Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

27/01/2020

Năm Chuột, khéo loay hoay mà làm vỡ toang cái bình quí, ông giáo ạ !

Ném chuột nhưng không làm vỡ bình có nguồn gốc từ thành ngữ cổ của Trung Quốc, là Đầu thử kị khí 投鼠忌器 (ném chuột mà sợ hỏng đồ vật; ném chuột thì cần tránh ném vỡ cả đồ vật).

Năm 2019, tiếng Việt hiện đại xuất hiện phong trào sử dụng thành ngữ mới "toang rồi ông giáo ạ !". Không biết từ nguồn nào đầu tiên, nhưng trẻ già trai gái nước Việt đã nói thành quen miệng rồi.

Tự nhiên, một hôm hồi mùa thu 2019, ở chỗ ngã tư đợi đèn xanh ở Hà Nội, có một chú bé chắc tầm 15 - 16 gì đó buột miệng: "toang rồi ông giáo ạ" ! Một pha thú vị, tiếc là chỉ kịp nhìn loáng một cái thì chú đã vụt đi rồi !

Năm 2020 này, thì lại chính là năm Chuột - chữ Hán là Canh Tí.

Ở chỗ dừng lại thảnh thơi ngắm xuân, mà bất giác, buột miệng: Khéo mà loay hoay, lại làm vỡ toang cái bình quí đó, ông giáo ạ.



Nhật Bản:






Việt Nam:








Dưới là một ít bổ sung cập nhật dần.

---




BỔ SUNG


3.

Năm Tý cà kê chuyện chuột

Năm Tý cà kê chuyện chuột
Tranh Đông Hồ Đám Cưới Chuột, chất liệu giấy dó bồi điệp.





07:38 - 26/01/2020

(Dân sinh) - Trong số 12 con giáp, Tý (chuột) là con vật bé nhỏ, hèn mọn nhưng lại chễm chệ chiếm ngôi đầu. Và kỳ lạ thay, dù bị loài người tìm trăm phương ngàn kế tiêu diệt, họ hàng nhà chuột vẫn hưởng một “suất nắng mưa chẳng đến đầu”, đời nối đời sinh con đẻ cái.

Chuột có giống chuột nhà, chuột đồng. Chuột nhà lại có chuột nhắt, chuột cống. Tục ngữ “Chuột bầy/ đàn đào không nên lỗ”, được “Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” (Nhóm Vũ Dung) giải thích là đồng nghĩa với câu “Cha chung không ai khóc”. Tuy nhiên, “chuột bầy” hoặc “chuột đàn” ở đây là giống chuột nhắt (thành ngữ “Gan chuột nhắt”, hay “Bé như con chuột nhắt” ám chỉ kẻ hèn nhát, thân phận nhược tiểu, chính là nói đến loại chuột này).
Chuột nhắt sinh sống, kiếm ăn theo bầy. Chuột bầy sức vóc bé nhỏ, không đào hang mà mượn nơi kẽ tủ, góc rương, giá sách, mái tranh... làm tổ. Còn loại to khỏe như chuột cống ưa đi ăn mảnh mới tự đào hang nên còn gọi là chuột lỗ. Giống chuột lỗ to khỏe, táo tợn bắt cả gà, đến chó mèo cũng phải kiêng dè. “Chuột bầy đào không nên lỗ” chỉ những kẻ thấp kém bé nhỏ, dù đông đúc bằng mấy cũng chẳng làm nên chuyện gì; gần nghĩa với câu “Quần hồ bất như độc hổ” (Cáo bầy chẳng bằng hổ một).
Chuột lỗ đào hang cực khỏe. Chỉ sau một đêm hì hục trong sự im hơi lặng tiếng của chó mèo, chuột lỗ đã đùn ra hàng đống đất cát dưới gầm giường, xó buồng. Câu “Chuột già có ba cái hang” không có nghĩa một con chuột có tới ba cái hang riêng biệt ba nơi để ở, mà chỉ sự tinh quái của chúng. Khi đào hang, bao giờ chuột lỗ cũng trổ ra nhiều ngách, với nhiều cửa thông nhau, phòng khi có biến. Ngày lấp lại, đêm chúng lại đào ra. Có con đêm ngủ ngáy khò khò như thể chính nó mới là chủ nhân của ngôi nhà vậy. Nhưng đa phần chuột lỗ “xuất quỷ nhập thần”, “lai vô ảnh khứ vô hình”. Nhìn thấy dấu đất đào còn mới tinh cửa hang đó, nhưng chúng có trong hang hay không thì không chắc.
Để diệt chuột lỗ, người ta thường dùng cách hun khói. Thành ngữ “Hun như hun chuột” (người Thanh Hóa nói “Hầm như hầm chuột”) nghĩa đen xuất phát từ việc hun chuột phải kiên trì, bền bỉ, liên tục duy trì sức nóng và sự đậm đặc của khói lửa. Vì có thể khói mới lan ra như một làn sương mỏng, cộng với tiếng ồn ào, í ới là chuột lỗ đã bất ngờ “mở đường máu”, đội tung cả đám than trấu đang ngút khói để thoát thân. Nhưng có con cực gan lì và sức chịu đựng rất ghê gớm. Thành ngữ “Náu im như chuột” chỉ những con chuột bị truy đuổi đến bước đường cùng thì giả vờ treo mình, nằm im như thóc, dù có khua động thế nào nó cũng không chạy ra. Nhưng người ta vừa đi khỏi, là nó chạy vụt sang một nơi an toàn khác. Thế nên, đôi khi bị hun cả tiếng đồng hồ, nhưng chuột lỗ vẫn nín lặng như thể “đi đâu vắng nhà” vậy. Thành ngữ “Lờ đờ như chuột phải khói”, chỉ con chuột lỗ bước đường cùng phải bò ra ngoài trong tình trạng thiếu ô xy, lờ đờ lảo đảo như sắp chết, đâm quàng đâm xiên. Dị bản “Lù đù như chuột chù phải khói” nhấn mạnh hơn. Vì chuột chù vốn đã lù đù, chậm chạp, lại thêm “phải khói” nữa thì bộ dạng còn lù đù chậm chạp hơn nhiều.
Nói về sự gây hại của chuột thì không bút nào tả xiết.
Trong nhà thì từ đồ ăn thức uống, đến quần áo chăn màn, rương tủ... chúng đều cắn phá, không ăn thì cũng đạp đổ, làm cho ô uế; ở ngoài đồng thì chúng đánh chén từ khi mới bắt đầu gieo hạt cho đến lúc thu hoạch. Thành ngữ “Hoài hồng ngâm cho chuột vọc”, ý nói đồ ăn thức uống ngon quý mà bị chuột vọc vào thì coi như đành bỏ phí, giống như người con gái đẹp lấy phải thằng chồng chẳng ra gì.
Thành ngữ “Lý lắt/ lấm lét như chuột ngày”, nói lên sự kiêng dè, vụng trộm khi kiếm ăn ban ngày của lũ chuột. Nhưng đêm xuống, chúng ngang nhiên gậm kháo sồn sột, hết tranh giành chí chóe, lại rúc rích hú hí với nhau khiến người ta phát điên.
Người sống đã vậy, người chết cũng không yên với chuột! Chốn tôn nghiêm là bàn thờ tổ tiên, chúng leo lên, cỗ bàn đánh chén trước tiên, rồi đạp đổ, phóng uế... Cõi vĩnh hằng nơi mộ địa chúng cũng đào bới, đục khoét đến lộ cả tiểu sành...
Hàng ngàn năm qua, con người xem chuột là một thứ “giặc”. Nhưng tiêu diệt giống vật đa nghi, tinh quái này không dễ. Người ta chế ra trăm ngàn thứ bẫy bả để đánh chuột, nhưng chúng cũng tương kế tựu kế, tìm đủ cách để sinh tồn. Bởi vậy, đặt bẫy, dùng bả có khi chuột chẳng hề gì mà chó, mèo, gà, thậm chí là chính con người đã phải mất mạng. Còn đánh đuổi chuột thì lắm khi chuột chẳng chết mà chum vại, bát chén lại vỡ tan tành! Thế nên tục ngữ Việt Nam mới có câu “Ném chuột còn ghê chạn bát”; tục ngữ Hán cũng có câu “Đầu thử kỵ khí” (Ném chuột sợ vỡ đồ).
Nguyên thời Tây Hán, một lần Đại văn học gia Giả Nghị nói với Vua Cảnh Đế: “Tục ngữ có câu “Đầu thử kỵ khí”, ý nói một người cầm gậy muốn ném chuột, nhưng lại sợ làm vỡ đồ vật ở ngay bên cạnh con chuột. Có khi đánh chuột không thành mà lại làm vỡ đồ. 
Truyện Giả Nghị trong sách Hán thư còn cho biết, xưa có một phú ông đam mê đồ cổ và sưu tập được rất nhiều. Trong số đó, có một món đồ cực quý hiếm, nghệ thuật tinh mỹ, gọi là liễn ngọc (nguyên văn “ngọc vu”). Nhiều kẻ sưu tầm đồ cổ giàu có khác rất thèm muốn. Chiều tối một ngày nọ, bỗng có con chuột chui vào liễn ngọc tìm kiếm thức ăn. Phú ông nhìn thấy và vô cùng tức giận. Trong cơn thịnh nộ, ông cầm hòn đá ném mạnh khiến con chuột kia chết ngay tức khắc. Nhưng than ôi, chiếc bình ngọc quý của phú ông cũng vỡ tan tành. Lúc này, phú ông mới cảm thấy nuối tiếc và vô cùng hối hận bởi hành vi vội vàng, lỗ mãng của mình.
Ấy là cái thế khó khi tiêu diệt kẻ thù mà chúng luôn tìm cách nương náu, dựa dẫm, lẩn khuất vào chính những thứ mà mình đang cần bảo vệ.
Một trong những nguyên nhân khiến “giống chuột xưa nay vẫn sống đời” chính là khả năng sinh sản cực nhanh của chúng. Có lẽ bởi vậy mà tạo hóa đã phải sai phái một “dũng sĩ” bé nhỏ mà đầy nanh vuốt, ngày đêm rình rập để cân bằng sự sinh sản của chuột. Đó chính là mèo!
Ngạn ngữ Nga có câu “Đối với chuột thì không con thú nào mạnh hơn con mèo”. Quả vậy! Mèo là nỗi khiếp đảm của loài chuột.
Chuyện kể rằng, một hôm họ hàng nhà chuột họp bàn cách đối phó với mèo. Một con chuột nhắt hiến kế: “Sở dĩ chúng ta bị bắt là bởi không biết khi nào mèo đến gần. Bây giờ, hãy đeo cái chuông vào cổ mèo. Nó đi đến đâu chúng ta đều nghe thấy và sẽ dễ dàng lẩn trốn”. Lời đề nghị này được khen là diệu kế. Thế nhưng, một con chuột già đứng dậy nói: “Tốt lắm, vậy ai sẽ là người đeo chuông vào cổ mèo?”. Ngoài nghĩa bóng “nói thì dễ, làm mới khó”, câu chuyện còn cho thấy nỗi khiếp sợ và sự bất lực của chuột trước sức mạnh của mèo. Thế nên, tranh dân gian “Đám cưới chuột” (Việt Nam và Trung Quốc đều có) phản ánh một thực tế: Thay vì chống lại, cuối cùng loài chuột vẫn phải tìm cách lẩn trốn, quy phục, cống nạp cho mèo, bởi “Sắc nanh, chuột dễ cắn được cổ mèo”! Câu này được từ điển của GS Nguyễn Lân giải thích: “Dù là kẻ thù nguy hiểm thế nào nếu mình có mưu mẹo, có phương tiện thì mình cũng thắng”. Tuy nhiên, “dễ” ở đây không phải “dễ dàng” (ngược lại với khó) mà có nghĩa là liệu có thể, khó có thể, chưa chắc, đâu dễ. Theo đó, dù nanh có sắc nhưng chuột cũng khó có thể cắn được cổ mèo.
Thực tế, mèo không bắt chuột cống, vì giống chuột này hôi hám, bẩn thỉu, không phải là món khoái khẩu của mèo. Hơn nữa, trong thế giới tự nhiên, khi các con thú ăn thịt đang còn sự lựa chọn thì không bao giờ chúng săn bắt, tấn công những đối tượng “xương xẩu”. Bởi vậy, khi thấy chuột cống thì mèo... làm ngơ! Nhưng không vì thế mà chuột cống không sợ mèo và có thể dễ dàng “cắn được cổ mèo” – con vật được mệnh danh là “tiểu hổ”, nhưng lại là thầy dạy võ cho hổ.
Tục ngữ Hán có câu “Lợn rừng ngàn năm vẫn là thức ăn của hổ” (Thiên niên đích dã trư lão hổ đích thực). Chuột với mèo thì cũng giống như lợn rừng đối với hổ mà thôi. Nghĩa là: Kẻ yếu hèn dù cố gắng bằng mấy cũng khó lòng địch nổi sức mạnh áp đảo của kẻ ở thế thượng phong; kẻ xấu xa dù có tìm mọi cách cũng không thắng nổi được sức mạnh của chính nghĩa.
HOÀNG T. CÔNG - H. MINH



2.

Về một số câu, từ, thành ngữ Hán Việt

114
Xuất xứ câu “Dân có thể nâng thuyền, dân cũng có thể lật thuyền”
Xin cho biết câu “dân có thể nâng thuyền, dân cũng có thể lật thuyền” là của tác giả Nguyễn Trãi có đúng không?
Gần đây thấy có người dựa vào câu “phúc chu thủy tín dân do thủy” (覆 舟 始 信 民 猶 水) trong bài Quan hải (關 海) của Nguyễn Trãi để từ đấy nói rằng: câu “Dân có thể nâng thuyền, dân cũng có thể lật thuyền” là của Nguyễn Trãi.
Thực ra, đọc sách thì thấy câu này đâu như có từ thời Chiến Quốc, tức quãng 2000 năm về trước, sau được Đường Thái Tông, tức Lý Thế Dân (599 – 649) nhắc lại, nguyên văn của nó là 水 能 載 舟 亦 能 覆 舟 (thủy năng tái chu diệc năng phúc chu).
Dẫu cho nó là của ai đi nữa thì câu này cũng là mượn hình tượng để nói rằng: vua mà ở ngôi được là nhờ dân, mà vua mất ngôi cũng bởi dân. Đó là nói theo kiểu tiêu cực, còn nếu theo kiểu tích cực thì e phải nói rằng: vua sở dĩ được ở ngôi là nhờ vua mà vua mất ngôi cũng chính bởi tại vua. Thử nghĩ xem, nếu vua là vị minh quân, bầy tôi là kẻ trung thần, không tham ô, tham nhũng, không bắt nạt, o ép dân; chính sách cai trị hợp với lòng dân, trên dưới một lòng, dân ủng hộ thì hà cớ gì vua lại dễ dàng bị dân truất ngôi được?
Chữ “táng” trong thành ngữ “táng tận lương tâm”
Có người nói chữ “táng” trong thành ngữ “táng tận lương tâm” phải viết là “tán” mới đúng chính tả. Lấy cớ rằng chữ “tán” này có nghĩa là “tan”. Có người lại nói rằng “táng” đây là “chôn” và hiểu “táng tận lương tâm” là “chôn hết lương tâm”. Xin hỏi nói và viết như vậy có đúng không?
Xin nói ngay rằng cả hai đều sai. Chữ “táng” trong thành ngữ “táng tận lương tâm”, chữ Hán viết là 喪, nghĩa là “mất”, không phải chữ “táng” là “chôn”, chữ Hán viết là 葬 như trong từ “mai táng”; cũng không phải chữ “tán” là “tan”, chữ Hán viết là 散 như trong từ “táng đởm” (散 膽) nghĩa là “sợ mất mật”.
Vì thế với thành ngữ này phải viết là “táng tận lương tâm” mà không thể viết là “tán tận lương tâm” mới đúng chính tả tiếng Việt, và “táng tận lương tâm có nghĩa là “mất hết lương tâm” chứ không phải là “chôn hết lương tâm”.
Cũng nên biết rằng người Trung Quốc không nói “táng tận lương tâm” như ta mà họ nói “táng tận thiên lương” (喪 尽 天 良), vắn tắt hơn là “táng tâm” (喪).
Xuất xứ của câu thành ngữ “ném chuột sợ vỡ bình”
Nghe nói câu thành ngữ “ném chuột sợ vỡ bình” có xuất xứ từ Trung Quốc. Xin hỏi điều đó có đúng không?
Câu thành ngữ “ném chuột sợ vỡ bình” có phải là xuất xứ từ Trung Quốc hay không thì không dám nói chắc. Có điều chắc chắn là người Trung Quốc cũng có một câu thành ngữ với ý nghĩa tương tự như vậy.
Câu đó là “đầu thử kỵ khí”, chữ Hán viết là 投 鼠 忌 器. Dịch ra tiếng ta là “ném chuột sợ vỡ đồ”.
Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh cho biết nghĩa bóng của thành ngữ này là “muốn trừ cái hại do một người nhưng lại sợ làm tổn thương tới người mà mình kiêng nể”.
Từ “quải quan” trong “Nhị độ mai”
Đọc truyện Nôm khuyết danh “Nhị độ mai” thấy có câu “Thoắt đà cởi áo quải quan lánh mình”. Xin cho biết “quải quan” nghĩa là gì, liên quan tới điển tích nào?
“Quải quan” là từ Hán Việt, chữ Hán viết là 掛 冠. Trong đó “quải” (掛) là “treo”, “quan” (冠) là “mũ”.
Vì vậy, “quải quan” 掛 冠 có nghĩa là “treo mũ”, chỉ những viên quan từ bỏ chính trường, quay về ở ẩn nơi thâm sơn cùng cốc hoặc là vui thú điền viên.
Từ “quải quan” có liên quan tới điển Vương Mãng giết Tử Vũ. Chứng kiến cảnh đó, Phùng Mạnh than rằng: “Thế là rối loạn tam cương rồi, nếu không bỏ đi thì thế nào cũng rước họa vào thân”.
Nói xong, liền cởi áo mũ treo ở cửa thành phía đông rồi cùng thuộc hạ bỏ ra khỏi thành.
Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
Phan Nam Sinh (giải đáp)
http://vannghethainguyen.vn/2019/10/12/ve-mot-so-cau-tu-thanh-ngu-han-viet/




1.



Hôm nay chúng ta cùng tìm hiểu phần 1 của lời xưa hay dùng để mở rộng thêm kiến thức về hán cổ nhé! Ngoài ra, khi hoc tieng trung các bạn cũng chú ý cách viết, cách phát âm, ngữ phiệu giọng nói của những cụm câu dưới đây nữa nhé.              
  1. 远水不á近火 ( yuǎn shuǐ bú jiù jìn huǒ )
Nước xa không cứu được lửa gần
Nước ở vùng xa không cách gì cứu được lửa tại đây. Ví như tuy có cách làm tốt nhưng không dùng để giải quyết được vấn đề hiện tại. Cũng có thể nói nước xa khó cứu được lửa gần.
  1. 铁杵成针 ( tiě chǔ chéng zhēn )
Có công mài sắt có ngày nên kim
Tương truyền đại thi hào Lý Bạch đời Đường lúc nhỏ có lần trốn học , trên đường gặp 1 bà già đang dùng cây sắt để mài thành cây kim. Lúc đầu Bạch cười nhạo hành động ngốc nghếch của bà lão nhưng sau rồi Bạch ngộ nhận được sự gợi ý này từ đó quyết chí học hành. Từ đó thành ngữ này được dùng để chỉ sự kiên trì , nhẫn nại trong mọi việc.
  1. 多多益善 ( duō duō yì shàn ) càng nhiều càng tốt
Hàn Tín là 1 tướng lĩnh nổi tiếng thời nhà Hán, thành ngữ “đa đa ích thiện” vốn là chỉ Hàn Tín lúc thống lãnh quân đội chiến đấu thường cần càng nhiều binh sĩ càng tốt. Sau này nó được dùng để chỉ với nghĩa có càng nhiều càng tốt.
  1. 出淤泥而不染 ( chū yū nì ér bù rán )
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn
“ Xuất ứ nê nhi bất nhiễm” nguyên chỉ hoa sen sống trong bùn nhưng không bị ô nhiễm bởi bùn nhơ. Sau này được dùng để ví dụ cho phẩm cách của những người sống trong hoàn cảnh xấu mà không bị ảnh hướng, tha hóa
lời xưa nay dùng
4. 出淤泥而不染 ( chū yū nì ér bù rán )
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn
  1. 当局者迷 ( dāng jú zhě mí ) Đương cục giả mê
Người trong cuộc mờ tối
Chữ “ đương cục giả mê” vốn để chỉ người chơi cờ. 当局者迷, 旁观者清 ( dāng jú zhě mí , páng guān zhě qīng ) người trong cuộc thì mờ tối, người đứng ngoài xem thấy rõ ràng . Chỉ đương sự trong cuộc cờ vì suy tính quá nhiều về lợi hại nên nhận xét vấn đề rất mù mờ, sai lạc còn người đứng ngoài xem vì bình tĩnh, khách quan nên nhận xét rõ ràng minh bạch hơn.
  1. 投鼠忌器 ( tóu shǔ jì qì ) Đầu thử kỵ khí
Ném chuột sợ vỡ đồ
Ý câu này nói con chuột nằm gần đồ vật, muốn đánh chuột nhưng sợ vỡ đồ nên do dự không quyết định được. Sau này gọi thái độ lo lắng do dự không dám mạnh dạn thử.
  1. 噤若寒蝉 ( jǐn ruò hàn chán ) Cấm nhược hàn thiền
Câm như con ve mùa lạnh
Cấm : câm miệng không phát ra tiếng, giống như con ve mùa lạnh không kêu được, hình dung vẻ sở hãi không dám có ý kiến gì.
  1. 贵人多忘 ( guì rén duō wàng ) Qúy nhân đa vong
Qúy nhân hay quên việc
Xưa thường dùng để chỉ người có quan chức cao dễ dàng quên chuyện cũ. Câu này nguyên dùng để hình dung sự cao ngạo của bọn quan lieu lớn, không nhớ gì đến tình bạn cũ. Sau dùng để chê người chung những người hay quên việc
  1. 望梅止渴 ( wàng méi zhǐ kě ) Vọng mai chỉ khát
Nhìn cây mơ hết khát nước
Ngụy Võ đế hành quân mất nguồn nước, quân đều khát ông bèn nói “ trước mặt có khu rừng mơ lớn, ăn trái nó, vừa ngọt vừa chua có thể hết khát nước”. Quân sĩ nghe vậy , nước miếng ứa trong miệng nhân vậy hết khát nước. Câu này có nghĩa là được an ủi bằng điều không tưởng
lời xưa nay dùng
望梅止渴 ( wàng méi zhǐ kě ) Vọng mai chỉ khát
Nhìn cây mơ hết khát nước
  1. 忠言逆耳 ( zhòng yán nìěr ) trung ngôn nghịch nhĩ
Lời thẳng trái tai
Trung ngôn: Lời khuyên chân thành, chính trực
Nghịch nhĩ : không thuận tai, khó nghe
ý nói lời khuyên can chân thành thường không dễ nghe.
Các bạn thấy 10 câu thành ngữ lời xưa nay dùng trong bài hôm nay có hay không? Nói cho mình nghe bạn thích câu nào nhất và hãy nói cho cả những người khác biết để cùng chia sẻ lời xưa nay dùng trong tiếng trung nhé!
..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.