạm trưa nay, 28 tháng 5 năm 2021 (ngày 17 tháng Tư năm Tân Sửu), hưởng thọ 77 tuổi (1944-2021). sau một thời gian lâm bệnh nặng.
Nhà báo, nhà thơ Vũ Duy Thông từng đảm nhận các chức vụ: Vụ trưởng Vụ Báo chí – Xuất bản, Ban Tư tưởng- Văn hoá TƯ; Phó Tổng Biên tập báo điện tử của Đảng cộng sản Việt Nam; Uỷ viên Ban Biên tập Tin trong nước - TTXVN; Tổng Biên tập tạp chí Diễn Đàn Văn Nghệ; Tổng biên tập báo điện tử Tầm Nhìn... Ông là tác giả của nhiều tập thơ và từng được trao nhiều giải thưởng văn học
Mới đây thôi, ngày 21 tháng 5 năm 2021, ông còn đau đáu với quê nhà, với nỗi lo chống dịch. Ông viết:
“Thời gian cách ly nghĩ về quê nhà mọi người đang gồng mình chống dịch, các đoàn thể thanh niên các bạn thiện nguyện đang vất vả ngày đêm không quản ngại nắng mưa tiếp nhận tài trợ của các nhà hảo tâm, nhà thiện nguyện để cứu trợ cho các bạn công nhân xa quê đang gặp khó khăn cách ly để tỉnh ta đẩy lùi dịch bệnh COVID-19
Là người con quê hương xin góp phần bé nhỏ với một tác phẩm mình tự viết về quê hương mình làn điệu chèo:
( Một Thoáng Quang Châu )
Hứa hôm nào hết dịch sẽ đi thu thanh và làm karaoke
Điệu chèo ( một thoáng Quang châu )
Tác giả soạn lời ( vũ duy thông )
Điệu chinh phụ
Nói Thơ .
Ghé về Núi Hiểu hôm nay
Điệu chèo ai hát thêm say hương nồng
Chút nguồn gạn đục khơi trong
Đẹp câu chung thủy đợi mong người về
(Ngâm )
Khắc sâu in đậm câu thề
Quang Châu người hỡi ghé về cùng tôi.
(Hát Chèo- Chinh Phụ )
(Trổ 1)
Hương xuân thơm nồng, trái ngọt ta thêm nhớ
Hôm nay 3/6/2021, cháu đứng lặng lẽ nơi hàng cuối cùng trong Nhà tang lễ Quốc gia nghe điếu văn với những lời lẽ trang trọng và bình dị về ông. Không kìm được lòng mình cháu đã khóc. Tự trong sâu thẳm, cháu luôn biết ơn ông bà Thông – Nam với tấm lòng kính trọng sâu sắc. Nếu không được ông “nhặt” lên cách đây 20 năm, có lẽ cháu đã “ngã” ở một nơi nào đó, một lúc nào đó từ lâu lắm rồi.
Tháng 7/1997, sau khi tốt nghiệp đại học, cháu vác hồ sơ đi xin việc khắp nơi. Đầu tiên là đến tờ báo của Bộ Y tế, nơi có một người quen trong họ hàng đang làm trong Ban biên tập. Hai mẹ con đến nhà, ông anh bảo bà cứ yên tâm về Hải Phòng đi, cho nó tiền mua cái xe máy. Ở Hà Nội đi làm báo mà không có cái xe máy thì khác gì chặt chân. Người ngoài cháu còn giúp được nói gì đến người trong nhà. Mẹ con mừng quá dẫn nhau về quê vay mượn tiền đi tìm mua cái xe máy cũ.
Thế là cháu có cái xe máy để đi làm báo. Cả tháng đến tòa soạn báo trên đường Giảng Võ ngồi pha nước chè và đợi giao việc. Sau đó thì cháu được đích thân anh Phó Tổng biên tập người nhà gọi vào giao 2 việc. Một là đi tiếp thị in card visit và in túi nhựa, túi vải (vì anh này làm thêm món in ấn bên ngoài). Hai là đi giao báo cho các sạp vỉa hè. Mỗi ngày mang 100 -200 tờ đi giao, tuần sau đến giao số mới, cộng trừ tiền của số cũ rồi mang tiền về nộp kế toán. Không có lương, chỉ được hỗ trợ 100.000 đồng tiền xăng mỗi tháng.
Đi giao báo và tiếp thị in card được chừng 3 tháng thì cháu bỏ việc. Mẹ cháu bảo cũng đừng trách người ta. Mình là họ hàng nên rất khó. Không có tiền chạy việc thì không được. Mà người ta cũng không dám cầm tiền của mình vì sợ mang tiếng họ hàng.
Tháng 10/1997, cháu lại mang hồ sơ thi vào một tờ báo của ngành Thể thao. Đang viết bài thi thì bác giám khảo già đứng sau lưng bảo nếu sau này muốn cộng tác viết bài kiếm nhuận bút thì liên lạc với bác. Thế là tự cháu biết là mình đã trượt.
Hà Nội không chỗ dung thân, cháu về quê xin việc làm. Nộp đơn vào báo tỉnh người ta trả luôn hồ sơ với lý do cháu không có hộ khẩu Hải Phòng (hồi đó khi nhập học đại học phải cắt hộ khẩu về Thủ đô, sau khi tốt nghiệp chưa kịp chuyển trở lại). Sau đó thi đỗ vào công ty nước ngoài của Hàn Quốc có tên là MIWON – Chi nhánh Hải Phòng. Tiếng là đi làm công ty nước ngoài nhưng thực chất là đi làm tiếp thị mỳ chính. Cháu thuộc mỳ chính đến nỗi mà nhắm mắt cũng biết vài hạt mỳ chính trong bàn tay mình là MIWON, AJINOMOTO hay VEDAN… Nhưng càng đi làm lại càng buồn. Bởi học chữ học nghĩa ở khoa Văn Tổng hợp, chỉ ao ước sau khi ra trường được đi làm báo. Vậy mà hơn 1 năm trời, từ sáng đến đêm chỉ nghĩ đến mỳ chính, xem mỗi ngày bán được bao nhiêu cân bao nhiêu tạ, bán ở chỗ nào. Vậy là cháu lại bỏ việc.
Ngày 5/6/1999, cháu lẳng lặng bán xe máy trốn trở lại Hà Nội. Buổi tối hôm đó, bố mẹ cháu vẫn đợi cơm cháu như mọi ngày. Số tiền bán xe máy trang trải chút nợ nần, còn lại thì mua cái xe máy cũ hơn.
Thủ đô trong lần 2 cháu đến là những ngày đầu vô cùng nghiệt ngã. Để sống được, cháu đem xe máy ra chạy xe ôm. Nhưng đứng xe ở điểm nào cũng bị bọn “ma cũ” bắt nạt. Tiền chở khách chẳng bằng tiền mua xăng. Rồi xe máy bị bọn xấu ăn trộm mất cái biển. Ra công an phường trình báo mất để xin cấp lại, đồng chí trực ban nửa đùa nửa thật, bảo tôi lạ gì mấy ông sinh viên thiếu tiền hút hít giả vờ báo mất. Bực mình đi về bán xe mất cái biển được 1 triệu đồng. Nhiều tháng trời, cháu không dám liên lạc về gia đình.
Những ngày đói triền miên ấy, cháu lạc xuống tận Hà Đông đi theo mấy ông đóng quan tài để sống. Có đận tối lạnh, thằng bạn thương tình mang cặp lồng cơm với mấy điếu thuốc đến, không thấy người mới gọi um lên. Cháu lóp ngóp bật nắp quan tài chui ra (vì phải đóng nắp vào cho kín gió). Nó sợ quá quẳng đổ cặp lồng cơm rồi chạy.
Nhiều hôm đói quá, cháu phải đi bộ từ Hà Đông lên Quán Thánh chỗ anh Lại Bá Hà thuê để kiếm được gói xôi, bữa cơm rồi lân la theo các anh khóa trên của khoa Văn lọ mọ học viết báo kiếm những đồng nhuận bút đầu đời. Nhưng vẫn chủ yếu là ăn bám các anh là chính.
Giữa lúc mất phương hướng nhất sau hơn 1.000 ngày thất nghiệp, trong một lần may mắn, cháu được nói chuyện nhiều hơn với ông về cuộc sống. Ông bảo: chúng nó (tức là anh Vũ Duy Hưng - con trai ông với mấy anh bạn khoa Văn khóa trên vẫn hay đến nhà chơi) nói cháu là đứa tử tế và thích làm báo. Nếu cháu thực sự thích làm báo và cố gắng thì bác sẽ cùng cố gắng.
Mấy tháng sau đó, vào tháng 6-2001 thì cháu chính thức được ký hợp đồng vào Báo Kinh tế và đô thị làm việc, bắt đầu đời làm báo chuyên nghiệp. Hôm cháu đến khoe hợp đồng, ông tặng cháu cái áo ký giả và bảo, đã yêu thì giữ lấy nghề, nghề không phụ mình đâu.
Cái Tết đầu tiên sau khi đi làm, cháu mua chai rượu, cái phong bì đến chúc Tết ông bà. Bà Nam lục túi nhận chai rượu, trả lại tiền rồi lại vào trong nhà lấy thêm mấy chai rượu khác bắt cầm về. “Mày mới đi làm còn nhiều chỗ phải chào hỏi, cầm về biếu ai thì biếu, không cầm là bà dỗi đấy!”.
Tháng 11/2005, lúc cháu cưới vợ, bà Nam dù ở trên phố Hàng Bột (Đống Đa) vẫn đến tận Nam Trung Yên (Cầu Giấy) trải chiếu giường cưới cho cháu.
Sau này thỉnh thoảng đến chúc Tết, ông bà đều quan tâm hỏi thu nhập có đủ nuôi vợ con không. Lần nào đến chúc Tết, ông bà đều lì xì tiền về mua sữa cho hai đứa bé con cháu. Bà Nam bảo tao coi mày với thằng Bá Hà như con cháu trong nhà, chỉ mong sau này anh em chúng mày cứ thân thiết đi với nhau cho trọn cuộc đời.
*
* *
Hôm nay cũng là một ngày đầu tháng 6. Mới đó mà cũng tròn 20 năm rồi. Hôm nay ông đã về với tổ tiên. 20 năm tròn đi làm báo chuyên nghiệp, cháu vẫn giữ nguyên ý thức giữ nghề để nghề không phụ mình như lời ông dặn. Và cháu vẫn luôn cố gắng giữ cho mình ngoan và tốt như cảm nhận ban đầu của ông về cháu.
À mà có lần, ông bảo, mày là người tốt nhưng không nhiều người kịp nhận ra điều đó đâu vì cái mặt mày nhìn hơi khó ưa, nên mày sẽ rất thiệt thòi đấy!
Nhà thơ Vũ Duy Thông - nguyên Vụ trưởng Vụ Báo chí - Ban Tuyên giáo Trung ương, đã qua đời vào chiều 28/5 tại Hà Nội, sau một thời gian chống chọi bạo bệnh.
Nhà thơ Vũ Duy Thông sinh ngày 26/2/1944 tại thôn Yên Bài, xã Tự Lập, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc. Thuở nhỏ, ông đã theo bố mẹ lên chiến khu Việt Bắc kháng chiến chống Pháp. Nhà thơ Vũ Duy Thông sau khi tốt nghiệp khoa Văn ở Đại học Tổng hợp Hà Nội, tiếp tục nhận có thêm bằng cử nhân Đại học Ngoại Ngữ và Đại học Kinh tế quốc dân.
Ở tuổi 50, nhà thơ Vũ Duy Thông có được học vị Tiến sĩ Mỹ học và học hàm Phó Giáo sư Văn học.
Nhà thơ Vũ Duy Thông gắn bó 30 năm với Thông tấn xã Việt Nam, rồi chuyển sang làm Tổng Biên tập Diễn đàn Văn Nghệ Việt Nam, rồi đảm nhận cương vị Vụ trưởng Vụ Báo chí - Ban Tuyên giáo trung ương cho đến ngày nghỉ hưu.
Nhà thơ Vũ Duy Thông là một gương mặt của thế hệ chống Mỹ cứu nước. Quê nhà trở thành cảm hứng để nhà thơ Vũ Duy Thông có tập thơ “Miền trung du” trình làng thi ca vào năm 1977. Sự nghiệp sáng tác của nhà thơ Vũ Duy Thông có 12 tác phẩm cả thơ và văn xuôi, tiêu biểu như “Những đám lá đổi màu”, “Tình yêu người thợ”, “Gió đàn”, “Trái đất không chỉ có một người”, “Chối từ cô đơn”, “Và cuộc đời sẽ cứu rỗi”…
Ngoài công trình nghiên cứu “Cái đẹp trong thơ kháng chiến Việt Nam 1945-1975”, nhà thơ Vũ Duy Thông cũng dành nhiều tâm huyết để viết cho thiếu nhi qua các tác phẩm “Ai là bạn tốt”, “Cây bưởi ngây thơ và con bướm sặc sỡ”, “Chú tôm gõ mõ”, “Chiếc kẹo tàng hình”…
Nhiều trang viết của nhà thơ Vũ Duy Thông được đưa vào sách giáo khoa bậc tiểu học , như bài thơ “Bè xuôi sông La” viết năm 1967: “Bè đi chiều thầm thì/ Gỗ lượn đàn thong thả/ Như bầy trâu lim dim/ Đắm mình trong êm ả/ Sóng long lanh vẩy cá/ Chim hót trên bờ đê/ Ta nằm nghe nằm nghe /Giữa bốn bề ngây ngất/ Mùi vôi xây rất say/ Mùi lán cưa ngọt mát/ Trong đạn bom đổ nát/ Bừng tươi nụ ngói hồng/ Đồng vàng hoe lúa trổ/ Khói nở xòa như bông”.
Nhà thơ Vũ Duy Thông quan niệm về sáng tác và cảm thụ văn chương: “Thơ như không khí, như nắng trời, như hạnh phục và khổ đau, như tình yêu và căm hận… rất khó nắm bắt nhưng lại dễ biết có nó hoặc không có nó. Vậy đừng mất công đi tìm những khuôn phép cũ hay mới cho thơ, càng không nên vì thơ mà lo lắng số người viết và số người đọc nhiều hay ít. Sự cần thiết của nhà thơ và người đọc là tìm đến những bài thơ hay. Những bài thơ hay có mặt ở nơi mà nhờ nó, con người khao khát sống hơn, tin người khác hơn và yêu mình hơn”.
Khi đã bước qua tuổi 70, nhà thơ Vũ Duy Thông vẫn Ủy viên thường trực Hội đồng Lý luận Phê bình văn học nghệ thuật trung ương. Rất tiếc, căn bệnh tim và lần tai biến đã tách ông ra khỏi thế giới văn chương mà ông say đắm. Vài năm gần đây, nhà thơ Vũ Duy Thông không còn dịp lui tới với bạn bè thi ca.
Và chiều 28/5/2021, nhà thơ Vũ Duy Thông đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng. Vĩnh biệt nhà thơ Vũ Duy Thông, không thể không nhắc lại những dòng thơ ông từng gửi gắm: “Mai sau trên những bãi cồn/ Đừng tìm tôi dưới cỏ non xanh dày/ Bởi tôi đã có phút giây/ Từng theo đàn sếu xoãi bay trong mù”.
Chiều nay (28-5-2021) nhận tin đau đột ngột đồng nghiệp thân thiết Vũ Duy Thông từ trần . Thương nhớ Anh ! Xin chia sẻ mấy dòng tâm sự tôi đã viết về Anh
Ảnh do tác giả cung cấp: Kỷ niệm cách nay quá nửa năm tôi (Nguyễn Văn Trường thứ 2 từ trái sang) đến thăm anh Vũ Duy Thông (thứ 2 từ phải sang).
Vui. Nếu nhớ không lầm; có chuyến đi nào đó với nhau , mình đặt bút danh cho cậu : Vũ Duy . Cậu viết nhiều, viết khỏe, nhiều bút danh, cậu là …là ... “ ngoại tình “ nhiều lắm ! Nói như một số ông anh “chiếu trên” Làng Thông tấn của chúng ta.
Nghề của chúng ta là làm báo – cụ thể hơn là viết tin. TIN và TIN - chúng ta là “NGƯỜI LÍNH XUNG KÍCH“ trên mặt trận báo chí CM {hôm đến thăm,làm việc với TTXVN , bước vào cửa tầng hai , 5-Lý Thường Kiệt, nơi Ban Biên tập Tin trong nước chúng ta đang làm việc . Ngôi nhà này không còn nữa, cố Tổng Bí thư LÊ Duẩn nói vậy .
Mấy ông anh cứ “răn đe” các chú không được viết bài. Ý nói sa đà viết các thể loại khác cho báo, đài phát thanh. Tin , sự việc nói lên . Tin , cần ngắn gọn xúc tích, tránh bình luận xuông { chỉ bình luận bằng sự kiện } . Tin , tối kỵ hư cấu , càng không nên nhảy vào lĩnh vực văn chương… … Thời ấy - một thời - anh chị nào viết bài cho các báo và đài bị coi là “ngoại tình” !
Cậu tặng mình tới hơn chục cuốn sách – những đứa con tinh thần của cậu ; thơ có , văn có, truyện cho thiếu nhi có,kịch có,mỹ học có,luận bàn về văn chương - báo chí có. Song ấn tượng nhất với mình là những bài ký,tùy bút cậu viết về vùng mỏ thân yêu của chúng ta . Ngồn ngộn cảm hứng ; nhìn đời , nhìn người quá đẹp . Bao khát vọng non tơ của một chàng sinh viên văn khoa đầy nhiệt huyết vào đời !
Chúng mình quen biết nhau từ khi nào,cậu nhớ không ?
Phân xã Hải Phòng,thời chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ - Chiến dịch “Sấm rền biển lửa” bọn Mỹ đánh bom ác liệt phong tỏa TP Cảng . Hồi ấy mới ra trường,cậu về phóng viên TTXVN thường trú Vùng mỏ Quảng Ninh. Mỗi lần về đất mỏ cậu thường ghé qua phân xã Hải Phòng thăm mình . Mặt nghêng nghênh ,mắt lim dim,miệng khe khẽ đọc thơ,chân lạo xạo trên lối sỏi sân Nhà Bảo tàng TP-nơi phân xã tá túc .
Cậu thông minh. Thơ được .Viết lách thoáng . Tài năng có nhưng cũng phải nói TTX đã tôi luyện cậu ; khởi đầu để rồi cất cánh !
Phân xã Hà Tĩnh – bài thơ “Bè xuôi Sông La” giải thơ Hội Nhà văn . Công trường Gang Thép Thái Nguyên ,những chuyến công tác biệt phái vào tuyến lửa; sang Campuchia …cậu được tắm mình trong thực tiễn sôi động…Cậu về Ban BT Tin trong nước với mình ,thời gian cộng sự với mình khá lâu.Vui có, buồn có . Anh em mình hiểu nhau , nể trọng nhau . Những ngày tháng phóng viên, biên tập viên chuyên đề công thương nghiệp;trưởng Tiểu ban Công Thương …
Cậu chuyển sang Văn nghệ . Bác Huy Cận giao trọng trách cậu TBT tạp chí văn nghệ của Hội LHVHNT Việt Nam . Có bước thăng trầm .Thời ông Nguyễn Đình Thi cậu không còn làm TBT tạp chí của Hội nữa . Cậu “gác kiếm” dùi mài kinh sử lấy cái bằng Tiến sĩ Mỹ học .
Về Ban Tuyên huấn Trung ương một thời gian cậu được đề bạt Vụ trưởng Vụ Báo chí. Hưu,cậu còn được giao gánh chức Phó TBT Báo điện tử-Cơ quan TƯ Đảng CSVN. Con đường công danh quá là đẹp!
Nhớ Tuần Tin tức thở ban đầu. Phần trong nước, TGĐ Đào Tùng giao cho mình với cậu bếp núc . Có thêm mấy ông bạn Trần Tích, Hữu Yên , Sỹ Chân … phụ giúp . Vạn sự khởi đầu nan . Tìm cộng tác viên . Đặt bài vở . Nhưng quan trong hơn ; tìm cái mới ,tử cách viết dến mơi ra những chủ đè mới,vấn đề bạn đọc quan tâm. Chúng ta phải biết được bạn đọc cần đọc gì , những nhân tố mới ló rạng , những mâu thuẫn , bức xúc dang đặt ra hàng ngày trong sản xuất,đời thường … Nghĩa là làm sao tờ báo không những đi đúng hướng,đúng tôn chỉ mục đích mà báo còn phải “ đọc được “ ; nếu không nói là hấp dẫn , như vậy báo mới bán được. .…
Một loạt tin bài ảnh thể nghiệm . Ví dụ , khi đó đấu lý mãi Ủy ban Vật giá Trung ương mới chịu cho đưa tin giá cả thị trường tự do hàng ngày ở các chợ lớn , các vùng miền . Báo chí khi ấy chỉ đưa tin dự báo thời tiết chung chung thôi . Lần đầu tiên TTT đưa tin cụ thể thời tiết đối với cây trồng và vật nuôi –nay tin thời tiết rất cụ thể và đứng hàng đầu các bản tin , bởi nó là quan tâm số một của sản xuất, đời sống. Báo còn có những tin bài góp phần nâng cao kiến thức cho bạn đọc – như đề cập “phỏng sinh học” là thế nào ? Báo thay đổi cách thể hiện như tin về ách tắc giao thông “Long Biên-cây cầu dài nhất thế giới! “ …
Rất đúng dịp báo ra đời một thời gian . Bối cảnh tình hình đất nước bắt đầu công cuộc đổi mới .TBT Nguyễn Văn Linh với loạt bài chỉ đạo: nói đi đôi với làm. Ông “cởi trói” cho văn nghệ, báo chí. Ông bật đèn xanh chống tiêu cực . Vì vậy,báo Tuần Tin Tức đi hàng đầu với những bài : Cướp cạn giữa ban ngày . Những ngôi nhà bất minh .Trùm buôn lậu đồ cổ . Ngành than trước ngữỡng báo động . Buông lỏng quản lý ở Nhà máy Cao su Sao vàng …
Công bằng mà nói , thuở ban đầu Tuần Tin tức mình vói cậu chỉ là kiêm nhiệm, sau Bộ Biên tập bổ sung Trần Mai Hạnh về thường trực Tòa soạn ; báo đi vào nền nếp . Bạn đọc đón chờ từng số ; xếp hàng dài mua báo .
Mình nhớ tiếng vang bài “Ngành than trước ngưỡng báo động“ của cậu . Khi bài báo ra mắt bạn đọc ; rúng động Văn phòng Chính phủ, hai bộ và lãnh đạo một tỉnh .
Như một nồi hơi bật nổ trong hàng vạn công nhân vùng mỏ . Bộ trưởng Thương nghiệp Lê Đức Thịnh đọc báo giật mình, triệu ngay Chánh Văn phòng lên giao nhiệm vụ thành lập gấp Đoàn Thanh tra Bộ về vùng than xem xét lại tình hình phân phối nhu yếu phẩm cho công nhân ? Bởi vì trên bàn làm việc của ông , còn đây bản báo cáo thành tích của ngành .Ông cho mời phóng viên Vũ Duy Thông ; lằng nghe thêm tình hình . Ông Lê Đại,Ủy viên TƯ Đảng , Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh mời ông Vũ Hoan , Phó Chủ tịch tỉnh , phụ trách khối công thương nghiêp lên ; đưa tờ báo và nói : nếu thế này thỉ phải xin lỗi công nhân . Ngay sau đó tỉnh triệu tập họp tại chỗ- Mỏ Mông Dương ,bàn biện pháp sửa sai trong phân phối nhu yếu phẩm , bồi dưỡng ca ba cho công nhân . Bộ chủ quản ; Bộ Điện – Than , Bộ trưởng Nguyễn Chân phản ứng với TGĐ Đào Tùng : Các anh dội nước lạnh vào ngành than trong khi nó đang chuyển biến… Và,trên “Phủ đầu rồng “ , Chủ tịch HĐBT Đỗ Mười gọi Vũ Hoan lên sạc cho một trận . Vũ Hoan vào TTXVN gặp Thủ trưởng Đào Tùng làm um cả lên. Bài báo – một phóng sự điều tra, như một phát đại bác rung chuyển ngành than .Trước đó báo chí tốn khá nhiều giấy mực về ngành than , xem ra chuyển rất chậm .
Mình nghĩ, nếu không có những năm thường trú vùng mỏ , không hiểu về sản xuất than , không có những người thợ mỏ bạn tâm giao , không tích lũy vốn sống…chắc đâu cậu đã viết thoáng và sâu về than ..…?
Vũ Duy Thông ơi! Mình quá hiểu vì sao con đường đến với ĐẢNG của cậu “lên bờ xuống ruộng” như vậy. Phải chăng lý lịch gia đình và thử thách ? Phải chăng vì “chất nghệ “ hay vì có gì không vừa lòng trong quan hệ với bề trên ? Phải chăng vì câu nói lúc ngà ngà nâng ly trên đất bạn khi ta mừng chiến thắng ; giúp bạn thoát khỏi bàn tay diệt chủng của bè lũ Pônpôt ?
Nhớ lắm, cái buổi lên đường nhận nhiệm vụ mới . Cậu xin phép tạt về nhà tranh thủ tắm cho ông bố bán thân bất toại trên giường bệnh . Nam – vợ cậu bế con dại trên tay tiễn chồng… Cậu đi xa ,mình ở lại… Nhớ Bà Quý, mẹ Việt Nga đạp xe lên Phúc Yên đưa tiền lương của cậu cho hai Cụ ..
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.