Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

16/05/2020

Đền thờ Gia tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh (khánh thành trước 19/5/2020)

Kỉ niệm 130 năm ngày sinh Hồ Chủ tịch (19/5/1890 - 19/5/2020).
Tin từ các nơi.

Mở đầu là từ các báo chính thống về đền thờ Gia tiên trong ngày khánh thành. Các thứ khác thì dán dưới phần bổ sung như mọi khi.


Tháng 5 năm 2020,
Giao Blog









---

Tin từ các nơi



Thủ tướng dự khánh thành Đền thờ Gia tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày 16/5, tại tỉnh Nghệ An, nhân dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ khánh thành đền Chung Sơn - đền thờ Gia tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh - tại núi Chung, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gắn bó thuở thiếu thời.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng khánh thành đền Chung Sơn - đền thờ Gia tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: VGP
Cùng dự có nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, tỉnh Nghệ An và một số địa phương.
Đây là lần đầu tiên trong cả nước có một nơi thờ tự, một địa chỉ văn hóa mang ý nghĩa lịch sử để nhân dân và du khách bày tỏ niềm kính phục, lòng biết ơn đối với những người thân trong gia đình của Bác Hồ.
Đền Chung Sơn - đền thờ song thân phụ mẫu và anh chị em ruột của Chủ tịch Hồ Chí Minh - là công trình có ý nghĩa hết sức đặc biệt, thể hiện truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An xưa nay là vùng địa linh nhân kiệt, một vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng, nơi đã góp cho đất nước 38 vị đại khoa cốt cách thanh cao, trí tuệ uyên thâm, được người đời trọng phục…
Miền đất này là nơi sinh ra 3 vị anh hùng lỗi lạc trong lịch sử Việt Nam là Mai Thúc Loan, Phan Bội Châu và Hồ Chí Minh, những người đã làm rạng rỡ cho núi sông Việt Nam, đem lại vinh dự cho nhân dân cả nước nói chung và nhân dân Nam Đàn nói riêng: “… Anh hùng xuất chúng Mai, Phan, Nguyễn/ Khoa bảng lừng danh Xán, Đạt, Giao/ Truyền thống anh hùng và học giỏi/ Mong rằng hậu tiến mãi giương cao…”.
Sông núi Nam Đàn - một phần máu thịt của giang sơn gấm vóc Việt Nam - nơi cắt rốn chôn nhau và nuôi dưỡng cậu bé Nguyễn Sinh Cung từ thuở ấu thơ - đã góp phần to lớn trong việc hình thành tình cảm, cốt cách, tư tưởng của Danh nhân Văn hóa Hồ Chí Minh.
Thủ tướng và các đại biểu dâng hương tưởng nhớ Bác Hồ. Ảnh: VGP
Thủ tướng bày tỏ cảm nhận đầu tiên khi bước chân đến đây vừa là sự tĩnh lặng và sâu lắng nguyên sơ, vừa chất chứa sự linh thiêng của một không gian văn hóa - lịch sử. Từ đây, tầm nhìn rộng mở, rõ nét hình sông, thế núi và các làng xóm quây quần: "… Chiu chít liền những núi/ Trông như ngựa chạy vòng/ Miền nam mờ ngọn núi/ Cõi bắc uốn khúc sông…”.
Tại vùng đất này, mỗi ngọn núi, khúc sông và cánh đồng đều gắn với từng nét son trong trang sử vẻ vang của dân tộc ta. Có lẽ, từ thời còn rất nhỏ tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường phóng tầm mắt ra xa để ngắm cảnh nước non hùng vĩ và thêm yêu quê hương, xứ sở để vun dưỡng thêm khát vọng “ra đi tìm đường cứu nước” của mình.
Thủ tướng cho rằng công trình đền thờ Gia tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh nằm trong Đề án xây dựng Khu di tích lịch sử văn hóa du lịch Núi Chung, nơi sẽ trở thành trung tâm du lịch văn hóa lịch sử - một điểm không thể thiếu của tỉnh Nghệ An với việc khôi phục nhiều làng nghề truyền thống như nghề dệt vải từ cọng sen hay làm nến từ thảo dược…
Đền thờ được hoàn thành đã truyền tải sâu sắc tính lịch sử văn hóa và bản sắc dân tộc vùng quê xứ Nghệ, thể hiện sự đoàn kết, chung sức chung lòng - củng cố sức mạnh dân tộc, phát huy những giá trị nhân văn tốt đẹp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: VGP
Thủ tướng ghi nhận và biểu dương các cấp lãnh đạo tỉnh Nghệ An, đặc biệt là các đồng chí lãnh đạo trong giai đoạn khởi công Dự án từ năm 2012 - khi cả nước ở trong thời điểm phải đối mặt với nhiều khó khăn do hậu khủng hoảng tài chính toàn cầu - đã đồng sức, đồng lòng với ý chí quyết liệt và quyết tâm xây dựng công trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng này. Thủ tướng cũng hoan nghênh, đánh giá cao Ngân hàng TMCP Bắc Á đã thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa tham gia đóng góp tích cực với trách nhiệm cao để cùng tỉnh Nghệ An hoàn thành căn bản công trình.
Thời gian tới, Thủ tướng đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An và Ngân hàng TMCP Bắc Á sớm hoàn thành Đề án để nơi đây sớm trở thành điểm đến khởi nguồn cho hành trình về thăm quê Bác của nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.
Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý bày tỏ tỉnh Nghệ An vinh dự, tự hào là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ thiên tài và người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Anh hùng Giải phóng dân tộc, Danh nhân Văn hoá kiệt xuất, “Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta”.
Nhằm tôn vinh và đời đời ghi nhớ công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những người thân trong gia đình của Người, được sự đồng ý của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ, sự phối hợp của Bộ VHTT&DL, sự đồng hành của Ngân hàng Bắc Á, vào năm 2012, công trình đền thờ Chung Sơn được khởi công xây dựng trên đỉnh núi Chung, thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, địa danh từng gắn bó sâu sắc với Chủ tịch Hồ Chí Minh thời niên thiếu.
Từ hôm nay, mỗi du khách khi về với quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngoài những nơi đã trở nên thân thuộc như di tích quê nội, quê ngoại, khu mộ thân mẫu Bác Hồ, thì đền Chung Sơn sẽ trở thành một địa chỉ lịch sử văn hóa  quan trọng trong hành trình về nguồn của mỗi người Việt Nam.
Đền Chung Sơn được xây dựng hài hòa trong tổng thể cảnh quan, kiến trúc không gian Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên và phù hợp với quy hoạch phát triển Khu du lịch lịch sử văn hóa, sinh thái núi Chung, trong tương lai sẽ trở thành một điểm du lịch hấp dẫn thu hút đông đảo du khách, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Sau nghi lễ cắt băng khánh thành đền Chung Sơn, Thủ tướng cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành Trung ương, tỉnh Nghệ An và đại diện dòng họ bên nội, bên ngoại Bác Hồ đã thực hiện các nghi lễ truyền thống bao gồm: Lễ khai thanh và Lễ dâng hương.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký và đóng dấu phát hành bộ tem kỷ niệm 130 năm sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: VGP
* Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác của Chính phủ và tỉnh Nghệ An đã đến dâng hoa, dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên, huyện Nam Đàn; cắt băng khánh thành và gắn biển công trình “Hợp tác xã với Bác Hồ”.
Cũng trong chuyến công tác này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ phát hành bộ tem “Kỷ niệm 130 năm sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-1969)” và lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Bảo tàng Hồ Chí Minh  (1970-2020) tại Khu di tích Kim Liên, huyện Nam Đàn.
Theo Đức Tuân/Baochinhphu.vn




http://tapchimattran.vn/thoi-su/thu-tuong-du-khanh-thanh-den-tho-gia-tien-chu-tich-ho-chi-minh-35260.html
..







----

BỔ SUNG

4.

-- Tôi đã nêu PHAN KHÔI trong stt trước.
-- Bây giờ nêu thêm 1 tên tuổi khác: VŨ TRỌNG PHỤNG

Năm 1937, 2 lần Vũ Trọng Phụng viết tên Nguyễn Ái Quốc
1/ Trong tiểu thuyết Giông tố, bản đăng Hà Nội Báo, ch. XXX, Hà Nội Báo s. 38 kể chuyện trên xe ô tô Tú Anh chở ông già Hải Vân -- mà anh mới được biết chính là bố mình chứ không phải Nghị Hách -- đến đoạn Tú Anh hỏi:
− Thế ở bên ấy cha phải làm những công việc gì?
(Hải Vân đáp:)
− Một giáo sư của Collège d’Asie ở Mạc-Tư-Khoa.
Sang bản in sách "Giông tố", Nxb. Văn Thanh, 1937, đoạn đối thoại ấy được sửa như sau:

"-- Thế ở bên ấy cha phải làm những công việc gì?
− Cha đã được thay Nguyễn Ái Quốc để làm một giáo sư của Collège d’Asie ở Mạc-Tư-Khoa. Học sinh là đám thanh niên các nước Nhật, Tàu, Cao Ly, Xiêm, Ấn Độ, Mã Lai… đủ cả. Á Đông học hiệu là một trường tương tự với trường Hoàng Phố, nhưng cách tổ chức còn ghê gớm hơn. Có những lớp chuyên môn huấn luyện học sinh múa gươm, bắn súng, cưỡi ngựa, bơi lặn, cầm lái xe hơi, phi cơ, võ Tây, võ Nhật, những cách đảo chính, cách diễn thuyết cho quần chúng nghe theo, những cách thay hình đổi dạng, phương pháp chiêu an, những điều kiện để tổ chức một sở liêm phóng một khi một xứ mới bị chinh phục… Những giáo sư phải học các tiếng ngoại quốc và khảo cứu những binh thư của Ludendorf, Pétain, Galliéni hay là những sách của Malaparte, Kémal, Tôn Dật Tiên…Kể ra còn nhiều điều mà cha không đủ thời giờ nói cho con rõ. [.....]

2/ Lần thứ hai, khi trả lời nhà phê bình Xuân Sa ở Sài Gòn, cũng bình phẩm câu đối đáp cha con, Tú Anh nói lý tưởng của mình là "quốc gia" Hải Vân mắng là "đồ ngu" và bảo anh ta phải theo lý tưởng "quốc tế chủ nghĩa"
Vũ Trọng Phụng viết:

"Ông Xuân Sa đã viết:
“Nếu ông Phụng biết lấy hai tiếng giai cấp để thay cho hai tiếng giống nòi thì ông sẽ không phạm vào một cái mâu thuẫn nguy hiểm”.
Vì sao?
“Đã là quốc tế thì không còn phân biệt giống nòi nữa, vì óc giống nòi là tiêu biểu của óc quốc gia hủ bại.”
Rồi ông Xuân Sa kết thúc đoạn ấy:
“Và có lẽ như hai tiếng giai cấp ấy, tú Anh từ nay trở đi sẽ hết nghĩ đến giống nòi, hết bo bo ôm cái óc quốc gia. Biết ai là kẻ thù của mình, của giai cấp mình, tú Anh, một nhà thanh niên trí thức, sẽ tìm ý nghĩa của sự sống trong hành động và hy sinh.”

Thì ra, bị những danh từ điêu trá của văn chương huyễn hoặc, ông Xuân Sa đã quên cả sự thực trong đời, và quên cả địa vị nhân vật trong cuốn truyện mà ông bình phẩm.
Tôi vẫn biết rằng một người như Hải Vân mà lại nói đến giống nòi thì chẳng qua chỉ là một nhà đại quốc gia hồi 20 [năm] về trước, như cụ Ngô Đức Kế, cụ Phan Bội Châu chẳng hạn mà thôi.
Điều ấy đã cố nhiên!
Nhưng sự thực thì thế nào? Những nhà cách mệnh quốc tế của chúng ta có quả thật đã quên cả giống nòi, như ý muốn của ông Xuân Sa không?
Nầy ông Xuân Sa, nếu họ quên giống nòi rồi thì sao một lãnh tụ Đông Dương Cọng sản đảng lại có cái tên: Nguyễn Ái Quốc?

Đấy, như vậy thì ngòi bút tả chân của tôi là tuyệt đối, ông Xuân Sa ạ. Tôi tả người đời theo lối họ thế nào tôi nói thế (peindre les gens tels qu’ils sont) trong khi ông Xuân Sa muốn rằng tôi phải tả người đời như đáng lẽ họ phải thế (les gens tels qu’ils devraient être).
Vả lại cái câu của ông già Hải Vân lúc dặn tú Anh: “Nếu con cũng như trăm nghìn kẻ khác, có tim có óc mà tham sinh uý tử… thì mới đáng lo cho giống nòi”, nếu trong câu ấy mà lại đổi chữgiống nòi ra chữ giai cấp thì sẽ ngô nghê và không hợp tình lý chút nào cả! Vì sao? Vì tú Anh có óc quốc gia. Vì ông già Hải Vân vẫn phải kính trọng cái tư tưởng của tú Anh chớ không có ý quyến rũ tú Anh về với quan niệm cùng chính kiến của ông. Vì lẽ tú Anh, theo pháp luật thì là con của nghị Hách, thì là phú hào! Ông bạn Xuân Sa đã nghe ra chưa? Tú Anh đã không là lao động, không là vô sản, mà lại có thể là kẻ thù của bình dân nữa, thì cái ông già cách mệnh kia há lại dại gì mà nói đến “giai cấp” với tú Anh, mặc dầu tú Anh là con ông? Đối với kẻ phú quý, nhà cách mệnh, trong cuộc tuyên truyền, vẫn nói đến giống nòi để cho được việc, chứ không dại gì lại đem chuyện cộng sản nói với người giàu có. Mà dẫu là quốc gia hay quốc tế cũng vậy, nhà cách mệnh hành động thế nào quý hồ lợi cho cách mệnh thì thôi. Bắt tú Anh tranh đấu cho vô sản cũng như Hải Vân, như thế còn có nghĩa gì!"
[......]

Vũ Trọng Phụng: Chung quanh một bài phê bình // Sài Gòn tiểu thuyết tùng thư, S.G., s. 1 (21. 8. 1937)

https://www.facebook.com/nguyenan.lai/posts/10219976566263352





3.


Trước 1945 trên báo chí tiếng Việt ở 3 kỳ không phải không viết gì về Nguyễn Ái Quốc. Nhưng ngoài các tin tức, cũng hơi ít nhà văn viết trực tiếp đến Nguyễn Ái Quốc trong các bài báo.

Phan Khôi viết đến Nguyễn Ái Quốc chừng 1 lần, vào cuối 1929, trong bài luận đăng nhiều kỳ nhan đề CÁI ẢNH HƯỞNG KHỔNG GIÁO Ở NƯỚC TA.
Ở kỳ đăng thứ 9, khi đang bài về mặt trái của thuyết minh đức tân dân, Phan Khôi phê phán người mình về cái óc "nhìn lên", ngưỡng vọng lãnh tụ, tin mù quáng vào đế vương.
Đây là 1 đoạn:

[....] "Cái thuyết minh đức tân dân nó làm hại đến cả và dân chúng nữa. Tôi đã nói trong bài trước, nó tạo ra được một lũ dân hèn, chỉ biết chịu cảm hóa, chỉ biết trông lên mà chờ.
Hồi sau khi Tây Hồ tiên sanh mất rồi, ở các miền nhà quê miệt Lục tỉnh có nhiều chỗ đồn rằng tiên sanh chưa chết, hay là chết rồi mà đã sống lại (!), độc giả chắc cũng có nhiều người nghe thấy, song có ai nghĩ thử cái đó là cái tang chứng gì chăng? Đó chính là cái ánh sáng dội (réflexion de la lumière) của cái thuyết minh đức tân dân nó rọi ngược lại vậy.
[.....] Hồi trước, đức Thành Thái ở kinh đô, hát xướng luôn đêm, chơi bời thả cửa, mà khi ngài ngự vô Sài Gòn, ngự ra Hà Nội, thiên hạ còn kính mến hết lòng, nhiều ông già bà cả thấy phớt qua bóng ngài đi mà động lòng nước cũ vua xưa đến nỗi nhỏ hai hàng nước mắt. Cho đến ông Cường Để nằm bẹp bên Nhựt Bổn, mà ở bên nầy cũng có kẻ dám thấy vì bệ hạ tương lai ấy trong chiêm bao. Nói cho phải, cái ngòi bị ẩm ấy tắt hẳn đi, là từ lúc đức Khải Định sang Pháp về.
Cứ trông lên! Cứ ngửa mặt ngó! Ngày nay hết trông lên quân chủ rồi, thì người ta lại trông lên anh hùng.
Nghe tiếng Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, bây giờ cả đến Nguyễn Ái Quốc nữa, thì người ta tưởng rằng nội một người trong mấy người ấy cũng đủ lấy nước Nam lại được, cứ đứng ngoài mà trông, thiết tha mà trông; còn mình đây? mình đây là đồ xả rác!
Phan Khôi: "Cái ảnh hưởng Khổng giáo ở nước ta", Thần chung, S.G. /kỳ 9/ ngày 15/11/1929

***
Tôi (L.N.Â) thấy thật buồn là các bạn làm biên tập xuất bản ngày nay, khi thấy những đoạn văn xưa lại có cái tên "nhạy cảm" này thì cứ xóa khỏi văn bản đưa in ... cho an toàn:
Thế nên cuốn "Ảnh hưởng Khổng giáo ở nước ta" gồm các bài Phan Khôi viết, dưa in tại S.G. 2017 đây, nhưng đã không có đoạn văn có mấy chữ Nguyễn Ái Quốc kể trên!




PHAN KHÔI
ẢNH HƯỞNG KHỔNG GIÁO Ở NƯỚC TA
LẠI NGUYÊN ÂN
sưu tầm, biên soạn, giới thiệu

NHÀ XUẤT BẢN VĂN HÓA-VĂN NGHỆ TP. HCM.
88-90 Ký Con, P. Nguyễn Thái Bình, Quận I – TP. HCM
Chịu trách nhiệm xuất bản: Giám đốc – Tổng Biên tập ĐINH THỊ PHƯƠNG THẢO
Biên tập: Vương Hoài Lâm. Sửa bản in: Xuân Tiến. Trình bày: Ngọc Huệ. Bìa: Quốc Việt
Số lượng in: 1.000 cuốn, khổ 16x24cm,
tại Xí nghiệp in Nguyễn Minh Hoàng, 510 đường Trường Chinh, P.13, Q. Tân Bình, Tp.HCM
Số đăng ký KHXB: 867-2018/CXBIPH/2-35/VNTPHCM
Quyết định xuất bản số 555/CXBIPH, ký ngày 22/10/2018
Mã số ISBN: 987-604-68-4568-3. In xong và nộp lưu chiểu quý IV năm 2018

Lại Nguyên Ân
PHAN KHÔI: ẢNH HƯỞNG KHỔNG GIÁO Ở NƯỚC TA



Mục lục

***

***


         - Có và không
         - Học giả đời loạn
***
● GIA ĐÌNH Ở XỨ TA, NAY CŨNG ĐÃ THÀNH RA VẤN ĐỀ RỒI                                    
● LẠI NÓI VỀ TAM CANG VỚI NGŨ LUÂN                        
            I.
            II.
***

***


***

"

https://www.facebook.com/nguyenan.lai/posts/10219974968743415




2. Fb Lại Nguyên Ân ngày 17/5/2020



CỤ PHÓ BẢNG HUY TẠ THẾ
Cụ Phó bảng Huy, ở Sài Gòn đây chẳng mấy người là không biết. Cụ mới mất ở Cao Lãnh.
Cụ Phó bảng Huy nguyên làm quan ở Huế, gần hai mươi năm nay, Cụ bỏ quan mà vào Nam Kỳ, rồi ở luôn trong nầy.
Ở đất nầy hai mươi năm, Cụ chỉ làm thuốc bắc, mà cũng không phải làm như các nhà nghề, vì Cụ không có ý kiếm tiền. Thường thấy Cụ ăn mặc rất là đơn sơ, thung dung đi bộ trong các đường phố Sài Gòn, ra cách khoan thai tự đắc lắm. Biết bao nhiêu người quen với Cụ mà đối với ai Cụ cũng tử tế hết, song tưởng chẳng mấy ai biết thật cụ là người gì.
Cụ là người gì mà thình lình bỏ quan không làm, ra thân đi trôi nổi như vậy?
Là người gì mà lại khi không bỏ lún một cái gia đình, cha đi đằng cha, con trai đi đằng con trai, con gái đi đằng con gái?
Là người gì mà chẳng tham tiền, chẳng thích ăn sung mặc sướng, hễ mấy nhà phú quý mời về ở được một bữa rồi cũng bỏ mà đi?
Là người gì mà trong khi gia đình tan hoang, con cái đi hết, một thân già lưu lạc đất khách quê người mà vẫn coi như không, chẳng hề buồn, cũng chẳng hề than thở với ai một lời?
Cụ Phó bảng Huy là người gì?
Mấy lâu nay Cụ xưng mình theo đạo Phật, song nhắm lại cụ chẳng phải là một vị thầy tu. Có người nói Cụ điên, hay là có tánh khùng khùng. Ừ, điên khùng với họ.
Cụ thiệt là một người dân.
........ Cụ chết đi thiệt là mất một cái tiêu biểu làm dân.

Chúng tôi xin có câu đối viếng, Cụ có linh thì nhận cho:
"Bần tiện một đời, mương rãnh há quên lòng chí sĩ;
Âu ca bốn mặt, bờ sông còn vẳng tiếng hành ngâm".(1)

NGUỒN:
Thần chung, Sài Gòn, s. 278 (22&23 Décembre 1929)

Chú thích:
(1) Đây là cáo phó của Tòa soạn báo Thần chung. Lưu ý: suốt thời gian tồn tại của mình, Thần chung hầu như chỉ có 2 cáo phó (đối với Ngô Đức Kế và Nguyễn Sinh Huy). Có thể văn bản cáo phó này do Phan Khôi soạn.
https://www.facebook.com/nguyenan.lai/posts/10219974695816592




1. Về cụ Hồ Sỹ Tạo (Fb Phan Trí Đỉnh ngày 17/5/2020)

Thưa anh Mạnh Đẩu Nguyễn. Về cha Hoàng Chí Bảo nó mắc lỗi ba láp là có hai lý do, một khách quan, một chủ quan.
Chủ quan là nói dối mãi thành quen, lúc đầu nhắm mắt nhắm mũi nói dối, dần dần tin điều mình nói là thật và cuối cùng cứ ông ổng về điều bịa đặt đó.
Khách quan là chúng ta - kể cả các cơ quan có trách nhiệm - cứ để những điều cha này loa loa trong màn mờ mở ảo ảo, hư hư thực thực. Như vậy là không nên. Sự thật phải minh bạch. Mà có chút le lói nào đó được đưa ra thì ghép ngay cho tội "xuyên tạc, nói xấu, phản động..." nên Bảo mới có đất diễn.
Ví dụ những chuyện thật mà tôi biết, xin "hé lộ" chút xíu, đừng chụp mũ nhé:
Chuyện thứ nhất: Khi dự lễ khánh thành mộ Cụ bà Hà Thị Hy - bà nội Bác Hồ - Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết hỏi những người xung quanh: VẬY MỘ ÔNG NỘI BÁC HỒ ĐÂU?". Cả đám lặng ngắt đứng như trời trồng không biết trả lời sao.
Giá mà tôi có mặt lúc đó, tôi sẽ xung phong dẫn đường chỉ mộ ông nội Bác cho chủ tịch nước thắp hương...

Chuyện thứ hai: Khi khánh thành mộ Bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu Bác hồ. Những người đến thắp hương gồm Ông Hồ Xuân Hùng - đại diện chính quyền địa phương (khi đó là Chủ tịch tỉnh Nghệ an) và đại diện dòng họ là phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng. Bất ngờ ông Hồ Xuân Hùng quay sang bỏ nhỏ vào tai ông Nguyễn Sinh Hùng rằng: "ÔNG LÀ THẰNG CHÁU ĐỂU, TÔI MỚI LÀ CHÁU THẬT"
Còn nhiều lắm ... ai muốn biết thì kể thêm sau. Chuyện kể này ở xứ Nghệ hầu như ai cũng biết.
Mấy cái ảnh vợ chồng tôi và thằng đích tôn của tôi đầu năm mới mà năm nào tôi cũng về thắp hương cho Cụ. Năm nay về cùng có Dương Đình Lương




https://www.facebook.com/giangho.mai.9889/posts/151085599797336
..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.