Về cô bạn Mayu, mà hình như quen được gọi là "em May" hay "chị May", thì đã có một ít bài báo đưa về Giao Blog từ trước, ví dụ xem ở đây (tháng 4 năm 2016).
Tên quen dùng là May. Còn tên thật là Mayu. Gọi theo lối Nhật Bản (gọi bằng họ) thì là Ino. Tức tên đầy đủ theo lối viết chính thức là Ino Mayu.
Ino là học sinh sau đại học của Khoa Xã hội học - Đại học Hitosubashi (Nhật Bản). Em đã đi điền dã dài hạn ở làng xã người Nùng An thuộc vùng Đông Bắc Việt Nam, đã học và nghe nói được tiếng Nùng An. Luận văn thạc sĩ của em là về việc trồng rừng của người Nùng An từ góc nhìn dân tộc học - xã hội học. Đã trình bày khoảng năm 2002.
Từ sau đó, thì em dồn toàn bộ sự tâm sức vào nông nghiệp hữu cơ. Ở Việt Nam, đi khắp ba miền, trong rất nhiều chương trình giúp nông dân Việt, từ đó đến giờ.
Với cá nhân tôi, gọi em là "em May người Nùng gốc Nhật".
Một ít báo chí mới về em.
---
.
20 năm, chị Mayu đã đi từ Bắc đến Nam với những dự án giúp cải thiện sinh kế người nghèo, những dự án nông nghiệp hữu cơ bền vững để giúp người nông dân tăng thu nhập kinh tế gia đình.
Chị Ino Mayu (thứ 2, từ phải sang) xem xét vườn khổ qua bị sâu đục trái của nông dân ở huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Ảnh: Trần Thị Thu Hiền – TTXVN
Ngoài 40 tuổi, chị Ino Mayu đến từ Nhật Bản đã gắn bó gần nửa cuộc đời với Việt Nam. Đi đến nơi nào, chị cũng được mọi người yêu quý vì sự gần gũi và nhiệt tình trong công việc của người phụ nữ Nhật này. Đặc biệt, chị rất am hiểu văn hóa của người Việt Nam, người dân gọi chị với tên tiếng Việt thân mật là “chị May”.
Chị Mayu đến Việt Nam năm 1997 để theo học tại Trung tâm nghiên cứu về Việt Nam và giao lưu văn hóa thuộc khoa Sử, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội. “Nói thật, tôi không phải chọn Việt Nam đi du học từ đầu. Nhưng có người khuyên tôi đến Việt Nam mà không phải một nước nào khác. Tôi đã đồng ý đi. Chắc đó là cái duyên”, chị Mayu cười chia sẻ.
Và cái duyên đó đã theo chị suốt 20 năm. Từ năm 2003-2009, chị Mayu làm việc cho tổ chức tình nguyện quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam với những phần việc hỗ trợ, xây dựng các dự án cộng đồng cho các nơi khó khăn ở một số tỉnh. Năm 2009, tổ chức tình nguyện quốc tế Nhật Bản ngưng hoạt động ở Việt Nam nhưng chị Mayu vẫn chưa muốn về lại Nhật Bản. Để được tiếp tục gắn bó với Việt Nam, chị Mayu tự đứng ra thành lập tổ chức Seed to Table (Từ hạt giống đến bàn ăn). Tổ chức Seed to Table do Bộ Ngoại giao Nhật Bản tài trợ với mục đích giúp đỡ nông dân Việt Nam trồng rau hữu cơ và chăn nuôi để cải thiện sinh kế.
Chị Mayu chọn Hòa Bình, Sơn La, Hải Phòng… để hướng dẫn người dân trồng rau hữu cơ và tìm đầu ra cho những sản phẩm “sạch” do chính người dân nơi đây làm ra bằng cách tổ chức hội thảo kết nối với các nhà hàng ở Hà Nội. Sau 3 năm gắn bó với núi rừng và người dân một số tỉnh miền Bắc, giúp người dân nơi đây “sống được” với nông nghiệp bền vững, người phụ nữ xứ hoa anh đào đã "Nam tiến" và chọn Bến Tre làm tỉnh tiếp theo để thực hiện dự án cải thiện sinh kế cho hộ nghèo.
Năm 2012, chị Ino Mayu trực tiếp đưa dự án cải thiện sinh kế cho hộ nghèo đến huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Và nông dân nghèo, thiếu đất sản xuất vẫn là đối tượng chị hướng đến. Với hình thức tạo nên "ngân hàng" bò và vịt để cho người nông dân vay. Sau một năm, hộ chăn nuôi được giữ lại con bò mẹ và trả lại cho "ngân hàng" con bê con để tiếp tục cho hộ khác vay. Tính đến nay, dự án Seed to Table của chị Mayu đã cho hơn 600 hộ dân ở các xã của huyện Bình Đại vay bò, vịt. Có hộ đã thoát nghèo nhờ vốn từ dự án hỗ trợ để chăn nuôi vịt, bò.
Nhắc đến chị Ino Mayu thì nhiều người thường nghĩ đến mô hình nông nghiệp hữu cơ bền vững. Nhận thấy người nông dân Bến Tre và cán bộ khuyến nông của tỉnh Bến Tre rất tâm đắc với dự án nông nghiệp hữu cơ nên năm 2015, chị Mayu lại triển khai mở rộng dự án ra huyện Ba Tri. Lần này chị tập trung vào hướng dẫn, hỗ trợ nông dân phương pháp trồng rau hữu cơ.
“Ở Việt Nam, gần 60% dân số làm nông và đa số là quy mô nhỏ. Mình phải quan tâm đến những người khó khăn trong xã hội và nghĩ về cuộc sống của nông thôn và nông dân thì phải bảo vệ môi trường thì mọi thứ được duy trì và bền vững kể cả kinh tế. Vì họ sống nhờ các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Nếu không bảo vệ môi trường thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của họ. Vì thế tôi quan tâm đến nông nghiệp thân thiện với môi trường”, chị Mayu chia sẻ.
Chị Ino Mayu (phải) lắng nghe người dân trồng rau hữu cơ huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre chia sẻ về kết quả thu hoạch rau. Ảnh: Trần Thị Thu Hiền – TTXVN
Năm 2016, chị Mayu đã dời văn phòng làm việc của dự án từ Hà Nội vào Thành phố Hồ Chí Minh để có thể đi về với Bến Tre gần hơn. Ban đầu thì chị cùng cán bộ khuyến nông vận động người dân tham gia dự án, sau đó thì đến để hướng dẫn người dân cách trồng rau hữu cơ, cách ủ phân bò, cách bắt sâu mà không dùng thuốc bảo vệ thực vật...
Thỉnh thoảng chị Mayu lại bắt xe đò, xe bus xuống từng hộ dân để kiểm tra quy trình làm rau của người dân hoặc lắng nghe người dân chia sẻ khó khăn quá trình trồng rau. Rồi thì cũng mình chị Mayu lại cất công tìm kiếm các đối tác để quảng bá, giới thiệu rau giúp người dân. Nơi nào có tổ chức buổi chợ về rau hữu cơ hay hội thảo về nông nghiệp hữu cơ chị cũng tham gia để tìm cơ hội đầu ra cho sản phẩm của bà con nông dân.
“Để vận động người dân tham gia dự án và tuân thủ cách làm rau hữu cơ rất khó bởi trước đây người dân đã quen với cách trồng rau bón phân vô cơ, dùng thuốc bảo vệ thực vật rồi. Ban đầu dự án chưa có đầu ra nên các thành viên tham gia cũng băn khoăn, lo lắng. Nhưng khi người dân đã hiểu và tuân thủ cách trồng thì rất dễ. Và giờ đây khi đã có đầu ra ổn định, người dân vững tâm hơn với làm nông nghiệp hữu cơ. Điều này tôi rất vui”, chị Mayu tâm đắc.
Có dịp theo chân chị Mayu đến thăm các gia đình tham gia trồng rau hữu cơ, điều chị luôn khuyên người nông dân trồng rau hữu cơ là phải luôn tuân thủ nghiêm ngặt phương pháp trồng rau hữu cơ, không nên vì lợi nhuận trước mắt mà làm mất uy tín với người tiêu dùng.
Ông Mai Văn Trơn, thị trấn Ba Tri chia sẻ, trước đây khi chị Mayu đến vận động tham gia trồng rau hữu cơ ông rất e ngại vì lâu nay quen trồng rau dùng thuốc bảo vệ thực vật và dùng phân vô cơ rồi. Vì thế để chuyển đổi sang một phương thức trồng mới lạ, chưa có nhiều người theo, ông thấy lo lắng.
“Tuy nhiên khi được tham gia lớp tập huấn trồng rau hữu cơ, tôi đã hiểu và mạnh dạn chuyển đổi. Lúc mới trồng rau, vài tuần chị Mayu lại ghé thăm vườn rau để kiểm tra, hỏi thông tin, xem rau phát triển như thế nào…Chị Mayu rất nhiệt tình chỉ dẫn nên tôi cũng yên tâm”, ông Trơn cho biết.
Chị Ino Mayu cùng làm đất để trồng rau hữu cơ với lão nông Mai Trơn, thị trấn Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Ảnh: Trần Thị Thu Hiền – TTXVN
Giờ đây với 500m2 đất, mỗi tháng gia đình ông Trơn cũng thu nhập được 5 triệu đồng từ trồng rau hữu cơ. Đầu ra ổn định, sức khỏe không bị ảnh hưởng. Ông Trơn khẳng định sẽ theo phương pháp trồng rau hữu cơ đến cùng.
Từ vài người nông dân e dè tham gia, giờ đây dự án trồng rau hữu cơ đã trên 200 hộ. “Tất cả là nhờ chị Mayu. Nhờ chị ấy nhiệt tình và nghiêm khắc nên dự án mới thành công như ngày nay”, ông Lê Quang Hay, Trung tâm Khuyến nông huyện Ba Tri chia sẻ.
Đến nay, gần 3 năm dự án cải thiện sinh kế cho hộ nghèo và dự án trồng rau hữu cơ của tổ chức Seed to Table đến với Bến Tre. Cũng ngần đấy thời gian, nhiều người dân Bến Tre đã quen với hình ảnh người phụ nữ Nhật Bản - chuyên gia nông nghiệp hữu cơ trên mỗi chuyến xe bus từ thành phố Bến Tre đi Ba Tri, đi Bình Đại. Nhiều người khi mới tiếp xúc với chị Mayu rất khó nhận ra chị là người Nhật bởi chị nói tiếng Việt rất thạo và cách ăn mặc không khác gì người Việt.
Giờ đây, rau hữu cơ do nông dân Bến Tre sản xuất đã được nhiều người tiêu dùng biết đến. Và chị Mayu cũng không còn phải lo lắng về đầu ra như ngày nào nhưng điều chị lo lắng là liệu người dân có theo đuổi đến cùng với phương pháp trồng rau hữu cơ sau khi dự án kết thúc vào năm 2019 hay không?
“Nếu nông dân Bến Tre còn muốn gắn bó và phát triển mô hình nông nghiệp hữu cơ bền vững thì tôi vẫn luôn sẵn sàng hỗ trợ họ”, chị Ino Mayu chia sẻ./.
Trần Thị Thu Hiền/TTXVN
https://bnews.vn/nguoi-phu-nu-nhat-20-nam-gan-bo-voi-nong-dan-viet-nam/37197.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.
LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.
Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.