Sau tang lễ nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (sau ngày 24/3/2021)
Tang lễ nhà văn đã được tổ chức long trọng vào buổi sáng ngày 24 tháng 3 năm 2021, tại Nhà tang lễ quốc gia (Hà Nội) bởi Hội Nhà văn Việt Nam và gia đình (xem ở đây).
Từ đây trở xuống là những luận bàn từ sau tang lễ.
Cập nhật dần như mọi khi.
Ảnh sưu tầm
Tháng 3 năm 2021,
Giao Blog
---
CẬP NHẬT
16. Ngày 28/5/2021, Trúc Bạch thư xã công bố tư liệu 1990 gắn với Trần Độ
Bài phỏng vấn này được đăng trên tạp chí Cửa Việt số 2 (1990). Tạp chí Cửa Việt của Hội Văn học Nghệ thuật Quảng trị, ra mắt vào tháng 2-1990, do Hoàng Phủ Ngọc Tường làm Tổng Biên tập. Tạp chí Cửa Việt ra đời trong bối cảnh giai đoạn cuối của phong trào "cởi mở" trong văn nghệ nên thu hút nhiều cây bút nổi tiếng đương thời. Người ta thấy Phùng Quán xuất hiện sau mấy chục năm vắng bóng vì án Nhân Văn Giai Phẩm, rồi nhiều nhà thơ nhà văn đã thành danh như Văn Cao, Tô Hoài và cả những tên tuổi kế cận như Nguyễn Quang Lập, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Thị Hoàng...
Tạp chí Cửa Việt có nhiều sáng tác phản ánh những tiêu cực, bức xúc xã hội, đặc biệt chuyên mục "Sự kiện- Đối thoại" luôn thu hút độc giả bởi dám đi thẳng vào các xung đột và vấn đề nóng trong xã hội. Tạp chí Cửa Việt ra mắt được khoảng 18 số thì bị dừng hoạt động để kiện toàn lại. Hơn 1 năm sau, Cửa Việt (loại mới) ra mắt nhưng nội dung không còn như Cửa Việt (cũ) nữa.
Trong bài Phỏng vấn này tướng Trần Độ trả lời nhiều vấn đề khác nhau, trong đó có nhận xét về nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Xin giới thiệu để quý anh chị biết thêm thông tin.
***
4) Xin anh cho biết ý kiến riêng của anh về trường hợp Nguyễn Huy Thiệp
Trả lời: Nguyễn Huy Thiệp là một tài năng thật sự, Nguyễn Huy Thiệp viết nhiều truyện ngắn hay. Tôi vẫn mong được đọc Nguyễn Huy Thiệp. Cái hay của Thiệp là ở chỗ Thiệp thẳng thắn, mạnh bạo nói lên nhiều sự thật cay đắng. Đó là những sự thật về đạo đức, về cái ác, về sự tàn nhẫn giữa người với người, về sự suy thoái của các loại người, chứ không phải là chỉ là những sự thật của tin tức, tân văn. Cho nên Nguyễn Huy Thiệp biểu hiện những tư tưởng triết học của mình, đấu tranh cho cái thiện, cái tốt đẹp. Văn Nguyễn Huy Thiệp là thứ văn mới mẻ: câu ngắn, ý kiến mạch lạc, vận dụng giỏi ngôn ngữ dân gian. Tôi hoàn toàn không chấp nhận loại ý kiến phê bình Thiệp là không có tâm, là ác, là ăn cắp văn. Tôi cho đó là những ý kiến thiên lệch, thiên lệch đến vớ vẩn. Tôi cảm thấy Thiệp đau đớn, cay đắng sâu sắc trước những trái khoáy của cuộc đời. Đọc Thiệp tôi cũng bị lây cái quằn quại trăn trở về cuộc đời nhiều hơn cái mức độ quằn quại vốn có của tôi. Vậy là Thiệp đầy trách nhiệm với đời. Tôi được biết nhiều người (kể cả những người yêu Thiệp, thừa nhận tài năng của Thiệp) chê văn Thiệp là tục tĩu, quá tục. Tôi không phản đối ý kiến chê này. Nhưng riêng tôi thì tôi không chê. Có đôi chữ tôi đọc, tôi không thích lắm. Nhưng tôi cho rằng văn chương hay, không phải là không được dùng chữ tục nào. Tục ở trong văn chương cũng là cách văn chương nói thẳng trúng tên những sự vật những việc trong một văn cảnh nào đó lại là một âm thanh rất đắt nói trúng một tâm trạng, một tư tưởng. Ví dụ vài từ “Cứt” trong truyện Trương Chi mới đây.
Vậy tục không nên coi là một tội của văn chương mà nó là một kiểu văn chương thôi. Nhiều câu ca dao, câu đối trong văn chương dân gian, nếu bỏ những chữ tục đi thì còn gì là hay, là thấm thía nữa.
Tôi cho là ai không thích, ai chê thì cứ việc. Nhưng không nên kết tội và không nên bắt Thiệp không được viết tục nữa.
Nguyễn Huy Thiệp là một hiện tượng văn học mới thật sự, là một hiện tượng đáng mừng. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều học giả ở nước ngoài chú ý và quan tâm ngay đến Nguyễn Huy Thiệp. Vì những gì Nguyễn Huy Thiệp quan tâm có một cái gì chung với những mối quan tâm của nhân loại. Đó là hiện tượng đáng tự hào. Những ý kiến người nước ngoài không thể coi là những căn cứ duy nhất để đánh giá, nhưng cũng không thể coi thường và chế diễu một cách hằn học. Chẳng lẽ lại có thể chế diễu cả những sự cho điểm của ban giám khảo thế giới đối với tài năng Đặng Thái Sơn và các phim, các ca sĩ của ta hay sao.
và nhà sưu tập sách Nguyễn Duy Cường quyết định bán đấu giá bản in đầu tiên cuốn sách đầu tay của nhà văn: tác phẩm Tướng Về Hưu. Sách có chữ ký tươi của tác giả. Giá khởi điểm là 3 triệu VND. Xin mời các bạn bắt đầu, phiên đấu giá sẽ kết thúc vào lúc 16:45 phút ngày 8-5-2021.
Tiền bán sách sẽ được dùng để cùng VARS trồng một cánh rừng (khoảng 5000 cây, tương đương 50 triệu VND) nhằm tưởng niệm nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Sáng kiến trồng cây tưởng niệm tác giả Tướng Về Hưu được bắt đầu từ vợ chồng nhà giáo
(Đại học UC Berkeley). Bạn bè và những bạn đọc yêu mến nhà văn cũng có thể tưởng niệm ông bằng cách “Góp Một Cây” qua tài khoản của Công ty TNHH Xã hội Trồng và Phục hồi Rừng Việt Nam:
Ngân hàng ACB, chi nhánh Minh Khai, Hà Nội, số tài khoản 213216
Ngân hàng Techcombank, Chi nhánh Hai Bà Trưng, Hà Nội, số TK 19036682427014.
Xin nghiêng mình trước anh linh của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Xin cám ơn họa sĩ Lê Thiết Cương, nhà sưu tập sách Nguyễn Duy Cường. Xin cám ơn các anh chị và các bạn đã đồng hành cùng VARS.
Xin mời các bạn đọc bài giới thiệp của nhà thơ Nguyễn Duy về sự ra đời khó khăn của Tướng Về Hưu, tập sách đầu tay của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp:
Cuốn sách đầu tay của Nguyễn Huy Thiệp, theo nhà thơ Nguyễn Duy, “cũng long đong lận đận như số phận tác giả, như một điềm báo”. Nhà thơ Nguyễn Duy viết cho chúng tôi ngay sau khi biết ý tưởng đấu giá cuốn sách này:
“Đầu 1987, lúc Nguyễn Huy Thiệp (NHT) vừa xuất hiện chấn động văn đàn kể từ Tướng Về Hưu (TVH), tôi (Nguyễn Duy) nhờ nhà thơ Thu Bồn (đang ở Hà Nội) liên hệ với tác giả gom một số tác phẩm có thể in được để xuất bản cho Thiệp tập sách đầu tay. Thu Bồn mang bản thảo Tướng Về Hưu vào Sài Gòn, chúng tôi gặp ngay Trương Văn Khuê, giám đốc nxb Trẻ. Khuê rất mừng và nhận in, cho nhập liệu và sắp chữ ngay. Hồi đó còn dùng công nghệ in cũ: sắp chữ chì, dập bản nhũ rồi mới phơi kẽm và in. Xong công đoạn dập bản nhũ thì TVH và NHT bị một luồng ý kiến không ủng hộ, thậm chí phê phán vì viết về cái tiêu cực của xã hội...
Nxb Trẻ bị áp lực, huỷ kế hoạch xuất bản TVH. Lúc đó, cuối 1987, tôi (vừa được anh Nguyên Ngọc - tổng biên tập tuần báo Văn Nghệ, bổ nhiệm làm Trưởng Văn phòng Thường trực các tỉnh phía Nam của tuần báo Văn Nghệ, có con dấu và tài khoản riêng) đề nghị với nxb Trẻ cho in tập sách này. Nxb Trẻ cấp giấy phép - Tuần báo Văn Nghệ chịu toàn bộ chi phí in, phát hành và trả tiền nhuận bút cho tác giả.
, bạn nhậu của tôi, vẽ bìa miễn phí. Riêng chân dung tác giả, Khôi không thể vẽ, vì không có ảnh và chưa hề nhìn thấy NHT bao giờ. Tôi tả cho Khôi hình dung, cái mặt nó thế, thế..., nhàu nhàu hơi giống quả táo tàu...Khôi xỉn, vẽ sao mà chả giống Thiệp tí nào. Kệ, có còn hơn không.
Nhưng in bằng cái gì? Giấy đâu? Tiền công in đâu?
May quá, có một bạn nhậu khác nhận gánh vác. Đó là Nguyễn Đình Phương, chủ một cơ sở sản xuất giấy thủ công. Phương vốn là ca sỹ thuộc đoàn Văn công Giải phóng, về Sài Gòn chỉ lo làm doanh nghiệp, có chút lưng vốn. Phương thích sưu tập tranh và rượu, có khi mua hàng tạ quả mơ ngâm mấy chum rượu, mua hàng trăm chai Ararat một lúc, để mời anh về nhà uống rượu, đọc thơ, ca hát chơi. Anh hào sảng tự nguyện nhận cấp giấy, công in, phát hành phi vụ lợi tập sách TVH, nếu lỗ thì tự chịu, nếu lời được đồng nào sẽ tặng hết cho tác giả.
Cuối 1987, vui vì TVH in xong. Nhưng buồn vì chất lượng in thấp quá. Giấy thủ công đen xỉn, mặt láng, mặt sần, thỉnh thoảng còn thấy cả cái dằm tre như mẩu tăm trên trang giấy. Đôi chỗ bị mất chữ... Phát hành thật khó khăn. Tổng kết, Nguyễn Đình Phương tự bù lỗ, kể cả nhiều chai Ararat uống mừng tập sách.
Khi tôi ra Hà Nội để đi dự khoá nghiên cứu ngắn hạn tại Học viện Văn học Goorki (Liên Xô), đầu 1988, Phương gửi mang cho Thiệp chục tập sách và khoản nhuận bút (tôi không rõ bao nhiêu) cũng là tiền túi của Phương, kèm theo lời
chúc mừng
tác giả.
Bây giờ, 34 năm trôi qua, nhà thơ Thu Bồn và giám đốc xuất bản Trương Văn Khuê mất rồi - hoạ sỹ Nguyễn Trọng Khôi định cư ở Hoa Kì - nhà tài trợ Nguyễn Đình Phương phiêu dạt sang nước Úc - và, Nguyễn Huy Thiệp về trời.
Vẫn còn đây, cuốn sách đầu tay của Thiệp: Tướng Về Hưu”.
NGUYỄN DUY
Nhà sưu tập sách Nguyễn Duy Cường và con gái.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp tại Gallery 39 Lý Quốc Sư năm 2018.
Huy Thiệp cùng tôi lên viếng mộ nhà văn Nguyên Hồng, rồi về dự bữa cơm thân mật với gia đình. Cảm xúc chúng tôi nhớ mãi đến 10 năm sau là đôi mắt cậu con Nguyên Hồng tinh anh như bố. Khi vào thăm nhà lưu niệm Nguyên Hồng, thấy chiếc xe đạp trẻ con liên xô treo lơ lửng- đây là chiếc xe Nguyên Hồng đạp 140km về họp hội nhà văn tại Hà Nội.
Tôi chợt nghĩ nước ta ít giữ nơi lưu niệm của danh nhân - trừ nhà văn Kim Lân lại hơi quá nhiều. Tôi đã bàn với chủ cà phê Nhân và nhà văn Uông Triều đều mong muốn giữ lại lưu niệm của Huy Thiệp tại gia đình và quán cà phê Nhân Hàng Hành
Khu nhà lưu niệm và nhà ở của Nguyên Hồng đẹp như bức tranh quê của nữ sĩ Anh Thơ. Đặc biệt khu vườn rộng mà không hề có tường rào chỉ có giậu mùng tơi như thơ Nguyễn Bính , tôi và Thiệp cùng đồng cảm xúc:
" Ngày xưa đất rẻ như bèo
Tường đông ong bướm bay vèo là sang
Giậu mùng tơi cạnh nhà nàng
Nay xây tường kín : Xin chàng bấm chuông "
Ảnh từ phải sang trái: Bảo Hưng- Bảo Sinh- Huy THiệp
Mỗi khi nhắc tới Nguyễn Huy Thiệp, tôi lại được "hồi quang" tới miền sáng thanh xuân những năm "tuổi 20 yêu dấu". Có nhiều trùng hợp thiên duyên giữa chúng tôi, những người đeo đẳng văn chương như lựa chọn duy nhất để sống trọn phận kiếp này.
(Thethaovanhoa.vn) - Mỗi khi nhắc tới Nguyễn Huy Thiệp, tôi lại được "hồi quang" tới miền sáng thanh xuân những năm "tuổi 20 yêu dấu". Có nhiều trùng hợp thiên duyên giữa chúng tôi, những người đeo đẳng văn chương như lựa chọn duy nhất để sống trọn phận kiếp này. Làm gì có chuyện "mất đi", khi tiếng gầm, uy phong của "con hổ" ấy vẫn còn dư vang giữa rừng người náo động.
Lễ viếng nhà văn từ 9h15′ đến 10h30′ ngày 24/3/2021, tức ngày 12 tháng 2 năm Tân Sửu tại Nhà tang lễ Bộ Quốc Phòng, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ an táng vào lúc 15h30 cùng ngày tại thôn Tằng My (xã Nam Hồng, Đông Anh, Hà Nội).
Trưa thứ Hai đầu tuần, 22/3/2021, tôi gọi số điện thoại của nhà văn. Hơn 20 năm, vô số biến động làm thất tán dữ liệu, phai mờ một phần trí nhớ, nhưng tôi vẫn thuộc làu 09122...20. Số vẫn hoạt động, bởi con trai ông vẫn giữ. Trùng hợp thế, lại là 20, với tiểu thuyết đầu tiên của Nguyễn Huy Thiệp: “Tuổi 20 yêu dấu”.
Còn nhớ, giữa chặng gian nan khốc liệt của tôi trên thi đàn, năm 2003, Nguyễn Huy Thiệp tung ra bài viết Hiện tượng Vi Thùy Linh. Ông không báo trước sẽ viết, mà chỉ nói: "Chú 50 rồi, thấy những trận liên hoàn đánh cháu, còn sởn gai, ngán ngại, huống hồ cháu mới 20...". Bản thân bài này là hiện tượng, bởi "Vua truyện ngắn" rất hiếm khi viết về tiểu luận, phê bình văn học và trước đó chưa từng viết về cây bút trẻ nào. Tôi vẫn tự hào Nguyễn Huy Thiệp chỉ viết cho tôi.
Nguyễn Huy Thiệp không phải "giai phố cổ" như Nguyễn Việt Hà (sinh trưởng 38 phố Nhà Chung, quận Hoàn Kiếm), mà là trai làng cổ, làng Khương Hạ ven đô, như Nghĩa Đô, Thụy Khuê, Bưởi. Thủ đô chật ních dân tứ xứ, người ở ngay "lõi đất thánh" cũng chẳng còn mấy thanh lịch, hào hoa, nên muốn tìm người Hà Nội lâu đời, chỉ có ở những làng ngoại ô, kề cận.
Xóm Cò, làng Khương Hạ ấy, như nhiều làng của các quận phát triển sau, là làng trong phố, vẫn là ngõ quanh co nhiều gấp khúc, cua, rẽ, mới đến được nhà 71 ngõ 77 phố Bùi Xương Trạch, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân. Lối ngõ 20 năm, la liệt đường mới, nhà xây, tôi vẫn thuộc. Có dị bản thông tin về Nguyễn Huy Thiệp sinh ra ở Thái Nguyên. Không, ông sinh ra lớn lên ở chính ngôi nhà đã gắn bó đời mình đến hơi thở cuối. Đất từ thời ông bà để lại, Thái Nguyên chỉ là một trong số những nơi gia đình ông tản cư thời chống Pháp.
"Chú Thiệp ơi!" - đến cổng nhà, tôi cứ gọi váng lên, vừa chào, vừa reo, vừa báo hiệu để chủ nhà xích, canh chừng chó. Gọi tên chú, mà luôn có cô ra niềm nở đón từ cổng. Có lần chỉ có cô ra, còn chú thì khuất trong khu vườn cây cao um tùm, da ngăm đen hắt nắng chiều, mắt sáng đan cành xanh khế mọng. Vườn có nhiều cây ăn quả, hoa. Thích nhất là khi cô Trang tâm lý nói: Hai chú cháu cứ nói chuyện nhé, cô đi trảy khế cho Linh".
Làm sao quên những buổi trà đàm mà tôi ham học hỏi, nghe chú nói về chuyện đời, chuyện nghề, thủng thẳng những câu đúng như triết lý. Làm sao quên bữa cơm thanh lành đậu rán, rau vườn từ căn bếp nông thôn của cô Trang. Gọi là bếp nông thôn vì bếp kế khoảng sân để giặt giũ, rửa rau kề bể xi măng chứa nước mưa (lộ thiên) 15m3. Hiền hậu, chịu thương chịu khó, món thôn dã nấu ngon và nhanh, cách mời, lối sinh hoạt dung dị, gần gũi coi khách của chồng như người nhà, nên “hoàng hậu” thường giữ lại ăn cơm nếu khách không vội hoặc gần/ gặp bữa. Người nhà nên có gì ăn nấy, nhưng tiếp ân cần. Tôi trêu cô là "hoàng hậu", thì vợ của vua, mà vua này chẳng có ái phi, cung tần mỹ nữ, toàn chơi với bạn trai. Vua này chỉ vợ cái, con cột với người vợ tào khang Phan Thị Trang - đồng môn sư phạm.
Ngồi viết tay trên chõng tre, tiếp bạn bè chủ yếu trong khu vườn ấy, Nguyễn Huy Thiệp, vóc nhỏ, ăn vận chất phác, như ông từ, đừng nhầm là "hiền"! Điệu bộ thủng thẳng, hay cười tủm, có khi khề khà, văn tài chất ngất, hay nói lắp từ câu mở, đầu tiên. Phải khi đủ độ, vào chuyện thì được ngồi với ông, "lãi" ròng cho ai "trúng mạch". Hiểu biết thâm hậu, hóm hỉnh sâu cay. Văn học Việt Nam không có Azit Nexin (1915 - 1995), gần như tuyệt vắng tính giễu nhại. May có Nguyễn Huy Thiệp.
***
Truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp đa tầng độc giả vì đầy chất liệu sống, từ đô thị đến làng quê, từ tướng, thường dân, thị dân, nông dân, nghệ sĩ, đồ tể...; từ đỉnh cao trí tuệ thâm thúy xuống mù chữ lưu manh. Nhân vật - bối cảnh đa dạng. Dù đã từng lắm cuộc tranh cãi nảy lửa, rốt cuộc, tất cả giới nghề và độc giả trong và ngoài nước đều thống nhất: Nguyễn Huy Thiệp là số 1, “vua truyện ngắn” Việt Nam thời Đổi mới.
Ông đặt tên truyện tài tình. Tư duy đa tầng, thông hiểu Kinh Dịch, diễn đạt hiện đại, biệt lạ, nên không gian tác phẩm dù khung cảnh đẹp thì vẫn có biên độ mở, chuyển dịch thời đại. Dù nặng hồi ức thời bao cấp, hay thức thời hôm nay, vẫn thấy mình, thời của mình trong đó. Là bởi ông dám trực diện lột tả "người Việt xấu xí", qua hành động, thoại, ý nghĩ. Lúc sương khói liêu trai, lúc chói chang trần trụi, khi ma mị ảo huyền, rồi lại mơ và thơ, lãng mạn nhà văn ít khi diễn tiến thoại bằng gạch đầu dòng. Lời nói, ý nghĩ của nhân vật nối nhau trong chuỗi tả. Đột ngột một câu "điểm huyệt" chết người. Tổng kết, đúc kết, triết lý, đúng và đáo để như thể ở trong "nội tạng" chúng ta, thậm chí "bóc mẽ" cả nhân vật lẫn độc giả. Là tự sự của nhân vật, có thể là lời của nhân chứng - người theo dõi - con mắt thứ 3.
Cách viết này hấp dẫn, chưa từng có trước ông, khó bắt chước như ông. Nên truyện Nguyễn Huy Thiệp rất Á Đông mà lại "tấn công" được vào châu Âu đề cao cách tân, đột phá. Nhân vật ít học, du côn, tha hóa, lột tả tận cùng cái ác, bỉ ổi, nham nhở, đối chọi thiện - ác, đẹp - xấu kịch tính liên tục, thổ lời lạnh lùng phũ phàng, thì vẫn đầy phút giây hướng thiện, khát vọng, đám lam lũ, thô lỗ, cục cằn cũng vẫn giữ phẩm tính người. Nhà văn thương phụ nữ, trẻ thơ và không ngừng nâng đỡ từ những giấc mơ.
Bởi vì chính Nguyễn Huy Thiệp tự nâng mình bay lên bởi giấc mơ. Ông tầm vóc nhờ tư tưởng trong tác phẩm.
***
Tôi sẽ không liệt kê những truyện ngắn đạt tầm xuất sắc, các giải thưởng quốc tế, số lượng tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp dịch ra các thứ tiếng. Lưu lượng "thác lũ" không thể dồn đủ trong khuôn khổ bài này. Tôi muốn cuốn mình và cùng những người yêu mến văn ông, cuốn vào những ngọn gió của ông.
Gió ấy, khởi từ Hua Tát, Sơn La, nơi ông để gần 10 năm tuổi trẻ, trong vai trò thầy giáo (trường Bổ túc cán bộ). Nhà văn đã trở lại đây tháng 7/2018, do sự kết nối của thầy tôi - PGS-TS Ngô Văn Giá, trưởng khoa Viết văn - Báo chí, Đại học Văn hóa. Cùng đi có TS Mai Anh Tuấn - bảo vệ luận án Tiến sĩ Văn học năm 2017, với đề tài "Tiếp cận tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp từ góc nhìn nhân học văn hóa" và PGS, TS Nguyễn Thị Bình, hướng dẫn luận án này - giảng viên của Đại học Sư phạm I Hà Nội, nơi vợ chồng nhà văn từng học. Thầy giáo Thiệp dạy trường Bổ túc cán bộ, học sinh hơn thầy chục tuổi trở lên.
Chàng trai Hà Nội Nguyễn Huy Thiệp ngày đó đã vứt bớt sách vì va li nặng quá, khi leo núi đường trắc trở, đi bộ rạc người. Thung lũng ấy, núi rừng ấy, những cơn đói, rét khốn khổ ấy không dập vùi, thui chột khát vọng của ông. Yêu Phan Thị Trang, chị lớp trên, cùng khoa Văn - Sử ra trường, 2 người phải xa nhau. Trang về Bắc Ninh dạy văn trường cấp 3 Tiên Du, Thiệp dạy lịch sử trên Sơn La. Họ nuôi tình yêu bằng thư và hy vọng ngày về Hà Nội.
Rồi cũng về, để cưới và lại lên đường, tiếp tục làm nghề giáo. Những năm "đói như hắc tinh tinh, như con vật ở địa ngục" không quật ngã được Thiệp. Anh rách chân đạp đá vào rừng chặt tre làm lán dựng trường. Anh đi bộ 26 km đến trạm xá nhổ răng, về đi bộ 26 km ê ẩm toàn thân, đến hôm sau mới biết bị nhổ nhầm răng... tốt. Nơi rừng thiêng nước độc, dùng nước lạnh nhiều, nên chưa già nhà văn đã ê buốt, hỏng răng, thập kỷ cuối đời nhai răng giả.
Trường Bổ túc đã không còn. Nhà văn rớm lệ khi gặp người quen cũ. Bao năm trở lại 1 lần, được du thuyền thăm lòng hồ Thủy điện Sơn La và trở lại trường cấp 3 Mai Sơn, nơi ông dạy hơn 2 năm trước khi được quay lại Thủ đô. Ở đây, ông làm công việc can bản đồ, bìa sách cho NXB Giáo dục.
Văn học Việt Nam hiện đại ra thế giới, ít ỏi, trong đó một phần được dịch do quan hệ. Trường hợp Nguyễn Huy Thiệp hội tụ nhiều đặc biệt. Nước ngoài biết đến ông bởi dư chấn từ Việt Nam.
Đến nay, số đông vẫn nhầm lẫn Nguyễn Huy Thiệp sáng tác muộn, tính theo mốc 1986, truyện ngắn đầu tiên in báo Văn nghệ. Không đúng. Thiệp xuất hiện, đăng đàn năm 36 tuổi, nhưng ông đã sáng tác truyện đầu tiên khi 21 tuổi - Trái tim hổ, ở nơi "khỉ ho cò gáy" ông viết, gom giữ lại, sau về Hà Nội, in thành tập Những ngọn gió Hua Tát. Trong các truyện đó, có Sống dễ lắm. Giễu nhại đấy. Khốn khổ, thiếu thốn lắm, làm gì có chuyện "dễ" đâu. Nhưng có câu: "Nhìn vào mắt trẻ con mà sống"!
Mắt trẻ con, là mắt con trai ông, thăm thẳm xa xôi - đốm sáng hy vọng vẫy gọi.
Sau khi cưới người bạn gái hiền thục hơn 3 tuổi, cô gái làng Vẽ (con gái thầy đồ, Trang mồ côi mẹ khi 3 tuổi), Nguyễn Huy Thiệp lại lên Sơn La. Bà Phan Thị Trang sinh con trai Nguyễn Phan Bách năm 1976 ở Hà Nội, rồi lại đưa con nhỏ sang Bắc Ninh tiếp tục dạy học. Thỉnh thoảng thăm vợ con, thầy giáo Thiệp từ huyện Mai Sơn (hơn 7 năm đầu ở bản Hua Tát, xã Cò Nòi) chỉ chắt bóp lương eo hẹp, mua măng, củi.
"Vốn liếng" dữ liệu vụ thuê thợ xẻ gỗ cho ông viết Những người thợ xẻ, năm 1998 đạo diễn Vương Đức làm phim nhựa (kịch bản gộp cả truyện Con gái Thủy thần). Đời như cuốn phim, li kì, kịch tính, nên Thiệp viết đầy chất điện ảnh, bởi thế mà các đạo diễn tài năng đã nhanh mắt nhanh tay đưa lên màn bạc.
Tướng về hưu (1988) của ĐD Nguyễn Khắc Lợi gây chấn động khi ĐD dũng cảm dùng chỉ tiết truyện làm phim con dâu tướng Thuấn, BS Thủy (Hoàng Cúc) lấy nhau thai ở BV Phụ sản về xay cho chó béc-giê ăn. Nổi tiếng đến mức, đọc và bàn luận về truyện Nguyễn Huy Thiệp thành khẩu vị thời thượng của cả trí thức lẫn thị dân từ Bắc vào Nam, cho tới hôm nay. Đến Thương nhớ đồng quê (1995), ĐD Đặng Nhật Minh viết kịch bản cũng không bỏ chi tiết vàng, và phim dự nhiều Liên hoan phim, nhận giải thưởng quốc tế. Đó là mở đầu cảnh Nhâm (Tạ Ngọc Bảo) đi đón chị Quyên Việt kiều từ ga tàu, đèo về bằng xe đạp, đi qua cánh đồng làng quê. Cảnh Nhâm xuất tinh đầu đời trai khi nhìn chị Quyên tắm sông từ trong ruộng ngô xanh ngát.
Sau đó, Nguyễn Huy Thiệp về hưu non và không hề kèm "một cục" (tiền), không có lương hưu. Sinh con trai thứ Nguyễn Phan Khoa 30/1/1983 ở Bắc Ninh, trong khi con cả Bách được về Hà Nội năm 1980 với bố. Năm 1986, bà Trang và con trai út Khoa mới được đoàn tụ khi chồng xin cho chân sửa morasse ở NXB Giáo dục.
***
Bệnh tim mạch, tiểu đường huyết áp cao, bao năm sống bằng "lộc văn" từng tiệm, Nguyễn Huy Thiệp không bao giờ kêu than khó nhọc, kể cả lúc ông bất lực, nản buồn. Ông bền gan, kiên cường bản lĩnh bằng sự trầm tĩnh đối mặt. Văn hiện đại, lại chơi thân với 2 ông làm thơ lục bát Đồng Đức Bốn, Nguyễn Bảo Sinh, cũng là cách để cân bằng.
Cú ngã 4/3/2020 giáng mạnh vào ông. Đôi bàn chân đi giày 40 - to so với khổ người, thời trai leo núi, từ lúc tập đã nhúc nhắc chống gậy trong sân, đến ngày liệt hẳn nửa người bên trái. Tai biến cố tập, vật lý trị liệu, thuốc và sữa cả triệu một ngày, cũng không trở về như cũ.
Ngày mưa 27/11/2020, bà Trang vội ăn trưa xong, kêu mệt, nằm ngủ và ra đi. Ngày mưa 20/3/3021 ngày Quốc tế hạnh phúc, Nguyễn Huy Thiệp đi theo vợ, về với ông bà, mẹ cha.
Nguyễn Huy Thiệp đã là một tượng đài của văn chương Việt Nam đổi mới. Dù ốm, dù không đi được, không nhận biết, không nói được và đến lúc lìa đời, vào chiều thứ Bảy hẹn hò, thì "con hổ" Thiệp vẫn nguyên vị thế, uy phong danh tiếng của một "chúa sơn lâm" tiếng gầm vang từ ngàn trang chữ Việt.
Gió vẫn thổi tầng tầng bóng Thiệp.
Lễ viếng nhà văn Nguyễn Huy Thiệp sẽ diễn ra từ 9h15 đến 10h30 sáng nay, 24/3 tại Nhà tang lễ, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Sau đó thi hài của nhà văn sẽ được đưa xuống Đài hoá thân hoàn vũ, Văn Điển, Hà Nội. An táng tại Nghĩa trang thôn Tằng My, xã Nam Hồng, Đông Anh, Hà Nội.
Bấy giờ Nguyễn Ánh vừa diệt được Tây Sơn, đóng đô tại Huế. Ðất nước liền bờ cõi, không còn chiến tranh triền miên như trước, nhưng tại Bắc Hà, đám sĩ phu kẻ lưu luyến nhà Lê, người tiếc Tây Sơn, kẻ thờ vua mới là Nguyễn Ánh. Vì thế có người bảo "Ðất nước yên bình nhưng tâm thức bất yên".
Mỗ Tương, thời xa xôi trước đó, đám tùy tướng của chúa Trịnh đánh đàng trong có mang về xóm Vạc hơn chục tù nhân. Trong số đó, có kỳ nữ gốc gác hoàng tộc. Dung nhan mặn mà, đàn hay múa giỏi, nhưng khuôn mặt khi nào cũng ủ dột sầu não. Làng có ba họ lớn Trịnh, Nguyễn và Hoàng.
Năm nọ, có con trâu điên lồng trên cánh đồng, suýt húc chết người họ Trịnh. Một gã nông phu họ Nguyễn dũng cảm, vác bắp cầy liều thân đón đầu, quật bừa mấy cái, hạ được trâu. Ðể trả ơn, nhà Trịnh bèn cho không gã lực điền nữ nhân kia. Ba năm sau, sinh được một bé trai. Tên Huy đệm là Phất. Họ Nguyễn trong làng Mỗ vốn không có thanh thế, muốn con có chữ, bèn sắm lễ, tới miếu Nguyễn Bổi trong làng Mỗ, cầu xin rất khẩn thiết. Canh năm, mộng thấy có người lay dậy, chỉ mặt nói: "Ông sinh con tinh hổ. Môi dày. Quầng mắt thâm. Bản ngã thông minh, sau có danh tiếng, nhưng là danh tiếng của loài cầm thú". Cha Phất Huy nghe vậy buồn lắm, nhưng vẫn cố cho Huy lên Thăng Long ăn học.
Phất Huy tới tam thập vẫn chưa làm được trò trống gì. Thân phận nhiều khi phải phiêu dạt. Ðược cái chịu khó, chẳng từ nan việc nào, miễn có tiền để sống. Thậm chí lúc sa cơ, nhập bọn với lũ thảo khấu, liều thân buôn lậu qua biên giới. Có lúc lại thay lốt, dạy trẻ trâu, kiếm ăn qua ngày. Tới tứ thập, Huy vẫn là thường dân. Buồn là không biết vận chưa tới, Phất Huy lòng đầy trắc ẩn, ấm ức, oán khí tiết hết cả ra mặt. Vì vậy khuôn mặt y vốn thô, quê mùa, tù hãm, nay lại thêm hai quầng mắt xám, khô lạnh, nom càng nặng nề, âm u.
Bấy giờ, chính sách của nhà Nguyễn chú ý tới đàng trong nên đời sống dân Bắc Hà, sau nhiều cuộc chiến triền miên, rất thảm hại, kể cả đám quân sĩ từng có công đánh dẹp nhà Tây Sơn.
Phất Huy gần ngũ thập, tìm về Thăng Long. Thân cô thế cô, y muốn giao du với đám văn sĩ mà chưa có dịp. Bấy giờ, ở nam Thăng Long bọn Ngọc Chung Tử, Ðặng Ân, Thụ Nguyễn, Thụy Vũ, Thị Anh... là đám văn nhân thường hay tụ họp đàm đạo văn thơ, vui vẻ lắm. Một dịp quen với Ðặng, Phất Huy ngỏ lời muốn nhập bọn. Biết y là kẻ mới lập bập về Thăng Long, lạ nước lạ cái, Ðặng vốn nhân từ, vui vẻ nhận lời tiến dẫn. Một thời lam lũ, đa phần bè bạn là đám giang hồ, hạ đẳng, Phất Huy không tường luật lệ giao du với đám tao nhân mặc khách, y hỏi, thưa tiên sinh, em ra mắt, mang gì tới? Ðặng nghĩ, Huy nghèo. Bảo, bọn này đủ rượu nhạt, mang lòng đến với nhau là đủ. Về nhà, Phất Huy nằm nghĩ, cho rằng, thời thóc cao gạo kém, chắc bọn họ cũng đói, bọn sĩ phu khách khí hay nói vậy, chắc thử rộng hẹp lòng mình. Nhỏm phắt dậy, dắt mấy tiền cạp quần, ra chợ. Y tính, sáu người, thể nào có kẻ cũng mang rượu, thịt, lòng, tiết tới, ngày đầu mình không nên bủn xỉn. Mua một chân giò lớn, nặng ba cân, về vườn nhà thui đen, cẩn thận bọc lá chuối.
Ðúng hẹn, Huy đến. Thấy cả bọn đã tới từ trước, đang uống rượu bình thơ. Phất Huy thi lễ xong, rút phắt chân giò thui từ túi vải nhầu nhĩ, quệt mồ hôi hột, đặt xuống chiếu. Ðám văn sĩ nói trên vốn là người tứ xứ, nhưng về Thăng Long đã lâu, dẫu có đói cũng chẳng ai nghĩ, sự ra mắt của Huy quá thực tế tới tầm thường là vậy, đều trợn mắt, lè lưỡi. Ðể tỏ lịch thiệp, Ðặng mời Huy an tọa, khen chân giò béo. Vốn nhạy cảm, Huy hiểu ánh mắt của người. Nghĩ, mình bị chê mọi rợ quê mùa. Ngượng lắm. Giận vẫn cố cười. Từ đó y nuôi thêm mối ấm ức, căm hờn phải nén.
Sống ở Thăng Long vài năm, giao du với đủ hạng văn nhân, lại ngậm hờn bấy nay, y suy nghĩ nhiều đêm, lao tâm khổ tứ, mọi sự dồn kết để vào đúng Tết Nguyên đán năm ấy, Huy phát tiết viết thông chín khúc luận nhiều việc ở thiên hạ.
Văn Phất Huy có giọng riêng, sắc lạ, chẳng giống ai bấy nay trong đám văn nhân Bắc Hà. Những chuyện y bàn trong chín khúc, mang sự suy ngẫm, nung nấu rất riêng về cảnh và đời, xưa và nay, nhân tình thế thái, đặc biệt là cái hư hỏng của người. Sĩ phu Thăng Long bấy nay khiếp nhược trước sự trả thù của nhà Nguyễn với bầy tôi của Nguyễn Huệ, vốn hay suy diễn, giờ có người nói hộ lòng mình nên văn Huy được nhiều kẻ hiếu sự tò mò. Cũng có người xét nét nói, văn Phất Huy kiêu bạc, lạnh lùng, thiếu cái bao dung, nhân ái của văn nhân. Quả vậy, văn y ý tứ sắc nhọn, song hồn vía toát lạnh, bàn tới người mà như con hổ bình thản rau ráu nhai xương, nuốt thịt, uống máu, con rắn cạp nia trợn mắt nuốt gọn con vật trên cỏ xanh. Ðôi khi, thấy như y sau câu văn, cười man dại, sờ, nắn, vạch, bóp, ỉa đái, v.v. tự nhiên, chẳng kiêng kị những dung tục tầm thường, đặt cả lên giấy trắng, gây bàn ra tán vào. Thiên hạ đa sự, Phất Huy nổi tiếng khắp Thăng Long bấy giờ.
Từ vô danh tới hữu danh chỉ là khoảnh khắc ngắn, Huy thoắt thấy mình như đệ nhất thiên hạ, thêm kiêu ngạo, dần chả coi ai ra gì. Ngay đối với bạn bè thủa hàn vi, các danh sĩ Thăng Long như thi sĩ Ngọc Chung Tử, văn gia Ngô Bội, là hai kẻ từng quảng bá văn Huy, giúp y giao du trong đám văn chương khắp Thăng Long, cũng bị y gọi là đứa, là thằng; vắng mặt tỏ lời khinh bỉ, sáp mặt lại lạnh lùng như chưa từng gặp gỡ.
Sau chín khúc ấy, Phất Huy có viết thêm dăm cuốn sách nữa, không tự biết bút lực đã cạn. Những sở đoản của y hay dùng như đối thoại, ngôn từ sắc gọn, ẩn dụ khéo léo, hàm ý sâu sắc, giờ mang nhai lại, không được như xưa. Văn y, khéo ở sự chửi xéo thiên hạ, mà lời cay độc vốn là sở đoản, tuyệt kỹ, giờ dùng nữa, nghe nhiều thấy tầm thường. Thói quê, ngay ở chợ, chửi mãi, lại thiếu cái ý vị, thâm sâu, thừa tục tĩu... nghe nhiều thành nhàm chán, nhạt nhẽo.
Biết vậy, Phất Huy trở bút, bàn đủ thứ trên đời. Khốn nạn thay, trời chỉ cho y chín khúc, nay ham muốn nặng sâu, càng viết càng phô bày kiến văn nông cạn, kiến thức hẹp hòi. Các chiêu thức, xảo thuật mù mờ, lập lờ, hai mặt, vốn dung dọa được dăm kẻ đa sự, giờ đây chỉ gây chút bực mình cho người chẳng muốn rác tai. Có người ôm bụng cười khi thấy rõ y tham vọng không cùng mà hay lạm bàn tới phật đạo, v.v.
Biết mình cô độc trong đám văn nhân, Huy cố tập hợp vài kẻ quanh mình, chẳng kể bọn lục lâm thảo khấu, giang hồ, lưu manh, lại có đứa chuyên vay nặng lãi, gây thanh thế. Có kẻ bày y làm quán Tửu hoa văn đài thu nạp đệ tử. Quán mở ra được ba bốn năm, cũng nhiều kẻ hiếu kỳ mò tới. Y phất, mua cỗ xe tứ mã. Trong quán, các món chó, gà, dê, lợn đều sẵn; đôi khi có món lẩu thập cẩm đặc biệt, gọi là khẩu tục nhục bản năng, bán đắt gấp ba bốn lần theo giá thường nên khách khứa cũng thưa thớt dần. Hết tò mò, chẳng còn ai lui tới nữa. Tửu hoa văn đài hoang phế, thành nơi chó ỉa, mèo đái.
Năm nọ, Thăng Long có hội thả diều thơ ở Vân Các. Phất Huy vốn chẳng biết làm thơ, nhưng cũng mò tới. Thú chơi thơ vốn là thú chơi tao nhã được người Bắc Hà rất trọng. Thơ thiên hạ nhiều cung bậc, có cao và thấp. Tới hội, Phất Huy lớn tiếng luận về thơ phú, một mặt đem thơ đám tay chân, thân tín ca ngợi hết lời, một mặt vơ đũa cả nắm đám thi nhân, không kể cao thấp, xa, gần, già, trẻ, lớn tiếng chê bai, coi họ như phân rác. Nhiều người biết y có tài châm chọc, lời lẽ đanh ác, đều tránh. Phất Huy trơ trọi trong đám hội, muốn sự chú ý của người đời, tỏ ra chẳng sợ ai, như tự ám thị các nhân vật y đã phóng tác, giả say, gạt đổ các bình hoa Thủy tiên, các bậc trưởng lão thường bày cho thanh tao trong lễ hội, xuống đất, rồi vạch quần đái tồ tồ vào đống hoa giữa thanh thiên bạch nhật.
Trong đám tới thả thơ năm ấy, có người dáng đậm, kiểu quê mùa, thấy nghịch cảnh, bèn tới bên chỉ mặt, cất lời mắng Huy. Ðiệu bộ nhẩn nha, nhưng lời lẽ tao nhã, ý lý rạch ròi, phân minh, phê phán toàn bộ văn chương lẫn hành vi bấy nay của Huy. Y ngượng lắm, vì từ xưa chưa có ai luận hạch về y rành mạch, đen trắng tới vậy. Y tím tái, uất kết như có cục đá chặn ngang cổ. Ðám tay chân của Huy muốn bênh, kẻ nắm tay, đứa phùng mang trợn mắt toan xông lại. Từ trong đám đông dân chúng có người xưng là khách thơ, tự nhiên đến đứng bên gã nhà quê, trừng mắt lửa. Huy thấy vậy, bối rối, đám tay chân cũng chùn tay. Trong đám văn nhân, có lão già đã rụng hết răng, họ Hoàng, xưa vốn được nhiều người tôn trọng, nay vừa được y mời chén rượu lạt ở đầu hội, chả nghe, không biết việc xảy ra sao, thấy cả bọn Huy lúng túng bèn nhảy lên bênh vớt, nói bừa một câu: "Thôi về đi. Chấp gì bọn lợn cỏ bẩn thỉu".
Bị lên án giữa thanh thiên bạch nhật, kẻ phê lại chính danh, xưng rõ họ tên tuổi tác, quê quán, nên Huy căm lắm. Về nhà, cả tháng trằn trọc không ngủ, viết một đoản văn mấy nghìn chữ, đối đáp lại việc ở sân thả thơ. Biết tài mình không thể át được lý lẽ của người kia, Huy một mặt khen vờ mấy dòng, mặt khác trở trò vu cáo, bịa đặt nhân thân hai người trên, lấy hình hài của người mà chê bai, bỉ thử, lại bôi thêm, đặt vài hư chuyện. Xong, y cho người phát tán khắp nơi. Việc tới tai nhiều người, có kẻ nói, thương thay cho Phất Huy, mơ ước làm đại nhân mà như đứa chơi bi đánh đáo.
Năm Phất Huy đã già, thường lảm nhảm nhiều câu vô nghĩa một mình. Tự cảm thấy cô độc. Có người mách nên về làng nằm mộng bên miếu Ông Bổi (1) sẽ biết hậu vận, tiền vận lành dữ thế nào. Vốn chẳng tin ai, nhưng tính toán thấy cũng không tốn kém lắm. Y về làng, tắm gội, bỏ ít bạc lẻ mua dăm bộ sách mới, vác chiếu tới miếu Ông Bổi chờ mộng. Nằm hai đêm chưa thấy linh ứng; tới đêm thứ ba, về khuya, đã mệt mỏi, đang thiêm thiếp ngoài thềm thấy có người tới lay dậy, dẫn vào trong miếu. Chợt xênh nhạc vang lừng. Từng chồng sách người đời dâng cúng đang cháy đượm trong lò hóa. Có tiểu nữ từ hậu cung ra, tay hoa bê rượu, đổ tro sách lắc đều, đoạn rót rượu ra mấy chén lớn. Ba bốn vị trên tòa tự nhiên cạn uống rồi đàm luận từng câu từng lời trong sách của thiên hạ tiến mà không sai một chữ.
Thấy thế, Huy sợ lắm, nhưng vẫn khấp khởi, trộm nghĩ, bấy nay, mình bị chê là kiến thức lỗ mỗ. Giá biết thuật này? Thầm đoán, chắc họ dùng loại rượu đặc biệt, bèn dập đầu lạy, xin một chén. Ba bốn vị trên điện thấy thế cười lớn rồi cũng sai thị nữ rót rượu ban cho y. Y đón rượu, uống. Miệng chén chưa rời môi đã thấy bụng đau quặn. Kịp chạy vội ra ngoài miếu nôn thốc tháo. Ba người trên cao cười ha hả. Người râu dài ngồi giữa, như bức ảnh truyền thần Nguyễn Bổi treo chính giữa ban thờ, bấy giờ nghiêm sắc mặt cất lời:
- Duyên trời cho bọn ta gặp ngươi chốn này. Phép ấy chỉ dùng cho bậc thượng thừa, chính nhân, không chỉ đọc vạn sách mà phải có chân tu, trải đủ, thấu mọi kiếp khổ nạn, biết cái đau của thiên hạ, biết nỗi vui của trăm nhà... nhận đủ uy khí trời đất nước Nam này. Ngươi tinh hổ, cậy có chút tài mọn trời cho mà không tự biết mình, chỉ gầm ghè cắn người, bất kể cả bạn cũ, kẻ ân nghĩa với ngươi tới khi sắp chết cũng bị ngươi bỉ báng, coi họ như ruồi muỗi nhặng xị... Tư chất ấy chỉ của loài cầm thú, không bao giờ có bạn bè đồng loại. Thấy người phê phán mình thì chơi trò vu khống bịa tạc. Ðấy đâu là quân tử chính nhân? Thích nói tới Phật mà không thấu lời Phật dạy, trước không tự hiểu mình, sau là càn rỡ, rặt lời bệnh hoạn ma quỷ, vậy là chỉ đọc mà không học. Như loài vẹt kia, có ăn cao lương mỹ vị, đào tiên vườn Vương Mẫu cũng chỉ ỉa ra cứt xanh. Tâm khí sinh từ lục phủ ngũ tạng. Lòng dạ ngươi tăm tối, tức lục phủ ngũ tạng hỏng hết, sao tiêu được tro sách như bọn ta được. Thôi về!
Dứt lời, tất cả biến hết.
Huy thấy mình nằm tơ hơ trên sàn gạch lạnh. Nhìn ra ngoài, bãi cỏ y vừa nôn ra mật xanh mật vàng đã cháy xém, táp đen, bốc mùi tanh hôi không ngửi được. Hoảng sợ chạy về nhà ốm liệt, suốt ngày đêm chỉ uống nước mà nằm nôn ra rớt dãi xanh đen, tanh tưởi đến chó đói cũng không dám gần, có chót ngửi phải, chạy tứ tán mất tăm.
Vài bữa nữa, chất nôn ra nhạt dần tới lúc sắc trong lại thì thấy sảng khoái. Bệnh vài ngày sau tự lui, trở lại bình thường. Càng về già, y càng cô độc. Thảng có ai tới thăm, tỏ ra bất cần nhưng đêm tối vẫn ngửa mặt lên trời, than sinh bất phùng thời.
Về già, y lui về vườn cũ, nơi tổ tông để lại. Biết phận câm lời! Từ đó tự thấy nhàn thân. Không viết gì nữa.
Năm cùng tháng tận, Huy không ốm mà chết. Người nhà theo lời dặn đem xác thiêu. Lửa khét hai ngày, mùi hôi tanh tỏa ra ám cả một vùng. Lửa tắt, thấy trong đám đất dưới dàn thiêu có khối kết rắn như đá, nom tựa hình đầu hổ nhe răng, trợn mắt chực cắn xé ai. Người nhà cho là điềm xấu, đem chôn gần đám đất gần miếu. Vài ngày có trận mưa lớn, đầu hổ trồi lên, chó mèo thảng qua đều tránh. Dân làng thấy vậy, bèn rê đặt khối đá ấy đặt ngoài cửa miếu thay cho chó đá giữ cửa.
Mấy miếng đất xưa nơi Huy nôn xuống, trồng cây gì cũng không mọc, nuôi chó mèo nơi đấy đều chết. Thảng có ở gần thì cả chó với người đều gầy yếu xác xơ. Nay vẫn vậy.
Tôi nói không biết thọ muối là ai, chỉ biết mấy năm trước đọc trên phây thấy có dòng chữ comment bố láo xúc phạm quan hệ của tôi với cố nhân. Tôi hỏi dò ra điện thoại của y là tên là thọ muối. Tôi chưa bao giờ gặp y. Không hề biết gì về y , mà y dám viết láo. Tôi có máu điên, nên nói ngay qua đt : “mày xoá ngay. Tao muốn bóp chết mày” . Y xin lỗi và xoá mấy câu bẩn thỉu tự nâng của y.
Từ đấy (khoảng 2006) tôi cũng không bao giờ để ý có y.
Bây giờ thấy mọi người nhắc tới y. Và một bạn của tôi hỏi “có quen Thọ muối không”.
Tôi kính báo làng phây, tôi chưa bao giờ gặp người này.
Tất cả những ai quen biết tôi dù mới hay đã lâu đều chưa hề nghe tôi nói ra cái tên thọ muối. Đơn giản vì tôi không có quan hệ gì vói kẻ đó.
Đây là bài phê bình văn học của tôi, đầy cảm hứng tranh luận, viết đầu năm 1990 cho báo Văn nghệ, nhưng không được đăng. Sau đó cho vào tập tiểu luận Lí luận và phê bình văn học năm 1996, ở NXB Hội nhà văn, nhưng cũng phải bị bỏ ra vì không được Ban biên tập duyệt. Nhà phê bình văn học Lại Nguyên Ân, người biên tập cuốn sách của tôi đã có lòng lưu lại, 21 năm sau anh gửi biếu lại tôi. Xin cảm ơn anh Lại Nguyên Ân và giới thiệu để bạn đọc mạng đọc để nhớ lại một thời sôi nổi với biết bao ý tưởng. (TĐS)
*
Thường một hiện tượng nghệ thuật mới bao giờ cũng đem lại một ngôn ngữ nghệ thuật mới, mở rộng cái vùng cảm thụ cuộc sống đã quen sang những biên giới chưa quen, đưa người đọc thâm nhập vào những tầng đất sâu của cuộc đời. Các cuộc tranh luận về văn học có thể có rất nhiều nguyên nhân: chính trị, khoa học, đạo đức hoặc thị hiếu cá nhân, nhưng một lí do thường gặp nhất là ngôn ngữ nghệ thuật. Còn nhớ khi các truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu xuất hiện trên báo và in thành sách – thoạt đầu chưa có được sự nhìn nhận nhất trí, bởi vì người ta chưa nhận ra ngôn ngữ nghệ thuật riêng biệt của nhà văn. Các “mã khoá” quen thuộc hình như không giải được “mã” của chúng. Điển hình ư? Các trường hợp của nhà văn xem ra dị biệt quá! Hiện thực xã hội chủ nghĩa ư? Nhưng các truyện ngắn này mang cảm hứng ưu tư quá, thiếu khoẻ khoắn, lạc quan, thiếu nhân vật tích cực! Vậy đánh giá thế nào đây? Ông Hà Xuân Trường lúc ấy đánh giá là hiện thực xã hội chủ nghĩa một nửa. Dần dần, từ sau đại hội VI của Đảng, người ta mới nhận diện ra ngôn ngữ của nhà văn, nghệ thuật chống tư duy một chiều, chiêm nghiệm các nghịch lí – truy tìm các gốc rễ triết học và lịch sử của hiện tượng đời sống, khuynh hướng “phi sử thi hoá” trần thuật. Thời xa vắng của Lê Lựu ra đời muộn hơn nên may mắn hơn. Người ta nhanh chóng nhận ra sự đột phá một kị huý, ngòi bút phơi bày mặt trái tấm huân chương, khuynh hướng đặt lại một số vấn đề của đời sống xã hội, mở ra hướng sáng tác tự thú, tự phê phán.
Khác với người đi trước sáng tác của Nguyễn Huy Thiếp từ Tướng về hưu trở đi đã gây kinh ngạc và sửng sốt cho bạn đọc và cả giới văn học. “Cây bút tài hoa” là điều hầu như mọi người thừa nhận, mặc dù người khen kẻ chê rất khác nhau. Tuy nhiên, như vậy không có nghĩa là người ta đã chấp nhận và đồng cảm với ngôn ngữ nghệ thuật của anh. Đó là điều cực kì mâu thuẫn. Làm sao có thể chấp nhận một nhà văn là tài, mà lại không chấp nhận ngôn ngữ của anh ta ? Bởi vì xét cho cùng, cái tài chủ yêú của nhà văn là tạo ra một ngôn ngữ mới, như một công cụ mới, giúp ta chiếm lĩnh cuộc sống ở một tầng sâu hơn. Thế nhưng sự việc vẫn có lôgich của nó. Nghệ thuật của Nguyễn Huy Thiệp vẫn chưa được đánh giá nhất trí. Với cách đọc sử thi một số tác phẩm của nhà văn sẽ bị coi là xuyên tạc lịch sử, không chân thật. Với cách đọc đạo đức thì văn của nhà văn có vẻ như “ác”, “thiếu chữ tâm”, “phạm thượng”, “rợn rợn”. Với cách đọc chính trị, có người muốn suy diễn, quy chụp những điều nguy hiểm cho nhà văn như “hạ bệ thần tượng”, “phá phách”…Để tìm ra sự thông cảm chung, nhận ra hướng tìm tòi và triển vọng sáng tạo của tác giả, thiết tưởng không gì quan trọng hơn là nghiên cứu nghệ thuật của nhà văn, trước hết là ý thức nghệ thuật của anh, thể hiện qua một số tác phẩm mở đầu cho một hướng sáng tác. Đánh giá tác phẩm cụ thể cũng quan trọng, nhưng vấn đề ý thức nghệ thuật quan trọng hơn, và nó hứa hẹn với bạn đọc những gì sẽ đến, những điều có thể tin cậy và trông đợi. Huống chi con đường sáng tác của Nguyễn Huy Thiếp đang mới bắt đầu, nó cần thời gian để phát triển và tự hoàn thiện. Phê bình trong điều kiện như vậy không chỉ là khoa học mà còn là ước mơ và chờ mong.
Nhìn tổng quát, những lời trách cứ Nguyễn Huy Thiệp hết sức tập trung và điển hình: “ác”, “phạm thượng”, “xúc phạm tình cảm thờ cúng”, “nói ngược”, “xuyên tạc lịch sử”. Chưa nói tới một lập trường phong kiến đặc sệt, chứa đựng sau hai chữ “phạm thượng”, “nói ngược”, “hạ bệ” – rất xa lạ với tinh thần dân chủ hoá hôm nay, các cách nói ấy chỉ bộc lộ sự phản ứng trước một thói quen bị xúc phạm, cho thấy một ý thức nghệ thuật chỉ quen nói xuôi một chiều. Thật ra nguyên tắc tối cao của nghệ thuật là Tính chân thật, bất kể ngược hay xuôi. Với tinh thần khai sáng, trong Nhật kí người điên nhà văn Lỗ Tấn đã chất vấn nghiêm khắc một chàng trẻ tuổi trong truyện cả tin vào những điều “xưa nay vốn thế”: “Xưa nay vốn thế thì là đúng hay sao?!”[1] Balzac cũng bị trách cứ là vô đạo đức khi phản ánh các mặt đen tối của đời sống. Qua miệng nhà phê bình Felix Davin (1807 - 1836) ông đã trả lời: “Khi tất cả đều chân thật thì không thể nói tác phẩm là vô đạo đức.”[2] Như vậy điều then chốt của nghệ thuật là tính chân thực. Nhưng người ta chỉ hiểu được tính chân thực khi tính đến hệ quy chiếu. Chẳng hạn, tính chân thực nghệ thuật không thể đánh giá được chỉ bằng tính chân thực lịch sử, bởi vì nó có hệ quy chiếu nghệ thuật. Mà ngay tính chân thực lịch sử cũng không thể chỉ có một hệ quy chiếu, chẳng hạn lịch sử chiến tranh chống ngoại xâm, tinh thần yêu nước. Hệ quy chiếu trong truyện Nguyễn Huy Thiệp là “con người”, triết lí về con người, bản tính người, cách làm người, trạng thái ứng xử xã hội lịch sử của con người. Ta biết được điều này do môtiv con người được lặp đi lặp lại trong các truyện của tác giả. Trong Tướng về hưu ông Bổng khóc oà: “Thế là chị thương em nhất. Cả làng cả họ gọi em là đồ chó. Vợ em gọi em là đồ đểu. Thằng Tuấn gọi em là đồ khốn nạn. Chỉ có chị gọi em là người.” Một nhân vật trong Cún nói: “Cả cuộc đời ngắn ngủi của cha tôi chỉ có độc một khát vọng làm người mà không được”. Thắm trong Chảy đi sông ơi nói: “Con người ta tăm tối lắm. Con người vô tâm nhiều như bụi bặm trên dường.” và “Tôi” mơ “ở xứ Jerusalem có một con người…” Bà Lâm trong Những bài học nông thôn nói: “Mẹ mười đốt thì tám đốt là quỷ, đốt rưỡi là ma, có nửa đốt là người.” Chút thoáng Xuân Hương là suy nghĩ về con người của Xuân Hương, trách nhiệm làm người nói chung. Ba truyện về lịch sử nói về số phận con người trong đời sống cộng sinh… Truyện của Nguyễn Huy Thiệp thống nhất trong những baì học làm người (Những bài học nông thôn, Những người thợ xẻ, Con gái thuỷ thần...). Khác với hệ quy chiếu lịch sử như yêu nước, chống ngoại xâm, đấu tranh giai cấp, mâu thuẫn tiến bộ lạc hậu, cấp trên cấp dưới, tổ chức và cá nhân…thường thấy trong văn học cách mạng, truyện Nguyễn Huy Thiệp đứng ở bình diện nhân cách, trạng thái nhân cách, lựa chọn nhân cách ở mỗi người. Nó đề cập tới loại sự thật lịch sử mà L. Tolstôi đã nói tới trong tác phẩm Luyserne (1857). Nhà văn kể lại sự kiện ngảy 7 tháng 7 năm 1857 tại khách sạn Sveisegov, nơi những người giàu có nhất nghỉ lại, một người hát rong nghèo khổ đã hát và chơi đàn ghi ta trong suốt nửa tiếng đồng hồ. Gần một trăm người đẫ nghe anh ta hát. Ca sĩ ba lần xin mọi người cho anh ta chút gì đó. Không một người nào cho anh ta gì cả và nhiều người còn cười cợt anh ta.” Nhà văn nhận xét : “Biến cố đó quan trọng hơn, nghiêm túc hơn và nó có ý nghĩa vô cùng sâu sắc hơn tất cả các sự kiện đã được ghi chép lại trong các báo và trong các pho sử…” Sau khi so sánh với các sự kiện về chiến tranh, bang giao, trị quốc của vua chúa, nhà văn nói tiếp: “Tôi thiết tưởng biến cố ở Luyserne là hoàn toàn mới, kì lạ và nó liên quan tới không phải những phương diện tồi tệ vĩnh cữu của bản chất con người mà liên quan tới một thời đại nhất định trong sự phát triển xã hội. Đó là một sự kiện không phải dành cho lịch sử của hoạt động con người mà dành cho lịch sử của tiến bộ và văn minh.”[3] Tôi phải trích hơi dài về suy nghĩ của Tolstoi vì nó nói tới một loại sự thật lịch sử mà các nhà lịch sử uyên bác có thể không hề biết đến, nhưng lại là loại sự thực lịch sử đang hiện lên trong tư duy của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Sự hướng về loại sự thật lịch sử “ngoài lịch sử” ấy đánh dấu sự trở về của văn học với quỹ đạo nhân học của nó. Đánh giá chân thực lịch sử trong nghệ thuật bằng cách dẫn ra các “sử liệu” và “kết luận của sử học” thì thật là ngây thơ. Bởi vì sử liệu đâu đã là sự thật lịch sử, còn kết luận khoa học của một ngành khoa học xã hội như sử học thì cũng chỉ là quan niệm xã hội của một thời và có tính lịch sử, chưa phải là chuẩn mực cuối cùng để đánh giá nghệ thuật. Không nên quên rằng sự “khái quát”, “biến đổi” sự thật lịch sử của nhà viết sử (tức cách anh ta xem cái gì là chính, cái gì là phụ, cái gì là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt, thậm chí là cả sự xuyên tạc nó…) là một sự thật lịch sử của lịch sử tư tưởng và ý thức hệ, trong bối cảnh hiện nay cũng là một đối tượng của sự đổi mới tư duy, chưa phải là tiêu chuẩn để dánh giá tính chân thực của nghệ thuật. Mặt khác, lịch sử không phải là cái quá khứ đứng im, bất biến, chết cứng, vì nó sống động, sinh sôi trong thời hiện đại, chấp nhận sự lật đi lật lại của đời sau theo các góc độ khác nhau. Lẽ nào chúng ta không thấy sự cảm thụ lịch sử dân tộc ở thập kỉ 80 này khác nhiều so với những năm 60, 70? Lẽ nào đó không phải là sự thật lịch sư có quyền hiện diện trong văn học? Người ta trở về với lịch sử để tìm câu trả lời cho nhiều vấn đề hiện tại, từ những vấn đề của quá trình phát sinh hiện tại mà tìm ra lối thoát, xem quá khức như là trường học hành động, là đối tượng sống để phán đoán về đạo đức, tư tưởng và đánh giá, chứ không giản đơn để ghi nhận cái gì đã xảy ra[4]. Trở về với lịch sử quá khứ là đối thoại với những người có tầm văn hoá khác. Chúng ta thử đặt những vấn đề của thời mình cho họ, xem họ trả lời theo cách của họ. Đó là chức năng tự ý thức xã hội của tri thức lịch sử[5]. Tôi không thuộc và số người ngợi ca Phẩm tiết, nhưng tôi thấy có thể miêu tả Quang Trung ở góc độ con người, có yêu , có giận, có lầm lỡ, hối hận, có cả nóng nảy, chửi rủa. Nữ văn sĩ Liên Xô M. Shaghinhian trong lời nói đầu cho cuốn tiểu thuyết của bà là Gia đình Ulianov (giải thưởng văn học Lên nin) đã nói về cuộc đấu tranh để tái hiện hình ảnh Lê nin như một con người sống động. Bà bị phản đối vì đã viết ngôn ngữ Lên nin không ít lần nói tục, chửi rủa. Bà nói đến điều cực kì quan trong là cấn chiếm lĩnh quá khứ như là sự sống nóng hổi, bởi vì quá khứ vẫn đang lớn lên. Không nên tạo ra các mô hình và khuôn sáo của quá khứ[6]. Điều đó có nghĩa là phải vứt bỏ các vết chai cứng mà thời gian đã sần lên trong ý thức để có thể trực tiếp thể nghiệm sự sống, xuất phát từ các đòi hỏi của cuộc sống thực tại, chống lại lối huyền thoại hoá. Bà đã tìm thấy hơn 300 lần Lênin đã dùng đến tiếng chửi rủa, tiếng tục tỉu trong trước tác và thư từ của mình[7]. Hồ Chủ Tịch trong thư trả lời ông H (1925) đã rất tán thưởng câu trả lời rất tục (“cứt”) của một vị tướng của Napoleon. Người viết: “Đây chỉ là một từ, lại là từ tục tằn.Nhưng trong tình thế nguy kịch nghiêm trọng ấy, nghìn lời nói khác cũng không thể nào thể hiện được hơn lòng dũng cảm của vị tướng và lòng khinh bỉ của ông đối với kẻ thù.” Người dẫn trường hợp đó để kết luận:”Một lối hành văn giản dị, chính xác, hơn hẳn cái lối hành văn rườm rà, hoa mĩ.”[8] Truyện của Nguyễn Huy Thiệp như đang nói đây là “truyện lịch sử giả”nhưng những lời chửi rủa của các nhân vật không phải là điều không thể xảy ra và không thể hiểu được khi họ là những con người, những người cầm quyền lực tối thượng. Còn khi đã ở vào quan hệ tình yêu thì phải chịu đựng quy luật của tình yêu: Dù là người quyền cao chức trọng, nhưng không yêu thì không để thành thân, không hiến thân cho người mình không yêu. Đó là nguyên tắc của “luật chơi”phẩm tiết. Làm sao đáp lại tình cảm của Quang Trung là bài toán khó đối với Vinh Hoa. Trong cái thế giới của tín điều “nam nữ thụ thụ bất thân” ấy, Vinh Hoa đã chọn cái tư thế mà sự tiếp xúc “thân” diển ra với diện tích nhỏ nhất, tức là ngón tay út, nàng dùng ngón tay ấy để vuốt mắt nhà vua lúc ông lâm chung. Mặc dù vậy nàng vẫn vi phạm nguyên tắc phẩm tiết của mình, để lại vết chàm không rửa được nơi ngón tay ấy. Vết chàm là sự đánh dấu, không phải là chất bẩn như có nhà phê bình đã phân tich. Đọc truyện không nên suy diễn tuỳ tiện, bỏ qua các luật chơi mà nhà văn đã lựa chọn và tuân thủ. Luật chơi ấy có cơ sở lịch sử và tâm lí của con người.
Đặc điểm thứ hai trong ý thức nghệ thuật của Nguyễn Huy Thiệp có lẽ là nguyên tắc không kị huý. Ngay khi Tướng về hưu ra đời, có người đã chỉ ra cái mới của thiên truyện là lối trần thuật dân chủ, không áp đặt lập trường quan điểm cho người đọc[9], rồi tiếp thêm các tác phẩm sau, người ta thấy tác giả là nhà văn đối thoại[10]. Đó là những nhận xét đúng về ý thức nghệ thuật của nhà văn. Nhưng điều làm cho Nguyễn Huy Thiếp khác các nhà văn đối thoại khác là ở chỗ ngòi bút “không kị huý” của anh. Hình như dưới ngòi bút của anh không có vùng cấm nào cả, không có sự vật nào mà anh không gọi bằng tên của nó, từ những ý nghĩ, hành động đen tối, vô đạo nhất của nhân vật cho đến những xung động khao khát tình dục thầm kín nhất (như trường hợp ông Bổng, ông Kiền, Đoài, bà Lâm, Hiếu, Hiên…) mà người khác có thể né tránh họăc nói chệch đi, tất cả đều có thể xuất hiện dưới ngòi bút của Nguyễn Huy Thiệp. Đó là điều mà người ta cảm thấy anh “ác”, “thiếu chữ tâm”, “ghê rợn”, “lột trần không thương xót”…Lối viết không kiêng nể này khởi đầu từ Hồ Xuân Hương, truyện Tiếu lâm, truyện ngắn Nguyễn Công Hoan. Trong văn xuôi của Nguyễn Huy Thiệp đã đẩy tới một quy mô mới. Vấn đề “dâm – tục” trong thơ của nữ sĩ họ Hồ hoặc truyện tiếu lâm ngày nay đã không thành vấn đề nữa. Người Việt chẳng ai là không tự hào về bà chúa thơ Nôm và chẳng ai thấy xúc phạm khi đọc các bài thơ vịnh cảnh các hang động, chùa chiền vốn linh thiêng của bà. Hẳn là người đọc cũng “ác” mới yêu được các bài thơ ấy. Tính chất không kị huý như một luật chơi đã xé bỏ một số quy ước văn hoá, cho phép nhà văn thọc bút xuống đáy sâu của cuộc đời, phơi bày tất cả ra ánh sáng. Đây không còn là “hiện tượng tiêu cực” như người ta vẫn nói, mà đã là cái ác. Cái ác “rợn rợn”, “thiếu chữ tâm” chứ đâu phải nghệ thuật thiếu chữ tâm. Viết một cách khác “sạch sẽ” hơn thì cái ác có thể không làm cho người ta “ghê rợn”, kinh tởm nữa. Nghệ thuật phải làm cho người ta cảm thấy được thực chất của sự vật. Đó là “tài” của nó. Thật lạ lùng khi người ta vừa hưởng thụ cái tác động đặc biệt của nghệ thuật lại vừa lên án nó. Không kị huý là một ước lệ nghệ thuật của Nguyễn Huy Thiệp, cũng giống như khoả thân là ước lệ của nghệ thuật tạo hình. Trong thực tế kị huý là quy ước văn hoá, tạo nên miền u tối ước lệ giữa cuộc đời, bởi vì ai cũng cảm thấy, cũng biết nhiều điều, nhưng người ta quy ước là không nói ra hoặc chỉ làm ngơ, vờ như không thấy. Bỏ kị huý đi, thế là cuộc sống hiện ra trần trụi, không che đậy. Tôi hiểu kị huý theo nghĩa rộng, gồm tất cả các ước lệ xã hội, tâm lí, văn hoá tạo nên cái bề ngoài quy phạm của cuộc sống xã hội. Chẳng hạn có khi gặp kẻ đáng khinh bỉ ta vẫn phải thưa gửi, đối diện với kẻ đáng nguyền rủa ta vẫn phải ngoại giao, che đậy. Các kị huý như thế tạo nên những ức chế trong tình cảm. Đến lượt mình, nghệ thuật giúp ta giải thoát khỏi các ức chế ấy, thế là ta cảm thấy khoái cảm. Trong thế giới nghệ thuật Nguyễn Huy Thiệp những chỗ độc đáo nhất đều không có kị huý. Đối đáp của Vinh Hoa với hai vua, các lời nhận xét của Phăng về Gia Long và Nguyễn Du, các đối đáp của cha con, anh em nhà ông Kiền, ..hầu như không có gì che đậy, dè dặt. Các nhân vật Quang Trung, Gia Long, những người tham gia trò chơi của Nguyễn Huy Thiệp cũng không hề tức giận trước những lời rất ư “phạm thượng” của Ngô Thị Vinh Hoa, đó là vì “luật chơi”không kị huý cho phép như thế. (Chẳng hạn khi Quang Trung hỏi “Vận của ta sẽ được mấy đời”, thì Vinh Hoa đáp: “Sao không hỏi được bao nhiêu ngày”? Khi Gia Long muốn tỏ ý sở hữu nàng, Vinh Hoa nói: “Bệ hạ muốn làm vua gà vua vịt hay sao”?. Những đối đáp ấy trong thực tế sẽ bị chém đầu vì tội khi quân.). Ước lệ này cho phép bộc lộ đến tận cùng gan ruột con người, xoá bỏ hẳn ranh giới giữa ý nghĩ thầm kín và lời nói công khai, lời nói trong và lời nói ngoài mà không cần viện tới hình thức lời nửa trực tiếp hay lời độc thoại nội tâm của nhân vật, mà tạo nên lời trực tiếp tự do của nhân vật (không phải của người kể chuyện). Chính vì đặc điểm này mà trong hầu hết truyện của Nguyễn Huy Thiệp ta thường thấy nhân vật này “nói”, nhân vật kia “bảo”, đầy rẫy đối thoại, mà rất hiếm thấy nhân vật “nghĩ”, hoặc tác giả khắc hoạ trực tiếp dòng nội tâm của nhân vật. Nội tâm được tả bằng các biểu hiện ra ngoài như “tái mặt”, “đánh rơi kiếm” hoặc bằng khúc hát. Đó là phong cách trần thuật cổ xưa đã được nhà văn dùng lại. Ước lệ không kị huý góp phần xé toạc các thứ xảo ngôn mĩ miều do tâm thế kị huý tạo nên. Chẳng hạn nói tình yêu thì “đẹp, hài hoà, đáng yêu” (Không có vua) hiện thực chỉ là tấm ảnh màu được lục từ tủ sách ra (Cún). Cách này ứng với thủ pháp nghịch dị (grotesque) – những hình ảnh cộc lốc, dị dạng, quái đản, như ta thấy trong chân dung nhân vật của Nam Cao, nhưng ở Nam Cao là nghịch dị bề ngoài, còn ở Nguyễn Huy Thiệp còn là nghịch dị tinh thần, có tác dụng phá bỏ các huyền thoại.
Đặc điểm thứ ba trong ý thức nghệ thuật của Nguyễn Huy Thiệp là đã vượt qua mô hình văn học chính trị, sử thi nghiêm trang, thành kính để hướng tới một mô hình văn học bình dân, thông tục với nội dung triết lí về con người và lịch sử (Xem bài của Trương Hồng Quang và Nguyễn Mai Xuân về triết lí lịch sử trong Vàng lửa, Tạp chí văn học số 2, 1989.). Văn học bình dân thời nào, xét trong tổng thể cũng bao hàm các yếu tố: lịch sử, phong tục, hoang đường, diễm tình, tình dục, ma quái, vụ án, trinh thám, , “chưởng”… Văn học cách mạng thời gian qua hầu như chỉ tập trung vào nội dung xã hội và lịch sử mang triết lí nhà nước, bỏ qua các yếu tố khác. Giờ đây Nguyễn Huy Thiệp dung nạp nhuần nhuyễn nhiều yếu tố đó trong thể truyện của anh. Đặc điểm này làm cho truyện của anh khác hẳn loại truyện đặt lại vấn đề rất thịnh hành hiện nay. Truyện Nguyễn Huy Thiệp làm sống lại truyền thống văn học bình dân của Truyền kì mạn lục, Truyện Kiều, ai cũng đọc được và cảm thấy nhẹ nhàng, thú vị. Tác giả cũng có triết lí nhân sinh để thoả mãn những ai ưa thích trầm tư về những khía cạnh sâu xa của kiếp người.
Tìm về truyền thống nghệ thuật văn học dân tộc là một đặc sắc nổi bật của Nguyễn Huy Thiệp so với dàn đồng ca văn xuôi đang tìm cách đổi mới hiện nay. Từ truyền thống ấy mà tạo được một ngôn ngữ nghệ thuật riêng đầy sức mạnh của mình như anh lại càng là hiếm có. Đối với một ngôn ngữ nghệ thuật mới chúng ta cần tìm tòi, phân tích, đánh giá sao cho xác đáng và công tâm, để tránh các lối suy diễn, quy chụp có tính chất đạo đức, chính trị, gây nguy hiểm cho nhà văn và con đường tìm tòi sáng tạo nghệ thuật lâu dài của họ.
Hà Nội, 7 – 5 – 1990.
________________________________________
[1] Lỗ Tấn toàn tập, tập 1, nxb Văn học nhân dân, Bắc Kinh, 1957, tr. 16.
[2] Lời Tựa “Nghiên cứu phong tục thế kỉ XIX, trong tập Cổ điển lí luận văn nghệ dịch tùng, t. 3, Bắc Kinh, 1962, tr. 167.
[3] L. Tolstoi. Trích Bút kí của công tước D. Nekhliudov Luyserne-Sevatstopol, T. 1, nxb. Văn học, Hà Nội, 1984, tr. 309 – 310. Người trích gạch dưới.
[4]Â. Gulyga. Mĩ học của lịch sử. Moskva, 1974,tr. 22.
[5] A. Gurevichs. Những phạm trù của văn hoá trung cổ. In lần thứ 2 có bổ sung và sửa chữa, M., Nghệ thuật, 1984, tr. 7.
[6] M. Shaghinhian.Tác phẩm 9 tập, tập 6, tr. 800.
[7] M. Shaghinhian Lời tựa sách Gia đình Ulianov, M.,Izvetschia, 1070.
[8] Hồ Chí Minh. Văn hoá cũng là một mặt trận, Văn học, Hà Nội, 1981, tr. 46.
[9] Đặng Anh Đào. Khi ông tướng về hưu xuất hiện. Tuần báo Văn nghệ, số37.(12 – 9 – 1987)
[10] Lê Xuân Giang. Nhà văn đối thoại… Tạp chí Văn học, số 2- 1989.
* NGUYỄN HUY THIỆP XUẤT HIỆN TRÊN TUẦN BÁO "VĂN NGHỆ":
1986:
- Cô Mỵ (VN, s. 18: 3/5/1986)
- Vết trượt (VN, s. 39: 27/9/1986)
1987:
- Những chuyện kể bất tận của thung lũng Hua Tát: Ngẫu vật thiêng liêng; Sạ; Chiếc tù và bị bỏ quên; Tiệc xòe vui nhất (VN, s. 3+4: 17.2.1987; số tết đinh mão);
- Lại Nguyên Ân (Đọc văn phải khác đọc sử,- xung quanh Vàng lửa của Nguyễn Huy Thiệp); VN. 29+30 (16.7.1988)
- 28.7.1988: tại Hà Nội, Viện Văn học tổ chức trao đổi thảo luận về sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp.
- Thùy Sương (Về một cách hiểu truyện ngắn “Vàng lửa”), Văn Giá (Bàn thêm về truyện ngắn “Vàng lửa” của Nguyễn Huy Thiệp); VN. 31+32 (30.7.1988)
- Vương Trí Nhàn (Tưởng tượng về Nguyễn Huy Thiệp);
Đặng Anh Đào (Biển không có thủy thần,- đọc một số truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp); Vũ Phan Nguyên (Ba lần đọc “Phẩm tiết” – truyện ngắn mới nhất của Nguyễn Huy Thiệp); Nguyễn Thúy Ái (Viết như thế cũng là một cách bắn súng lục vào quá khứ,- về truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp); VN. 35+36 (20.8.1988)
- Phê bình (chung quanh sáng tác Nguyễn Huy Thiệp): Nguyễn Văn Bổng (Một trường hợp đang bàn cãi); Diệp Minh Tuyền (Nguyễn Huy Thiệp, một tài năng mới); Đỗ Văn Khang (Có một cách đọc “Vàng lửa”); Nguyễn Hữu Sơn, Trịnh Bá Đĩnh (Về một lối cảm thụ và phê bình “bắt vít”); VN. 37+38 (3.9.1988)
- Phạm Tường Hạnh (Người đọc thấy gì trong một vài truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp và những ý kiến phê bình); VN.Tp. HCM. 550 (16.9.1988)
- Phê bình: Lê Tiến Dũng (Đọc văn khác với đọc sử, nhưng…,- trao đổi với Lại Nguyên Ân về bài “Đọc văn phải khác đọc sử, xung quanh “Vàng lửa” của Nguyễn Huy Thiệp”, Văn nghệ, s. 29+30/1988); VN. Tp.HCM. 552 (30.9.1988)
- Văn Tâm (“Đọc” Nguyễn Huy Thiệp), VN. 48 (28.11.1988)
- Phê bình: Đỗ Văn Khang (Sự “mơ mộng” và sự “nghiêm khắc” trong truyện ngắn “Phẩm tiết”, của Nguyễn Huy Thiệp); VNQĐ, 11/1988
- Thùy Minh (Xung quanh truyện ngắn “Phẩm tiết” của Nguyễn Huy Thiệp), “Thông tin VH-VN”, ban VH-VN TƯ Đảng, s. 4 (th. 10+11+12/1988)
Hôm nay, lễ tang nhà văn Nguyễn Huy Thiệp được tổ chức trọng thể do Hội Nhà Văn VN và gia đình tổ chức. Trên mạng , bài viết của nhà thơ Trần Mạnh Hảo khiến mọi người vô cùng xúc động về sự ra đời của truyện ngắn TƯỚNG VÊ HƯU của NHT trên báo Văn Nghệ năm 198... làm dấy lên bao dư luận gay cấn hồi đó.
Tôi xin "ăn theo" nhà văn NHT và đăng lại bài thơ YÊU ĐỜI của tôi trên báo NGƯỜI HÀ NỘI năm 199...- trong đó có câu:""Sống làm chi khi MỌI TƯỢNG THẦN ĐỀU SỤP ĐỔ"....
Hồi đó tôi là Phó TBT, còn nhà văn Tô Hoài là TBT tờ NHN , ngay sau khi báo ra, tôi nhận điện thoại của bí thư Thành ủy Hà Nội lúc đó là anh Phạm Thế Duyệt mời lên gặp. Nhà văn Tô Hoài khuyên:"Chắc chắn là cụ ấy sẽ hỏi có phải cô định nói THẦN TƯỢNG là các vị lãnh đạo của đất nước không- Cô liệu mà trả lời cho an toàn nhé." ....
Đó là lần đầu tiên tôi bước chân vào căn phòng của Bí Thư Thành Ủy Hà Nội. Căn phòng lớn, có chiếc bàn to bày đầy giấy tờ tài liệu và một bàn nhỏ tiếp khách. Bí thư mời tôi ngồi, rót cho tôi chén nước và ôn tồn nói:
- Mời đồng chí ngồi, cứ bình tĩnh nhé. Sao mà mặt tái xanh thế kia?
- Anh gọi đồng chí em nghe thấy sờ sợ- vì nó nghiêm trọng quá ạ ...
Bí thư thành ủy mỉm cười:
-Từ sáng tôi đã nhận mấy cuộc điện thoại nói cần đọc ngay chùm thơ của cô vừa đăng trên báo NGƯỜI HÀ NỘI.Tôi đã đọc, thấy có bài hay, có bài được,Nhưng bài YÊU ĐỜI cô nói lý do muốn chết là vì nhiều lẽ, trong đó có một lý do là MỌI TƯỢNG THẦN ĐỀU SỤP ĐỔ" .Cô cứ uống nước và bình tĩnh suy nghĩ, lát nữa hãy trả lời tôi nhé. Nói rồi anh đi ra khỏi căn phòng rộng, để tôi ngồi lại một mình
Tôi xin phép đang lại bài thơ .
@
YÊU ĐỜI
Có đôi lúc buồn
Tôi đã định tự tử
Sống làm chi khi bè bạn bon chen
Cơ quan quanh năm đấu đá
Sống làm chi khi người yêu thành người lạ
Ngày như đêm một mình
Sống làm chi lương ba cọc ba đồng
Viết báo làm thơ kiếm từng xu vẫn loay hoay không đủ
SỐNG LÀM CHI KHI MỌI TỰỢNG THẦN ĐỀU SỤP ĐỔ
NGƯỜI TA TIN YÊU LẠI HÓA TẦM THƯỜNG
Vậy mà tôi vẫn sống nhơn nhơn
Vẫn cười nói họp hành trưng diện
Vẫn hy vọng kiếm được một ông chồng đáng mến
(Một người đã thông minh lại giầu)
Và tôi hiểu ra trong thăm thẳm niềm đau
Tôi vẫn còn yêu đời quá!
PHAN THỊ THANH NHÀN
@
Khi Bí thư thành ủy trở lại nơi tôi ngồi, anh nhẹ nhàng hỏi:
_ Bây giờ cô hãy giải thích cho tôi câu thơ MỌI TƯỢNG THẦN ĐỀU SỤP ĐỔ trong bài thơ cô đăng sáng nay trên báo là cô nói về ai?
Tôi bình tĩnh mỉm cười:
_ Xin phép anh cho em đọc một bài thơ ngắn khác, cũng đã đăng báo của em, được không ạ?
Bí thư gật đầu. Và tôi đọc:
ĐÀN ÔNG
Lần đầu tiên dạo chơi cùng người ấy
Tôi thấy sao trời lấp lánh như mơ
Lần đầu tiên cầm tay người ấy
Tôi thấy tim run nhịp bất ngờ
NGƯỜI ẤY LÀ TƯỢNG THẦN TÔI NGƯỠNG MỘ
Đã cho tôi hạnh phúc vô bờ
Nhưng bây giờ người ấy đã ra đi
Tôi bỗng thấy đàn ông xa lạ quá
Hình như họ có chút gì hoang dã
Có chút gì tàn nhẫn vô tâm
Vậy mà tôi vẫn cứ âm thầm
Yêu đắng đót người đàn ông hư ảo
Rồi sẽ có một ngày- như trái táo
Người dịu dàng rụng xuống giữa tay tôi.
PHAN THỊ THANH NHÀN
Đọc xong bài thơ, tôi nhìn Bí thư thành ủy, nói nhỏ: "Em rất xin lỗi vì anh cũng là đàn ông. Thần tượng trong thơ của em chỉ là NHỮNG THẰNG mà em và nó đã yêu nhau rồi nó lại bỏ em thôi anh ạ.".... Bí thư thành ủy chợt cười lớn:
- Trời ơi- thơ thẩn của cô sao mà rắc rối vậy, cô có biết là nếu tôi không gặp cô hôm nay, thì đã có mấy vị chức sắc trong thành phố yêu cầu xử lý cô thích đáng vì dám viết về các thần tượng của nhân dân một cách xấc xược đó nha. Nhưng thôi, cô nhớ phải rút kinh nghiệm cẩn thận mỗi khi viết báo, làm thơ nhé. Bút sa gà chết đó, ĐỒNG CHÍ ạ. Và hai anh em cùng cười....
Tin nhắn của bạn văn, cô không nêu tên, nhưng tôi nói thẳng ra đó là Nguyễn Văn Thọ, biệt danh "Thọ Muối" . Người đã từng theo Quang lùn, một dư luân viên nổi tiếng, trương biểu ngữ ủng hộ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Năm 2014 tôi bị bắt, tạm giam ở số 4 Phan Đăng Lưu. Ba ngày sau, một sáng chủ nhật tình cờ tôi đọc được tờ báo Nhân Dân, trong đó có bài: "Dù là ai cũng phải tôn trọng pháp luật", dù không nhắc tên tôi nhưng ai đọc cũng biết bài báo nói về tôi. Cuối bài báo ký tên: Nguyễn Văn Thọ ( Việt kiều Đức).
Ra tù tôi ra Hà Nội dự Hội thảo thơ Nguyễn Việt Chiến, gặp Thọ Muối. Hắn chìa tay bắt, tôi từ chối, đi thẳng vào hội trường. Hắn gào lên: "Lập ơi, mày không hiểu tao!".
Tới khi xuống âm phủ, Thọ muối tất gặp Nguyễn Huy Thiệp. Thể nào hắn cũng gào lên: "Thiệp ơi mày không hiểu tao!"
Hiểu cái gì?
Chắc ý hắn muốn nói: Tao làm vậy chẳng qua cũng vì miếng cơm manh áo mà thôi. Vì miếng cơm manh áo mà làm như Nguyễn Văn Thọ, đó là loại trí thức cục cứt!
(NLĐO)- 9 tác giả được đề nghị xét tặng "Giải thưởng Hồ Chí Minh". Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp là 1 trong 50 tác giả được đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước trong lĩnh vực văn học nghệ thuật năm 2021.
Bộ VH-TT-DL ngày 16-3 cho biết vừa công bố danh sách hồ sơ đề nghị xét tặng "Giải thưởng Hồ Chí Minh", "Giải thưởng Nhà nước" về văn học, nghệ thuật do Hội đồng cấp cơ sở trình Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước lĩnh vực Văn học để lấy ý kiến của nhân dân.
Theo đó, danh sách hồ sơ đề nghị xét tặng "Giải thưởng Hồ Chí Minh" có 9 tác giả, gồm Kim Lân (Nguyễn Văn Tài), Ca Văn Thỉnh, Trần Nhuận Minh, Nguyễn Khoa Điềm, Phong Lê (Lê Phong Sử), Thanh Thảo (Hồ Thành Công), Mai Quốc Liên (Vũ Hồng Ngự), Hoàng Trung Thông (Đặc Công, Bút Châm), Bùi Hiển.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp được đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật với 2 truyện ngắn Tướng về hưu và Những ngọn gió Hua Tát
Danh sách 50 tác giả có các tác phẩm, cụm tác phẩm xuất sắc được đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước trong lĩnh vực Văn học nghệ thuật đợt này trong đó có các tác giả Nguyễn Huy Thiệp (Truyện ngắn: Tướng về hưu, Những ngọn gió Hua Tát), Trần Anh Thái, Nguyễn Văn Thọ, Trịnh Thanh Phong, Nguyễn Phan Hách, Bùi Bình Thi, Vũ Duy Thông, Trần Quang Huy,
Thời gian lấy ý kiến kéo dài đến hết 29-3 trước khi Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước họp.
Nguyễn Huy Thiệp qua đời, báo chí đồng loạt viết bài ca ngợi ông, lại nghe tin ông vừa mới có tên trong danh sách đề nghị xét tặng Giải thưởng Văn học Nhà nước, tôi chua chát nghĩ: giá như ông chết giả giống y như Hoạ sĩ Lucio Predozani trong truyện ngắn “Kẻ giả chết” của Dino Buzzati (Ý) thì có phải ông đã nhận được nhiều danh hiệu cao quý; rồi gia đình ông sẽ nhận được nhiều “lộc” hơn; rồi thì ông được chứng kiến những giây phút tác phẩm của mình được sống động, thăng hoa trở lại sau bao tháng năm nguội lạnh có phải hơn không?
Ở thời điểm thập niên đầu chín mươi, “Nhà sách Uyên Phương” của tôi lúc nào cũng có khách tới để mua sách báo hoặc là thuê truyện. Với niềm đam mê sách, tôi chịu khó sưu tầm sách các loại về để làm phong phú quầy sách nhà mình. Thời điểm ấy, Nguyễn Huy Thiệp nổi lên như một hiện tượng đổi mới văn chương với những khác biệt làm xôn xao dư luận mà chủ yếu là dư luận bạn đọc cánh Bắc. Người Trung trở vào Nam với “tông màu” hiền hòa hơn thì không phải ai cũng nhanh chóng thích nghi với văn chương NHT. Tôi nói vậy là căn cứ vào lượng bạn đọc NHT, trong đó có tôi. Truyện ngắn NHT không có để mà bán. Khi tôi ra Hà Nội, có người dặn mua giúp. Tôi đem cả tuyển tập truyện ngắn NHT về nhưng cũng chỉ đọc đâu không quá 5 truyện, còn những truyện khác chỉ lướt mắt qua, đủ nắm được cái gam màu chung của chữ nghĩa ông là sắc lạnh, trần trụi, ngổn ngang những thứ bỉ ổi và nghịch lý của đời sống từ nhà ra ngoài ngõ. Câu văn ông luôn ngắn gọn, chắc nịch, không dông dài nhưng với một cô giáo dạy văn lúc bấy giờ còn rất trẻ và mơ mộng như tôi thì không thích hợp chút nào. Những đoạn kiểu thế này xuất hiện không ít: “Tôi cho bắc rạp, bảo thợ mộc đóng quan tài. Ông Cơ cứ loay hoay bên đống ván vợ tôi cho xẻ hôm trước. Ông thợ mộc quát: "Sợ chúng ông ăn cắp gỗ à?" ông Bổng hỏi: "Ván mấy phân?" Tôi bảo: "Bốn phân". Ông Bổng bảo: "Mất mẹ bộ xa lông Ai lại đi đóng quan tài bằng gỗ dổi bao giờ? Bao giờ bốc mộ, cho chú bộ ván". Cha tôi ngồi âm thầm, trông rất đau đớn. Ông Bổng bảo: "Chị Thủy luộc cho tôi con gà, nấu hộ nồi xôi". Vợ tôi hỏi: "Mấy cân gạo hả chú?" Ông Bổng bảo: "Mẹ mày, sao hôm nay cứ ngọt xớt thế? Ba cân"! Vợ tôi bảo tôi: "Họ hàng nhà anh kinh bỏ mẹ" (Tướng về hưu). Đọc xong, tôi cứ thấy buồn buồn, chán nản đến mất cảm tình với nhà văn có “cái đầu lạnh”. Rồi khi ra Hà Nội học ở trường Viết Văn Nguyễn Du, tôi được nghe cánh nhà văn kháo về ông đủ điều; ngợi ca có, đàm tiếu có, lại bảo ông mở cả nhà hàng bán thịt chó gì gì đấy làm tôi cũng quên luôn ông.
Đến những năm 2000, tôi có nghe tin NHT nhận được một số giải thưởng nước ngoài gì đấy thì cũng ngạc nhiên, vì nghe tin NHT đã tuyên bố ngừng viết, rồi ít người còn nhắc tới ông. Lúc bấy giờ mạng xã hội chưa phát triển, tôi tìm tác phẩm của NHT ở các nhà sách Quảng Nam, Đà Nẵng để đọc lại thì không thấy có, lại phải đợi ra Hà Nội để mua lại. Và ở cái tuổi đã chín hơn, trải nghiệm hơn, tôi mới nhận ra một NHT “lương thiện” và cô đơn trong một đời sống nội tâm sâu sắc. Tôi mới hiểu: thì ra hiện thực đời sống trần trụi, cái nhẫn tâm tới cả lúc người chết đã nằm xuống kia đã làm nên chất liệu “khô cằn, sỏi đá” trong văn chương NHT, để rồi ông phải dứt khoát, phải quyết liệt bằng mọi cách, cho người đọc xót xa, đau đớn, kinh tởm trước sự suy đồi của đạo đức xã hội; từ đó mà khát khao chân, thiện, mỹ.
Và cũng cho tới lúc bấy giờ, tôi mới biết NHT từng là thầy giáo có gần 10 năm dạy học ở núi rừng Tây Bắc, để có “Những ngọn gió Hua Tát”. Cũng như bao giáo viên một thời sống tù túng nơi vực sâu, núi thẳm, nhưng vứt bỏ mọi âu lo, toan tính vì ảo giác bởi “lý tưởng cống hiến”, đời sống thầy giáo Nguyễn Huy Thiệp nơi bản nhỏ cũng đã từng có hai nửa sáng tối: nửa nhiệt huyết, đam mê, nửa cô đơn ẩn giấu những nỗi niềm.
Trong Cô My, truyện ngắn đầu tiên được đăng trên Văn nghệ (3/5/1986), Nguyễn Huy Thiệp đã gửi nỗi niềm trong nhân vật thầy giáo Thức với “đôi mắt thẳng thắn và hơi phảng phất u buồn” bộc bạch điều sâu thẳm: “Tôi ở mười năm mà chẳng bao giờ không nao lòng nhớ miền xuôi những khi chiều xuống (…) Mấy đứa giáo viên xa nhà ngồi bên bếp lửa, rất nhiều câu chuyện vô nghĩa và vô tích sự. May mắn là tôi có niềm say mê sưu tập văn học dân gian, tôi không thiếu những công việc phải làm trong những buổi tối. Tôi sợ vô cùng những bếp lửa tàn. Nhìn những hòn than rừng rực nguội đi mà lòng tự dưng hốt hoảng một nỗi mơ hồ”…
Tôi đã không đọc loạt bài báo na ná nhau về NHT những ngày qua; bởi cảm thấy nó thừa thãi và sáo rỗng làm sao ấy. Tôi chán cả chính mình, khi đến bây giờ mới nhận ra, giá như xã hội bây giờ có được nhiều tác phẩm mới tái hiện trần trụi, sắc cạnh hiên thực thì tốt biết bao nhiêu !
Sài Gòn viết lúc 10 h 30 phút ngày 24-3-2021 khi ngoài Hà Nội đang diễn ra lễ tang truy điệu Nguyễn Huy Thiệp, có vòng hoa Trần Mạnh Hảo viếng Thiệp, đặt trước quan tài ông.
T.M.H.
Chú thích : *** Trang : tên người vợ vừa mất của Thiệp.
Vài ngày trước đây Nguyễn Hưng Quốc có đăng hai bức thư của Nguyễn Huy Thiệp trên facebook. Thư thời điện tử nên gởi qua email, năm 2008. Hai bức thư rất thú vị và có giá trị trong việc tìm hiểu Nguyễn Huy Thiệp như một nhà văn. Tuy vậy, lúc đọc hai bức thư, tôi tự hỏi việc đăng chúng lên như vậy có hợp lý không. Hôm nay thấy Nguyễn Hưng Quốc trả lời những người chỉ trích ông việc đăng hai bức thư của Nguyễn Huy Thiệp, tôi tìm hiểu một chút về vấn đề bản quyền liên quan đến thư tín. Tôi không phải luật sư, nên những ý kiến tôi đưa ra sau đây chỉ để tham khảo.
Theo Nguyễn Hưng Quốc, việc đăng công khai thư tín của các tác giả văn học gởi cho mình là điều bình thường. Ông nêu ví dụ các cuốn sách tập hợp thư tín như The Letters of T.S. Eliot và Thư Võ Phiến. Cuốn sau do chính Nguyễn Hưng Quốc làm. Theo tìm hiểu của tôi, vấn đề không đơn giản như vậy.
Theo luật bản quyền của Mỹ và có lẽ của Úc nữa, bản quyền trên “nội dung” của các bức thư thuộc về người gởi chứ không phải người nhận. Người nhận chỉ sở hữu cái hình thể “vật chất” của bức thư, tức là tờ giấy mà bức thư được viết lên hoặc email mà qua đó bức thư được gởi. Người nhận thư có quyền bán, trao tặng, hoặc hủy bỏ thư hay email, nhưng không có quyền xuất bản hoặc đăng công khai nội dung bức thư. Việc xuất bản hoặc đăng công khai toàn văn bức thư cần được sự cho phép của người giữ bản quyền nội dung bức thư, người đó có thể là chính tác giả bức thư, những người được tác giả ủy thác bản quyền, hoặc những người thừa kế di sản của tác giả. Để cho dễ hình dung, có thể xem hai bức thư Nguyễn Huy Thiệp gởi Nguyễn Hưng Quốc như hai sáng tác mà Nguyễn Huy Thiệp chép tặng Nguyễn Hưng Quốc. Nguyễn Hưng Quốc sở hữu tờ giấy với thủ bút của Nguyễn Huy Thiệp, nhưng không sở hữu bản quyền hai sáng tác đó. Ở Mỹ, bản quyền này được công nhận suốt đời tác giả cộng với 70 năm sau ngày tác giả mất. Ở những quốc gia khác, số năm có thể thay đổi chút ít. Cuốn The Letters of T.S. Eliot đã được xuất bản với sự cho phép và biên tập chặt chẽ của người vợ thứ hai của T.S Eliot là bà Esmé Valerie Eliot. Cuốn Thư Võ Phiến thì Nguyễn Hưng Quốc đã làm với sự đồng ý của chính nhà văn Võ Phiến khi Võ Phiến còn sống.
Tóm lại, trong trường hợp hai bức thư của Nguyễn Huy Thiệp, tôi nghĩ Nguyễn Hưng Quốc không nên đăng toàn văn nếu không có sự đồng ý của Nguyễn Huy Thiệp trước đây hoặc những người đang giữ bản quyền tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp hiện nay. Nguyễn Hưng Quốc tuy vậy vẫn có thể tóm tắt nội dung và trích dẫn vài đoạn từ hai bức thư này trong bài viết của ông, như cách trích dẫn trong nghiên cứu, phê bình. Điều này có thể được chấp nhận theo các quy ước của luật “Sử Dụng Hợp Lý” (“Fair Use”).
Tôi hy vọng những điều tôi nêu trên về căn bản là đúng, và chúng sẽ hữu ích cho các vấn đề liên quan đến thư tín trong văn giới.
Sau cùng tôi muốn đặt câu hỏi với những người đã phản đối việc Nguyễn Hưng Quốc đăng hai bức thư của Nguyễn Huy Thiệp. Nếu hai bức thư đó có nội dung khác một chút so với hai bức thư đã đăng, theo hướng mà quý vị nghĩ là có lợi cho hình ảnh của Nguyễn Huy Thiệp, quý vị có phản đối không? Hay quý vị sẽ cảm ơn Nguyễn Hưng Quốc đã giữ gìn và chia sẻ “di sản tinh thần” của Nguyễn Huy Thiệp? Với cá nhân tôi, hai bức thư đó giúp tôi hiểu nhiều hơn về Nguyễn Huy Thiệp như một tác giả, và cảm thông với ông hơn như một con người. Có điều, cách mà chúng xuất hiện thì không ổn thỏa về mặt bản quyền.
Bác Nguyễn Huy Thiệp rời cõi trần thế xong rồi, cầu cho bác ấy thanh thản yên lành nơi hộ khẩu vĩnh hằng. Chả hay ho gì cái cõi tạm này, mà bác Thiệp là người từng trải đủ kiếp nạn. "Mùi tục lụy lưỡi tê tân khổ/Đường thế đồ gót rỗ kỳ khu" (Nguyễn Gia Thiều).
Định không viết gì liên quan tới bác Thiệp nữa, để bác yên, nhưng nghe dư luận khen rát quá bài điếu văn của chủ tịch Thiều, vậy xin thêm một đôi lời.
Phải công nhận, chủ tịch Thiều viết cái điếu văn đó hay, đúng như dư luận khen ngợi. Viết như rút ruột, như đã cảm nhận rằng đây là cơ hội nghìn vàng để nói ra điều này điều khác, nếu không tận dụng sẽ khó có dịp, thậm chí không bao giờ nữa. Ông Thiều đã nói ra được những điều mà nhiều người muốn nói, vì vậy hay và nhận được sự đồng cảm.
Tôi là kẻ ngoại đạo văn chương, nhưng mê văn ông Thiệp, cực kỳ kính trọng ông, và cũng thực lòng khen bài điếu văn của ông Thiều. Với người chết, nghĩa tử là nghĩa tận, cái quan định luận, ông Thiều đã làm được điều tử tế, đúng mực, chứ không xu thời, phũ phàng vô lương như cái điếu văn của "ai đó" hồi tang lễ tướng Trần Độ.
Điều hết sức may mắn cho hội nhà văn xứ này là ông Hữu Thỉnh đã thôi chức trùm hội, chứ nếu ông ấy còn tại vị, chuyên viết điếu văn, có tiếng là "người viết điếu văn số 1", không biết ổng sẽ thể hiện gì nói gì đọc gì khi đứng trước linh cữu nhà văn oan khổ Nguyễn Huy Thiệp.
Suốt mấy chục năm ông Thỉnh cầm trịch hội, phụ tá cho ông là ông Thiều và một vài ông bà khác nữa, tài năng văn chương xuất chúng Nguyễn Huy Thiệp đã chịu bao nhiêu khổ ải, lận đận vất vả long đong, kiếm sống đủ mọi cách, đường đời khó khăn. Ông mở đường cho một thời đại văn chương, quậy nồi văn học đương đại sôi sùng sục, tạo biết bao tiếng tốt, danh vị thơm ngon cho nền văn học nước nhà, nhưng cuối cùng gần như bị chế độ, bị các nhà xuất bản mà ông Thiệp đã đem về cho biết bao nhiêu danh tiếng và tiền bạc, bị hội nhà văn... gần như ném vào sự thờ ơ, quên lãng. Không mấy ai nhớ đến ông, ngoài công chúng, bạn đọc tử tế, những người luôn kính trọng, biết ơn Nguyễn Huy Thiệp. Nhưng đám công chúng tử tế ấy chỉ trả ơn bằng tinh thần, tình cảm, chứ không bằng tiền bạc vật chất, bởi đa phần nghèo như ông Thiệp.
Ông Thiệp công lao hãn mã như thế với văn chương nước nhà nhưng nhà nước, chính phủ, hội nhà văn, ông Thỉnh, ông Thiều, và các ông bà có trách nhiệm gần như chả hề có ý định hoặc đấu tranh để tôn vinh ông Thiệp. Không một bằng khen, huy chương, huân chương, lại càng không tí tẹo chút mẩu giải thưởng của quốc gia, nói chi tới giải thưởng nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh. Khi ông đã hấp hối, gần lìa đời, thần chết đã líu ríu trò chuyện ngoài ngõ để rước ông đi, thì người ta mới sực nhớ sực nghĩ, cũng là một kiểu nghĩ bổ sung, thêm tên ông Thiệp vào danh sách đề cử giải thưởng nhà nước. Theo tôi, nên dẹp, chả hay ho gì. Còn nếu cố muốn trao cho ông Thiệp giải thưởng, thì giải Hồ Chí Minh cũng chưa xứng với ông. Khi ông Thiệp bệnh tật, vợ chết, khó khăn, thiếu thốn, vào bệnh viện như đi chợ, hình như chưa một ông bà lớn nào, trong đó có những người từng đọc truyện Nguyễn Huy Thiệp, từng khen nức nở thế này thế khác, tới thăm ông, động viên ông, giúp đỡ ông. Tất nhiên ông Thiệp và con cháu ông không đòi hỏi nhưng đạo lý trên đời đòi phải như thế.
Bài văn tế, còn gọi là điếu văn của ông Thiều, hay thì hay thực, nhưng chẳng qua cũng chỉ là kiểu chữa cháy khi lửa đã tàn. Tạo chút xúc động tí thôi, chứ rốt cục vẫn không qua được cái thói đời "Lúc sống thì chẳng cho ăn/Đến khi thác xuống làm văn tế ruồi", hoặc "Sống thì chẳng thấy ăn nào/Chế thì cúng giỗ mâm cao cỗ đầy".
16. Ngày 28/5/2021, Trúc Bạch thư xã công bố tư liệu 1990 gắn với Trần Độ
"
TRÚC BẠCH THƯ XÃ 54 phút ·
TƯỚNG TRẦN ĐỘ NHẬN XÉT VỀ NGUYỄN HUY THIỆP Lời TBTX: Bài phỏng vấn này được đăng trên tạp chí Cửa Việt số 2 (1990). Tạp chí Cửa Việt của Hội Văn học Nghệ thuật Quảng trị, ra mắt vào tháng 2-1990, do Hoàng Phủ Ngọc Tường làm Tổng Biên tập. Tạp chí Cửa Việt ra đời trong bối cảnh giai đoạn cuối của phong trào "cởi mở" trong văn nghệ nên thu hút nhiều cây bút nổi tiếng đương thời. Người ta thấy Phùng Quán xuất hiện sau mấy chục năm vắng bóng vì án Nhân Văn Giai Phẩm, rồi nhiều nhà thơ nhà văn đã thành danh như Văn Cao, Tô Hoài và cả những tên tuổi kế cận như Nguyễn Quang Lập, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Thị Hoàng... Tạp chí Cửa Việt có nhiều sáng tác phản ánh những tiêu cực, bức xúc xã hội, đặc biệt chuyên mục "Sự kiện- Đối thoại" luôn thu hút độc giả bởi dám đi thẳng vào các xung đột và vấn đề nóng trong xã hội. Tạp chí Cửa Việt ra mắt được khoảng 18 số thì bị dừng hoạt động để kiện toàn lại. Hơn 1 năm sau, Cửa Việt (loại mới) ra mắt nhưng nội dung không còn như Cửa Việt (cũ) nữa.
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.
16. Ngày 28/5/2021, Trúc Bạch thư xã công bố tư liệu 1990 gắn với Trần Độ
Trả lờiXóa"
TRÚC BẠCH THƯ XÃ
54 phút ·
TƯỚNG TRẦN ĐỘ NHẬN XÉT VỀ NGUYỄN HUY THIỆP
Lời TBTX:
Bài phỏng vấn này được đăng trên tạp chí Cửa Việt số 2 (1990). Tạp chí Cửa Việt của Hội Văn học Nghệ thuật Quảng trị, ra mắt vào tháng 2-1990, do Hoàng Phủ Ngọc Tường làm Tổng Biên tập. Tạp chí Cửa Việt ra đời trong bối cảnh giai đoạn cuối của phong trào "cởi mở" trong văn nghệ nên thu hút nhiều cây bút nổi tiếng đương thời. Người ta thấy Phùng Quán xuất hiện sau mấy chục năm vắng bóng vì án Nhân Văn Giai Phẩm, rồi nhiều nhà thơ nhà văn đã thành danh như Văn Cao, Tô Hoài và cả những tên tuổi kế cận như Nguyễn Quang Lập, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Thị Hoàng...
Tạp chí Cửa Việt có nhiều sáng tác phản ánh những tiêu cực, bức xúc xã hội, đặc biệt chuyên mục "Sự kiện- Đối thoại" luôn thu hút độc giả bởi dám đi thẳng vào các xung đột và vấn đề nóng trong xã hội. Tạp chí Cửa Việt ra mắt được khoảng 18 số thì bị dừng hoạt động để kiện toàn lại. Hơn 1 năm sau, Cửa Việt (loại mới) ra mắt nhưng nội dung không còn như Cửa Việt (cũ) nữa.