Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

10/08/2019

Tạp chí "Dân Việt Nam" như nối dài của BEFEO vào các năm 1948 - 1949

Rất ít độc giả Việt Nam biết đến tờ tạp chí này. Số lượng ít, và ra đời ở thời điểm đặc biệt.

Mà thú vị, nó chính là một nối dài của tạp chí danh tiếng BEFEO (tập san của Pháp quốc Viễn đông Bác cổ Học viện = EFEO). Thời điểm là các năm 1948-1949 ở Hà Nội. Một thời điểm thú vị, còn đang khá trống trải trong nhận thức chung của chúng ta, trên Giao Blog quen gọi là "Hà Nội 1947-1954".

Dưới là bài dưới thiệu nhanh của bác Ngô Thế Long.




---

"
Một giai đoạn rất đặc biệt của Học viện Viễn Đông Bác cổ (École française d'Extrême-Orient- EFEO) : mới tiếp quản lại các trụ sở tại Hà Nội, những thành viên người Việt có uy tín của EFEO như Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Văn Tố, Trần Văn Giáp, Nguyễn Văn Khoan, Nguyễn Thiệu Lâu, Cung Văn Trung đã theo Chính phủ Hồ Chí Minh lên chiến khu và nhiều thành viên khoa học và cộng tác viên tích cực người Pháp của EFEO như Madeleine Colani (1866-1943), Victor Goloubew (1878-1945), Georges Groslier (1887-1945) đã mất tại Đông Dương, Jean Przyluski (1885-1944), Paul Pelliot (1878-1945) mất tại Paris, Henri Maspero (1883-1945) mất tại trại tập trung Buchenwald của Đức Quốc xã và nhiều khó khăn khác. Paul Lévy, người thay George Coedès làm giám đốc EFEO đã tuyển được một số thành viên người Pháp và người Việt như André-Georges Haudricourt (1911-1996), Maurice Durand (1914-1966), tổ chức lại thư viện và bảo tàng. 

Trong khi Bulletin de l'École française d'Extrême-Orient bị dừng lại từ năm 1943, Học viện Viễn Đông Bác cổ (EFEO) đã xuất bản 3 số Tạp chí Dân Việt Nam / Le Peuple vietnamien (vào năm 1948 và 1949), với tiêu chí là Tạp chí sưu tập tài liệu về thời tiền sử, khoa khảo cổ, lịch sử, nhân chủng, bác ngữ và ngôn ngữ Việt Nam, gồm hai phần: Phần khảo cứu (Contributions scientifiques) và Phần tin tức (Informations).

Một số điểm cần lưu ý :

1. Trên trang bìa, phần tên cơ quan bằng tiếng Pháp vẫn ghi là École française d'Extrême-Orient, nhưng phần tiếng Việt được viết là Viện Đông phương Bác cổ, không dùng chữ Viễn đông mà là Đông phương, cho ta cảm nghĩ tới tên gọi theo sắc lệnh số 65 của Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh ký ngày 23 tháng 11 năm 1945 về ấn định nhiệm vụ của Đông phương Bác cổ Học viện (Việt Nam Oriental Institut) thay thế cho Pháp quốc Viễn đông Bác cổ Học viện.

2. Các bài viết không dùng tên gọi An Nam nữa mà là Việt Nam. Các bài trên Tạp chí của Viện (BEFEO) từ những năm trước được đăng lại trên Dân Việt Nam, nếu dùng từ An Nam đều được đổi lại là Việt Nam. Ví dụ bài Tiếng Việt và tiếng Tạng – Miến (tibéto-birman) của Robert Shafer, trên Tạp chí số 40 của BEFEO là L'annamite et le tibéto-birman được đăng lại trên Dân Việt Nam là Le vietnamien et le tibéto-birman.






"
..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.