Home

Home
Nắng thì cày ruộng, mưa thì đọc sách 晴耕雨讀

27/12/2018

Lại câu chuyện liêm chính học thuật ở Đại Việt - dịp cuối năm 2018

Đã nghe trực tiếp câu chuyện này từ sớm một cách ngẫu nhiên, từ hồi tháng 11 năm 2018. Nhưng cuối năm thì ai cũng bận mải, nên chỉ biết vậy, không ngó ngàng được gì.

Bây giờ thì đã lên mặt báo chính thống. Vẫn là đang tiếp tục câu chuyện ở đây (từ hồi tháng 7 năm 2018).

Lấy từ các nguồn.




Phần bổ sung sẽ dán ở dưới như mọi khi.

---

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện - Từ 'đạo văn' đề tài cơ sở đến hàng loạt nghi vấn khoa học


Cập nhật: 09:00, Thứ 5, 27/12/2018
Bị phát hiện “đạo văn” trong đề tài cấp cơ sở năm 2018 với nhan đề “Nghiên cứu nghệ thuật thư họa trong tài liệu Hán Nôm”, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện – Nghiên cứu viên cao cấp, Ủy viên Hội đồng khoa học, Trưởng ban Thanh tra nhân dân Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) còn khiến dư luận đặt dấu hỏi về hàng loạt nghi vấn khoa học trước đó.

Vi phạm liêm chính học thuật

Ngày 11/12, Tiến sĩ Trần Trọng Dương, phản biện 2 của Hội đồng nghiệm thu lần thứ 2 đề tài cấp cơ sở của Viện Nghiên cứu Hán Nôm trong nhận xét về đề tài “Nghiên cứu nghệ thuật thư họa trong tài liệu Hán Nôm” do Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện làm chủ nhiệm, đã kết luận: “Gần 106 lần (=38 lần (đoạn văn) + ≈ 68 lần (ảnh)) vi phạm Công văn số 960/KHXH-QLKH của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam do Chủ tịch GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn ký ngày 22/5/2018 về việc chủ nhiệm đề tài phải chịu trách nhiệm đối với “nội dung khoa học và mức độ chính xác của các trích dẫn” trong đề tài nghiên cứu”.

nxd-do-vn-dt142758169


Báo cáo tổng hợp đề tài “Nghiên cứu nghệ thuật thư họa trong tài liệu Hán Nôm” của Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện

Cụ thể, ông Dương đã thống kê tổng số lượt đoạn văn bị đạo là 38 đoạn. Có 7 tác giả bị “đạo” gồm: Phùng Hồng Kổn 16 lần, Trang Thanh Hiền 16 lần, M Durand 1 lần, Phan Cẩm Thượng 1 lần, Hà Tùng Long 1 lần, Nguyễn Hữu Mão 1 lần, Wikipedia 2 lần, Nguyễn Xuân Diện 1 lần (tự đạo).

Số liệu do ông Dương đưa ra còn chưa tính đến 19 trang cắt dán trùng lặp (tự đạo văn để “độn” sản phẩm cho đủ số trang) của Báo cáo tổng hợp lần 1 do TS. Đào Phương Chi – thành viên Hội đồng nghiệm thu – phát hiện.
Còn trong số 69 lượt tranh (không tính theo đơn vị tranh trùng, tính theo vị trí xuất hiện), ông Dương cũng thống kê được chỉ có 1 đơn vị có nguồn ảnh, còn lại có 68 tranh không có nguồn ảnh và nguồn lưu trữ/ sưu tập, cũng như nguồn xuất bản.
Đặc biệt, ở đoạn 37, Tiến sĩ Trần Trọng Dương nêu rõ: 7 lỗi sai giống Durand cho thấy: Chủ nhiệm đề tài đã lấy từ người khác mà không chú nguồn tham khảo. Theo ông Dương, đây là những lỗi nghiêm trọng. “Nhấn mạnh ở đây, các lỗi này vừa thể hiện trong báo cáo tổng hợp, vừa thể hiện trên bài báo khoa học đã công bố, nên mức độ vi phạm về đạo văn là không thể sửa chữa”, Tiến sĩ Trần Trọng Dương nhận xét.

Chờ báo cáo kết quả xử lý

Làm việc với PV Báo NNVN, Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Cường – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm xác nhận: Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện có thực hiện đề tài cấp cơ sở nhan đề “Nghiên cứu nghệ thuật thư họa trong tài liệu Hán Nôm” năm 2018 và đã không được Hội đồng nghiệm thu thông qua.
“Tôi không phải thành viên của các Hội đồng nghiệm thu. Tôi làm việc trên cơ sở các bản báo cáo cũng như Biên bản Hội đồng và bản nhận xét của các thành viên trong Hội đồng. Toàn bộ quy trình này chúng tôi làm theo Quy chế quản lý khoa học của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam. Theo báo cáo từ Biên bản Hội đồng cả hai lần họp, Hội đồng đều có kết quả dưới 50/100 điểm và như thế theo quy định là đề tài không đạt yêu cầu”, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm cho biết.
GS.TS Phạm Văn Đức – Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam cho biết ông nắm được thông tin sự việc Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện “đạo văn” trong đề tài cơ sở năm 2018. “Hiện nay Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam chờ báo cáo kết quả xử lý của Viện Nghiên cứu Hán Nôm theo phân cấp quản lý”, ông Phạm Văn Đức nói.
“Chất lượng của báo cáo này là thiên về mỹ thuật, chứ không phải là nghiên cứu văn bản học Hán Nôm và thư mục học Hán Nôm. Đặc biệt, báo cáo khoa học này đã không tuân thủ quy tắc dẫn nguồn, dẫn đến việc không biết khi nào là phần viết của tác giả, khi nào là sản phẩm/ kiến thức của người khác, dù là kiến thức phổ thông” (Tiến sĩ Trần Trọng Dương).
“Từ góc nhìn của một nhà nghiên cứu tôi cho rằng, sản phẩm đề tài cấp cơ sở của Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện nộp cho hội đồng lần 2 đã có sửa chữa và bổ sung so với lần 1. Nếu tạm bỏ sang một bên những lỗi mà hội đồng đã chỉ ra (như nội dung chưa đúng theo thuyết minh mà chủ nhiệm đề tài đã đăng kí, lỗi trùng lặp nội dung mà không dẫn nguồn), thì đề tài có thể coi là không non. Mong rằng Nguyễn Xuân Diện sẽ sửa chữa bổ sung và cho xuất bản công trình này như anh đã hứa, để mọi người cùng đọc”. (Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Cường - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm).


Khải Mông - Văn Việt

https://nongnghiep.vn/tien-si-nguyen-xuan-dien--tu-dao-van-de-tai-co-so-den-hang-loat-nghi-van-khoa-hoc-post233736.html?fbclid=IwAR36ZipBXexRPDHB9L1CydpZRBWgwvnw3TJuonMAXx6wpVduJaRn7PhekLU
.

---

BỔ SUNG CƠ BẢN




1.






'Đạo văn' từ trang thivien.net để in sách 'Đường thi quốc âm cổ bản'?

28/12/2018, 08:39 (GMT+7)
TS Nguyễn Phúc Anh (Trường Đại học KHXH&NV - ĐHQG Hà Nội) đánh giá: “Ông Nguyễn Xuân Diện đã ăn trộm thành quả nghiên cứu của người khác, gian lận khoa học ở nhiều cấp độ”.

"Ăn cắp" bản dịch trên mạng?

Cụ thể, ông Nguyễn Phúc Anh đã đề cập đến mức độ thứ nhất, kém cỏi nhất trong 5 cấp độ của “đạo văn”: Đó là người viết trắng trợn sử dụng toàn bộ công trình của một ai đó làm của mình. Sau khi so sánh và thống kê, ông Nguyễn Phúc Anh phải thốt lên: “Thủ thuật hai ông Nguyễn Xuân Diện và Trần Ngọc Đông “ăn cắp” bản dịch trên mạng và đứng tên mình hết sức đơn giản”.

10-09-34_48429015_280530086151179_4829946519719247872_n
TS Nguyễn Xuân Diện (ngoài cùng bên phải) trong lễ ra mắt sách "Đường thi quốc âm cổ bản" (2017)


Quý I/2017, Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh cho ra mắt cuốn "Đường thi quốc âm cổ bản" (ĐTQÂCB) do Nguyễn Xuân Diện và Trần Ngọc Đông sưu tập và biên dịch. Cuốn sách được phát hành không lâu thì bạn đọc từ những người làm sách đến giới nghiên cứu ngành Hán Nôm đều chỉ trích cuốn sách “đạo văn”.
Đón cuốn ĐTQÂCB còn nguyên mùi giấy mới, anh Nguyễn Quang Duy, một bạn đọc trẻ thế hệ 8X, có hiểu biết và yêu thích Hán Nôm, đã trân trọng đọc; nhưng, ngờ đâu, “danh bất phó kỳ thực”. Cái mà anh nhận được là một cuốn sách lộ cộ về phương pháp làm lẫn nội dung.
So sánh phần dịch nghĩa chữ Hán 222 bài thơ Đường trong ĐTQÂCB, với các bản dịch nghĩa đăng trên trang thivien.net - nguồn tài liệu tham khảo, cũng là nguồn sao chép của các tác giả, TS Nguyễn Phúc Anh cho biết: Trong số 222 bài thơ Đường được giới thiệu trong ĐTQÂCB thì có đến 197 bài sao chép phần dịch nghĩa đăng tải trên trang thivien.net trước năm 2017 với tỷ lệ trùng lặp từ 41% đến 100%. Có 86 bài dịch nghĩa sao chép từ 90% trở lên, chỉ có 4 bài sao chép dưới 50%.
Trong phần Phàm lệ trang 21, giới thiệu việc trình bày phần dịch nghĩa thơ Đường, hai ông Nguyễn Xuân Diện và Trần Ngọc Đông nói: “Dịch nghĩa, dịch sát nguyên văn, dịch trực tiếp, không phỏng dịch, những chữ được thêm vào cho rõ ý được đặt trong ngoặc đơn (...). Khi dịch nghĩa chúng tôi có tham khảo các nguồn: thivien.net, "Đường thi tuyển dịch" (2 tập, Lê Nguyễn Lưu, 1997), "Thơ Đường" (2 tập, Nxb. Văn học, 1987)...”. Đem lời này so với tỷ lệ trùng lặp ở bảng trên, TS Nguyễn Phúc Anh đặt câu hỏi: “Rốt cuộc hai ông Nguyễn Xuân Diện và Trần Ngọc Đông hiểu và sử dụng từ “tham khảo” như thế nào? Tham khảo nghĩa là sao chép một phần hoặc toàn bộ thành quả của người khác như hai ông này đã làm sao?”.  

Mập mờ tham khảo

Sách "Từ điển Tiếng Việt", Hoàng Phê (chủ biên), Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2003, định nghĩa: “Tham khảo đg. Tìm đọc thêm tài liệu, xem xét, nghe ngóng thêm ý kiến có liên quan để biết rõ hơn về vấn đề”. Và: “Đạo văn đg. Lấy, hoặc căn bản lấy sáng tác văn học của người khác làm của mình”.
Trao đổi với PV Báo NNVN, ThS Lê Huy Hoàng (Trường ĐHSP Hà Nội II) nói: “Theo tôi, cần phân biệt rõ việc “tham khảo” và việc sử dụng lại gần như toàn bộ tài liệu khác (kể cả chỗ sai) mà không có chú thích rõ ràng. Ông Nguyễn Xuân Diện đã “tham khảo” thivien.net là tham khảo những bài nào, tham khảo bao nhiêu phần trăm, thivien.net lại lấy bản dịch của những ai, trong số những bản dịch đó ông Diện tham khảo bản nào... tất cả mọi thông tin đều hết sức mập mờ. Chỉ có một điểm có thể làm rõ, đó là cuốn sách có nhiều điểm trùng hợp đến đáng ngờ với các bản dịch nghĩa trên thivien.net, bao gồm cả những chỗ nhầm lẫn”.
Còn TS Nguyễn Phúc Anh khẳng định: “Đây là hành vi ăn cắp thành quả nghiên cứu của người khác để in sách trắng trợn nhất, là hình thức “đạo văn” không thể chối cãi của hai ông Nguyễn Xuân Diện và Trần Ngọc Đông trong sách ĐTQÂCB”.
Bài “Hạ nhật quá Trịnh thất sơn trai”, bản dịch nghĩa của ĐTQÂCB sao chép 57 chữ, tức 97% từ thivien.net, các tác giả chỉ thay thế từ “thích thú” bằng từ “vui”, từ “vang” bằng từ “vọng”
Khải Mông

https://nongnghiep.vn/dao-van-tu-trang-thiviennet-de-in-sach-duong-thi-quoc-am-co-ban-post233826.html?fbclid=IwAR0dyx1tTOWQJQUeF92UTNXlGHxREBjtEbs-QCZHeG6Lb94jAPBGFX7qKck

.
---

BỔ SUNG MỞ RỘNG I



5.

Bảo đảm sự trung thực trong khoa học

Thứ Sáu, 25/01/2019, 02:49:31
Mới đây, sự kiện một đề tài khoa học cấp cơ sở không được nghiệm thu do mắc lỗi sao chép rất nặng, đã không chỉ thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu mà còn gây xôn xao trong dư luận. Sự kiện này một lần nữa cho thấy sự trung thực trong khoa học cần phải được đặt ra với yêu cầu khắt khe, đòi hỏi người làm công tác nghiên cứu cần tuân thủ nghiêm túc.
Đề tài “Nghiên cứu nghệ thuật thư họa trong tư liệu Hán Nôm” là đề tài cấp cơ sở ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) do Tiến sĩ N.X.D. làm chủ nhiệm, thực hiện trong năm 2018. Lý do Đề tài này bị đánh giá không đạt chất lượng sau hai lần nghiệm thu đều do lỗi sao chép. PGS Lã Minh Hằng, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, người hai lần là Phản biện 1 trong Hội đồng nghiệm thu Đề tài cho biết: Sau nghiệm thu lần thứ nhất, Hội đồng đề nghị tác giả sửa chữa, bổ sung, khắc phục các lỗi đã được chỉ ra để hoàn thiện. Ở lần nghiệm thu thứ hai, các lỗi chỉ được sửa qua loa và Đề tài tiếp tục bị phát hiện còn nhiều sai sót. Vì vậy hai lần Đề tài này đều không đạt điểm trung bình sau khi Hội đồng chấm điểm (lần thứ nhất: 49/100 điểm, lần thứ hai: 45/100 điểm). Cụ thể: nghiệm thu lần thứ nhất, Đề tài đã bị chỉ ra 19 trang cắt dán trùng lặp giữa hai chuyên đề 1 và 2; nghiệm thu lần thứ hai, người phản biện tiếp tục chỉ rõ 106 (lần) lỗi sao chép (38 đoạn văn và 68 hình ảnh) song không dẫn nguồn tư liệu. Đó là nguyên nhân để Đề tài này không thể nghiệm thu.
Trường hợp kể trên không phải là lần đầu và chắc chưa phải là trường hợp cuối cùng phải nhắc đến khi bàn về sự trung thực trong hoạt động khoa học, mà nổi lên là hiện tượng lâu nay thường được gọi là “đạo văn”. Hành vi đạo văn biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như: đạo ý tưởng, đạo cấu trúc bài viết... Trên thực tế, lỗi đạo văn thông thường hiện nay nhiều người mắc phải chủ yếu là hành vi sao chép y nguyên văn câu chữ của tác giả khác mà không ghi chú cụ thể nguồn gốc. Đáng buồn là nạn đạo văn như vậy lại đang diễn ra ở nhiều lúc, nhiều nơi, với nhiều cấp độ, khiến dư luận vô cùng bức xúc. Có thể dẫn chứng bằng một số thí dụ tiêu biểu gần đây như: Cuốn sách “Tìm hiểu đặc trưng văn hóa - dân tộc của ngôn ngữ và tư duy ở người Việt (trong sự so sánh với những dân tộc khác)” (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, H.2002) được Giáo sư N.Đ.T. cho ra đời bằng cách in lại phần lớn luận án của một tiến sĩ, một phần lớn luận văn của một thạc sĩ và một bài đăng tạp chí của một tác giả khác. Trong cuốn sách của Giáo sư N.Đ.T. có đến 130 trang “giống kỳ lạ” với một số công trình nghiên cứu đã công bố trước đó. Tương tự, tháng 8-2017, Phó giáo sư Đ.Đ.D., Trưởng khoa Lý luận chính trị và Giáo dục công dân thuộc Trường đại học Sư phạm Hà Nội, với tư cách là người hướng dẫn khoa học đã cho một học viên của mình vô tư “sao lại” luận án của một nghiên cứu sinh khác cũng do mình hướng dẫn, khiến dư luận không khỏi bức xúc trước phẩm chất của người thầy. Vụ việc đã bị xử lý nghiêm túc cả về chuyên môn và hành chính, nhưng ít nhiều đã làm ảnh hưởng xấu tới uy tín của cơ sở đào tạo nói riêng và của môi trường giáo dục nói chung.
Ngoài sao chép nguyên văn công trình của người khác, còn có không ít hình thức đạo văn khác khá tinh vi như ăn cắp ý tưởng, làm giả tài liệu... Năm 2013, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã phải lên tiếng về việc một “học trò” lấy các thành quả nghiên cứu của ông về bản Vũ điệu Đông Dương - vốn là tên gọi một bản ký âm không hoàn chỉnh của học giả người Pháp J.Tiersot (G.Ti-ơ-sô) được cho là của ban nhạc tài tử Nam Bộ từng trình diễn ở hội chợ Paris vào năm 1900 - vào cuốn sách Hát bội, đờn ca tài tử và cải lương cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 (NXB Văn hóa - Văn nghệ, TP Hồ Chí Minh năm 2013) từ trang 85 đến trang 91. Một trường hợp khá điển hình của việc sao chép, ngụy tạo số liệu có thể dẫn chứng là vụ ông P.V.L., Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Bắc Trung Bộ bị phát hiện gian lận khi tiến hành làm đề tài nghiên cứu luận án tiến sĩ vì sử dụng tài liệu, chứng cứ khoa học, kết quả nghiên cứu của người khác để đưa vào đề tài của mình. Điều nguy hiểm là rất nhiều trong các con số mà tác giả lấy cắp đó đã bị chỉnh sửa một cách tùy tiện, và nếu áp dụng kết quả nghiên cứu bịa đặt này nhiều nguy cơ sẽ dẫn tới hậu quả mất mùa, cây trồng không phát huy hiệu quả...
Tại nhiều nước trên thế giới, nạn “đạo văn” cũng xảy ra và hậu quả mà người vi phạm phải chấp nhận rất đáng để cảnh tỉnh các cá nhân có hành vi tương tự. Không ít người bị sụp đổ cả danh vị, sự nghiệp sau khi “dính án đạo văn”, trong đó có cả chính trị gia danh tiếng. Tháng 4-2012, ông P. Schmitt (P.Smit) khi đó đang là Tổng thống Hung-ga-ry đã buộc phải từ chức sau khi bị tước bằng tiến sĩ. Lý do bị tước bằng là phần lớn luận án của ông thực hiện năm 1992 bị phát hiện đã sao chép từ các công trình nghiên cứu của hai tác giả khác. Nhiều học giả, nhà nghiên cứu cũng mất tất cả sự nghiệp và danh tiếng của mình vì có hành vi “mượn không xin phép”. Thậm chí, bên việc xử lý trách nhiệm dân sự, một số người đã bị xử lý về hình sự.
Tại Việt Nam khi thực hiện một công trình nghiên cứu khoa học, mọi tác giả đều phải cam kết (có thể chính thức như ở trước mỗi bản luận văn, luận án, hoặc có thể không chính thức) về sự trung thực, riêng biệt (không trùng lặp) và khách quan trong công trình của mình đồng thời ghi rõ, dẫn nguồn số liệu, tài liệu nghiên cứu... Dù sự trung thực luôn được yêu cầu và đề cao, một số tác giả vi phạm đã bị lên án gay gắt và nhận hình thức xử lý, nhưng rất tiếc tình trạng đạo văn trong khoa học vẫn không giảm, thậm chí đang có xu hướng gia tăng. Không thể phủ nhận một thực tế là nạn đạo văn đã và đang gây ra nhiều tác hại cho đời sống xã hội, bởi nạn đạo văn làm nhiễu loạn thông tin, tri thức, đảo lộn nhiều giá trị cần được tôn trọng. Đẩy tới hệ lụy là dư luận thường đặt dấu hỏi về chất lượng các công trình nghiên cứu khoa học, người trí thức bị coi thường, nghi ngờ về tinh thần liêm chính. Bất luận thế nào thì hành vi “đạo văn” trong học thuật cũng tương tự như hành vi trộm cắp, tham ô, bởi vậy bên cạnh việc lên án, đòi hỏi người làm khoa học cần phải đề cao giá trị đạo đức nghề nghiệp, các cơ quan có trách nhiệm cần phải có biện pháp ngăn ngừa, xử lý nghiêm khắc hơn đối với hành vi này.
Bản chất của khoa học là sáng tạo và được xã hội trân trọng, bởi đây là lĩnh vực giúp phát hiện, tìm ra cái mới, các giá trị mới. Trong nghiên cứu khoa học, việc kế thừa các thành tựu nghiên cứu đã có là điều hết sức bình thường - như cách mà I.Newton (I.Niu-tơn) diễn đạt một cách hình ảnh là “đứng trên vai những người khổng lồ” - nhưng đó nhất thiết phải là kế thừa một cách minh bạch, sòng phẳng. Sự trung thực trong nghiên cứu khoa học phải được coi là một trong những thước đo quan trọng đánh giá chất lượng công trình khoa học cũng như năng lực và phẩm chất của nhà khoa học. Vi phạm nguyên tắc này là phi khoa học, không thể chấp nhận. Nhiều năm qua, trong hoạt động nghiên cứu khoa học, đã có nhiều nỗ lực từ phía cơ quan chức năng để nâng cao liêm chính khoa học, trong đó có chống “đạo văn”. Tuy nhiên, vấn nạn này vẫn chưa bị ngăn chặn, mà nguyên nhân trước hết chính là ý thức của người làm nghiên cứu khi mà bản thân họ cố tình hoặc thiếu ý thức đầy đủ về hành vi phản khoa học này, thậm chí còn dùng các kỹ thuật, kỹ xảo để che giấu.
Dù ở đâu, trong lĩnh vực nào thì việc xác định “đạo văn” là một việc khó khăn, nhưng hiện nay với sự phát triển của công nghệ, đã có những phần mềm hỗ trợ giúp “phát hiện sao chép” được xây dựng cho các cơ sở nghiên cứu và đào tạo. Hai trung tâm lớn về hoạt động nghiên cứu và giảng dạy là Đại học Quốc gia Hà Nội và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã sử dụng phần mềm này. Như GS, TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), cho biết: “Trường đã áp dụng phần mềm này với tất cả các luận văn (của học viên cao học) và luận án (của nghiên cứu sinh). Trong tương lai, trường sẽ mở rộng việc này tới tất cả các đề tài nghiên cứu và cả các bài viết trên các tạp chí khoa học. Trường coi đó là biện pháp mạnh để nâng cao uy tín khoa học của mình”. Cùng với công cụ mang tính kỹ thuật - công nghệ là quy chế nghiêm ngặt về những hình thức xử lý các vi phạm. Nhiều trường đại học đã đặt ra những quy định khắt khe với sinh viên, cán bộ, giảng viên về sự trung thực trong học thuật và đã thu được kết quả nhất định. Bên cạnh đó, vai trò giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý, sự lên án của dư luận xã hội, tính răn đe của các chế tài cũng đã phần nào phát huy tác dụng. Dù vậy, điều đầu tiên và quan trọng, quyết định nhất để duy trì sự trong sạch cho nền khoa học chính là lòng tự trọng, tự ý thức của chính các nhà khoa học, các cá nhân. Cùng với sự phát triển của khoa học, yêu cầu này ngày càng cao và cấp thiết. Đó chính là gốc của vấn đề. Có làm tốt điều này mới có thể bảo đảm sự lành mạnh của môi trường nghiên cứu, học thuật, bảo đảm các công trình khoa học đóng góp hiệu quả vào sự phát triển của đất nước.
THIÊN PHƯƠNG
http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/binh-luan-phe-phan/item/39016702-bao-dam-su-trung-thuc-trong-khoa-hoc.html?fbclid=IwAR3fByAJSsDbcQqLLVt905goPwTpDWaHyPlVsQn8JbHH5qTBS-n8QHHLM7s


4.

Vụ TS đạo văn: Yếu kém về chuyên môn, xấu xa về nhân cách

11/01/2019, 08:35 (GMT+7)
GS.TS Phạm Hồng Tung (Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển – ĐHQG Hà Nội) đã đánh giá như vậy về hành vi đạo văn của TS Nguyễn Xuân Diện, Ủy viên Hội đồng Khoa học - Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Nghiên cứu viên cao cấp Viện Hàn lâm KHXHVN.

'Đạo văn' từ trang thivien.net để in sách 'Đường thi quốc âm cổ bản'?

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện - Từ 'đạo văn' đề tài cơ sở đến hàng loạt nghi vấn khoa học

Đạo văn là ăn cắp

Trao đổi với PV báo NNVN, GS.TS Phạm Hồng Tung thẳng thắn bày tỏ:
“Phải nói ngay rằng tôi chỉ có điều kiện theo dõi vụ việc này qua báo chí và mạng xã hội. Từ những nguồn thông tin đó, có thể nhận định chắc chắn rằng ông TS. Nguyễn Xuân Diện đã đạo văn. Ông Diện cũng đã nhận lỗi đó của mình trên trang facebook của ông, tuy nhiên, sau đó bài đó không thấy đâu nữa.

Có thể thông tin trên mạng xã hội còn có chỗ chưa thật chính xác, nhưng những nhà khoa học trong Hội đồng nghiệm thu đề tài cấp cơ sở của ông Diện thì chắc là biết rõ vấn đề. Lãnh đạo Viện Hàn lâm KHXHVN và Viện Nghiên cứu Hán – Nôm thì càng chắc chắn phải nắm chắc, biết rõ mức độ sai phạm, tính chất sai phạm của ông Diện trong vụ việc này.

Tiến sĩ đạo văn Nguyễn Xuân Diện
Trước hết, tôi hoan nghênh Viện Hàn lâm KHXHVN và Viện Nghiên cứu Hán – Nôm đã bước đầu xử lý vụ việc này theo quy định. Hoan nghênh ông Diện đã có động thái nhận lỗi và như báo Tiền Phong (ngày 6/1/2019) cho biết thì ông Diện đã nộp lại số tiền tương ứng với phần công việc mắc lỗi của Đề tài.
Tuy nhiên, đạo văn trước hết là câu chuyện đạo đức. Một người đã đạo văn tức là đã ăn cắp (vừa ăn cắp tiền được cấp từ ngân sách nghiên cứu, vừa ăn cắp tri thức, văn chương của người khác). Vì vậy, phải xử lý người đó theo tội ăn cắp. Nếu ăn cắp nhiều lần thì tội càng nặng và người đó đáng bị xã hội lên án. Một nhà khoa học đã mắc tội đạo văn, dù chỉ một lần, cũng là ô danh rồi.
Tôi xin nhấn mạnh: ông Diện là Tiến sĩ, lại được bổ nhiệm là Nghiên cứu viên cao cấp của một cơ quan khoa học hàng đầu của quốc gia, mà lại không thực hiện nổi một cái đề tài cấp cơ sở, phải đạo văn, thì rất bất thường! Nó cho thấy ông Diện vừa yếu kém về trình độ chuyên môn, vừa xấu xa về nhân cách. Mà đã như vậy thì không xứng đáng là Tiến sĩ, không xứng đáng là Nghiên cứu viên cao cấp!
Còn các vị trí khác, như ủy viên Hội đồng Khoa học của Viện Nghiên cứu Hán – Nôm, Trưởng ban Thanh tra Nhân dân của Viện đó – tôi nghĩ ông Diện cũng không xứng đáng. Vì vậy, tôi cho rằng lãnh đạo Viện Hàn lâm KHXHVN và Viện Nghiên cứu Hán – Nôm cần nghiêm túc xử lý vụ việc này. Cần phải xem xét tước bỏ chức danh Nghiên cứu viên cao cấp của ông Diện và các chức vụ, danh hiệu khác.
Đây là cách tốt nhất, cách duy nhất để bảo vệ danh dự, uy tín của Viện Hàn lâm KHXHVN và Viện Nghiên cứu Hán – Nôm. Đây cũng là cách để giúp cho ông Diện tu tâm dưỡng tính, tự mình phấn đấu thêm để sau này ông có có thể đường đường chính chính khẳng định danh dự và uy tín học thuật của mình thông qua kết quả công việc của ông. Rất mong Viện Hàn lâm KHXHVN và Viện Nghiên cứu Hán – Nôm không vì vụ việc này mà đánh mất uy tín của mình. Rất mong ông Diện không vì lỗi lầm nghiêm trọng này mà một lần tự vùi dập danh dự của ông.  

Nhiều chữ còn đi đạo văn làm gì?

Đó là câu hỏi của ông Brian Wu (Hoa Kỳ). Chia sẻ trên facebook cá nhân (ông đã đồng ý để báo NNVN dẫn lại), ông viết:
“Về vụ thầy Nguyễn Xuân Diện đạo văn.
Vài bạn hỏi mình về vụ này, mình im hoài hổm rày.
Mình im không phải là vì mình chán ngán cho sự học ở Việt Nam gì cả, mà chỉ vì một lý do duy nhất - mình không nghĩ rằng một thầy trong viện Hán Nôm có thể đạo văn, chỉ vậy.
Mình sống ngoài này, tự học Hán Nôm ba xí ba tú, còn chưa dám nói mình là học trò cụ Khổng, vậy mà mình còn biết đạo văn là việc không nên làm. Nên làm thế nào mà thầy Diện trong viện Hán Nôm làm bậy như vậy được nhỉ ? Hành vi đạo văn đáng xấu hổ này, dù chúng ta nói thẳng là đạo văn hay nói khéo là quên dẫn nguồn, chắc không thể nào chỉ là nỗi buồn của viện Hán Nôm, mà còn là nỗi đau của tất cả người Việt, nhất là những người Việt còn nặng lòng với Nho giáo như mình chẳng hạn.
Thầy Diện đã xin lỗi công khai ngoài này rồi, nhưng thầy chưa bao giờ cho chúng ta biết tại sao thầy chữ nhiều đến vậy mà lại cần đi đạo văn làm gì ? Xưa một thầy sĩ phu Hà thành mà mất liêm sĩ đến vậy, chắc là quan Đốc học Hà Nội sẽ nghiêm khắc bắt ra Văn Miếu đánh đòn chứ chẳng chơi.
Dù người ta có chống đối hay biện hộ cho hành động đạo văn này của thầy Nguyễn Xuân Diện trong vụ này, thì sự việc cũng đã để lại dư âm buồn trong lòng mình.
Làm thầy mà như vậy, thật đáng tiếc cho thầy Nguyễn Xuân Diện lắm thay.
Làm người mà như vậy, thật xấu hổ cho một người Việt tên Nguyễn Xuân Diện lắm thay”.
Chúng tôi đã liên hệ với GS.TS Nguyễn Quang Thuấn – Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXHVN để trao đổi về việc xử lý hành vi đạo văn của TS Nguyễn Xuân Diện. Ông Thuấn cho biết, theo phân công chức năng nhiệm vụ của các cơ quan trực thuộc Viện Hàn lâm KHXHVN thì Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm sẽ cùng Hội đồng khoa học xử lý sự việc và báo cáo.
https://nongnghiep.vn/vu-ts-dao-van-yeu-kem-ve-chuyen-mon-xau-xa-ve-nhan-cach-post234706.html?fbclid=IwAR0UO7ymGs_I2darpvDmNzKUFIETlHwiccMdTbkTwpAqctRoUa0iHYam9yw



3.

06/01/2019 06:53



TP - Đó là cụm từ được Tiến sỹ Trần Trọng Dương đưa ra sau vụ ồn ào về liêm chính học thuật gần đây. Ông cho rằng “Ở Việt Nam còn một loại đạo văn, đáng chú ý gọi là đạo văn dưới gầm bàn. Hiện tượng này xuất hiện trong không ít các đề tài giải ngân từ ngân sách nhà nước. Các đề tài kiểu này được chi theo định mức, có kế hoạch và thực hiện không chỉ trong các cơ quan nghiên cứu, các trường đại học mà còn trong nhiều cấp hành chính khác nhau”.

“Đường thi quốc âm cổ bản” do Nguyễn Xuân Diện, Trần Ngọc Đông (Sưu tập và biên dịch) bị tố “đạo”, trên thị trường sách hiện nay



TS. Trần Trọng Dương nói tiếp: “Các loại đề tài đó được nghiệm thu kín, nội bộ, rất ít khi được đem xuất bản. Và các hội đồng này bao giờ cũng làm nội bộ với nhau, sau đó đút vào ngăn kéo. Lỗi này thuộc về hệ thống. Bởi vì không có thiết chế bắt buộc, sản phẩm nghiên cứu ấy không có sức ép phải công bố, thành ra người ta bao bọc cho nhau. Đề tài tôi qua thì tôi cũng cho đề tài anh qua, tất cả cùng nhau chèo thuyền giải ngân và huề cả làng. Vì anh giải ngân được thì tôi cũng phải giải ngân được. Tôi gọi đó là chuyện “Đạo văn dưới gầm bàn”. 


TS. Trần Trọng Dương: Việt Nam vẫn là mảnh đất hoang về đạo văn


Thời gian qua, một số tờ báo đã phản ánh về vụ đạo văn ồn ào ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm, nhân vật bị phát hiện lần này chính là TS Nguyễn Xuân Diện - nghiên cứu viên cao cấp - Ủy viên của Hội đồng khoa học - Trưởng ban Thanh tra Nhân dân Viện Nghiên cứu Hán Nôm (thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam).

Sự việc cụ thể như sau: Đề tài “Nghiên cứu nghệ thuật thư họa trong tư liệu Hán Nôm”, do ông Nguyễn Xuân Diện làm chủ nhiệm đề tài, đã bị Hội đồng nghiệm thu lần thứ 2 “nhặt” ra vô số “sạn” với 38 đoạn văn bị “đạo” và 68 ảnh không chú nguồn.

“Nạn nhân” là các tác giả: Phùng Hồng Kổn 16 lần, Trang Thanh Hiền 16 lần, M. Durand 1 lần, Phan Cẩm Thượng 1 lần, Hà Tùng Long 1 lần, Nguyễn Hữu Mão 1 lần, Wikipedia 2 lần và tự đạo 1 lần. Trong Hội đồng Nghiệm thu lần 1, Hội đồng nghiệm thu cũng đã phát hiện 19 trang cắt dán trùng lặp (tự đạo văn) giữa 2 chuyên đề. Trong khi đó, theo Báo Nông nghiệp, một nhà khoa học khác đã chứng minh TS. Nguyễn Xuân Diện có “truyền thống đạo văn”, cụ thể trong cuốn “Đường thi quốc âm cổ bản” (2016, 2017) do Nguyễn Xuân Diện sưu tập và biên dịch có đến 197 bài sao chép phần dịch nghĩa đăng tải trên trang thivien.net và một số trang mạng khác với tỉ lệ trùng lặp từ 41% đến 100%.

“Kẻ cắp” sa lưới muộn màng, vì sao?

Qua hai vụ bắt lỗi đạo văn đã điểm ở trên, có thể thấy giới chuyên môn từ lâu đã ít nhiều nghi ngờ vấn đề liêm chính học thuật của TS, nghiên cứu viên cao cấp Nguyễn Xuân Diện. Nhưng tại sao, ở thời điểm này, sự việc mới được đưa ra ánh sáng? 

Theo TS. Trần Trọng Dương việc phát hiện và đưa ra ánh sáng là còn có sự nhất trí của cả hội đồng và những người làm việc thực sự trong cơ quan. Ông nói “Vạch ra lỗi của đương sự trong việc này nghĩa là mình đang nương theo pháp luật, theo cái đúng, theo cái liêm chính để chống lại một truyền thống đạo văn đã được bảo kê vững vàng bởi cái quan niệm cố hữu “dĩ hòa vi quý” còn lẩn quất trong đời sống nghiên cứu và trong xã hội”.

Vậy, tại sao các nhà nghiên cứu khi tấn công vào “tường thành” lại đặt tiêu điểm là Nguyễn Xuân Diện? Ông Dương cho biết “Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện vẫn luôn tự chứng tỏ ông là một nhà nghiên cứu văn hóa truyền thống, bảo vệ di sản văn hóa cổ, là người giữ gìn truyền thống cha ông. TS Nguyễn Xuân Diện cũng là người hiểu rõ và đã nhiều lần lên tiếng và đấu tranh cho liêm chính học thuật. Anh từng phát biểu rằng đạo văn là một loại tội phạm kinh tế. Anh ấy nhận thức sâu sắc thế nào là đạo văn, mức độ nguy hiểm của đạo văn thế nào...



Nhưng trên thực tế, sản phẩm khoa học của anh có không ít các sạn đạo văn như chúng tôi đã chỉ ra. Kinh phí nghiên cứu khoa học là tiền thuế của dân, vì thế không được gian dối, nếu đã gian dối đến lần thứ hai và vẫn nhất định bao biện thì sẽ bị đưa ra ánh sáng. Đạo văn trong sách xuất bản là đạo văn trên mặt bàn, còn đạo văn trong đề tài khoa học ăn ngân sách nhà nước là đạo văn dưới gầm bàn”, nguyên văn ý kiến của TS. Trần Trọng Dương.


Tất nhiên, vị tiến sỹ 8x này cũng thừa nhận: “Anh ấy phải thấy rằng: là một nghiên cứu viên (nhất là nghiên cứu viên cao cấp), thì làm việc nghiêm túc, có kết quả là thể hiện uy tín của mình đối với cơ quan, rộng hơn là trách nhiệm đối với xã hội và đất nước. Miệng thì phê phán đạo văn là “tội phạm kinh tế” mà chính mình lại mắc đạo văn không chỉ một lần thì đó là chuyện không thể tưởng tượng được”. Để đưa việc đạo văn này ra ánh sáng, ngoài Trần Trọng Dương còn có nhiều nhà khoa học trong và ngoài viện Nghiên cứu Hán Nôm, cũng như các bạn đọc và những người ủng hộ khoa học và liêm chính học thuật.

Liêm chính học thuật, cần chế tài?

Chúng tôi gọi điện cho TS. Nguyễn Xuân Diện, anh không muốn bàn sâu chuyện này: “Mọi việc đã xong xuôi rồi. Tôi đã trả lại tiền. Thôi nhé, tôi đang bận họp”. Kết nối với Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm, TS. Nguyễn Tuấn Cường, chúng tôi được biết: “Viện đã xử lí theo qui chế quản lí khoa học của Viện Hàn lâm, qui chế hướng dẫn thế nào chúng tôi làm như thế. Theo qui chế, sẽ xuất toán một phần tiền tương ứng với phần việc không thực hiện được. Hội đồng thống nhất cho anh Diện nhận hết phần tạm ứng vì anh đã thực hiện được một phần công việc. Người ta thực hiện được bao nhiêu thì để người ta hưởng bấy nhiêu, chỉ thu lại phần lỗi của người ta thôi”. Giải pháp này vừa tuân thủ qui chế, vừa được sự tán thành của đương sự, mặc dù ban đầu nghiên cứu viên cao cấp Nguyễn Xuân Diện cũng “căng thẳng” nhưng sau đó “rất hợp tác”, theo “bật mí” của Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

Tháng 6 năm 2011, TS. Nguyễn Xuân Diện phát biểu: “Đạo văn là kẻ thù của khoa học chân chính”, “phải coi đạo văn như một loại tội phạm kinh tế”

Khi chúng tôi đặt câu hỏi: “Đạo văn dưới gầm bàn” có diễn ra nhiều không? Viện trưởng trả lời rằng: “Khi ta chưa làm số liệu thống kê cụ thể thì không thể trả lời câu hỏi đó. Tuy nhiên, qua trường hợp này Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã có đề xuất đề nghị Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam biên soạn và ban hành một qui chế về vấn đề liêm chính học thuật, giúp đỡ những người chưa hiểu về vấn đề liêm chính học thuật nói chung để họ tránh. Ta cũng cần thông cảm với nhiều người vì họ không để ý vấn đề đó”. Trước câu hỏi của chúng tôi: “Vậy, TS. Xuân Diện không để ý hay cố tình không để ý (vấn đề liêm chính học thuật)?”. TS. Nguyễn Tuấn Cường cười lớn: “Chắc cần một Ủy ban độc lập khác Viện Nghiên cứu Hán Nôm để xác nhận điều này”.



TS. Nguyễn Tuấn Cường, Viện trưởng Viện nghiên cứu Hán Nôm: Đề nghị biên soạn và ban hành qui chế về liêm chính học thuậtQua ồn ào liêm chính học thuật, một bộ phận nhỏ dư luận đặt câu hỏi: Có hay không chuyện nội bộ Viện nghiên cứu Hán Nôm lục đục, “đánh nhau”? Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm khẳng định: “Theo quan sát của cá nhân tôi, các ý kiến đều xuất phát từ góc độ khoa học. Nếu có một ý tưởng nào đó theo thuyết âm mưu thì là một điều đáng tiếc và không nên suy diễn quá đà”.



Chiêu “đánh bóng” của nhà nghiên cứu

Để có cái nhìn khách quan hơn về ồn ào liêm chính học thuật, chúng tôi trao đổi với một giáo sư hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu cổ học. Ông thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình: “Cái sự phát hiện ra vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm liêm chính học thuật thì chắc chắn là cậu ấy (tức TS. Nguyễn Xuân Diện) có rồi. Nói cụ thể hơn, về mặt năng lực, cậu ấy chỉ là một nghiên cứu viên bình thường của ngành Hán Nôm thôi, không có gì xuất sắc hay nổi bật cả.

Nhưng cậu ấy tỏ ra là người dân chủ, đổi mới, từng tạo ra dư luận ồn ào. Trong xã hội dân sự thiếu hiểu biết thật sự, người ta lại thấy cậu ấy dám nói, dám nghĩ, dám đăng những bài bạo dạn trên những trang mạng của cậu ấy. Cho nên tạo ra một hệ thống fan trong xã hội. Nếu cậu ấy chỉ làm việc ấy thì kệ cậu ấy. Nhưng cậu ấy lại cũng muốn nổi tiếng về học thuật, nên cậu ấy cạy cục làm ra những công trình. So với giới nghiên cứu chuyên môn thuần túy thì đám này không ưa cậu ấy. Vì đám này làm thật, làm đến nơi đến chốn, làm triệt để luôn”.

Trong giới nghiên cứu, những nhà nghiên cứu thiếu thực lực nhưng khoác chiếc áo quá rộng, có nhiều hay không, chúng tôi hỏi vị giáo sư đã đào tạo rất nhiều thế hệ học trò. Không ngại ngần, ông nói: “Nhiều đến mức cấp cao nhất, tôi đã nói chục năm nay về vấn đề này. Chúng ta đang có sự lạm dụng danh hiệu giáo sư”.



Muôn hình vạn trạng “đạo”


TS. Trần Trọng Dương nhận định: “Đạo văn không phải cái gì quá hiếm hoi. Vì Việt Nam vẫn là mảnh đất hoang về đạo văn, không nhiều người quan tâm đến nó, vì vừa thiếu luật, vừa thiếu chế tài, vừa thiếu hiểu biết về đạo văn cũng như các loại hình đạo văn”. Anh cung cấp về “tự đạo văn” như sau: “Một nhà nghiên cứu cũng như một nghệ sỹ, anh chỉ làm được một tác phẩm trong một lần và không bao giờ lặp lại tác phẩm ấy nữa. Nếu anh sáng tác được một bức tranh và bán lấy tiền rồi, hôm sau anh vẽ lại một bức y thế, lại mang bán. Thế là phạm lỗi “tự đạo tranh”. Công việc của anh là sáng tạo ra các tác phẩm mới khác nhau, chứ không phải sản xuất hàng loạt như hàng tiêu dùng. Còn nếu một nhà nghiên cứu dùng một tác phẩm cũ chế lại, xào xáo lại ở những mức độ khác nhau (mà không hề trích dẫn chính mình), thì anh đang mắc tội tự đạo văn, mặc dù chính anh lao động tạo ra tác phẩm đó. Cụ thể, nếu anh làm một đề tài rồi nhận thù lao, xuất bản. Vài năm sau, anh thay tên nó đi, nhưng trong ruột phần lớn là đề tài cũ, thì như thế cũng là đạo văn. Xét khía cạnh kính phí là tiền thuế của dân, một sản phẩm mà ăn hai lần tiền là bất chính, là đạo văn, là vi phạm liêm chính học thuật”.

NHÓM PV TPCN



https://www.tienphong.vn/giao-duc/ts-tran-trong-duong-viet-nam-van-la-manh-dat-hoang-ve-dao-van-1364005.tpo









2. Bài đã xóa (lúc này, chiều tối ngày 30/12/2018, không truy cập được).



"

Thứ Hai, 24 tháng 12, 2018


Nguyễn Xuân Diện: QUANH ĐỀ TÀI KH CẤP CƠ SỞ NĂM 2018 CỦA TÔI





QUANH ĐỀ TÀI KHOA HỌC CẤP CƠ SỞ NĂM 2018 CỦA TÔI

Nguyễn Xuân Diện

1. Năm 2018, tôi thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở “Nghiên cứu nghệ thuật thư họa trong tư liệu Hán Nôm”. Đề tài này là đề tài hàng năm, cũng là nhiệm vụ mà các nghiên cứu viên của Viện thực hiện. (quy định báo cáo tổng hợp khoảng 50 trang). Kinh phí đầu tư là 31.000.000 đ, trong đó có 1.550.000đ là chi phí quản lý.

Đề tài khoa học “Nghiên cứu nghệ thuật thư họa trong tư liệu Hán Nôm” là một đề tài mới mẻ và nhiều thách thức đối với tôi. Nhưng do sự say mê đối với nghệ thuật cha ông và do tôi tìm thấy khoảng trống của nghiên cứu tranh dân gian còn bỏ ngỏ mà tôi quyết định đặt tâm huyết vào để nghiên cứu. 


Trong Thuyết minh đăng ký đề tài, đề tài này có 2 chương: 

Chương 1: Khảo cứu tư liệu Thư họa tranh dân gian thuộc 4 dòng tranh: Đông Hồ - Hàng Trống – Kim Hoàng và Sình (Huế) và tranh thờ chân dung


1.1. Khảo cứu tư liệu Thư họa tranh dân gian thuộc 4 dòng tranh:
                         Đông Hồ - Hàng Trống – Kim Hoàng và Sình (Huế)


1.2. Khảo cứu tư liệu thư họa dòng tranh thờ chân dung


Chương 2: Giá trị nội dung và nghệ thuật của thư họa trong tư liệu Hán Nôm


2.1. Giá trị Thư họa trên tranh dân gian Đông Hồ


2.2. Giá trị thư họa trên tranh dân gian Hàng Trống

2.3. Giá trị thư họa trên tranh dân gian Kim Hoàng
 
Khi viết báo cáo, tôi đã sắp xếp các chương mục như sau:

Chương 1: Khảo cứu tư liệu Thư họa tranh dân gian thuộc 4 dòng tranh: Đông Hồ - Hàng Trống – Kim Hoàng và Sình (Huế) và tranh thờ chân dung

1.1. Khảo cứu tư liệu Thư họa tranh dân gian thuộc 4 dòng tranh: Đông Hồ - Hàng Trống – Kim Hoàng và Sình (Huế)
1.2. Khảo cứu tư liệu thư họa dòng tranh thờ chân dung


Chương 2: Giá trị nội dung và nghệ thuật của thư họa trong tư liệu Hán Nôm

2.1. Giá trị Thư họa trên tranh dân gian Đông Hồ
2.1.1. Giá trị về nội dung
2.1.2. Giá trị về nghệ thuật thư họa

2.2. Giá trị thư họa trên tranh dân gian Hàng Trống
2.2.1. Giá trị về nội dung
2.2.2. Giá trị nghệ thuật thư họa

2.3. Giá trị thư họa trên tranh dân gian Kim Hoàng
2.3.1. Giá trị về nội dung
2.3.2. Giá trị về nghệ thuật thư họa.


Như vậy, các mục 2.1.1; 2.2.1 và 2.3.1 (đã được tô đậm và in nghiêng ở trên) không thuộc những gì mà tôi đăng ký ở bản thuyết minh.

Cụ thể, tôi đã khảo sát 1123 bức tranh (bao gồm tranh trong sưu tập cá nhân của gia đình tôi – do Trang Thanh Hiền sưu tập, và ảnh chụp tranh dân gian trong bộ sưu tập của M.Duran và Phan Ngọc Khuê) để thực hiện các biện pháp sàng lọc (dựa vào phong cách và dùng các sách về Niên họa Trung Hoa đối chứng để loại bỏ các bức tranh Trung Quốc) chọn ra 610 bức tranh dân gian để tiến hành nghiên cứu.


Trong 610 bức tranh dân gian là đối tượng nghiên cứu, có 174 bức tranh Đông Hồ, 70 tranh Kim Hoàng, 366 tranh Hàng Trống (trong sưu tập ảnh đã công bố của Phan Ngọc Khuê). Đây là lần đầu tiên một số lượng lớn tranh của ba dòng tranh Đông Hồ, Kim Hoàng và Hàng Trống được nghiên cứu từ góc độ nghệ thuật thư họa. [Trong khi, theo TS Nguyễn Doãn Minh, hiện phòng trưng bày Tranh dân gian của Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia (Hà Nội) chỉ có 56 tranh/bộ tranh cho cả 4 dòng tranh Đông Hồ, Kim Hoàng, Hàng Trống, Sình].



Sau khi khảo sát, tôi thấy chữ Hán Nôm trên tranh được bố cục có thể quy về 3 dạng, và tôi đặt tên cho nó:

Chữ điền trống: chữ được đặt vào khoảng trống hợp lý trong tranh, làm cho bức tranh vừa có thêm ngữ nghĩa, nhưng đồng thời cũng điểm xuyết cho khoảng trống trong tranh đó trở nên đẹp đẽ hơn, đỡ trống trải trong nguyên tắc bố cục.

Chữ đề thượng: chữ đặt ở phần trên toàn bộ bố cục của bức tranh. Chữ đề thượng thường là một bài thơ hay một đoạn viết có dung lượng lớn. Mảng khắc chữ này sẽ tạo thành một mảng riêng biệt trong bố cục, vừa có tính gắn kết vừa có tính độc lập với hình ảnh biểu tượng được thể hiện ra trên tranh.

Chữ đề giải: là bố cục các chữ chú thích vào từng hình ảnh hoặc hoạt cảnh để giải thích thêm cho hình hay cảnh đó rõ nghĩa hơn. Bố cục này có tính chất tự do hơn so với hai loại trên.



Tôi đã lập các bảng thống kê cho từng tranh, từng dòng tranh và rút ra các bảng tổng hợp. Kết quả cho thấy: 84% trong tổng số 174 tranh Đông Hồ có chữ Hán Nôm; 84.6% trong tổng số 70 tranh Kim Hoàng có chữ Hán Nôm, 55.2% trong tổng số 366 tranh Hàng Trống có chữ Hán Nôm.

Sau đó, tôi tiếp tục đưa ra bảng tổng hợp đối với mỗi dòng tranh thì tỷ lệ giữa các loại bố cục:Điền trống, Đề giải, Đề thượng, Phức hợp (tức là vừa Điền trống, vừa Đề giải), và một số tranh đặc biệt.

Từ những thống kê tôi bình luận về giá trị nghệ thuật thư họa của tranh có chữ Hán Nôm. Và đã đi đến 5 Kết luận về nghệ thuật thư họa tranh dân gian Việt Nam.

Cuối lời Kết luận, tôi viết: “Nghệ thuật thư họa của tranh dân gian Việt Nam là một đề tài lớn, hấp dẫn mà công trình nhỏ bé này chỉ là một cố gắng ban đầu. Mối quan hệ giữa con chữ Hán Nôm trên tranh và những nét vẽ cùng màu sắc của các nhân vật trong tranh đã nói lên rằng sự liên kết giữa chúng là biểu hiện của một tinh thần Việt, tư tưởng Việt để truyền đạt thông điệp đến hôm nay và mai sau”.

Từ góc nhìn của một người nghiên cứu và giảng dạy về nghệ thuật tạo hình dân gian, TS. Quách Thị Ngọc An (Giảng viên Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật trung ương) là thành viên Hội đồng lần 2 đã nhận xét Về giá trị khoa học của đề tài:

“Lần đầu tiên có một công trình về tranh dân gian bao quát cả 4 dòng tranh nổi tiếng của Việt Nam: Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng và Sình (Huế) được thống kê đầy đủ, chọn lọc, phân loại để tiến hành khảo sát về nghệ thuật thư họa.

- Lần đầu tiên, thư họa tranh dân gian được nghiên cứu về mặt bố cục chữ và họa trên tranh.

- Thông qua kết quả của đề tài cho thấy chữ Hán Nôm có vai trò rất quan trọng trong tranh dân gian: Tác phẩm có chữ trên tranh Đông Hồ chiếm 84% tổng số tranh, Tác phẩm có chữ trên tranh Kim Hoàng chiếm 84,6 % tổng số tranh, Tác phẩm có chữ trên tranh Hàng Trống chiếm 55,2 % tổng số tranh”. 


2. Đề tài khoa học cấp cơ sở năm 2018 của tôi đã trải qua hai lần nghiệm thu: lần 1: Họp ngày 28 tháng 11 năm 2018. Kết quả: 49/100 điểm. Kết luận: Yêu cầu tác giả thực hiện đúng theo Thuyết minh (bao gồm nghiên cứu văn bản học Hán Nôm, thống kê số lượng từng dòng tranh bao nhiêu cái có chữ, bao nhiêu cái không chữ; lập bảng biểu, mô hình phân loại v.v.) theo ý kiến của Hội đồng. Xếp loại: Không đạt.

Sau khi tiếp thu ý kiến góp ý của Hội đồng, tôi đã chỉnh sửa, hoàn thiện để nộp lại phục vụ nghiệm thu. Ngày 11/12/ 2018, Hội đồng nghiệm thu đã họp đánh giá. Hội đồng đã có chung nhận xét bản thảo đã sửa chữa tiếp thu các ý kiến của Hội đồng lần 1, tuy nhiên Hội đồng chấm điểm: 45/100 điểm. Hội đồng lần 2 kết luận: Không đạt (mắc lỗi đạo văn). Xếp loại: Không đạt.

Các ủy viên Phản biện của Hội đồng lần 2, gồm: PGS.TS. Lã Minh Hằng (Phản biện 1), TS. Trần Trọng Dương (Phản biện 2) đã chỉ ra tất cả các lỗi “đạo văn” của đề tài.

Những sơ xuất này đều nằm ở Chương 2 của đề tài, tên chương là Giá trị Nội dung và Nghệ thuật của thư họa trong tư liệu Hán Nôm; những đoạn viết ngắn với những câu chữ cụ thể ấy thuộc kiến thức phổ thông nằm rải rác trong phần “Giá trị Nội dung” của tranh dân gian. 
Những đoạn mắc lỗi chép không dẫn nguồn đều không thuộc những gì mà tôi đăng ký ở bản thuyết minh. Những lỗi này hoàn toàn là do tôi. Dù xuất phát từ bất cứ lý do, nguyên nhân nào đi chăng nữa cũng đáng bị phê phán, nghiêm túc khắc phục, sửa chữa.

Chiều ngày 21 tháng 12 năm 2018, Viện Nghiên cứu Hán Nôm tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2018 với sự có mặt của GS.TS Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và đại diện các phòng ban chức năng của Viện Hàn lâm và đông đủ cán bộ viên chức, người lao động của Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

Tại hội nghị này, tôi đã phát biểu, nói lời cảm ơn chân thành tới hai Hội đồng lần 1 và lần 2, và cá nhân các thành viên của hai Hội đồng, gồm TS. Nguyễn Hữu Mùi, PGS.TS Lã Minh Hằng, TS. Trần Trọng Dương, TS. Đào Phương Chi đã cho tôi những nhận xét, góp ý cụ thể và bổ ích.

Với tinh thần cầu thị, tôi cũng nói lời xin lỗi về việc đã không hoàn thành được đề tài năm 2018. Với tôi là một bài học sâu sắc, quý báu. Bài học này sẽ đi theo tôi suốt cả cuộc đời.

Hội nghị đã vỗ tay để bày tỏ sự cảm thông chia sẻ với tôi. Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Quang Thuấn, trong lời phát biểu của mình cũng ghi nhận lời phát biểu của tôi là rất chân thành.

3. Trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục dành thời gian để đầu tư, hoàn thiện đề tài “Nghiên cứu nghệ thuật thư họa trong tranh dân gian Việt Nam” để xuất bản, và hy vọng công trình này sẽ sớm đến tay bạn đọc.

Hà Nội, Ngày 21 tháng 12 năm 2018
N.X.D

_______
 

Phụ lục: Xin giới thiệu bài viết về Đạo văn của Giáo sư Vũ Hà Văn để cùng tham khảo

Đạo Văn 

Vũ Hà Văn
26/2/2018

Hiện tượng đạo văn ngày càng được nhắc đến nhiều hơn trên báo chí, và nhận được sự quan tâm của xã hội. Trong bài này, chúng tôi muốn bàn tới khía cạnh học thuật của hiện tượng này.

Các hành động đạo văn thường được nhắc tới như sau.

Phát hiện: Trong bài báo của A và B có những đoạn giống hệt nhau. (Bằng chứng rõ ràng: bản sao của hai bài báo.) Vì bài của A viết trước của B, và xác suất hai người khác nhau viết một câu dài (hay một đoạn văn vài ba câu) giống hệt nhau là hầu như bằng không, chắc chắn B đã đạo văn của A.

Kết luận: Đạo văn là không thể chấp nhận được trong nghiên cứu khoa học. B cần phải được xử lý.

Hai bước này gần như rất logic và thống nhất với nhau. Nhưng thật ra giữa chúng có một bước ẩn. Đó là ta đã đồng nghĩa việc bài báo có những câu giống nhau với việc sao chép kết quả nghiên cứu. Việc không thể chấp nhận được trong khoa học là việc sao chép kết quả và phương pháp nghiên cứu mà không có trích dẫn.

Để có thể hiểu rõ mối liên quan giữa việc đạo văn một cách hình thức (hai bài báo có những đoạn giống hệt nhau) và sự kiện tác giả B sao chép kết quả và phương pháp nghiên cứu của A, có lẽ chúng ta cần đi sâu thêm một chút.

Trước khi nói về đạo văn, trước hết ta cần chỉ rõ: văn là gì ? Trong khuôn khổ bài viết này, văn là môt bài báo khoa học. (Chúng tôi xin nói thêm đạo văn trong khoa học và văn học có những chỗ khác nhau, nhưng ta sẽ không bàn ở đây.)

Một bài báo khoa học thường có cấu trúc như sau:

(1) Mở bài: Giới thiệu vấn đề, lịch sử của vấn đề, các kết quả đã có, các phương pháp đã được dùng vv.

(2) Thân bài: Giới thiệu kết quả mới, so sánh với các kết quả cũ.

(3) Thân bài: Thảo luận về phương pháp dẫn đến kết quả mới, độ tin cậy của phương pháp. Một số ngành, như toán, đòi hỏi chứng minh chặt chẽ.

(4) Cuối bài: thảo luận các vấn đề liên quan, phương hướng nghiên cứu trong tương lai.

Trên thực tế, rất hay có trùng hợp ở phần mở bài. Chẳng hạn, trong một nghiên cứu về chuối, Tiến sĩ A viết

….Trong bài báo”Một số nghiên cứu cơ bản về chuối”, tạp chí Chuối cả nải, số 21, năm 1978, các tác giả X,Y, Z, sử dụng phương pháp ngoại cảm và tích phân trong không gian đa chiều, đã chứng minh một cách tường minh rằng chuối khi chín vỏ sẽ màu vàng, tuy vậy trên một số quả chuối nhất định, vỏ có thể màu vàng chanh.

Vài năm sau, trong một nghiên cứu mới hơn về chuối, tiến sĩ B viết lại y hệt câu này.

Vậy đây có đích xác là một hành động không thể chấp nhận được ?

Bài báo của XYZ là môt bài rất nổi tiếng trong chuối học, và kết quả của họ là kinh điển. Nếu cả ông A và B viết về kết quả kinh điển này giống nhau, không phải chuyện quá ngạc nhiên. Thật ra viết khác nhau mới là lạ.

Phần mở bài, nếu mục đích là liệt kê lịch sử của một vấn đề đã được nghiên cứu lâu, thì các tác giả viết trùng nhau nhiều là điều dễ hiểu. Nếu vấn đề của tác giả A nghiên cứu là hoàn toàn mới và thú vị, do chính ông ấy nghĩ ra, và một thời gian sau, ông B đặt lai vấn đề này với những từ ngữ y hệt như của ông A, và coi nó như mới, khi đó là lúc vấn đề trở nên nghiêm trọng. Và nó nghiêm trọng ngay cả khi ông B không dùng những câu y hệt như của A.

(2) Nếu kết quả hai bài báo giống hệt nhau thì sao ? Bạn sẽ bảo, ồ thế thì đạo đứt đuôi rồi còn gì.

Nếu kết quả của bài báo A là “chúng tôi thực hiện tiêm Vaxin 456F tại Nigeria, và trong số 124 hà mã được tiêm, 32 con có phản ứng rõ rệt, cụ thể là béo lên rất nhanh”, và ông B viết lại y hệt câu này như một kết quả của ông ấy, trong khi chưa bao giờ đặt chân đến châu Phi (và rất có thể cũng chưa bao giờ nhìn thấy hà mã) thì chính xác, hành động của ông không thể được chấp nhận.

Nhưng trường hợp sau thì sao?

Ông A “Chúng tôi chứng minh giả thiết “rùa đi rất chậm” của giáo sư C, đặt ra năm 1902, là hoàn toàn đúng, trên cả hai phương diện lý thuyết và thực nghiệm.”

Ông B “Chúng tôi chứng minh giả thiết “rùa đi rất chậm” của giáo sư C, đặt ra năm 1902, là hoàn toàn đúng, trên cả hai phương diện lý thuyết và thực nghiệm.”

Trong trường hợp này, kết quả chỉ là giả thiết là đúng hay sai thôi.


Nếu A và B cùng chứng minh môt giả thiết, thì kết quả của họ (nếu cùng đúng) giống nhau là điều tất nhiên. Nếu đây là môt giả thiết nổi tiếng, thì chắc chắn họ buộc phải trích dẫn kết quả của nhau, vì tất cả các nhà nghiên cứu trong ngành sẽ biết về các kết quả này. Nếu họ chưa làm, biên tập của tạp chí mà họ gửi bài chắc chắn sẽ nhắc nhở họ.

Nếu giả thiết không có gì thú vị, khả năng A và B chả biết gì về nghiên cứu của nhau là có, vì rất có thể cả hai cùng không tin là có người thứ hai trên đời quan tâm đến vấn đề này. Và gần như chắc chắn biên tập cũng không biết gì về vấn đề này hết để có thể nhắc nhở họ.

(3) Phương pháp và lý luận: Thật ra đây mới là phần đạo văn dễ xảy ra nhất. Và nó không xảy ra ở dạng mà ta nêu ra ở đầu bài, tức là ông nọ sao chép y bản chính toàn bộ lý luận của ông kia vào. Làm như vậy quả thật quá dốt, và tác giả xứng đáng được xử lý.

Cái nguy hiểm thật sự của đạo văn trong khoa học, thật ra là đạo ý tưởng.

Ý tưởng mới hay phương pháp mới chính là phần quan trọng và tinh tuý nhất trong nghiên cứu. Nhưng nó cũng là thứ khó đóng khung nhất. Bởi ý tưởng có thể thể hiện qua rất nhiều cách, mà nhìn qua chúng có vẻ khác nhau. Một nhà nghiên cứu, cả đời may mắn có 2,3 ý tưởng hay phương pháp mới mà thôi. Trong âm nhạc, một nhạc sĩ cũng chỉ sáng tác theo 2,3 phong cách. Đôi khi cả đời chỉ một phong cách cũng có rất nhiều. Nicolas Cage là một diễn viên nổi tiếng, nhưng trong phần lớn các phim, anh chỉ thoại theo một kiểu.

Tác giả lấy ý tưởng người khác, xào nấu theo một cách khác, hoặc thay đổi một vài chi tiết, và lấy đó làm ý tưởng chủ đạo của mình, cái này mới thật sự là vấn đề lớn trong khoa học, gây ra vô số tranh cãi. Học trò thầy giáo nhiều khi không nhìn mặt nhau là thường. Trong khi đó, các bài báo của họ không có câu nào trùng nhau hết.

Cách tự vệ của nhiều nhà nghiên cứu là đặt cho ý tưởng (phương pháp) mới của họ môt cái tên dễ nhớ, như “chuối lượng tử” (tên khoa học đầy đủ: xác định độ dày của vỏ chuối bằng phương pháp lượng tử), gần như một dạng đăng ký bằng phát minh.

Cách này có thể thành công, nếu ý tưởng mới rất đặc biệt, hoặc nhà nghiên cứu nọ là một cây đa cây đề không ai dám trêu vào, hoặc nhiều năng lượng đi vòng quanh quả đất quảng bá cho công trình của mình. Nếu không, rất dễ ý tưởng đó sẽ được nhắc lại, dưới một dạng hơi khác, và với một cái tên khác.

Qua đây ta có thể thấy việc đạo văn trong khoa học phức tạp hơn lộ trình hai bước nêu ở đầu bài một chút, và trong rất nhiều truờng hợp, cần đến ý kiến của các chuyên gia. Nếu tuân thủ theo lộ trình 2 bước trên một cách cứng nhắc, thì có một ngày gần đây các chương trình máy tính sẽ trở thành các quan toà, và điều đó chưa chắc mang lại lợi ích cho khoa học.

(Các tên gọi và trích dẫn trong bài này hoàn toàn là tưởng tượng. Bất kỳ sự trùng hợp nào là ngẫu nhiên. Tác giả cũng xin thành thật xin lỗi hà mã vì đã gọi chúng là béo.)

Vũ Hà Văn
Nguồn: Học thế nào.


"
http://webcache.googleusercontent.com/search?q=cache:WGmPLN3v7rMJ:xuandienhannom.blogspot.com/2018/12/nguyen-xuan-dien-quanh-e-tai-khoa-hoc.html+&cd=1&hl=en&ct=clnk&gl=vn


"
http://xuandienhannom.blogspot.com/2018/12/nguyen-xuan-dien-quanh-e-tai-khoa-hoc.html

Rất tiếc, trang bạn đang tìm trong blog này không tồn tại.
"

1.





1-8-2017





Ảnh chụp tài liệu được rao bán trên mạng

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự Do – Hạnh phúc
ĐƠN TRÌNH BÁO VÀ ĐỀ NGHỊ
Kính gửi: Ông Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam và Ban lãnh đạo Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam
Tôi là: NGUYỄN XUÂN DIỆN, Tiến sĩ, công tác tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam.
Địa chỉ: 183 Đặng Tiến Đông, Quận Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại:                          E-mail:
Tôi làm đơn này trình báo và đề nghị một việc sau:
Vừa qua, trên mạng xã hội facebook, tại trang có tên Thư viện Nhân học, do Ông Nguyễn Phúc Anh quản lý có đưa tin thư viện điện tử này hiện lưu trữ và sẵn sàng phục vụ những người có yêu cầu bản Scan và photocopy của 1702 đầu sách Hán Nôm mang ký hiệu kho Viện Nghiên cứu Hán Nôm đang quản lý, trong đó có nhiều bản Scan một số bộ sách quý như Toàn Việt thi lục (A.132 gồm 4 quyển 1492 trang), Toàn Lê tiết nghĩa  lục(A.2705), Nam Sơn tùng thoại (VHv.246/1).
Ông Nguyễn Phúc Anh hiện là cán bộ Bộ môn Hán Nôm, Khoa Văn học, ĐH KHXH và Nhân văn Hà Nội quản lý, Email: …….. , Điện thoại cơ quan: ………, Điện thoại di động: …….. (Theo website của Khoa Văn học).
Trên trang này, người ta còn ghi lời cảm ơn “TS Hán Nôm học N.X.D viện Nghiên cứu Hán Nôm và một số nhà nghiên cứu Hán Nôm khác”. Đặc biệt trong trang 01, của bản Danh mục các tài liệu mà họ có, gồm 1702 đầu sách, có 03 tài liệu có ghi: “anh NXD gửi”.
Đây là một việc hết sức nghiêm trọng, cho thấy Kho sách quý của Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã bị thất thoát; và Thư viện Nhân học khẳng định có liên quan đến việc quản lý và một số nhân sự của Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
Thưa Ông, trong những năm vừa qua, Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã scan toàn bộ tài liệu sách cổ, in vào đĩa CD và cất giữ tại kho của Viện, chỉ vài người quản lý và chịu trách nhiệm. Bản Scan chỉ có 1 hoặc 2 bản có giá trị ngang nhau và được coi như một bản sách cổ vì chỉ lưu trữ mà không phục vụ đọc. Con số 1702 đầu sách là con số rất lớn chiếm gần 2/5 kho sách cổ của Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
Sau khi tôi phát giác và đưa lên email group (mạng thư điện tử của riêng Viện Nghiên cứu Hán Nôm) vụ việc nghiêm trọng này đã nhận được sự quan tâm sâu sắc của cán bộ trong Viện.
Theo đề nghị của tôi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm Nguyễn Tuấn Cường đã họp toàn cơ quan vào sáng ngày 13 tháng 7 năm 2017 để lắng nghe ý kiến của cán bộ trong viện quanh vụ việc này. Tại cuộc họp, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm nhận định sự việc này là rất nghiêm trọng.
PGS.TS Trịnh Khắc Mạnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm và PGS.TS Đinh Khắc Thuân, nguyên Phó Tổng biên tập tạp chí Hán Nôm đều cho rằng Viện Nghiên cứu Hán Nôm phải có công văn báo cáo sự việc lên lãnh đạo Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam để Viện Hàn lâm có công văn đề nghị Bộ Công an điều tra làm rõ vụ việc.
Tôi làm đơn này, báo cáo với Ông Chủ tịch sự việc thất thoát rất nghiêm trọng xảy ra tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Đồng thời đề nghị Ông Chủ tịch và Ban lãnh đạo Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam sớm có chỉ đạo giải quyết điều tra làm rõ và có biện pháp xử lý thích đáng đối với các cá nhân tập thể có liên quan; đồng thời có biện pháp bảo vệ kho di sản Hán Nôm – tài sản vô giá của dân tộc, hiện đang lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
Tôi xin trân trọng cảm ơn!
Hà Nội, Ngày 31 tháng 07 năm 2017
Người làm đơn
Nguyễn Xuân Diện

 https://baotiengdan.com/2017/08/01/ts-nguyen-xuan-dien-gui-don-len-chu-tich-vien-han-lam-khxh/




---



BỔ SUNG 2


1.

Vụ nguyên hiệu trưởng bị tố cáo “đạo văn”: “Mượn” trên 10% phải ghi tên đồng tác giả!



Vụ nguyên hiệu trưởng bị tố cáo “đạo văn”: “Mượn” trên 10% phải ghi tên đồng tác giả!
Báo Pháp Luật TP.HCM hôm qua đăng bài “Nguyên hiệu trưởng một trường đại học bị tố “đạo văn”” nêu việc PGS-TS Ngô Đức Thọ cho rằng GS-TS Nguyễn Đình Hương đã “đạo văn” quyển Các nhà khoa bảng Việt Nam 1075- 1919.
GS-TS Hương cho rằng ông không đạo văn mà chỉ tham khảo. Thế nào là đạo văn, trường hợp này có đạo văn không?
Hành vi “luộc văn”, “đạo văn”  rất rõ ràng
Theo thông lệ, bất kể “sản phẩm tinh thần” nào nếu bị “mượn” từ 10% nội dung trở lên thì công trình mới kia bắt buộc phải ghi tên “đồng tác giả”, ít nhất cũng phải gộp thành mục riêng và có ghi tên tác giả. Đây là sản phẩm tinh thần, tác giả phải đổ mồ hôi, nước mắt mới có được. Tôi không chấp nhận cách trả lời của GS Nguyễn Đình Hương khi nói rằng mình chỉ tham khảo. Đây là hành vi  “luộc văn”, “đạo văn”  rất rõ ràng.
Năm ngoái, cuốn sách của tôi bị “đạo” 20 trang. Tác giả phải xin lỗi công khai trên báo Đất Việt. Bà Đoàn Thị Lam Luyến, Giám đốc Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam, cho rằng nếu câu chuyện “đạo văn”  chỉ cần giải quyết bằng một lời xin lỗi thì tính răn đe còn quá nhẹ. Và bà nhận định rằng một phần lý do thực trạng “đạo văn”  diễn ra hằng ngày trên khắp các lĩnh vực là do chúng ta chưa có chế tài xử lý nghiêm.
Bây giờ “đạo văn”  đã tràn lan, chúng ta không thể thờ ơ được nữa rồi. Những tác phẩm “đạo văn”, không có phát hiện gì mới về mặt học thuật (tư liệu không mới, kiến giải không mới, kết quả không mới, đề xuất không mới) mà vẫn được in ra, vẫn được trả nhuận bút, vẫn đem lại bổng lộc và chức vị cho người xào xáo. Điều này hết sức bất công, không những làm lãng phí tiền của của nhà nước và nhân dân mà hành vi dối trá này còn vi phạm đạo đức xã hội, đạo đức khoa học và kìm hãm sự phát triển của học thuật.
Đã đến lúc phải gióng hồi chuông cảnh báo giới trí thức đang bị lún sâu vào vấn nạn “đạo văn” này, đồng thời có biện pháp xử lý thật nghiêm minh nếu như muốn có một nền học thuật lành mạnh, minh bạch và phát triển. Một số người còn đề nghị phải xem xét tội “đạo văn”  như một tội phạm kinh tế nữa vì cho rằng việc “đạo văn” không chỉ làm phương hại đến sự tôn nghiêm của học thuật và nghệ thuật, ảnh hưởng đến trình độ dân trí mà nghiêm trọng hơn là ảnh hưởng đến kinh tế đất nước vì đã dùng tiền đóng thuế của dân để trả cho những những sản phẩm không có tính sáng tạo của những kẻ lười biếng.
Vấn đề này đối với nước ngoài, được làm một cách triệt để. Sách bị phát hiện “đạo văn”  bị thu hồi, hủy, giải thưởng đã được trao cũng bị tước, những công trình “đạo văn”  liên quan đến việc xin các chức danh học hàm, học vị thì cũng sẽ bị tước học hàm, học vị. Điều này tạo lập nên ý thức của các thế hệ nghiên cứu. Họ càng trung thực bao nhiêu trong các công trình của mình thì càng được đánh giá cao bấy nhiêu. Do vậy, việc nghiên cứu khoa học cũng sòng phẳng, những phát kiến mới được đánh giá cao, mặc dầu những phát kiến này không đi xa thế hệ trước là bao nhưng sự minh bạch trong học thuật này sẽ tạo ra sự minh bạch trong khoa học và bớt đi những kẻ muốn tiến thân theo cái lối “dậu đổ bìm leo”.
TS NGUYỄN XUÂN DIỆN, Phó Giám đốc thư viện thuộc Viện Nghiên cứu Hán Nôm
“Đạo” 2/3 nội dung, không thể nói là tham khảo
Ông Thọ muốn làm rõ “đứa con tinh thần” của mình có đúng bị “đạo” không có thể gửi đơn thư đến chỗ chúng tôi. Hội đồng giám định sẽ vào cuộc và làm rõ. Kết luận sẽ chỉ có một lỗi: ăn cắp hay không. Một quyển sách mà 2/3 nội dung bị “đạo” thì không thể nói rằng tham khảo. Và việc anh đã nhận tiền nhuận bút, cho dù chỉ là một xu thôi cũng là vi phạm, phải bồi hoàn tiền cho tác giả gốc. Số tiền này là thỏa thuận giữa hai bên, nhà nước không can thiệp. Ngoài ra, nếu trong vụ này, PGS Thọ yêu cầu thu hồi tác phẩm “đạo” này, NXB cũng phải làm theo.
Theo quy định, NXB phải chịu trách nhiệm và sẽ bị phạt trong vụ việc này. Bản thân tác giả “đạo văn” cũng phải xin lỗi công khai trên một tờ báo.
Ông PHẠM VIẾT ĐÀO, Trưởng phòng Thanh tra hành chính và chống tham nhũng của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch
Tôi khuyên dẫn nguồn tác giả
Tôi nhớ GS-TS Nguyễn Đình Hương có đến trung tâm, có đưa một danh sách phân vùng để nhờ xem lại địa danh có đúng không. Khi bác Hương xin đọc tài liệu ở phòng Nghiệp vụ, có hỏi giám đốc trung tâm rằng trong hai cuốn sách Các nhà khoa bảng Việt Nam 1075-1919 của PGS-TS Ngô Đức Thọ thì nên tham khảo cuốn nào cho chuẩn. Trung tâm đã khuyên GS Hương nên tham khảo cuốn tái bản lần hai. Ngoài ra, tôi cũng khuyên phải dẫn nguồn sách tham khảo.
Bà ĐỖ THỊ TÂM, phụ trách Trung tâm Thông tin hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu Quốc Tử Giám
Đây còn là chuyện đạo đức
Tôi thấy cách trả lời của ông Hương trên báo Pháp Luật TP.HCM thật buồn cười. Ông ấy đã đến nhà tôi và thừa nhận bản liệt kê lý lịch trích ngang của các TS Nho học từ thời Lý đến thời Nguyễn có “đạo” 350 trang trong tổng số gần 600 trang (chiếm hơn 60% nội dung cuốn sách) từ cuốn sách Các nhà khoa bảng Việt Nam của tôi, thế mà lại nói không phải mình sai. Ông Hương đã thừa nhận với tôi rằng ông đã có công “sắp xếp lại gần 300 TS theo các địa phương”.
Không chỉ chuyện “đạo văn” , đây còn là chuyện đạo đức.
PGS-TS Hán Nôm học NGÔ ĐỨC THỌ
TỐ NHƯ ghi

"Đạo văn" là gì?

Cho đến nay rất nhiều định nghĩa về "đạo văn" (plagiarism) đã được đưa ra. Những định nghĩa này có khác nhau ít nhiều về mặt kỹ thuật, chẳng hạn như phân biệt các mức độ chép từ bản gốc:

- Chép nguyên văn (đạo văn - plagiarism),

- Chép một phần và chế một phần  gọi là paraplage (có thể do ghép hai từ paraphrase và plagiarise, tạm dịch là “độn văn”)...

Diễn đạt lại hoặc dịch lại ý tưởng của người khác có phải "đạo văn"?
Nếu diễn đạt lại ý tưởng của người khác bằng lời của mình chứ không chép nguyên xi thì có bị xem là "đạo văn" không? Ngay cả khi câu chữ đã bị thay đổi hết nhưng ý tưởng gốc không đổi thì vẫn là bị xem là "đạo văn" như thường. Tuy nhiên, trong trường hợp này cần chứng minh nghi can "đạo văn" có biết đến tác phẩm gốc, hoặc thậm chí là có sẵn tác phẩm đó trong tay khi sửa lại câu chữ. Hiện tượng này có thể tạm gọi là “nhái văn”, một dạng của "đạo văn", nó giống như làm hàng nhái, cũng là một loại ăn cắp ý tưởng.
Không cố ý, phải chăng là "đạo văn"?
Việc vô tình hay cố ý không có can hệ gì ở đây. Hành vi sử dụng tài liệu mà không chú dẫn tự nó đã đủ để buộc tội một người nào đó là "đạo văn" rồi.
(Trích bài viết của TS Vũ Thị Phương Anh biên dịch từ “Plagiarism in Colleges in USA” của Ronald B. Standler, công bố năm 2000 ; “Academic misconduct, definitions, legal issues, and management”  của P. A. Addison, công bố năm 2001).
--
http://plo.vn/xa-hoi/giao-duc/vu-nguyen-hieu-truong-bi-to-cao-dao-van-muon-tren-10-phai-ghi-ten-dong-tac-gia-196256.html



4 nhận xét:

  1. 'Đạo văn' từ trang thivien.net để in sách 'Đường thi quốc âm cổ bản'?
    28/12/2018, 08:39 (GMT+7)

    TS Nguyễn Phúc Anh (Trường Đại học KHXH&NV - ĐHQG Hà Nội) đánh giá: “Ông Nguyễn Xuân Diện đã ăn trộm thành quả nghiên cứu của người khác, gian lận khoa học ở nhiều cấp độ”.

    Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện - Từ 'đạo văn' đề tài cơ sở đến hàng loạt nghi vấn khoa học
    "Ăn cắp" bản dịch trên mạng?
    Cụ thể, ông Nguyễn Phúc Anh đã đề cập đến mức độ thứ nhất, kém cỏi nhất trong 5 cấp độ của “đạo văn”: Đó là người viết trắng trợn sử dụng toàn bộ công trình của một ai đó làm của mình. Sau khi so sánh và thống kê, ông Nguyễn Phúc Anh phải thốt lên: “Thủ thuật hai ông Nguyễn Xuân Diện và Trần Ngọc Đông “ăn cắp” bản dịch trên mạng và đứng tên mình hết sức đơn giản”.

    Trả lờiXóa
  2. 2. Bài đã xóa (lúc này, chiều tối ngày 30/12/2018, không truy cập được).

    Phải sử dụng bản lưu của mạng toàn cầu.

    "
    Thứ Hai, 24 tháng 12, 2018

    Nguyễn Xuân Diện: QUANH ĐỀ TÀI KH CẤP CƠ SỞ NĂM 2018 CỦA TÔI

    Trả lờiXóa
  3. 3.

    06/01/2019 06:53

    TS Trần Trọng Dương: Việt Nam vẫn là mảnh đất hoang về đạo văn


    TP - Đó là cụm từ được Tiến sỹ Trần Trọng Dương đưa ra sau vụ ồn ào về liêm chính học thuật gần đây. Ông cho rằng “Ở Việt Nam còn một loại đạo văn, đáng chú ý gọi là đạo văn dưới gầm bàn. Hiện tượng này xuất hiện trong không ít các đề tài giải ngân từ ngân sách nhà nước. Các đề tài kiểu này được chi theo định mức, có kế hoạch và thực hiện không chỉ trong các cơ quan nghiên cứu, các trường đại học mà còn trong nhiều cấp hành chính khác nhau”.

    Trả lờiXóa
  4. 5.

    Bảo đảm sự trung thực trong khoa học
    Thứ Sáu, 25/01/2019, 02:49:31
    Mới đây, sự kiện một đề tài khoa học cấp cơ sở không được nghiệm thu do mắc lỗi sao chép rất nặng, đã không chỉ thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu mà còn gây xôn xao trong dư luận. Sự kiện này một lần nữa cho thấy sự trung thực trong khoa học cần phải được đặt ra với yêu cầu khắt khe, đòi hỏi người làm công tác nghiên cứu cần tuân thủ nghiêm túc.
    Đề tài “Nghiên cứu nghệ thuật thư họa trong tư liệu Hán Nôm” là đề tài cấp cơ sở ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) do Tiến sĩ N.X.D. làm chủ nhiệm, thực hiện trong năm 2018. Lý do Đề tài này bị đánh giá không đạt chất lượng sau hai lần nghiệm thu đều do lỗi sao chép. PGS Lã Minh Hằng, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, người hai lần là Phản biện 1 trong Hội đồng nghiệm thu Đề tài cho biết: Sau nghiệm thu lần thứ nhất, Hội đồng đề nghị tác giả sửa chữa, bổ sung, khắc phục các lỗi đã được chỉ ra để hoàn thiện. Ở lần nghiệm thu thứ hai, các lỗi chỉ được sửa qua loa và Đề tài tiếp tục bị phát hiện còn nhiều sai sót. Vì vậy hai lần Đề tài này đều không đạt điểm trung bình sau khi Hội đồng chấm điểm (lần thứ nhất: 49/100 điểm, lần thứ hai: 45/100 điểm). Cụ thể: nghiệm thu lần thứ nhất, Đề tài đã bị chỉ ra 19 trang cắt dán trùng lặp giữa hai chuyên đề 1 và 2; nghiệm thu lần thứ hai, người phản biện tiếp tục chỉ rõ 106 (lần) lỗi sao chép (38 đoạn văn và 68 hình ảnh) song không dẫn nguồn tư liệu. Đó là nguyên nhân để Đề tài này không thể nghiệm thu.
    Trường hợp kể trên không phải là lần đầu và chắc chưa phải là trường hợp cuối cùng phải nhắc đến khi bàn về sự trung thực trong hoạt động khoa học, mà nổi lên là hiện tượng lâu nay thường được gọi là “đạo văn”. Hành vi đạo văn biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như: đạo ý tưởng, đạo cấu trúc bài viết... Trên thực tế, lỗi đạo văn thông thường hiện nay nhiều người mắc phải chủ yếu là hành vi sao chép y nguyên văn câu chữ của tác giả khác mà không ghi chú cụ thể nguồn gốc. Đáng buồn là nạn đạo văn như vậy lại đang diễn ra ở nhiều lúc, nhiều nơi, với nhiều cấp độ, khiến dư luận vô cùng bức xúc. Có thể dẫn chứng bằng một số thí dụ tiêu biểu gần đây như: Cuốn sách “Tìm hiểu đặc trưng văn hóa - dân tộc của ngôn ngữ và tư duy ở người Việt (trong sự so sánh với những dân tộc khác)” (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, H.2002) được Giáo sư N.Đ.T. cho ra đời bằng cách in lại phần lớn luận án của một tiến sĩ, một phần lớn luận văn của một thạc sĩ và một bài đăng tạp chí của một tác giả khác. Trong cuốn sách của Giáo sư N.Đ.T. có đến 130 trang “giống kỳ lạ” với một số công trình nghiên cứu đã công bố trước đó. Tương tự, tháng 8-2017, Phó giáo sư Đ.Đ.D., Trưởng khoa Lý luận chính trị và Giáo dục công dân thuộc Trường đại học Sư phạm Hà Nội, với tư cách là người hướng dẫn khoa học đã cho một học viên của mình vô tư “sao lại” luận án của một nghiên cứu sinh khác cũng do mình hướng dẫn, khiến dư luận không khỏi bức xúc trước phẩm chất của người thầy. Vụ việc đã bị xử lý nghiêm túc cả về chuyên môn và hành chính, nhưng ít nhiều đã làm ảnh hưởng xấu tới uy tín của cơ sở đào tạo nói riêng và của môi trường giáo dục nói chung.

    Trả lờiXóa

Khi sử dụng tiếng Việt, bạn cần viết tiếng Việt có dấu, ngôn từ dung dị mà lại không dung tục. Có thể đồng ý hay không đồng ý, nhưng hãy đưa chứng lí và cảm tưởng thực sự của bạn.

LƯU Ý: Blog đặt ở chế độ mở, không kiểm duyệt bình luận. Nếu nhỡ tay, cũng có thể tự xóa để viết lại. Nhưng những bình luận cảm tính, lạc đề, trái thuần phong mĩ tục, thì sẽ bị loại khỏi blog và ghi nhớ spam ở cuối trang.

Ghi chú (tháng 11/2016): Từ tháng 6 đến tháng 11/2016, hàng ngày có rất nhiều comment rác quảng cáo (bán hàng, rao vặt). Nên từ ngày 09/11/2016, có lúc blog sẽ đặt chế độ kiểm duyệt, để tự động loại bỏ rác.